LÊ QUỐC
Đời người tị nạn – ai cũng mang trong lòng những
nỗi buồn : Buồn vong gia, thất thổ - tài
sản, đất đai bị cướp đoạt, thân xác bị tù đày.. rồi lang thang xứ người, sống đời
trôi nổi như những cánh bèo lênh đênh trên dòng nước .. Tuy vậy – ông Trời cũng
thương người hoạn nạn, nên cũng an bài cho cuộc sống tha hương có những niềm
vui nỗi buồn xen lẫn. Trong nỗi buồn lớn,vẫn có những niềm vui nhỏ … rất nhỏ,
thường bị bỏ qua không để ý tới. Nhưng nhiều khi những niềm vui nhỏ góp lại thành liều thuốc bổ lớn, nuôi dưỡng tấm thân già. Những niềm vui nhỏ có khi lại có ý nghĩa như một bài học lớn . Cũng có khi vẻ nên một bức tranh đởi sống động, cười ra nước mắt…- như đọc lại chuyện Chí Phèo của Nam Cao : Chí Phèo bóp chưn bà vợ Lý Trưởng, bị mắng: “ Mày thực thà quá !Con trai gì mới 20 tuổi mà đã như ông già – chả nhẻ tao gọi mày vào chỉ để bóp chân thế nầy thôi ư? ”! Rồi đến chuyện bà cả đưa giây lưng quần cho thằng ở mà nó cứ lừng khừng không biết phải làm sao…khiến bà nổi cơn lên cầm tay nó giựt mạnh cho chiếc quần rớt xuống… của Xuân Tước… Rồi đến nụ cười của Mona Lisa trong bức tranh La Joconde mà văn hào André Malraux phải viết một câu bất hủ : “Đây là một cong trình nghệ thuật mà nhân loại phải đem xương máu ra để bảo vệ nó” Lượm lặt những niềm vui cảm nhận qua những trải nghiệm cuộc đới - Xin ghi lại trước khi những mảnh vụn nầy đi vào quên lãng .. hoặc rơi vào cõi vô thức mênh mông … NIỀM VUI TRONG NỖI BUỒN 1.- LY CÀ PHÊ VÀ ĐIẾU THUỐC LÁ TRONG TRẠI TÙ CẢI TẠO :
Nhà nước Cộng sản chánh thức thông
báo cho các quân nhân, viên chức “ ngụy”từ cấp Trưởng Ty, Phó quận trở lên : “Phải mang theo quần áo và lương thực dùng trong 10 ngày, để đi học tập
cãi tạo.” Mọi người tin bằng lời. Nhà nước Cách Mạng mà ! Khoan hồng, nhân đạo,
liêm chính,“ không tơ hào cây kim sợi chỉ của nhân dân”. Đâu phải như tụi “ Mỷ Ngụy”, bốc lột tận
xương tủy của người dân. . Bỗng nhiên, sáng hôm đó, má tôi thúc giục : “Đi trình
diện đi con, Cách Mạng khoan hồng nhân đạo lắm,
đâu có gì mà con sợ.! . Vợ khuyên chồng
: “Đi đi anh – ta sao mình vậy - Chỉ có 10 ngày thôi mà – nghe nói cán bộ
người ta cũng đi học tập như mình !”. Đầu làng cuối xóm, phố phường chợ búa – nơi
nào,bà con bạn bè quen biết đều khuyên anh
em “ ngụy”nên khăn gói lên đường. Còn ai thương mình hơn mẹ, còn ai chia
sẻ nỗi lo lắng, sợ sệt của mình bằng vợ. Vậy mà mẹ cũng khuyên bảo, vợ cũng dặn
dò…tôi cũng rất an tâm mà đi trình diện
học tập cải tạo…
Trình diện tại trường Gia Long – 3
ngày đầu – chúng tôi được ăn toàn là thức ăn của cao lầu Đồng Khánh, Soài kinh Lầm, Động Phát chở tới, ngày 3 bữa. Mọi người đi tới, đi lui, thì thầm bàn tán ..vui mừng,
phấn khởi thầm nghĩ : Chắc là không có gì đâu, hoà bình rồi, dầu gì cũng là người
Việt với nhau mà ! Cách Mạng đối xử đẹp với mình như vậy mà bọn CIA đồn bậy nào
là “ Saigòn tắm máu”, nào là “rút móng tay phụ nữ”, nào là “tịch thu tài sản,
đuổi đi kinh tế mới” v.v.. Thật đúng là cái bọn ác ôn, chuyên đồn nhảm .
Sau 3 ngày ăn uống linh đình – bọn ngụy quyền chúng tôi được
chuyển trại ban đêm lên 15-NV tức trại cô nhi Long Thành nay bỏ trống. Mười ngày trôi qua .. 2 lần mười ngày, rồi
3 lần, 10 lần .. Mọi người nhìn nhau, thầm nghĩ : Không lẽ Cách Mạng dối gạt mình?
Thằng bạn tôi – trước làm thẩm phán Tòa án quân sự ( vừa qua đời năm 2010 ) -
là người mê tử vi, mê bói toán. Nó chạy lại trại tôi, mặt mày tươi rói, bảo nhỏ
: “Tao coi rồi, tuần tới là tụi mình về.
Chế độ CS không có nhà tù. Mầy đừng có lo”. Qua nhiều cái 10 ngày, dù trong lòng
không còn tin tưởng nữa, nhưng tôi cũng thấy vui vui…Một tia hy vọng thoáng qua
.. Rồi nào là Mỷ sẽ bốc đi. Ai chức vụ gì sẽ được phục hồi chức vụ đó. Còn được
lãnh “ Rấp ben” khi qua Mỷ. Cái bong bóng
phồng lên… vài ngày rồi xẹp xuống. Lâu lâu lại có một cái tin đại loại
như vậy .. quả bong bóng lại phồng lên .. rồi xẹp xuống như những lần trước.
- 5 cái
10 ngày trôi qua
- 20,
30 cái 10 ngày tiếp nối…
- Rồi 40, 50 cái 10 ngày….
- Rồi không biết bao nhiêu cái 10 ngày nữa..
Té ra – những đòn phép trên là của Cách
Mạng. Cách Mạng sợ bọn nguỵ không hiểu Cách Mạng “thương yêu”họ mà trốn học tập.Cách
Mạng còn lo bọn “ Nguỵ” không chịu học tập
“tốt ”, nên tăng số 10 ngày lên. Có người bạo gan đứng lên hỏi cán bộ :
Tại sao nhà nước nói học tập 10 ngày, bây giờ bao nhiêu cái 10 ngày rồi ? thưa
cán bộ. Được cán bộ Trưởng trại trả lời : “Các anh bị Mỷ tuyên truyền quá nên u
mê - rõ ràng, thông báo kêu các anh đem lương thực dùng trong 10 ngày - chứ CM đâu có nói học tập 10 ngày. Chỉ các anh mới không
hiểu được Cách Mạng thôi ! Các anh phải học tập tốt, thành thật khai báo thì các
anh được về ngay. Cách Mạng bao giờ cũng khoan hồng và nhân đạo. Về sớm hay trễ
là tùy ở các anh”. Bây giờ những người tù cải tạo mới vỡ lẽ
ra .. Trời ơi ! Những nhà khoa bảng, những chức vụ to lớn - những bộ óc sừng sỏ
một thời …tất cả đều bị gạt. Bây giờ - mới biết đó là một đòn phép tâm lý
gạt gẩm quá tinh vi .. Gạt bọn nguỵ đã đành mà còn gạt luôn cả cha mẹ, vợ con
những người tù cải tạo, gạt cả dân chúng dể làm cái loa tuyên truyền thúc giục
bọn nguỵ đi vào tù một cách êm ái.. Hạng
Võ thua trận cuối cùng ở Cai Hạ, cũng vì bị Lưu Bang gạt ở hoà ước Hồng Câu. Ông
Thiệu bị Hồ chí Minh gạt trong thoả ước ngưng bắn Tết Mậu Thân 1968 - khiến cho hàng chục ngàn dân bị Cọng quân sát
hại.. Chao ơi ! Nghĩ đén mà rùng mình !
Thao thức suốt đêm không ngủ được.
Sáng hôm sau- tiết trời gần Tết , se se lạnh… Chúng tôi 5 thằng tù cùng nghề nghiệp ở chung
nhà số 5 . Sáng
tinh sương nhớ nhà quá ! đứa nào cũng ngó
mong về hướng Saigòn.. Bỗng thằng Thật nói tao còn chút cà phê, nhét đâu đó -
thằng Cần là dân nghiện thuốc lá nặng, bươi móc dưới đáy ba lô được một điếu
thuốc duy nhứt. Thằng Nhân hiền lành, dễ thương nhứt bọn, lò mò tìm 3 cục đất chụm đầu lại, để lon Guigoz
nước lên, đun sôi , rồi cẩn thận đổ vào
cái ly dựng cà phê bằng plastic lượm được hồi chiều hôm qua.Thằng Thủy, kính cận
dầy đến 2 ly. Nó mà mất kiếng thì chỉ có nước đi mò bậy. Ly cà phê bốc khói, thơm đến ngây ngất… Năm thằng
- mắt nhắm nghiền, người lâng lâng, chết lịm. Ngồi chồm hổm quanh sân trước trại
– ly cà phê được chuyền tay từ thằng. Mỗi đứa chỉ được hớp một ngụm nhỏ .. ngậm
lại mà nghe cái hương vị cà phê lừng lên lỗ mũi, thấm qua đầu lưỡi .. rồi đi
vào cổ họng, hòa tan tới từng thớ thịt
da…Điếu thuốc lá cũng được đưa lên môi một cách cẩn thận …Mỗi thằng chỉ hít vô
một chút rồi hảm lại, nuốt khói vào phổi. Lúc đó – nếu có ai bảo mầy sẽ chết vì
bệnh cancer nếu mầy nuốt khói – thì chúng tôi thà là chịu cancer chứ không thể
không hít một hơi khói rồi nuốt luôn vào phế phủ ,sau khi chiêu một ngụm cà
phê... Cứ thế mà chuyền tay nhau cho đến ly cà phê không còn một giọt.. và điếu
thuốc cháy đến phỏng tay, cháy đến không còn một cọng khói nào…Mỗi thằng mơ
màng theo đuổi một ý nghĩ trong đầu .. Trong
cảnh tù tội…không biết ngày về .. bỗng nghe ngụm cà phê thấm qua người, tạo một
cảm giác bâng khuâng nhớ nhà, nhớ vợ nhớ con - tâm hồn lâng lâng pha lẫn nỗi lo
âu cho số phận mình, cho tương lai mù mịt… Tình bạn bè cùng cảnh ngộ cũng thấy gần gủi
nhau hơn, thắm thiết hơn. Mùi cà phê nầy
– 35 năm qua – vẫn còn đâu đó trong khứu giác. Buổi sáng múa hè, tôi thường ra sau vườn nhà,
ngắm mấy đoá hoa hồng thoang thoảng hương thơm, chiêu một ngụm cà phê mà nghe
chừng như mùi cà phê trong trại cải tạo năm nào… 2.- CHUYỆN THẰNG CHÁU NGOẠI VÀ TÔ HỦ TIẾU CÁ CHỢ CŨ :
Tại ngã ba Hiền Vương / Đinh tiên Hoàng
- đối diện rạp chiếu bóng Casino – khách sành
điệu khi đi ngang qua đây – không thể không dừng chưn lại, dể viếng một
nhà hàng ăn cùng tên với rạp chiếu bóng : Restaurant Casino - đẹp, sang trọng, đông
khách, thuộc loại “deluxe” nhứt nhì Thủ Đô Sàigòn. Đó ! cơ ngơi của ông bạn già tôi đó. Thế mà
mấy ông CS miền Bắc tràn vào - ông mất sạch
! Trụi lủi ! Nhờ ơn Cách Mạng, ông còn được cái quần tà lỏn dính vào người - nếu không thì ông cũng trở thành ông Adam mất
rồi !
Tôi trở về Mộng lệ An. Thật bất ngờ và thú vị.
Tôi tìm thấy “nó” tại Lâm gia Trang : Món
hủ tiếu gà cá và món mì Cây Nhản. Chủ nhân của nó chính là ông bạn già “ sạch sẽ”
của tôi. Trước mặt tôi - một tô hủ tiếu gà cá bốc khói thơm ngào ngạt như tô hủ
tiếu ở đường Hàm Nghi năm xưa.. Quê hương vời vợi của tôi bỗng hiện về .. Trong
phút chốc – tôi đã tìm được quê hương mình trong cọng ngò thơm, sợi hủ tiếu mềm
mại, miếng cá sống thái mỏng và tô nước dùng trong vắt của tô hủ tiếu cá năm nào.“Quê
hương là chùm khế ngọt ?” – Chưa chắc - nhưng quê hương là cọng ngò thơm, tô hủ
tiếu cá đậm đà hương vị miền sông nước Đồng Nai – là chăc chắn , vì nó đang ở
trước mặt tôi …
Ông bạn già của tôi – ngoài cái tài
nội trợ - còn có một thú vui đặc biệt độc đáo là săn sóc thằng cháu ngoại với một
tình thương yêu khó nói nên lời, một tấm lòng đủ sức lung lay trái tim của thằng
cháu ngoại sinh đẻ tại đây…Lúc nó mới chào đời .. ông ẳm bồng, cho bú mớm – lo
lắng thâu đêm khi nó ốm đau, sài đẹn..Tình thương của ông Ngoại chan hoà .. nuôi
dưỡng nó cho đến năm lên 10 tuổi, học lớp 4e année. Cô giáo bảo nó tả một người
mà nó yêu thương nhất đời. Các trẻ khác thường thường là tả Mẹ nó – đôi khi cha
nó. Thằng cháu nầy lập tức chọn ông Ngoại nó và được cô giáo chọn là bài xuất sắc
- bản sao được gửi về Ông, bà Ngoại nó. Nó viết bằng tiếng Pháp, tạm dịch : “ Tôi chắc chắn rằng khi đọc những dòng
sau đây, cô sẽ say mê về con người cũng như những đức tánh của ông . Riêng con
– thì đã từ lâu – con cảm nhận được một tấm lòng yêu thương bao la và một sự
ngưỡng mộ sâu sắc về con người đem lại niềm hoan lạc nầy. Đó là một con người tóc xám đen, đeo kính,
gầy gò, lưng hơi còm. Tuy nhiên - người
ông rất nhanh nhẹn và bước đi
cũng như cử chỉ - rất vững chắc và chính xác. Ông là người tính tình giản dị,
và rất khéo tay trong những nghề linh tinh. Và ông cũng có tài nấu ăn và may vá
nữa.. …………….
Tôi vô cùng sung sướng có được một
con người tuyệt vời đó là ông Ngoại tôi.
Tôi tự cho mình là một đứa trẻ may mắn có được môt người ông ngoại lệ, đáng cho tôi hết sức chú ý đến ông. Tôi biết rằng ông ngoại tôi là người hoàn
toàn và duy nhứt trên cõi đời nầy. Cám ơn
ông còn đó… cho riêng tôi..
( Victor Phan – 1996 , 10 ans) Mười bốn
năm sau - thằng bé đó đã trở thành Bác sĩ nha khoa và hiện đang hy vọng được
yuyển vào học ngành “ Maxilo – facial” một
môn học cần nhiều tài năng tại đại học danh tiếng Mac Gill .
Vợ chồng ông bạn già tôi nhắc lại lá
thư ngày trước và xúc động nói với tôi :
“ Tôi còn mong gì nữa trên đời nầy ! ”Thằng cháu ngoại tôi (người viết) chưa đầy 3 tuổi ( năm 2010), lúc tôi ra về
.. lẩm đẩm chạy ra cửa nắm tay tôi và bà
ngoại nó, mắt long lanh nhìn tôi : “ Ông bà Ngoại ơi ! Đừng có về - ở lại chơi với Vũ ”. Tôi cũng nói với ông bạn già tôi
: “ Tôi cũng đâu còn mong gì nữa
anh”.
No comments:
Post a Comment