- Sưu Tầm
PSN - 22.11.2010 | Hoài Việt
Người Tây phương thường nói: Sự thật thoát ra từ miệng trẻ. (La vérité sort de la bouche des enfants). Người Việt chúng ta cũng có cùng một ý tưởng nhưng diễn tả dưới một dạng khác: Đi xa hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Điều này chưa hẳn đã hoàn toàn đúng. Chàng Trương đã có suy nghĩ như thế nên mới tin lời trẻ khi nghe nó nói: Tối bố con mới về. Lửa ghen đã đốt cháy tim gan chàng trai này nên đã có thái độ khiếm nhã, khinh khi, coi thường phẩm hạnh của Thiếu phụ Nam Xương khiến nàng quá phẫn uất phải trầm mình xuống sông tự vẫn để gột rửa nỗi oan, tạo nên cảnh: Làn nước chi cho lụy đến nàng!
Cũng có ý kiến cho rằng : sự thật phải xảy ra trước mắt mới có thể tin được. Như thế chưa chắc đã là đúng. Câu chuyện sau đây sẽ chứng minh điều này : Vào năm 1976, sau biến cố 30-4-1975, một gia đình giàu có đã tom góp hết tài sản để vượt biên. Trên tàu, có một cậu trai trốn trại cải tạo cùng đi. Tàu ra tới hải phận quốc tế thì gặp cướp biển, bị chúng lột hết sạch, không còn một đồng ten dính túi. Gia đình buồn rầu, quyết định quay tàu trở về. Người con trai, quá tuyệt vọng, không chịu nổi viễn ảnh đen tối nên quẫn trí, lao mình xuống biển tự tử. Cả nhà ứa nước mắt nhìn làn sóng cướp mất người thân rồi về nhà lập bàn thờ người xấu số và coi ngày này năm tới là ngày giỗ đầu năm. Bẵng đi một thời gian dài, đột nhiên gia đình nhận được tin người thân, tưởng là đã bỏ mình dưới đáy biển, nay đang định cư ở nước ngoài. Lý do là cậu trai này biết bơi nên không chịu buông xuôi, đã hết sức vùng vẫy, chống chõi với tử thần rồi trôi giạt lại gần tàu cướp và được chúng thương hại vớt lên đưa vào bờ. Sau đó, cậu ta tìm tới trại tỵ nạn xin đi định cư. Quả là chết mà chưa thấy xác cũng chưa hẳn đã là chết!
Có người cho rằng, sự thật phải mắt thấy, tai nghe mới có thể tin tưởng được. Câu chuyện kể trên đã chứng minh cho chúng ta là sự kiện mắt thấy cũng chưa đã là đúng, còn tai nghe thì sao? Người xưa có nhắc đến việc bà mẹ Tăng Sâm được người quen báo cho bà biết là con bà đã giết người. Người đầu tiên nói, bà không tin, người thứ hai cũng thế nhưng khi nghe đến người thứ ba lặp lại việc này, bà cuống cuồng bỏ cả khung cửi đang dệt mà chạy. Lý do là có người trùng tên với con bà giết người nên đã xảy ra sự ngộ nhận. Việc này đưa chúng ta đến kết luận là một sự kiện dầu được nhiều người xác nhận là đúng cũng cần chính bản thân phải kiểm chứng lại .
Cũng có ý kiến cho là sự thật cần phải được cọ xát, đụng chạm, rờ mó thì mới có thể tin được. Chúng ta hãy tưởng nhớ lại câu chuyện mấy ông thầy mù đi xem voi. Ông thứ nhất rờ được chân voi thì cho là voi giống như cây cột nhà. Ông thứ nhì rờ được tai voi thì cho là voi giống như cái quạt. Ông thứ ba rờ được đuôi voi thì cho là voi giống như cái chuổi. Chẳng ông nào cho là mình sai vì mình đã rờ đúng sự thật cơ mà! Thực tế là mỗi ông chỉ nắm được một phần nhỏ sự thật mà đã ồn ào cho là mình nắm bắt được sự thật toàn diện.
Trong cuộc đời có biết bao thầy mù như thế, không tự biết mình, hiểu mình, còn lại đem cái hiểu biết nhỏ nhoi của mình nói cho nhiều người biết, phổ biến trên mạng, làm lung lạc lòng người. Bởi người đời có khuynh hướng luôn luôn cho mình là đúng, còn người khác sai, có lỗi thì đó là lỗi người chớ không phải là lỗi mình.
Victor Hugo, qua nhân vật Gavroche, trong cuốn Les Misérables (Người Cùng khổ) đã châm biếm nói: Je suis tombé par terre, c'est la faute à Voltaire. Le nez dans le ruisseau, c'est la faute à Rousseau (Khi mình té xuống đất, đó là lỗi của Voltaire. Khi mũi mình chúi xuống suối, đó là lỗi của Rousseau).
Còn lỗi mình ở đâu nhỉ? Theo nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine, trong bài La Besace (túi hai ngăn) thì lỗi mình luôn luôn nằm ở ngăn đằng sau nên mình không hề thấy được!
Theo văn hào Saint Exupéry, trong cuốn Hoàng Tử Bé (Le Petit Prince), ông cho rằng người ta chỉ thấy rõ bằng con tim. Điều cốt lõi không thể thấy được bằng mắt thường được. (On ne voit bien qu'avec le coeur. L'essentiel est invisible pour les yeux).
Người Pháp còn cho rằng: Chân lý bên này rặng Pyrénées, sai lầm bên kia (Vérité au-de çà des Pyrénées, erreur au-de là).
Điều mình cho là đúng, người khác lại cho là sai. Người Anh lái xe bên trái thì thấy người lái tay mặt ở nước này phạm luật giao thông. Người Thượng ở nước ta vài có bộ lạc chỉ bận đồ che bán thân phía dưới thì coi người Kinh bận đồ che toàn thân là kỳ lạ, bởi thế mới xảy ra chuyện vui như sau: Sau biến cố 30-04-75 có một số cô giáo phải bị bắt buộc lên miền cao nguyên để dạy các đồng bào Thượng. Tối họ ra suối tắm, lẽ dĩ nhiên họ bận đồ như đi tắm biển. Một người Thượng thấy lạ mắt bèn kêu người khác tới, rồi từ từ, cả bản đổ ra xem khiến các cô giáo lính quýnh, mắc cỡ, không hiểu tại sao. Một cô lanh trí, bèn nói với các bạn cùng nhau cởi hết cả sì lẫn xú (slip và soutien-gorge), che trên lẫn che dưới, quả nhiên họ thấy người Kinh, người Thượng trong y phục của Adam hay Eve thì ai cũng như ai, nên họ hết tò mò, bỏ ra về hết!
Trong mọi tổ chức, dù lớn hay nhỏ, luôn luôn có một hay nhiều người vượt trội hơn những người khác. Điều này gây ra ganh tỵ, đố kỵ cho nhóm người kia, do đó thường có những xích mích, chụp mũ cho nhau nón cối hoặc nón sắt (VC hoặc Quốc gia). Cho nên khi có sự bất hoà xảy ra giữa hai người hoặc giữa hai nhóm, bên nào cũng cho mình là đúng vì họ luôn luôn cố gắng trình bày những lý do thoạt nghe thấy rất rất hợp lý. Vậy đâu là sự thật? Phải có người thứ ba lắng nghe cả đôi bên, một cách vô tư, không thành kiến, mới hy vọng thấy rõ chân lý.
Thí dụ sau đây chứng minh điều đó: Một bác phu xe vào một tiệm ăn, gọi đồ uống và lấy đồ ăn của mình đem theo ra ăn. Bác ta vừa ăn, vừa uống, vừa hít mùi thịt thơm tỏa ra từ xâu thịt nướng bên cạnh chỗ bác ngồi. Khi bác ăn xong, ông chủ tiệm tính tiền nước rồi lại tính thêm khoãn tiền bác ngửi mùi thơm thịt nướng khiến bác ăn ngon miệng. Bác phu xe không chịu trả tiền thêm nên hai bên đôi co với nhau khá lâu thì một ông khách khác mới tới xin giàn xếp. Ông này hỏi bác phu xe có tiền cắc không? Bác đáp có rồi đưa cho ông khách này mấy đồng. Ông khách lấy tiền cắc này tung lên nhiều lần gây tiếng ra leng reng rồi hỏi ông chủ tiệm có nghe không? Ông này đáp lại là có nghe. Ông khách này mới phán là nhờ mấy đồng tiền này, ông mới nghe reng reng cũng như nhờ mùi thịt nướng bác phu xe mới ăn ngon, tôi nghĩ là mùi thịt nướng đã được trả bằng âm thanh của tiền cắc, như vậy là hợp lý, phải không ông?
Ngoài ra, với kỹ thuật hiện đại ghép hình, người ta có thể lấy đầu người này ráp vào thân người kia dùng vào dụng ý xấu để bóp méo sự thật, bôi lọ người khác. Người càng nổi danh, nổi tiếng, được nhiều người thương thì số người ghét cũng không ít, như cây to có bóng thường là cái đích, mục tiêu để họ tấn công vì có người nổi danh do tài đức của mình nhưng cũng có kẻ muốn nổi danh bằng cách đạp lên đầu, lên cổ người khác.
Đối với hạng người này phương tiện nào cũng tốt, dầu là vương đạo hay bá đạo, miễn là đạt đưọc mục đích. Điển hình là một thiền sư Việt Nam nổi tiếng, viết hằng trăm cuốn sách, được dịch ra nhiều thứ tiếng, mỗi lần mở khoá tu là làm lợi lạc cho biết bao người mà đa số là người ngoại quốc. Thế mà thiền sư này lại bị một số đồng hương tìm mọi cách bôi lọ, xuyên tạc.
Vậy đâu là sự thật? Người có suy tư đâu có thể nào tin vào lời nói suông, vào bằng chứng ngụy tạo, mà phải tự hỏi tại sao mình không tới tận nơi, tận chốn, để mắt thấy tai nghe. Muốn thấy sự thật, nào phải chỉ thấy bằng mắt mà phải bằng cả con tim nữa như lời văn hào Saint Exupéry, mới mong nhận diện được điều mình muốn thấy! Còn phải biết lắng nghe được những gì đã nói mà ngay cả những không nói hoặc chưa nói. Nếu bạn là người muốn tìm hiểu chân lý, bạn phải biết nghe bằng tất cả các giác quan và luôn cả bằng con tim thì mới có thể tránh khỏi tri giác sai lầm, như một thầy bói mù, một bà mẹ Tăng Sâm hay một chàng Trương!
Tôi xin chia sẻ những gì mà tôi không những đã mắt thấy, tai nghe mà còn đã chứng kiến những điều này (témoin oculaire). Ước mong các bạn sẽ để tâm nhiều hơn khi mình phát biểu hoặc phán xét về những sự kiện đã thấy hoặc đã nghe.
No comments:
Post a Comment