Saturday, February 24, 2018

Tản mạn ngày đầu xuân qua bài Kệ Tết của Jesse Peterson & TẾT TA TẾT TÂY của tác giả Trần Kiêm Đoàn





Kệ Tết

Thứ ba, 6/2/2018 | 01:36 GMT+7  164 Lưu

Gần đây tôi tham gia một chương trình trên truyền hình về Tết Tây.
Tôi tự hỏi liệu ban biên tập có đọc những bài báo của tôi trong hai năm qua không mà họ dám mời tôi tham gia talk show này. Hay họ mời tôi vì tôi là một người nước ngoài biết tiếng Việt? Người dẫn chương trình đặt câu hỏi cho tôi: “Chào anh Jesse Peterson. Sắp tới là Tết Tây, anh Jesse có mong đợi ngày đó không?”. Họ cứ mong tôi sẽ trả lời “Yes! Tết Tây là một ngày rất vui”, rồi tôi tiếp tục nói, “Cảm ơn đã mời tôi tham gia chương trình ngày hôm nay! Chúc mừng năm mới các bạn Việt Nam!”.
Nhưng họ há hốc miệng khi nghe tôi nói: “Không! Năm mới - Tết Tây là một ngày giả! Nó được thiết kế khi Hy Lạp muốn xoá bỏ phong tục của các dân tộc xung quanh và tạo nên một năm mới giả, ở giữa mùa đông”.
Thật vô lý khi ngày chào mừng năm mới ở giữa mùa đông. Trong khi, 20 tháng 3 mới là ngày chính giữa của mùa xuân. “Tết Tây” đã được thiết kế bởi Hoàng đế của Rome - Julius Caesar. Ông Caesar đã xâm lược rất nhiều bộ lạc của người châu Âu. Nhằm ngăn chặn việc họ nổi dậy chống lại mình, Caesar làm một ngày lễ mới - ngày đón năm mới ở giữa mùa đông.
Tôi không mong đợi năm mới theo cách đó. Tôi sẽ thành lập năm mới cho riêng tôi, 20 tháng 3. Và mặc kệ những phong tục của người xưa cũng như mưu đồ của họ. Nhưng khi lên sóng, đài truyền hình kia đã cắt đi phần tôi nói rằng Tết Tây là một ngày giả và tôi không muốn hùa theo nó. Chắc họ cho rằng đó là chủ đề nhạy cảm.
Tết Ta sắp tới rồi. Nó gần mùa xuân hơn Tết Tây. Điều tôi thích ở Tết Ta là khi người Việt Nam trang trí ở ngoài nhà với hoa mai, hoa đào. Nó có thể là biểu tượng của sự khởi đầu mới và là đại diện của môi trường thay đổi khi xuân tới.
Nhưng tôi không có ý so sánh các ngày Tết với nhau. Rõ Tết Việt Nam hẳn “có liên quan” với người Việt hơn Tết Tây nhiều. Nhưng tôi cũng thấy Tết Việt Nam bây giờ cũng có nhiều vấn đề quá. Giờ đây nó quá “human centric”, nghĩa là nó tập trung vào sự ích kỷ của con người nhiều hơn là lúc để chúng ta quan sát, hiểu ý nghĩa của sự vận động môi trường, vạn vật. Điều này khiến ta trở nên ích kỷ và quên đi Mẹ Thiên nhiên.
Có nhiều điều tôi không thích ở cách người Việt đón Tết ngày nay. Đó là người ta quá vất vả những ngày trước Tết. Họ bị stress khi phải chuẩn bị cho Tết, có người còn cãi nhau. Rồi các quan niệm như không được mặc áo đen, người đầu tiên đến nhà bạn phải mang may mắn, ép nhau ăn uống đến mức hệ tiêu hóa không làm việc kịp, không ăn thì bị giận (có lần tôi đã lén ném thức ăn dưới gầm bàn)… Và độc hại nhất với văn hóa truyền thống là họ dùng Tết để lấy cơ hội hối lộ, đút lót, biếu xén nhau. Trong các phần quà Tết ít khi thiếu phong bì tiền. Phong tục lì xì bị lạm dụng quá nhiều. Trẻ con hư sớm theo người lớn vì chúng chỉ mong phong bì lì xì chứ không phải yêu thích Tết.
Trong Tết mọi thứ đều bị đẩy giá cao hơn. Khi bị hỏi tại sao, họ chỉ nói “Tết mà”, không thèm giải thích sâu sắc hơn. Mấy năm trước, tôi đi phượt ở miền Tây. Đến khách sạn, họ bảo vì tôi là người Tây, tôi phải trả tiền thêm, và vì đây là Tết rồi.
Tết xong rồi, tôi không thấy mình vui hơn, không thấy là tôi biết nhiều điều hơn về thế giới, không thấy môi trường tốt hơn, không thấy người nghèo khá hơn và có gì tốt đẹp hơn để hy vọng cho năm mới.
Tôi thấy nó giống như nhiều phong tục của ngày xưa. Ý nghĩa của nó đang bị sự ích kỷ của loài người tiếp tục ăn hiếp hay lợi dụng. Khi có nhiều điều xấu đến thế, làm sao nó có thể đem tới văn hóa đạo đức hơn và điều tốt đẹp hơn cho Việt Nam?
Nên tôi cố tình kệ Tết. Tôi sẽ đi du lịch hay khóa cửa nhà, không bước ra ngoài trong vòng một tuần cho đến khi tôi đã đọc mười quyển sách và ăn sạch cái tủ lạnh.
Còn người Việt Nam, nếu còn yêu và trân trọng ngày “Tết Ta”, tôi nghĩ nhiều người cần bày tỏ tình yêu đó theo một cách khác.
Jesse Peterson
(Nguyên bản tiếng Việt)

TẾT TA TẾT TÂY

13/02/201811:03:00(Xem: 1080)

Bảy mươi hai tuổi, được “ăn” 36 Tết Việt và 36 Tết Tây, nhưng cho đến phút nầy (26 tháng Chạp âm lịch) tôi vẫn bồi hồi hướng vọng về không khí Tết truyền thống của quê hương.

Có lẽ lý thuyết “thành hình lai lịch” (Identity Formation) của ngành Tâm lý học ứng dụng thời nay cũng hơi đáng tin khi cho rằng: Lại lịch căn bản nhất của mỗi con người được hình thành từ khi 3 tuổi và phát triển đạt mức ổn định tới 13 tuổi. Điếu nầy có nghĩa rằng, nếu là một người Việt như bạn, qua Mỹ sống sau năm 13 tuổi thì suốt đời còn lại, chất Việt vẫn đậm đà hơn chất Mỹ trong người bạn. Đang nhớ Tết lại đọc được bài viết bằng tiếng Việt toàn ròn của Jesse Peterson, nên tôi xin có đôi lời… phụ họa.  

Anh bạn Huê Kỳ Jesse Peterson không biết đã được “ăn Tết” trên quê hương tôi nhiều năm như tôi đã “ăn Tết” trên quê hương Anh không. Nhưng anh đã sống, cảm nhận và chia sẻ những ý nghĩ theo ý hướng duy lý của anh vào lứa tuổi đã trưởng thành; nghĩa là khi chúng ta đã xa rời thế giới thần tiên của tuổi thơ, già dặn đủ để biết rõ Ông Già Nô En – Santa Claus – trong đêm Giáng Sinh, ông Táo về Trời 23 tháng Chạp và những hình tượng đã làm thơm ngát hương hoa trong lòng trẻ thơ, vốn là những giấc mơ huyền thoại truyền thống trong văn hóa dân gian mà dân tộc nào cũng có.

Nhưng mỗi kỷ niệm đều có tâm cảnh, mỗi cảm xúc đểu có hoàn cảnh và mỗi nhóm chữ đều có ngữ cảnh riêng của nó. Đem cái nhìn chung chung, đưa cái nhận định và suy diễn đầy duy lý khách quan vào một khung cảnh văn hóa hay xã hội đặc thù nào đó thì phải dè chừng sự khập khiễng và tính không vừa vặn sẽ làm cho cảm tính thành máy móc và xa lạ.

Có vẻ như anh Jesse đã áp đặt tính máy móc đó vào khái niệm “Tết Tây”.

Tây, Mỹ làm gì có… Tết!

Riêng tại Hoa Kỳ mỗi năm có hằng chục ngày lễ lớn nhỏ, nhưng lễ hội lớn nhất vẫn là Giáng Sinh. Trong lúc đó Việt Nam dồn tụ lại hầu hết những ngày lễ lớn nhỏ vào trong một dịp trọng đại nhất là ngày Tết Nguyên Đán.

Ý nghĩa trọng đại của Ngày Tết trong văn hóa phương Đông tương đương với ý nghĩa lễ Giáng Sinh của Phương Tây. Nếu anh Jesse đem ngày 20 tháng 3 dương lịch hằng năm tại Mỹ như là một sự quy ước vật lý ngày cuối của mùa Đông chuyển qua ngày đầu của mùa Xuân trên đất nước của anh để diễn dịch với ý nghĩa “Xuân vế Tết đến” trên quê hương chúng tôi thì quả thật là một cố gắng ứng dụng những cột mốc thời gian không đồng bộ chút nào.

Nếu anh Jesse lấy những hiện tượng xã hội tiêu cưc của một thời như thế giới người lớn lạm dụng ngày Tết để ăn chia quà cáp, vay trả vật chất với nhau… để ví von và so sánh với đồng tiền lì xì mừng tuổi cho trẻ thơ thì không đúng. Thật ra, không có người sai mà chỉ có người chưa có cơ hột trải nghiệm thực tế hay có được thông tin đầy đủ mà thôi. Chút tiền lì xì mừng tuổi có truyền thống lịch sử bằng chiều dài của đất nước chúng tôi; nhưng bởi vì anh Jesse chưa bao giờ nhận phong bì lì xì trên đất nước của anh thì làm sao anh hiểu được “miếng giữa làng, bằng sàng trong bếp” đã đem lại niềm vui tinh thần cho biểu tượng “lì xì” trong lòng văn hóa đất nước chúng tôi như thế nào!

Tất cả những cột mốt thời gian như lễ hội, giáng sinh, ngày Tết tựu trung cũng chỉ là sản phẩm “tiện dụng” của con người. Khi sự tiện dụng đó trở thành bất tiện thì cũng chính con người tự ý thay đổi. Như trường hợp Nhật Bản chẳng hạn, cả nghìn năm trước, có chung ngày Tết như Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng từ thời Minh Trị Thiên Hoàng canh tân đất nước, năm 1873 Nhật quyết định bỏ “ngày Tết cũ” đồng thời với Trung Quốc để chọn ngày đón mừng Năm Mới theo lịch Gregorian của phương Tây thì cũng là sự thay đổi tự nhiên thôi. Cũng thế, các dân tộc tại hợp chủng quốc Hoa Kỳ đều có lý do lịch sử và truyền thống của họ để chọn “ngày Đầu Năm Mới” riêng cho nòi giống của mình. Nghĩa là tất cả đều có “Ngày Giả” riêng của họ để chọn làm ngày Tết. Và sẽ không có gì là “vô lý” cả như Jesse phàn nàn về ngày đầu Năm Mới của phương Tây vì không có hoa mai, hoa đào… đầy xuân sắc nở như dịp “Tết Ta” nên anh không chấp nhận. Nhưng đối với nhiếu người thì chính trong không khí mùa Đông lạnh lẽo đầy băng tuyết, cây khô trụi lá như thế mà người Âu Mỹ đã biến cây thông thành cây Giáng Sinh  – Christmas Tree -- đẹp rục rỡ với cách chưng bày và trang hoàng muôn màu, muôn vẻ như những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời thì đâu cần phải bận tâm với mai đào, cúc thọ.

Rồi biết đâu, thế giới đang chuyển mình vào quỹ đạo “văn hóa toàn cầu” như hiện nay thì đến một lúc sẽ có “Ngày Tết Làng Địa Cầu”  trong tương lai không biết chừng.

Anh bạn Jesse ơi! Tôi rất cảm kích và cám ơn vì anh đã đến với đất nước Việt Nam với tất cả chân tình như quê hương của mình. Anh lại viết tiếng Việt không thua gì người dân trong nước có trình độ tiếng Việt phổ thông lưu loát. Anh đã đi, đã sống và sinh hoạt với mọi tầng lớp người dân trong nước. Cũng như tôi đã sống, làm việc và tiếp cận với những người bạn Hoa Kỳ liên quan đến công việc trong gần năm mươi tiểu bang qua nửa đời người còn lại của tôi.

Anh Jesse có quá khắt khe khi có những nhận xét về tình trạng sinh hoạt hơi khác thường của người Việt Nam trong một thời điểm vui nhất của họ khi được cơ hội nghỉ ngơi và thưởng thức trong suốt năm làm việc cực khổ chăng?

Tôi cũng đã hòa mình trong bầu không khí hứng khởi, khác thường trên đất nước anh vào dịp Giáng Sinh, Thanksgiving, July 4… với những sinh hoạt cuồng nhiệt khác thường -- big sale 70% off, Black Friday, No Limit Eating and Drinking in Thanksgivings – Và bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã sống nhiệt tình để chia sẻ miếng ăn, thức uống và lời thăm hỏi chân tình với bao nhiêu người trong thế giới nghèo, Homeless, Run Away, Nursing Homes trên quê hương đất nước của anh.  

Anh Jessy giỏi tiếng Việt như thế mà đã có bao giờ đọc những câu thơ ngày Tết, tương tự như thế này chưa:

Khóa cửa, cài then: Xuân Vẫn đến
Kiêng ăn, tắt bếp: Tết xông về

Nghĩa là khi anh KỆ TẾT thì Tết sẽ “KỆ JESSE!”


No comments: