Thursday, May 27, 2021

Tháng 5 Ở Cali

CVK_Thang5.JPG


Khi tôi tới Cali lần này, mùa xuân đang hồi diễm lệ. Con đường One-O-One (gọi theo người ở đây) ngược lên hướng bắc chạy vắt qua những đồi cỏ mượt, leo những đoạn đèo loáng thoáng sương mù như thứ hơi thở váng vất của tình nhân đánh thức nhau buổi sớm. Cảnh vật lãng đãng màu tranh thủy mặc. Người qua đó lòng cũng nhẹ bâng. Ngày lên hay ngày xuống mà đời bỗng thôi huyên náo. Thử nghĩ trên một chót đỉnh cô phong, một cội tùng đã cỗi... Dưới xa những lũng thấp mở ra, ăm ấp lượng bao dung... Khí trời thong dong làm nhớ đến giấc mơ Tăng Nghi và lòng ràn rụa mối thâm ân trời đất. Những cơn mưa dầm của mùa-đông-mới-đó đã thay hẵn bộ mặt rám vàng của Cali trong trí tưởng. Mùa này, cây cỏ hoa lá mặc tình. Mùa này, phố xá đông vui.

Ðất đai, phong thổ Cali hẵn đãi người rất hậu. Người Việt tụ về đó từ một ngẫu nhiên giờ an bài thành định mệnh. 30 năm ăn nên làm ra, chợ búa phố xá mới tinh, hàng quán nhộn nhịp, xe cộ bóng lộn và người, người ngơ ngác từ cơn thất tán, người xác xơ từ cuộc bại vong, ra vô đi lại, hân hoan tự tín và tươi rói ... như vốn sanh ra và lớn lên trên một vùng đất chưa từng có thống khổ. 30 năm kể ra đủ dài cho một cuộc sống yên phận thủ thường nhưng lại quá ngắn cho một cuộc đổi đời toàn diện. Lấy 30 năm làm thước đo cho đời một người bỏ chạy làm dân mất nước và một người chọn (bị) ở lại làm chủ (?) một đất nước có đầy đủ chủ quyền, đủ đề thấy sự dằng co ý thức hệ còn tới bây giờ ở đó là một hành động vừa bất trí vừa bất nhân. Sự thật đã rành rành ra đó. Cái khung chính trị để phát triển toàn diện đất nước và con người chỉ có thể là ý thức tự do chân chính. Mọi thứ giải thích lập lờ cong quẹo chỉ là ngụy biện. Và còn là một tội ác đối với nhân loại vì đã cố tình dìm chết mọi toan tính làm-người với đầy đủ phẩm tính con người.

Ba mươi năm rồi, sự phồn vinh ở đây và ở đó cũng đã được thống kê bằng những con số. Tuy nhiên còn một thứ phồn vinh không thể cộng trừ nhơn chia, đó là thứ hạnh phúc hồn nhiên trong cái nhìn thẳng hay tiếng cười dòn, biểu hiện cho một đời sống an lành, sung mãn và tự tin vào dự phóng tương lai. Người Việt phồn vinh ở Cali khác người Việt phồn vinh (?) ở Việt Nam chính là ở chỗ đó. 30 năm đã chứng tỏ sự thật và dối trá cách biệt nhau như cái biển Thái Bình mênh mông nằm ở giữa. Mùa xuân này tôi đến Cali khi tháng tư vừa qua được mấy ngày. Trời Cali trong xanh, giữa trưa vàng hoe nắng, y như quê tôi những ngày trở hạ. Lòng thấy vui như về lại chỗ thân quen. Ghé chợ Bolsa, vào những hàng quà vặt, uống lại ly nước mía ngọt xớt, nhắp miếng bánh khọt béo ngậy, gọi tô phở với dĩa rau xanh mướt xum xuê và nhất là những lá rau cần gai cứ làm nhớ tô phở Hiền Vương những ngày sinh viên ăn phở thay cơm, húp chén nước xúp hủ tiếu Mỹ Tho dậy mùi tôm khô y như hủ tiếu lề đường Chợ Cũ những sớm mai ngai ngái mùi lá me mới rụng... Bỗng dưng thấy quê hương đầy mùi vị làm cảm động đến tần ngần.

30 năm dựng lại góc quê nhà giữa một vùng đất trời lạ lẫm phải kể là một kỳ tích. Dù hàng cọ không lả lả ngọn như hàng dừa, dù bông magnolia không phơ phất như bông trang, dù kiến trúc phải thích ứng vào điều kiện phong thổ ... vẫn là một chỗ để đi đi về về của hàng triệu người Việt tha hương. Bởi vì thật ra nhà cửa phố xá chỉ là mặt nổi mà tâm thức Việt Nam mới chính là nỗi lòng. Little Saigon. Ðứng giữa Sài-gòn-nhỏ một buổi trưa tháng năm, bỗng giựt mình đến bàng hoàng nghe ra tiếng người gọi nhau rôm rả, rặt giọng lục tỉnh, trơn trớt một chút ngọng nghịu cứ y như buổi trưa nào đứng ăn đậu đỏ bánh lọt góc phía nam chợ Bến Thành, chỗ con đường Lê Thánh Tôn chạy qua. Chèn-ơi-đi-đâu-mà-nhưma-bắt-ông-vãi-dzậy-chị-năm-làm-tui-theo-muốn-hụt-hơi-hà. Ngoảnh lại, hai người đàn bà quần (lãnh?) đen bóng mướt, áo bà ba vải bông, và trên đầu, trên đầu... là hai cái nón-lá che khuất mặt vừa gọi nhau ơi ới vừa kéo nhau đi vội qua ... quá vội làm tôi không kịp nhìn rõ dưới chân có phải là hai đôi guốc dông... ? Ôi... 

nắng Cali bỗng dưng mà chợt mát

Bởi vì ai đội nón lá khum khum (1)

Người Việt đến ở đâu cũng mang theo cái lối đi đỏng đảnh, cái lối nói xắn xả mà thân mật, cách giao tế lề mề nhưng ấm cúng... cùng với mớ hành ngò tỏi ớt húng lũi húng thơm tô phở chén cháo hội hè đình đám... nhưng chưa ở đâu bằng ở đây, với số lượng người đông đảo đã làm dậy lên được một thứ hơi hướm rặt Việt Nam. Ðứng ở đó, giữa trưa tháng năm Cali, thấy lại Việt Nam, lòng vui rồi chợt buồn khang.

Trong một thoáng có ngón tay nào khều nhẹ vào miệng vết thương tưởng đã lành. Và bỗng chốc cái tháng tư vừa mới qua như muốn quày trở lại. Quày trở lại trên hàng lá cờ vàng ba sọc đỏ treo đầy hai bên những con đường chính. Người ở đây vừa mới kỷ niệm quốc hận ngày 30 tháng 4 tuần trước. Lễ lạc xong rồi. Một chút ngậm ngùi gói cất lại đợi năm sau. Những năm sau... và còn bao nhiêu năm sau nữa. Người ta phải trở lại với công ăn việc làm, bón mớm gia đình, chăm chút người yêu... Chỉ còn hàng cờ vàng bay lất phất trong gió trở chiều đã bắt đầu thấm lạnh.

Vâng, thì cũng chỉ còn là những lá cờ kỷ niệm. Mà kỷ niệm nào thì không buồn nhất là thứ kỷ niệm dính đầy xương và máu. Máu của bạn và thù. Máu của niềm tin và của bội phản.

Ban nãy, lần đầu tôi được viếng khu tượng đài chiến sĩ ở một góc phố Westminster..... Hai bức tượng đồng cao ngút, đường dao khắc tạc sắc lẻm, dựng thẳng đứng trên bệ cao như hai cổ tháp đen từ một bình yên phẳng nhoi lên xé toạt cái góc trời xanh ngát trong mắt người nhìn. Trưa im im. Tượng thì lừng lững bất động. Hai lá cờ thì cứ phần phật theo gió động đậy không ngừng. Sự đối nghịch hổ tương của hai thế "động" và "tĩnh" phá vở cái bố cục rất cân bằng của toàn cảnh để từ đó thoát đi cái hơi trầm uất của một giai đoạn lịch sử gần như muốn bị bỏ quên. Ngưởng mặt nhìn lên, hai bức tượng lung linh đằng sau ngọn lửa thiêng vẫn đang tiếp tục cháy trong chiếc đỉnh đồng kê chính giữa vọng đài bán nguyệt. Cả hai người lính trẻ, một Việt một Mỹ, dáng hăm hở quyết tâm, ngực ưởn như thách đố. Cả hai, trông thế đứng ngửa mặt, vai ngang, hai cặp mắt đăm đăm cùng nhìn về một hướng biểu lộ một sự đồng tình tuyệt hảo. Cả hai, mỗi người từ vị trí chiến đấu ở cấp thấp nhất của mình trong cuộc chiến thực sự 30 năm trước chắc cũng đã thực tâm nghĩ vậy về ý nghĩa keo sơn của tình liên kết minh thệ. Nhưng cuối cùng, lịch sử đã diễn ra trái hẵn với những lời rao giảng. Sau khi có gần sáu mươi ngàn quân lính tử trận, người Mỹ tìm mọi cách để rút chân ra khỏi cái mà họ gọi là vũng-lầy-việt-nam. Bằng mọi cách kể cả cách bán đứng những người lính đã từng cùng họ chiến đấu cho cái lý tưởng (!) mà cho tới giờ này họ vẫn còn tiếp tục tự nhận cái sứ mệnh đem truyền bá khắp nơi. Và bằng bất cứ lý do nào khi họ trả mọi giá nuôi dưởng cuộc chiến tranh đó (kể cả lý do VN chỉ là cái cớ để những đại cường thương thảo cho một cuộc xích lại gần nhau... ) thì lời nhận định sau đây của nhà văn Phan Nhật Nam trong bài viết " Ðồng Minh "không" tháo chạy" đăng trong Hợp Lưu số tân niên Bính Tuất phải kể là ráo cùng tình lý của hai chữ "đồng minh" ".... mối tương quan liên hệ giữa hai quốc gia bị so kè từng đồng bạc một. Việc so sánh 300 triệu quân viện bổ sung của tháng 3, tháng 4/ 1975 đối với tồn tại của một quốc gia từng gọi là đồng minh với giá máu 58.000 mạng sống binh sĩ Mỹ ( và bao nhiêu mạng sống của người lính miền Nam? và dân miền Nam ? * lời người viết thêm vào ) trong mười lăm năm chiến trận mang hình thức một lời nguyền rủa tàn tệ mà lịch sử hôm nay phải nhìn lại với mối trách cứ ngậm ngùi..."

Ðứng ở đó, trưa tháng năm, dưới tượng đài hai người lính chết trận vô danh, ở một nơi cách biệt chiến trường cũ dài hơn độ dài của quên lãng, khi mùa xuân đang ở hồi diễm lệ, tôi tự hỏi sự hy sinh của họ (trong cái nghĩa chất phát nhất của hai chữ hy sinh) có ý nghĩa gì không... ... khi mà cũng trong tháng năm này, tin tức về chuyến viếng thăm VN của nhà tỷ phú Bill Gate được đưa lên trang đầu của những tờ báo ở đó kể cả những tờ báo đang thúc giục cả nước tiến nhanh tiến mạnh lên xhch ... cũng trong tháng năm, những chuyến đi đi về về từ Hà Nội qua Washington để tìm sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong việc xin gia nhập tổ chức Thương mại thế giới của VN ... vẫn trong tháng năm, có tin ông bộ trưởng quốc phòng Mỹ sẽ chính thức viếng thăm VN ... ...

Giả sử như không có cuộc chiến tranh đó, mọi sự có tuần tự diển ra như thế đó không ? Giả sử như không có cuộc phản bội đó, có một Little Saigon khang trang và là niềm kiêu hảnh cho người dân Việt lưu vong không ? Và có cần không, niềm kiêu hảnh đó ?


cvk_thang5_boat.JPG


Cao vị khanh 

No comments: