Sunday, May 14, 2017

Con ba khía

Lanh Nguyễn 

Ba khía sống dưới nước có cùng gia đình họ hàng với nhà cua đồng, cua biển, ghẹ, cồng... v... v... Cua đồng làm hang trên đồng ruộng và sống ở vùng nước ngọt còn cua biển, ghẹ, ba khía sống ở biển thuộc vùng nước mặn. Họ hàng mấy nhà nầy ngang tàng phá phách ăn uống tạp nhạp. 

Một chú cua đồng đang nhởn nhơ
Nằm trên mặt đất để mà chờ
Chờ trời đổ xuống cơn mưa lạ
Chờ mạ vươn mình trổ lá mơ

Loài cua đồng sống trên ruộng món ăn khoái nhất của nó là cái ruột non phía trong của thân cây lúa và xác chết các động vật khác như lươn, cá, ếch, nhái...
Cái nầy dân ruộng biết rất rỏ ràng chứ không phải đoán mò hay đoán càng đâu nha. Những người nông dân đi cắm câu giăng lưới đặt lộp đặt lờ có thể chứng minh cua đồng ăn xác động vật. Chẳng những vậy khi nó mò vô lưới để ăn cá chết 8 cái ngoe bị vướng lưới 2 cái càng còn lại sẻ kẹp phá tan tành rách nát cả lưới để mà thoát thân. Có thể nói cua đồng là kẻ thù số 1 của nông dân thời đó cho nên hể gặp cua là người ta bắt lật mu tách ra làm 2 để cho chúng phơi xác...
Còn cua biển thì không biết chúng có khoái thực vật không chứ xác động vật thì chúng mê lắm cho nên ở Mỹ nầy dân Việt Nam thường mua cái "rập cua" rồi xin đầu cá ở các tiệm bán cá quen hoặc là mua để đem đi đặt rập bắt cua biển về luộc chấm muối tiêu nhậu.

Cua biển có 2 cái càng lớn thịt nhiều gạch cũng nhiều, bên nầy bán mắc thấy bà cố một kí lô (hơn 2lb một tí) từ $12 - $20 tùy theo mùa, theo tháng. Còn King Crab của xứ Alaska thì khỏi nói rồi, ba bốn chục đồng 1 kí lô. Lâu lâu nổi hứng vô Costco rinh về một hai vĩ thì nghèo mấy tháng...
Cua đồng nhỏ hơn cua biển rất nhiều lần, 1 con nặng khoản 100g. Hồi xưa ở miền quê Việt Nam có nhiều thức ăn nên ít có ai bắt cua đồng để ăn tụi con nít thì mê 2 cái càng cua bự tổ chảng thường thì bẻ 2 cái càng xong rồi vùi nó vô bếp lửa than nướng một hồi hể nghe mùi thơm là moi ra lấy cây củi đập cho cái càng cua bể ra rồi gở lấy thịt ăn chơi.
Thịt càng cua đồng dai dai, ngọt ngọt thơm lắm, ngon hơn cua biển nhiều... Cái mình cua thì nhiều xương ít thịt. Thịt nằm lẫn lộn trong kẻ những lớp xương xốp và mỏng nên ít có ai ăn. 
Quý bà thợ nấu thường đập dập mình cua giả lấy nước nấu bún riêu nghe nói ngon bá chấy. Chẳng những vậy còn lấy mấy con cua lột ướp bột chiên rồi đem vô thực đơn nhà hàng nữa đó. Cái món cua lột chiên bơ nầy cũng nổi tiếng lắm chứ hổng chơi đâu nghen...
Bây giờ thức ăn thiên nhiên càng ngày càng hiếm hoi cua đồng, ghẹ, hay ba khía gì cũng trở thành quý hiếm.
Ba khía là anh em cùng cha khác mẹ với cua đồng.

Ruộng nước mênh mông xứ cua đồng
Làm hang dưới đất sống thong dong
Lúa non mới mọc cua đua xực
Lúc nào buồn bực  cắn  bỏ không

Ba khía thì không thích ruộng đồng
Kéo bè kết đảng thả đi rong
Lang thang ra đến bờ biển rộng
Mắm, đước làm nhà sống thong dong

Ven biển đất bùn có cây bần
Trái chín treo đầy khắp cả thân
Ba khía làm hang chờ bần rụng
Đem vô cất kỳ để ăn dần...


Ba khía nhỏ hơn cua đồng rất nhiều trên lưng nó có 3 cái ngấn ngang như là bị ai khứa lên trên đó nên người ta mới gọi nó là ba khía. Chúng sống ở vùng nước mặn trên những bãi bùn nơi mà có những cây đước, cây mắm, cây bần mộc quanh năm suốt tháng, đôi khi họ hàng nhà khía cũng xâm chiếm dần dần qua các cửa biển bùn là vùng nước lợ để dể dàng cho việc tìm mồi.
Thức ăn của ba khía là những trái cây rụng hoặc là xác thú vật trôi tấp vào các gốc cây, ba khía tập trung nhiều nhất ở dưới các gốc cây bần vùng ven biển.
Ở bãi biển cát trắng nước trong hay vách đá, ba khía không định cư ở đó bởi vì không có nguồn thực phẩm hơn nửa giống ba khía chỉ chịu ở dơ chứ không thích sạch sẻ.
Ban ngày bọn chúng rút vô hang trốn, ban đêm yên tỉnh họ hàng nhà khía mới túa ra tìm mồi. 
Trước năm 1975 ba khía không có giá trị về mặt kinh tế lại ăn không ngon vì chả có thịt thà gì cả, càng ngoe thì xẹp lép nhỏ rí nhưng tui biết và có thử qua ba khía muối có người gọi là mắm ba khía. Gọi cách nào cũng đúng hết.


Ba khía muối đây, mời bạn xơi
Lật mu xé nhỏ, gạch đỏ trời
Trộn đường, chanh, tỏi cùng với ớt
Vớt hết nồi cơm dể như chơi.



Bây giờ ba khía cũng là một nguồn lợi chính của dân chúng vùng ven biển. Bắt đầu mùa mưa từ tháng tư âm lịch ba khía có nguồn thức ăn dồi dào cho nên thịt và gạch cũng đầy đủ hơn người dân bắt đầu đi soi ba khía để bán.
Cua cũng như ba khía sinh sôi nẩy nở rất mau. Một con cua có thể đẻ một lần mấy trăm con nhưng cua con thường làm mồi cho bọn cá lóc nếu trời không xếp đặt như vậy thì người ta không thể nào còn lúa để mà ăn vì bọn cua sẻ cắn sạch sẻ.
Còn ba khía sinh sản trong rừng mắm, bần và đước lại sống trên bãi bùn nên ít bị các loài động vật khác xơi tái cho nên trước năm 1975 chúng thường hay mở hội vui chơi mỗi năm vài ngày. Nếu không có hội ba khía thì bọn chúng chắc chắn sẻ xảy ra nạn "ba khía mãn" chứ hổng phải chơi đâu. 
Hồi xưa người dân Miệt Thứ không đi bắt ba khía hội bởi vì cái lý do đơn giản là vào tháng 10 cá trên đồng đã rút xuống sông nhiều vô số kể chúng lên ngóp như nước cơm sôi. Nó nhiều đến độ bắt cá bán hay làm mắm còn không kịp đâu có ai dại gì mà vô rừng mắm bắt ba khía vào ban đêm cho muỗi nó khiên. Chỉ có dân miệt trên mới đi bắt ba khía hội về muối để dành mà bán thôi.
Đầu tháng 10 là dân chúng ở miệt trên người nào có vỏ máy khá lớn thì thẩy xuống vài cái lu mái đầm một bao muối hột cây đèn khí đá vài cái sô nhựa cây cù ngoéo ngắn ít dụng cụ cá nhân rồi xuôi thuyền đi Miệt Thứ vùng ven biển để bắt ba khía hội đem về làm mắm mà bán dần. Người nghèo hơn dùng xuồng bỏ xuống đó vài cái khạp da bò rồi đeo theo vỏ máy kết thành đoàn đi ké.
Trong mỗi tháng theo lực hút của mặt trăng thì ngày rằm trăng tròn và ngày 30 không trăng là có sức hút mạnh nhất và mực nước biển cũng dâng cao nhất người dân quê gọi là "nước rong" hay nước dậy. Sau ngày cao nhất thì nước từ từ hạ xuống đến khoảng mùng 7, mùng 8 và 23, 24 mực nước thấp nhất họ gọi đó là ngày "nước kém".
Tháng mười cũng không ngoại lệ. Ba khía hội vào khoản 14, rằm 16 tháng mười có khi vào cuối tháng 10 tùy vào thời tiết và năm đó có nhuần hay không mà người ta đoán ngày ba khía hội.
Ngày đó nói theo từ lãn mạn của thơ văn thì là ngày lễ tình nhân của các cô cậu "Bía Kha". Tất cả giòng họ nhà khía bỏ hang mà đi dự lễ. Chúng trèo lên đeo vào các nhánh cây bần, cây mắm, cây đước ven rừng nhiều vô số bọn chúng thi nhau hát hò, tình tự không cần biết nguy hiểm đang rình rập...


Người ta chỉ cần cầm cái sô nhựa và cây móc ngắn tha hồ móc chúng rớt vô sô rồi đổ vào lu hay khạp trong đó quậy sẵn nước muối vừa đủ mặn để cho chúng chết mặn. Sáng hôm sau rửa xơ các bùn đất còn dính lại rồi xếp chúng có lớp lang bỏ vào trong lu sạch rải lên một ít muối trên mặt của từng lớp ba khía và cuối cùng đổ ngập nước muối rồi lấy vật năng đè lên trên mặt đậy nắp lu lại đem về chợ để dành bán lấy tiền mua rượu nhậu.


Ở quê làm cái gì cũng cần có chút ít kinh nghiệm thì mới hoàn hão, muối ba khía muốn cho ngon cũng không ngoại lệ. Độ mặn của nước muối là yếu tố then chốt quyết định để giữ cho màu ba khía lúc nào cũng tươi. Còn bây giờ thì "phẩm màu" ba khía thúi nhìn cũng đỏ ao, ăn vào thì mới thấy sao...

Tháng mười vẫn còn vài cơn mưa giông cuối mùa, biển đôi lúc vẫn còn sót lại vài cơn bão nhỏ. Nguy hiểm vẫn còn rình rập nhưng mùa ba khía hội là thời điểm tốt nhất để tổ chức một cuộc vượt biên chui. Những cái vỏ máy chở lu máy đầm ban đêm qua trạm biên phòng không ai xét hỏi,  thay vì trong đó chứa nước muối thì trong đó lại chứa những người liều mạng bỏ nước ra đi. Cái vỏ máy không xuôi theo rừng mắm ven biển để tìm ba khía mà nó trực chỉ ra tàu lớn để đi tìm tự do...

Nhưng mà chuyện trời đất nào ai biết trước được đôi lúc trời nổi cơn thịnh nộ mưa bão kéo về thình lình nhận chìm chúng giữa lòng đại dương. 
Rồi sóng xô, gió dập xác người trôi tấp vào rừng mắm để làm mồi nuôi lại ba khía...
Ôi! Đau đớn thay...
Người nhai (ba khía). Ba khía rỉa thịt người
Gẩm lại sự đời nước mắt rơi
Biển xanh sóng nhận bao nhiêu xác?
Lênh đênh trôi dạt khắp muôn nơi
Đại dương trắng xóa màu tang tóc
Con thuyền đang khóc dưới mưa rơi
Ai về tìm lại con ba khía
Hỏi xem có rỉa xác em tôi...


4 comments:

Katie co5rg said...

Cám ơn bài viết của huynh LN, giờ thì KT hiểu biết nhiều hơn về họ nhà cua, ghẹ, ba khía rồi hé, ngộ 1 điều là con ba khía sống ở vùng nước mặn mà lại bị "chết mặn" mới chết chứ!
Thương thay những người đi vượt biên gặp nạn, chúng ta là những thuyền nhân quá nhiều may mắn huynh hé.

Anonymous said...

Đoạn chót cùa tác giã làm tôi nghĩ đến những killing fiels, con ba khía và dòng nước Hậu Giang. Cô Katie không ăn ba khía là có lý. Tr Thật Thà

Katie co5rg said...

A/TTT ở VN mình khi ăn cơm là quây quần ăn chung cả nhà, nên nhà có món gì mình ăn món đó, lớn lên mấy chị em có hỏi:
- sao má không mua ba khía về ăn nghe bạn con khen ngon lắm đó
Mới nghe Má kể lại, ( như bài thơ KT đã viết trong bài thơ XMCL đó) hồi xưa lâu lắm rồi, có gia đình người bà con bên má own tận miệt thứ 3, trong buổi cơm chiều dưới ánh đèn dầu mờ mờ, cả nhà cùng ăn ba khía trộn chanh tỏi, đứa con nhỏ nhứt ngồi trong lòng má nó cũng lấy 1 cái nghoe ngậm ngậm, vô tình chạy tọt vô cổ, cái nghoe móc vô cổ họng, từ trong miệt thứ mà bơi xuồng ra tới làng để có nhà thương trong đêm tối là quá trể, cháu bị ngộp...đó là tai nạn không ai muốn vậy cả...
Đó là lý do ba KT không bao giờ cho má mua cá có rất nhiều xương hay ăn ba khía, cua, ghẹ nếu mua má sẽ gở thịt hết và làm cơm ghẹ ... nhắc tới cơm ghẹ tự nhiên thấy thèm quá trời nghen.
KT

Lanh Nguyễn said...

Cám ơn anh TTT và cô 5.
Ngày 30 tháng 4 vừa qua đã làm chúng ta nhớ lại cái khoản thời gian đi chui.
Đúng là có một phép mầu nào đó đã giúp chúng ta qua được cơn thịnh nộ của Trời Đất và bọn hải tặc thái lan.
Không biết có bao nhiêu người đã chôn xác trong lòng biển.
Tháng 10 năm 1977 mấy đứa học trò bên vùng biển ở thứ 11 đã vớt được xác 2 thiếu nữ chết chùm mà còn ôm cứng lấy nhau.
Những con ba khía, tôm, tép bu đầy nhưng còn hên là xác chưa bị rỉa hết...
Người ta vớt và chôn cất sơ sài Không biết sau nầy thân nhân của 2 người đó có di dời chưa. Hay là cả gia đình cùng chung số phận...
Thiệt là đau lòng...