Thursday, February 8, 2018

ĐÓN MẬU NÀY NHỚ MẬU XƯA.


____________
Vũ đăng Khiêm


Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, mới thoáng mà  năm mươi năm tết Mậu Thân 1968 đã qua, nhưng những hình ảnh của những ngày đón tết năm xưa vẫn in hằn trong tôi.
Phá thông lệ hưu chiến hằng năm vào dịp tết Nguyên Đán, những người cộng sản mà đại diện là Hồ chí Minh đã gian xảo cho lệnh tổng tấn công toàn miền Nam tự do với chủ lực là thành phần quân của MTGPNM, khi tung lực lượng này vào trận chiến, những lãnh tụ trong bộ chính trị có thâm ý thử sức  và nếu có tổn thất thì
 lực lượng này sẽ yếu đi dễ nắm đầu. Lịch sử đã chứng minh là sau ngày 30-4-1975 không được bao lâu thì lực lượng này không còn một chút quyền hành gì.

Vào thời gian xẩy ra biến cố Mậu Thân, tôi đang là một anh chàng tập tễnh đi một hai theo nhịp trống quân hành trong thời gian huấn nhục tân khóa sinh, vũ khí mới biết tháo ráp khẩu garand M1 với kẹp đạn 8 viên, tập bắn trên bãi tập độ vài lần, đón xuân với bộ đồ tác chiến rộn thùng thình, đầu tóc cắt ba phân, đội chiếc nón sắt nặng chình chịch, những mơ tưởng đón tết ba ngày không bị khóa đàn anh hò hét chạy, lăn bò, nhảy xổm... Nhưng sáng ngày mồng hai, Đà Lạt cũng chịu chung một số phận cùng các thành phố khác, súng nổ đó đây, quân trường đã điều động hai đại đội tân khóa sinh với quân số 60  lính tò te lên GMC để ra giải tỏa trường trung học Yersin (Ở Đà Lạt vào tết năm đó, VC còn xuất hiện ở Giáo Hoàng học viện, khu trại Hầm ). Chúng tôi được thả gần mục tiêu, là lính  nên  di chuyển theo đội hình cẩn thận, vì trong thành phố nên trên đường tiến quân đôi khi gặp nhà dân, tôi lom khom đi theo sườn đồi và khi được lệnh, nằm ghìm súng vào mục tiêu quan sát, một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được là giữa lúc như vậy thì tôi nghe bịch, theo phản ứng tự nhiên tôi lăn mấy vòng liên tiếp, trong khi tai nghe : bánh chưng, bánh chứng đó, nhìn ngoái lại thấy một  phụ nữ  hé cửa lấy tay chỉ vào chỗ chị vừa liệng, tôi liền đưa tay lên vẫy liên tục mấy cái cám ơn. Khi còn cách trường độ vài trăm mét theo đường chim bay, tất cả chúng tôi dàn hàng ngang bên dưới một thung lũng, lúc đó khoảng mười giờ, trời hơi âm u nên tầm nhìn bị giới hạn, ai cũng chăm chú quan sát mục tiêu thì bất chợt từng loạt AK nổ dòn ( Trong khi QLVNCH vẫn còn trang bị carbin M1+M2, Thomson và garand ) cành thông và lá thông rơi lã tã trên đầu chúng tôi, nhờ những gốc thông đan kín, nên chúng tôi không ai hế hấn gì. Phiá chúng tôi chưa nổ súng, vẫn im lặng di chuyển. Do địa thế bất lợi, chúng tôi được lệnh di chuyển đến một cao ốc gần đó đặt đại liên trên nóc tòa nhà và từ nơi này dàn quân khống chế mục tiêu. Mặt trời đã gần đứng bóng, tỏa sức nóng làm chúng tôi thấy ấm hơn, vì sáng đi vội nên chưa có gì dằn bụng, nằm chăm chăm theo dõi từng động tĩnh trong mục tiêu, thỉnh thoảng  thấy một vài bóng người chạy qua chạy lại, từng loạt súng nổ, tuy nhiên xạ trường bị thông che nhiều nên không biết địch có bị tổn hại hay không, cứ như vậy nằm chờ lệnh mới cho đến khoảng năm giờ chiều, chúng tôi được lệnh đi vào mục tiêu, trên đường đi, ngón tay trỏ lúc nào cũng sẵn sàng trên cò súng, không thấy động tĩnh gì. Khi vào khuôn viên trường mới nghe là toán vc do áp lực từ hai mặt (Mặt phiá nam do địa phương quân đánh vào)nhắm không cầm cự được nên chém. vè rút lui. Mệt nhoài, tôi ngồi tựa vào cây cột của hành lang đến khoảng hơn sáu giờ chiều thì trường cho chở bữa cơm chiều đến, dù cơm canh đã nguội nhưng  ăn rất ngon lành vì buổi trưa nhịn đói, sau đó chúng tôi trụ lại thêm vài tiếng nữa mới di chuyển về quân trường.
Khi mở chiến dịch tổng tấn công, đầu lãnh của cộng sản hy vọng chiếm được một số thành phố , kêu gọi tổng nổi dậy nhưng chiến dịch đa số ở các nơi chỉ kéo dài được khoảng mười ngày (Ngoại trừ tại Huế, chúng bám trụ được hai mươi sáu ngày với thành tích thảm sát khoảng bảy ngàn dân, quân cán chính). Mười ngày ngắn ngủi nhưng theo thống kê, số người ra đi trong thời gian này là một trăm bốn mươi ngàn (140.000), đó là chủ trương “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”  của những kẻ theo Mao-Mác, đam mê quyền lực, gây cuộc chiến tương tàn nồi da xáo thịt.  Buồn thay cho dân tôc mình!.


2 comments:

Lanh Nguyễn said...

Đón xuân nầy nhớ xuân xưa

Xuân xưa ta hẹn lúc giao thừa
Ai ngờ pháo giặc rớt như mưa
Đêm xuân tiếng súng thay tiếng pháo
Máu nhuộm sân trường ta tiễn đưa

Xuân nầy trở lại chốn hẹn xưa
Xác em tan nát đã bao mùa
Thân anh lưu lạc đời khách trú
Bóng rủ, chiều tà xuân tới chưa?

lengochongthuy@gmail.com said...

Cám ơn anh VK cho đọc lại một thời của lịch sử khó quên.
Sống trên đất Khách, xuân về lòng vẫn ngậm ngùi...
Hồng Thúy