Nguyễn Mạnh Trinh
Thơ, không biết có phải là tiếng vọng vẳng
lên từ tâm thức của một thời đại đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Cuộc sống ấy có
thật nhiều chất chứa, đời sống mỗi người hình như đều có liên quan đến những biến
cố khiến thay đổi cả cuộc sống. Người ta làm thơ, để tâm sự với chính mình, để
chia sẻ cùng với những người đồng điệu những tần số cộng hưởng.
Có người phát biểu thơ không thể chia sẻ được
với ai, mà phải là lừng lững một cõi. Thơ phải có những ẩn mật riêng tạo thành
cá tính. Lại cũng có người nghĩ ngược lại, thơ là một phần đời sống họ, thì với
những người chung cùng hoàn cảnh, tại sao không có sự chia sẻ cộng hưởng cùng
nhau. Mỗi người một ý, có người kiêu căng khinh bạc, có người khiêm nhường trầm
lặng, những quan niệm sống đã tạo thành sự cảm thụ khác biệt đối với mỗi người.
Có những trường hợp, thơ là kết quả của tận
cùng chịu đựng nỗi tân toan, không chịu nổi mời tạo thành thơ. Phùng Quán đã có
những câu như “ vịn vào thơ mà đứng dậy “ hay Tô Đông Pha ngày xưa, trong Nam
Hành Tiền Tập Sự đã viết “ Hữu sở bất năng tự dĩ nhi tác giả “ ( lúc nào không
thể ngừng được, mới sáng tác ) với cả một đoạn đã được chuyển dịch:
“ Kìa, những người làm văn trước kia, không
phải là chỉ có nỗ lực, cố gắng là có thơ văn hay và cũng không thể không nỗ lực
cố gắng thì mới có thơ văn hay. Tựa như sông núi có mây mù, có cây cỏ hoa quả,
khi nào chứa chất đầy đủ ở bên trong thì biểu hiện ra bên ngoài, dù lúc ấy muốn
không có cũng có được không? Ta từ nhỏ được nghe phụ thân ta bàn về văn chương
nói rằng thánh nhân thời xưa khi nào không dừng được mới sáng tác. Vì vậy Thức
nay cùng với em là Triệt sáng tác cũng nhiều mà chưa từng dám cho là có ý làm
văn vậy “
Những thi sĩ tài ba như Tô Thức, Tô Triệt đời
Tống mà còn khiêm nhường không dám tự nhận là tác giả, thì bây giờ, ở trong nước
hay hải ngoại có nhiều tập thơ và nhiều người được gọi là người làm thơ thì thiết
tưởng cũng chẳng là điều lạ lùng. Đời sống ấy, con người ấy, tâm tư ấy, dồn nén
ấy, có lúc mang nặng trong tâm, bức bối trong hồn. Làm thơ, có phải là để giải
tỏa, làm thơ là để cho mình nhẹ nhàng hành trang mang vác trong đời người hơn?
Như Phùng Quán, trong đời sống cơ cực đè nén, nếu không có văn chương không có
thi ca thì làm sao có đủ năng lực để sống còn để vật lộn với khốn khó với khổ
đau ?
Thời đại bây giờ có qúa nhiều bức xúc để tạo
thành cảm hứng. Có người thú nhận nếu không thổ lộ được, bằng văn chương, bằng
ngôn ngữ, thì sẽ phát điên lên được. Thôi thì, dù hay, dù dở, cũng chơi giỡn với
văn chương để may ra, thấy lòng thanh thản hơn một chút…
Ở hải ngoại, một năm không biết có tới mấy chục
tập thơ được in nhưng không …phát hành. Đó là một người đã lăn lộn rất nhiều
trong nghành xuất bản đã phát biểu như thế. Chúng ta có rất nhiều thi sĩ và những
thi sĩ ấy in ra những tập thơ chỉ để làm kỷ niệm mà thôi. Bởi vì, các tiệm sách
hầu như không muốn bầy bán các thi tập vì không có người mua nên sợ chiếm chỗ.
Rất ít thi sĩ in thơ và bán được thơ. Thế mà số lượng thi tập lại quá nhiều đếm
không hết. Có người đã mỉa mai rằng dân tộc chúng ta quá yêu thi ca và có rất
nhiều người đã trở thành thi sĩ khi còn nằm trong bụng mẹ…
Tại sao lại có hiện tượng lạ như thế ở hải
ngoại? Nếu suy nghĩ một cách khách quan thì có nhiều nguyên do. Đời sống ở xứ định
cư về vật chất coi như tạm ổn định nhưng về mặt tinh thần thì vẫn còn nhiều chỗ
trống, nhiều tâm sự cần chia sẻ. In một tập thơ với sở phí chừng hơn một ngàn
đô la ai cũng có thể in được. Và thơ, thì hay dở tùy người, sáng tác cũng không
khó khăn lắm. Ở thế hệ thứ nhất, đời sống trải qua nhiều biến cố nên văn chương
là những chứng tích dễ lưu lại nhất trong đời người và trong ký ức. Ở hải ngoại
lại có rất nhiều tờ báo. Đăng ở những tạp chí văn học không được thì tìm những
báo khác chọn lựa dễ dàng hơn. Và khi đã có tên tuổi ở trên mặt báo thì người
ta sẽ cảm thấy tự tin và sáng tác nhiều hơn. Cuộc đời sẽ có thêm một …thi sĩ.
Trước tình trạng ấy trong một cuộc phỏng vấn
nhà văn Duy Lam đã phát biểu về thơ Việt Nam ở hải ngoại. Cái nhìn của ông khá
chính xác:
“ Thơ lúc này in ra nhiều lắm. Mỗi năm chào đời
cả trăm tập thơ. Và số lượng thi sĩ cũng tăng theo rất nhiều ( có thi sĩ thật
và có người được gọi là thi sĩ )… Thơ Việt Nam ở hải ngoại có nét chính là người
ta đến với thơ tự nhiên như một thúc đẩy tâm lý, mà không chủ ý làm thi sĩ. Tôi
đã gặp nhiều ngạc nhiên vì không ngờ người này người kia cũng làm thơ. Tại sao
họ làm thơ? Có phải do sự bức xúc, một nhu cầu tâm lý. Thơ hải ngoại có chất chủ
quan tâm sự. Họ làm thơ trong vô thức để ghi lại tâm sự của mình. Sẽ có sự tiếp
nối từ những người trẻ hơn. Họ sẽ làm thơ khác với người trước đã cũ. Có thể họ
sẽ bỏ quá khứ mang nặng trên vai để làm thơ hôm nay. Sự lên đường nào mà không
cần phải gọn nhẹ hành trang?…
Thơ in nhiều như thế bi quan hay lạc quan?
Theo tôi, chuyện bình thường. Việc chọn lưa thơ và thi sĩ là của độc giả và những
người phê bình. Vấn đề là phải công tâm để tìm ra những bài thơ chân thực.
Không có điều gì lừa mị được mọi người. Phải để tâm tư có chỗ buông xả, dù bằng
thơ dở đi chăng nữa…”
Đó là chuyện thơ ở hải ngoại còn ở trong nước
thì sao? Gần đây tôi được đọc một bài báo ở trong nước khá lý thú. Đó là bài “
Ai mua thơ ta bán thơ cho.. “ của tác giả Ngô Minh. Bài đã đăng lần đầu ở tạp
chí Văn Hóa – Văn Nghệ Công An sau đăng lại trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật. Tôi nhìn thấy
ở đó một vài chi tiết khiến chúng ta có thể hiểu được phần nào những sinh hoạt
văn học đang diễn tiến ở trong nước. Dĩ nhiên, không phải từ một vài sự kiện để
phóng chiếu thành toàn cảnh mà chính từ những ghi nhận ấy, để có một nhận xét về
một sự thay đổi rất rõ ràng. Từ lúc trước, thời bao cấp, khác. Sau này, thời
kinh tế thị trường, khác. Thơ, thì bao giờ cũng vậy, chỉ có hay và không hay.
Nhưng thi sĩ thì thay đổi theo thời thế, theo sự diễn tả của tác giả Ngô Minh.
“.. Nhà thơ Việt Nam ta sướng nhất là giai đoạn
bao cấp. Thời kỳ này, các nhà thơ không phải bỏ tiền ra in thơ cũng không phải
khổ sở mang thơ đi bán. Nhà thơ có “ thẻ bài ” của nhà nước nhiều không nhớ hết!
Họ được Nhà Nước in thơ theo chế độ bao cấp. Tùy theo chức vụ, tuổi tác trong
làng văn.. mà “ xếp hàng “ lần lượt! Có nhà thơ 60 tuổi rồi mà tính vòng quay xếp
hàng thì phải 60 năm nữa may ra mình mới được in có một nửa tập thơ! Bù lại,
cac nhà thơ chẳng ai phải bận tâm hay xót xa với số vốn Nhà Nước bỏ ra in thơ
và mua thơ cho mình. Thật tiện lợi và sang trọng. Chả thế mà cuốn thơ nào cũng
có số lượng in tới năm, bảy nghìn cuốn mà không đủ sách để bán! Có không ít người
do vị trí thuận lợi, được bao in tới gần chục tập thơ, tưởng đã lên tới lão
trong làng ai dè khi hỏi đến tên, người yêu thơ lắc đầu… Dẫu sao đó cũng là thời
vương giả nhất của thơ ca, trên góc độ thơ là cái đẹp, phải được nâng niu chiều
chuộng!..”
Như thế, thời bao cấp chắc phải có nhiều thơ
hay thì phải ? Thế mà, hình như thưa vắng lắm. Có lẽ, thơ cũng là một phương tiện
để phục vụ chế độ nên bị lai giống chăng? Không nên võ đoán nhưng nếu thơ là khẩu
hiệu tuyên truyền thì cũng khó làm xúc động được tâm tình của người yêu thi ca
!?
Thế, đến bây giờ, thời đổi mới tư duy và kinh
tế thị trường, thơ có điều gì khác lạ so với thời trước. Dĩ nhiên theo tác giả
Ngô Minh thì có nhiều khác lạ.
“… Từ khi đất nước kinh tế thị trường thì cuộc
sống thơ ca càng sôi động hơn thực chất hơn. Các nhà thơ lại tự bỏ tiền ra in
thơ và tự mang thơ mình đi bán như thời tiền chiến. Đó là một điềm lành, một dấu
hiệu đổi mới trong “ cơ chế thi ca”. Thơ in ra nhiều sẽ kích thích sáng tạo! Sự
kiểm chứng khắt khe của thị trường sẽ cảnh tỉnh biết bao người đang đi nhầm vào
“ vương quôic thơ”…
Tuy nhiên việc tự bỏ vốn ra in thơ, và tự bán
thơ hôm nay cũng có quá nhiều điều cười ra nước mắt! Mỗi năm cả nước có tới
600-700 tập thơ được in ra, nghĩa là mỗi ngày bình quân hai tập thơ được ấn
hành. Tổng công ty Phát hành sách Việt Nam cũng như các công ty con ở các tỉnh
lúc đầu có nhận phát hành chút ít cho các tác giả, về sau chỉ nhận ký gửi, đến
vài năm lại đây thì ký gửi cũng bị từ chối với lý do thơ bán không được lại chiếm
mất chỗ của các ấn phẩm khác! Do không được phát hành rộng rãi nên thơ tác giả
Huế thì Huế đọc, Hà Nội thì Hà Nội đọc, tỉnh lẻ thì tỉnh lẻ đọc. Từ đó dẫn đến
sự bình giá thơ của một số nhà phê bình cũng theo kiểu “ ếch ngồi đáy giếng ”,
chỉ thấy, chỉ đọc, chỉ phán về năm bảy tập thơ xung quanh mình! Thế là các tác
giả phải tự đi bán thơ mình!!!…”
Buôn bán, thì các nhà thơ có lẽ cũng không
thành công mấy. Theo bài báo, nhà thơ Vĩnh Nguyên ở Huế đã mang thơ mình đi bán
dạo trên các tuyến xe đường dài và tình cờ có một lần đụng độ với nhà thơ Trần
Phá Nhạc cũng đang “ sơn đông maĩ võ ” rao bán thơ mình. Thơ có lúc ngang hàng
với những thứ thuốc lang băm sâu răng, đau bụng!!! Hoặc : “.. Có lần tôi ra Hà
Nội ghé Hội nhà văn. Gặp nhau chưa kịp hỏi thăm sức khỏe, nhà thơ Nguyễn Hoa đã
chào bán ngay tập thơ “ Mưa Thuận thành ” của Hoàng Cầm. Tôi chưa kịp mừng vì
mua được tập thơ ưng ý, đã nghe Nguyễn Hoa than ” Anh Hoàng Cầm phải gò lưng ký
tặng vào từng cuốn một, bán vẫn khó chạy! Bán thơ là thế đấy ! Ra văn mà bán chẳng
ra tiền- Cái nghiệp văn chương nghĩ thật phiền ( Tản Đà)…”
Nhưng cũng có người tinh nhạy trong việc buôn
bán, dù là buôn bán những tập thơ. Âu cũng là một cung cách mới của thời mở cửa:
“.. Vài ba năm lại đây, các nhà thơ Việt Nam
dường như đã phát hiện ra một phương thức bán thơ mới, “ hiệu quả ” hơn. Đó là
cách mang thơ đến các doanh nghiệp, cơ quan trường học.. “ bỏ mối ” mỗi nơi
mươi, mười lăm cuốn, ép các thủ trưởng trả tiền! Thương các nhà thơ nghèo, chẳng
thủ trưởng nào từ chối một vài trăm ngàn tiền mua thơ. Mỗi tỉnh nhỏ tính sơ sơ
cũng tới 200 cơ quan, doanh nghiệp… một thị trường ngon lành cho thơ! Khổ nỗi
thơ mua xong thủ trưởng liền cho thơ vào tủ, không biết có đọc câu nào không! Ở
tỉnh Q. năm rồi có tới chục tập thơ in ra, với số lượng 1000 bản/ tập. Nghĩa là
các thủ trưởng phải mười lần chi tiền mua thơ và mười lần chi tiền mua thơ và
mười lần cất thơ vào tủ! Thấy thơ bán kiểu này “ngon” có tác giả bán xong nghìn
cuốn, còn tự in thêm nghìn nữa cũng bán hết sạch! Giá các tập thơ tác giả tự định
nên dễ biến hóa. Đa số các nhà thơ định giá 10-15 ngàn đồng/tập thơ 64 trang.
Nhưng cũng có không ít tập thơ với độ dày nói trên để giá tới 20 thậm chí 25
ngàn đồng! Một ông giám đốc bỏ ra 250 ngàn đồng để mua 10 tập thơ thật chẳng
đáng bận tâm, nhưng với nhà thơ bán một ngàn cuốn thơ mỏng với giá ấy, lãi ròng
trên 17 triệu đồng là con số không dễ có! Xem thế ai dám bảo rằng thơ ế!!”
Một trường hợp khác, có nhà thơ kia đã tuyên
bố một câu xanh rờn … :” Tôi quan niệm văn học cũng là hàng hóa, một loại hàng
hóa đặc biệt. Để có độc giả, nhà thơ nhà văn phải biết cách giới thiệu món hàng
của mình nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin có quá nhiều điều cám dỗ người
ta như hiện nay..”. Ở thời đổi mới kinh tế thị trường thì cũng khác. Thơ văn đã
thành một thứ để tiếp thị như một nhà thơ trùm Công An Đặng Vương Hưng làm phó
tổng biên tập báo An Ninh Thế Giới được gọi là “ nhà văn best seller “ phát biểu
trong một cuộc phỏng vấn:
“- Nghe đồn tập thơ “ Học quên để nhớ ” của
anh đã phát hành tới 30 ngàn quyển ?
-Không phải nghe đồn mà là sự thật. Thậm chí số lượng ấy vẫn còn tăng vì đến
nay sau 4 năm tôi “ rao bán ” thơ mình, vẫn có người tìm đến hỏi mua “ học quên
để nhớ “
- Nhưng bằng cách nào anh có có được con số khiến đồng nghiệp phải … thèm muốn
như vậy, khi mà nhiều tập thơ của các tác giả khác thậm chí chỉ in được vài
trăm bản?
- Tôi không dám nói là thơ mình hay, thơ mình đặc biệt, nhưng vốn là dân xuất bản,
tôi có khá nhiều chiêu tiếp thị. Trước hết về nội dung, tôi chọn in toàn những
bài lục bát-thể thơ dễ nhớ, dễ thuộc, với các đề tài tình yêu, gia đình rất
bình thường, dung dị là điều gần gũi với đối tượng thực sự yêu thơ: sinh viên,
giáo viên, bộ đội, cán bộ hưu trí ở các câu lạc bộ thơ địa phương… Bên cạnh đó
tôi cho in những lời bình về các bài thơ, đồng thời “ kêu gọi” những lời bình mới
gửi về cho tác giả tạo ra một sân chơi cho người đọc. Về hình thức, “ Học quên
để nhớ ” được in khổ 11.5 cm với 18 cm vừa vặn để cho vào phong bì gửi đi xa.
Ngay việc thiết kế phong bì đựng tập thơ thôi, tôi cũng phải làm đi làm lại đến
lần thứ ba mới ưng ý. Nhưng yếu tố quyết định vẫn là việc tôi quảng cáo trên
các phương tiện thông tin đại chúng, rằng tôi có tập thơ như thế, giá 10 ngàn đồng
rất muốn đến với bạn đọc ai có nhu cầu thì gửi về địa chỉ của tôi. Chỉ vài ngày
sau khi báo An Ninh Thế Giới đăng mẫu quảng cáo đó, tôi đã nhận được tới hàng
nghìn lá thư yêu cầu được tặng và mua tập thơ. Điều thuận lợi của tôi là đã có
một cái tên trên báo với các bài phóng sự và nhiều độc gỉa mua thơ tôi chỉ vì…
để xem nhà báo Đặng Vương Hưng làm thơ như thế nào!” Số người mua hàng chục cuốn
để tặng bạn bè rất nhiều có những người còn.. phạm luật khi “ qua mặt “ bưu điện,
bỏ tiền vào phong bì gửi thẳng cho tôi. Tôi quan niệm rằng, để lôi kéo độc giả,
mỗi cuốn sách phải có một cái gì đó là lạ…”
Như thế thì ai dám bảo thi sĩ nghèo và thơ
không bán được.Với ông phó tổng biên tập báo An Ninh Thế Giới, thơ đã thành một
món hàng để làm giàu cực kỳ dễ dàng, có phải?
Nhưng ở phần đông, cái nghiệp làm thơ thì ở
đâu, dù trong nước hay hải ngoại cũng đều giống nhau, nghĩa là cùng mang những
nỗi nhọc nhằn. Ở hải ngoại thì làm thơ cũng là một cách thế buông xả trong một
đời sống quá nhiều thúc ép. Còn trong nước, nhà thơ cũng phải chiến đấu với bao
nhiêu là sức ép để có thể có thể mang thơ của mình rao bán với cả những nỗi nhọc
nhằn… còn nếu muốn thành công thì hoặc là phải có quyền uy như ông nhà thơ “ cớm
” Đặng Vương Hưng chẳng hạn. Hoặc là phải biết “ Tiếp thị ” để văn chương hạ
giá thành một món hàng để buôn bán đổi chác.
Cách nay hơn 15 thế kỷ, nhà lý luân phê bình
văn học Lưu Hiệp trong “ Văn Tâm Điêu Long “ đã viết ” Cái chuông lớn vạn cân
chỉ có Quỳ và Khoảng mới chế định nổi. Sách đầy rương phải nhờ những nhà phê
bình tài ba mới phán đoán chính xác được. Nhạc phóng đãng nước Trịnh khiến người
ta dâm đãng. Chớ nghe theo cách sai sót mà phải theo những nguyên tắc phê phán
thì mới mong khỏi lạc đường.” ( Quỹ là nhạc sư của vua Thuấn, khoảng là nhạc sư
của nước Tấn đã dạy đàn nhạc cho Khổng Tử).
Thơ, cũng như nhạc, phải có người phê bình để
làm bật lên cái tuyệt tác. Lưu Hiệp đã đặt rất cao vị trí của người nhận định
văn chương. Bây giờ, vị trí ấy lại càng quan trọng hơn. Trong một rừng thơ, làm
sao kiếm được cho ra những bông hiếm quí. Người Việt Nam chúng ta là những người
yêu thi ca nên qua ngôn ngữ thơ chúng ta có thể nhìn được những nỗi niềm của thời
đại. Thời nào mà chẳng có hàng giả chen lẫn hàng thật. Vấn đề là phải có người
mắt xanh để tìm được những hiếm quí bị che dấu trong cái bạt ngàn kia. Thơ muôn
đời vẫn tồn tại từ những dòng tuyệt tác. Và, những yểu tử chính là những ngôn
ngữ giả dối, xây dựng từ những mánh khóe không chân thực. Thơ muôn đời vẫn là
những gì cao đẹp nhất!
No comments:
Post a Comment