Ngôn ngữ là gì? Ngôn ngữ là tiếng Hán Việt – Ngôn là lời nói như chữ phát ngôn (nói ra) và ngữ là từ ngữ, là chữ; nói chung ngôn ngữ là cách nói cách viết của một thứ tiếng.
Ngôn ngữ luôn luôn tiến hóa theo thời gian và sự tiến bộ của nhân loại, của một quốc gia. Có nhiều từ ngữ đã được dùng một thời kỳ và sau đó ít khi thấy dùng trở lại, có nhiều từ ngữ được thêm vào do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và do có người sáng chế ra để sử dụng trong cách viết hoặc trong đời sống hàng ngày. Ngôn ngữ còn bị ảnh hưởng của tính địa phương, nhiều vùng có những từ ngữ chỉ có dùng trong khu vực đó mà thôi.
Lý do cho bài phiếm luận này là tình cờ tôi đọc được quyển sách “Đã Mang Lấy Nghiệp” của tác giả Mai Nguyên xuất bản tại Cali năm 2008, sách dầy gần 500 trang, trong đó tác giả viết về các đề tài dưới dạng tâm sự cá nhân vì quyển sách được đặt tên là Tâm Bút. Tác giả là một phụ nữ trên dưới 60 tuổi, có chồng đi cải tạo, cá nhân vượt biển bị tù đày, sau cùng đến Mỹ và bà cũng có xuất bản một số sách, đa số là tùy bút, tâm bút kể lại những biến cố sau 75 và cảnh khổ của dân miền Nam và sự căm thù chế độ Cộng Sản. Có thể sự căm thù này đã chi phối cái nhìn của bà qua phần bà nói về ngôn ngữ. Chúng ta hãy đọc nguyên văn đoạn dưới đây của tác giả ở trang 96, 97 và 98 của sách Đã Mang Lấy Nghiệp:
“Cộng sản Việt Nam còn cường điệu Việt hóa nhiều từ Hán Việt người Nam đã quen dùng từ hàng trăm năm, nhưng họ cứ cố tình đổi chữ, từ chữ Hán Việt này qua một từ Hán Việt khác càng làm tối nghĩa, càng tỏ lộ thêm sự ngu dốt, đần độn, hạ cấp!
Dù là lời theo gió bay đi mất, em vẫn muốn kêu gào, muốn hỏi Người Việt hải ngoại, tại sao chư vị muốn học đòi theo cái ngu? Xin được gióng tiếng chuông to cảnh tỉnh quý vị phải tôn trọng cái mác “di dân” từ một miền Nam đã từng sáng chói văn hóa của quý vị!!
Ta hãy bình tĩnh thử đọc một số từ của Cộng Sản (có khi không thể hiểu là cái quái gì) so sánh với chữ nghĩa giản dị, rõ nghĩa, đẹp đẽ của ta trước 1975:
Từ của VNCH: Từ của CS du nhập
-Hay quá, khó quên ấn tượng
-Viếng thăm tham quan
(bên này đã có quá nhiều
người dùng – cả TV, báo chí!!)
-Bất ngờ đột xuất
-Ghi danh đăng ký
-Thư ký, phụ tá trợ lý
-Soạn bài (dạy học) soạn giáo án
-Gấp, nhanh khẩn trương
-Phòng tiếp khách phòng lễ tân
-Cố gắng tranh thủ
-Phẩm chất chất lượng
(mà chất lượng là số)
-Có bùa ngải có phao
-Điều tra, nghiên cứu điều nghiên
-Có trở ngại có sự cố
-Phi cơ trực thăng máy bay lên thẳng
-Phi hành đoàn tổ lái
-Thủy quân Lục chiến lính thủy đánh bộ
-Làm đối phương chú ý huy động đối tác
-(mời ăn) tự nhiên (cứ) ăn vô tư
-Bành trướng và củng cố bành củng
-Hùng vĩ và hiểm trở hùng hiểm
-Sửa soạn (1 bữa tiệc) thiết kế
-Cô lập cách ly
-Bên trong xe nội thất
-Đồ mới đồ rin
-Tay lái xe điều chỉnh được tay lái gật gù
-Chuyên môn về (phở) chuyên trị phở
-Bánh này rất ngon bánh ngon cực
hay bánh bị ngon
-Biết rõ vấn đề nắm bắt vấn đề
-Đồng ý nhất trí
-Vui vẻ, hi vọng hồ hởi, phấn khởi
-Giải tỏa khu đất giải phóng mặt bằng
-Gạo này chắc ngon có khả năng ngon
-Giải thích lý giải
-Tráng ciment lấy ximăng bện
-Nó sống sướng nó sống đèo
-Tôi sống vất vả tôi sống vất
-Việc chính việc chủ đạo
-Coi trọng trọng thị
-Mày có đuối mệt không? Mày có hốc không?
-Tuổi phải đi lính được trúng tuyển
-Mời anh đến nhà dự tiệc do Mời đến dự đại trà ở
con tôiđãi hộ tôi do con tôi thiết kế
-Cụ thể, tỉ mỉ cụ tỉ
-Hiện ra hiển thị
-Phụ tá bác sĩ trợ lý bác sĩ
-Trách nhiệm lo vợ con quản lý vợ con
-Đối tượng đối tác
-Phù phiếm, xa hoa phù xa
-Nghề phụ nghiệp dư
-Tổng hợp và phân tích tổng phân
-Tiệm sửa máy tính... bệnh viện máy tính
-SPA, (bồn ngâm tắm) bồn sục
-Thợ sửa máy tính bác sĩ máy tính
-Tiền hối lộ, lo lót tiền ‘lịch sự’
-Hàng giả hàng đểu
Vv và vv..
Nói nghe điếc tai, đọc quá nhức mắt!"
Sau khi đọc đoạn trên chúng ta cũng thấy có nhiều từ ngữ dưới tiêu đề “Từ của CS du nhập” là các từ Hán Việt, được ghép đôi lại để tạo ra 1 chữ mới như: tham quan, đột xuất, đăng ký, lễ tân, khẩn trương, điều nghiên, trọng thị, bành củng, hùng hiểm. Vv.vv
Ngoài một số ít từ như: bành củng, hùng hiểm, trọng thị, tham quan, phù xa, cụ tỉ, hồ hởi...
Những tử còn lại như: ấn tượng, đột xuất, phấn khởi, trúng tuyển, chất lượng, điều nghiên, vô tư, quản lý, chủ đạo, đều là những tử ngữ mà trước 75 miền Nam đã có sử dụng nhưng không lạm dụng thí dụ như chữ ấn tượng và chữ vô tư. Còn một số từ như có phao, mặt bằng, sống đèo, đồ rin, tổ lái, lính thủy đánh bộ đều là những từ có tính cách địa phương miền Bắc cũng giống như ta đã biết miền Nam dùng chữ quẹo, miền Bắc dùng rẽ, Nam dùng đậu, Bắc dùng đỗ (thi đỗ, đỗ xe, đỗ đen, đỗ xanh). Nam dùng bạc hà, Bắc dùng dọc mùng; Nam dùng thắng Bắc dùng phanh (thắng xe). Nam dùng hối lộ, lo lót Bắc dùng đấm mõm, lịch sự.
Theo Trịnh Thanh Thủy trong bài viết trên internet dưới tiêu đề “Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ” khoảng 10 trang tác giả nói lên sự lo lắng của ngôn ngữ Sài gòn, một địa danh, đúng ra là tiếng Việt của miền Nam. Tác giả đã có nhận định chính xác là “Nếu không sử dụng thì thứ ngôn ngữ đó sẽ âm thầm chết đi để được thay thế bằng loại ngôn ngữ mới du nhập từ Việt nam”. Các cơ quan truyền thông Việt tại hải ngoại và các trung tâm ca nhạc đã sử dụng những từ như hoành tráng, ấn tượng, tham quan, đăng ký, sự cố, cứu hộ, lũ lụt, di dời, chi trả,..... Sự việc gần 80 triệu dân V.N. và chỉ có 2 triệu người Việt rải rác trên khắp 5 châu đã là một ảnh hưởng nhất định. Sự du lịch về V.N., thư từ, báo chí, sách, ... là một ảnh hưởng thứ hai.
Năm 1983, Việt Nam đã ban hành một quyết định nhằm chuẩn hóa và thống nhất cách sử dụng ngôn ngữ V.N. Những từ ngữ miền Nam dùng trước 1975 sẽ từ từ bị quên lãng và xóa sổ vì không ai sử dụng nữa, nhất là những từ sau: thủy quân lục chiến thay bằng lính thủy đánh bộ; hàng không mẫu hạm thay bằng tầu sân bay, trực thăng thay bằng máy bay lên thẳng.vv.vv
Sau đây là một số từ ngữ mà chúng ta (người Việt Hải Ngoại) nên biết (tiếp cận) để có thể hiểu được một câu nói, một đoạn văn bằng tiếng Việt đang được sử dụng tại V.N. và đang lấn áp dần tiếng Việt tại Hải Ngoại.
Trong số các từ ngữ, cá nhân tôi thấy rõ sự sử dụng ghép 2 chữ nhất là động từ để chỉ một hành động là thái quá, có lẽ người Cộng Sản theo phương pháp thà giết lầm hơn bỏ sót chăng?
Một mũi tên bắn 2 con chim, không sẩy vào đâu được. Điều này mất đi tính chính xác của ngôn ngữ. Thí dụ như các động từ và từ ngữ sau: Giao lưu, trải nghiệm, lý giải, xuyên suốt, bảo quản, bình bầu, rà soát, nắm bắt, tháo gỡ, cài đặt, lây lan, truy cập, cứu hộ, di dời, tiếp cận, áp lực, đồng hành, đồng cảm, tài trợ, chi trả, động thái, đề xuất, lắng lọc, lũ lụt, tranh thủ, ún tắc, bức xúc, rò rỉ, cưa cẩm, vụ việc, đại trà, đáp án, sự cố, đỉnh điểm, vĩ mô, tinh tươm, trầm cảm, phần cứng, phần mềm, biên chế, hộ khẩu, căn hộ cao cấp, kích cỡ, mẫu mã, bảo hành, đỉnh điểm, đăng cai, thương hiệu, tiếp thị, khuyến mãi, bảo vệ (gác cổng), cấp đông (đông lạnh), rã đông (xả đá) nem rán (chả giò), đông sương (sương sa, thạch), vi tính (computer, máy điện toán, tin học), choáng (ngây ngất, sốc) và một số từ ngữ đảo ngược: dõi theo, lấp khỏa, đảm bảo,...
Nói tóm lại ngôn ngữ là một trong những điều dễ cập nhật và cũng dễ bị đào thải, những từ như đợt sống mới, cũ lẫn lộn của miền Nam trước 1975 nay đã dần dần quên lãng để thay vào những từ mới như: tửng, 0.k. bai bai, bá cháy, hâm...yếu tố quyết định là sự sử dụng của con người, càng nhiều người dùng thì càng trở nên thông dụng, khía cạnh chính trị về từ Cộng Sản hay từ Cộng Hòa không đóng vai trò quan trọng. Tất cả đều là tiếng Việt Nam mà các chữ Hán Việt có một vai trò khá lớn và đôi khi cũng khó hiểu, cũng giống như các từ ngữ của các ngành nghề chuyên môn.
Thí dụ: Như nghề đi dạy học ở ngoài Bắc chỉ gọi đơn thuần là giáo viên cho dù dạy tiểu học, trung học, đại học. Nhưng ở trong Nam trước 75 thì dạy tiểu học gọi là giáo viên, trung học gọi lá giáo sư, đại học gọi là giảng sư. Chính vì thế mà cá nhân tôi cũng đã bị một số người đi từ miền Bắc hiểu lầm là khoa trương nói xạo khi nói mình là giáo sư mà chỉ làm việc ở bậc trung học, theo họ thì chức vị giáo sư hay phó giáo sư rất cao quý. Tôi thật sự không hiểu cái chức phó giáo sư là gì?
Đầu năm Tân Mão, chúng tôi cũng mạo muội nói phiếm vài lời, nếu có gì sai trái xin các vị học giả cao minh đại xá cho. Trước thềm năm mới xin kính chúc quý vị đồng hương trong và ngoài nước một Năm mới An khang – Hạnh phúc. Mong ước Quê hương sẽ có một sự đổi thay nào đó tự do hơn, dân chủ hơn để dân Việt sớm được An Khang – Hạnh Phúc và Việt Nam sẽ phát triển để trở nên một con rồng Châu Á đúng nghĩa.
Tết Tân Mão 2011
Vũ đình Nam
Tết Tân Mão 2011
Vũ đình Nam
No comments:
Post a Comment