Wednesday, May 26, 2021

Thêm Một Tiếng Động Đã Tắt

 

______________________
Từ Blog Trần Thị Nguyệt Mai

Trần Bang Thạch


Nhà thơ Triều Uyên Phượng

Chỉ mới gõ dòng tựa trên tôi đã muốn ngừng tay. Đã tắt một tiếng động nữa rồi! Thật sao? Không có gì thật hơn sự ra đi của người bạn thơ Triều Uyên Phượng. Và không có gì buồn hơn khi cứ lần lượt nhìn nhóm bạn mình mỗi ngày một thu nhỏ.

Còn nhớ trong một tập Thư Quán Bản Thảo đầu năm 2006 ký Nguyễn Cát Đông, tôi có viết một bài về Trần Như Liên Phượng. Trong đó tôi có nhắc đến những cây bút nòng cốt của tạp chí văn học Tiếng Động đã lần lượt ra đi, đã tắt tiếng từ lâu. Câu cuối của đoạn văn này tôi nhớ đã viết: “Hình như bây giờ còn lại chỉ có Triều Uyên Phượng và Nguyễn Cát Đông”.



Hơn 5 năm sau bài viết này, Triều Uyên Phượng cũng đã ra đi. Tôi hay tin rất muộn. Biết cuộc sống đầy khó khăn, vất vả của bạn mình cũng rất muộn. Ngỡ ngàng trong xúc động. Vừa ngậm ngùi âm thầm tiễn bạn, vừa mừng cho bạn đã phủi sạch nợ trần. Coi như chàng lên xe ra đi với đốm lửa lập lòe về với cát bụi:

Chàng ngồi xe ra đi và đốt thuốc
Một đốm lửa lòe trong tay chàng
Rồi vụt tắt
Chàng thì thầm trong tay
Đoạn khóc rất sỗ sàng

(Thơ Triều Uyên Phượng)

Nghĩ lại mà giựt mình. Tiếng Động là một tạp chí có mệnh yểu, chỉ sống èo uột, bất định kỳ có 8 tập. Chào đời đầu 1964, chết giữa năm 1967. Những cây viết nòng cốt ban đầu của Tiếng Động thì cũng yểu mệnh, như Trần Như Liên Phượng, Lan Sơn Đài, Lê Văn Hiến, Quách Dược Thanh, Ưu Thức, Mai Huỳnh Văn, Kiều Tâm Khánh…

Đối với tôi, Triều Uyên Phượng chết trẻ bởi vì từ ngày biết nhau, nhất là từ khi Phượng gia nhập Tiếng Động ở tuổi 16, 17, từ tướng tá nhỏ nhắn, gầy còm với đôi kính cận dày cộm… chúng tôi coi Phượng như đứa em út của Tiếng Động. Đến bây giờ trong trí tôi Phượng vẫn là một bạn nhỏ chịu chơi của hơn bốn mươi năm trước. Phượng có người anh ruột từng làm Tỉnh trưởng Sóc Trăng sau lên đến chức Tổng Ủy Trưởng Tổng Ủy Công Vụ thời Đệ Nhị Cộng Hòa nhưng cậu công tử họ Quách tên Phụng Hiếu của Sóc Trăng, bút danh Triều Uyên Phượng, sống rất bụi đời. Mỗi khi gặp chàng là y như thấy cái áo sơ mi tay ngắn màu xanh lục nhạt. Tóc không nhiều nên có lẽ chàng chưa hề cần cái lược, cứ để mấy cọng tóc nằm ngồi tự nhiên trên cái đầu hơi nhỏ so với cái cổ cao. Phượng không bao giờ nhắc tới cái “đại gia” của nhà mình ở trong khu hành chánh bên kia Cầu Bon. Chàng lãng tử ít khi có mặt ở nhà. Nhưng nhiều khi có mặt ở nhà các bạn văn thơ tại tỉnh nhà hay các tỉnh lân cận. Bạn bè nhiều nên thuốc lá, bia rượu nhập vào cái thân thể mỏng như lá cỏ nầy cũng nhiều. Thuở đó tôi không nghĩ Phượng có người yêu. Bạn bè đã chiếm hết thì giờ của Phượng. Vậy mà Phượng nổi tiếng, nhất là trong giới học trò, là nhà thơ của tình yêu. Những bài thơ tình yêu không vui. Thơ tình buồn, phần lớn là thể thơ 4, 5 chữ. Mới đầu xoàng xoàng xuất hiện trên Tiểu Thuyết Thứ Năm, Ngàn Khơi… sau leo tới Văn, Bách Khoa… với những bài thơ gọi là thơ tự do… Thơ Phượng là những ưu tư, thắc mắc, quạnh hiu, vật vã… của người tình cô đơn, hoang mang trước cuộc chiến. “Em” trong thơ Triều Uyên Phượng chắc chỉ là một cái bóng để nhà thơ gởi những ưu tư của mình:

Nhiều lúc anh tự hỏi không biết chiến tranh để làm gì
không biết để làm gì
nhưng dù không biết để làm gì đi nữa
hãy nhớ hôn anh một lần đi
em nhé.

Mà thời đó, những người gọi là cây bút trẻ, ai mà chẳng vậy. Tình yêu phải là đau khổ để có chất men mà mần thơ. Cuộc chiến, đối với một số, cũng là cái mẫu số chung để viết.

Còn nhớ đầu năm 1964 lúc Lan Sơn Đài dạy học tại Sóc Trăng, Đài cùng với Phượng có ý làm một tạp chí văn học. Tại quán cà phê chị Thầu bên đường Nguyễn Trường Tộ, góc Nguyễn Thái Học, Cần Thơ, chúng tôi, năm sáu người, bàn “chuyện lớn”. Thời đó chỉ có Lan Sơn Đài là có chút tiền lương giáo viên, những người còn lại là học trò hay lính tráng. In một tạp chí lúc bấy giờ là chuyện lớn. Lúc đầu tạp chí mang tên Tiếng Động Mùa Hạ vì chỉ mong tạp chí văn nghệ tỉnh lẻ này có khả năng tài chánh làm mỗi năm một số vào mùa Hè. Làm chơi thôi. Sau số 1 và 2 thì trở thành Tiếng Động vì xuất bản bất định kỳ. Bất kể Hạ hay Xuân hay Thu… kiểm duyệt xong và kiếm đủ tiền in là trình làng. Trụ sở bất thành văn của tòa soạn là quán cà phê của chị người Miên bên hông rạp chiếu bóng Nguyễn Văn Kiểng trên đường Lý Thường Kiệt ở thị xã Sóc Trăng. Hình như mỗi lần chuẩn bị bài vở hay phát hành đều xuất phát tại quán chị Thầu hay quán chị Miên. Báo in ít, tiền vốn ít nên không dám gởi nhà Tổng Phát hành Nam Cường. Mỗi đứa chia nhau đi phát hành. Năn nỉ các chủ sạp báo ở Sài Gòn, Cần Thơ, Sóc Trăng, Long Xuyên, Vĩnh Long… để gởi bán. Rất ít khi thu được tiền. Mà nếu thu được đồng nào thì gởi vào các quán cóc. Không sao. Vui là đủ rồi.

Tại Cần Thơ chúng tôi còn có hai chỗ khác để thường xuyên gặp nhau là nhà của Kiều Tâm Khánh tại số 59 đường Cống Quỳnh tại Bến Nhị Kiều và thỉnh thoảng những khi Trần Như Liên Phượng ghé ngang thành phố Cần Thơ, chúng tôi cà phê cà pháo tại quán Thái Ký đường Ngô Quyền. Thuở đó tôi không thường xuyên đến những nơi này để họp với các bạn, nhưng mỗi khi tôi đến, dù ở Sóc Trăng hay ở Cần Thơ thì đều gặp Triều Uyên Phượng. Phượng như có đôi hia vạn dặm, đang ở nơi này, thoáng cái đã ở nơi kia. Vài bạn văn khác trong ban biên tập tôi cũng có gặp; chỉ có Quách Dược Thanh thì tôi chưa bao giờ gặp dù anh ở tại Sóc Trăng trước khi anh nhập ngũ và sau đó phục vụ tại trường Chiến Tranh Chánh Trị Đà Lạt. Sau 1975, anh bị bức tử vì dám lý luận chủ nghĩa Mác với bọn cai tù.

Phượng thích gặp bạn nhưng ít khi góp tiếng. Tại bàn cà phê, chàng cứ rít từng hơi thuốc dài, rồi hớp một tí cà phê. Hình như tôi chưa thấy tách xây chừng nào cạn trước mặt Phượng. Tôi cũng chưa nghe Phượng đọc thơ của mình lần nào; đọc thơ bạn thì có. Lan Sơn Đài cũng ít nói. Mai Huỳnh Văn, Ưu Thức cũng ít nói. Trần Như Liên Phượng lại càng ít nói hơn, đốt liền tay những điếu Lucky Strikes đen, nói là cầu may. Vậy mà ngồi quán mòn hết đáy quần, hết bình trà này xin thêm bình khác. Chủ quán nào cũng cười trừ.

Mùa Hè 1965 tôi lên Sài Gòn học, ở trong Đại Học xá Minh Mạng. Lan Sơn Đài bị động viên, đi lính công binh ở Đức Hòa, Đức Huệ, thường ghé ĐHX Minh Mạng. Mặc nhiên Tiếng Động đặt tòa soạn tại đại học xá Minh Mạng. Kiểu chữ tựa báo thay đổi. Nhiều cây viết nổi tiếng cộng tác. Không biết nhắn gởi thế nào mà khi Lan Sơn Đài ghé “toà soạn” ở Sài Gòn thì thường có anh chàng tong teo, mang cặp tròng kiếng dày như hai cái khu tô tháp tùng. Tôi nhớ Phượng được hoãn dịch vì do cận thị nặng (?). Thời gian này thơ Phượng vẫn mang tính chất tuổi trẻ lãng mạn, nhưng đã thoát ra hẳn những tình cảm riêng tư, đơn sơ của tuổi học trò. Người đọc thấy tình yêu trong thơ Phượng ẩn chứa những suy tư và có rất nhiều vấn nạn của cuộc đời trước mặt. Phượng viết những bài thơ làm theo thể thơ tự do càng nhiều ở thời gian này:

Chàng mãi loay hoay trí nhớ
sao bầy mối cứ đùn lên hoài
tội nghiệp cho tuổi trẻ chàng
thật tội nghiệp hết sức

Tôi không có trí nhớ tốt để nhớ thơ bạn bè hay cả thơ của mình nên rất tiếc là không ghi được nhiều thơ của Triều Uyên Phượng để thêm hoa lá cành cho bài viết.

Cho tới bây giờ tôi vẫn thắc mắc về cái chết của Tiếng Động. Chắc chắn không phải vì thiếu tiền. Hình như Lan Sơn Đài đổi đi xa Sài Gòn? Hay tôi đang bận với tờ nguyệt san Chỗ Đứng (in lậu) của Ban Đại Diện Sinh Viên ĐHSP/SG từ Hè 1967? Lúc nào là lần cuối tôi gặp các bạn Tiếng Động? Quá nhiều năm đã trôi qua, trí nhớ cùn hết trơn hết trọi rồi!

Nói gì thì nói, tới hôm nay thì các bạn tôi đã lần lượt ra đi gần hết cả rồi. Người ngoài mặt trận, kẻ trong tù, người bịnh lao, kẻ bịnh gan. Những người tình cờ có cái tên gần giống nhau và đã một thời tình cờ ngồi lại với nhau đã rủ nhau mà đi: Đặng Văn Hiểu (Lan Sơn Đài), Quách Phụng Hiếu (Triều Uyên Phượng), Lê Ngọc Hiến… chắc đang gặp các bạn mình bên quán cóc nào đó ở thế giới bên kia. Có lẽ ở đó cũng có quán chị Thầu, chị Miên để các bạn đấu hót? Nhớ mua bao thuốc lá hiệu Lucky cho Trung úy Trần Văn Thạch (TN Liên Phượng) để chàng hy vọng điều may đến trước lằn tên mũi đạn, thuốc Bastos xanh cho Hiểu và Hiếu. Kiều Tâm Khánh có tật bập bập điếu thuốc phá mồi, nhưng phải là Capstan của ông giáo Lê Ngọc Hiến mới chịu. Kiều Tâm Khánh cũng đã đem lá gan xơ vữa bịnh hoạn và khói thuốc Capstan về trời!

Các bạn đã gặp nhau rồi đó. Vui đi nhé! Trần Như Liên Phượng đã bỏ giày saut áo trận tha hồ một tay nắm Liên, tay kia dìu Phượng nhập tiệc. Phượng nhí giờ nầy cũng nhẹ tênh hình hài, dại gì mà không nhập bọn để vui lên hở bạn!

Viết về một thằng bạn mới mất mà toàn kể chuyện đâu đâu. Thật chán mớ đời!

Đầu tháng 8/2011
Trần Bang Thạch

1 comment:

Unknown said...

Xin thưa bác Trần Bang Thạch. Cháu là Giao Châu, con gái của ông Quách Dược Thanh. Cháu tình cờ tìm ra trang này khi chau google về ba của cháu. Cháu đang tìm hiểu về ba cháu và cuộc đời của ba cháu và hy vọng rằng cháu có thể tìm thêm về ba cháu từ những người đã biết ông ấy hoặc đã gặp ông ấy. Chú có thể liên lạc với cháu qua email có được không à?