Tuồng lịch sử VN trên sân khấu cải lương?
Một độc giả Thời Báo ở
Toulouse – Pháp gởi email cho Nguyễn Phương :
“Cháu có người nhà ở
Toronto, thường chuyển cho cháu nhiều bài hay của tờ Thời Báo Toronto trong đó
có hầu hết các bài về nghệ sĩ và nghệ thuật sân khấu cải lương của bác. Cháu thắc
mắc là tại sao nền văn học của mình có rất nhiều tác phẩm hay, hợp với người Việt,
cũng như lịch sử nước mình có vô số vị anh hùng mà tại sao không dựng thành tuồng
mà lại chạy theo những nhân vật Tàu ? Xin bác vui lòng cho biết ý kiến.
Cháu rất cám ơn.”
HQ-tkd Toulouse – Pháp
Đôi điều với bạn HQ-tkd
Toulouse:
Nghệ thuật sân khấu là một
loại hình nghệ thuật của nhiều ngành nghệ thuật khác tổng hợp lại như văn, thơ,
nhạc, múa, hội họa, kiến trúc… những thành tựu của các ngành nghệ thuật này góp
phần phát triển ngành nghệ thuật sân khấu cải lương, vì vậy muốn tìm hiểu trong
quá khứ sân khấu cải lương hoạt động như thế nào, ta dò theo nền văn học nghệ
thuật và bối cảnh lịch sử đã sản sinh ra nó.
Năm 1867, Pháp chiếm trọn 6
tỉnh Nam Kỳ. Ngày 22 tháng 2 năm 1869 Đề đốc G. Ohier ra nghị định cưỡng bách
dùng chữ quốc ngữ la tinh trong các giấy tờ chính thức như thông tư, thông cáo,
công báo và khế ước giữa dân với dân, giữa cơ quan nhà nước với dân. Bãi bỏ các
cuộc thi Hương, mở trường dạy chữ Quốc ngữ La tinh. Cho đến cuối thế kỷ 19, ở
Sài Gòn và trên toàn cõi Lục tỉnh, tiếng Pháp và chữ Pháp trở thành ngôn ngữ
chính thức trên mọi lãnh vực hoạt động xã hội, đặc biệt trong văn hóa và khoa học
thay cho chữ Hán.
Ai cũng biết là người Pháp
chỉ xem chữ quốc ngữ như một công cụ giao tế phổ thông giữa nhà cầm quyền Pháp
và dân chúng, giữa dân chúng với nhau thông tri, đơn từ, thư tín, khế ước)
nhưng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, dân ở Saigon và lục tỉnh đọc Đại học,
Trung dung, Kinh Thi, Minh Tâm Bửu giám bằng chữ quốc ngữ; người dân
Việt Nam đọc Truyện Kiều, Nhị độ mai, Đại Nam quốc sử diễn ca, Lục Vân
Tiên bằng chữ quốc ngữ, đọc bao nhiêu chuyện dịch từ chữ Nôm, chữ Hán
ra thành quốc ngữ, trong số đó có gần 30 dịch giả dịch và in sách 70 bộ truyện
Tàu có những bộ nổi tiếng như Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Phong
kiếm xuân thu, Ngũ hổ bình Tây, Tiết Nhơn Quí chinh đông, Tiết Đinh San chinh
tây, La Thông tảo bắc…
Trong bảng thư tịch của giáo
sư Nguyễn Văn Y in trong sách Địa Chí Văn Hóa thành phố Saigon có bảng liệt kê
hàng trăm tuồng hát bội được in thành sách từ năm 1901 đến năm 1937, các tuồng
hát nầy được các Ban hát bội miền Nam dựng thành tuồng: Phụng Nghi
Đình, Huê Dung Đạo, Cầu Hôn Giang Tả, Triệu Tử đoạt Ấu chúa, Đơn đao phó hội,
Tam Khí Châu Du, Quan Công thất thủ Hạ Bì, Trụ Vương – Đắc Kỷ, Hoàng Phi Hổ quy
Châu, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Ngũ Viên Thiệu bị
tên, Ngũ biến báo phu cừu, Đào Tam Xuân loạn trào, Trảm Trịnh Ân, Tiết Đinh San
cầu Phàn Lê Huê, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Xử án Bàng Quí Phi, Địch Thanh ly Thợn,
Đãi yến Đoàn Hồng Ngọc, Mộc Quế Anh dâng cây…
Nghệ sĩ Thành Tôn , Minh Tơ,
Thanh Tòng, Thanh Bạch, Bữu Truyện lấy các tuồng hát bội đó viết lại thành tuồng
cải lương tuồng cổ; các nghệ sĩ Đức Phú, Phượng Mai, Đức Lợi, Bạch Mai, Bo Bo
Hoàng, Thanh Thế, Vũ Linh cũng lấy các tuồng Tàu đó thêm bài ca Đài Loan thành
tuồng Hồ Quảng sau khi thể nghiệm thành công vở Hồ Quảng Lương Sơn Bá –
Chúc Anh Đài.
Trong khi đó sân khấu cải
lương, từ khi mới được khai sinh năm 1917, soạn giả Trương Duy Toản soạn tuồng Lục
Vân Tiên (tuồng thơ truyện VN) diễn trên sân khấu đoàn hát Thầy Năm
Tú. Năm 1918, hai soạn giả Đặng Thúc Liêng và Nguyễn Viên Kiều soạn tuồng Pháp
Việt Nhứt Gia (sau đổi tựa là Gia Long tẩu quốc, tức tuồng
dã sử Việt Nam).
Đến năm 1925, soạn giả Mộc
Quán Nguyễn Trọng Quyền mới đưa tuồng Phụng Nghi Đình hát trên
sân khấu đoàn Tập Ích Ban .
Từ năm 1924 đến năm 1926, soạn
giả Năm Châu sáng tác các vở cải lương tuồng Tàu: Tái sanh Duyên, Mổ
Tim Tỷ Can, Thôi Tử Thí Tề Quân, Võ Tòng sát tẩu, Anh hùng náo tam môn nhai, Mộc
Quế Anh dâng cây. Sau đó, ông viết tuồng lấy cốt truyện từ các truyện
kiếm hiệp của Pháp (Bằng Hữu Binh Nhung – les trois mousquetaires của
Alexandre Dumas; Túy Hoa Vương Nữ – Marie Tudor của Victor
Hugo; Giá Trị và Danh Dự – Le Cid của Corneille; Tơ Vương đến
thác – La dame aux camélias tức Trà Hoa Nữ; Gió Ngược Chiều – Ruy
Blas của Victor Hugo; Hàm Lệ báo phụ cừu (Hamlet của Shakespeare),
Miếng Thịt Người (Le marchand de venise.)
Từ năm 1940 đến 1945, chỉ có
đoàn Phụng Hảo, đoàn Tiến Hóa là hai đoàn chuyên hát tuồng theo lối Quảng Đông
với cốt truyện Tàu như Phụng Nghi Đình, Mạnh Lệ Quân, Xử án Bàng Quí
Phi, Mộc Quế Anh dâng cây…Trong lúc đó có hơn hai chục đoàn hát cải lương
tuồng xã hội VN (Đời cô lựu, Hoa rơi cửa Phật, Men Rượu Hương Tình, Lở Tay
Trót đã Nhúng Chàm) hoặc tuồng truyện cổ VN (Con Tấm con Cám, Thoại
Khanh Châu Tuấn, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh Lý Thông, Lưu Bình – Dương Lễ,
Trần Minh khố chuối) nhiều đoàn hát khác hát tuồng Xã Hội phóng tác
theo tiểu thuyết của ông Hồ Biểu Chánh và tuồng Kiếm hiệp La Mã của soạn giả Mộng
Vân, Sáu Hải (Long Hình quái khách, Người nhạn trắng Cánh Bườm đen, Sĩ Vân
Công Chúa…)
Dưới thời Pháp thuộc, trường
học, từ lớp ba (élémentaire) đến lớp nhứt (supérieur) nhà trường bắt học sinh
phải nói tiếng Pháp trong trường. Từ Tiểu học đến Trung học, sử ký và địa dư dạy
ở trường là sử ký – địa dư của nước Pháp. Đến năm 1946, các trường Tiểu Học mới
có chương trình dạy học bằng tiếng Việt và chữ quốc ngữ. Ở Sài gòn chỉ có một
nhà bán sách Albert & Portail ở đường Catinat, không thể nào mua được sách
Lịch Sử Việt Nam bằng chữ quốc ngữ. Sau đó có nhà sách Khai Trí nên chúng tôi mới
có quyển sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim kể từ Thượng cổ thời đại đến
Cận kim thời đại (kể từ nhà Nguyễn cho đến đầu thế kỷ 20.)
Bộ Thông Tin của Pháp kiểm
duyệt gắt gao những tuồng xã hội Việt Nam, tuồng lịch sử và dã sử không được viết
có nhân vật người Pháp hoặc người từng cộng tác với Pháp. Các tuồng bị cấm Hỏa
Hồng Nhật Tảo của Lê Minh – Hoàng Thái Sơn, vở Anh Chị Ăn Mày của
soạn giả Năm Nở, vở Cô Giang Nguyễn Thái Học của Phương Linh
(Nguyễn Phương và Thiếu Linh).
Năm 1945 đến năm 1954, chiến
tranh Việt – Pháp sôi động. Tại các thành phố lớn hoặc nơi chợ tỉnh, chợ Huyện,
công tác thành và ban ám sát của Việt Minh liệng lựu đạn các quán rượu,
dancing, nơi rạp hát, nơi tụ tập đông người nên nhièu gánh hát mất khán giả, phải
rã gánh. Thời kỳ này ít có tuồng mới được sáng tác ra, các gánh hát nhỏ hát ở
đình, miếu, hát các trích đoạn tuồng Tàu trong các dịp cúng Kỳ Yên.
Hòa bình được lập lại, từ
năm 1954 đến năm 1965, sân khấu cải lương với hơn 60 đoàn hát từ Cà Mau đến
sông Bến Hải đã diễn không dưới 40 tuồng lịch sử và dã sử Việt Nam, hàng chục
tuồng cổ tích Việt Nam và hàng mấy trăm tuồng xã hội cận đại Việt Nam.
Ngoài các tuồng lịch sử, dã
sử hầu hết các truyện thơ, truyện cổ tích Việt Nam: Con Tấm con Cám, Thạch
Sanh Lý Thông, Thoại Khanh Châu Tuấn, Trần Minh khố chuối (tức Bên cầu dệt lụa,
Lưu Bình Dương Lễ ) đều được dựng thành tuồng hát trên sân khấu cải
lương.
Như vậy, chúng ta thấy tuồng
cải lương lịch sử, dã sử Việt Nam được sáng tác và biểu diễn rất nhiều nhứt là
trong hai thập niên 60, 70 thế kỷ trước, tuy nhiên khán giả vẫn cảm giác là sân
khấu cải lương diễn quá nhiều tuồng Tàu vì người ta nhớ chuyện tuồng Tàu, các
nhân vật Tàu mà không nhớ rõ cốt truyện tuồng dã sử Việt Nam. Phải công nhận là
các truyện Tàu viết hay hơn các tiểu thuyết dã sử Việt Nam.
Trong các thập niên 10, 20,
30, 40 của thế kỷ trước, người miền Nam thích đọc truyện Tàu vì họ thấy các
nhân vật quan trọng của truyện có những đức tính cố hữu mà họ được gia đình và
nhà trường giáo dục cho, đó là Trung Hiếu, Tiết Nghĩa, Trí Dũng, Tín Lễ, Cương
Trực, Anh Hùng. Trong truyện Tàu, nhân vật chánh có những cặp đối kháng quyết
liệt, tạo ra nhiều tình tiết gay cấn, hấp dẫn và diễn đạt được cá tính sống động
của từng nhân vật. Đó là La Thành – Đơn Hùng Tín, Tần Cối – Nhạc Phi, Bàng
Quyên – Tôn Tẫn, Tào Tháo – Châu Du…Tính cách điển hình của nhân vật truyện Tàu
quen thuộc với khán giả đã đi vào thành ngữ, vào cách nói chuyện của dân bình
thường Việt Nam: Nóng như Trương Phi, Trung nghĩa như Quan Công, Khóc như Lưu Bị,
Gian manh như Tào Tháo, lẳng lơ như Điêu Thuyền, Mãi quốc cầu vinh như Bàng Hồng
Tôn Tú. Chuyện tuồng lịch sử hay dã sử Việt Nam thì chỉ có xâm lăng và chống
xâm lăng, cá tính nhân vật tuồng không đa dạng, cốt truyện không gay cấn, khán
giả coi tuồng lịch sử, dã sử Việt Nam không thấy hấp dẫn, không thích thú.
Cả mấy năm nay cải lương
không có sáng tác mới, các nhóm nghệ sĩ hát các trích đoạn cải lương tuồng Tàu
và Hồ Quảng để kiếm sống, điều này càng làm cho thức giả nghĩ là không có tuồng
viết về danh nhân hay lịch sử Việt Nam.
Thêm một lý do về thời cuộc
khiến cho nghệ thuật sân khấu cải lương ngày một phải bị mất đi: Từ khi được
khai sinh năm 1917 đến năm 1930 gặp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, VN cũng bị ảnh
hưởng, dân không có cơm ăn áo mặc, tiền đâu mua vé xem hát? Cải lương lận đận
vài năm. Năm 1939, chiến tranh Trung Nhật rồi Thế chiến thứ 2, Xã hội VN phân
hóa dữ dội, năm 1940 Nhật vô Đông Dương, Đồng Minh dội bom xuống các thành phố
lớn có quân Nhật chiếm đóng, sân khấu cải lương ngoắc ngoải…Năm 1943, Hà Nội và
miền Bắc bị nạn đói, chết hơn hai triệu người, Cải Lương sống mạnh được sao ? Rồi
tới 1945 đến 1954, chiến tranh Việt – Pháp, trong các thành phố lớp bị Tây ruồng
bố, lớp bị Việt Minh quăng lựu đạn, công tác thành ám sát, xã hội bất ổn 9 năm,
các gánh hát Cải Lương rã lên rã xuống. Chỉ được mấy năm thời Cộng Hòa 1954 đến
1968, sau cái Tết Mậu Thân 68 rồi mùa Hè Đổ lửa 1972, kế đến ngày 30 tháng 4
đen, Cải lương thành cái loa tuyên truyền theo định hướng XHCN, chết lần chết
mòn cho tới chết tiệt lúc nào không ai hay!
Phải chăng đây là lý do khiến
cho khán giả tưởng là sân khấu cải lương không có tuồng lịch sử hay dã sử Việt
Nam.
Già quá rồi, nghĩ về dĩ vãng
mệt quá, không biết viết có gì sai sót, xin các bạn thông cảm.
Soạn giả Nguyễn Phương
3 comments:
Lại một lần nữa cháu xin cám ơn bác s/giả Nguyễn Phương đã cho cháu hiểu rõ hơn về nền cải lương VN .
KT
Việt Nam có 4 nghìn năm lịch sử.
Post a Comment