Sunday, October 22, 2017

Nếu Biết Em Theo Chồng

________________

NGUYÊN NGÔN






Từng cơn gió nồm làm cho không khí buổi trưa hè dịu lại. Gió lả lơi hoa vàng, ve vuốt lá xanh, mơn man trên làn da, tạo nên một cảm giác thoải mái. Mùi hoa vú sữa hăng hăng pha lẫn mùi hoa mai chiếu thủy dịu nhẹ, thoang thoảng gợi lên trong lòng tôi những cảm nghĩ về các cuộc tình lãng mạn. Tôi đã hơn hai mươi tuổi rồi mà chưa một lần được yêu. Con nhà nghèo, ở một vùng quê hẻo lánh, tôi có tự ti mặc cảm rất nặng. Nhưng đồng thời tôi lại rất tự tôn về sự học hành của mình. Khổ nỗi, tự ti mặc cảm và tự tôn mặc cảm là một cặp luôn luôn đi chung trong tôi. Nó là hai mặt của một bàn tay, không thể tách rời. Chưa lần nào tôi dám tỏ tình trước một cô gái. Tôi sợ bản ngã của mình sẽ bị hủy diệt bởi một sự tỏ tình bị từ chối. Cũng có thể tôi chưa gặp được một đối tượng đủ sức thu hút để trổ cái tính liều mạng của mình ra.
Tôi vừa tốt nghiệp sư phạm, về nhà cha mẹ ngồi chờ bổ nhiệm vào đầu niên học tới. Một tương lai u ám đã được định rồi, không còn gì khiến tôi phải băn khoăn lo lắng. Tôi bị nhàn rỗi ngoài ý muốn, hay đúng ra đó là một khoảng trống vắng khó lấp đầy.
Nhưng bắt đầu từ buổi trưa nhàn rỗi hôm nay, tôi sẽ cảm thấy trong lòng đầy ứ, cần có người chịu nghe mình để tâm sự.
Dòng sông phẳng lặng trước nhà thiu thiu ngủ, bỗng cựa mình dợn sóng. Một chiếc xuồng con đang nhẹ nhàng lướt tới. Tôi nhìn xuống xuồng, bắt gặp một cô bạn quen, cô Liễu và một người con gái lạ. Tôi hỏi:
– Chào cô Liễu. Cô đi đâu đó?
– Đi chơi. Trưa nóng quá, bơi xuồng đi chơi.
– Vậy thì xin mời ghé nhà tôi chơi.

Tôi bước xuống bờ sông. Xuồng vừa cặp bến. Tôi đưa tay dìu cô gái lạ bước lên cầu. Tôi giựt mình, chới với trước vẻ đẹp của cô gái lạ, quên cả việc buông tay cô ra khi cô đã lên bờ:
– Chào cô.
Cô gái lạ thẹn thùa hai má ửng hồng. Chính vẻ thẹn thùa nầy làm gia tăng nét duyên dáng, quyến rũ của cô. Liễu đã cắm xuồng, bước lên bờ:
– Đây là cô Hoa, bạn cùng xóm với em. Đây là anh Ngôn, Liễu giới thiệu.
– Rất hân hạnh được đón tiếp Hoa ở vùng quê hẻo lánh nầy. Xin mời lên nhà chơi.
Trong nhà, má tôi, dì Út tôi và mợ Chín tôi đang liển trầu trên bộ ngựa lớn. Tôi thấy không tiện tiếp khách trong nhà, nhưng cả Hoa và Liễu đã ngồi vào giúp liển trầu rồi. Tôi vào trong nhà chuẩn bị vật dụng, muối ớt, lát sau tôi mời khách ra sau vườn ăn trái cây.

Bây giờ tôi nhìn người khách lạ kỹ hơn, Mái tóc cắt ngắn theo thời trang ốp gọn gàng vào ót. Khuông mặt sáng rực với đôi mắt tròn, to, đen lấp lánh, hai hàng mi rậm dài, cong lên. Chiếc miệng xinh xắn với đôi môi đầy đặn. Đặc biệt nhứt là nụ cười của Hoa. Nụ cười hồn nhiên, ung dung, tự tại, thoát trần. Nụ cười làm khuôn mặt nở hoa, làm ánh mắt bừng sáng, làm cả không gian rực lửa tươi vui, có sức tiêu trừ tất cả phiền não. Nàng mặc chiếc áo bà ba màu trắng ửng vàng nhạt óng ả, cắt may vén khéo. Chiếc áo rất mỏng manh, rất đơn sơ, phô diễn trọn vẹn thân vóc ngà ngọc, mỹ miều của nàng. Đôi gò ngực tròn đầy, căng phồng như muống xổ tung lớp vải mỏng. Đường chẻ vạt áo hơi cao hai bên hông, gió phất phơ tà áo để lồ lộ làn da nõn nà và chiếc bụng thon gọn. Hoa mặc chiếc quần bà ba bằng lãnh đen cắt vén khéo, không thừa, không thiếu, làm cho vòng mông như căng lên. Vẫn mặc bà ba, áo trắng, quần đen như những cô gái quê Miền Tây, nhưng Hoa không có vẻ gì của một cô gái quê hết. Đúng ra, phải nói là trang phục của cô được tinh chế từ bộ bà ba bình thường của các cô gái quê, biến nó thành một nghệ thuật ăn mặc, một kiểu thời trang. Một thứ nghệ thuật của đơn sơ, giản dị, tinh túy đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhứt.
– Hoa không phải người vùng nầy? Tôi hỏi
– Sao? Hoa cười cười để lộ nét tinh ranh trên sóng mắt, đầu hơi nghiêng nghiêng chờ đợi.
Tôi nghĩ, nàng chờ đợi một câu nịnh đầm của mình:
– Hoa cố tình ăn mặc cho giống người miền quê nầy, nhưng Hoa không dấu được vẻ sang trọng, nét đài các tinh anh của Hoa, thì làm sao giống được người miền quê. Tôi nói thật cảm nghĩ của mình, chứ không phải nịnh đầm.
Hoa cười lém lỉnh:
– Thôi đi anh. Anh nói một buổi mà vẫn chưa nói lên được, tại sao em không phải người vùng nầy.
Lậm nghĩ, cô nàng muốn mình nói rõ hơn lời khen của mình. Tôi tiếp:
– Này nhé, mái tóc thanh tú cắt ngắn hợp thời trang của Hoa, không phải của người thuộc vùng nầy. Dáng vẻ thanh lịch, đài các của Hoa không không phải của người thuộc vùng này. Nụ cười nở hoa đẹp rực rỡ của Hoa...
Hoa cười thành tiếng:
– Nụ cười đâu có dính dáng gì với việc phải hay không phải người vùng nầy.

Cả ba đã đến một cây cầu bằng thân cây dừa bắt qua mương không có tay vịn. Hoa cầu cứu:
– Cầu nầy em đi không được.
Cơ hội tốt cho tôi:
– Không sao! Để tôi dẫn qua. Đây là bằng chứng Hoa không phải là người vùng nầy.
Một lần nữa, hai má Hoa ửng hồng:
– Không, em sợ té lắm!
– Không té đâu, có tôi đây, đừng sợ. Hiệp sĩ trấn an.
Liễu qua cầu trước, lánh mặt. Tôi đứng đâu mặt với Hoa, nắm lấy hai tay nàng và đi lùi. Tôi đưa cao hai tay Hoa ngang hai bên để giữ thăng bằng đi qua cầu. Hai tay Hoa đưa lên cao nên ngực Hoa ưỡn ra cao hơn, bốc lửa. Tôi cảm thấy mình sắp bị đốt cháy do vóc dáng của người nữ phô bày gần như trọn vẹn trước mắt, sát bên cạnh.
Đôi trai gái tay trong tay nhau, đứng đâu mặt vào nhau, cách nhau gang tấc, trong khu vườn vắng. Cả hai đều e thẹn, không dám lên tiếng. Dường như chúng tôi nghe rõ nhịp tim đập mạnh của nhau. Cây cầu dừa dài khoảng hai thước mà tôi ngỡ như vô tận. Khi tới bờ, buông tay nhau ra, cả hai đều bẽn lẽn, sượng sùng đi nhanh về phía trước.
Tôi đưa Hoa và Liễu đến cây dừa lùn ở mí vườn, chỗ tiếp giáp giữa vườn và ruộng. Gió từ đồng trống thổi vào tạo nên một không khí dịu mát dễ chịu. Ngàn lá khua động thì thào một chuyện tình miên viễn. Những tàu lá chuối cong cớn, run rẩy mỗi khi gió lùa vào. Mấy đóa hoa rau muống màu tím nhạt bên bờ ruộng lả lơi, ngả ngớn trong gió. Gió mơn trớn lên má Hoa, ve vuốt lên làn áo mỏng manh, đùa nghịch trên da thịt của cô, tôi ngộp thở, ngây ngất mơ mình thành gió. Cả khu vườn vắng rún mình trong bầu không khí tình tự. Tôi lót hai tàu lá chuối xuống bãi cỏ, trong bóng mát, cho Liễu và Hoa:
– Liễu với Hoa ngồi đây đi, tôi đi bẻ dừa uống cho mát.
Tôi bước đến buồng dừa, lựa ba trái đúng nạo. Tôi bẻ dừa xong, vạt vỏ mang đến cho hai cô. Tôi bắt gặp ánh mắt ngỡ ngàng của Hoa, liền lên tiếng:
– Chờ tôi một chút.
Tôi đi cắt ba ống sậy, dùng đọt sậy xoáy bên trong ống cho sạch các phao trắng rồi đưa cho Hoa và Liễu. Giọng Hoa trầm xuống:
– Anh Ngôn tế nhị quá. Hồi nãy, anh đưa trái dừa đã vạt cho em, em bối rối, không biết làm sao mà uống. Không ngờ anh đọc được ý nghĩ của em, anh đi cắt ống sậy.
– Cám ơn sự thưởng thức của Hoa về cái ống sậy. Nước dừa uống vừa miệng không?
Anh lựa dừa tài quá, không quá già, cũng không non, vừa đúng nạo. Hay thật.
– Xin cảm ơn. Hoa ở Bình Tiên thật sao? Tôi hỏi.
Hoa cười tinh nghịch:
– Thì ra chính anh cũng không tin những điều anh nói lúc nảy.
– Nếu Hoa ở Sài Gòn thì làm sao Hoa đi xuồng cùng Liễu được.
Cho tới bây giờ Liễu mới chịu can thiệp:
– Hoa sinh ra và lớn lên ở Bình Tiên, đi học ở Sài Gòn.
– Thảo nào.
Hoa quay lại hỏi tôi:
– Thảo nào cái gì?
Tôi cười:
– Thảo nào Hoa ứng đối một cách thông minh nhanh nhẩu như vậy.
– Không có đâu, em ngu lắm.
– Tựu trường Hoa trở lên Sài Gòn hả?
Đôi mắt Hoa tối lại, nụ cười trên môi đã tắt. Ánh mắt Liễu trốn chạy. Tôi hụt hẫng: "Mình phạm điều cấm kỵ gì đây?" Không khí bỗng nhiên trầm xuống. Mãi lâu sau vẫn không có một lời nói. Ai cũng muốn thoát ra tình cảnh không lời nầy, nhưng không ai mở miệng được. Tôi đành gượng gạo:
– Để tôi thổi sáo cho Liễu và Hoa nghe.
Hoa vui mừng thoát ra được cảnh im lặng:
– Em có nghe chị Liễu nói về tiếng sáo Trương Lương của anh. Nãy giờ em muốn yêu cầu, nhưng không thấy ống sáo của anh đâu cả.
– Sau lưng tôi đây. Tôi xin thổi bản nầy để riêng tặng Hoa, bản Đa Tạ. Tôi cảm ơn Hoa đã đến hôm nay.
Tôi đưa ống sáo lên miệng, bắt đầu bản Đa Tạ. Liểu và Hoa ngồi lặng yên nín thở nghe. Tôi cố gắng thể nhập thân, tâm vào tiếng sáo. Trong cảnh vườn vắng vẻ, mọi người biến mất, chỉ còn lại âm thanh. Tiếng sáo dìu dặt, thánh thoát, lồng lộng vang lên, tỏa rộng cùng khắp ngàn cây, nội cỏ...
Tiếng sáo đã tắt từ lâu mà mọi người vẫn còn ngồi bất động, yên lặng. Âm hưởng tiến sáo như còn vất vưởng đâu đây.
– Tuyệt vời. Em muốn xuất hồn bay theo tiếng sáo của anh. Trong khung cảnh vắng lặng, thanh thoát nầy tiếng sáo có một năng lực huyền bí lôi kéo tâm hồn em vào một cỏi thênh thang, thoát trần... Hoa thở dài, ánh mắt u buồn xa xôi.
– Như vậy là Hoa đã nghe ra nỗi cô đơn của tôi rồi.
– Cho em xin đi. Anh mà cô đơn à? Trong hai xã Bình Tiên và Tân Phú Trung còn ai không biết anh. Kể từ sau cái ngày anh đứng lên trước mặt ông Tỉnh Trưởng, giữa phiên hội dân hai xã để đưa đơn thỉnh nguyện xin mở các lớp Bình Dân Giáo Dục và đã được ông tỉnh trưởng chấp thuận ngay tại chỗ, tên anh đã nổi như cồn. Không phải chỉ có người lớn biết anh, mà bọn trẻ tụi em cũng đã từng nghe đến tên anh.
Tôi hoang mang, trong khi mình chưa biết một tí gì về cô ta, thì cô ta lại biết khá nhiều về mình. Tôi gỡ gạc:
– Người quen là khác, bạn tâm tình để mình chia xẻ nỗi lòng thì chưa có.Tôi muốn nói đến người bạn mà tôi có thể chia xẻ cả cái nhục nhã, cái hư xấu cua mình.
– Anh cũng có những thứ đó nữa sao? Tôi nghĩ ở anh chỉ hội tựu những vinh quang, những điều tốt lành mà thôi.
– Cám ơn Hoa. Tôi chỉ là một con người, một con người bình thường, bao gồm tốt xấu, thiện ác, vinh nhục... đủ thứ.
Gió vẫn rì rào dịu mát.Tiếng đại bác trầm hùng, kinh khiếp từ xa vẳng lại. Hoa cất tiếng buồn buồn:
– Anh Ngôn có phải nhập ngũ không?
– Chưa. Nhưng bạn bè tôi nhập ngũ nhiều rồi, kẻ còn người mất. Chừng nào tổng động viên sẽ tới phiên tôi.
Chúng tôi sống trong một làng quê yên bình. Nhưng không khí chiến tranh vẫn lảng vảng phưởng phất gai góc đâu đó trong không gian. Không khí đang vui tươi bỗng nhiên trùng xuống. Chúng tôi lại rơi vào khoảng im lặng nặng nề. Tôi cố gắng dẫn lại không khí tươi vui ban đầu:
– Bây giờ chúng ta thiên đô về cây ổi.
– Anh làm như chúng ta là một triều đình vậy, Hoa cười.
Đến bên cây ổi, tôi lại chặt lá chuối cho hai cô ngồi, rồi trèo lên bẻ ổi. Lát sau tôi trở lại với mấy chùm ổi. Tôi lựa trái to nhứt, đẹp nhứt dành tặng cho Hoa và Liễu. Tôi đưa những miếng ổi đã chẻ và gói muối ớt đến hai cô. Hoa xít xoa khen lấy, khen để:
– Anh Ngôn đâm muối ớt khéo quá vậy. Ớt đỏ được nghiền nát làm cho muối ánh hồng lên. Ai không muốn ăn, thấy gói muối ớt của anh cũng phải thèm ăn chua. Anh lại lựa ổi một cách tài tình, không già để quá cứng, không chín để quá mềm, rất vừa ăn với muối ớt. Anh Ngôn luôn chu đáo đến từng chi tiết như vậy hả?
Thật là một lời khen quá khéo, lại do một người đẹp đưa ra, tôi thấy mát cả ruột gan. Cả đời tôi, không mấy khi được người ta tán thưởng:
– Cám ơn sự thưởng thức của Hoa. Tôi là dân vườn mà, chuyện nầy tôi làm hà rầm.
Hoa hướng nụ cười rực rỡ về tôi:
– Người ta hãnh diện là dân thành thị, trong khi đó anh lại hãnh diện là dân vườn.
– Không, là dân vườn tôi chẳng có gì để hãnh diện mà khoe khoang, nhưng cũng chẳng có gì hổ thẹn mà phải dấu diếm. Đó là sự thật mà. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nầy. Tôi là dân nhà quê chính cống.
Tôi bắt sang chuyện khác:
– Thường thường ăn ổi, người ta hay gọt bỏ lớp vỏ mỏng bên ngoài. Nhưng tôi nghĩ, ổi trên cây hái xuống đã sạch rồi, không cần phải làm sạch thêm. Vả lại, lớp vỏ ngoài là lớp hấp thụ nhiều ánh nắng và không khí, do đó lớp vỏ ngoài có nhiều sinh tố và dược chất hơn cả.
– Anh Ngôn hiểu mọi sự tường tận đến từng chi tiết.
Tôi nghĩ, hình như chúng tôi có cùng tần số rung động. Chẳng có điểm nào để tôi có thể "thấy ghét" Hoa được:
– Cám ơn Hoa, tôi vẫn còn thô lỗ lắm.
– Cầu mong cho mọi người trên thế gian nầy được thô lỗ như anh.
Lại một lời khen làm mát lòng người. Tôi thấy hai cô đã ngừng ăn, liền đề nghị tiết mục mới:
– Tôi có một cây mận khá đặc biệt, xin mời Liễu và Hoa đến thưởng thức.
– Anh nói là đặc biệt thì không thể tầm thường. Tôi tò mò muốn biết mùi vị ra sao. Liễu lên tiếng để kéo Hoa đi.
– Đặc biệt vì nó là cây mận xanh, khổ trái của nó cũng là khổ trái mận xanh....
Hoa cười thích thú:
– Thì cây mận xanh, có trái mận xanh là lẽ đương nhiên...
– Tôi nói chưa hết, nhưng nó lại ửng gân hồng tuyệt đẹp, lại ngon vì nó mọc xa bờ mương.
– Sao vậy, Hoa hỏi.
– Trồng mận để bán, người ta trồng sát mí nước để được trái sai và to. Trồng mận để ăn, người ta trồng ở chỗ đất sét và xa nước. Trái mận sẽ đặc cứng hơn, giòn hơn và ngọt hơn.
– Anh có vẻ thành thạo quá, cho em hỏi luôn...
– Hỏi đi.
– Người ta ăn cầu ngon. Sao lại cần phải đẹp?
Tôi nghĩ, nói chuyện với cô bé nầy thật thích thú:
– Hoa hỏi một câu rất thú vị. Thật ra, người ta sử dụng nhiều giác quan khác nhau để ăn. Vẻ đẹp, mùi thơm, hình dáng, màu sắc của thức ăn kích thích vị giác. Nhận thức của chủ thể ăn trước khi ăn, làm gia tăng sự thèm thuồng. Sau cùng, khẩu vị của thức ăn là sự tổng hợp của các cảm xúc đã có trước đó.
Hoa cười thành tiếng:
– Ăn cũng triết lý được. Phục anh luôn.
Tôi hái xong những trái mận chín, bày trên tàu lá chuối. Cả ba cùng ngồi ăn. Hoa vừa ăn vừa khen lấy, khen để. Hình như cô bé chỉ đợi có dịp để khen:
– Thật đúng như lời anh Ngôn giới thiệu, mận vừa giòn, vừa ngọt, mùi vị thật đậm đà.
Được khen tôi hí hửng, cầm trái mận lên giải thích:
– Khi lựa mận, người ta không dựa vào màu da trái mận, mà người ta nhìn vào cái mấu cánh xung quanh cái nhụy còn sót lại của trái mận. Khi nào cái mấu cánh nầy khô nứt nẻ là mận đã chín.
– Ở bên anh, em vừa được ăn ngon, vừa được học khôn rất nhiều. Hoa vui vẻ lên tiếng.
– Kể cả triết lý ba xu về ăn uống nữa, phải không?
– Đâu có ba xu. Anh nói đúng mà.
Nắng dịu lại. Chiều xuống. Ngày vui sắp tàn! Chúng tôi lại trở về cây cầu dừa. Hoa và tôi đã chuẩn bị tư tưởng nên không còn e dè nữa. Hoa chủ động đưa hai tay ra phía trước. Tôi nắm lấy hai tay Hoa. Chúng tôi im lặng nhìn thẳng vào mắt nhau. Hai sóng mắt chạm nhau. Một cảm giác rực lửa, rờn rợn, gai gai từ hai bàn tay Hoa truyền thẳng vào tim tôi. Đôi cồn ngực của Hoa gần chạm vào ngực tôi. Đôi tim đập mạnh như muốn phá vỡ đôi lồng ngực để cùng nhau hòa nhịp. Thời gian dừng lại. Trái đất ngừng quay. Gió ngừng thổi, các hành tinh đều định vị. Cả loài người biến mất, chỉ còn lại nàng và tôi. Ôi, cái nhìn thầm lặng còn ý nghĩa hơn cả vạn lời nói. Ngôn ngữ loài người trở thành thừa thãi. Thế gian nầy chỉ cần sóng mắt mà thôi. Sóng mắt của Hoa đã hiện diện từ vô thủy đến vô chung. Tôi chết ngộp trong sóng mắt của nàng, không còn cứu vãn được nữa.
Nhưng rồi, chúng tôi cũng đã qua bờ mương bên kia. Chúng tôi vẫn chưa buông tay nhau. Hoa cất giọng run run nhỏ nhẹ:
– Với ai, anh Ngôn cũng galant như vậy hả?
– Không, chỉ với Hoa thôi.
Mắt Hoa bỗng dưng tối sầm lại, nàng giựt hai tay ra. Đây là một thái độ khước từ. Cả bầu trời sụp đổ. Đất dưới chân loãng ra. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Cỏ cây quay cuồng, đảo lộn. Không khí sánh đặc lại. Tôi đứng không vững, phải ngồi xuống. Không, tôi té ngồi. Tim ngừng đập. Máu ngừng lưu thông. Hơi thở khô cứng. Khung cảnh trước mắt thành hư ảo. Tôi tan ra, bốc hơi, biến mình vào hư vô. Tôi chẳng hiểu gì cả. Tận thế rồi!
Hoa lặng lẽ đi nơi khác. Liễu bước lại, nói nhỏ vào tai tôi:
– Người ta sắp lên xe hoa rồi mà.
– Trời ơi!
– Em xin lỗi đã không nói cho anh biết trước.
Tôi bị trời trồng tại chỗ. Thật lâu sau tôi gắng gượng đứng dậy, đưa hai cô vào  nhà. Chúng tôi đến sau nhà. Tôi đưa hai cô đến bên lu nước, múc một gáo nước, buồn bã lên tiếng thì thào:
– Liễu với Hoa lại rửa tay.
Hoa bước lên trước, đưa hai tay ra, nhìn thẳng vào mắt tôi. Lại sóng mắt. Sóng mắt nầy sẽ là nỗi nhớ ám ảnh suốt đời tôi. Tôi xối nước nhè nhẹ lên tay Hoa. Tôi trôi theo dòng nước, đến chạm nhẹ lên tay nàng. Một cái gì căng cứng, nghèn ngẹn trong ngực tôi. Tôi cố gắng trấn định tâm thần. Đôi bàn tay Hoa nhỏ nhắn, xinh xắn chà vào nhau. Tôi móc khăn tay đưa cho Hoa. Một lần nữa, sóng mắt chạm nhau. Hoa dịu dàng:
– Em cám ơn anh. Anh chu đáo đến từng chi tiết nhỏ không ngờ. Trong đời em, em chưa bao giờ được hưởng sự chăm sóc như vậy. Và em cũng chưa bao giờ được hưởng một ngày hạnh phúc đầy đau khổ như hôm nay.
– Thành thật xin lỗi về những thất thố của tôi, đã làm cho Hoa buồn.
– Không, anh đã cho em một ngày hạnh phúc trọn vẹn. Anh hoàn hảo quá, không có chỗ nào để trách anh được. Đau khổ là tại em.
Hoa làm ngơ như quên đi, không trả lại chiếc khăn tay. Tôi tiễn hai cô đến bờ sông, xuống tận xuồng. Chiếc xuồng con từ từ tách bến. Tôi vẫn còn đứng tần ngần, ngẩn ngơ trông theo. Từ đây tôi phải đương đầu với nỗi nhớ thương, đau khổ. Ánh mắt long lanh giọt buồn của Hoa đã trở thành nỗi ám ảnh trong những đêm dài trăn trở của tôi.
*
Sau một tuần ray rức hằng đêm, tôi nhận được quà của Hoa. Đó là bản nhạc Thương Muộn. Tôi muốn khóc khi đọc ngay dòng đầu của bản nhạc: "Nếu biết em theo chồng, còn gì anh nói không. Vì ngày mai em gái lên xe kết hoa hồng". Tôi ôm bản nhạc vào lòng, mơ màng đến hình ảnh Hoa ngồi bên cạnh chồng mà lòng thì đang tưởng nhớ tôi. Tuần sau tôi trả lễ bằng bản Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao với dòng đề tặng: "Để sau nầy Hoa tập cho con Hoa hát và nhớ bảo rằng, đây của cậu Ngôn." Bản nhạc bắt đầu bằng câu: "Thôi hết rồi người đà xa tôi."
Thật là mỉa mai, chúng tôi đã dùng giọng lưỡi tình nhân mà nói với nhau, nhưng chúng tôi vẫn chưa hề nói tiếng yêu. Đã chưa nói tiếng yêu mà bây giờ chúng tôi nói tiếng từ ly! Tình yêu của chúng tôi là một sự thật hiển nhiên, không cần phải được thừa nhận, không cần phải được sự chấp nhận của hai người trong cuộc. Trời sinh ra hai người, cùng lúc, trời sinh ra tình yêu cho đôi lứa. Chúng tôi được sinh ra để mà yêu nhau, và yêu nhau trong nghịch cảnh.
Từng giờ, từng giờ ray rức, đau khổ, nặng nề, chầm chậm đi qua. Đã hơn một ngàn hai trăm giờ đi qua, một tháng mười bảy ngày kinh khủng đi qua! Tôi trăn trở từng đêm tự hỏi, thời gian là liều thuốc cứu chữa đau khổ, hay là nỗi kinh khủng chất chồng thêm lên.
Thời gian hè nặng nề qua đi. Tôi đến từ biệt bạn bè để ngày mai đi lãnh sự vụ lệnh nhận nhiệm sở, chánh thức chấm dứt tuổi hoa niên đầy mộng mơ. Đêm hôm đó, tôi ra Bình Tiên để từ giã Hạnh, người bạn chí cốt thuở học trò. Đang ngồi trong nhà Hạnh, Liễu đến nói nhỏ vào tai tôi:
– Anh ra ngoài đường, có người muốn gặp anh.
Bên ngoài trời tối đen như mực. Tôi tự hỏi, ai muốn gặp mình vào giờ nầy. Tôi đến bờ sông, đã có người đứng đợi sẵn: Hoa! Sự gặp gỡ này ngoài dự liệu, tôi chưa bao giờ dám tưởng tượng ra:
– Hôm nay là lễ vu qui của Hoa mà?
– Vâng.
Chúng tôi đứng im lặng bên nhau. Không một tiếng nói. Không một va chạm xác thịt. Chúng tôi đã thành tượng đá. Chúng tôi đã đứng đó từ thượng cổ cho đến bây giờ. Thời gian qua, chúng tôi vẫn còn đứng đó, im lặng, chấp nhận. Cuối cùng Hoa run run lên tiếng:
– Ngày mai anh đi Cao Lãnh nhận sự vụ lệnh bổ nhiệm, anh cho em theo đi.
Tôi bị tá hỏa tam tinh, trời đất đảo lộn, quay cuồng. Trái đất nổ tung. Tôi bàng hoàng nghẹt thở. Tôi nằm mơ cũng chưa chắc nhận được đề nghị nầy. Tôi bị bất ngờ như đại bác nổ bên tai. Tôi chỉ mơ hái được trái xoài trên đỉnh ngọn cây xoài, nào ngờ cả một hành tinh rụng xuống đè bẹp tôi. Thật là một đề nghị táo bạo, dữ dội. Lời đề nghị nầy chỉ có thể được phát ra từ một tình yêu dũng mãnh, quyết liệt, phi thường. Hoa đã dám xóa bỏ tất cả, đánh đổ tất cả, chấp nhận quên mình để được yêu, một tình yêu trong sáng, thuần khiết, không vẩn đục chuyện phàm trần, lấp lánh như viên kim cương, to lớn như vũ trụ.
Đâu đây tiếng sụt sùi thổn thức nhè nhẹ trong đêm.
Trong đầu tôi bỗng hiện lên hình ảnh ngày mai, lễ rước dâu không có cô dâu. Ba má Hoa sượng sùng xấu hổ. Nhà trai và chú rể bẽ bàng ngơ ngác. Họ hàng hai bên bỡ ngỡ. Rồi chuyện đổ bể ra, ba má tôi sẽ vô cùng xấu hổ vì hành động của con mình. Cả Hoa và tôi vĩnh viễn phải bỏ xứ hay sao? Tôi lại nghĩ tiếp về thân phận mình, với đồng lương kém cỏi của một giáo viên, tôi có đủ khả năng tạo cho Hoa một cuộc sống đần ấm hạnh phúc hay không? Tôi vẫn muốn học lên nữa mà. Trời ơi! Sao khổ thế nầy!
Tôi bậm gan, trân mình để khỏi té:
– Thôi em về đi cho kịp làm lễ Bái Từ Đường để ngày mai lên xe hoa. Sau nầy được tin em sống hạnh phúc bên chồng con thì anh cũng mãn nguyện lắm rồi.
Bóng Hoa vụt chạy trong đêm. Cuộc đời bỗng chốc thành vô nghĩa. Tình yêu vô nghĩa. Sự sống vô nghĩa. Các giá trị đều vô nghĩa. Sự học hành vô nghĩa. Ăn uống nằm ngồi nói năng vô nghĩa.
Tôi cảm thấy mình tồi tệ, thô bỉ, ích kỷ, hèn hạ, nhỏ mọn, ti tiện, tục tỉu, khốn nạn... Tôi không phải là con người. Sống, không dám sống. Yêu, không dám yêu. Nói, không dám nói. Chỉ đi theo lối mòn của người đời đã vạch. Tôi chưa hề hiện diện trên cõi đời, chỉ có những khuôn mẫu đạo đức, luân lý, những lối mòn hiện diện.
Vậy mà tôi còn dám ra cái điều chịu đau khổ hy sinh cho hạnh phúc của người yêu, để rồi khoan khoái phủi tay là mình đã làm được một việc thiện! Tôi đã đẩy người yêu vào địa ngục gia đình, phải sống bên cạnh người mình không thương cho đến suốt kiếp. Đạo lý cuộc đời  bị đảo ngược hết rồi.
*
Ba mươi ba năm sau.
Tôi về quê xây mộ cho ba tôi, tôi gặp lại Diêu, người bạn tâm tình thuở xưa. Anh ta vẫn hậm hực về chuyện tình chưa có hồi kết cuộc của tôi. Anh ta đi tìm số điện thoại và địa chỉ của Hoa cho tôi. Sau ba năm kết hôn, Hoa đã ly dị. Hoa vẫn sống độc thân vơi hai con đã trưởng thành. Hoa là chủ một tiệm ăn tại Sài Gòn.
Tôi gọi điện thoại cho Hoa. Đầu dây bên kia lên tiếng:
– A lô.
– Tôi là Nguyên Ngôn ở Hòa Lan đây, cho tôi nói chuyện với bà Hoa, được không ạ.
Đầu dây bên kia im lặng thật lâu. Tôi hỏi lại:
– Sao im lặng vậy?
– Anh làm em đứng tim luôn. Để em hoàn hồn thở một chút.
– Thở đi. Em có muốn gặp anh không?
– Anh hỏi vô duyên. Sao lại không muốn gặp anh cho được.
Tôi và Hoa hẹn nhau ở một quán nước. Trong khi chờ đợi, tôi kêu một trái dừa nhấm nháp. Một người đàn bà phốp pháp, tóc điểm sương, lưng hơi còm bước vào, đến bên bàn tôi cười cười.
– Anh nhận ra em không?
– Không, nhưng bây giờ biết rồi. Em khỏe không?
Tôi đứng dậy, đẩy ghế mời Hoa ngồi.
– Cám ơn anh, em vẫn thường.
– Em uống gì?
– Như anh đi, để nhớ lại trái dừa sau vườn nhà anh. Anh thấy em thế nào?
– Anh nhìn em qua cô bé Hoa của ba mươi ba năm xưa. Tôi tránh né câu trả lời, để khỏi phải nói lên những ghi nhận hiện tại của mình.
– Anh thất vọng. Em đâu còn dấu vết nào của cô bé Hoa  ba mươi ba năm xưa!
– Em nhìn anh thế nào? tôi hỏi.
– Em nhìn con người hiện tại của anh.
– Em sẽ không nối kết được những rung động đã dành cho anh trong quá khứ.
Hoa nghiêm trang:
– Những hào quang của anh, nét thu hút của anh, những thứ đã làm em ngất ngư, điên đảo, đã thuộc về quá khứ rồi. Những rung động, những cảm xúc mãnh liệt em đã dành cho anh trong khoảng thời gian dài, đã chìm vào quá khứ. Bây giờ ở bên anh, em mong muốn mãnh liệt những rung động, những khao khát nẩy lửa đó sống lại. Nhưng em sẽ thất bại!
Cả Hoa và tôi đều thất bại. Chúng tôi đã không tìm được con người vĩnh cửu của nhau trong dòng sống thời gian.

Nguyên Ngôn


5 comments:

Phieu Tran said...

Nếu biết mai đây Hoa lấy chồng
Trời ơi ! Ngôn ạ, có buồn không ?
Dửng dưng hái mận trao từng trái
Bốn mắt nhìn nhau; lệ ứa tròng ?

Lanh Nguyễn said...

Nếu biết ngày mai em theo chồng
Đất trời sụp đổ bởi cuồng phong
Tại anh hay tại đời cay nghiệt
Giả biệt tình thầm hết ước mong.

Quang Minh said...

Chưa biết là em sắp có chồng
Mở lời mật ngọt giọng bướm ong
Âm thầm xao xuyến lòng cô gái
Nhè nhẹ len vào mở cửa tim

Khi biết ngày mai em lấy chồng
Tuy buồn chẳng tiển kẻ sang sông
Nhưng người tìm đến theo xa chạy
Sửng sốt khuyên em vẹn chữ tòng

Nức nở lên xe pháo nổ hồng
Nghe tim tan nát tợn pháo bông
Biết nhau quá muộn nên đang dở
Duyên tình như có lại như không





Quang Minh said...

Duyên tình tưởng có lại như không

Nguyên Ngôn said...

Rất cám ơn Phiêu Tran, Lanh Nguyễn, Quang Minh.
Thật là khoái trong bụng khi thấy truyện ngắn của mình gơi hứng được thi sĩ cho ra thơ.
Nguyên Ngôn