Động Hoa Vàng một bài viết tuyệt vời của Thầy Phạm Huy Viên được post lại hôm nay như một tưởng niệm đến người Thầy kính thương đã khuất
HTTL
PHẠM HUY VIÊN
Đi chợ hoa, tranh sơn dầu cũa Võ Hoài Nam
Các bạn mến!
Các em mến!
Hôm nay, một ngày đẹp trời của Rạch giá. Tôi lạnh lùng nói tới Phạm Thiên Thư. Tôi say sưa trôi về thơ Phạm Thiên Thư với ngàn con sông, ngàn ngọn suối hoa vàng bập bùng trôi trong vô thức khi thế gian còn sáng chói tình yêu. Khi thế gian toàn là mai mơ với đỉnh núi trăng vần, với vực sâu trăng té, tà áo em trăng thõng thượt và mái tóc em trăng ngủ vùi.
Từ chim thuở núi xa xưa, về đây rớt lại hạt mơ cuối rừng, từ em khép nép hài xanh, về qua giục nở hồn anh đoá sầu. Ừ! Thì mình ngại mưa mau, cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi, sông này chảy một giòng thôi, mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông.
Bạn mến!
Có bao giờ bạn thấy cuối đông, một bóng giai nhân bên cầu, bước những bước dài trần tục xuống dòng sông vẩn đục thơ tình mà đôi tay ngập ngừng hờ hững đùa cợt cùng tơ liễu ngậm ngùi và yến oanh xao xác.
Có bao giờ bạn thấy đầu xuân một danh sĩ thơ ngây, với áo xanh lam chùng bén gót, lẩn thẩn bên con lừa si ngốc, mà tay bút tay giấy, với gió lay mái tóc, với mây phủ vai gầy, đang tập tễnh qua cầu, than thở khóm mai gầy. Đó là hình ảnh Cuồng si Bồ Tát Phạm Thiên Thư: Một tình yêu bao la như trăng lạc ngoài biển đông, như sóng cồn một buổi chiều tức tưởi, như mạch sầu khi tang tóc dâng người niềm cô đơn vĩ đại, niềm cô đơn không cùng, niềm cô đơn mênh mông.
Đố ai tát cạn mạch sầu, thì ta để tóc lên cầu đón ai, em về sương đẫm hai vai, dấu chân là cánh lan đài nở đêm, từ em hé nụ cười huyền, mùa thu đi mất trên miền cỏ hoa, nụ vàng hương rộ tháng ba, nửa đêm dậy ngó trăng tà tiêu tương.
Đố ai nhớ hết hoa vàng
Đố ai uống cạn sương tàng trăng thu
Đố ai tát cạn mạch sầu
Thì ta để tóc lên cầu đón ai
Nỗi cô đơn mênh mông triền miên muôn thuở đó, Phạm Thiên Thư gửi vào ngàn ly rượu vô vị vô hương, gửi vào mắt em vô thanh vô sắc và chôn kín bên mộ em khi qua sông chiều tà, không lời chim thăm hỏi, không tà áo ni cô xuống giọng suối thầm thì.
Để
Mốt mai lòng có nghe buồn
Thì
Sông ơi xanh nhé một giòng
Khi cuối đông sương muối nặng trời, con đò tình mắt em chở chàng Bồ Tát si cuồng chơi vơi cành nhã lan bên vườn chùa hò hẹn. Hẹn ta về với ta khi chiều lạc sóng thiên thần, tà áo xanh đam mê tả tơi ánh trăng tim yêu nứt rạn bàng hoàng. Hò hẹn cùng ta khi gối trên ánh trăng ngủ giấc dài bên đồi dạ lan và tỉnh giấc tình khuya khi nhạn lạc kêu dập vùi ngoài bãi lạnh. Xa xa là tiếng ngâm thơ. Xa xa là tiếng ngâm vô cùng vô tận. Tiếng ngâm khi gõ nhịp mạn thuyền ca lời thơ tặng em, khi uống cạn sông Kiên, khi uống cạn hết biển Rạch Giá không khuây khoả giấc mộng ba kiếp cợt đùa. Và ly rượu vô tâm tưới bên đường cổ mộ, tưới bên trời cành mai tuyết trắng, tưới bên giòng sông xanh hoa điểm loạn cuồng.
Tiếng ngâm thơ thăm thẳm lên non ngàn sao rụng xuống ly lạnh oà vỡ giòng đời. Tiếng ngâm thơ thao thao bất tuyệt hoa không. Soi gương vào ly rượu không, thấy hình ta tang trắng ơ hờ, thấy mặt ta đĩa dầu lửa lụn: Chờ em như ngóng chim trời, hạt rơi rụng ngọc mai rời rã hoa. Thấy tình ta ngủ môi em, máu xuân mạch lạnh trong miền xương da. Mắt nàng ru chiếc nôi êm, ru hồn tôi ngủ ngàn đêm tuyệt vời, em là hoa hiện dáng người, tôi là cánh bướm cung trời về say, một đêm nằm ngủ trong mây, nhớ đâu tiền kiếp có cây hương trời.
Áo em vạt tím ngàn sim
Nửa nao nức gọi nửa im lặng chờ
Yêu nhau từ thuở bao giờ
Gặp nhau giả bộ hững hờ khói bay
Ôi! Phạm Thiên Thư! Vĩ đại thay Phạm Thiên Thư! Khi Phạm Công Thiện sang Mỹ gặp Henry Miller, ông bổ nhào tới, hét lên: Henry Miller! Tôi giết ông! Tôi cũng mong được gặp Phạm Thiên Thư, và tôi gặp thật. Gặp người khi đêm về thắp nến làm thơ, những hàng mà chữ trong giấy quí chữ ngoài chân chim. Tôi đã gặp người trong giấc chiêm bao! Tôi nhào tới… vung tay tát mạnh vào… mặt tôi ba chiếc, và tôi chợt… không dám chửi thề!
Tôi chạy về hát bên mộ mẹ tôi
Mẹ ơi con đã lớn rồi
Lớn khôn khôn lớn cũng đời vong nô
Quê nhà chẳng ấm chẳng no
Nơi đây chinh chiến khói tro ngập trời
Mẹ ơi con mẹ khôn rồi
Dại khôn khôn dại cũng đời lầm than
Người đời say máu say xương
Say mùi phú quý say men đế đình
Lòng người gió thoảng tàn canh
Níu sao Bắc đẩu hỏi tình thế nhân
Trắng tay mắt đục mây vần
Giang san úp mở căn phần bạc đen
Ba mươi tám tuổi ngồi xem
Rã rời tâm sự tàn đêm lửa bừng
Lưng cong đầu cúi ngập ngừng
Hai mươi năm lẻ mơ mòng chiến chinh
Ôi! Phạm Thiên Thư! Tôi muốn là Phạm Thiên Thư. Vì Phạm Thiên Thư là Nguyễn Du + Ôn Như Hầu + Phạm Thiên Thư. Tôi muốn là Phạm Thiên Thư + Phạm Huy Viên. Tôi muốn là Phạm Huy Viên + 2 lần Phạm Huy Viên + 2 lần Phạm Thiên Thư. Xin các bạn đừng cho rằng tôi nói lảm nhảm. Phạm Thiên Thư là giấc mộng, tôi cũng là giấc mộng, vậy xin bạn đừng đòi hỏi tôi nói chuyện không phải mộng.
Câu thơ là hư ảo. Nghe rồi xin đừng nhớ làm chi.
Khi chúng ta đam mê, thao thức, dằn vặt, thì Phạm Thiên Thư: Thi Tiên, Thi Thánh, Thi Phật hiện về vĩ đại và đa tình, thoát tục và lả lơi, đạt đạo và duyên dáng. Êm đềm như gót giầy tổ sư, ấm lòng như trà mạn thôn mai và hiền dịu như:
Ni cô hiện giữa ta bà
Búp tay hồng ngọc nâng tà áo trăng
Thơ Phạm Thiên Thư đã cô đọng tất cả nghĩa nhiệm mầu diệu vợi của tình yêu: Đó là tình yêu hoa không. Và tất cả Động Hoa Vàng, Đoạn Trường Vô Thanh, Kinh Ngọc, Kinh Hoa Nghiêm đều có thể tóm tắt vào hai tiếng Hoa Không. Tình cha mẹ, anh em, bạn bè và tình ái… tất cả đều là Hoa Không.
Khi tôi nhận được điện tín cha tôi đau nặng thì tình yêu đó đã đến với tôi. Và khi tôi về tới Sài Gòn thì cha con chỉ còn là giấc mộng. Giấc mộng huyễn tướng giả danh mà sao ta vẫn níu kéo. Khi tôi chắp tay đứng trước linh sàng. Nhìn ảnh cha tôi. Ông thầy cúng gióng chuông trống và hô lớn: Cử ai! Và quay lại thấy tôi đứng im. Ông bảo tôi: “Ông khóc đi! Ông khóc đi!” Nhưng Phật không nói gì!
Trong một sát-na tức 1/1.000.000 giây trong giòng Tam Thế mộng này, chúng ta có gì cho nhau. Và tôi khóc cười lúc này tức tôi đùa cợt với cha tôi ư!
Hương còn đây, nến còn đây
Cành phan lay động chùng tay áo dài
Bất hiếu này sụp lạy cha
Khóc cười thiên hạ người ta trông vào
Gối run lòng sợ nao nao
Còn nghiêm ánh mắt còn hao dáng gầy
Ánh nhìn nghiêm phụ còn đây
Tiếng xưa xa vút tháng ngày vọng xa
Quê xưa còn đó mà ngờ
Nửa trong giấc mộng nửa mơ giang hồ
Trên bàn ly rượu con dâng
Trên tay hờ hững căn phần phôi pha
Đứng trơ con trẻ khấn cha
Lời cha dặn lại nhạt nhoà mây trôi
Dặn rằng phụ tử bèo mây
Duyên xưa bọt nước tình nay ráng chiều
Với đời tuổi tác đã nhiều
Nay cha nằm xuống êm theo giòng đời
Đời như nước cuốn mây trôi
Con theo lời dặn táng người bên song
Ngã ba nước chảy xanh giòng
Nửa trôi quê cũ nửa trong bờ thiền
Giờ cha trong cõi Phạm Thiên
Còn đây thế giới đảo điên con về
Thấp cao nặng nhọc lòng quê
Hương khuya mờ nhạt lệ khuya xanh giòng
Tôi đã nói nhiều về một tình yêu. Nhưng xin hiểu đó là một trong muôn ngàn tình yêu Hoa không mà Phạm Thiên Thư nói tới, mà tôi nói thêm cho các bạn hiểu. Chứ nếu tôi chỉ nói: Tam Thế mộng, Sát na, Ta bà, Hoa không thì các bạn không hiểu đâu.
Ôi! Cha mẹ là bóng mây, vợ chồng là bọt nước, người yêu là ráng chiều, tất cả xin gửi vào tiếng chuông chùa xa lạnh. Để sau này có nhớ đến Phạm thiên Thư những khi:
Chiều chiều mở cổng mây trôi
Những khi:
Thương sao giòng nước trôi hoài thiên thanh
Và:
Chênh vênh núi biếc mắt ngời sao hôm
… mà trong vô thức như còn vang vọng tiếng ngâm:
Đôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông
Nửa đêm đắp mảnh chăn hồng
Lại nghe hoa lạnh ngoài đồng thiết tha
Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu
Thì xin đừng khóc! Xin đừng nghĩ rằng có Phạm Thiên Thư trên đời này.
Câu thơ là hư ảo
Xem rồi nhớ làm chi
Tất cả chúng ta đây, ai cũng có một thi nhân trong người. Nhưng chúng ta đã bị lục trần che mất. Và trong một phút hoá duyên nào đó, giòng miên tưởng chợt khai thông cho tâm ý trôi về nguồn cũ, thì thơ chợt trỗi dậy, trở mình hoà với trăng sao, và ta chợt thấy ùa về những chiêm bao rơi rụng, những phòng the gió cuốn, những chớp bể mưa nguồn, những trăng xuân hoa nhạc.
Ngày xưa có gã lao đao
Ngâm thơ đói bụng tạt vào Kiên Giang
Cõi lòng siêu thoát mang mang
Sáng ra tìm động hoa vàng ngủ say
Tim hoá ngọc, tóc hoá mây
Hoá ngàn thi sĩ thơ hay tuyệt vời
Vâng! các bạn muốn ngâm thơ của Phạm Thiên Thư thì phải ngâm trong lúc đói bụng! phải thắp hương, phải ngồi bên người đẹp… thì ta mới trở về với ta sau khi đã đầy mình giữa những chán chường phù du. Nghĩa là sau khi đã rời xa những lục trần, những bát thức, nghĩa là để cho những nhãn nhĩ tỵ thiệt thân ý của ta lắng xuống.
Các bạn biết câu chuyện mò ngọc đáy nước chứ: Nhiều người đang ngồi trên thuyền, một người đánh rớt ngọc quý xuống nước. Người ta ào xuống tìm, nhưng chỉ thấy nước xao động, bụi cát lầm. Nhưng một người khôn ngoan, trầm tĩnh hơn, đợi cho mọi người lên hết, đợi cho bùn lắng xuống, lúc bấy giờ mới lặn xuống nhè nhẹ…và thấy ngọc toả sáng lung linh đáy nước. Ôi! Tìm ngọc có thể tìm một cách xô bồ được sao?
Các bạn biết câu chuyện mò ngọc đáy nước chứ: Nhiều người đang ngồi trên thuyền, một người đánh rớt ngọc quý xuống nước. Người ta ào xuống tìm, nhưng chỉ thấy nước xao động, bụi cát lầm. Nhưng một người khôn ngoan, trầm tĩnh hơn, đợi cho mọi người lên hết, đợi cho bùn lắng xuống, lúc bấy giờ mới lặn xuống nhè nhẹ…và thấy ngọc toả sáng lung linh đáy nước. Ôi! Tìm ngọc có thể tìm một cách xô bồ được sao?
Tôi chỉ xin các bạn sau khi chìm lắng tâm tư, hãy trở về quê cũ để nghe thơ Phạm Thiên Thư ngự trị tuyệt vời.
Tôi thật không muốn khua chuông, gõ mõ, la làng mà dùng dao to búa lớn, dùng ngôn ngữ đại học Âu Mỹ để mổ xẻ, phân tích, nghiên cứu, phê bình thơ Phạm Thiên Thư.
Làm thế có khác nào đem một bụm nước đổ vào biển lớn, cầm một bông hoa thêm vào vườn bông giữa mùa xuân muôn hoa đua nở, đặt một hạt đình lịch thêm lớn cho núi Tu Di ! Thơ Phạm Thiên Thư làm say lòng người, làm lắng lòng người, làm lớn lòng người và làm quên lòng người.
Làm thế có khác nào đem một bụm nước đổ vào biển lớn, cầm một bông hoa thêm vào vườn bông giữa mùa xuân muôn hoa đua nở, đặt một hạt đình lịch thêm lớn cho núi Tu Di ! Thơ Phạm Thiên Thư làm say lòng người, làm lắng lòng người, làm lớn lòng người và làm quên lòng người.
Tình yêu! Ai là không có! Nhưng chỉ có tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư mới cao đẹp:
Đêm dài ươm ngát nhụy hoa
Trán cao ngần nửa trăng tà ngậm gương
Qua sông có kẻ chợt buồn
Ngó hoa vàng rụng bên đường chớm thu
Trong kinh Tôn đà la nan đà, Phật dạy:
Hết thảy chúng sinh
Rất khổ ly biệt
Rất khó ly biệt
Rất trọng ly biệt
Rất giận ly biệt
Và Phật dạy:
Ly biệt là thứ
Trí thức rất hay
Cho bọn chúng sinh
Nghĩ càn lăn lộn
Ấy là thuốc hay
Chữa bệnh mê đắm
Ấy là dao sắc
Cắt đứt ái ân
Ấy thế mà Phạm Thiên Thư lại viết:
Chiều xanh vòng ngọc trao tay
Tặng nhau khăn lụa cuối ngày sầu đưa
Có phải Phạm Thiên Thư viết trái ý Phật chăng? Ly biệt đã là thứ thuốc hay chữa dứt bệnh thì tại sao lại còn tặng khăn để thương để nhớ để sầu làm chi?
- Xin thưa rằng không trái ý Phật.
Khi người ta hỏi Đức Khổng Tử về sự chết, Đức Khổng Tử hỏi lại: Sự sống anh còn chưa biết thì hỏi sự chết làm chi? Như vậy nếu hỏi sự ly biệt, hẳn nhiên câu trả lời của Khổng Tử là: Sự thương yêu anh còn chưa biết thì hỏi sự ly biệt làm chi.
Ôi! Khi khuyên rằng: Đừng uống rượu có nghĩa là trên đời này có rượu. Chứ nếu không có rượu thì chẳng có lời khuyên đó. Ừ! Mà tại sao lời khuyên không là: - Nếu ngươi thấy rượu thì phải nhắm mắt bịt mũi mà chạy cho mau. Ôi! Chính vì rượu ngon còn đó, nỗi buồn còn kia nên mới có lời khuyên: Đừng uống rượu.
Ôi! Thơ Phạm Thiên Thư sao mà say, sao mà cảm lòng người đến thế! Không say không cảm lòng thì sao còn là người.
Phật nói: Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục. Phật đã vào địa ngục để hoá độ chúng sinh, thì Phạm Thiên Thư đã dùng thi ca đem tình yêu về lòng người. Xin bạn đừng cãi rằng chữ Em trong thơ Phạm Thiên Thư, là một biểu tượng, một vẻ đẹp, một điều hay, một lòng cao thượng… Tôi xin thưa ngay rằng: Không phải vậy. Phạm Thiên Thư là người từng trải, đã yêu, và đã biết nhiều về tình yêu, và chữ Em trong câu:
Áo Em vạt tím ngàn sim
Nửa nao nức gọi nửa im lặng chờ
Chính là một người con gái, một người đẹp, một giai nhân, chứ không phải một ý niệm, một biểu tượng. Nhưng tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư là một tình yêu hoa không:
Lên non cuốc sỏi trồng hoa
Suôi thuyền lá trúc la đà câu sương
Vớt con cá nhỏ đòng đòng
Mải vui lại thả xuống giòng suối tơ
Và nói theo Phật, đã là đường bằng phẳng dọn sạch chông gai thì hai tiếng biệt ly đâu còn ý nghĩa nữa
Khăn Trăng từ độ trao tay
Nửa tan cát suối nửa mài nghiên sương
Chỉ có cát và sương là còn mãi, chứ thân này như bọt nuớc, như cây chuối, như cọng lau, như lằn vẽ trên mặt nước, thương nhớ thân này mà làm chi. Vò quả địa cầu lại cho nhỏ bằng trái táo, bằng hạt đình lịch, bằng hạt bụi còn dễ hơn kể hết những xấu xa của thân này.
Các bạn biết chuyện ông Át Nan chứ? Ông Át Nan đi khất thực ngoài thành. Gặp người con gái nói: Xin mời thầy vào đây cho chúng tôi được cúng dường. Khi ông Át Nan bước vô nhà thì bà mẹ sai người khoá cổng lại và nói rằng: Nếu thầy không lấy con gái tôi thì tôi đốt thầy chết. Các bạn biết thế nào không? Ông Át Nan hổng chịu. Thế là ông bị lên giàn hoả. Nhưng ! Ở đời luôn có những chữ nhưng đáng yêu như thế đó. Đức Phật thiên nhãn thiên nhĩ của chúng ta biết hết. Đức Phật hoá phép mưa tắt giàn hoả và đưa hai mẹ con cô đó và ông Át Nan về chầu dưới chân Phật. Phật hỏi cô ta:
- Ta hỏi ngươi nhé, ngươi phải nói thật, ta sẽ gả Át Nan cho ngươi.
Cô gái mừng quýnh, bạch rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn, xin người dạy bảo cho.
- Ta hỏi ngươi, chứ ngươi yêu ông Át Nan, thì yêu cái gì?
- Bạch Đức Thế Tôn, con yêu cặp mắt ông rực sáng, long lanh, tình tứ.
- Trong mắt có ghèn chứ có gì ! Ngươi yêu gì nữa ?
- Con yêu đôi tai tròn đầy cân đối.
- Trong tai có ráy tai chứ có gì, chứ ngươi yêu gì nữa ?
- Con yêu chiếc miệng cười tươi như hoa nở.
- Ôi trong miệng có nước rãi, nước bọt, đồ ăn cặn lại… Chứ gì ?
- Con yêu bàn tay búp măng, ngón tay tháp bút thuôn dài trắng trẻo đa tài của ông.
- Ôi! Trong tay có thịt có xương có máu me hôi tanh chứ có gì đâu!
Cuối cùng Phật hỏi: Thế bây giờ ngươi còn yêu không! Cô gái trả lời không! Và sau này hai người đều thành chánh quả Bồ Tát. Nhưng tôi, thì tôi cho rằng cô gái đã yêu ông Át Nan gấp 5 gấp 10 lần hơn lên, nhưng yêu bằng thứ tình yêu Hoa không chứ không phải bằng tình yêu trần tục như chúng ta.
Tại sao ta lại yêu những thứ mà Phật bỏ đi. Vậy thì hãy yêu như Phật yêu! Hãy yêu như Phạm Thiên Thư yêu!
Hãy đem hết tất cả những hương thơm của hoa rừng, đem hết tất cả những mật ngọt của loài ong, đem hết ánh sáng của trăng sao, đem hết tiếng thì thầm thần thánh của gió khơi của suối ngàn kết nên tình mà hai tay nâng niu đi lượn, đi lượn trăm vòng, ngàn vòng quanh người, ngồi xuống bên người, hai tay ướt đẫm mồ hôi, toàn thân nổi đỏ như bông ba la xa, khóc mếu nước mắt chảy đầy sông Hằng mà nói: Bạch đức Thế Tôn, Bạch đức Quan Thế Âm Bồ Tát, lành thay, lành thay!
Giữa lúc đó nghe như có:
Chim nào hót giữa thôn hoa,
Tay nào hong giữa chiều tà tóc bay,
lụa nào phơi nắng sông tây,
Áo xuân hạ nọ xanh hoài thu đông.
Giữa lúc đó nghe như có tiếng ngâm thơ vang vọng khắp thế gian. Tiếng ngâm thơ từ đỉnh núi sương Tây, từ vực sâu nước xoáy, từ bên đường cổ mộ, từ ngàn sao rơi rụng, từ đàn nai ngơ ngác, từ bãi tha ma về sáng chim kêu, từ nửa đêm bè ngọc qua sông. Ôi! Đâu đâu cũng là thơ Phạm Thiên Thư! Cõi mộng nào thơ Phạm Thiên Thư cũng bủa vây, cõi trí nào thơ Phạm Thiên Thư cũng giăng mắc.
Thơ Phạm Thiên Thư vắt ngang núi Tu Di, toả chụp núi Lăng Già, tràn ngập nước Quy Tư, nước Khố Xa, nước Yên Kỳ. Vân du nước Vu Điền, nước Cao Xương, nước Y Ngô, qua bãi cát trắng xương Thiền Sư, qua ghềnh suối ngập xương ngựa Hồ, réo rắt bên ải vắng Đôn Hoàng, An Tây, ngậm ngùi bên chùa Hàn San thành Cô Tô, và bùng cháy rực rỡ huy hoàng nơi miền nam Việt Nam hiền hoà vô cùng vô tận này.
Người ta thường chia thời kỳ văn học Phật Giáo thời sơ thuỷ theo ngôn ngữ: Pakrit, Sanskrit tạp, Sanskrit tinh thuần.
Còn Phạm Thiên Thư: Với mấy trăm câu thơ Động Hoa Vàng, ba ngàn câu Đoạn Trường Vô Thanh, gần ngàn câu Kinh Ngọc, mười ngàn câu Kinh Hoa Nghiêm… Đã đưa thi ca Phật Giáo tới tuyệt đỉnh nghệ thuật, hay nói cách khác, kinh điển tư tưởng trong Phật Giáo đã được Phạm Thiên Thư thi hoá tuyệt vời.
Tất cả thi ca ba ngàn năm qua viết bằng tiếng thơ tạp, còn Phạm Thiên Thư viết bằng tiếng thơ tinh thuần.
Tất cả thi ca tứ Ma Ha Ca Diếp, Át Nan, tới Bồ Đề Đạt Ma, và những Chi Cương Lương, Khương Tăng Hội, Huệ Năng, Phổ Hiền, và những Tì Ni Đa Lưu Chi Thảo Đường, mọc thêm một nhánh các bài kệ các bài thơ từ Ma Ha Ca Diếp tới ngày nay.
Thơ Phạm Thiên Thư đã tràn ngập Đa Bảo, Mãn Giác, Vạn Hạnh, Viên Thông, Không Lộ, Đoàn Văn Khâm… Với buổi tàn đông sương rơi, lên đỉnh núi cao, hú lên một hơi dài cho bầu trời thêm băng lạnh. Với những chiều tà mây đen ướt, khách lãng du hững hờ gõ cửa Thiền sư khi tiếng chuông xa sầu lắng lòng người.
Tịch tịch Thiền quan thuỳ cánh khấu
Kinh qua sầu thính mộ thiên chung
(Lạnh lẽo am mây ai gõ cửa
Chuông chiều xa lắng dạ khôn khuây)
Phải chăng hồn thơ Phạm Thiên Thư là một nguồn sinh lực mới cho đơm bông rực rỡ rừng thiền Việt Nam:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua xuân chiếng một cành mai)
Phạm Thiên Thư! Con người có trái tim như hạt đình lịch trên biển sữa, như núi Tu Di trên đầu cây kim mà tâm thất tâm nhĩ có sức đập nổ mạnh như siêu bom, giòng máu có lưu lượng mạnh hơn sông Amazone đã đứng trên một hành tinh chết, cầm cây gậy trúc qua cầu năm xưa, đẩy tung trái đất qua khỏi tiểu thiên, trung thiên, đại thiên thế giới, bay ngàn vạn ức triệu năm ánh sáng về với ta.
Với sắc đẹp Hoa không Em hoá thành ác quỷ, thành túi mật đắng, thành gai góc, với rượu ngọt đựng trong sừng trâu, trái sim đựng trong ống nứa, dệt nên bản bi hùng tình ca muôn thuở tuyệt vời.
Ôi Phạm Thiên Thư! Sao ngươi dám vào địa ngục trước ta! Ta có là ta hề! Ai chứ là ngươi !
Câu thơ ta xé bỏ rồi
Biển Tây ảm đạm bè trôi kinh hiền
Chim về đầu núi gió lên
Sóng xô cá nhẩy hoá duyên giang hồ
Nghiêng tai còn phút phù du
Nghiêng sông thành quách lửng lơ sương chiều
Nẻo về ca hát cô liêu
Qua sông bè ngọc tiếng tiêu trăng rừng
Người đi hoá nguyện nước trong
Ta về hoa nở hư không trắng thềm
Đêm lên thơ ngủ vai mềm
Buông câu hồ vắng đảo điên khói mờ
Vui buồn cũng một giấc mơ
Mà đem mộng ảo trao hờ cho nhau.
Nếu Phạm Thiên Thư nghe được mấy câu này, xin đừng nghĩ là của Phạm Huy Viên, cũng đừng nên nghĩ rằng Phạm Huy Viên có thực trên đời này.
Câu thơ là hư ảo
Nghe rồi nhớ làm chi.
CDM Phạm Huy Viên
1 comment:
Thầy Viên quá giỏi lại hơi ngông.
“ Cuồng sĩ Tây Đô “ . biệt hiệu ông.
Tôn Tẩn giả khùng xuân thu chiến.
Thế gian che mắt tỏ nổi lòng..!
LVB
Post a Comment