Monday, August 6, 2018

Tuổi Thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 29

****************

Tự truyện của Hình Toàn


Trại chuyển tiếp Panat Nikhom - Thailand

Ở tàu sắt gần 10 ngày lên trại Songkhla cũng gần tuần lễ không còn đói khát tắm giặt sạch sẽ, có áo cha JOE cho nên có đồ thay đổi không còn nhứt y nhứt quởn nữa, tóc tai chải gở đàng hoàng trông cũng tươm tất, nên mấy người đi chung ghe cười chọc:
-- Mấy thằng hải tặc nó bị đui, cô này giống lai dzậy sao nó hỏng bắt?
-- Con lạy các cha sao nói xui vậy (chắc con mắt nhìn mỗi người mỗi khác, tụi nó thích dân á châu thì sao)
-- Công nhận sao lúc đó cổ tèm lem dzậy ta (tiểu thơ giả dạng ăn mày)
Ôi ...lạy trời tôi thoát chết trong đường tơ kẻ tóc, cũng nhờ có đứa em bám theo.
Tôi cứu em và em cứu tôi, chị em cùng chết sống có nhau, tôi sợ tôi có bề nào (chết) thì em sẽ bơ vơ nên lúc bị kéo lên tôi cũng ôm em theo trong cơn nguy biến có chút nhiệm mầu ..mà con người không hiểu được 


Cúng trả lễ tạ ơn trời đất


    Chị em tôi sống dật dờ ở trại Songkhla không có đồng bạc dính túi chỉ sống nhờ đồ cao ủy phát mà thôi, sau này có hai anh em nọ có một đứa con nhường chỗ cho chị em tôi ngủ đỡ, chỉ gởi đứa con ngủ lại, hai thanh niên xuống mé biển ngủ...thôi cũng được ..cũng một tấm lòng ...
    Chúng tôi ở songkhla một tháng thì được chuyển lên Panatnikhom, trại chuyển tiếp này thì nhà trại khang trang hơn, cũng trong vòng rào kẽm gai không được ra ngoài nhưng mỗi buổi sáng có dân Thái đem rau cải thịt cá vật dụng bày bán cập theo bờ rào, cũng đầy đủ như một cái chợ nhỏ, những người có thân nhân gởi tiền nên đời sống họ đỡ vất vả, chị em tôi gởi thư cho thằng em đã lâu gần hai tháng sau mới nhận được 50$, nên cũng khó khăn lắm.

Lồng đèn Rằm Trung Thu cho em trai 

      
    Nhận được tiền chị em tôi mua bánh trái cúng trả lễ tạ ơn trời đất cho tôi được sống còn, quà lễ tuy không có được bao nhiêu nhưng lòng chân thành xin phật trời chứng giám ....rằm tháng tám tết trung thu ...em còn nhỏ ..tôi cũng tìm tre nan kết thành ba cái vòng tròn ..dán giấy màu ..cho em đốt đèn khi trăng lên, niềm vui trẻ thơ ở đâu cũng thế vẫn vô tư, tôi bảo bọc em trong cái tình nghèo đời tỵ nạn và từ nay em tuổi dại khờ sẽ thiếu hẳn vòng tay của cha lẫn mẹ, tôi cõng em đi phải có trách nhiệm lo tròn có nhiều khi khổ cực quá em khóc đòi về với cha với mẹ, em tôi mới mấy tuổi đầu làm sao hiểu được lúc ấy ra đi là ngàn thu vĩnh biệt (khi ấy ai biết có ngày về) tôi vừa là chị vừa là mẹ, chế ba thì đóng vai người cha đi kiếm miếng ăn .

     Sau biết được ở trong trại có nơi cho mướn máy may (cũng hai ba chục cái máy, mỗi máy 20 bath/ngày) chế tôi lãnh đồ của những người có thân nhân gởi tiền nên họ sắm sửa ăn diện, có người cũng làm nghề cắt uốn tóc, có người bán cà phê, bán bánh mì, bán cháo v..v.. ai là con bà phước không tiền thì lấy sức lao động ra làm đổi đồng tiền còn không thì xách tập đi học anh văn lãnh đồ cao uỷ cũng xong ...mà chờ ngày đi định cư..

    Từ ngày chế tôi lãnh đồ may thì cuộc sống đỡ vất vả, mỗi ngày chế đi mướn máy mà may, tôi ở trại đi lãnh lương thực cùng nấu cơm đi đâu tôi cũng cõng em theo, chúng tôi sống lây lất qua ngày chờ đi đoàn tụ với thằng em kế tôi đi thoát năm 79, có người ở trên một năm có người năm mười tháng .... thời gian chờ đợi sao dài lê thê ..có người xin đi Úc có kẻ chờ đi Mỹ, có người thì không thân nhân, nước nào nhận cũng được.                                                                                                           
Ở trại có những mối tình chóng vánh đời tỵ nạn, có những cặp thật lòng thương nhau nên tổ chức đơn sơ nhập hồ sơ rồi cùng đi đến miền đất hứa, nhưng cũng có những mối tình tạm bợ cho quên nỗi buồn tha hương, khi có list (tên đi định cư) thì dong .....như những con thuyền cặp bờ tránh bão ..khi trời quang mây tạnh tàu lại ra khơi, nên có những người con gái khi tới đảo thì độc thân nhưng khi rời trại thì có một gia đình nhỏ, có cô thì ôm thêm một đứa con thơ...Ôi qua cơn sóng dữ những cuộc đời bị xáo trộn loạn xà ngầu ...người đi bỏ vợ con lại, kẻ dẫn con đi chồng còn cải tạo chưa về ..một sự đổi đời không ai tính trước, có bao nhiêu cặp tái hợp, có bao nhiêu gia đình mãi mãi ly tan.

    Ở nơi nào cũng nhớ về quê hương
    Ở nơi nào cũng có tình yêu thương
    Em đi mây gió u buồn, biết nơi xa đó 
    Có gì vui hơn, riêng tôi ôm mối
    Tơ lòng vấn vương, nhớ nhớ phút phân ly
    Tiễn bước em đi biết nói câu gì 
    Em em bước lên tàu, em vẫy tay chào
    Là từ đây xa nhau, là từ đây xa nhau 
  
Những lời ca trong bài TIỄN BIỆT của NS Tô Thanh Tùng nghe ray rức trong lòng những người xa nhau, cho những gia đình ly tán 

   Tôi không trách ai, hay đổ lỗi cho trời, vì mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, như dòng nước xoáy, như đám lục bình trôi nổi trên sông khi nước lớn tràn bờ thì theo dòng nước mà trôi ra biển, ai biết lục bình trôi về đâu, nhưng có một điều nó vẫn không chìm dù dòng đời nghiệt ngã, đừng trách ai và đừng đổ lỗi cho ai, ai chẳng chung tình ai người không chung thủy, vì thời gian mọi việc sẽ vào quên lãng ....chỉ trách vận nước đảo điên nên lòng người điên đảo ...

    Chị em tôi ở Panatnikhom được bốn tháng thì có tên đi định cư, chế ba than tiếc quá mới vừa làm ăn được, có khách đặt may nhiều, giờ có tên đi phải đem trả vải lại cho người ta, phải ở lâu lâu may kiếm thêm chút tiền ...
   Mấy người trong trại nghe nói thì bảo : 
Người ta mong có tên đi định cư cho sớm, còn cô lại mong cho ở lâu ..thiệt là tình, có người chờ năm rưỡi còn mình mới hơn bốn tháng đã được đi ...
Nói thì nói vậy nhưng chị em tôi cũng chuẩn bị khăn gói lên đường đi đoàn tụ với thằng em bên Mỹ (tiểu bang Louisiana thành phố New Orleans)
Hành trang của chị em tôi chỉ có vỏn vẹn một túi xách không có gì ngoài mấy bộ đồ ...ôi gia tài của người tỵ nạn chỉ có thế ...

Xin hẹn các bạn kỳ 30 cuộc sống của tôi trên đất Mỹ như thế nào ...


No comments: