Friday, May 21, 2021

Thương Qúa Sơn Nam

 _______________________

Thương quá Sơn Nam!

Trần Yên Hòa

ANAHEIM, California (NV) – Sơn Nam viết những truyện về miền đất mới khai phá, đất phương Nam, bằng những phong tục tập quán, cuộc sống dân dã của những người dân ở đó.

Cô gái đọc tác phẩm biên khảo của nhà văn Sơn Nam “Đình Miếu & Lễ Hội Dân Gian Miền Nam.” (Hình minh họa: Dương Hoàng/Pixabay)

Với tôi, tập truyện “Hương Rừng Cà Mau” của ông là một tập truyện đặc sắc, một tập truyện tiêu biểu nhất của Sơn Nam.


Kể về những nhà văn miền Nam, có thể bắt đầu bằng những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Ông đốc phủ sứ này có số lượng tác phẩm khá đồ sộ, khoảng trên dưới hai ba chục cuốn. Trong lúc chữ quốc ngữ mới phôi thai, viết những chuyện tình ở xã hội miền Nam thời Pháp thuộc như Hồ Biểu Chánh thật là quá hay, đã làm nhiều người đọc mê mẩn đến rơi nước mắt. Đó là những chuyện về người nghèo, về những hương chức thôn xã, về cảnh cường hào ác bá nông thôn.

Rồi tiếp theo là Phú Ðức, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, những tên tuổi nhà văn miền Nam được ghi nhận là “có tầm cỡ.”

Nhưng Sơn Nam thì không viết những chuyện tình như Hồ Biểu Chánh hay Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, mà cảm hứng viết của ông, như bài thơ sau:

“Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Ðiệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
‘Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả’
Tới Cà Mau-Rạch Giá
Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng…

Muỗi, vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mù như sương.
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây hiu hút…
Hơi Vọng Cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò ơ theo nước chảy, chan hòa.
Năm tháng đã trôi qua…

Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ

Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…”

Nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời bên chiếc máy đánh chữ. (Hình: Tài liệu)

Tôi thích văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc hơn văn Hồ Biểu Chánh, bởi vì văn phong trong “Rừng Mắm,” “Ðò Dọc,” “Hương Rừng Cà Mau” khác xa văn phong của “Phận Gái Hèn,” “Con Nhà Nghèo” của Hồ Biểu Chánh.

Hồ Biểu Chánh còn dùng nhiều chữ cổ xưa miền Nam, còn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc đã thay đổi cách viết, lời văn gọn gàng, giản dị, trong sáng hơn.

Thuở còn đi học, học trò rồi sinh viên, và kể cả khi phục vụ trong quân đội, tôi vẫn ẩn chứa trong tôi tấm lòng kính trọng Sơn Nam, người tiêu biểu và hiện thân “ông già Nam Bộ,” người khai phá ðất phương Nam bằng những câu chuyện về ông lục, ông thầy bắt rắn, về mùa “len” trâu.

Sơn Nam trong tôi trong lành như dòng sông Tiền, sông Hậu, của miền châu thổ, của vùng sông nước miền Nam Việt Nam.

***

Sau 30 Tháng Tư, 1975, tôi thấy Sơn Nam trên TV, ông đi dự họp ở hội nhà văn giải phóng, rồi ông đi theo đoàn làm phim “Ðất Phương Nam,” làm cố vấn cho đạo diễn về những địa danh, những phong tục tập quán của dân ta từ thời mới khẩn hoang lập ấp.

Thời gian trôi qua, chế độ mới chỉ dùng ông trong giai đoạn đầu thôi.

Sau này, Sơn Nam trở lại con người nhà văn lang thang, không có tiền in sách nên ông không biết dựa vào đâu để có tiền chi tiêu. Một nhà văn mang danh “ông già Nam Bộ,” đã có nhiều tác phẩm xuất bản và bán chạy, nhưng sao ông lại khổ đến vậy.

Rồi tôi tình cờ tôi đọc được một bài phỏng vấn Sơn Nam trên báo VNExpress. Bài viết này báo VNExpress lấy lại từ báo Lao Động, tôi mới tự lý giải những điều tôi đang suy nghĩ. Sơn Nam đã có những câu trả lời thật độc đáo, vừa chua xót, vừa đau thương.

Chân dung nhà văn Sơn Nam của họa sĩ Lê Sa Long. (Hình: Trung Nghĩa/Thanh Niên)

Xin ghi lại đây nguyên văn:

*Phóng viên: Vì đâu người Nam Bộ yêu thích giọng điệu tưng tửng, cách hành văn đôi khi nhảy lóc cóc chuyện này xọ sang chuyện nọ, rồi cả lối kể con cà con kê của ông?

-Nhà văn Sơn Nam: Vì tôi là người duy nhất viết về lịch sử Nam Bộ, một mảnh đất phải định hình trên 100 năm mới ra hồn ra vía. Tôi là người nhìn thấy trước cái nét đó. Tôi cũng nhìn ra đâu là văn minh sông nước ở đất này. Đừng nghĩ người Nam Bộ đánh Mỹ chỉ biết tối ngày xách rượu đế đi tán dóc, bây giờ họ làm kinh tế giỏi lắm. Mấy cái chuyện cá basa còn có người sang tận bên Mỹ cãi lộn.

*Và còn điều gì ẩn kín sau cái tên “ông già Nam Bộ?”

-Nói đến Sơn Nam là nói đến sự tự tin của Nam Bộ. Tự tin có cơ sở. Ví dụ, tôi mặc áo năm ngày không thay, thằng cha nào khinh rẻ thì cứ việc. Bởi ở rừng U Minh lên Sài Gòn mà được vậy là tốt quá rồi. Nghe đâu, người ta còn mở quán cà phê Sơn Nam ở Phạm Ngọc Thạch, rồi khu du lịch Bình Quới sẽ dựng tượng Sơn Nam để coi.

*Điều gì có thể làm ông chua chát?

-Không có tiền thì không có thể diện. Muốn làm nhà văn, nhà báo phải oách mới đi xã giao được, nếu quỵ lụy, người ta khinh.

*Nhưng cũng có những thứ khác đâu mua bằng tiền được?

-Đó là nói lý thuyết thôi, nhà văn mà không đủ tiền in sách thì ai đọc? Mà một cuốn muốn in phải năn nỉ nhà xuất bản, phải bỏ ra 2-3 cây vàng, rồi phải in thử dăm ba cuốn mới mong người ta chú ý. Anh không bán được sách chứng tỏ anh dở. Tài cũng phải đẻ ra tiền chớ.

*Nhà xuất bản Trẻ chọn Sơn Nam mua hết bản quyền tác phẩm, có phải là bất ngờ lớn với ông?

-Bất ngờ chi. Tôi có mấy cuốn được tái bản nhiều lần, người ta thấy lời mới ký hợp đồng chớ. Hồi Sài Gòn kỷ niệm 300 năm, có trên 10 cuốn sách của Sơn Nam ăn khách rất mạnh. Không phải người ta hứng lên là làm đâu, vàng đã thử lửa cả rồi.

*Theo ông, khoảng bao nhiêu phần trăm nhà văn Việt Nam có tư cách?

-Thời buổi bây giờ có tiền là có tư cách. Giỡn chơi vậy thôi, nhà văn thứ thiệt phải biết chọn loại độc giả đứng đắn. Mà khó lắm. Vì độc giả không còn nhiều nữa đâu.

Trong bài phỏng vấn này, nhà văn Sơn Nam bộc bạch: “Tôi là người theo đạo Phật. Trời đất cho tới đâu mình vui tới đó. Giàu cũng chết vô danh, nghèo cũng chết vô danh. Phật cũng chết, mà Đức Chúa cũng chết. Ăn thua mình sống thì phải làm từ thiện. Không làm được điều thiện lớn thì làm điều nhỏ.”

Cuộc phỏng vấn với những câu đối thoại rất thực. Ông già Nam Bộ này dù có sách được nhà xuất bản Trẻ mua đứt bản quyền và chắc là có tiền nhuận bút nhưng sao ông lên báo trước bàn dân thiên hạ “nói toạc móng heo” như vậy?

Tôi chưa gặp Sơn Nam ngoài đời, vì tôi là kẻ hậu sinh, chỉ nhìn ông bằng hình bán thân ở mấy cuốn sách và hình ông mấy lần trong TV.

Ðể được biết về hình dáng và tính cách của nhà văn Sơn Nam, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tả ông như sau: “Một Sơn Nam đi lửng thửng trên đường Phạm Ngũ Lão đến tòa soạn Văn, tạt vào báo quán đưa một bài viết, một Sơn Nam ngồi ở quán cà phê vỉa hè trên đường Võ Văn Tần. Gầy ốm, dáng đi thất thểu, cái áo cũ rách, nhăn nhúm như khuôn mặt nhăn nheo của ông, điếu thuốc trên môi và đôi mắt như không nhìn đâu vào đâu, Sơn Nam có vẻ như không thuộc về một phần đất nào, mặc dù ‘rất Nam Bộ’ nhưng không như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc hay Lê Xuyên.”

Sơn Nam cũng trở thành một kẻ huyển mộng. Ông hãnh diện vì người ta nói sẽ mở quán cà phê Sơn Nam ở đường Phạm Ngọc Thạch, hay dựng tượng của ông ở khu Bình Quới. Chuyện đó có gì là lạ đâu, đó chỉ là vấn đề kinh tế, người ta muốn mượn tên ông để làm ăn, để kiếm tiền. Tượng thì bây giờ rất nhiều, ai có tiền muốn dựng mà không được. Có tiền, muốn là được, như ông đã bày tỏ trong bài phỏng vấn trên.

Tưởng Năng Tiến viết về Sơn Nam ghi là “Sơn Nam đã chết,” còn tôi thì “Thương quá Sơn Nam!”

Và nay thì “ông già Nam Bộ” đã chết thật rồi. [qd]

Nhà văn Sơn Nam (1926-2008) tên thật là Phạm Minh Tài, ông sinh ở Kiên Giang. Gia đình nhà văn Nam Bộ này vốn từ vùng đất Cù lao Ông Chưởng ở Long Xuyên đến lập nghiệp ở ven rừng Cà Mau. Tác phẩm đầu tay của Sơn Nam là tập thơ “Lúa Reo,” xuất bản năm 1948. Về sau ông viết văn xuôi, cảm thấy “thuận tay” hơn và theo đường ấy.

Tên tuổi của nhà văn được biết đến rộng rãi trên văn đàn sau tập truyện ngắn “Hương Rừng Cà Mau” (xuất bản năm 1962). Có thể khẳng định cho đến nay, đây vẫn là tập truyện ngắn được xếp vị trí cao trong số những tác phẩm đặc sắc của Nam Bộ.

Theo báo Thanh Niên, ngoài truyện ngắn, truyện dài…, Sơn Nam còn thành công ở những công trình biên khảo như: “Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam,” “Văn Minh Miệt Vườn,” “Đất Gia Định Xưa,” “Bến Nghé Xưa”

No comments: