Monday, February 4, 2019

Tản Mạn Mừng Xuân Kỷ Hợi


_________________

NGUYỄN NGỌC HOÀNG



Tết Nguyên Đán năm nay rơi vào ngày trong tuần, thứ Ba ngày 5 tháng 2, 2019. Thường tôi đều lấy ngày này nghỉ ở nhà, để tối Ba Mươi cùng bà xã đi chùa và thức khuya đón Giao Thừa.
Năm nào cũng vậy, mùa xuân trong mùa đông, nơi tôi ở rất lạnh, cây cành khô trụi lá và đôi khi có những bông tuyết lất phất rơi. Loáng thoáng đếm cũng được ba mươi tám cái Tết tha hương. Ba mươi tám năm thoáng chốc, bóng mây qua cửa. Chừng như thời gian sau tuổi sáu mươi, trôi nhanh hơn thì phải? Hay chỉ là cảm tính chủ quan của tôi? Thành phố Durham, tiểu bang North Carolina vốn đã thưa người, lại chỉ có vài trăm người Việt sống rải rác quanh vùng. Nên mỗi năm nếu không có người nhắc, không nhìn lịch thì chắc chắn sẽ… “không biết xuân về hay chưa”? Năm nay là năm Kỷ Hợi, cầm canh tuổi con heo hay lợn. Trong tiếng Việt không hiểu sao, hai từ ngữ “con heo” hay “con lợn” đều chứa đựng chút gì đó, hàm ý không tốt. “Con lợn lòng”, “ngu như heo” hay “phim con heo”, là cụm từ điển hình cho cái “không tốt” đó. Có lẽ là do quán tính của thói quen hay là sự ước lệ của ngôn ngữ? Ngược lại, nói về tử vi thì năm con heo hay con lợn lại là năm tốt. Hợi là năm tốt nhất trong việc “sinh con đẻ cái”.

Nói chút về hình ảnh “con lợn” hay “con heo” trong tranh dân gian Đông Hồ và ca dao:

Tranh dân gian Đông Hồ
                   
                                      
Qua hình ảnh trong tranh, thoạt nhìn chúng ta thấy ngay được sự viên mãn trong sung túc, ấm no. Màu sắc hài hòa của âm dương, trong âm có dương, trong dương có âm. Ngũ hành tương phản sự kết hợp về một mối của kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Nét hòa giải âm dương trên người lợn mẹ, được truyền tải trên người mỗi chú lợn con tròn trịa như những dấu kim tiền, thịnh phát. Ý niệm phồn thực như biểu hiện một tín ngưỡng của dân gian trong năm Hợi: năm của sự phát triển giống nòi, gia đình đông đúc, sum vầy, hạnh phúc ấm no.
          Trong ca dao hình ảnh “con heo” hay “con lợn” đều mang lại biểu tượng của sự ngỏ tình, cưới hỏi. Như thể chàng tình cờ gặp nàng, kín đáo tỏ tình và đưa lời dạm hỏi gần xa:
                   “Tình cờ bắt gặp nàng đây
                   “Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần
                   “May xong anh sẽ trả công
                   “Bao giờ lấy chồng anh đỡ vốn cho
                   “Anh giúp một thúng xôi vò
                   “Một con lợn béo, một vò rượu tăm…   
Tình cảm tươi thắm, nàng cũng đoan trang như thể, e ấp trong lời:
                   “Em về thưa với mẹ cha
                   “Bắt heo đi cưới, bắt gà đi cheo
                   “Đầu heo lớn hơn đầu mèo
                   “Làng ăn không hết, làng treo đầu đình
          Tính trữ tình nhân gian trong ca cao biểu hiện đời sống và tình cảm đôn hậu trong mọi hoàn cảnh trai gái yêu nhau. Mộc mạc, chân thành trong tình yêu luôn được ca ngợi, vượt lên trên những phân biệt xã hội:
                   “Người ta giàu thì đầu heo mâm thịt
                   “Hai đứa mình nghèo thì cặp vịt đôi bông
                   “Người ta thách lợn, thách gà
                   “Nhà em thách cưới, một nhà khoai lang
          Thật tuyệt vời trong tính nhân cách hóa, chút than thân trách phận để rồi niềm ước mơ “có đôi” được trở thành sự thật. Hạnh phúc lứa đôi sẽ thay đổi, hoán chuyển những tâm trạng khổ đau, oán trách trước đó:
                   “Yêu nhau chẳng lấy được nhau
                   “Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già
                   “Bao giờ sum họp một nhà
                   “Con lợn lại béo, cau già lại non

   Trư Bát Giới
                            
                                      
Bên cạnh đó, một hình ảnh khác cũng phổ quát không kém đối với chúng ta là nhân vật Trư Bát Giới trong tác phẩm kinh điển của văn học Trung Hoa: Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân (?).  Hầu hết chúng ta ít nhiều cũng biết, đọc hoặc xem qua bộ phim Tây Du Ký, một lần trong đời. Đây là bộ phim cho mọi lứa tuổi, từ thời kỳ tuổi thơ đến cả lúc trưởng thành. Lôi cuốn bởi tình tiết phiêu lưu, biến hóa và đẩm sâu triết lý Phật giáo về thân phận của kiếp người. Trư Bát Giới là một nhân vật “nửa lợn, nửa người” phát triển và tồn tại xuyên suốt với tính cách đầy nhục dục vừa hài hước, vừa đáng ghét, lại cũng vừa đáng thương. “Bát giới” thật phức tạp, trộn lẫn và dàn trải trong cùng một nhân vật, một biểu hiện “con người”. Tám giới đó bao gồm: tham ăn, háo sắc, tham của, ghen ghét đố kỵ, giả dối lường gạt, sợ khổ, thích nhàn hạ và tham công lao (của người khác).  Thử hỏi trong mỗi con người chúng ta, không ai không có một hay nhiều trong tám giới đó! Chớ thiệt tình mà nói, tính toán sơ qua thôi, thì tôi đã vướng đến phân nửa (4 giới): ham ăn ngon, ham (sắc) đẹp, sợ khổ và rất ham nhàn hạ! (Mọi chuyện khổ sở, khó khăn đều nhường lại cho… vợ). Mặc dù đã từng là người “thầy giáo cũ”, rồi hành nghề kỷ sư mấy chục năm nay, nhưng tôi vẫn “không thích, không mặn” những cảnh: “Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng / Dải nước đen giả suối chẳng thông dòng” (Nhớ Rừng – Thế Lữ)! Nói khác hơn, tôi không thích những thứ trật tự giả dối, những suy nghĩ mang tính ước lệ, cố chấp, rập khuôn theo lề lối của thói quen.  
Viết đến đây, tôi chợt nhớ ra bài thơ thật tâm đắc“Ba Thứ Lăng Nhăng” của Trần Tế Xương:
                    “Một trà, một rượu, một đàn bà
                    “Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta
                    “Chừa được thứ nào hay thứ nấy
                    “Có chăng chừa rượu với chừa trà!
Hay cả bài thơ Tự Vịnh của ông:
                   “Vị Xuyên có Tú Xương,
                   “Dở dở lại ương ương:
“Cao lâu thường ăn quịt,
“Thổ đĩ lại chơi lường!
Tự nói về mình được như ông quả thật “tuyệt chiêu”, quả thật “nhất là ông”, có một không hai trong thiên hạ! Thế mới biết “giới đạo đức giả”, “khẩu Phật tâm tà” đông đảo, bát nháo biết dường nào.

*** *** ***

Năm nay đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi, chắc cũng như mọi năm. Chiều Ba Mươi khoảng 5 giờ, bà xã sẽ làm một nâm cơm Cúng Ông Bà: thịt kho rệu với hột gà (ở đây kiếm hột vịt hổng ra), dưa giá, khổ qua hầm dồn thịt (cho cái khổ nó qua), bánh chưng (hình vuông tượng trưng cho đất), giò chả (hình tròn tượng trưng cho trời), dưa giá và dĩa trái cây ngũ quả (dừa, đu-đủ, xoài – vừa đủ xài- táo đỏ và nho đỏ - có màu đỏ cho may mắn). Bà xã giải thích cho tôi biết như vậy. Đến 8 giờ tối thì chạy đi chùa, cách nhà khoảng 1 giờ lái xe. Ở chùa dâng hương Lễ Phật, hái lộc đầu năm đến 10:30 thì về lại nhà. Nửa khuya, đêm Trừ Tịch, thì bày nâm bánh, mứt và dĩa trái cây ngũ quả, thắp nhang Đón Giao Thừa. Vào thời điểm này thì tôi và bà xã thường vào kênh YouTube để xem những chương trình ca nhạc mừng Xuân trong và ngoài nước.

                   “Rồi dập dìu mùa xuân theo én về
                   “Mùa bình thường mùa vui nay đã về
                   “Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
                   “Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
                   “Một trưa nắng cho bao tâm hồn
                   ……
                   “Từ đây người biết quê người
“Từ đây người biết thương người
“Từ đây người biết yêu người 
      (Mùa Xuân Đầu Tiên – Văn Cao)
         
Thích nhất là những Vlog trong nước, từ tỉnh thành, huyện lỵ miền Nam (Rạch Giá, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sài-gòn, Đà Nẵng,…) đến cả miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh), bao gồm những tỉnh vùng cao nguyên và cả các vùng đồng bào miền núi tây bắc.  Nền khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại, quả thật đã thu ngắn khoảng cách không gian của trái đất chúng ta. Năm nào cũng vậy, coi vừa vui lại vừa buồn; vừa vui với quê hương đất nước trong những giây phút đầu năm mới; vừa rưng rung, vì thấy đó “trước mắt tầm tay", mà xa xăm mờ mịt nửa vòng trái đất.  Thường mãi đến khoảng 3 giờ sáng thì hai vợ chồng “già” mới tắt YouTube, đi ngủ (vì tôi không phải thức sớm đi làm như mọi hôm).
Chúc Mừng Năm Mới – khoảng 8-9 giờ sáng, vừa ngồi uống cà phê vừa text cho hai đứa con, anh chị em, bạn bè trong nước và một số đồng hương quen biết trong vùng. Khoảng trưa thì bà xã lại làm một mân cơm mừng Năm Mới, gọi là cúng trong nhà trong cửa cho may mắn, an lành. Sau khi cúng xong, nhang tàn, ăn buổi ăn trưa là coi như hết Tết! Ngay ngày hôm sau, là tôi lại trở vào công ty làm, trở lại “một ngày như mọi ngày” – ôi hết cả đời ta! Mỗi kiếp người, chừng như là mỗi số phận. Để mỗi số phận là cả một định mệnh an bài? Chỉ cầm một đưa tay, chỉ cầm một ánh mặt là cả khúc quanh của đời người? Tôi không tin, nhưng cũng không thể giải thích được những số phận quanh mình. Mọi việc đã định, mọi số phận chúng ta đã an bài. Mỗi người một nơi, trên quê hương hay ngoài đất nước, còn lại chăng là thế hệ trẻ, thế hệ con cháu ta mai này. Mong ước những gì hay đã làm được những gì, chắc trong mỗi chúng ta cũng không vượt ra ngoài số phận? Một năm cũ trôi qua và một năm mới đang đến, chợt thấy phận mình như thể “Que Sera Sera”:
“When I was just a little girl
“I asked my mother, what will I be
“Will I be pretty
“Will I be rich
“Here's what she said to me
“Que sera, sera
“Whatever will be, will be
“The future's not ours to see
“Que sera, sera
“What will be, will be… (Que Sera Sera – Doris Day)

Muốn hay không, chờ đợi hay dững dưng, thời gian vẫn một dòng xuôi chảy. Xuân, hạ, thu, đông bốn mùa tuần hoàn theo qui luật của đất trời. Có bao nhiêu mùa xuân cho một đời người? Còn bao nhiêu mùa xuân nữa cho mỗi chúng ta? Hãy trân trọng, nâng niu từng phút từng giây của hiện tại đang có và sẽ đang trôi vào quá khứ, vĩnh viễn. Trong nỗi lòng tràn ngập bao niềm quý mến thương yêu, tôi xin mượn lời chúc mừng dưới đây gửi đến tất cả các thầy cô và các bạn cùng gia quyến
: 


Thân mến,
Nguyễn Ngọc Hoàng

No comments: