Friday, January 18, 2019

Ngày Xuân, kể chuyện đời xưa... Ngậm ngải tìm trầm

NGUYỄN PHƯƠNG
Sanh ngày 1 tháng 7 năm 1922. Làng Điều Hòa tỉnh Mỹ tho, Cựu học sinh trường Collège de Mytho, Chuyên viên Phòng Kỷ Thuật Sở Bưu Điện Saigon( 1943 – 1948), Soạn giả cải lương các đoàn hát Tiếng Chuông Bầu Cang, Việt Kịch Năm Châu,  đoàn Kim Thoa, đoàn Thanh Minh Thanh Nga, đoàn Dạ Lý Hương, Trưởng Ban Cải Lương Đài Phát Thanh Sàigon, Đài Quân Đội VNCH, Trưởng Ban KỊch Đài Truyền Hinh Saigon, phụ trách thu thanh hãng dĩa Continental, Quê Hương, Capitol Cholon, soạn giả truyện phim Triệu Phú Bất Đắc Dĩ, Con Ma Nhà Họ Hứa, Chàng Ngốc Gặp Hên, Lệnh Bà Xã, Hai Hình Ảnh - Một Cuộc Đời, và phụ tá đạo diễn các phim truyện hãng phim Mỹ Vân, hãng phim Mỹ Ảnh, hãng phim Dạ Lý Hương.


Định cư Montreal năm 1989, viết báo Nghệ Thuật 1992, báo Thời Báo Montréal, Toronto mỗi tuần một bài từ năm 1993 đến 2018, Phụ trách chương trình cổ nhạc đài Á Châu Tự Do RFA mỗi tuần một chương trình phát thanh trong thời gian 4 năm (2000- 2004) Đài SBS Radio Úc Châu 54 chương trình phát thanh,  đài RFI Pháp  hai năm (2006 - 2008).
                                                               
                                                                  X X X




Ngày Xuân, kể chuyện đời xưa...
Ngậm ngải tìm trầm

Mùa Xuân  Kỷ Hợi 2019, cái Tết con Heo năm nay sao mà bầu trời rơi quá nhiều tuyết, hoa tuyết nặng hạt bay cuồn cuộn mù mịt cả bầu trời. Không có tia nắng ấm,  không có làn gió xuân se lạnh, không có tiếng chim, không pháo nổ, không có cả những em bé xúng xính trong những bộ quần áo mới, tung tăng rũ nhau đi mừng tuổi cha mẹ để hưởng một gói tiền lì xì...như ở VN thuở xa xưa…
Tôi ở nhà Dưỡng lão Rosemont, uống trà đón xuân với các bạn già. Chúng tôi ngồi trong phòng sưởi ấm, nhìn qua khung cửa thấy cả một khoảng không gian màu trắng đục dật dờ lay động theo từng mãng tuyết bay.
Một ông bạn hớp ngụm trà nóng, nói : " Ở xứ người, trong những mùa xuân đầy  tuyết giá, được ngồi chuyện trò vui vẻ với các bạn đồng hương, tôi chợt nhớ hai câu thơ :
Hỉ đắc thiên nhai tri kỷ cộng
Tận tâm thù đáp thánh ân triêm.

Nguyễn Phương biết hai câu nầy ở trong bài thơ nào không? Và tác giả là ai ? »
Tôi nói:« Phải hỏi Lộc Bắc ở Hội Saim. Tôi không phải là một học giả chuyên nghiên cứu thơ mà cũng không phải là một nhà chuyên sưu tầm văn học nên tôi không thể trả lời câu hỏi đó. Có thể hiểu ý thơ, chớ tôi không biết xuất xứ và tác giả. Hai câu thơ: Hỉ đắc thiên nhai tri kỷ cộng,Tận tâm thù đáp thánh ân triêm
nghĩa là Chân trời vui được cùng tri kỷ, Đem hết lòng son báo thánh hoàng.
Câu dưới « Đem hết lòng son báo thánh hoàng » cho mình hiểu thơ nầy tác giả là một ông quan, trung thành với nhà Vua. Câu trên«Chân trời vui được cùng tri kỷ » thì có thể đoán là ông quan đó đi sứ, đến ngoại quốc, gặp bạn đồng hương, đồng tâm đồng chí nên mới cảm khái mà sáng tác ra hai câu thơ trên. Tôi chỉ căn cứ theo ý nghĩa của hai câu thơ mà đoán, còn muốn biết đích xác thì phải đi tra cứu nơi các sách vở xưa. Mà nói thiệt, muốn tìm điển tích văn học xưa, tôi thấy khó như chuyện ngậm ngải tìm trầm! »
Ông bạn phá ra cười:« Hai câu thơ kia chưa biết đích xác ai là tác giả, giờ lại  thêm bốn tiếng Ngậm ngải tìm trầm! Ngậm ngải tìm trầm là sao? »
Nhân dịp xuân về, tôi hân hoan khi thấy các bạn thích nghe kể chuyện nên tôi thuật chuyện thời tôi theo đoàn hát TMTN liên quan tới việc ngậm ngải tìm trầm :
Hồi năm 1963, đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga đang hát tại thành phố Nha Trang thì ở Saigon xảy ra cuộc đảo chánh ông Diệm. Tại Nha Trang ban đêm cũng có lịnh giới nghiêm. Các đơn vị Hải Quân, Trường huấn luyện Không quân và ngay ở tòa tỉnh trưởng, quân sĩ canh phòng cẩn mật, thái độ nghiêm túc, căng thẳng tưởng chừng như có thể sẽ xảy ra những cuộc chạm súng giữa phe đảo chánh và phe phản đảo chánh.
Bà bầu Thơ biết không thể đưa đoàn hát trở về Saigon trong lúc này, mà ở lại  Nha Trang thì e cũng không yên nên quyết định dọn đi hát trong các quận nhỏ như Đồng Đế, Nha Trang Thành, quận Tuy Hòa hay Ninh Hòa, để đợi tình hình êm êm rồi sẽ trở về Saigon.
 Đoàn đến hát ở quận Ninh Hòa, một quận lỵ nhỏ ở ven rừng núi, dân cư thưa thớt, chúng tôi thấy dường như quân đội và dân chúng ở đây chẳng quan tâm gì đến những biến động chánh trị đang diễn ra ở Saigon.
Ông thiếu tá Sinh, quận trưởng Ninh Hòa, trước đây là bạn thân của hai anh Hoàng Giang và Việt Hùng. Khi đoàn Thanh Minh Thanh Nga dọn đến thì ông quận trưởng đã đến rạp hát để kiếm hai anh ấy rồi mời bà bầu Thơ, Thanh Nga, hai vợ chồng Hoàng Giang - Kim Giác, Việt Hùng - Ngọc Nuôi và một số nghệ sĩ, soạn giả đến tư dinh của ông dùng cơm. Bửa cơm mà ông quận trưởng gọi là đạm bạc gồm có một con bê thui, nhiều thùng bia, hai chai rượu Whisky và mỗi nghệ sĩ dự tiệc được tặng một cây thuốc thơm Quân tiếp vụ. Đáp lại tấm thạnh tình đó, nghệ sĩ  luân phiên nhau ca nhiều bài ca vọng cổ để tặng ông bà quận trưởng và góp vui trong bửa tiệc.
Sáng hôm sau, ông quận trưởng cho hai xe jeep đến rạp, mời bà bầu Thơ, Thanh Nga và các nghệ sĩ đi tắm suối nước nóng, một thắng cảnh nỗi tiếng của Ninh Hòa. Thanh Nga,. bà bầu, Hoàng Giang - Kim Giác đi xe jeep với ông bà quận trưởng. Xe jeep thứ hai thì vợ chồng Việt Hùng Ngọc Nuôi, Thành Được, Hữa Phước và tôi ( Nguyễn Phương). Số nghệ sĩ khác, Kiên Giang, Hà Triều - Hoa Phượng đi xe hơi của đoàn.
Suối nước nóng nằm trong vùng đồi núi, sâu trong rừng chồi, cách quận lỵ Ninh Hòa độ 15 cây số. Đi trên đường tỉnh lộ hơn 10 cây số rồi quẹo tẻ vô đường đá đỏ nhỏ, nguyên trước đây là con đường làm cho xe be kéo cây từ trong rừng ra quận. Đường vô gần tới suối nước nóng gồ ghề, nhiều hang ổ nên xe phải chạy chậm lại. Đến gần 11 giờ trưa mới tới con suối nước nóng. Có người tới ngay cuối nguồn suối để tắm vì nơi đó nước ấm. Có người thì tới nơi có nước suối nóng nhất, để hột gà trong một cái giỏ rồi thòng xuống nước để làm hột gà « la kót ». Tôi, Kiên Giang, Hà Triều - Hoa Phượng, Ngọc Giàu và Bích Sơn đi vô mấy ngôi nhà sàn của người dân tộc thiểu số ở ven rừng, gần cuối nguồn suối để kiếm mua những võ quả bầu khô kỷ niệm chuyến đi chơi trong phum sóc của người dân tộc thiểu số.
Sau đó chúng tôi cũng xuống suối tắm, trững giỡn nô đùa như những em học sinh đi cắm trại nhân dịp nghĩ hè. Người thiểu số Rhadé thấy có nhiều người lạ ở thành phố đến tắm suối nên tới nhìn, có người mang trái gùi, trái cám, trái sim tới bán. Có một người thợ săn mang tới bán một con giộc( giống như khỉ) mà ông ta vừa bắn được. Chúng tôi thấy con giộc, hiếu kỳ bu tới xem nhưng không ai mua, chắc là không ai dám ăn. Ông quận trưởng mua con giộc, mua trái gùi và trái cám cho chúng tôi ăn thử. Trái gùi màu vàng chanh, ngọt ngọt chua chua, đi rừng nếu khát nước, hái được những trái gùi nầy để ăn giải khát thì chắc là «  đã » hết biết.
Gần hai giờ chiều, ông Quận cho bày thịt heo quay, bánh mì, nước suối Vĩnh Hão mà ông đã mua sẵn, chỡ theo xe cho chúng tôi ăn trưa. Ông cũng không quên mang theo một thùng bia. Trời quá nóng bức, rừng chồi lại im gió, chúng tôi lấy bánh mì thịt quay xong là chạy xuống suối ngâm mình, vừa ăn vừa tắm... Bổng trời sầm sập tối, mây giăng cuồn cuộn ngang trời. Bà Bầu Thơ sợ mắc trận mưa to bất ngờ, sợ Thanh Nga sẽ cảm nắng cảm lạnh thì nguy nên bà yêu cầu ông Quận Trưởng cho về Ninh Hòa liền. Mọi người thu xếp đồ đạt, dọn dẹp sạch những lon bia, chai nước suối và đem lên xe những thức ăn thừa. Xe vừa rồ máy thì trời mưa lớn như cầm chĩnh mà đổ. Xe hơi của đoàn lại giở chứng, « đề ma rưa » máy không nổ, xe không chạy. Nơi xe đậu là dốc núi, đường hẹp té mà lại gồ ghề,  không thể đẩy xe lấy trớn cho máy bắt chạy. Ông quận trưởng gọi ông chủ phum sóc ra, căn dặn giúp đở chúng tôi, xe của ông và xe jeep kia phải về quận lỵ sớm để cho anh em nghĩ ngơi, tối lại anh em còn phải hát. Tôi bận đi thì ngồi xe jeep, bận về tôi nhường chổ trên xe jeep cho Ngọc Giàu và Bích Sơn về trước. Tôi qua đi xe của đoàn, nên phải chờ sữa máy xe xong rồi mới có thể đi về được.
Trời mưa lớn như giông bão, gió mạnh từng luồng làm gảy đỗ nhiều nhánh cây, chúng tôi không dám ngồi trên xe mà phải đội mưa chạy theo ông chủ phum về mấy ngôi nhà sàn gần bìa rừng chồi, nơi đó có ít cây cao nhánh lớn, không sợ cây ngã đè chết bất tử. Ông tài xế lái xe lớn của đoàn hát mà cái «  gan » của ông ta bé tí xíu, ông ta cũng sợ bão tố bứng gốc cây rừng đè nên ông ta cũng chạy theo chúng tôi vô phum. Vậy là chiếc xe hơi của đoàn «  ăn banh » giữa rừng, tối nay chúng tôi ngũ rừng là cái chắc!
Ông chủ phum nói tiếng Việt lơ lớ nhưng tốt bụng, mọi người chúng tôi vô nhà sàn của ông, vừa vắc áo cho bớt nước mưa, ngồi vừa yên vị  thì ông chủ nhà đã lấy ra một bình rượu cần cho chúng tôi mỗi người « tu » vài ngụm cho nóng người lên. Hoa Phượng lên tiếng:« Anh Ba, anh là trưởng lão của tụi em, đêm nay ở lại trong phum, xin anh chỉ huy sắp xếp dùm.»
Theo lệ thường, khi tới địa điểm mới, những chổ nghỉ tốt thì ưu tiên cho ông bà bầu, các đào kép chánh, soạn giả rồi sau cùng mới đến các anh chị đào kép phụ, vũ nữ, vệ sĩ và công nhân sân khấu. Trong chuyến xe bị kẹt phải ngủ rừng đêm nay có bốn cô vũ nữ, tỳ nữ, chúng tôi bốn soạn giả, ba anh kép phụ( Chí Hiếu, Vinh Sang và Văn Ngà) anh tài xế và hai người công nhân dàn cảnh. Nhà sàn của ông chủ phum rộng, tôi biết ý của Hoa Phượng là nhờ tôi an bày chổ ngủ cho các cháu vũ nữ ưu tiên nên tôi quyết định sau khi ăn tối xong, các cô gái ngủ ở giữa nhà sàn, gần bếp lửa sưởi, anh em chúng tôi ai muốn thức sáng đêm nhậu rượu với ông chủ phum thì quây quần gần đó, còn ai buồn ngủ thì cứ lăn quay bên cạnh mà tự do ngáy. Tôi đưa hai tờ 500 cho ông chủ Phum nhờ mua gà nấu cháo và mua vài chai rượu đế.  Ông nhận tiền, gà thì có nuôi sẳn dưới nhà sàn, rượu đế thì ông cũng có mua dự trữ trong nhà. Chúng tôi may mắn được tạm trú qua đêm trong ngôi nhà của một ông đệ tử lưu linh, vậy là tối nay chúng tôi tha hồ uống rượu để thi gan với muổi rừng. Muổi có chích, có hút máu của tụi tôi đêm nay thì muổi cũng phải say mà lăn quay ra đó vì trong máu của đám đệ tử lưu linh này nhất định phải có chất men đủ sức để quật ngã mấy con muổi không biết hiếu khách như ông chủ phum.
Các cô vũ nữ và hai anh dàn cảnh xung phong làm bếp, làm gà nấu cháo, chỉ trong một thời gian ngắn là có ngay bửa ăn tối. Ăn xong, ngoài trời mưa vẫn không ngớt hạt, đêm nay chúng tôi đành ngũ trong rừng vậy. Chúng tôi ai cũng đã có trãi qua một thời ăn quán ngủ đình, nên bửa nay có ngủ bờ ngủ bụi thì cũng không sao, huống chi chổ ngủ là một ngôi nhà sàn rộng, tuy ở gần bìa rừng nhưng có lửa để sưởi ấm, có rượu đế để lai rai. Nói thiệt dẩu lúc đó xe hơi đã sữa chữa cho chạy được thì chúng tôi cũng không bỏ qua cuộc tiệc rượu bất ngờ và lý thú nầy. Rượu thì còn nữa bình rượu cần, rượu đế có hai chai, mồi nhậu có thịt gà xé phai, có khô trâu nướng của ông chủ nhà.
Rừng chiều, bóng tối xuống mau. Mây đen vẫn còn che kín khung trời. Mưa theo gió luồng quật phần phật cái cánh líp của nhà sàn nơi chúng tôi đang ở. Ông chủ phum đốt mấy cây đuốc bằng dầu chai, gắn xiêng xiêng trên bốn cây cột nhà nơi gian giữa. Ánh sáng chập chờn, chao đão theo từng cơn gió lùa qua cánh líp. Ông chủ phum hé cửa nhìn ra ngoài,  ông nói: « Mưa tới sáng chưa hết mưa đâu. » thấy chúng tôi có vẻ không tin tài đoán thiên văn của ông, ông nói tiếp: « Mấy con mối càng kéo từng đàn leo lên cái cột nhà kìa, mưa lớn nên nó đi trốn nước lụt đó. Mấy ông uống rượu chơi, tui đàn cho mấy ông nghe » Ông nói xong liền với tay lấy cây đờn gáo treo trên vách mà khi vô nhà của ông, chúng tôi không để ý nên không khám phá ra ông chủ nhà cũng là một tay nghệ sĩ dân dã.
Tiếng đàn gáo kéo cung dài, nghe lê thê buồn thảm, ông chủ phum kéo đàn, đôi mắt lim dim, cái đầu ngã tới ngã lui nhè nhẹ như gởi hồn theo tiếng đàn. Chúng tôi lắng nghe như là tiếng rên than của một oan hồn nào đó nơi miền rừng sâu nước độc...  tiếng đàn nghe đơn điệu, nhại đi nhại lại mấy câu như kiểu tiếng hò nơi đồng quê rẩy bái của người Hậu giang nhưng tiếng đờn gáo kéo nhừa nhựa, lê thê hơn, chúng tôi nghe mà cảm thấy một nỗi buồn mênh mang, xa vắng...
Bà chủ nhà và cô con gái chỉ ra chào hỏi chúng tôi khi chúng tôi mới đến nhà, sau đó thì hai người rút lui vô buồng trong nhưng đến khi nghe tiếng đàn, bà chủ và cô gái đi nhè nhẹ ra, lẳng lặng ngồi xuống cạnh ông chủ phum. Lát sau đó, cô gái khe khẻ hát theo tiếng đàn của cha, ca bằng tiếng Rhadé hay tiếng Miên, chúng tôi không hiểu nghĩa bài ca nhưng lời lẽ và giọng điệu như là lời thỏ thẻ tỉ tê của một cô gái đang tỏ tình với người yêu. Khi cô hát, đôi mắt long lanh, miệng cười chúm chiếm. Kiên Giang lấy sổ tay ra hí hoái viết. Tôi đoán là anh chàng thi sĩ ngắm nhìn đôi mắt đa tình của cô sơn nữ nên cảm hứng làm thơ.
Tiếng đàn và tiếng hát chen qua cánh líp, xông ra ngoài giữa lúc mưa gào gió thét thì liền được đáp lại bằng những tiếng réo gọi nhau ơi ới từ mấy ngôi nhà gần đó. Tôi nghe tiếng nâng cánh líp, ánh sáng mấy cây đuốc dầu chai bập bùng chao đảo theo bóng dáng của nhiều người đang lục tục kéo tới nhà sàn của ông chủ phum. Đó là những chàng trai, cô gái, có cả các ông già bà lão, những người ở trong phum sóc nầy. Thường khi nghe tiếng đàn của ông chủ phum, họ kéo tới để đờn ca nhảy múa cho đến khi họ mệt mõi mòn mới chấm dứt cuộc vui để trở về nhà ngủ hầu sáng hôm sau họ lại lên nương rẩy hay đi săn chim bắn giộc.
Mấy người mới đến có hai tay đờn cò, một người thỗi kèn bằng lá cây, một người đánh trống cơm, nhiều chàng trai và cô gái ca. Ông chủ phum nhường cây đàn gáo cho một ông bạn già, rồi vô nhà lôi ra một hũ rượu cần thiệt lớn để giữa sàn nhà đãi khách. Cuộc vui tiếp tục, tiếng đàn rộn rã hơn trước nhưng âm điệu cũng mang một dáng vẻ xa xôi hoang vắng. Cô con gái của ông ca, ông dịch cho chúng tôi nghe. Kiên Giang lấy sổ tay chép vội vàng :

Bởi vì em yêu anh
Nên anh yêu em mãi
Muốn tình yêu chung thủy
Em cắt tóc tặng anh.
Hỡi em yêu hiền lành
Mái tóc mềm đen nhánh
Anh mong điều may mắn
Trong chiếc kéo trên khay.
Em hãy ngồi xuống đây
Dưới tàn cây so đũa
Mái tóc em buông xỏa
Thay lời em yêu anh.
Một chàng trai lực lưỡng, tiếng hát mạnh bạo, âm hưởng vang xa, rất xa...
Nàng Rot giống như nguyệt thực
Đi tìm ai giữa ban ngày
Nếu anh có cánh anh bay
Tít trên tầng mây xanh thẳm
Giá như anh được bồng ẵm
Vầng trăng giữa đám mây kia
 Nhưng nguyệt thực chỉ mờ mờ
 Còn anh thì không  có cánh.
Một anh khác vừa kéo đờn cò vừa hát, ông chủ phum vẫn làm một thông ngôn bất đắc dĩ :
Anh cùng em bơi thuyền Chôôk Chôôk
Nhổ thật nhiều bông súng, em ơi
Nhưng, thôi không kịp nữa rồi
Mây đen kéo tới chân trời gần lắm.
Anh coi mây mưa, anh nghe tiếng sấm
Anh phải đưa em mau mau trở về
Anh bơi thuyền lẹ hơn cơn mưa
Không cho mưa rơi trúng mình em một giọt.

Kiên Giang, Hoa Phượng, Hà Triều và tôi thưởng thức giọng ca và lắng nghe ý nghĩa từng lời từng tiếng, nhưng dường như lối hát buồn buồn đơn điệu có vẽ thiếu hấp dẫn, nên ông chủ nhà  lấy trống cơm đánh bập bùng. Một anh bạn trẻ chạy xuống bếp lấy chiếc đủa cơm và cái nồi đồng lên để gỏ nhịp hòa theo. Mấy tay đờn liền đổi điệu, tiếng nhạc nhanh hơn, nhúng nhảy hơn, các cô gái, các chàng trai bước ra sóng đôi nhau mà nhảy điệu múa Lâm Thôn. Các cô vũ nữ của đoàn hát chúng tôi như được gảy vào chổ ngứa, khoái quá tủm tỉm cười, cũng bước ra nhập cuộc, nhúng nhảy rập ràng theo đúng điệu Lâm Thôn. Ông Chủ nhà vừa đánh trống, vừa múa và hát :
Điệu múa Rhadé thật tưng bừng
Mời thần thánh xuống, hãy vui chung
Kom phloong phloong ơi, trroất trroất
Nào, em có bằng lòng anh không?
Anh từ xa đến, hỡi em yêu
Thấy em xinh đẹp lại diễm kiều
Anh không hề chán, không hề nản
Hãy ngã vào anh, hồn phiêu diêu
Kom phloong phloong ơi, trroất trroất
Đôi ta vừa múa lại vừa hát
Điệu vũ Rhadé thật tuyệt vời
Như niềm vui không bao giờ dứt.
Bổng có một tiếng hú từ xa vọng lại... đúng là có một tiếng hú thật dài hơi xen vào tiếng đờn tiếng trống bập bùng trong nhà...Một tiếng hú giữa rừng khuya trong một đêm mưa to gió lớn, phải chăng câu chuyện ma hời hay con ma cà rồng là chuyện có thật như người ta thường kể xưa nay?
Không phải chỉ có một mình tôi nghe tiếng hú đó, mà tất cả mọi người đang dự cuộc vui đều nghe. Tiếng hú lại nỗi lên, kéo dài ra, nghe như rất gần mà cũng có vẻ như ở một nơi nào đó xa xôi theo gió vọng về. Trong nhà mọi người liền ngưng tiếng đờn tiếng trống, ngơ ngác nhìn nhau. Có người nói nhỏ : «  Nó lại về đó. Hể mưa to gió lớn thì nó về nó hú như vậy đó. »
Mấy người khách không mời mà tới lúc nảy, bây giờ vội vàng rút lui. Họ ra về vội vã, không kịp chào từ giả chủ nhà mà cũng chẳng nói với chúng tôi tiếng nào cả. Họ im lặng mà đi cho thật mau để trở về mấy ngôi nhà của họ. Tiếng hú giữa rừng khuya như một luồng mưa rào quật mạnh vô người nghe đến rát cả mặt. Cuộc vui đang lúc ồn ào nhất bổng trở lại cái cảnh im lặng một cách đáng sợ. Mấy cô vũ nữ của đoàn thì sợ ma, họ ngồi sát vào nhau quanh ngọn lửa. Có đứa muốn khóc, có đứa nói rởn óc nỗi gai cùng mình, có đứa cắn răng lại để đừng đánh bù cạp vì  run sợ. Tiếng hú lại nỗi lên, nghe như có như không trong đêm đen thăm thẳm của núi rừng Tây Nguyên. Chúng tôi rùng mình, lặng im nhìn nhau.
Ông chủ nhà kêu chúng tôi ngồi quanh ngọn lửa hồng, tiếp tục uống rượu cần và nghe ông kể chuyện :
«  Tiếng hú đó là tiếng hú của người rừng...Người dân ở đây gọi như vậy vì chưa ai đich xác thấy được người rừng đó, nhưng cứ mỗi khi có mưa to gió lớn, rừng núi âm u thì người ta nghe tiếng hú vọng về. Khi thì nghe rất gần như ở sát bên sau nhà, khi thì nghe như xa xôi rồi vụt nghe rõ và lớn, rồi lại như nhỏ dần, chìm mất trong không gian vô tận. Ông chủ phum kể lại, ba của ông hồi trước là thầy mo trong vùng, chuyên trị bịnh tà ma, bốc thuốc cho người trong phum sóc. Hồi đó có một anh thợ rừng tên Sroc Ngor, anh chuyên bắn giộc, chuyên vô rừng sâu để đi kiếm cây Quế khâu và Trầm Hương để bán lại cho thương buôn ở Ninh Hòa hay Khánh Hòa, Nha Trang. Mỗi chuyến tìm trầm anh Sroc Ngor đều tới nhà ông thầy Mo (cha của ông chủ phum) để thỉnh ngải, ngậm trong miệng rồi mới dám đi sâu vô rừng. Những người già có gia đình sống nhiều đời ở vùng rừng núi này thường kể cho nhau nghe, là nếu đi kiếm Quế khâu, cây Mun hay cây Giáng hương thì không cần phải đi sâu vô trong rừng già. Còn Trầm hương thứ cây nhỏ, giống thường thì thỉnh thoảng cũng tìm thấy được bên bờ suối hay trong rừng chồi. Muốn kiếm cây Trầm hương lớn gốc, thứ cây có tuổi thọ cả trăm năm thì nhiều khi phải đi cả tháng vô rừng sâu, khi đi thì phải cúng vái ông thần rừng, phải ngậm ngải trong miệng để đi tìm trầm. Có được trầm hương hay không còn là do có phước có phần, khi nào không tìm được trầm hương, người tìm trầm có ngậm ngải thì sẽ nhớ con đường về. Trái lại coi thường sơn thần, coi thường các linh hồn trong rừng thẳm, không ngậm ngải tìm trầm thì sẽ quên mất con  đường về. Thặm chí người tìm trầm sẽ mất hết trí nhớ, sẽ phải sống trong rừng như một người rừng thật sự. Chàng Sroc Ngor đã mất tích mấy chục năm nay nhân một chuyến đi tìm trầm hương mà không đi thỉnh ngải để ngậm trong miệng. Chắc là anh ta không tìm thấy con đường để trở về thôn bảng, anh biến thành người rừng, quên đi tiếng nói của con người và thay vào đó là tiếng hú mỗi khi anh nhớ nhà, nhớ người thân. »
Ông bạn của tôi nảy giờ lặng yên để nghe kể chuyện, bỗng lên tiếng: 
" Nếu người thợ săn lạc đường về, khi nghe họ lên tiếng hú thì mình phải hú đáp lại hay hè nhau mà la thật  to cho họ biết hướng mà tìm về thôn bảng. Tại sao mọi người lại sợ tới nỗi chỉ mới nghe tiếng hú là vội vàng im lặng rút lui về nhà, đóng cửa lại vậy?»
Tôi nói : « Tụi tui cũng hỏi như anh vậy ».
Ông chủ phum trả lời :
« Những cây Trầm Hương cổ thụ trong rừng già rất linh thiêng, dưới gốc cây Trầm Hương luôn luôn có những bãi cây ngải rừng, thú rừng hay con người đến gần cây trầm hương đó thì bị đám ngải rừng đó đầu độc cho chết liền tại chổ. Nếu là người thì người đó lập tức hóa thành con dã nhơn, lông lá đầy mình. Thợ rừng hay người dân đi dốn củi, vô phước mà gặp con dã nhơn đó thì sẽ bị nó giết, nó ăn thịt hay bắt cóc đem đi. Ông chủ phum nói là trong phum sóc của ông cũng có mấy anh trai làng bị  mất tích. Cũng vào lúc mưa bão, cũng tối trời và người ta nghe được tiếng hú ma quái đó. Vậy nên từ đó về sau, không ai dám đi vô rừng già. Ba của tôi chết rồi, ổng không truyền lại cho tôi cái ngải thiêng liêng để ngậm khi vô rừng, thành ra chuyện ngậm ngải tìm trầm như là một chuyện đời xưa. Bây giờ không còn ai kiếm ra được cái thứ ngải đó nữa. »
Đêm đó không ai ngủ được. Chúng tôi cố uống cho thật nhiều rượu để say, để quên, để ngủ gục xuống sàn nhà, nhưng mà dường như cái nỗi sợ sệt mông lung đã đánh bại ông thần ma men. Rượu uống vô chỉ làm cho thêm ngầy ngật, khó chịu, nôn mửa chớ không làm cho chúng tôi say quắc cần câu, nằm đường té bụi như mọi khi.
Vừa hững sáng thì thấy xe jeep của ông quận trưởng. Ông cho chở vô hai bình accu để thay cho bình accu  xe của đoàn. Anh tài xế thay xong, bấm đề ma rưa là máy rồ rồ liền, Mọi người vội lên xe. Tôi thay mặt anh em cám ơn ông bà chủ. Ông còn mời bửa khác anh em vô tắm suối nước nóng, ngủ đêm rồi nhậu và đàn hát chơi với bà con trong phum sóc. Chúng tôi cám ơn, đi mà không hẹn ngày trở lại vì ai nấy còn bị ám ảnh về cái tiếng hú ghê rợn trong rừng khuya.
Về tới Saigon, Hoa Phượng liền khai thác cái ý Ngậm Ngải Tìm Trầm thu nhận được trong chuyến ngủ đêm trong rừng ở suối nước nóng Ninh Hòa. Anh viết tuồng Mưa Rừng, trong tuồng có một nhân vật bị ngải làm cho điên, quên tiếng nói của con người, chỉ biết kêu hú...Tiếng hú như tiếng hú ghê rợn mà chúng tôi đã được nghe khi ở trong nhà sàn của ông chủ phum bên bờ suối nước nóng Ninh Hòa.

Soạn giả Nguyễn Phương. 12 / 2018.

No comments: