Friday, July 28, 2017

Khoảnh Khắc quí báu

Kim Quang


  

     
Cầu Cái Răng
         

           Nghe Cóc Con (Kim Chấn Ngọc) mail báo tin bất ngờ sẽ về VN vào trung tuần tháng 7. Tôi rất quan tâm chờ đợi, mong được gặp Cóc, giống như năm nào tôi chờ đợi cô chủ vườn HTTL trở về thăm quê hương.
           Chờ Cóc, êm re…không thấy. Đến  thứ năm 20/7 tôi sốt ruột bèn hỏi qua mail… thì Cóc lên tiếng đang ở Đà Lạt thăm họ hàng của ba vợ.  Phái đoàn của Cóc gồm Mẹ vợ, 2 cậu em vợ, vợ chồng Cóc và 2 Cóc nhí.
Khi Cóc đến Đà lạt ở nhà họ hàng vì không có Wifi nên Cóc không liên lạc được.
           Cóc báo chương trình sẽ về Cái Răng TP Cần Thơ…vào ngày thứ 7 để thăm mộ ông bà, sau đó sẽ đi thăm bà con bên Nội bên Ngoại của Cóc. Thứ 3 sẽ trở về Biên Hòa và sáng thứ 4 lấy chuyến bay đi Hà Nội thăm họ hàng bên mẹ vợ. Xong chuyến đi nầy Cóc và gia đình trở về Mỹ, chấm dứt cuộc hành trình về VN
          Cóc đã lên kế hoạch … sẽ đưa mẹ và vợ con đến thăm tôi trong thời gian đó nhưng không biết giờ phút nào. Thời gian ngắn, chương trình quá khít khao, không biết có thời giờ thầy trò cùng nhau ngồi nói chuyện được chăng?

          Dù có hay không tôi vẫn cảm thấy quí giá vô cùng. Đã nghĩ tới là có tình nghĩa mang giá trị tinh thần, chưa nói Cóc còn mang về lỉnh kỉnh đủ thứ quà biếu lu bu.
          Chiều thứ 7 tôi không ngờ Cóc đến gặp tôi khi về tới  Cái Răng.. Cóc bước vào nhà, tôi chưa kịp nhìn mặt… Cóc đã ôm chầm tôi.  Hai thầy trò ôm nhau thật chặt, thật lâu. Tôi quá đổi vui mừng và cảm động thấy thương Cóc làm sao!
          _ Con đến ôm sư phụ một cái rồi đi…
          Cóc vừa về tới, tức khắc đã có cuộc hẹn hò với bạn bè… nhưng Cóc đến chào mừng tôi trước… rồi Cóc tiếp tục đi họp mặt, tiệc tùng cùng với bè bạn thân ái ngày xưa vào chập tối hôm đó.

          Tôi đề nghị mời gia đình Cóc đến nhà tôi dùng cơm vào trưa Chủ Nhật, nhưng mẹ vợ từ Biên Hòa xuống sau một ngày e không kịp gặp nhau vào buổi trưa .Thế là giờ hẹn dời lại 5g30 chiều Chủ Nhật ngày 23/7.
           5g chiều tôi đã chuẩn bị bửa ăn xong chỉ chờ họp đủ là bắt đầu.
           Đầu tiên Mạc Kỉnh Huy và Thiên Nhi là hai biên tập viên của đài Truyền Hình Cần Thơ ( VTV5 và VTV9) đến phụ giúp bàn tiệc, trước khi gia đình Cóc đến. Đó là đứa con gái kết nghĩa của tôi từ 25 năm qua. Giống y như trường hợp của Cóc, tất cả chúng tôi đến với nhau qua ngưỡng cửa Phật pháp.  Cũng như vợ chồng Cóc,  cho đến bây giờ vẫn sống  nặng  tình  càng lúc càng thâm sâu. Có lẽ chúng tôi đã gieo  duyên từ kiếp trước mà ra. Từ người dưng  vậy mà kết chặc mối giao tình khắn khít nhau đến như vậy.
           5g30 gia đình Cóc tới….Mẹ vợ và dì vợ là người Bắc nhưng nói giọng Nam khi đến với người miền Nam, bà rất tế nhị hòa nhập theo phong cách Miền Nam. Bà là Phật tử trường chay. Bởi vậy Cóc làm rể gia đình đó rất thuận duyên. Lúc trẻ khỏe bà thường làm công quả …nấu ăn những ngày lễ lớn ở Chùa
          Nghe vậy tôi bỗng e ngại không tự tin việc nấu nướng của mình, khi biết bà tham gia thành thạo việc nấu ăn cho Chùa. Tố Lang đã gặp bà mẹ vợ Cóc, có lẽ đã thưởng thức bửa cơm do bà nấu rồi phải không?
          Biết các bà già dù còn trẻ hơn tôi, ăn không bao nhiêu, nhưng tôi có con mắt to hơn cái miệng  nên có dịp thích bày binh bố trận  cho nhiêu khê, làm cho nhiều nên ăn xong còn âm ấp. Ăn giữa chừng tôi giới thiệu các món còn tiếp, các cháu trong bàn nghe tôi kể bèn cười xòa, có lẽ cảm giác cái bụng cũng đã đầy.        
         Thực đơn của tôi biễu diễn na ná như mấy năm trước khi tới Rạch Giá  mừng Tố Lang về năm 2014                  
        _   Súp chay
        _  Chả giò chay
        _  Thịt kim tiền chay & Bánh hỏi
        _  Cơm sườn & bì chay
        _  Cù lao chay
          Hai bà vui vẻ, ít nói hơn tôi… nhưng không phải vì thế tỏ ra xa lạ. Hai bà rất dễ thân thiện. Tôi cũng không biết tôi có chủ quan không,  vì tôi rất dễ thiện cảm với người tu hành. Giống như khi gặp Cóc.. cái gì đó thật gần gũi thường có đối với người trong đạo, y như những giọt nước tung tăng hòa nhập vào đại dương.
         Tôi ngồi chung với 2 bà và các cháu,  một trong hai em vợ của Cóc cũng trường chay như mẹ. Thật tình tôi không tô vẽ , các  cháu thật hiền hòa dễ mến,  không một chút kiêu kỳ nào

Tôi (KIM QUANG), Bà dì và Mẹ Vợ của Cóc
         Tôi và hai  bà trao đổi với nhau về bịnh già và quan điểm về thời khắc cuối cùng của một đời người.  Các bà tin theo các thầy dẫn giảng…Ra đi đột ngột, linh hồn không nhận biết mình về đâu. Còn tôi là Phật tử cứng đầu coi sự ra đi nhẹ nhàng không bịnh hoạn là phước báu. Tôi mong muốn được như thế.
          Cả hai vợ chồng Cóc rất tình cảm, dễ hòa đồng. Vợ Cóc dịu dàng chân thật khiến gia đình tôi rất quí mến . Cả 2  ngồi chung với vợ chồng Thiên Nhi…anh em có dịp trao đổi với nhau về giới luật tu hành. Thiên Nhi tìm hiểu thêm về ngũ vị tân, một trong những thứ cấm kỵ không dùng trong thực phẩm chay. Và những thắc mắc về biến chuyễn trong lúc lâm chung…
          Anh em bọn nó có cơ hội để nói với nhau, hiểu nhau trong những giây phút tuy ngắn ngủi nhưng quí báu. Thật vậy ngàn năm một thuở gặp nhau hôm nay, không dễ dàng có được lần gặp nữa….nhưng  chắc chắn đã để lại những tình cảm khó quên

Kim Quang cùng vợ chồng Cóc Con (hàng ngồi)
Rể KQ Mạc Kỉnh Huy và Loan




                                  Cóc và Mạc Kỉnh Huy& Thiên Nhi (đài Truyền Hình)

           Sau buổi gặp gỡ… sáng hôm sau Cóc đưa Mẹ vợ và gia đình đi  đến Sóc Trăng viếng Chùa Dơi và trở về  đi thăm Thiền VIện Phương Nam và vườn trái cây Mỹ Khánh. Thế là đi suốt… mất cả ngày,  nghỉ lại một đêm cuối ở Cái Răng nơi cha mẹ anh em sinh sống đã lâu thời thơ ấu…  Cóc ra đi mấy chục năm bây giờ mới dịp trở về và không biết bao giờ còn quay gót trở lại nơi nầy. Có lẽ vài chục năm sau khi Cóc đã làm ông…và lúc đó chắc tôi đã đi về bên kia rồi.
           Sáng thứ ba 25/7 cả gia đình Cóc đến gặp tôi lần chót  trước khi lên xe trực chỉ về thành phố. Sau bửa ăn sáng bình dị, gia đình Cóc từ biệt… Phút cuối chia tay cảm thấy bâng khuâng trong  lòng…
           Cuộc sống vô thường… nên hai thế hệ già trẻ, kẻ ở quê hương , người viển xứ khó có cơ hội thuận lợi nên không ai cần khách sáo hứa hẹn hảo huyền ở ngày mai. Thầy trò chúng tôi ôm nhau im lặng và tạm biệt…
9a4
           Tôi và Cóc không có thời gian, không có dịp ngồi gần nhau, nên không chia sẻ cho nhau nghe những thể nghiệm, những thử thách, những khắc phục trải qua trong cuộc sống tu học
           Không nói gì với nhau nhưng trong thâm tâm nói với nhau thật nhiều, những hành động những việc làm của Cóc để lại trong lòng tôi những nghĩ  suy nhiều về Cóc.
          Cóc có trái tim bao la, dễ chạm đến tâm từ. Là tuổi trẻ là nam nhi sống giữa thế tục có biết bao điều cám dổ mà Cóc vẫn thản nhiên. Là cư sĩ tại gia phải biết Đạo Đời song tu. Thắng 3 vạn quân không khó, thắng được chính mình không phải dễ. Bình tâm bước đi theo hướng Đạo không nghiêng ngả, kể cả những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống hằng ngày Cóc cũng không quan tâm cần đến. Hiểu rõ cái lý của Đạo, biết sống thiền, nhờ vậy cái tâm được an trụ.
            Khi gặp Cóc, tôi thấy cần tập tánh dễ chịu hơn, bớt khắt khe hơn, dễ chấp nhận, biết bằng lòng với mọi tình huống. Nghĩa là phải buông bỏ, hỉ xã tất cả. Có như vậy tâm mới thanh tịnh. Nói theo đạo: Tâm có thanh tịnh mới thoát khỏi sinh tử luân hồi. Muốn là một việc dễ còn làm được hay không là một việc rất khó.
             Dù sao tôi cũng thấy vô cùng hân hoan hả dạ được nhìn thấy Cóc trở về lần nầy. Tôi cứ nghĩ tôi sẽ ra đi trước khi Cóc trở về
             Biết gặp cũng chẳng làm sao, nhưng muốn một lần thấy Cóc hình ảnh một người trẻ tuổi_ một học sinh ngoan trường tôi ngày xưa_ trải qua một cuộc bể dâu từ đó đã biết giác ngộ, sống đạo nghĩa, không bon chen danh lợi, không lặn lội giữa cuộc trần, biết hướng tâm về Chân Thiện Mỹ thật đáng quí.
             Chính nhờ từ trường trong sáng của Cóc, nên khi  tôi giới thiệu Cóc đến với Blog THA HƯƠNG đã được các thành viên đón nhận và thương mến. Điều đó cũng làm tôi hạnh phúc lây và thật cảm ơn  Gia Đình THA HƯƠNG dành cho thầy trò chúng tôi cái tình thật vô cùng ấm áp.


kimquang
25/7/17

9 comments:

rachgia said...

em mừng chị Kim Quang gặp lại đệ tử Cóc Con thương yêu của mình
Không còn là mộng nữa phải không?
Em chung vui cùng chị
TL

Lanh Nguyễn said...

Mừng sư bá và sư đệ Cóc Con gặp lại nhau sau một thời gian xa cách quá lâu.

Ledinh chontam said...

Mừng chị Kim Quang
Mừng anh Kim chấn Ngọc

trường tôi said...

Nhà Chị Kim Quang đẹp quá em thích nhứt là có 2 cây cột nhà đen mun và láng bóng ,thêm vào đó có mấy cái tủ xưa cẩn xà cừ ngôi nhà xưa được chị giữ như vậy thật là qúi .Mừng Chị và Cóc Con gặp lại nhau . HTX

Katie co5rg said...

Dù chưa được gặp chị Kim Quang và Cóc Con nhung KT thấy có cảm tình và thân thiện lắm, có lẻ vì trong nhóm gđ TH, xin chúc mừng hội ngộ quý báo của chị và CC nha.
KT

Quang Minh said...

Chuyện thầy trò của cô Kim Quang rất vui và hạnh phúc . Xin chia xẻ và chúc mừng

Mời quý vị đọc chuyện nầy , Tố Lan & Niên Mạch đọc rồi nhưng đọc lại cũng cảm động bùi ngùi

CÔ CÒN NHỚ EM KHÔNG

Học sinh thường cho rằng, các thầy cô chỉ nhớ tên học sinh giỏi, học sinh đẹp hoặc hoạt động hiệu đoàn... Cho nên mỗi lần nếu tôi gặp lại một em học sinh không có gì xuất sắc ngày xưa mà tôi còn nhớ tên, thì đó là một niềm vui to lớn của em là được thầy cô còn nhớ mặt và nhớ tên của mình.
Sau khi cuộc chiến lan tràn trên quê hương thầy trò phân tán, tôi đi cùng nam cực bắc, đi xa nửa trái địa cầu, rải rác khắp nơi, tôi vẫn gặp lại những em học sinh Đồng Khánh cũ. Và nhờ cố gắng nhớ mặt, nhớ tên các em, nên hầu như ở đâu tôi cũng gieo được chút niềm vui cho những người đang phập phồng chờ được gọi đích danh sau một câu mở đầu công thức: „Cô còn nhớ em không?“. Những con người ấy, những học sinh Đồng Khánh tha phương - xa trường, xa thầy bạn cũ đã xưa rất xưa, mà chính bản thân khi soi gương cũng không còn bắt được hình bóng mình ngày ấy..., bất giác còn được gọi tên, còn được nhớ, còn được nhắc nhở đến bao kỷ niệm của một thời. Ôi! Vui biết bao nhiêu, ấm áp ngọt ngào biết bao nhiêu!
Kẻ gieo niềm vui, tất nhiên cũng được hưởng những niềm vui dội trở lại không kém phần to lớn. Giữa khu phố Tàu Toronto (Canada), tôi gọi đúng tên một em học sinh cũ. Em mừng rỡ ôm hôn tôi tha thiết rồi níu tay tôi „Cô chờ em một tí “. Em vụt chạy vào một tiệm gần đó mua ra một bông hồng đỏ, cài lên ngực áo tôi. Những cái hôn cảm động và đóa hồng như thế, tôi mang về trong giấc ngủ, tôi mang theo suốt cả cuộc đời. Nó là hương sắc đậm đà nổi bật trên cuộc sống đơn giản của một nhà giáo !
Có được chút khả năng nhỏ bé này, cái chìa khóa gieo vui của tôi là do tôi đã dày công cố gắng học tên, nhớ mặt học sinh. Mỗi đầu năm học, tôi ra công học kỹ bảng đồ lớp, sáu bảy lớp với hơn 300 học sinh, tôi phải học thật sự. May mà tên con gái Huế đa số 4 chữ, âm thanh hài hòa lắm lúc một dãy tên trở thành một đoạn văn biền ngẫu nghe êm tai mà cũng dễ thuộc hơn. Mặt đẹp tên hay thường đi đôi với nhau, mặt mày chất phác thường mang tên giản dị, còn thiểu số những em mang tên ngồ ngộ không theo quy luật nào cả lại càng dễ nhớ. Một năm 300 tên, 300 mặt, nhớ cho hết cũng đủ xây xẩm mặt mày rồi. Nhưng đò đi mà bến cũ còn ở lại, năm sau lại 300 tên khác rồi 300 tên khác nữa... thật gay go vô cùng.











Quang Minh said...

Gặp lại học sinh với những nụ cười rạng rỡ trên môi, với bông hồng cài áo chỉ có trước năm 75 hoặc trên xứ người. Sau 30.4.75, trên các nẻo đường bôn ba ở miền Nam, tôi vẫn hay được gặp lại các học sinh thân yêu với lời chào quen thuộc „Cô còn nhớ em không?“ nhưng là ở những cảnh ngộ khác nhau rất xa ngoài phạm vi phấn trắng bảng đen. Hầu như tất cả cảnh ngộ đó đều gian khổ rất đau lòng, không có hộ khẩu, con cái của những gia đình thuộc chế độ cũ... Đó là những mảnh đời rách nát! Những cảnh đời của học sinh tôi như vậy, tôi đã gặp nhan nhản trong suốt thời gian tôi còn bị kẹt lại ở quê nhà...
Một cảnh ngộ khác, tôi không bao giờ quên được khi tôi gặp Hạnh Mai trên một chuyến xe lửa Sàigòn – Huế. Thầy trò đều tất tả ngược xuôi vì miếng cơm manh áo, nước mắt nhiều hơn nụ cười với những tủi nhục của cảnh đời khốn khó lầm than! Con tàu đông nhung nhúc, hôi hám đến ghê tởm. Tôi ngồi chỉ được nửa bàn mông, đôi chân phải chuồi ra kê đỡ trên bao nhiêu đồ đạc bừa bãi chen chúc với chân cẳng người khác. Chốc chốc lại thấy có những con người khom khom lách tới, lẹ làng chui nhét chen chúc dưới ghế ngồi, những gói, những bao hàng không lớn lắm nhưng nặng nề. Một lúc sau lại thấy họ rật rật chạy tới lôi ra đem nhét vào những khoang khác. Đó là mấy bà đi buôn, họ đi tàu „cọp“. Gọi là cọp nhưng họ phải chi tiền cho ban kiểm tra, cho thuế vụ, cho thanh tra thanh trẻ. Giá tiền nhiều gấp bao nhiêu lần giá vé! Đến những ga nào có đoàn kiểm tra đột xuất, họ phải nhảy đỡ xuống rồi chạy bộ ra khỏi ga. Đoàn tàu chuyển bánh ra khỏi vòng kiểm soát của ga, tốc độ còn chậm, họ lại bám vào thánh tàu, nhảy lên rớt xuống, lại chạy theo, lại nhảy, người trên đưa tay kéo kẻ dưới, toàn là phụ nữ. Lòng tôi se thắt khi nhìn những con người như thế đeo lên rớt xuống mấy lần, lăn trên hai đường đá lởm chởm, lại ngoi lên, lại níu, lại nhảy. Cuối cùng rồi họ cũng lên được con tàu để sống chết với tài sản của họ. Tôi đang thẩn thờ suy nghĩ đến giá trị sinh mạng của những kẻ chung quanh tôi bấy giờ vẫn bô bô là „vốn quý của xã hội“, quên cả bực dọc vì chật chội, hôi hám như cảm giác lúc mới lên tàu, thì bỗng một người ngồi thụp xuống bên chân tôi, muốn tìm chỗ để rúc cái đầu xuống bên dưới ghế hầu tránh công an, thuế vụ nhưng nghẹt cứng không còn chỗ, đành phải úp mặt trên đầu gối tôi, mặc cho những lằn roi quất tới tấp trên chiếc nón lá xơ vành. Để cho nhẹ bớt đòn roi, chị đi buôn ghì mặt xuống thấp hơn, thấp hơn nữa, sũng xuống giữa hai bắp vế của tôi. Quá bất nhẫn trước hành động dã man của tên công an, tôi phản ứng; tính bất khuất của một nhà giáo trổi dậy trong tôi, tôi mở mắt lớn nhìn tên công an:
- Anh làm gì lạ vậy? và đưa tay gạt ngọn roi của nó.
Anh ta ngạc nhiên nhìn tôi:
- Thím lạ lắm hả?, cái bọn gian thương này phải đánh cho chúng nó chừa, chúng nó chuyên bóp nghẹt quốc doanh, phá hoại chính sách ưu việt của đảng và nhà nước ta...“.
Con vẹt áo vàng tuông đủ một tràng kinh nhật tụng rồi đổi giọng:
- Xin lỗi, thím công tác ở cơ quan nào?
Tôi đáp liều:
- Tôi đi dạy học (thật tình tôi đã bỏ dạy từ năm 1979 dù Ban Giám Hiệu đã yêu cầu tôi ở lại nhiều lần, vì môn Toán cấp 3 thiếu giáo viên).
Nghe vậy, tên công an nói tiếp:
- Thím về nên giảng giải thêm cho học sinh rõ, báo cáo sâu sát tình hình để nhà nước ta có biện pháp hữu hiệu tiêu diệt bọn chúng.
Hắn bỏ đi sau khi hừ một tiếng vào cái nón; còn tôi thì nín cười vì đã bịp được hắn. Tên kia đi khuất, chị đi buôn mới trồi mặt lên nhìn tôi qua nửa vành nón rách:
-„Cám ơn bác“ và bẽ bàng giọng Huế: „Kệ, rứa đó chớ không răng mô bác. Hắn giả đò quất trót trót cho to rứa, chứ không can chi mô. Cái nón của tụi tui là dùng vô mục đích nớ đó. Làm bộ qua mặt người khác rứa, chớ „đấm mõm“ thì yên hết.

Quang Minh said...

Trời ơi! Vậy là „yên„ đó ư? Con người ta còn chịu khổ đau đến mức nào nữa? Thảo nào mà bọn chúng không lạm dụng sức nhẫn nhục chịu đựng để làm khó dễ dân chúng. Nhưng tôi chưa kịp buồn lâu về cách hành xử giữa người với người, cũng chưa kịp suy tư theo thói quen nghề nghiệp về mấy từ „nhân cách, nhân nghĩa, nhân vị...“ thì tôi bỗng giật thót mình. Chị đi buôn khi ngớt lời, hất chiếc nón ra sau, nhìn kỹ lên một lần nữa. Bốn mặt nhìn nhau, tôi như bị điện chạm bởi ánh mắt quen thuộc của một ngày xa xưa hiện về giữa gương mặt tuy chai cằn sạm nắng che lấp một phần bởi tóc tai lòa xòa không chải chuốt nhưng cái lúm đồng tiền có một bên vẫn nhắc nhở cho tiềm thức tôi một thoáng vẻ rất quen thuộc.
Phần chị đi buôn, tự nhiên nụ cười vụt tắt, chị luống cuống quơ đôi dép nhựa đã rách mép, tuông đi như tháo chạy với lời „Cám ơn bác“ ném lại sau lưng.
Tôi vội chụp tay kéo giật lại „Hạnh Mai“!
Hạnh Mai quay lại, đổ ào xuống chân tôi, úp mặt vào đầu gối tôi bùng lên nức nở.
Mọi người trong khoang tàu nhìn chúng tôi ái ngại nhưng chỉ hỏi bằng mắt, còn tôi nước mắt cũng đã rưng rưng! Tôi im lặng đặt tay lên vai em để cho em khóc. Hồi lâu thật lâu, khi những nỗi tủi nhục đã vơi dần theo nước mắt, Hạnh Mai mới ngước nhìn tôi đầy mặc cảm:
- Em không ngờ cô còn nhớ ra em! Lâu quá rồi! Em già và tàn tạ quá! Cô thì không đổi mấy nhưng vì lúc đầu ngồi thấp và đội nón, nên em chưa thấy. Sau biết là cô, em định chạy trốn luôn“.
- Sao lại trốn ? Tôi hỏi.
- Em tủi thân, không dám chào! Vả lại không nghĩ là cô còn nhận ra em được nữa! Em đưa hai bàn tay đen đủi gân guốc bụm lên hai má rồi thở dài “Em tàn tạ quá!”.
- Đâu có nhiều, bằng chứng là cô vẫn nhận ra em!
Tôi cố ép người lại, mời Hạnh Mai ngồi ghé vào nhưng cũng không thể nào nhín thêm một chút. Hạnh Mai ngồi trên một bao hàng bên chân tôi suốt đoạn đường còn lại. Em không phải chui luồn theo tốp đi buôn nữa và công an thuế vụ cũng lờ em luôn.
Thầy trò tôi thủ thỉ hỏi thăm nhau, được biết chồng em đi cải tạo, có 4 con. Em đi hàng chuyến, vào ra hết 4, 5 ngày, về qua nhà để lại được ít bo-bo, mì sợi cho con sống qua ngày, chờ chuyến khác. Hàng em buôn, cái gọi là „bóp“ nghẹt „quốc doanh“ là những món hàng nặng tùy mùa như đậu phụng vào, đậu xanh ra, bột mì vào, bo-bo ra v.v... có khi buôn cả than củi nữa, số lượng chỉ „lớn“ đủ nhét dưới ghế nọ, gầm kia trên khoang tàu.
Để quên lãng bớt nỗi ê chề đắng cay của thực tại, tôi đưa Hạnh Mai trở về quá khứ. Một vài kỷ niệm dễ thương dưới mái trường Đồng Khánh đã được thầy trò cùng nhắc đến, tạo được đôi chút ấm áp, vài ba nụ cười dù không trọn vẹn nhưng cũng đủ làm cho đường xa hóa gần.
Tàu đến ga Lăng Cô, đoàn đi buôn quăng những bao hàng rồi nhảy ào xuống trước khi vào vùng kiểm soát của nhà ga. Hạnh Mai cũng thế, tôi xót xa nhìn theo cô học trò nhỏ bé của tôi đang nhảy tàu, lăn mấy vòng rồi đứng dậy lao mình, chụp theo mấy bao hàng, xốc nách một bao và xách hai tay hai bao, chạy ngã lên ngã xuống qua những hàng kẽm gai đổ nát để vòng thoát ra phía sau mấy dãy nhà dân.
Năm sau, báo chí loan tin xe lửa Huế – Sàigòn bị lật nhào ở Trảng Bom, chết sáu bảy trăm người, đa số là con buôn. Tôi kinh hoàng đau xót, Hạnh Mai có trong đó không em? Không em thì cũng trăm ngàn Hạnh Mai khác, cũng vậy thôi!
Buổi tối, tôi ăn cơm độn với mì sợi được chế biến từ bột bo-bo, tôi cảm thấy sợi mì khô như gai và mặn như nước mắt!
*
Tôi đã may mắn rời quê hương để bao nỗi u hoài ở lại. Tưởng rằng nơi đất khách khó gặp được người thân, ai ngờ tôi vẫn còn nghe những câu chào „Cô còn nhớ em không?“ nhưng có cái khác là giữa bầu không khí tươi vui rực sáng. Các em học sinh của tôi không thể ngờ được rằng ở một đốm không gian nào đó, trong ký ức nhỏ bé của tôi, các em vẫn hằng có mặt. Những quà cáp, những nụ hôn, những đóa hồng là những phần thưởng dễ thương của tôi hiện tại và là hành trang quý giá của tôi sau này.
Trong ngậm ngùi của thực tế giáo chức giữa xã hội đổi thay, tôi vẫn lưu giữ những gì tôi đã chọn và mãi mãi trân quý...
(München, Mùa 30 tháng 4)
Nguyên Hạnh - HTD

Unknown said...

Cám ơn các bạn đã theo dỏi bài viết tường thuật cuộc hội ngộ thầy trò chúng tôi
Cảm ơn lời chúc mừng nhiệt tình của các bạn
Câu chuyện của Quang Minh rất cảm động và xót xa trong buổi giao thời
Tôi rất cảm thông vì sau khi bỏ nghề tôi cũng đã lao vào buôn chuyến thuốc tây để sinh tồn
Trong Nam không có công an đánh đập con buôn.
Khi bị thuế vụ bắt được sẽ bị đánh thuế 70% trên tiền vốn do chính họ định giá. Thế là hết vốn đi buôn tiếp
KQ