Friday, March 17, 2017

Trên du thuyền Norwegian


Trên du thuyền Norwegian

Điệp Mỹ Linh





Cuối cùng, ban quản lý du thuyền Norwegian đồng ý để nhóm du khách Việt-Nam có một khu vực giải trí nhỏ, riêng biệt. Đêm đầu tiên nhóm người Việt gặp nhau, nhiều người vui vẻ ghi tên tham dự phần văn nghệ.
Mở đầu buổi họp mặt văn nghệ, xướng ngôn viên giới thiệu một người kể chuyện vui. Ông này chưa kể chuyện mà đã làm cho cả nhóm cười, vì phong cách của ông trông rất giống danh hề Phi-Thoàn.


Trong những cuộc vui, bao giờ Ngọc-Lan cũng cảm thấy lạc lõng, không thể hòa đồng được. Ngọc-Lan ngồi riêng biệt cạnh góc phòng. Nhìn những người bạn chưa quen, Ngọc-Lan chua xót nhận ra một điều thê thảm là ai trông cũng già nua, chậm chạp. Nhận ra được lẽ vô thường, Ngọc-Lan thầm hoảng sợ, vì chính Ngọc-Lan cũng ở vào lứa tuổi của những người quanh đây!
Bận suy nghĩ miên man, Ngọc-Lan không để ý đến lời giới thiệu của người phụ trách chương trình. Khi nghe tiếng vỗ tay vang lên, Ngọc-Lan choàng tỉnh. Ngọc-Lan thấy một người đàn ông bước lên bục gỗ, ôm Guitar dạo một tình khúc rất quen. Ngọc-Lan chăm chú nghe: “Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng, ngoài kia mưa lê thê, qua ngàn chốn sơn khê…” (1) 
Giọng của người hát khàn khàn, vì lớn tuổi; nhưng lời ca lại khơi dậy trong hồn Ngọc-Lan hình ảnh của Khanh, người yêu thời thơ dại của nàng.



Đến đoạn điệp khúc, người hát ưỡn ngực, cố lấy hơi để đưa giọng lên cao, nhưng tiếng hát của Ông vẫn nghẹn lại; hai câu kế tiếp Ông hát với tất cả nỗi niềm của Ông: “…Mấy ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên, chít lên vành khăn trắng, cầm tay nhau đi em, tơ Trời quá mong manh…”(2) Ngọc-Lan chợt cảm thấy bồi hồi xúc động như lần đầu tiên Ngọc-Lan nghe Khanh, sĩ quan Biệt-Động-Quân Biên-Phòng, hát giúp vui, khi Ngọc-Lan cùng nhóm học sinh ủy lạo binh sĩ tiền đồn đến viếng đơn vị của chàng.
Ngày xưa đó, trong khi đại diện cho đơn vị để hát giúp vui, Khanh nhìn nhóm nữ sinh xinh đẹp và ánh mắt của Khanh dừng lại nơi cô học trò có mái tóc dài, nét mặt hiền, sóng mũi cao và đôi mắt thật buồn. Cô ngồi riêng rẽ, cạnh những bao cát của hầm chống pháo kích. Khi tiễn nhóm học sinh ra về, nghe các cô gọi nhau, Khanh mới biết tên cô học sinh mà chàng để ý lúc trưa là Ngọc-Lan.
Gần nửa thế kỷ sau, lúc hát giúp vui cho nhóm du khách “golden age” trên du thuyền Norwegian này, Khanh lại bắt gặp những nét yêu kiều của Ngọc-Lan thuở xưa, nơi một thiếu phụ ngồi riêng biệt cạnh góc phòng.
Hát xong, Khanh rời bục gỗ trong những tràng pháo tay dòn dã. Sau một thoáng ngần ngại, Khanh không nén được tò mò, vội đi thẳng đến chiếc ghế trống, đối diện với Ngọc-Lan, hỏi:
- Xin lỗi bà, có ai ngồi ghế này không ạ?
Ngọc-Lan mỉm cười, lắc đầu. Khanh tiếp:
- Tôi có thể ngồi đây, được không, thưa bà?
- Dạ, ông cứ tự nhiên.
Nhận ra giọng nói của Ngọc-Lan, Khanh hơi mất bình tĩnh:
- Xin lỗi bà, có phải quý danh của bà là Ngọc-Lan hay không?
Ngọc-Lan sửng sốt:
- Thưa, ông là ai? Tại sao ông biết tên tôi?
Không đáp lời Ngọc-Lan, Khanh cúi mặt, đưa tay ôm trán như muốn ôm lấy nỗi đau và cũng như muốn che kín khuôn mặt đầy tàn tích chiến tranh của chàng!
Tàn tích chiến tranh trên khuôn mặt của Khanh đôi khi làm cho Khanh cảm thấy thiếu tự tin; nhưng mặc cảm đã không thể làm được gì để cứu đàn em của chàng, trong những ngày máu lửa cuối tháng Ba năm 1975, tại Thuận-An, thì lúc nào cũng gậm nhấm hồn chàng và đem đến cho Khanh nhiều mặc cảm tự ty!
Gần bốn mươi năm, khoảng thời gian đủ dài để hận thù lắng đọng; nhưng không đủ dài để xóa mờ những bi hùng có thật suốt đoạn đường khổ nạn mà đơn vị của Khanh được lệnh phải theo Lữ-Đoàn I Thiết-Kỵ về Phá Tam-Giang. Từ Phá Tam-Giang, Khanh lại nhận được chỉ thị phải đưa đơn vị của chàng về Thuận-An để chiến hạm Hải-Quân đón.
Đến Thuận-An, thấy sự hiện diện của Lữ-Đoàn Thủy-Quân Lục-Chiến và Sư-Đoàn I Bộ-Binh, Khanh nghĩ, nhiều đại đơn vị tập trung một chỗ sẽ là địa điểm tốt cho Việt-Cộng pháo kích. Khanh muốn liên lạc, trình thẩm quyền, xin cho đơn vị của chàng về Đà-Nẵng bằng đường bộ; nhưng đặc lệnh truyền tin bị Việt-Cộng xâm nhập, khuấy phá, không xử dụng được.
Thấy hai Dương-Vận-Hạm Cần-Thơ, HQ 801 và Thị-Nại, HQ 502, thấp thoáng xa xa, mọi người chưa kịp vui mừng thì đại pháo 105 ly và 81 ly của Việt-Cộng nã liên tục, nã tới tấp, nã hằng loạt vào nơi đoàn quân đang tập trung! Không biết bao nhiêu thân người bị hất lên, rồi rớt xuống, nằm yên! Thấy nhiều Thủy-Quân Lục-Chiến hối hả rời “bãi chết”, đi về hướng Nam, Khanh chụp ống liên hợp, muốn ra lệnh cho từng tiểu đơn vị của chàng đi theo, nhưng máy PRC25 trúng đại pháo, bất khiển dụng!

Khanh nghĩ rằng có thể Thủy-Quân Lục-Chiến, hoặc đã dùng tần số riêng để liên lạc với Hải-Quân, hoặc muốn âm thầm tách rời quân bạn, đi về Đà-Nẵng bằng đường bộ. Dù với lý do nào đi nữa, Khanh cũng nhận thấy hành động của Thủy-Quân Lục-Chiến là một giải pháp tốt. Khanh đứng thẳng người, vừa điểm điểm ngón tay trỏ về hướng Nam vừa ra lệnh: “Tất cả đi theo Thủy-Quân Lục-Chiến”. 
Niên – hiệu thính viên của Khanh – kéo Khanh xuống, hét lớn: “Ông Thầy bị thương rồi! Ông Thầy nằm xuống.” Lúc đó Khanh mới thấy máu nhuộm đỏ chiếc áo hoa rừng của chàng. Khanh đưa tay vuốt máu trên mặt; nhưng Khanh vẫn chưa cảm thấy đau. Khanh hất Niên ra và vẫn đứng thẳng, lập lại: “Tất cả đi theo Thủy-Quân ...” Nói chưa dứt câu, Khanh quỵ xuống…
Thấy Khanh vẫn trong tư thế thiểu não, Ngọc-Lan bối rối:
- Ông ơi, ông! Ông bình an chứ?
Khanh ngẩng lên:
- Xin lỗi bà. Cảm ơn bà. Tôi không sao cả.
- Vậy thì ông làm ơn cho biết tại sao ông biết tên tôi?
Khanh lẳng lặng lấy trong ví thẻ căn cước quân nhân, trao cho Ngọc-Lan:
- Thưa, bà còn nhớ thanh niên này không?
Nhận ra tên, họ và ảnh trong thẻ căn cước, Ngọc-Lan run tay, không hiểu giữa người trong ảnh và người đàn ông ngồi đối diện liên hệ như thế nào! Ngày xưa, vì gia đình khắc khe, Ngọc-Lan chỉ liên lạc với Khanh bằng thư. Thỉnh thoảng Khanh về phép, Ngọc-Lan trốn học đi chơi với chàng; chỉ có vài lần lén lút hôn nhau vội vàng thì làm thế nào Ngọc-Lan có thể quen mùi da thịt hoặc nhận ra được những điểm đặc biệt trên mặt Khanh! Ngọc-Lan rơm rớm nước mắt:
- Thưa, ông liên hệ như thế nào với thanh niên này?
Khanh lại mở ví, lấy tấm ảnh đã nhạt màu, trao cho Ngọc-Lan:
- Bà nhận ra thiếu nữ này không?
Nhìn tấm ảnh rồi lật phía sau, thấy nét chữ của chính mình “Thương tặng anh Khanh để nhớ mãi những ngày vui. Đừng bao giờ quên em, nha.” Ngọc-Lan bàng hoàng:
- Ô, Trời! Anh!...
Sự xúc động đến quá nhanh, Ngọc-Lan hơi chồm về phía trước, muốn “hug” Khanh; nhưng ý tưởng ngại ngùng chợt đến, Ngọc-Lạn liếc nhanh sang nhóm bạn chưa quen:

- Chị đâu, thưa anh?
Khanh cười mỉm, lắc đầu nhưng đôi mắt lại buồn buồn. Ngọc-Lan tiếp:
- Nếu vậy thì…anh có muốn ra ngoài nói chuyện với em không? Trong này nhạc ồn quá.
Khanh và Ngọc-Lan lên sân thượng. Cạnh ba hồ bơi, nhiều người nằm duỗi chân trên mấy chiếc ghế xếp. Nhà hàng cung cấp nước uống và thức ăn nhẹ vẫn còn mở cửa. Sau khi chọn hai chiếc ghế xếp nơi góc vắng, Khanh bảo:
- Ngọc-Lan ngồi đi. Anh đi lấy nước. Ngọc-Lan uống gì?
- Dạ không. Cảm ơn anh.
Nhìn vùng không gian rực rỡ ánh đèn phía xa và nghe âm điệu Swing của nhạc khúc Istanbul phát ra từ nhà hàng, đôi vai của Ngọc-Lan lắc nhè nhẹ.
Khanh trở lại với ly rượu chát đỏ. Sau khi ngồi vào ghế xếp, Khanh nhìn Ngọc-Lan, không biết nên mở đầu câu chuyện như thế nào! May quá, Ngọc-Lan đi thẳng vào vấn đề:
- Chị và các cháu hiện tại ở đâu, thưa anh?
- Trước hết, anh yêu cầu Ngọc-Lan đừng thưa gửi gì hết. Ngày xưa Ngọc-Lan chỉ gọi “anh Khanh ơi!” chứ Ngọc-Lan có bao giờ thưa gửi gì đâu.
Cả hai người nhìn nhau, cười. Khanh tiếp:
- Chuyện dài lắm, từ từ anh kể cho Ngọc-Lan nghe. Nè, Ngọc-Lan nhớ bài Les Nuits Sans Toi không?
Ngọc-Lan gật đầu, nhưng trong tiềm thức Ngọc-Lan lại văng vẳng tiếng hát xưa:
…Les nuits m’éveillent
Quand Je sommeille
Guettant ton pas
Je crois entendre
Un passant dans la rue…(3)

Khanh tiếp:
- Ngọc-Lan! Ngày xưa em thường bảo, biến âm đột ngột ở chữ “rue” là một Mineur “chết người”. Nhớ không?
Ngọc-Lan gật đầu. Khanh cười buồn:
- Chính những chi tiết đó làm anh không thể nào quên được em.
- Mà anh có muốn quên em hay không?
- Thú thật với em, nhiều khi anh muốn quên em, cũng như anh muốn quên đi những dã man, những tàn bạo giữa con người đối với đồng chủng, tại bãi biển Thuận-An - để cho lòng anh bớt khổ - nhưng anh không thể quên được.
- Em không hiểu rõ những gì xảy ra cho anh và đồng đội của anh tại bãi Thuận-An. Nhưng em nghĩ, tất cả đã qua rồi, anh đừng nên tự làm khổ anh nữa.
Khanh im lặng. Ngọc-Lan cũng im lặng, nhìn mong ra khoảng không gian rực rỡ của Istanbul.
Trong khi Ngọc-Lan thi vị hóa vùng ánh sáng chói lòa của Istanbul, của cầu Galata và cầu Ataturk thì vùng ánh sáng đó lại khơi dậy trong lòng Khanh những khối ánh sáng xé không gian, rơi và nổ ngay nơi tập trung của những đại đơn vị thiện chiến Việt-Nam Cộng-Hòa! 

Khanh nghe tiếng Niên gào to: “Ông Thầy! Có chiếc LCU vào, ưu tiên đón thương binh. Em cõng ông Thầy. Đi! Mau đi, ông Thầy.” Khanh quát:“Mày đi đi. Mày thấy đứa nào thì bảo nó đi luôn.” Niên xấn đến, khom người, quàng tay Khanh qua vai Niên. Khanh thu tay tại, rút “ru-lô”, chỉa ngay vào Niên: “Đi! Tao bảo mày đi. Mày không đi, tao bắn.” Niên lại gào lên: “Em không đi. Em không bỏ ông Thầy được.” Khanh hơi chếch mũi súng. Tiếng nổ vang lên. Niên sợ quá, quay lưng, vừa chạy vừa gào to: “Ông Thầy ơi! Ông Thầy!” 

Khanh nghe, lẫn trong tiếng đại pháo còn có tiếng lựu đạn và súng nhỏ nữa. Khanh nhìn họng súng. Ý nghĩ táo bạo vừa lóe lên Khanh chợt nghe tiếng Niên: “Ông Thầy! Chiếc LCU tản thương đi rồi. Mấy LCU khác đang vào thì vài chiếc bị trúng hỏa tiễn tầm nhiệt AT3. Em với thằng Chắc trở lại, khiêng ông Thầy ra tàu.” Khanh cương quyết: “Tao bảo hai đứa mày tìm đường thoát đi. Tao không đi đâu cả. Tao nghe nhiều tiếng lựu đạn và súng nhỏ; như vậy là ‘cha con tụi nó’ sắp tới rồi. Tao phải ở lại ‘chơi’ với ‘cha con tụi nó’ cú chót.” Chắc gào to: “Không phải! Tiếng lựu đạn và súng nhỏ là do ‘tụi’ Thủy-Quân Lục-Chiến tự tử tập thể!” Khanh giận dữ: “Mẹ! Đi lính là để ‘uýnh’ giặc chứ đâu phải đi lính để tự tử!” 
Nói xong Khanh mới chợt nhớ hành động nông nỗi của chàng lúc nãy! Chắc và Niên vừa nắm tay và chân của Khanh vừa gào: “Uýnh gì nữa mà uýnh! ‘Tụi’ Thủy-Quân Lục-Chiến hết đạn rồi!” Khanh vung tay khỏi tay Chắc rồi rút “ru-lô”, chỉa về Chắc: “Tao bảo hai đứa mày tìm đường thoát đi. Đi! Đi ngay không tao bắn!” Niên và Chắc chần chừ, nhìn nhau. Khanh lại bắn dọa một phát nữa. Chắc và Niên hãi quá, chạy đi…

******
Dân làng chia thành nhiều nhóm nhỏ. Nhóm đào huyệt. Nhóm ra bãi cát tìm xem quân nhân nào còn sống, đem về làng chữa thương.
Hoa – tốt nghịêp Sư-Phạm cấp tốc Qui-Nhơn, về dạy trường tiểu học Bình-An – đi theo nhóm người tìm quân nhân bị thương. Nhìn ánh nắng mai hững hờ long lanh trên triền sóng của một bãi cát ngập xác người, Hoa đau lòng. 

Vừa sờ tay lên ngực của từng xác người Hoa vừa nghĩ đến cảnh quân Đồng-Minh đổ bộ vào bờ biển Normandy, trong phim The Longest Day, do Paul Anka, Richard Burton và Eddie Albert thủ diễn. Trong xi-nê, cảnh đổ bộ ở Normandy bi hùng bao nhiêu thì cảnh thật ngoài đời, trên bãi biển nghèo này, lại thảm khốc bấy nhiêu!

Sờ tay lên ngực một quân nhân có bảng tên Khanh, cảm thấy ngực còn ấm và tim đập thoi thóp, Hoa reo lên: “Người này còn sống. Nhanh lên!” Nhóm đàn ông chạy đến, nâng thân người mềm nhủn của Khanh đặt vào chiếc võng, võng về trường Bình-An, nơi được dùng làm trạm cứu thương dã chiến.
Hoa đề nghị nên dùng kéo cắt quân phục đậm đặc máu của thương binh để dễ tìm vết thương và cũng để, nhỡ Việt-Cộng về làng, Việt-Cộng sẽ không thể biết ai là lính. Sau khi phụ y-tá băng bó vết thương, Hoa lại đề nghị không nên để thương binh tập trung tại trường học, ngại Việt-Cộng sẽ về giết hết. Mỗi gia đình nhận một thương binh.
Hoa đã cẩn thận đến như vậy mà tối đó, do du kích báo cáo, Việt-Cộng về, lục soát và đâm chết nhiều thương binh! Khanh thoát chết nhờ Hoa và một học sinh – ngay sau khi trời vừa tối – kéo chàng ra vựa củi sau nhà, dời một ít củi, để Khanh nằm vào chỗ trống, phủ mền lên rồi lấy củi che lại.
Khi cơn lốc kéo về miền Nam, miền Trung có vẻ êm dịu, Hoa vào Huế mua thuốc trụ sinh về chữa vết thương cho Khanh.
Tất cả công khó của Hoa, Khanh đều ghi nhận và chịu ơn. Khanh làm tất cả những gì chàng có thể làm để tạo dựng gia đình, đem hạnh phúc đến cho Hoa. Nhưng khi Hoa đề nghị Khanh vất tấm ảnh của Ngọc-Lan thì Khanh từ chối: “Ngọc-Lan không đem phiền nhiểu đến cho em. Ngọc-Lan cũng không phải là mối đe dọa hạnh phúc giữa em, anh và các con. 
Đối với anh, Ngọc-Lan cũng như những quân nhân thuộc cấp của anh; họ gắn liền với tuổi trẻ và đoạn đường đầy chông gai, nghiệt ngã của anh. Không thể nào anh quên họ được.” Dù không hài lòng với biện luận của Khanh, Hoa cũng im lặng để chứng tỏ mình là người cao thượng. Nhưng, mỗi khi nghe Khanh ngân nga ca khúc Les Nuits Sans Toi, Hoa im lặng không được, thường mỉa mai: “Sống với vợ con mà tối ngày cứ Les Nuits Sans Toi! Được rồi, anh muốn Les Nuits Sans Toi thì tui cho anh Les Nuis Sans Toi!” Không bao giờ Khanh ngờ đó là lời cảnh cáo rất nghiêm khắc của Hoa; vì thật lòng chưa bao giờ Khanh có ý phản bội hoặc xa lìa Hoa để tìm lại Ngọc-Lan.

******
Chiếc du thuyền nhỏ vừa rời chiếc Norwegian một khoảng ngắn, hướng dẫn viên du lịch cầm micro, phát âm bằng Anh ngữ: “Kính thưa quý vị! Chiếc du thuyền nhỏ này sẽ đưa chúng ta đến Bosphorus bridge, chiếc cầu nối hai miền Âu-Châu và Á-Châu.” Khanh chỉ những ngôi biệt thự mái đỏ, ẩn mình sau những rạng thông xanh, hỏi Ngọc-Lan:
- Nhìn khung cảnh đó Ngọc-Lan nhớ gì không?
Ngọc-Lan nhìn Khanh, mỉm cười, gật đầu; vì khung cảnh này trông rất giống Dalat. Khanh tiếp:
- Quê hương đẹp thường sinh ra những người con gái đẹp.
- Thôi, anh! Giờ này mà đẹp gì nữa; chỉ có thê thảm thôi!
- Nếu em cho là thê thảm thì anh rất trân quý sự thê thảm của em.
Nhớ lại những người đã từng theo đuổi mình - từ thời còn đi học cho đến sau khi gia đình tan vỡ - đều là người Huế, Ngọc-Lan nửa đùa nửa thật:
- Em đã nói với anh rồi. Em vừa đạp “vỏ dưa”, thấy “vỏ dừa” em sợ. Em sợ…mấy chàng thanh niên Huế lắm! Nhưng không hiểu tại sao em cứ bị “ghét của nào Trời trao của đó” vậy?
Lúc này Khanh mới nói rõ giọng Huế:
- Chàng thanh niên Huế ni thủy chung với em suốt mấy mươi năm qua, còn chi nữa?
- Anh sống với chị Hoa mà anh cứ Les Nuits Sans Toi là unfair. Và em không thể chấp nhận cảnh sống như chị Hoa.
- Anh biết anh có lỗi với Hoa. Nhưng trái tim có lý lẽ riêng của nó, lý trí không thể kiểm soát được.
- Em hiểu. Nhưng làm thế nào em có thể tin được rằng, từ ngày chị Hoa xa anh cho đến bây giờ, anh không có một phụ nữ khác.
- Thắc mắc của em cũng có lý; nhưng, hãy để thời gian trả lời.
Cuộc đối thọai vừa đến đây, Ngọc-Lan và Khanh đều chú ý đến giọng rền rền vang ra từ bờ, phía Á-Châu. Ngọc-Lan hỏi hướng dẫn viên du lịch và được biết đó là tiếng niệm kinh từ ngôi đền rất lớn, bên bờ sông.
Chiếc du thuyền nhỏ cặp vào bờ. Khanh và Ngọc-Lan cùng nhóm du khách vào chợ trời mua quà kỷ niệm. Trong khi đi bên nhau, Khanh tiếp nối câu chuyện lúc nãy:
- Nghĩa là em vẫn không tin anh, đúng không?
- Không hẳn là em không tin; nhưng tâm trạng của em bây giờ như một người thấy một hồ nước đẹp, nhưng chưa biết nông hay sâu cho nên chưa dám tắm mát. Thôi, em cứ đứng bên bờ, khỏa nước cho vui.
- Anh chưa thấy ai ví von một cách tượng hình như em.
Đến một gian hàng, trong khi Ngọc-Lan chọn quà kỷ niệm, Khanh bảo:
- Em đứng đây, đừng đi đâu hết. Anh đi mua gạch Bát-Tràng, anh trở lại ngay.
- Gạch Bát-Tràng là gạch gì? Anh mua để làm gì?
Khanh chỉ cười, khoát tay.
Khanh trở lại, trao Ngọc-Lan một mảnh giấy:
- Đây, gạch Bát-Tràng, em đọc đi.
Ngọc-Lan nhíu mày. Khanh đi mua gạch mà tại sao lại đưa mảnh giấy, bảo đọc? Thấy Ngọc-Lan chần chừ có vẻ hoang mang, Khanh tiếp:
- Đọc đi, Ngọc-Lan.
Ngọc-Lan mở mảnh giấy, thấy nét chữ nguệch ngoạc: “Trên trời có đám mây xanh. Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng. Ước gì anh lấy được nàng. Để anh mua gạch Bát-Tràng về xây. Xây dọc rồi lại xây ngang. Xây hồ bán nguyệt cho nàng chao chân…” (4)
Ngọc-Lan nhìn Khanh với ánh mắt đầy xúc động rồi cười như mếu. Khanh dang rộng đôi tay tỏ ý muốn “hug” người xưa. Ngọc-Lan từ từ ngã vào vòng tay của Khanh, tựa đầu lên vai chàng. Bỗng dưng Khanh và Ngọc-Lan nghe nhiều tiếng vỗ tay. Nhìn quanh, Khanh bắt gặp những nụ cười chung vui của nhóm du khách cùng đi với chàng trên chiếc du thuyền nhỏ.
Sau khi trở lại du thuyền Norwegian, Khanh hỏi:
- Ngọc-Lan muốn dùng cơm trưa ở đâu?
- Mấy hôm nay chưa ăn buffet; anh muốn dùng thử không?
- Ý kiến hay. Em muốn về phòng thay đồ, rửa mặt gì không?
- Đây là du thuyền Free Style, không cần bày vẻ. Nhưng em sẽ vào phòng vệ sinh ngay thang máy để rửa tay, rửa mặt.
-Ừ. Anh cũng vậy.
Đang cùng Ngọc-Lan đi chầm chậm để xem thức ăn được trưng bày dưới những ngọn đèn để giữ cho thức ăn được nóng, Khanh nghe:
- Kenneth Nguyen.
Khanh quay lại và nhận ra người láng giềng:
- Hey, Richard! Thật không ngờ gặp bạn ở đây.
- Tôi cũng đâu biết bạn cùng du lịch trên chiếc du thuyền này.
- Tại sao tôi không thấy bạn ở phi trường New York? Bạn đến đây bằng ngã nào?
- Chúng tôi chỉ mua vé du thuyền thôi; còn vé máy bay chúng tôi mua riêng. Bằng phương cách đó hơi bất tiện, nhưng chúng tôi tiết kiệm được đôi chút. Về hưu rồi, nhớ không?
- Cathy đâu?
Richard chỉ về chiếc bàn phía cuối thân tàu:
- Đó. Bà ấy ăn xong rồi, đang ngồi phơi nắng.
- Lấy thức ăn xong tôi sẽ đến chào Cathy.
- Bàn của chúng tôi có bốn ghế, Kenneth muốn ngồi chung không?
- Ô, vậy thì tốt quá. Cảm ơn bạn.
Khanh xoay sang Ngọc-Lan, tiếp:
- Đây là Ngọc-Lan, người bạn cũ mà tình cờ tôi gặp lại cách nay vài hôm; và đây là Richard, người bạn ở cạnh nhà anh hơn mười năm qua. Ngọc-Lan và Richard chào hỏi và bắt tay nhau. Cả ba người đến bàn Cathy đang ngồi. Sau khi Richard giới thiệu Ngọc-Lan, Cathy và Richard đều xin phép chỉ gọi Lan thôi, vì cả hai không thể phát âm chữ “ngọc”. Cả bốn người vừa ăn vừa chuyện trò về thời tiết; về những chuyến excursions đã qua và sắp đến; về buổi trình diễn đặc biệt vào tối nay, tại rạp hát chính của du thuyền. Chợt Richard chuyển đề tài:
- Nè, Kenneth! Mai là sinh nhật của bạn, bạn có tổ chức gì không?
Khanh cười lớn:
- Phải rồi! Đó cũng là ngày bạn bị tụi “Vi-Ci” “bắn sẻ”, bi thương. Tôi không quên đâu. Mai mình sẽ có những mục đặc biệt.
- Thường thường, sinh nhật của bạn, bạn làm gì?
- Nếu tôi ở nhà, các con của tôi sẽ về đưa tôi đi ăn, đi chơi và tặng quà cho tôi. Còn ở đây…
Khanh dừng lại, nhún vai. Richard khen Khanh may mắn có những người con hiếu thảo, cuối tuần nào cũng về thăm và đưa Khanh đi chơi, đi ăn. Khanh cảm ơn Richard, rồi hỏi:
- Richard! Ăn gì thêm không? Tôi muốn lấy thêm một miếng carrot cake.
Hai người đàn ông rời bàn. Ngọc-Lan muốn nhân cơ hội này hỏi dò về Khanh:
- Cathy! Tại sao lúc nãy Richard chỉ nói về những người con của Khanh mà Richard lại không khen vợ của Khanh lời nào hết vậy?
- Ô, Richard và tôi chỉ mới “chấp nối” khoảng năm sáu năm thôi. Những gì trước đó, tôi không biết. Kể từ khi ở sát cạnh nhà Kenneth, tôi không thấy người đàn bà nào cả - ngoại trừ cô con gái của Kenneth. Lan có quen với vợ của Kenneth không?
Ngọc-Lan lắc đầu, kể vắn tắt chuyến ủy lạo binh sĩ tiền đồn năm xưa cho Cathy nghe. Cathy bảo:
- Richard và Kenneth hợp nhau lắm. Mỗi khi nghe hai ông kể về những cuộc đụng độ giữa Nam và Bắc Việt-Nam, tôi tự hỏi tại sao trên thế giới này lại có những đơn vị phải chiến đấu trong điều kiện nghèo nàn khí giới đến như vậy?
Ngọc-Lan chưa kịp giải thích cho Cathy thì Richard và Khanh trở lại. Ăn xong miếng bánh, Richard đề nghị:
- Bây giờ chúng tôi về phòng, nghỉ. Tối nay, sau khi xem show ở rạp hát, chúng tôi sẽ đến chung vui với nhóm người Việt để nghe Kenneth hát. Hai bà đồng ý không?
Ngọc-Lan và Cathy đứng lên, vừa xách ví vừa đáp: “Sure! Sure!”
Đưa Ngọc-Lan về đến phòng, trong khi Ngọc-Lan đưa thẻ nhựa vào ổ khóa để mở cửa, Khanh hỏi:
- Anh vào phòng em được không?
Ngọc-Lan lắc đầu. Khanh tiếp:
- Mấy mươi năm rồi mà em vẫn khó như xưa.
- Em không còn gì nữa cả, ngoài chút tự trọng…
- Anh hiểu.
Nghe giọng không vui và thấy nét mặt buồn buồn của Khanh, Ngọc-Lan muốn làm cho Khanh cười:
- Anh là Biệt-Động-Quân, tốc độ tiến quân nhanh nhưng cũng phải dè dặt chứ. Anh “làm cái vèo” khiến em bối rối, tưởng anh đã trở thành phi-hành-gia!
Khanh cười, vỗ nhẹ lên vai Ngọc-Lan:
- Em vào nghỉ. Trước khi đi ăn chiều, anh gọi em, hẹn giờ. Em nhớ, em nên chọn chiếc áo nào em vừa ý nhất mà mặt cho tối nay, nha.

******
Tuy là chuyến viễn du Free Slyle, nhưng tối nay nhóm người Việt lại “diện” những bộ quấn áo đẹp nhất.
12 giờ đêm, phần văn nghệ tạm ngưng. Giữa khi mọi người khui champagne thì Richard và Cathy xuất hiện với y phục rất trang trọng. Richard đặt lên bàn một hộp lớn. Khanh giới thiệu Richard và Cathy với mọi người. Richard nói về Khanh với sự cảm mến rất đặc biệt và Richard xin mọi người cho vợ chồng ông cùng chung vui trong giây phút đầu tiên để mừng ngày sinh của Khanh. Mọi người vỗ tay.
Cathy mở hộp, lấy chiếc bánh có hình huy hiệu Biệt-Động-Quân ra, để lên bàn. Mọi người cùng “ồ” lên. Nhìn chiếc bánh, Khanh nghẹn ngào, không nói được một lời!
Đợi cho sự xúc động của Khanh lắng xuống, Richard, Cathy bắt giọng và mọi người cùng hát: “Happy Birthday to you. Happy Birthday to you…” Mọi người hát xong, Richcard đến bên Khanh:
- Bây giờ đến phần cắt bánh. Kenneth muốn cắt bánh hay Kenneth muốn Lan, người bạn cũ của bạn, cắt?
- Dĩ nhiên tôi sẽ dành vinh dự này cho Ngọc-Lan.
Sau khi ăn bánh, uống Champagne, Richard yêu cầu Khanh hát. Khanh tươi cười ôm Guitar đến micro:
- Kính thưa quý vị, tôi xin thành thật cảm ơn sự ưu ái mà quý vị đã dành cho tôi. Đây là một sinh nhật rất đặc biệt và rất khó quên của tôi.
Xoay sang Richard và Cathy, Khanh tiếp, bằng Anh ngữ:
- Xin cảm ơn Richard, người đã trải dài chuỗi ngày tươi trẻ trong những trận chiến kinh hoàng trên quê hương nghèo khó của tôi. Xin cảm ơn Cathy, bà láng giềng xinh đẹp và hiền thục của tôi. Và, xin cảm ơn Ngọc-Lan, người bạn yêu dấu.
Mọi người vỗ tay. Khanh tiếp:
- Tôi xin trình bày ca khúc Tôi Sẽ Đưa Em Về của Y-Vân.
Richard và Cathy đưa cao tay: “Yeah! Yeah!”
Khanh dạo đàn rồi hát: “Tôi sẽ đưa em về; về miền đất thân yêu; về kiếp sống cô liêu. Tình thương không còn thiếu…Tôi sẽ đưa em về mà không lo thiếu tình yêu.”
Hát xong, Khanh cúi chào, lấy Guitar ra khỏi vai. Nhưng Ngọc-Lan lại ngạc nhiên khi nghe cả nhóm người Việt đồng ca tiếp tình khúc đó – do sự sắp xếp của Richard và Khanh.
Trong khi cả nhóm người Việt tiếp tục hát, Richard đưa Khanh về phía Ngọc-Lan, mời nàng đứng lên. Ngọc-Lan chưa biết chuyện gì xảy ra thì Richard đặt tay Ngọc-Lan vào tay Khanh rồi đẩy nhẹ hai người về phía cửa:
- Hãy đi đi! Hai bạn hãy về nơi không thiếu tình yêu.
Nhóm người Việt đứng dậy, vừa tiến về phía Ngọc-Lan và Khanh vừa hát vang hai câu cuối:“…Tôi sẽ đưa em về… mà không… lo… thiếu….tình…yêu.”
Vừa bước đi Ngọc-Lan vừa thẹn thùng cúi mặt. Khanh tươi cười, siết chặt bàn tay người yêu và ngẫng nhìn vùng không gian chói lòa của Istanbul như nhìn những vì tinh tú huyền diệu trong vùng trời đêm…



* “Mượn” vài chi tiết từ tài liệu lịch sử:Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 của Điệp-Mỹ-Linh.
1.- và 2.- Mấy Dặm Sơn Khê của Nguyễn-Văn-Đông.
3.- Les Nuits Sans Toi của Dalida.
4.- Ca dao.

Nguồn : Nguyệt san Việt Nam

No comments: