Huy Phương
Theo tin báo chí trong nước, vào tháng 3 năm nay, Cục Nghệ
Thuật Biểu Diễn thuộc Bộ Văn Hóa Thông Tin- Du Lịch vừa quyết định “tạm thời dừng
lưu hành năm ca khúc sáng tác trước năm 1975.” Đây là những nhạc phẩm đã được cấp
phép trước đó, bây giờ lại có lệnh tạm dừng phổ biến.
Trong thời buổi này người ta khó để đi tìm một định nghĩa
cho nhạc vàng, đã được nhìn lệch lạc qua lăng kính chính trị, nhất là sau năm
1975, sự thừa thắng và kiêu ngạo đã làm cho người Cộng Sản có cái nhìn ác độc
thiếu công bình cho nền văn học tự do trước thời kháng chiến hay sau khi đất nước
chia đôi, ở miền Nam. Nhạc vàng được những nhà cầm quyền miền Bắc gán ghép cho
là thứ âm nhạc bệnh hoạn, sầu não, bi lụy thiếu “chiến đấu tính.” Có người còn
hồ đồ cho đó là thứ nhạc sến. Cường điệu thêm theo cách nói của Nguyễn Hữu Liêm
là “cái âm điệu tủi thân bi đát,” hay là một loại “nước dừa tang thương bằng âm
nhạc.”
Nhưng có lẽ chính xác hơn hết, chúng ta phải tìm đến định
nghĩa của nhạc vàng của Jason Gibbs trên trang Talawas: “Âm nhạc Tây phương phi
cộng sản cũng như âm nhạc thịnh hành ở đó trở thành một đối tượng quan tâm lo
ngại trong chính sách văn hóa của những người cộng sản. Nhạc vàng –
cái tên đặt cho loại nhạc không chính thống này – bị “gác” và cấm cho đến cuối
những năm 1980…”
Sau khi đất nước chia đôi năm 1954, ở miền Bắc văn học được
định nghĩa như là một công cụ cho chính trị, ca nhạc, văn sĩ được xem như là những
cán bộ văn nghệ của chế độ, mệnh danh là “văn công.” Âm nhạc được mang một màu
đỏ để cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, phục vụ chiến tranh, truyền đạt
những chính sách của nhà nước, khuyến khích tình yêu lý tưởng cộng sản, cũng có
cả những bài hát trữ tình, thể hiện tình yêu quê hương đất nước hoặc cổ vũ lao
động, xây dựng, nhưng không rời xa việc kết nối với lãnh tụ, đảng và chính
sách.
Trong suốt ba mươi năm “kháng chiến đã thành công,” các
nhạc sĩ lãng mạn lừng lẫy một thời không di cư vào Nam được, chấp nhận lột xác,
kiểm thảo về quá khứ sai lầm, lên án các tác phẩm của mình để sống còn. Sau
phong trào Nhân văn giai phẩm nhạc tiền chiến bị cấm hẳn. Loại nhạc được lưu
hành tại miền Bắc trong thời kỳ 1954-1975, được gọi là nhạc đỏ. Suốt 30 năm, miền
Bắc không có nỗi một bản nhạc ca tụng tình mẹ, cho tình yêu, nếu trước đó chưa
chịu chia phần cho đảng!(*)
Ở Hà Nội năm 1971, một vụ án liên quan đến “nhạc vàng” được
xem là “nghiêm trọng,” đó là vụ án “Toán Xồm – Lộc Vàng”, miền Bắc kết án những
người này chủ trương phổ biến “văn nghệ đồi trụy,” dùng các bản nhạc vàng bi
quan, sầu thảm, lả lướt, lãng mạn để truyền bá lôi, kéo thanh niên…” Kết quả là
hai người đàn ông, một chịu bản án một người 10 năm, một 15 năm tù. Một người
còn sống, một người đã chết ngoài đường phố sau khi mãn hạn tù đày.
Tại miền Bắc, Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa với sự lãnh đạo của Đảng
Lao động Việt Nam, tân nhạc cũng như điện ảnh, có nhiệm vụ chính là cổ vũ
chiến đấu. Dòng nhạc “cách mạng” chiếm vị trí độc tôn, các nhạc sĩ lãng mạn hầu
như không còn sáng tác.
Với đường lối cộng sản, với sự ảnh hưởng âm nhạc của
Trung Quốc và Nga sô ngày càng sâu đậm theo tỷ số ngày càng cao của các nhà soạn
nhạc được gởi đi du học ở các nước cộng sản. Sau tháng 4 năm 1975, dân miền
Nam, lần đầu tiên được nghe loại nhạc mang âm hưởng Trung Quốc, líu lo, được
hát bởi các giọng tenor và soprano như “Cô Gái Vót Chông,” “Dưới Bóng Cây
Kơ-Nia,” “Tiếng Đàn Ta Lư…”
Ở miền Bắc người ta đã nghe thấy hàng chục bản nhạc ca tụng
Hồ Chí Minh và “đảng Cộng Sản Quang Vinh” ra rả trên đài phát thanh và truyền
hình suốt ngày. Các nhạc sĩ mẫn cán dưới thời Tố Hữu ra sức bình sinh, viết một
hai bài dâng Bác và Đảng để biểu diễn lòng trung thành tuyệt đối, được lòng tin
cậy của đảng, lại có thêm chút tem phiếu! Nếu Tố Hữu có 50 bài thơ viết về Bác
và Đảng thì đàn em cũng phải có một hai bản nhạc ca tụng lãnh tụ và “đảng quang
vinh.” Đó là “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” (Phạm Tuyên), “Hồ Chí Minh Ðẹp Nhất Tên Người”
(Trần Kiết Tường), “Ðôi Dép Bác” (Văn An), “Nhớ Ơn Hồ Chí Minh” (Tô Vũ), “Lời
Ca Dâng Bác” (Trọng Loan), “Trồng Cây Lại Nhớ Ðến Người” (Ðỗ Nhuận), v.v… hay
“Chào mừng Đảng lao động Việt Nam” (Đỗ Minh), “Dưới cờ Đảng vẻ vang” (Lưu
Hữu Phước), “Vững bước dưới cờ Đảng” (Phạm Đình Sáu), “Tiến bước
dưới cờ Đảng” (Văn Ký), “Dâng Đảng quang vinh” (La
Thăng), “Từ khi có Đảng” (Nguyễn Xuân Khoát)…
Trong không khí ấy, người dân miền Bắc, nhất là lớp tuổi
đi theo kháng chiến khi đã có trí khôn, bắt đầu tiếc nuối thời tiền chiến mơ mộng
và thèm khát nói lên tiếng nói chân thật của trái tim. Người dân miền Bắc, qua
những chiến lợi phẩm mà con cháu họ mang về từ miền Nam với những cuốn băng và
cái máy cassette của bọn đế quốc, những bản nhạc,
mới nghe qua, khá lạ lùng về lời ca, nhạc điệu, nhưng thật sự là gần gũi làm
rung động tâm hồn của họ. Đó chính là loại nhạc vàng vẫn thường nghe nhà nước
tuyên truyền là bệnh hoạn và vô cùng độc hại!
Người ta kể chuyện sau khi vào thăm Saigon sau năm 1975,
món quà quý nhất mà Huy Cận mang về Bắc là băng nhạc cassette thu thanh băng nhạc
“Ngậm Ngùi” thơ của ông, do Phạm Duy phổ nhạc, với tiếng hát của nhiều ca sĩ miền
Nam. Ngậm Ngùi là bài thơ trước chiến tranh, mà chế độ miền Bắc đã khai tử, người
lớn không ai còn nhớ, và trẻ con chưa hề biết!
Cũng không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, nhiều ca
sĩ hải ngoại đã thay phiên nhau về nước hát nhạc vàng, và đã được người trong
nước đón nhận khá nồng nhiệt. Chương trình của những ca sĩ hải ngoại như Tuấn
Vũ, Thanh Tuyền, Giao Linh, Khánh Hà, Phi Nhung, Hương Lan, Ý Lan… tổ chức với
mật độ dày đặc và thường xuyên hơn ở Hà Nội và Saigon. Thái độ thích nghe loại
nhạc này của trong nước, đã làm cho nhiều ca sĩ ngày trước, lỡ thề nguyền không
bao giờ trở lại Việt Nam, đã nuốt lời vì đồng tiền. Nhiều công ty ca nhạc trong
nước cũng đã phấn khởi với những show ca nhạc bán hết vé của các ca sĩ hải ngoại.
Đó là nỗi khao khát được nghe loại nhạc vàng “bệnh hoạn” “độc địa” của một thời
để giải tỏa cái không khí u uất giam cầm bởi những loại nhạc ca tụng lãnh tụ và
đảng.
Có bao nhiêu bài hát được ca sĩ hải ngoại về hát ở trên
sân khấu trong nước, đã được “cho phép” hay “bị cấm,” khó ai có thể kiểm chứng
được, nó tùy lúc, tùy thời, tùy người và tùy… tiện. Vì “tùy tiện” nên nhiều ca
khúc bị cấm mà người ta không hiểu vì sao bị cấm. Mỗi lần mùa Xuân tới, bản “Ly
Rượu Mừng” dân chúng hát nát ra mấy chục năm nay để thay cho loại nhạc “Mừng
Xuân, Mừng Đảng,” mà cho tới nay chính phủ mới cho phép dùng. Nhưng hãy coi chừng,
một ngày kia, chính quyền nhức đầu sổ mũi lại cấm hát thì biết thế nào mà lần!
Để ăn chắc, mỗi lần đang hát thì bị công an lên sân khấu lập biên bản, từ nay cứ
làm đơn xin duyệt, mỗi lần xin duyệt tốn thêm chút cà-phê, thuốc lá; nhưng đã
có cái khuôn dấu rồi, vẫn chưa ăn chắc, vì chính quyền, tổ chức, vốn ba đầu sáu
tay, rừng nào cọp nấy! Cũng có cô ca sĩ và bài hát được xử dụng ở Hà Nội những
không được trình diễn ở Huế.
Chính quyền Cộng Sản lại là những anh nhát gan, sợ ma.
Thôi thì vì trào lưu thanh niên trong nước muốn mặc quân phục VNCH, hát nhạc thời
chiến trước năm 1975, thì ta cấm hẳn nhạc lính đi, nhưng vì sao cứ nói đến mùa
Thu là ngại người ta nhớ đến ngày cướp chính quyền. Mùa thu chết của
Phạm Duy lấy ý từ bài thơ của nhà thơ Pháp Apollinaire (1880-1918) thì theo
Nguyễn Lưu, bài này là “đỉnh cao chống Cộng của Phạm Duy, với một bút pháp sâu
cay, đểu giả…”
Ngay như những công dân chính thức CHXHCN Việt Nam là Phạm
Duy và Trịnh Công Sơn, người đã được nhà nước CS vinh danh, đặt tên đường, một số
nhạc của họ giờ này vẫn chưa được phép phổ biến, nghĩa là đang còn bị xếp loại
cấm hát. Theo BBC, mặc dầu, Phạm Duy đã trở về Việt Nam định cư từ năm 2005,
tuy nhiên cho tới nay, mới khoảng 1/10 số bài hát của ông được biểu
diễn ở trong nước. Với Trịnh Công Sơn, bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” cũng đã bị cấm
hai năm, những người Cộng Sản “chẻ sợi tóc làm tư” để tìm những gì mà họ cho là
ẩn ý trong từng lời hát!
Nhạc vàng đi ngược lại đường lối, chủ trương của đảng, ru
ngủ làm mất sức sản xuất, lao động và học tập của dân chúng, hay là chỉ vì nó dễ
ghét, vì lòng ganh tỵ vì được quá nhiều người thích.
Lấy kính hiển vi soi rọi vào 5 bài hát vừa bị cấm hay mới
bị cấm trở lại, thấy cũng không có lính, không có cờ, không có mùa thu mà vẫn bị
cấm, nên trên facebook có người mới hát nhại rằng: “Có đường không cho
đi, cấm đi người vẫn đi, hỏi tại sao cấm đi?”
Chuyện buồn cười hơn là cả một bài hát vớ vẩn, “Ðừng Gọi
Anh Bằng Chú” của Diên An, cũng bị lên danh sách cấm. Thì ra đây là chuyện thù
vặt, bài này nguyên là của nhạc sĩ Anh Thy, một quân nhân hải quân VNCH, tác giả
những bài hát lính như “Hải quân Việt Nam”, “Hải đăng”, “Hoa biển”, “Lính mà
em”, “Tâm tình người lính thủy…” Có lẽ vì gặp khó khăn với chế độ trong nước,
nên ca khúc này được đổi tên tác giả là Diên An. Cái tồi của trong nước là
không dám nói thẳng vì Anh Thy là lính VNCH nên bản nhạc phải cấm. Anh đã là
lính VNCH thì dù anh có viết những bài không dính líu gì đến lính, tôi vẫn cấm
anh! Đó là đường lối chủ trương “hòa hợp hòa giải minh bạch” của đảng!
Có những thứ đã chết mà người ta tôn vinh, xây lăng cho
nó, nó vẫn chết, nhưng có những thứ người ta muốn chôn vùi, hủy hoại, nó vẫn đội
mồ sống dậy.
Huy Phương
3/2017
(*)Trái tim anh chia ba
phần tươi đỏ.
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều.
Phần cho thơ và phần để em yêu… (Tố Hữu)
No comments:
Post a Comment