Monday, April 22, 2019

GÁNH CƠM DƯƠNG QUÁ


Image result for 30 tháng 4

__________________


            Mạch Vạn Niên (Viết để tưởng nhớ 30/4)


            Nó tên thật là Dương văn Quá nhưng bạn bè thương mến gọi thân mật nó là Dương Quá vì từ khi mấy anh tù bị đưa về Trại Vĩnh Quang hầu hết mọi người được người thân thăm nuôi chỉ có nó là không được Cô Long (tức Bà Xã nó) đoái hoài tới. Có lẽ Cô Long còn bận tìm thầy học đạo nên cái đầu nó cũng lấm tấm vài sợi tóc bạc dù mới tam thập nhi lập tại tù. Còn cái gánh cơm thì nói cho oai chứ cơm nước cái nỗi gì. Bửa cơm toàn là sắn khô hoặc bắp cho heo ăn muốn hầm cho người ăn thì phải ngâm vôi qua một đêm nó mới mềm. Vậy mà răng cỏ của Bảy Đờn tui cũng bị rụng gần hết phân nửa cái hàm trên.

            Tui có hổn danh Bảy Đờn vì hồi ở Đội Văn Nghệ Phong Quang (Lào Kay) tui bị quản giáo nhìn sao đó rồi ưng ý cho đóng vai chính Bảy Đờn trong vở kịch nổi tiếng của họ là Người Ven Đô. Tui từ đó chơi thân với Tám Khoẻ (bạn bảy Đờn trong vở kịch) tức anh Trương Hữu Trường mà thực ra là Hoạ Sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Gia Định. Tui được tổ đãi vì hồi nhỏ mê cải lưong hát xướng nên đã xuất sắc nhập vai và Tám Khỏe cũng vậy được quản giáo khen hết lời nên chết tên Bảy Đờn. Khi tin tình báo cho biết Trung Quốc sắp đánh sang biên giới thì họ di chuyển tất cả tù nhân về miền xuôi. Lần nầy đội Văn Nghệ được tái lập thêm vài người va cũng bớt vài người. Dĩ nhiên họ vẫn giữ Bảy Đờn và Tám Khỏe. Đội Văn Nghệ kỳ nầy thật hùng hậu và toàn cao thủ. Trần Đình Kế (tức Nhạc Sĩ Anh Linh, con chim đầu đàn của Ban Kích Động Nhạc AVT từ khi mới thành lập ở Phòng Trà Anh Vũ); Nguyễn Quang Hà (em nhà văn Văn Quang); Nguyễn Thanh Giàu (vua cổ nhạc, hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn Nam Cali); Lưu Anh Dũng (Ông bầu Ban Nhạc Trẻ Nữ Ba Trái Táo); Đào Đức Hùng (Guitar chính cho Ban Crazy Talk, chuyên chơi các Club Mỹ); Nguyễn Chí Long (Ban Family Love, chơi giỏi tất cả nhạc cụ); Lưu Hưũ Tính (tay trống đệ tử của Ngọc Chánh); Đỗ Lệnh Khải (tốt nghiệp đạo diễn Hollywoods), Lý Kim đờn cò. Trung Đạo đàn lục huyền cầm phím lõm v.v.và v.v...Nhưng không biết sao họ vẫn giữ Dương Quá mà hồi đó chẳng tài gì trong vỡ kịch Người Ven Đô chỉ đóng vai anh lính Cộng Hoà. Có lẽ cần có những người như vậy để dựng màn giăng dây đèn làm những việc linh tinh vì không lẽ bắt đào kép kiêm luôn việc nầy thì còn thì giờ đâu mà trang điểm và lo hát xướng.

            Đúng như dự đoán, tháng 2/79 Trung Quốc tràn sang biên giới, Bộ Đội và Phòng Vệ Dân Sự chống trả mãnh liệt. Để cổ võ cho phong trào tòng quân chống giặc, quản giáo đề nghị chúng tôi tự sáng tác vở kịch chống Trung Quốc. Nhờ trước đó tui có viết vở cải lương ngắn hài dựa theo bản nhạc Cô Lái Sông Hồng chống Pháp mà bộ ngũ chúng tôi là Bảy Đờn, Anh Giàu, Lê Long, Chí Long và Lưu Hữu Tính đã diễn khiến thiên hạ cười vỡ bụng nên kỳ nầy họ đề nghị Bảy Đờn tui viết tiếp. Với vở tuồng muốn cho ra hồn thì phải dài ít nhứt là hai tiếng mà phải viết cải lương bi hài thì người ta mới thích. Nói thiệt bài bản cải lương của tui thật giới hạn chỉ múa rìu ba búa Trình Giảo Kim chứ làm sao mà sánh với Hà Triều-Hoa Phượng. Văn chương tạm có thừa nhưng văn chương chọc cười thì chết ngắt. May quá Cổ nhạc có Nguyễn Thanh Giàu, Văn Chương chọc cười có Tám Khoẻ tức Trương Hữu Trường. Thế là bộ ba chúng tôi hợp tác cho ra Vỡ Tuồng Cải Lương hài KÉN RỂ. Cốt chuyện là hai vợ chồng già có đứa con gái tới tuổi cặp kê muốn kén chồng nhưng toàn là những tay lang bạt giang hồ, cuối cùng cô nói thiệt với cha mẹ cô yêu một anh sắp đi bộ đội tòng quân giết giặc xâm lược Trung Quốc. Vở cải lương hoàn tất với sự hài lòng của hai bên tù nhân và quản giáo vì chúng tôi làm văn nghệ chông Trung Quốc chứ không chống VNCH.

            Lần nầy là đo ni đóng giày vì anh quản giáo để chúng tôi toàn quyền lựa chọn diễn viên bởi anh đâu biết tài nghệ cổ nhạc ai giỏi ai thua. Anh Trường đóng vai ông Bố, anh Mạnh đóng vai bà Mẹ, Anh Giàu vai chánh đóng chàng thanh niên tình nhân của cô gái, thằng Việt biết ca Vọng Cổ và giả gái vì nó trắng trẻo đẹp trai đóng vai Cô Gái, Lê Long ca vọng cổ rất mùi đóng vai thi sĩ. Nguyễn Trung Cang mới học ca vọng cổ đóng vai chàng nhạc sĩ cà giựt, Bảy Đờn tui đóng vai thằng buôn bán chui mà thời đó gọi là buôn lậu. Chí Long thì nhắc tuồng. Ban nhạc dưới sân khấu ngoài hai cây cổ nhạc Lý Kim-Trung Đạo còn có Nguyễn Văn Chúc và Đào Đức Hùng chơi guitar đệm nhạc khi cần thiết.

            Vở tuồng có hai màn một cảnh hát phúc khảo tại nhà kho của Xã để toàn thể Bộ Chỉ Huy Trại Vĩnh Quang chấm cho qua hay phải cắt xén nếu không thích hợp với chỉ đạo. Hát phúc khảo tại nhà kho lớn của Xã Tân Lập cho dân chúng cùng xem. Vở tuồng quá hay và mọi người cười nghiêng ngửa cũng như cảm động cho mối tình của đôi trai tài gái sắc nên không có cắt xén gì cả. Giữa hai màn là phần tân nhạc phụ diễn. Hồi tập tuồng tụi tui chơi bản nhạc Guantanamera lúc đầu bị quản giáo khiển trách nhưng nói đó là nhạc Cuba thì được chào đón nhiệt liệt. Từ đó tụi tui chơi The House of The Rising Sun, rồi Apach, rồi Hey Jude mà các quản giáo cứ tưởng là của CuBa nên lợi dụng chơi thả giàn cho bỏ những ngày cơ cực.

            Đội Văn Nghệ từ đó được ghi nhận có cảm tinh với Ban Quản Giáo nên khi không có hát thì được giao cho lao động tại Bến Phà Trang nơi đông dân chúng qua lại tấp nập. Bến Phà Trang cách trại 5 cây số, tụi tui được lệnh nậng cấp Bến Phà vì đang mùa nước lũ Bến Phà xuống cấp. Bến Phà Trang đưa người và xe qua ngang sông Lô nơi gần giáp với sông Hồng ở miền Trung Du. Nói Bến Phà cho oai chứ thực ra chỉ là loại phà kéo dây chở được một chiếc xe cam nhông mà thôi và nói là sông chứ nó chỉ lớn bằng con kinh Tân Hiệp-Rạch Giá. Tui biết bơi nên cùng vài thằng lặn sông móc bùn đắp bến. Những đứa được làm công tác ở đây đếu được tuyển lựa. Bảy Đờn tui, Lê Long, Thanh Giàu, Trung Cang biết ca vọng cổ. Hùng, Dũng, Tính chơi tân nhạc. Bộ Ba Chí Long kéo đờn cò, Minh Triết chơi trống và Trương Văn Vấn chơi guitar chuyên trị nhạc AVT. Nên khi nghỉ trưa chúng tôi tụ tập hát hò cho dân chúng xem. Trong lúc đó thì thằng Dương Quá tình nguyện gánh cơm từ trại ra cho chúng tôi ăn thì vào bụi chuối tán gái. Anh quản giáo không  phạt mà cón nhắn với cô gái rằng thằng đó là tù. Nhưng nàng trả treo lại quản giáo rằng Dương Quá là tù nhưng có tài . Cái thằng Dương Quá nầy tài cán gì, nó chỉ dựa hơi tụi tui ăn có và gạ tình.

            Nó là thằng giỏi thiệt, cô gái mết nó cho nên ngày nào tụi nó cũng hẹn nhau ở bụi chuối trong lúc tụi tui đang hát hò. Không được Cô Long thăm nuôi nhưng nó được Lý Mạch Sầu trao duyên nơi bụi chuối mà còn được đãi ngộ mấy chai rượu sắn đem vào trại trót lọt vì quản giáo tin tưởng đội văn nghệ nên không khám xét. Nó đã trả thù được chuyện thằng Xá bị vợ bỏ mà còn dắt người chồng mới là cán bộ vào thăm mà từ đó tôi phải hát bài Vọng Cộ Lòng Dạ Đàn Bà để an ủi nó. Và cũng từ đó tên Bảy Đờn của tui đã đi vào dĩ vãng mà thay bằng tên Sở Vương và Con Cua Cái.

            Mạch Vạn Niên (Viết để tưởng nhớ 30/4)

No comments: