Thursday, May 4, 2017

Cà phê và Đà Lạt một thuở

________________

HUỲNH DUY LỘC

Image may contain: one or more people, people sitting and indoor
Một góc cafe Tùng.



                                           


Cây cà phê mọc hoang ở Kefa (Kaffa), Ethiopia đã được mang về trồng ở miền Nam Ả Rập vào thế kỷ 15. Một trong những truyền thuyết về cà phê kể rằng khoảng năm 850, chàng chăn dê Ả Rập tên Kaldi thấy đàn dê của mình có vẻ phấn khích và chạy nhảy mãi sau khi ăn những hạt của những bụi cây xanh mọc bên đường, đã thử hái những hạt này nếm thử và phát hiện ra chúng có tính năng kích thích trí não. Dù nguồn gốc thật sự của cà phê có như thế nào, có một điều chắc chắn là cà phê được phổ biến rộng rãi nhờ tính năng kích thích của nó. Điều trớ trêu là tuy giới chức sắc Hồi giáo cấm uống cà phê và đưa lệnh cấm này vào kinh Qur’ān, nhiều người Hồi giáo ưa chuộng cà phê vì thấy mình có thể dùng nó để thay thế rượu vốn cũng bị kinh Qur’ān cấm uống. Dù có những biện pháp răn đe rất khắt khe, thú uống cà phê đã lan truyền nhanh chóng ở xứ sở của người Ả Rập và thậm chí còn dẫn tới sự hình thành của một thực thể xã hội và văn hóa mới gọi là “quán cà phê”. Các quán cà phê được gọi là qahveh khanehs bắt đầu xuất hiện ở Mecca vào thế kỷ 15 và ở Constantinople (Istanbul ngày nay) vào thế kỷ 16
 Quán cà phê đã trở thành nơi những người có học thức gặp gỡ để tranh luận về những vấn đề học thuật, chơi đánh cờ, nghe nhạc, hát hay khiêu vũ, hút thuốc và bàn luận về những đề tài thời sự trong ngày. Quán cà phê đã được mệnh danh là “trường học minh triết” bất chấp lệnh cấm nghiêm ngặt của các nhà lãnh đạo tôn giáo vốn e ngại những cuộc thảo luận thẳng thắn và cởi mở của những người thường xuyên lui tới nơi này. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, cà phê được du nhập vào các nước châu Âu và đến cuối thế kỷ 17, vô số quán cà phê được mở ở Anh, ở các thuộc địa của Anh tại Bắc Mỹ và các nước ở lục địa châu Âu. Cà phê đã theo chân các nhà truyền giáo châu Âu vào Việt Nam và đến Đà Lạt từ khi bác sĩ Alexandre Yersin khám phá Đà Lạt vào năm 1893.
Đà Lạt vốn được người Pháp mệnh danh là “Petit Paris” (Paris nhỏ) nên thú uống cà phê tao nhã giống như tại kinh đô ánh sáng Paris là điều không thể thiếu như nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã ghi nhận: “Đà Lạt, đô thị người Pháp khai sinh và xem là nơi nghỉ dưỡng, một “vườn ươm” nòi giống Pháp; chính vì vậy, có lẽ thú uống cà phê vào Đà Lạt là cuộc tiếp biến diễn ra sớm, tự nhiên và tất yếu so với các đô thị khác… Một vùng khí hậu lạnh giá xem ra lý tưởng cho việc người ta theo một nhịp chuẩn. Người xứ lạnh quen kiểu ngồi một góc quán xá hàng giờ, nghe nhạc và chờ phin cà phê ấm nóng rơi từng giọt chậm chạp lúc thư nhàn… Thừa hưởng trực tiếp văn hóa cà phê từ người Pháp, thị dân Đà Lạt từng có một đời sống an nhàn, lịch lãm bên ly cà phê thường nhật. Một thế sống sang cả, tự nhiên, không chút son phấn…” (Cà phê thời không “son phấn”, Đà Lạt một thời hương xa, tr. 60, 68).
Nguyễn Vĩnh Nguyên đã nêu tên những quán cà phê ở Đà Lạt nổi tiếng từ trước năm 1975: “Có nhiều chọn lựa không gian cà phê nếu trở về Đà Lạt của thập niên 1960 - 1970. Cà phê sang có Night Club ở khu chợ Mới. Trong cuốn hồi ức "Chuyện kể 40 năm sau", danh ca Khánh Ly từng kể rằng những năm giữa thập niên 1960, đêm đến thường đi hát ở Night Club, với mức lương 2.500 đồng mỗi tháng (ngang với lương bậc trung úy chính quyền miền Nam). Café Tùng là nơi ưa thích của những trí thức, văn nghệ sĩ. Sau hai lần di dời trước khi về địa chỉ số 6 khu Hòa Bình, quán nhỏ này đã gắn “tiểu sử” của mình với lịch sử quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt. Khung cửa sổ kính mờ sương ở Café Tùng đã là góc nhìn trầm tư trước phố xá của biết bao lữ khách danh tiếng lẫn vô danh đến và đi. Với Café Tùng, thời gian như ngưng đọng cùng âm nhạc lãng mạn Pháp, ly cà phê pha phin, cung cách phục vụ gần gũi gia đình và phong thái tận hưởng kiểu người Đà Lạt cũ, chậm rãi, lịch lãm.

Ngoài Café Tùng, không gian gần gũi của cà phê Văn, Vui… là các địa chỉ của thanh niên, trí thức, công chức. Nhìn rộng ra, mỗi quán cà phê Đà Lạt thời điểm 1960 - 1970 đều mang một nét đặc biệt: ở cà phê Kivini số 52 Minh Mạng là nơi nổi tiếng nhờ giọng ca Kim Vui, cà phê T2 đối diện Trường nữ Bùi Thị Xuân được học sinh, sinh viên mệnh danh (theo cách diễn dịch tên quán T2) là nơi dành cho người thất tình, thiếu tiền và có thể là nơi tỏ tình lý tưởng.


Image may contain: one or more people, people sitting and indoor


Một chút xa xỉ cho những ai quyến luyến phong vị Pháp có cà phê Thủy Tạ, sảnh Dalat Palace hay Hôtel Du Parc… Nhưng Đà Lạt cũng có những quán cóc lề đường rất duyên, gắn với ký ức biết bao người, như dãy tiệm cà phê bình dân ở Bến xe Tùng Nghĩa với những “quán tứ chiếng” một thời nổi tiếng với cà phê kho, cà phê phin: Long, Đôminô, Bà Năm… hay có thể là những quán cà phê vô danh nằm dọc lối vào chợ, ga xe lửa phục vụ khách lữ hành dừng chân chốc lát… Vào năm 1972, Đà Lạt có một địa chỉ mới cho giới sành cà phê và yêu nhạc, đó là Lục Huyền Cầm của đôi uyên ương Lê Uyên - Phương ở số 22 Võ Tánh. Lục Huyền Cầm được mở khi Lê Uyên - Phương đã nổi tiếng khắp Sài gòn; vì thế, sự ra đời của nó gây một sự chú ý đáng kể trong thành phố yên bình. Lục Huyền Cầm trở thành nơi gặp gỡ giới văn chương, âm nhạc, chuyện trò thời thế, nghệ thuật. Hơn 10 ca khúc phổ thơ của Nguyễn Xuân Thiệp, Huy Tưởng, Hoàng Khởi Phong, Phạm Công Thiện… trong album “Tình như mây cõi lạ” (phát hành năm 1999 tại Mỹ) được nhạc sĩ Lê Uyên Phương viết tại Lục Huyền Cầm, từ những cuộc gặp gỡ, đàm đạo bên ly cà phê ướp hương tường vi buổi sáng” .


No comments: