Tràm Cà Mau
Năm
học lớp Đệ Ngũ bậc trung học, tương đương với lớp tám bây giờ, một hôm thằng bạn
nhỏ ngồi cạnh tôi thì thầm:
“Tại
sao trong tiểu thuyết, mỗi khi có hai người ôm nhau, thì tác giả có đề cập đến
hạnh phúc? Hạnh phúc là cái gì mầy có biết không?”.
Tôi
liền tay dong tay rụt rè hỏi giáo sư đang dạy môn nghị luận luân lý:
“Thưa
thầy, hạnh phúc là cái gì?”.
Hỏi
mà run lắm, vì lỡ ra hạnh phúc là chuyện bậy bạ, thì e lãnh phạt đủ .
Thầy
liền ra cho cả lớp một bài luận văn, bình giải câu: “May thay, ngoài hạnh phúc
ra, đời còn có cái gì khác nữa.” Thầy còn ghi chú thêm câu viết bằng nguyên văn
tiếng Pháp để học trò có thể hiểu rõ hơn. Thầy giảng rằng, hạnh phúc như là cái
bóng, mà mọi người trên thế gian nầy đều luôn luôn theo đuổi, cố chạy theo
nhưng không bao giờ bắt gặp được cả. Bởi vậy, cho nên may mắn quá, cuộc đời nầy
còn có nhiều thứ khác nữa, để bù đắp vào cái thiếu thốn hạnh phúc, mà con người
như chẵng bao giờ tìm thấy, không bao giờ nắm được
.
Chúng
tôi hiểu mập mờ rằng, hạnh phúc là cái gì đó xa lắm, là như thứ ảo ảnh, mà con
người thế gian ai cũng mơ ước, quay quắt đi tìm, và chẵng bao giờ tìm thấy. Tôi
thầm nghĩ, thầy bắt chúng tôi bình luận làm chi cái thứ không có và khó khăn, để
thêm tốn giấy mực, tốn thì giờ. Thế là cả đám học trò nhi nhô đầu còn cắt tóc
trọc, đau khổ nhăn nhó, nặn óc bình giải về hạnh phúc, cái thứ mà chúng mù mờ,
chưa ý thức, chưa hiểu nổi vài ba phần trăm ý nghĩa. Thằng bạn ngồi sau lưng,
thụi tôi hai cái đau điếng, để phạt cái tội hỏi thầy câu hỏi cắc cớ, làm cho cả
lớp phải nhức đầu. Tôi biết tội, ngồi yên. Tôi cứ yên chí là hạnh phúc không có
thật trên đời nầy, và không tội gì uổng công tìm kiếm. Dù sách vở, thơ văn, có
nói nhiều đến hạnh phúc, tôi e rằng đó là chuyện mơ mộng ao ước hão huyền, chuyện
bánh vẽ của những người chuyên làm thơ văn.
Nhưng
khi lớn lên, được đọc kinh Phật, kinh Thánh, và nhiều sách triết lý Âu Á như Khổng,
Lảo,Chu… và luôn cả kinh Koran và kinh đạo Bahai nửa, thì tôi tìm cho tôi được
một triết lý đơn sơ, mộc mạc, là cái món hổ lốn vắt ra từ tinh túy của các triết
lý khác. Tôi tạm gọi là “Triết Lý Củ Khoai”. Vì nó đơn sơ như củ khoai, rẻ tiền,
mộc mạc, và dễ tìm thấy như củ khoai trong đời nầy. Triết lý đó được đơm gọn lại
trong một câu ngắn ngủi: “Nếu chỉ có một củ khoai thôi, thì hãy nướng nó cho thật
thơm mà đớp”. Ý nghĩa của câu đó cũ mèm, hình như ai cũng biết, và có nhiều câu
nói tương tự. Cái triết lý đơn giản nầy giúp tôi thấy được rằng, hạnh phúc là
cái rất cụ thể, rất gần gủi, bất cứ ai, và bất cứ lúc nào, cũng có thể tìm dược
hạnh phúc rất dễ dàng. Ai cho rằng hạnh phúc là cái xa vời, thì vì họ chưa nắm
hết phần tinh túy của các triết lý khác, hoặc chưa từng nghe một phần của triết
lý củ khoai. Nhiều sách vở khác cũng có nói đến, nhưng người đọc vô tình hoặc cố
ý làm ngơ, hoặc biết rất rõ nhưng chẳng bao giờ thực hành.
Năm
1975 tôi mang cái “triết lý củ khoai” vào nhà tù cộng sản. Cộng sản gạt rằng,
đi học tập chính trị trong vòng một tháng, cho “thông suốt đường lối của cách mạng”
rồi về. Nghe dễ quá, nên bà con miền Nam mắc bẫy. Trong tù, ai cũng nôn nóng,
chờ “học tập” cho xong, mà về với vợ với con, vì việc nhà còn trăm chuyện lu bu
lắm, cả tháng trời ai mà lo cho. Lo nhất là hai ba tuần đã qua rồi, mà chưa thấy
bài vở, chưa thấy học tập chi cả. Không lẽ khóa học phải kéo dài thêm vài tuần?
Trong tù, ngoài đau khổ vì thiếu tự do, còn bị cái đói hành hạ, cái lạnh cắt da
thịt từng đêm và nỗi khó nhọc hàng ngày khi làm lao động tay chân không quen mà
tình trạng sức khỏe thì quá suy yếu. Còn phải đau khổ tinh thần vì làm đi làm lại
bản tự khai tự thú, phải tự bịa đặt tỗi lỗi gán cho mình, để được cái gọi là
“thành tâm cải tạo”. Nhưng nỗi mong chờ làm cho đám tù nhân phờ phạc mau hơn
các nguyên nhân khác. Một hôm đi lao động bên ngoài vòng trại, có anh lượm được
bản nháp bức thư của một lính cộng sản, trong đó viết cho cha mẹ ngoài Bắc rằng,
dạo nầy con canh gác tù rất nhàn nhã, bọn chúng toàn cả cán bộ cao cấp ngụy quyền.
Anh tái mặt và đem lá thư về cho vài người bạn xem, có người xem xong phát khóc
vì biết mình đang ở tù chứ không phải học tập chi cả.
Phần
tôi, sau một tháng chưa được về, tôi lờ mờ hiểu rằng “có cái gì không ổn đây”.
Tôi chuẩn bị tinh thần để đón nhận những gì không thể tránh được. Một hôm, sau
buổi cơm chiều, tôi chỉ ngọn đồi bên kia nói với người bạn tù:
“Cứ
xem như đó là nơi chôn chúng ta khi tóc bạc lìa đời, và xem đây như là nơi
chúng ta phải sống trọn đời còn lại. Hãy tìm và tạo những niềm vui nhỏ nhoi nhất
mà chúng ta có được ở nơi nầy. Ráng tìm vui, buồn bã cũng vô ích, mà còn có hại
cho sức khỏe.”
Nghe
thế, người bạn tù của tôi gần khóc vì sợ. Tôi đem triết lý củ khoai ra giảng giải.
Về
sau, nhiều người bạn tù khác gai mắt bực tức vì thấy chúng tôi vẫn tỉnh khô, vẫn
thản nhiên vui vẻ cười đùa như không phải đang ở tù, như không phải đang cực nhọc,
thiếu thốn, đói khát. Mặc dầu sức khỏe của chúng tôi sút kém rất mau, gầy gò, mắt
sâu. Chúng tôi cứ xem những bữa ăn thiếu thốn kham khổ kia là cao lương mỹ vị,
tận hưởng từng miếng nhai nuốt. Khi chúng tôi bắt được con nhái bén nhỏ, ướp
chút muối, nướng cho thơm ngậy, tổ chức một bửa tiệc thưởng trăng, xé con nhái
làm ba. Ba anh em tù bí mật ăn trong đêm tối bên hè nhà, nhìn trăng chênh chếch,
cười với nhau sung sướng và ngâm nhỏ vài đoạn cổ thi. Ngoài những sinh hoạt
công khai trong tù, chúng tôi còn tổ chức được các buổi văn nghệ bỏ túi, cấp tốc.
Ba bốn tù nhân hẹn nhau ở đám cỏ cao bên cầu tiêu, một người canh chừng, mấy người
kia hát “nhạc cũ” cho nhau nghe đỡ ghiền, sửa lại lời hát các bản nhạc của cộng
sản, để châm biếm cười chơi. Anh nào làm được bài thơ đắc ý, đem ngâm nga cho bạn
tù chia sẻ, thưởng thức. Những khi đi lao dộng khổ sai như cuốc rẫy, khiêng đất,
tôi và anh bạn, hai đứa hai đầu gánh nặng, vừa làm việc vừa đánh cờ tướng không
bàn: “Pháo hai bình năm, mã bảy tấn sáu, mã hai tấn ba, xa một tấn một…” Mãi
suy nghĩ để chuyển quân trong bàn cờ, chúng tôi quên cả nhọc nhằn, cả hôi hám,
cả nắng cháy, và quên luôn thời gian . Buổi lao động nhọc nhằn qua đi lúc nào
mà không hay.
Chúng
tôi chơi cờ không cao, nhưng chơi mãi rồi thành quen, không cần bàn, mà vẫn quần
nhau từ sáng đến khuya. Cả những đêm học tập chính trị chán ngắt, chúng tôi ngồi
như chăm chú lắm, không ai biết chúng tôi đang chơi cờ không bàn, đang dàn trận,
bắt quân, dứ, chiếu, đang chống đỡ cho khỏi bị chiếu bí. Chúng tôi say sưa với
trò chơi, chấp cán bộ cộng sản nói dai, nói dài, nói dở, nói đến khuya. Chúng
tôi còn tổ chức các cuộc đua kiến, dấu dế. Bắt dế bỏ vào hộp cho chúng “học tập
cải tạo”, cho chúng cắn nhau. Những con ngất ngư sắp chết, chúng tôi thả ra và
nói: “Nhờ học tập tốt và thành tâm cải tạo, nhờ ý thức giác ngộ cách mạng cao,
và nhờ chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước, nay cho về đoàn tụ với gia
đình,” Chúng tôi nháy mắt cười với nhau. Chúng tôi tạo những cuộc giải trí nho
nhỏ, những buổi văn nghệ bí mật để quên ngày tháng, và thấy lo buồn tan biến
đâu cả.
Phương
châm của chúng tôi là “không”, không mong ước, không hy vọng gì cả. Không hy vọng
thì khỏi thất vọng. Không mong ước thì không bồn chồn nôn nao. Khi thấy vài người
bạn tù được thả – theo lối làm kiểng của cộng sản – các anh khác buồn tủi, đau
đớn thất vọng cho thân phận của mình, thì chúng tôi vẫn bình tỉnh ngồi đánh cờ,
chẳng xôn xao, chẳng bàn tán chi cả. Chúng tôi biết, chưa đến phiên mình, thì
có bàn tán xôn xao, đoán mò, suy diễn lạc quan hay bi quan, thì chỉ thêm buồn
khổ mà thôi. Gạt hết ra ngoài tai cho yên lòng. Chúng tôi tập bình thản tâm
trí, và luôn tìm cơ hội tận hưởng những thứ hạnh phúc nhỏ nhặt nhất mà chúng
tôi có thể có được. Những khi có được một chậu nước nhỏ để tắm, chúng tôi cử
hành cái lễ tắm, tận hưởng niềm sung sướng khi cảm giác của nước mát chảy trên
da thịt, trên mình mẩy, trên tóc tai, và hạnh phúc đến rên lên thành tiếng. Nước
tắm trong tù quý như nước cam lồ. Chúng tôi chia cho nhau vài cọng rau hái được,
và cảm được sâu xa nỗi hạnh phúc có thêm một miếng ăn trong tù, tận hưởng cái
khoái khẩu, an ủi với cái tình bạn chân tình, vì ai cũng đói. Đêm đêm trước khi
ngủ, tôi nghe nhiều tiếng bạn tù thở dài não lòng ngao ngán. Có lẽ họ đang lo
cho vợ con bên ngoài, giờ nầy không biết làm sao mà sinh sống, mà tồn tại trong
một xã hội đổi thay từ gốc rễ. Tôi biết rõ, ở trong tù lo ra cho bên ngoài, ở
bên ngoài lo vào cho trong tù. Không có ích chi, cũng không giải quyết được việc
gì. Không lo cho vợ con bên ngoài, không phải là vô tình bạc nghĩa, mà chỉ là
không làm cái việc vô ích mà thôi. Để tránh suy nghĩ và lo âu, mỗi khi vào giường,
tôi tìm cách giải một bàn cờ thế, hay làm vài ba câu thơ, cũng có khi ôn lại những
kỷ niện đẹp đẻ êm đềm trong quá khứ mà thấy lâng lâng, hoặc ôn lại các chuyện
tiếu lâm mà cười một mình trong bóng tối. Nhờ thế mà ngủ thiếp đi rất mau.
Chúng
tôi tập coi thường những nhọc nhằn, khó khăn và đau dớn thể xác. Chấp nhận định
mệnh khắt khe mà không cần than van. Tinh thần chúng tôi vững mạnh, sáng suốt.
Chúng tôi cố gắng ý thức và hưởng thụ những hạnh phúc rất nhỏ từng ngày, từng
giờ, từng phút, mà ít người cảm nhận. Triết lý củ khoai đã giúp tôi qua được những
tháng ngày tù đày không quá nặng nề, khó chịu từ tinh thần đến vật chất.
Khi
ra khỏi tù, sống trong chế độ cộng sản, người người cơ cực, thiếu thốn, sầu thảm,
tinh thần bị đe dọa, sinh hoạt bị dòm ngó, rình mò. Trong cái dòng xã hội đó,
chúng tôi cùng chung thân phận. Thân phận chúng tôi còn bạc bẽo, yếu kém hơn,
thứ phó thường dân bên lề “xã hội chủ nghĩa tiên tiến”. Nhưng nhờ triết lý củ
khoai, tôi vẫn tìm được hạnh phúc từng ngày. Hạnh phúc của mỗi sáng dậy sớm,
pha một chén trà nóng, uống vào lòng ấm áp, ngâm vài câu thơ, vặn đài phát
thanh BBC, VOA nghe nho nhỏ. Để biết biến chuyển quốc tế, tin tức quốc nội mà cộng
sản cố tình bưng bít, ngăn chặn, che giấu. Hạnh phúc khi trao đổi tin tức quốc
tế, quốc nội với bạn bè, bà con và ước đoán tình hình. Hạnh phúc nhất là cởi trần
nằm phơi gió hây hây ngoài công trường, có khi ngủ tới hai ba giờ chiều mới thức
dậy. Tôi đem cái triết lý thô sơ đó truyền bá cho vài anh em thân thiết, và
khen xã hội cộng sản đã đem đến cho con người sự làm biếng vô cùng tận. Làm biếng
cũng là một hình thức hạnh phúc nho nhỏ. Thật lạ lùng, nhà nước cho đến cán bộ
to nhỏ, miệng ai cũng lớn lối đại ngôn ca ngợi lao động siêng năng cần mẫn, mà
tất cả mọi người đều biếng nhác, tà tà. Đúng là cha chung không ai khóc.
Trong
xã hội cộng sản, con người không được sống yên ổn, nay chính sách nầy, mai
chính sách khác, thay đổi lung tung, chẳng ai hoạch dịnh cho đời sống riêng
mình dược cả. Chúng tôi vẫn tìm được nhiều hạnh phúc trong châm ngôn “không ước
mơ, không hy vọng”. Phải dập tắt mọi ước mơ, mọi hy vọng để mà sống, nghe thì
như vô lý, nhưng thực vậy. Cứ thuận theo giòng khổ đau mà trôi nổi với tinh thần
sáng suốt. Không than van, không kể lể, không bi ai. Khi có cơ hội bắt được niềm
vui thì cứ tận hưởng hết mình chút hạnh phúc đang có. Chấp nhận nhưng không
buông xuôi cho số mệnh. Tìm lối thoát với tinh thần nhẹ nhàng, lạc quan, sáng
suốt. Khi leo lên chiếc thuyền nhỏ bé để tìm đường đào thoát ra khỏi vòng tay cộng
sản, chúng tôi cứ tự nghĩ như mình đang đi du lịch. Đề phòng tối đa, nhưng
không quá nhiều lo âu sợ sệt. Cũng có sợ, nhưng sợ ở một mức độ nhẹ nhàng, đến
nỗi đôi lúc còn cảm thấy thản nhiên và sung sướng, vì biết mình đang trên con
đường đào thoát. Có gì mà lo? Nếu bị bắt thì ở tù lại, mà ở tù lâu thì tìm cách
vượt ngục. Chiếc thuyền nhỏ đi từ bến sông Sài Gòn về miền Tây, ra cửa Ghềnh
Hào. Trên đường đi, chúng tôi gặp nhiều trạm kiểm soát bắn súng kêu vào xét hỏi
giấy tờ. Thấy chúng tôi vui vẻ, bình tĩnh quá, công an cộng sản không ngờ chúng
tôi đi vượt biên . Như những kẻ ham chơi, chúng tôi thoát ra được hải phận quốc
tế. Thuyền chết máy giữa biển mênh mông nhiều ngày, nhưng sao trong lòng chúng
tôi vẫn thấy vui, và còn cảm ơn Trời Phật đã giúp chúng tôi thoát được bàn tay
cộng sản độc ác. Có chết cũng vui, thỏa nguyện. Được chết giữa biển trời tự do.
Chúng tôi vẫn kể chuyện tiếu lâm, cười đùa và có khi còn cùng nhau ca hát.
Khi
may mắn đến được trại tỵ nạn, thiên hạ ai cũng nóng lòng, ăn không yên, ở không
yên, mong được đi định cư sớm. Họ cứ đưa ra giả thuyết nầy, giả thuyết kia để tự
gây nên nỗi lo lắng cho chính họ và cho bà con chung quanh. Lo lắng về một bệnh
dịch có thể phát ra, và phái đoàn Liên Hiệp Quốc sẽ không dám dến phỏng vấn. Lo
lắng quốc tế thay đổi chính sách tị nạn. Họ lo để mà lo, không có đường lối và
phương sách giải quyết các mối lo âu đó.
Tôi
bảo họ: “Hãy xem những ngày tháng nầy như đi cắm trại nghỉ hè dài hạn bên bờ biển,
cơm nước có Cao Ủy Liên Hiệp Quốc nuôi báo cô, chỉ cần cái xà lỏn thôi là đủ lịch
sự như mọi người, cứ vui vẻ nhẫn nại chờ ngày đi định cư”. Không ai nghe lời
tôi, ngày ngày họ họp nhau bàn tán, uyên bác suy diễn, bày đặt đủ tin đồn dễ
gây cho nhau lo âu thêm, rồi đêm về mất ngủ thở dài thở ngắn. Phần tôi, thì lên
đồi mắc võng nằm ngủ mơ màng trong gió hiu hiu, thưởng thức tiếng chim ca, nhìn
đám mây mỏng lơ lửng bay qua bầu trời xanh, khi nóng thì nhào xuống biển nô giỡn
với sóng nước mát rượi, rồi nằm dài trên cát. Chán thì chơi vài ván cờ tướng, nằm
nghe nhạc “chùa” vẳng từ các lều lân cận có máy hát. Buổi chiều về chòi, ăn một
bụng no, uống ly trà, họp bạn bè, kể chuyện tiếu lâm, vui cười vang rân. Đêm
nhóm vài cành thông khô đốt lửa ngồi quanh nhắc chuyện Việt Nam, chuyện cổ
tích, chuyện vui lạ trong đời mỗi người. Nhiều người ngứa cổ, ca hát, ngâm thơ,
cuộc vui kéo dài mãi đến khuya như một thời thanh bình nào đó ngồi bên lửa trại.
Tôi thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng thanh thản. Không bận tâm lo âu sinh kế, thì giờ
tự do không ai bó buộc, không có chuyện khẩn cấp phải làm, không ưu tư về tiền
bạc, trong túi không có một xu, không bị công an dòm ngó, đe dọa, khủng bố, và
không có bổn phận, trách nhiệm gì cả. Thảnh thơi, vui thú. Cuộc đời có lẻ chưa
bao giờ có được những ngày tháng thần tiên như vậy. Sẵn đó, mà có mấy ai cảm nhận
được?
Một
anh bạn trẻ đã nghe lọt tai cái triết lý củ khoai, đã cùng tôi gọi cái đảo tỵ nạn
là miền đất thần tiên vô ưu. Nhưng với đa số, thì họ gọi dảo nầy là “Buồn Lo Bi
Đát” đọc trại ra từ tên đảo là Pulau Bidong, họ cho là nơi chật chội, thiếu thốn,
nóng nực, chờ mong, khổ sở, lo lắng. Tôi khó truyền bá cái triết lý củ khoai ra
rộng rãi, vì người nghe sẽ cho tôi là thằng khùng. Không ai tin câu nói của tôi
rằng: “Dù có nóng lòng lo âu đến mấy, cũng không thể đi định cư sớm hơn một
phút, mà dù tà tà vô lo đến đâu, cũng không chậm đi định cư hơn nửa giờ.” Tôi
xem thời gian tại trại tị nạn như nửa năm đi cắm trại, còn sướng hơn là đi cắm
trại. Trở về với thiên nhiên, quần xà lỏn, ở trần, đi chân đất, ngủ gốc cây, nằm
trên cát biển, không lo âu sinh kế, và trong túi không có một đồng xu, mà cũng
chẳng cần tiền bạc làm chi. Tôi chắc chắn trăm phần rằng, tôi là người sung sướng
nhất đảo, vì tôi nhìn thấy được điều sung sướng, tôi cảm nhận được cái hạnh
phúc to lớn thực sự tôi đang có. Còn đa số thì không thấy, không cảm được.
Tôi
đến Mỹ, lang thang đi tìm việc, lội tuyết ngập nửa ống chân, rả cẳng, gió buốt
lạnh cắt da thịt. Trong lòng vẫn vui, vẫn sung sướng, vì biết mình là kẻ may mắn,
đang sống đời tự do. Đa số bà con bạn bè giờ nầy đang khắc khoải sống trong áp
bức, xiềng xích gông cùm của cộng sản. Nhiều bạn bè đã ra đi, nhưng không đến,
đã chết giữa biển khơi, chết trong rừng sâu, bị bắt bớ tù đày, hành hạ. Biết
bao nhiêu triệu kẻ mong được lội bão tuyết đi tìm việc như tôi mà không được.
Tôi may mắn thế nầy, thế thì sao mà lòng không rộn rã niềm vui, ca hát cùng
gió, cùng tuyết, cùng đất trời trắng phau phau .
Nhờ
xông xáo, chỉ hơn mười ngày sau khi đến Mỹ, tôi tìm được một chân phụ bếp trong
tiệm ăn Tàu. Làm việc hơn 15 tiếng mỗi ngày, làm không ngơi nghỉ. Cắt rau, gọt
khoai, chặt thịt, xẻ cá, lạng tôm, chùi nồi, rửa bát, lau nhà, liền tay liền
chân suốt ngày từ sáng sớm cho đến khuya mịt. Di chuyển, nhảy nhót trong cái
khu bếp sực nức mùi dầu ăn, tôi nghĩ có lẽ những cao thủ võ lâm khổ luyện bí
kíp chờ ngày xuống núi tranh hùng trong các tiểu thuyết kiếm hiệp, cũng chuyên
cần đến thế mà thôi. Trong lòng tôi cũng tràn ngập vui sướng, hạnh phúc, vì mới
đến miền đất lạ chưa được bao lâu, mà đã tự lập và sinh sống được. Tôi cũng tự
phục mình, suốt đời ngồi văn phòng, mà thích nghi được việc lao động rất dễ
dàng. Ông chủ tiệm rất bằng lòng cái vui vẻ, yêu đời, chăm chỉ của tôi. Một
khuya trên đường về, tuyết phủ mênh mông, băng qua công viên tối, tôi trượt
chân té ngửa nằm dài. Nhìn lên trời thấy trăng vằng vặc sáng với ngàn sao long
lanh. Tôi thấy trời đất đẹp quá, cuộc đời đáng yêu vô cùng, và thân thể khoan
khoái vì cái xương sống được nằm trong thế nghỉ ngơi sau hơn mười mấy giờ lao động
tay chân. Bao nhiêu mệt nhọc trong thân thể như chảy loảng tan biến, chạy thấm
vào nền tuyết sau lưng. Tôi nằm yên rất lâu ngắm trăng, và ngâm vài câu cổ thi
ca ngợi trăng sao. Giá như có ai thấy được cảnh nầy, chắc họ tưởng tôi điên
khùng. Cái lần té nầy, làm tôi bong gân, không đi được, phải nghỉ làm, nhờ đó
mà tôi có thì giờ, tìm ra được một công việc trong nghề cũ.
Khi
đi làm việc, đôi khi gặp những cấp chỉ huy dốt nát, hoặc đồng sự kém cỏi mà
lương cao hơn mình, tôi không lấy đó làm điều bất mãn, thắc mắc như nhiều người
khác. Vì công ty thì của tư nhân, họ muốn thuê ai, giỏi dốt, trả lương cao thấp
là quyền của họ. Mình chấp nhận làm việc, thì ráng làm tròn bổn phận của mình,
làm tốt tối đa. Nếu không bằng lòng với đồng lương, thì cứ tìm nơi khác khá
hơn. Vả lại, đất nước của họ, thì ưu tiên chút đỉnh dành cho họ là phải. Mình
ganh tị thì hóa ra là kẻ không biết điều. Tổ tiên họ đã đổ xương máu ra khai
phá, để bị đâm chết, lột da đầu, bệnh hoạn. Biết bao nhiêu thế hệ đã đóng thuế,
xây dựng nên những tiện nghi ngày hôm nay. Mình là kẻ may mắn nhảy xổm vào chia
phần. Thì cũng cứ vui mà hưởng cái phần chưa được hoàn toàn bình đẳng đang có.
Qua
những cảm nhận, so sánh hàng ngày, tôi dễ dàng tìm được cho mình cái hạnh phúc
của tâm hồn yên ổn. Ở sở, tôi gắng tạo cho mình một môi trường vui vẻ, thân thiện,
cởi mở. Để cảm thấy tám giờ trong ngày là thời gian dễ chịu, vui, hạnh phúc, chứ
không phải là thời gian “đi cày” khổ nhọc như nhiều người quan niệm. Mình chấp
nhận công việc để được lãnh lương, thì dể trả lại, ráng sức làm việc. Tập yêu
thích công việc, làm việc với tinh thần vui vẻ, dù công việc có lập đi lập lại
nhàm chán, thì cứ nghĩ rằng sướng quá, công việc quen tay, dễ dàng, khỏi phải
suy nghĩ nhiều, khỏi phải lo âu sợ làm sai, khỏi phải năn nỉ hỏi ai. Cứ yên tâm
mà làm tới. Thế thì không phải sung sướng, hạnh phúc sao? Biến cái văn phòng của
sở làm, thành một nơi ấm cúng, vui vẻ, yêu thích, thì đời mình có giá trị, hạnh
phúc phong phú hơn nhiều. Những khi gặp khó khăn trắc trở, gặp những thay đổi bất
thuận lợi, tôi cứ bình tĩnh chấp nhận chuyện không may, và tự bảo rằng, cuộc đời
nầy như một chuỗi kết hợp giửa cái may mắn và xui xẻo, giửa hạnh phúc và đau khổ,
giửa thuận lợi và trắc trở. Thì cứ từ từ mà giải quyết, sẵn sàng chấp nhận cái
kết quả xấu nhất. Thế là yên tâm, và đôi khi cũng nhờ cái yên tâm, mà công việc
được thuận buồm xuôi mái hơn.
Sống
ở đất nước lạ, lòng hoài hương làm nhiều người thương nhớ không nguôi, làm đau
nhức con tim. Tôi biến tình cảm đó thành một thứ an ủi dịu dàng, một thứ hạnh
phúc êm đềm khi nhận được thơ nhà, thơ bạn bè. Những giúp đỡ nho nhỏ cho người
cùng khổ bên quê nhà là một thứ an ủi cho những giây phút mệt nhọc khó khăn
trong công việc nơi quê người.
Những
buổi sáng, khi chuông đồng hồ rền rĩ đánh thức dậy đi làm, nhất là những sáng
thứ hai ngày mùa đông rét mướt tối tăm, nhiều người cảm thấy quá mệt nhọc, quá
khó chịu, và họ “giả như” hôm nay được nghỉ thì sướng vô cùng. Còn tôi, thì mỗi
sáng thức dậy với tràn ngập niềm vui, biết hôm nay ta sống thêm một ngày trong
thế giới tự do, hôm nay ta còn công ăn việc làm, chưa thất nghiệp. Thế thì lòng
đã phơi phới, sá chi đông giá lạnh lẽo tối tăm. Con đường đi đến sở, nhạc trong
xe dịu dàng rải rắc khắp không gian. Có lần tôi bị thất nghiệp, buổi sáng thức
dậy, tận sâu thẳm trong lòng tôi vẫn lâng lâng niềm hạnh phúc lạ kỳ, với ý nghĩ
rằng, nhờ thất nghiệp mà còn được ngủ nướng, muộn màng, nằm dã dượi, nhìn nắng ấm
dịu dàng len qua song, trải lên chiếu giường. Chốc nửa, sẽ nằm đọc truyện, uống
trà, nghe nhạc cổ điển êm dịu. Chiều đi câu bên hồ. Tối nay thức khuya xem phim
muộn về đêm, khỏi phải sợ ngủ gục trong sở. Việc chi mà quá lo âu về kinh tế
gia đình, khéo co dãn nhu cầu theo hoàn cảnh, thì không việc gì phải lo. Vả lại,
công việc làm, thì cửa nầy đóng, cửa kia sẽ mở, đâu đến nỗi chết đói mà sợ.
Nhiều
người hỏi tôi sao không mua nhà để được trừ thuế mà cứ sống trong nhà thuê chật
chội. Tôi trả lời là tôi đang mua hạnh phúc. Hạnh phúc mua được rẻ hơn tiền
đóng thuế. Mua cái nhà khi chưa vững chắc về tài chánh là mua cả khối lo lắng lớn
lao vào thân, làm mất đi cái an bình quý báu của cuộc sống. Nhiều người, vì mua
nhà, sợ mất việc, cho nên hèn cả con người. Khi tôi đủ sức mua nhà mà không phải
lo âu vì nợ nần, thì cũng có nhiều bạn bè bà con hỏi, sao dư khả năng để mua những
căn nhà lớn hơn, khu sang trọng hơn, mà lại mua căn nhà nhỏ. Tôi nói với họ là
tôi không có nhu cầu sang trọng, căn nhà nhỏ cũng đủ cho gia đình tôi trú ngụ
yên ấm. Nhà càng lớn, càng phải chăm sóc quét tước, chùi dọn nhiều, sửa chửa
nhiều, mất thì giờ hưởng thụ những thú vui khác của cuộc đời. Lại nợ nần nhiều
thêm lo lắng, có hại đến hạnh phúc bình thường. Căn nhà nhỏ của chúng tôi, nếu
chẳng may cả hai vợ chồng thất nghiệp, cũng chẳng có chút bối rối nào. Có thể,
tôi không khôn ngoan trên nhãn quan kinh tế, nhưng tôi chắc chắn không sai lầm
chút nào trên quan điểm hạnh phúc nhân sinh. Vợ chồng chúng tôi thường nói với
nhau, nếu bây giờ có thêm vài triệu đồng tiền mặt, thì có lẽ đời sống chúng tôi
cũng chẳng thay đổi gì hơn. Cũng không ăn được nhiều hơn một miếng, cũng khong
ngủ được một lúc hai giường. Thức ăn thì bò, heo, gà, tôm, cua, cá, rau cải, bất
cứ thứ nào cũng thừa khả năng mua. Không cần phải giàu lắm mới mua được. Ngồi
ăn trong nhà hàng sang trọng đắt tiền, chắc chi ngon miệng hơn ngồi chồm hổm
bên góc đường húp riêu.
Vợ
tôi thường trách tôi bạn bè quá đông, bạn tốt cũng đông mà bạn xấu cũng đông.
Tôi thì thấy không ai hoàn toàn tốt, mà cũng không ai hoàn toàn xấu. Đã là con
người thì có xấu tốt lẫn lộn. Chơi với bạn thì chỉ nên nhìn vào cái tốt bạn có,
đừng để ý đến cái xấu. Ngay cả bản thân mình, cũng đầy cả nết hư tật xấu mà
chưa chừa được. Chắc chắn, cũng không ít người chê bai sau lưng mình, nhạo báng
mình, mà mình không biết đó thôi. Nếu họ có chê trách mình, thì họ cũng đúng phần
nào dưới nhãn quan của họ. Bởi vậy, tôi thường để vài giờ tự chế diễu mình, ghi
lên giấy những lố lăng, những kỳ cục, những khả ố của mình. Để mình thấy rõ mà
tha thứ cho cho mình, tha thứ cho người khác dễ dàng hơn.
Thế
mà người gần gũi tôi nhất, thân thiết nhất, là vợ tôi, thường chống báng cái
triết lý củ khoai nhiều nhất. Nhưng nàng đâu hiểu, những hạnh phúc bình thường
tràn đầy mà gia đình tôi thực sự có được, cũng nhờ cái triết lý củ khoai ấy.
Thường thường ít ai thấy và cảm được những hạnh phúc mà họ đang có, chỉ khi mất
đi rồi, mới nhận chân ra, và chép miệng tiếc thương. Nhiều khi vợ tôi làm những
điều không phải, nói những lời khinh bạc, tôi không nổi giận la hét làm dữ như
những người khác. Tôi thầm bảo, nhiều người đàn bà còn tệ hơn vợ mình cả trăm lần,
mình phải chấp nhận cái tương đối để vui sống. Và lại, mình có hoàn toàn đâu mà
buộc người phối ngẫu của mình phải hoàn toàn. Thế là mọi sự đều qua.
Điều
tôi thường hay nghĩ đến là nếu. Nếu tất cả sự thực hôm nay là giấc mộng, sáng
mai thức giấc, thấy mình đang còn nằm trong nhà tù cộng sản, thì thật có nhiều
điều đáng ân hận và tiếc. Và nếu đời là một giấc mơ, thì sao chúng ta không mơ
cho thật đẹp.
Tràm Cà Mau
1 comment:
Entry này hay à nghen, giống ý tui lúc ngồi gỡ chín lịch.
Post a Comment