Sunday, October 27, 2013

THẢ KHÓI LÊN TRỜI

________________

Nguyễn Cát Đông


Truyện này đã đăng trên Bách Khoa số 306 ngày 1-10-1969 do nhà văn Trần Hoài Thư sưu tầm và do Thư Ấn Quán in lại trong Tuyển Tập VĂN MIỀN NAM Tập 4 năm 2009.
Cuối truyện tác giả ghi chú: “Viết cho đêm Bảo Việt chào đời 12-7-69”. Bảo Việt nay đã ngoài bốn mươi và mới có con gái đầu lòng2013.
Nguyễn Cát Đông là bút hiệu ký trước tháng 4-1975. Tại hải ngoại, từ 1980 là Trần Bang Thạch.

Chiếc ghe tam bản của vợ chồng thằng Bé đi ngang qua bến. Thằng Bé buông lơi tay chèo nói với lão Thụ: vợ chồng tui đi nghen. Con vợ thằng Bé đang ngồi vạch vú cho con bú trước mũi ghe cũng nói vói lên bờ: mơi mốt tụi tui dìa thăm, ở lại mạnh giỏi! Chiếc ghe ra khỏi vàm. Lão Thụ vẫn còn đứng trên bến ngó mong theo. Con nước trong rạch vào mùa nầy đục lừ. Mấy dề lục bình theo dòng nước trôi ra khỏi bến. Con chim thằng chài lông xanh mỏ đỏ đập cánh bay lên từ cây bần trụi lá. Buổi chiều trôi bồng bềnh trên từng nhánh cây khô, từng bụi cỏ úa. Lão Thụ thấy sự cô đơn thật sự có mặt trong con rạch này chiều nay. Lão tặc lưỡi mấy cái rồi vén quần ngồi lên băng gỗ trên bến sông.

Vợ chồng thằng Bé đã bồng bế nhau đi! Như vậy, lão nghĩ thầm, chỉ có gia đình lão còn ở lại trong làng nầy. Từng gia đình, từng gia đình lần lượt chèo ghe ra khỏi vàm từ hơn tháng nay. Trong nỗi kinh hoàng, người ta đã ra đi. Trong tiếng khóc nghẹn ngào, người ta phải từ giã nơi chôn nhau cắt rún. Trong tâm trạng bơ vơ lạc lõng, người ta phải bỏ làng để bất đắc dĩ nhập vào cái xô bồ bon chen của thành phố. Cho đến bây giờ lão Thụ cũng không hiểu sao gia đình lão chưa hề nghĩ đến chuyện bỏ làng ra đi như hơn năm mươi gia đình khác đã sống những ngày, những đêm trong hầm núp. Bao nhiêu nỗi kinh hoàng vẫn thường trực trùm úp lên mái nhà lá dột nát của lão, đè nặng trái tim già cằn, thoi thóp của vợ chồng lão. Sự khủng khiếp không buông tha con rạch này ngày nào. Những-người-bên-nầy, những-người-bên-kia hầu như lúc nào cũng nhìn con rạch nhỏ bé này bằng đôi mắt cú vọ! Những tiếng khóc thét nửa đêm không làm át thiến đạn bay vèo vèo. Những giọt nước mắt buổi sớm không dập tắt được những đám cháy từ đầu hôm. Và sự chịu đựng cũng mỏi mòn. Người ta vừa rớt nước mắt vừa bước xuống ghe, ra khỏi vàm. Từng buổi chiều, lão Thụ ngồi trên băng gỗ dưới bến nhìn từng chiếc ghe tam bản xuôi ra chợ. Rất nhiều những khuôn mặt đen đúa, bơ phờ ngước lên nhìn lão Thụ, nhìn cây cau gãy ngọn, nhìn lại chiếc cầu khỉ bắt ngang qua vàm, nhìn ngôi trường sơ cấp đã mấy lần được dùng làm tòa án nhân dân. Lão Thụ cứ ngồi đây tiễn họ đi như vĩnh biệt người thân thuộc. Bây giờ thì không còn ai ra đi nữa để lão Thụ ngó mong mỗi buổi chiều. Bây giờ chỉ còn gia đình lão và nỗi khủng khiếp ở quanh đây!
Lão Thụ ngó lên căn nhà. Một ánh lửa đang leo lét cháy. Vợ lão Thụ đang đốt nhang khấn vái ở bàn thông thiên. Căn nhà nhỏ nhoi thêm trong cái tịch mịch của buổi chạng vạng. Hình ảnh vợ lão Thụ nhạt nhòe động đậy sau giàn hoa giấy. Giàn hoa này tới chừng gả con nhỏ chắc đơm bông rồi, ông há, thêm mấy cây đủng đỉnh nữa là xong nhà đãi khách! Lão Thụ nhìn vợ đang thành kính trong những lần lạy. Những cái lạy, những lời cầu nguyện đó rồi sẽ mang đến cho người ta những cái gì? Bao nhiêu bàn thông thiên, bao nhiêu bàn thờ tổ tiên, bao nhiêu mồ mã ông bà đã hương tàn, nhang lạnh từ mấy mươi năm rồi? Lão Thụ thấy sự cô độc mỗi lúc một đè nặng trên thân xác khô cằn lụ khụ của lão. Những ngày chạy loạn năm bốn chín, năm hai, năm ba. Thanh niên tiền phong. Lính bạc-ti-dăng. Quốc Trưởng Bảo Đại muôn năm. Máy bay bà già. Tàu mũi bằng. Rồi được yên thân vài năm hồi thời Ngô Tổng Thống. Bao nhiêu những biến động dập dồn đã chất chồng trên thân xác này biết bao nhọc nhằn, vất vả. Nó làm cho lão đờ đẫn trong tuổi già bóng xế, làm cho lão mất đi hơn nửa kiếp làm người. Nỗi bất hạnh đã chất đầy ứ trong cuộc đời lão.Nỗi nhọc nhằn đã thấm đẫm từng lỗ chân lông. Để bây giờ lão chỉ còn biết mỗi chiều ngồi trên bến sông nhìn con nước phù sa chảy siết dưới lòng rạch.

Tiến cú rúc từ xa, vừa ỡm ở, vừa đe dọa.
-Ông ơi lên ăn ba hột đi, tối rồi. Ngồi dưới hoài hổng chán sao hổng biết nữa!
Bà Thụ nói với xuống bến sau khi cắm mấy cây nhang vào cái hộp lon dán giấy hồng đơn nhạt màu.
Lão Thụ quăng đuôi thuốc rê xuống lòng rạch rồi đi lên nhà.
Mâm cơm đạm bạc với mấy trái cà nướng, mấy chục con cá lòng tong. Bà Thụ bưng nồi cơm từ dưới bếp đem lên.
-Con Thắm đâu rồi, không lên ăn một thể?
Bà Thụ vừa ngó ra vườn vừa trả lời chồng:
-Nó cho heo ăn ở đằng sau á.
Rồi bà nói vói ra sau:
-Thắm, riết đi. Cơm nước cho rồi mầy.
Tiếng con gái vọng từ sau nhà:
-Tía má ăn trước đi. Tui lên liền.
Bà Thụ bới ra từng chén cơm. Những hột cơm trắng trên hai chiếc đũa bếp loáng thoáng sáng dưới ánh đèn dầu. Gạo mới còn thơm phức mùi rạ. Mấy con heo vừa ăn bập bập trong máng vừa kêu ột ột. Tiếng muỗi vo ve trên vách lá.
-Vợ chồng thằng Bé ra chợ rồi, bà hay hông?
-Sao hông! Hồi xế tui có gặp vợ nó. Tui cho nó mấy chục trái cà đem ra chợ ăn đỡ. Nó nhờ coi nhà cửa với mấy liếp khoai lang.
-Tui thấy vợ con nó sợ quá cũng tội nghiệp, không bàn ra bàn vô làm gì.Ra chợ cũng khó sống lắm chớ bộ, dễ đâu. Lạ cảnh, lạ người, làm sao mà bon chen lại người ta. Lại còn cái nạn pháo kích nữa chớ.
-Ôi! Trâu đạp cũng chết, chó đạp cũng chết, hơi đâu mà lo.Người ta sống được thì mình sống được.
-Bà nói dễ như ăn cơm bữa! Thằng Lượm, thằng Tư đi vác lúa nhà máy bị dân chợ đánh phun máu đầu rồi đó! Con Lý, con thằng Xệ hư thân rồi đi sài Gòn lấy Mỹ nuôi miệng. Thằng Thùng dẩn con vợ đi sài Gòn sống không kham, trờ dìa rồi. Hôm kia người ta gặp con nó đi bán báo ngoài Cần Thơ, rách rưới lắm.
-Ông nói sao chớ tui cũng ngán ở đây lắm. Chừng mấy con heo trọng trọng một chút, lo gả con nhỏ xong mình cũng ra nhà dì năm nó mà ở.
Lão Thụ cắn trái ớt hiểm, và miếng cơm. Tự nhiên lão thấy lòng quặn đau trước ý kiến của vợ. Lão không muốn nói thêm lời nào trong lúc nầy. Bà Thụ cũng đã hơn nửa đời người gắn chặt vào nỗi bất hạnh, nỗi kinh hoàng của một thôn quê máu lửa. Bà sống như một cái bóng trong những thét gào của chiến tranh. Bà nhọc nhằn thời làm con gái. Bà đầu tắt mặt tối trong phận vợ hiền. Bà cần cù, chịu đựng, nhẫn nhục nuôi con. Một thằng đã chết vì bịnh rét rừng trong thời chạy loạn năm hai. Một thằng chết cách đây mấy năm vì mìn trên đường đi dạy học bằng xe lam. Người đàn bà nhỏ thó đó hầu như được sanh ra để mà hứng chịu cực nhọc. Suốt ngày bà dầm mình trong mưa, đẫm mình dưới nắng vun quén từng cây cà cây ớt. Mùa cấy bà bì bõm dưới ruộng sâu gieo từng cây mạ non dưới nước phèn. Mùa khô bà bỏng da chưn trên những lổ chưn trâu khô cứng. Bà gặt từng cọng lúa, mót từng hạt thóc rớt trên cánh đồng chang nắng. Bà thường nói với chồng về tương lai con Thắm:
-Tui thấy con Thắm ở đây với mình cực khổ mà nguy hiểm quá ông à. Để khi thằng Sang dìa phép thường niên mình gả con nhỏ cho xong.
-Bà nói làm vợ lính sướng lắm chắc?
-Dẫu sao mình đỡ lo mà con nhỏ cũng yên thân.
-Cả năm rồi đó, nó có dìa được để cưới vợ đâu. Không khéo mình lại lo cho thằng đó nữa đa!

Hơn một năm để chờ mấy ngày phép! Hai con heo bây giờ đã quá trăm ký rồi. Con Thắm vẫn nhìn tháng ngày trôi qua trên sắc lông mỗi ngày một mướt trên lưng hai con heo. Nỗi mong đợi cứ kéo dài trên những lá thơ viết nghuệch ngoạc khi thì từ Chương Thiện, khi thì từ Năm Căn, khi thì Đức Lập…
Con Thắm từ dưới bếp đi lên nhà trên, hai ống quần đen xăn lên tới gối. Đôi tay nó vuốt mấy sợi tóc lất phất trước trán. Chiếc áo bà ba cũ thấm ướt mồ hôi. Nó ngồi ké bên tấm ván, bưng chén cơm và, trông ngon lành. Hai bàn tay sạm nắng vẫn không mất vẻ dịu dàng. Những ngón tay mũm mĩm sáng lên dưới ánh đèn dầu. Lão Thụ nhìn đứa con gái rồi nhớ tới lá thơ thằng sang gởi về hôm trước: “…ông xếp con địnhcho con về hậu cứ tháng tới, không đi đánh giặc nữa, mà chỉ kê cái bàn ngoài góc chợ, mỗi ngày ghi tên tân binh tình nguyện; chừng đó con mướn nhà rước tía má cùng em Thắm ra chợ ở…”. Lão Thụ thấy việc về hậu cứ của thằng Sang chỉ là một sự đổi chác với mấy vết thương ở hai bên đùi và trên cánh tay trái. Lão Thụ và hết phần cơm trong chén rồi buông đũa bước xuống đất. Lão kéo lê đôi guốc vông đi ra ngoài sân. Bà Thụ nói vói theo:
-Ông coi trải chiếu dưới hầm đi, một lát rồi làm không kịp!
Lão Thụ ừ ừ cho qua rồi đi thẳng ra giàn bông giấy. Trải chiếu dưới hầm! Công việc này lão đã làm bao nhiêu lần rồi lão không sao nhớ hết được. Cứ mỗi chiều tối sau khi ăn cơm xong, lão đốt cây đèn trứng vịt tay cắp chiếc chiếu rách, khom lưng chui xuống hầm, trải chiếc chiếu rồi đưa cây đèn dầu xung quanh hầm xem coi có rắn rít ở trong hầm hay không. Xong, lão đặt cây đèn gần miệng hầm, vặn thấp ngọn đèn rồi chui ra. Chờ đợi. Công việc đó lão làm mà không có một chút chú tâm nào. Thế mà hôm nay tự nhiên lão không muốn diễn lại bao nhiêu động tác quen thuộc này nữa. Lão Thụ đi vào nhà. Lão nhắc ra cái ghế đẩu, đặt ra giữa sân ngồi vấn thuốc hút. Từng vệt khói bay lên trời, khỏa vào mặt. Lão thấy dễ chịu. Còn ai ở đây nữa mà bom đạn tìm đến? Lão Thụ nghĩ thầm, họ đã đi hết cả rồi! Họ lần lượt để lão ở lại sống với những oan hồn của người đã chết trong những lần lửa đạn trước, những lần thủ tiêu trước. Ở đây chỉ còn là tịch mịch hoang vu. Những người bên kia trước đây đã về để vét cơm vét áo, để làm biệt tích vài người trong làng. Bây giờ thì đây là một vùng đất chết, họ còn trở về làm gì nữa cho phí công! Còn những người bên nầy lẽ nào lại chẳng buông tha một vùng đất chết? Lão Thụ rít dài một hơi thuốc. Từng vệt khói bay lên trời, quấn quit trong gió chiều. Lão nhìn mấy thân cau gãy ngọn in rõ trên nền trời. Bầu trời không một ánh sao. Dầu vậy lão cũng có thể nhắm mắt hình dung những vết tích trên từng cây cau trước cửa và từng bụi chuối sau hè. Lão cũng có thể, trong đêm đen, thấy được những hố bom thật sâu ở ngoài vàm, cạnh ngôi trường sơ cấp. Lão cũng không quên mấy ngôi mộ mới đắp của gia đình thầy giáo Ba gần ụ cá vồ bên vệ đường. Mấy ngôi mộ của một gia đình mấy đời tận tụy với xóm làng chắc đang lạnh dưới sương đêm. Vài ngày nữa đây ai sẽ trở về để cúng trăm ngày cho họ? Lão Thụ thấy bùi ngùi trong dạ. Lão ném tàn thuốc xuống chân, di cho tắt hẳn rồi đứng dậy xách ghế đi vào nhà.
Bây giờ là đêm. Đêm trải dài. Đêm thâm u. Đêm bí ẩn. Đêm vô tâm trên từng chồi cây ngọn cỏ. Đêm lạnh ngắt dưới con rạch nước đục lừ. Đêm quạnh hiu trong những căn nhà lá trống không. Bỗng chốc đêm sáng hực lên. Đêm bùng nổ. Đêm bắt đầu xòe cánh, vươn nanh. Đêm của nỗi kinh hoàng chết điếng. Những loạt đạn lớn nhỏ, những chùm hỏa châu ở lưng chừng trời đã cho đêm hồng hoang âm thanh để thét gào, để thảm sát; cho ánh sáng để đêm nhìn rõ móng vuốt của mình đang càn lướt trên muôn vật, để nhìn rõ cơn địa chấn đang bùng bùng xô đẩy dưới vết chân. Và đêm phải được thắp sáng để đêm nhìn rõ ba trái tim đang thoi thóp trong một mái nhà lá nhỏ, phía trước có một bàn thông thiên với mấy cây nhang chưa tàn và một giàn hoa giấy. Khói của nhang đang bay vút lên trời. Lời nguyện cầu nào đang cùng bay lên với khói trong giây phút tử sinh nầy?
-Tui thấy ở trong nhà không yên rồi đó bà. Mình nên chạy ra cái hầm sau vườn chắc ăn hơn.
-Sáng quá đâu dám chạy ra ngoãi, tía.
-Hai con heo mầy cột đâu hả Thắm?
-Thì ở chỗ mọi khi má cột đó!
-Ừ! Được
-Coi bộ có mùi khói khét lẹt rồi bà. Ra sau vườn đi!
-Tao tức quá. Hồi chiều kêu mầy hái cho xong mấy liếp cà, mầy cũng hổng hái. Bây giờ chắc tiêu hết rồi!
-Sao bà cứ lo chuyện bao đồng. Có nín đi hông!
…………………………………………………………
-Có nhiều tiếng nổ quá bà ơi.
-Chắc có rớt quanh nhà mình rồi ông ơi.
-Tui thấy cái hầm như quay tròn, tía à.
-Sao lỗ tai tui lùng bùng quá, nhức đầu nữa, ông à.
-Thì tui biểu ra ngoài sau chắc hơn.
-Hổng xong đâu, tía ơi, sáng lắm, nó thấy mình chạy ra là chết hết.
…………………………………………….
-Tui ngộp thở quá má ơi tía ơi!
-Để tao ra miệng hầm coi bớt sáng chưa.
-Khéo đa ông!
…………………………………………………..
Ba bóng người rời khỏi hầm, khom người chạy ra hầm núp ngoài sau vườn.
Đêm bây giờ đang bốc lửa. Những lưỡi lửa đã thiêu rụi mấy cái nhà bên kia con rạch. Hơn một giờ qua đêm, thần chết đã để rơi rớt bao nhiêu trái nổ trên vùng đất chết này rồi. Những cây cau gãy ngọn bay đi đâu mất. Giàn hoa giấy cạnh bàn thông thiên cháy nám. Mấy cây nhang trên bàn thông thiên đã nhả khói lên trời. Có còn gì không sau cơn đại hồng thủy? Có không một ông Noé với con thuyền cứu rỗi trên lượn ba đào?
-Ông ơi sao hai con heo la quá kìa?
-Chắc nó sợ súng chớ gì.
_Hồi nào tới giờ nó có biết sợ đâu?
-Thì bữa nay bắn nhiều, nó sợ.
-Ông cứ nói cho qua lề! Tui chắc mấy con heo bị đạn rồi.
-Thì kệ nó chớ biết sao bây giờ đây?!
Trong thoáng chốc bà lão thấy lờ mờ trước mặt mình hai con heo to béo mà mẹ con bà đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt nuôi nấng từ hơn năm nay. Đồng thời bà cũng thấy những cây đủng đỉnh kết hoa kết lá dựng trước sân, bên cạnh giàn hoa giấy đang trổ bông hồng nhạt trong ngày gả con sắp tới. Mắt bà thấy đứa con gái mặc áo mới về nhà chồng. Mũi bà ngửi thấy mùi ba xi đế nồng nặc thoát ra từ nhà tiệc, họ hàng bà con lối xóm đang vui như ngày được mùa. Rồi những tiếng kêu khản cổ của mấy con heo hòa lẫn với trăm ngàn tiếng nổ kinh hồn. Bà lão thấy choáng váng. Trước mắt bà, hai con heo của bà lăn ra, dãy đành đạch, miệng hộc ra từng ngụm máu tươi nóng bỏng. Bà lão còn thấy hình như có cả một đàn quạ từ trên cao đáp xuống. Trăm con, ngàn con, triệu triệu con quạ đang bay lên, đáp xuống hai đống thịt bầy nhầy, ứ máu. Rồi những cọng lông mướt mượt mà bà hằng ngày ve vuốt, tắm rửa; những miếng thịt thơm mùi tấm cám lần lượt bị hằng triệu con quạ đen cắn trên mỏ, kẹp dưới đôi chân đêm đi mất. Bà hoa cả mắt, ù cả tai. Bà chới với trong cơn mê nặng chịt. Hai con heo dành cho tiệc cưới! Bất thần bà lão chui ra khỏi hầm. Có tiếng gọi thất thanh của hai người còn lại trong hầm.
Ánh hỏa châu bây giờ thật sáng. Tiếng động cơ và tiếng nổ thật gần, thật chát tai.Tưởng chừng như đất đang đổ lở, cây cối đang bung gốc rễ. Thật là một cơn địa chấn khủng khiếp!
Bỗng thêm một bóng người chạy ra khỏi hầm. Mái tóc dài phơi phới, đậm nét dưới ánh hỏa châu. Một vài tiếng thét ở đâu đó vang lên, rồi im phắc.
Đêm gầm gừ. Đêm xếp cánh. Đêm đi
xXx
Trời chưa sáng hẳn thì những chiếc xe bọc sắt đã có mặt trong làng. Những nòng súng đen ngòm trên từng chiếc xe lấm đầy bùn đất. Mấy người xạ thủ ngồi nhìn bâng quơ, những dây đạn đại liên để trước mặt họ như món đồ trang sức. Trên cây cầu khỉ đầu vàm, năm sáu người lính vừa đi vừa hát. Anh là lính chung tình gió sương đâu ngại chúng mình. Một tốp lính khác ngồi trên thân cây dừa gãy, lỗ chỗ vết đạn, lắng nghe tiếng ca Thành Được rối bời từ chiếc máy phát thanh nhỏ  xíu. Một người lính nhịp nhịp khẩu M16 vào cái nón sắt lật úp. Viên chuẫn úy trẻ lấy máy ảnh chụp cây cột đang cháy dở, nghun ngút khói đứng chơ vơ trên nền nhà đổ nát, phía trước sân có bàn thông thiên ngã đổ và giàn hoa giấy trơ trui. Nước cạn sát lòng rạch. Những thân cây bần lả ngọn, lá rụng trên bãi sình non. Mấy con chim thằng chài không buồn đến ăn những bông bần tím ngon ngọt. Bánh xe bọc sắt làm rạp những ụ cỏ cao quá đầu người. Phía sau căn nhà đổ nát, mấy trái cà tím rụng vãi dưới đất. Một người lính vừa lượm cà bỏ vào hai túi trây di vừa nói: Trời cho mình ăn cái này đây, trung sĩ, hí hí hí! Anh ta cười đưa hàm răng trắng hếu. Viên trung sĩ ngồi trên bực đất, phía sau máy truyền tin, nói: Trời cho cái con bú dù! Chủ nhà ho trồng đó con! Ở đây đâu có người ở, trung sĩ? Con tưỏng ở đây là địa phủ sao chhớ! Viên trung sĩ nói xong bèn đúng dậy vạch quần đái lên một khúc gỗ còn cháy.
Trời sáng dần. Đoàn quân được lịnh dừng lại đây cho đến trưa. Họ phân nhau bố phòng. Những người không nhiệm vụ trải pon sô dưới mấy gốc dừa nằm ngủ, nghe vọng cổ hay nói chuyện tiếu lâm ngày xưa có ông trạng Quỳnh đá bèo trên ao. Mọi người cười ngất ngất.
Bỗng một lịnh báo động làm giựt mình mọi người. Tất cả hướng về bụi lùng rậm rạp. Từ bụi lùng đó, Lão khập khiễng bước ra. Thân hình lão chỉ còn độc một cái quần đùi rách bươm, hở hang và một cái khăn ăn trầu vắt ngang vai. Đoàn quân nhìn lão ngạc nhiên. Đây là vùng đất chết mà! Phải chăng họ đang sống trở lại thời hoang sơ với con người tiền sử đang đứng trước mặt họ? Lão lẳng lặng bước ra khỏi bụi rậm, dáng đi thất thểu, miệng như hé cười. Chốc chốc lão đưa khăn lau dãi chảy tràn ra hai bên mép miệng. Đôi môi lão khô nứt. Lão bước đi như bộ xương khô đang di động. Mấy cái xương sườn như bật hẳn ra khỏi lớp da nhăn nheo cáu ghét. Mọi người đổ dồn về phía lão. Lão cứ chệnh choạng bước và cứ mĩm cười. hai bên mép dãi chảy lòng thòng như hai dòng sữa loãng. Lão đi về hướng bờ rạch. Viên chuẩn úy trẻ đến bên lão, nói:
-Ông là người từ đâu đến đây?
Lão vẫn bước những bước đi đờ đẫn, gương mặt nhăn nheo, đôi môi khô như luôn mĩm cười, đôi tay quờ quạng trong không khí, đôi mắt như đang kiếm tìm một vật gì ở cõi vô biên. Viên chuẩn úy đến phía trước mặt lão, nắm đôi vai lão dừng lại. Lão chới với đứng lại, hơi nghiêng về phía viên chuẩn úy. Đôi môi khô hơi mĩm cười.
-Ông có nghe tôi hỏi không? Ông là ai?Lão nheo nheo đôi mắt đục gầu, đôi đồng tử mất hút trong sâu. Lão kéo khăn đội lên đầu rồi đưa bàn tay khẳng khiu quẹt dãi. Môi luôn mĩm cười.
-Ông trả lời cho chúng tôi đi! Sao đến bây giờ ông còn ở đây? Ông có biết đây là vùng oanh kích tự do không?
Một người lính khác chen vào: Chắc ông lão này câm chuẩn úy à.
Họ đỡ lão ngồi xuống đống gạch vụn của chiếc bàn thông thiên đổ, bên cạnh giàn hoa giấy trơ xương. Lão ngồi chống đôi tay như cây que trên gối, đôi mắt đờ đẫn nhìn đâu đâu. Thỉnh thoảng lão gục gặc đầu mỉm cười một mình. Mấy người lính đứng bên thích chí cười theo Viên chuẩn úy nói: anh em đừng làm ồn, để ông già định thần mình sẽ hỏi chuyện sau.Một anh hạ sĩ đốt điếu bát tô quân tiếp vụ đưa cho lão. Lão nhận lấy điếu thuốc hút ngon lành. Lão ngửa mặt lên trời, cong đôi môi khô, từ từ nhả khói. Những cuộn khói xám bay lên trời. Không biết nghĩ gì mà bỗng nhiên lão cười sặc sụa, cười cong cả người, cười tím cả môi, cười xanh cả mặt, cười ra nước mắt. Cười như con nít được quà.
Nguyễn Cát Đông
(Viết cho đêm Bảo-Việt chào đời 12-7-69)



1 comment:

rachgia said...

Thì ra ông anh TBT là Cát Đông ! TL rất thích cái bút hiệu nầy anh ạ . Tha Hương có Cát Vân, có Cát Dương giờ xuất hiện một N Cát Đông của hơn 40 năm về trước ha ha ...đủ bộ Tam Sên rùi nè
Đọc bài anh viết gợi nhớ một Bình Nguyên Lộc của thuở nào và nghe xót xa lắm nhìn lại quê hương mình Cám ơn vô cùng về bài viết mà anh đà ưu ái gửi đến Tha Hương ...

TL