Wednesday, January 19, 2011

Sống giữa phi lý - Tăng Ngọc Minh

_______________



Phi lý nói ở đây là cảm nhận của ta trước các sự việc hay hiện tượng tai hại xẩy ra không đúng chỗ, không mong muốn, không thể chấp nhận, ngoài dự kiến của bản thân. Nói đúng hơn đó là những nghịch lý chứ theo tinh thần khoa học thì bất cứ hiện tượng nào cũng có lý do khách quan. Ví dụ khi thấy một lao động chính trong một gia đình đông con ngồi câu cá trong bồn tắm chẳng hạn, phân tâm học, y học đều hiểu đó là bệnh tâm thần với nguyên nhân nhất định nhưng vấn đề là tại sao lại là người này, một người vốn rất cần tỉnh táo để làm chỗ dựa cho bầy con nheo nhóc và nếu có một giây phúc nào đó anh kia  tỉnh táo, anh cũng nhận ra sự phi lý anh đang lãnh chịu nhưng cũng may ngươi điên không hề biết mình điên bởi nếu không anh sẽ mắc thêm chứng nổi khùng vối số phận.
Đây chỉ là một thí dụ về sự phi lý thuộc phạm vi bệnh tật. Trong phạm vi đời thường, trong các sinh hoạt xã hội sự phi lý cũng dẫy đầy.

 Chuyện đời Sisyphe
Chỉ cần xem bất cứ một tiểu thuyết tả chân hay hay một vở bi kịch nào ta cũng nhận ra bóng dáng của phi lý trong đời thường và điều này cũng bàn bạc trong chuyện thần thoại Hy Lạp mà điển hình là chuyện đời của Sisyphe và Albert Camus gọi là Huyền thoại Sisyphe ( Le mythe de Sisyphe, Gallimard, 1942) trong một khảo luận của ông. Sysiphe là một nhân sinh hữ hạn  đã xoay sở tồn tại được trong một thế giới do các thần linh quyền thế ngự trị. Theo Homère ( thế kỷ VIII BC) ông ta là một con người liều lĩnh, bạc mạng, năng động, chẳng những đã chơi khăm với đồng loại mà còn xăm phạm thần linh để có thể sống an lành trong nhiều cách hành xử thật độc đáo như sau:


1/ Nhân vật này đã dám tiết lộ với thần sông Asope về việc chủ tể Zeus ( hay thần Jubiter) đã bắt cóc con gái ông ta (để ép duyên hay cưởng bức, đó cũng là tật chứng thường thấy của thần này trong quyển Iliades )  với ý đồ trao thông tin để đổi lấy việc Asope tạo nước cho thành phố Corinth của ông vốn phải chịu cảnh nắng cháy  thiêu đốt, một tai họa có thể do thần linh gây ra vì dị ứng hay vì ganh ghét công trình xây dựng to tác của ông.

2/Vì tiết lộ hành vi xấu xa của thần chủ tể hay vì dám phá giải sự phán dữ của thần linh, Sisyphe bị các thần trừng phạt xuống địa ngục nhưng ông ta đánh lừa và  xiềng xích thần Chết ở thế gian. Thần Zeus vì không muốn thấy cảnh địa ngục trống vắng, thưa người ( vì chẳng còn ai chết nữa) nên đã gửi thần Chiến tranh Hades  đến giải thoát thần Chết. Sisyphus đã bị thần Chiến tranh tước bỏ hết các niềm vui trần thế trước khi bị lôi xuống địa ngục.

3/ Nhưng lúc hấp hối Sisyphe lại bất cẩn ( hay có dụng ý riêng) trăn trối bảo vợ hãy ném xác ông ở chỗ đông người chứ đừng lễ mễ chôn cất. Khi ở địa ngục ông câm tức vợ mình về việc đã tuân thủ một cách máy móc, phi nhân tính và than phiền việc này với bà vợ của  Diêm vương nên được bà này tạo cơ hội trở lại trần gian để trừng phạt vợ. Nhưng khi trở lại thành Corinth, khung cảnh trần gian đầy quyến rũ câu thúc ông ở lại dù đã được nhắc nhở, răn đe mấy.

 4/ Cuối cùng thần Zeus cử thần Hermes ( một dạng cảnh sát hình sự) đến bắt Sisyphe trở lại địa ngục để nhận lãnh cực hình. Đó là hình phạt phải đẩy hòn đá to lên đỉnh núi dựng đứng. Câu chuyện đến đây là chấm dứt nhưng độc giả thừa biết  nếu là chuyện có thật thì cho tới bây giờ Sysiphe cũng đang hì hục lao động vô vọng :đẩy hòn đá  lên cao tới mực độ nào đó nó lại rơi xuống và cứ như thế,  không bao giờ lên tới đỉnh núi.

Nhận xét:
1/ Trao thông tin để đổi lấy phúc lợi về nước
Thần Asope phụ trách cung cấp nước đã không coi việc cấp nước hay làm thủy lợi như là nhiệm vụ phải thực hiện mà đòi hỏi phải có sự trao đổi nào đó, giống như sự hối lộ. Tại các nước tiên tiến ngày nay các quan chức phải coi việc tạo phúc lợi cho nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu bởi đó là  cơ sở duy nhất để biện minh cho sự hiện diện của quyền hành và quyền lực khi được phong thần vào guồng máy cai trị. Nhiệm vụ của quan chức là giảm thiểu, ngăn chận các tai họa cho người dân,  tai họa do  thiên nhiên hay từ cuộc sống xã hội. Họ chẳng những có bổn phận kiến tạo môi trường sống thuận lợi, tiện nghi cho toàn xã hội mà còn phải tạo bối cảnh và điều kiện sống cho những thành phần khó khăn như trợ cấp thất nghiệp, mất sức lao động, bảo trợ y tế …Họ làm như vậy không hẳn vì lòng trắc ẩn hay sự nhân ái mà vì lý do an toàn xã hội và phát triển kinh tế bởi nghéo khổ quá sẽ sinh liều lĩnh, bạo loạn, bởi đồng tiền trợ cấp cũng sẽ được dùng mua hàng nghĩa là tạo ra công ăn việc làm cho toàn xã hội. (Đó cũng là lý do khiến các nước giàu viện trợ không hoàn lại cho các nước nghèo hay hơi nghèo dù bản thân các nước viện trợ cũng chịu cảnh nợ nần, thâm hụt ngân sách). Có điều các dịch vụ này được cung cấp một cách vô tư hay có điều kiện còn tùy mức độ trưởng thành của các quan chức. Nếu người dân phải trao đổi gì đó thì mới được hưởng thì quả các quan chức cũng giống như các thần linh kia rồi và đó là một nghịch lý. Thành Corinth của được hưởng ân sủng về nước có thể là trái với quy định của các thần nhưng ngươi sai quấy là Asope, sao không trừng phạt Asope? Phải chăng vì các thần muốn bao che cho nhau ? Ngày nay, tại các nước phi dân chủ , quan chức phạm pháp hay phạm đạo lý thường chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm nội bộ còn người dân thì phải chịu trách nhiệm theo pháp luật nghĩa là việc xử phạt cũng nghịch lý như chuyện cổ tích.
               
2/ Xiềng xích thần Chết và hình phạt của thần Chiến tranh
Vô hiệu hóa thần Chết là ước vọng chung của loài người nên xưa nay có nhiều chuyện dân gian nói về việc đánh lừa thần Chết như cho vào chai lọ hay bao bì để làm mất tác dụng…Trong phạm vi đời thường việc điều trị, phòng chống bệnh tật hiễm nghèo hay tránh né tai ương nguy hiểm, suy cho cạn cũng là một cách vô hiệu hóa thần Chết và được coi là nhiệm vụ và quyền lợi hợp lý, hợp pháp bởi cái chết là điều phi lý, một tai họa hay tai nạn khó chấp nhận. Nhưng với Sisyphe cái chết càng nghịch lý hơn bởi vì ông phạm tội nên bị xử chết trong khi các thần khác dù cũng phạm tội vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng cương tỏa của thần Chết mà chẳng có lý do nào để biện minh, ngoài trừ lý do họ  là thần linh.
Khi thần Chiến tranh ( vốn là con của Zeus) giải cứu thần Chết xong đáng lẽ chỉ nên để thần Chết làm nhiệm vụ mình nhưng ông lại tiêu diệt niềm đam mê cuộc sông nơi Sisyphe. Chi vậy? Để trừng phạt  tội mạo phạm thần linh? Nếu thế thì nhằm rồi bởi con người chỉ sợ thần Chết chỉ vì những đam mê trần thế, lòng ham thích thực phẩm trần gian. Tiêu diệt sự đam mê, lòng ham thích đó thì cái chết còn chi đáng sợ? Đây cũng là một nghịch lý trong cách  trừng phạt, trị tội tử hình bởi phải làm làm thế nào cho  can phạm sống trong sự cám dổ triền miên của trần thế mà không cách chi vói tới mới đúng là trừng trị, chứ kết liểu sự sống của tội đồ là giải thoát nợ đời cho hắn rồi. Một số tôn giáo hiện nay dạy người đời triết lý vô tư, vô ưu, diệt dục phải chăng cũng đang làm cho sự chết và các bóng dáng của nó nhẹ đi phần khủng khiếp đó sao?

3/ Sisyphe thử lòng bạn đời
 Sisyphe  trăn trói bảo vợ ném xác mình vào chỗ đông người có thể là một cách để lừa thần linh nhưng các nhà nghiên cứu đều cho rằng Sisyphe nổi hứng muốn thử lòng vợ hiền. Nếu đúng vậy thì chính ông đã đặt bà vợ vào hoàn cảnh nan giải: tuân lệnh thì là kẻ vô tình, bạc nghĩa nhưng trái lệnh thì là người không thủ tín, không thi hành di chúc của kẻ quá cố. Nhưng sự nghịch lý ở đây là ở tình nghĩa vợ chồng, sự gắn bó về thể xác và tâm hồn giữa hai con người dù đã qua thề thốt, qua bao thử thách cũng có thể diễn ra trái chìu, nghịch ý và Sisyphe cứ tường bở, cứ cả tin nên đã bẽ bàng vì bản thân là một chủ thành phố mà phải phơi thây giữa chợ. Khó khăn là ở chỗ chẳng những ta không nên cả tin vào sự bền vững của tình nghĩa mà cũng chẳng có cách nào giữ gìn sự bền vững đó. Xin được phép kể một chuyện tiếu lâm để minh chứng. Xưa kia có một người Tàu khi sang An Nam lập nghiệp đã lấy một cô gái nghèo làm vợ kế. Trước khi về Tàu thăm gia đình ông ta bảo cô vợ trẻ thề thốt  thủy chung. Để bảo đảm sự chung thủy ông đặc làm cho cô vợ chiếc quần lót có ổ khóa để mặc vào khi ông đi xa và còn cẩn thận vẻ một hình người dưới bụng cô vợ. Khi trở lại An Nam ông thấy ổ khóa quần còn nguyên nhưng hình vẻ thì khác hẳn, ông hỏi: “ Trước kia tao vẻ hinh người đứng sao bây giờ thành người ngồi?” Cô vợ tỉnh bơ : “Thì đứng chờ lâu quá hắn phải ngồi chớ sao!”  Nói lên chuyện tào lao này không phải là để phủ nhận tình nghĩa, sự  thủy chung mà là muốn nói những đạo lý đó chỉ tồn tai trong điều kiện sống và bối cảnh xã hội nhất định. Khi điều kiện,  bối cảnh thay đổi thì  phụ bạc, bỏ rơi, thậm chí mạc sát thậm tệ là chuyện thường tinh và đó cũng là một nghịch lý đã từng xảy ra ngay cả trong lịch sử nhân loại.

4/ Đẩy đá lên ngọn núi
Theo Camus đó là một cưc hình khủng khiếp và ông tưởng tượng :” Sisyphe phải đi lên đi xuống hàng trăm lần…bộ măt co rúm lại, một bên má áp chặt vào tảng đá, một bên vai đính đầy bùn đất, một bàn chân chận tản đá…Sau các cố gắng kéo dài bằng một khoảng không gian không có ranh giới và khoảnh thời gian không có độ sâu ấy thì ông thấy đạt tới đích. Khi ấy Sisyphe lại đứng nhìn hòn đá lăn xuống cái thế giớ bên dưới trong nháy mắt, rồi từ đó ông lại phải bắt đầu đẩy nó trở lên”.
 Hình phạt này là quả là tẩn nhẩn chưa từng có nhưng không phải vì công việc quá khó, quá nặng  mà bởi các nỗ lực chẳng nhầm mục địch cụ thể nào hết, chảng lợi lọc gì cho ai, nghĩa là hoàn toàn phi lý  Chính vì thế mà Camus gọi Sisyphus là một anh hùng phi lý..Nhưng nếu theo Camus ta thử tưởng tượng liệu Sisyphe có cảm thấy bất hạnh không, có thắm thía, có ân hận về cái tội chống đối thần linh. Hinh như câu trả lời là không bởi trước đó ông đã bị tước đoạt niềm vui cuộc sống và nổi căm thù sự chết rồi, không có những đam mê này thì con người trở thành một cổ máy, một vật vô tri rồi.


Chuyện cổ tích, các huyền thoại luôn ẩn chứa một thông điệp nào đó, vậy thông điệp của câu chuyện này là gì? Phải chăng muốn gợi ý rằng cõi sống đầy quyến rũ mà các nhân sinh hữu hạn đang dấn thân vào luôn dẫy đầy sự phi lý và mỗi nhân sinh đã cố xoay sở để được thăng hoa, để bắt lấy hạnh phúc, để được tin yêu nhưng chẳng có gì là bền vững, chẳng có gì ẩn chứa đúng nội dung cần tìm. Tất cả chúng ta đều ước vọng đạt được chất lượng cuộc sống hay cuộc sống có chất lượng nhưng những điều chúng ta đạt được chỉ là các bóng dáng khác nhau của hạnh phúc, chứ không phải hạnh phúc đích thực. Dù là kẻ chỉ đạt được một nhúm bạc vụn , một căn nhà nát hoặc là người sở hữu được một ngân hàng, một thành phố, chúng ta chỉ khác nhau về số lượng lạc thú trần gian mỗi người có được nhưng đều giống nhau ở chỗ không ai tìm ra được chất lượng cuộc sống, niềm hạnh phúc vô biên hằng mơ ước,  thành ra chúng ta cứ loay quay mãi một cách vô vọng, vô lỳ y như Sisyphe. Ai cũng cố găng đẩy số mạng mình lên đỉnh cao, bằng cách này, cách khác nhưng chẳng ai biết khi nào thì tới đỉnh, cũng không chắc có tới đỉnh được không, thậm chí còn chưa mường tượng được đỉnh đó như thế nào, còn chưa biết liệu mình có đủ thời gian để đi đến đích hay không. Đó chính là cái giá phải trả cho cuộc sống. ( Tăng Ngọc Minh)

No comments: