Tuesday, September 8, 2015

Dưới ngọn roi chỉ đường định hướng Vọng cổ hài đi về đâu?



__________

Nguyễn Phương

Trước khi tìm hiểu Vọng Cổ Hài sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 bị định hướng chạy về đâu, tôi nghĩ là cần nhắc lại Vọng cổ hài trong thời gian trước đó.
Hồi đó, bài Vọng cổ được gọi là bản nhạc vua trong các tuồng cải lương, trong các chương trình ca nhạc tài tử và trong các dĩa hát cổ nhạc. Người ca vọng cổ hay nhứt được gọi là Vua Vọng cổ Út Trà Ôn, người ca vọng cổ hài hay nhứt là Vua vọng cổ hài Văn Hường, người viết nhiều bài vọng cổ hay nhứt được gọi là Vua viết vọng cổ Viễn Châu. Nữ nghệ sĩ ca vọng cổ được thính giả ưa chuộng nhứt được gọi là nữ hoàng vọng cổ Út Bạch Lan, người thâu dĩa cổ nhạc nhiều nhứt được gọi là hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài.

Vọng cổ hài là bài vọng cổ sử dụng hình thức châm biếm, hài hước nhẹ nhàng để đã phá những thói hư tật xấu trong dân chúng, bảo vệ thuần phong mỹ tục, góp phần đề cao văn hóa dân tộc. Bất kể là thường dân hay viên chức chánh quyền, quân đội nếu vướng những thói hư tật xấu vì sa vào tệ nạn tứ đổ tường hay mê tín dị đoan, hoặc ỷ thế hiếp cô, lường tiền, gạt tình đều bị phê phán qua các bài vọng cổ hài mang nội dung xây dựng chống các tệ đoan vừa kể trên. Người vướng vào những tệ nạn bị phê phán trong bài ca vọng cổ hài, nghe ca vẫn cười nhưng sẽ thấm thía vì khuyết điểm của mình và âm thầm sửa đổi. Người ca châm biếm không bị người nghe ghét giận hay ỷ quyền trừng phạt.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khán, thính giả không còn được nghe ca vọng cổ hài. Bốn mươi năm qua, Vua viết vọng cổ Viễn Châu, người từng sáng tác hơn trăm bài ca vọng cổ hài, không dám viết một bài vọng cổ hài nào nữa…

Xuất xứ của bài ca Vọng cổ hài.
Có tài liệu ghi : trong các bài ca cổ nhạc Đờn Ca Tài Tử có bài ca vui về Bùi Kiệm thi rớt trở về, lấy từ cốt truyện Lục Vân Tiên. Đờn ca tài tử thành ra Ca Ra Bộ, rồi được thể hiện dưới hình thức tuồng cải lương. Đầu thập niên 30, hãng dĩa Péka và dĩa hát Pathé của Thầy Năm Tú có tuồng San Hậu, nghệ sĩ hài Tư Xe trong vai Lôi Nhược, ca bài vọng cổ giọng cà lăm, nhõng nhẽo ngăn chị Ba ( Tam cung Nguyệt Kiểu) đừng xuất gia đầu Phật vì Tam Cung Nguyệt Kiểu chán đời, phản đối các anh em Tạ Thiên Lăng, Tạ Ôn Đình phản triều đình, cướp ngôi vua. Cách ca vọng cổ cà lăm của hề Tư Xe là bài vọng cổ hài trong nhiều bài hài mà khán giả thập niên 30 được biết. Ngoài ra có ca sĩ Tám Bằng, cũng trong một dĩa tuồng San Hậu, Tám Bằng ca vọng cổ hài qua vai hòa thượng Giả Ngu, ca khi tròng ghẹo Tam Cung Nguyệt Kiểu.
Hãng dĩa Asia phát hành năm 1937, bài vọng cổ hài: Cộp…cộp, bonjour thầy Ba…ca sĩ Hồng Châu ca câu 1 như sau: « Cộp…cộp…Kìa ai gỏ cửa, mầy chạy ra coi ai ? Coi chừng con chó nó sủa, rồi nó cắn người ta. Thằng sao mà ở mấy tháng trường mà cái mặt còn bơ bơ. Kìa, bonjour thầy Ba…ơ ơ mạnh giỏi? » 
Ca sĩ Hồng Châu với giọng trầm ấm, ca chắc nhịp, thỉnh thoảng ca cà lăm: con chó mực… s..s..s.. sủa cái… cái… cái thằng s..s…s… sao mà mấy tháng tr..tr..r..rường mà…, lối ca này gây cười cho thính giả. Trước đó chỉ có ca vọng cổ mùi, ca vọng cổ cà lăm là một hình thức mới rất được thính giả ưa thích.
Ca sĩ Tám Bằng ca bài Coi Chỉ Tay, hãng diã Pathé. Ca sĩ Năm Bé ca hài trong bộ dĩa Tào Tháo thất Xích Bích trên đài phát thanh Pháp Á.
Hề Lập được khán giả hoan nghênh trong lớp vọng cổ ca cà lăm tuồng Lý Chơn Tâm cởi củi khi anh đóng vai tiều phu tỏ tình với Công chúa Thủy Tề.
Năm 1956, Hề Minh xuất thân một lượt với Hữu Phước trên sân khấu đoàn Kim Thoa, Hề Minh nổi tiếng với các bài ca vọng cổ hài « Pháp sư giải nghệ », « Vợ tôi nhảy Mambô » trên sân khấu Hương Mùa Thu.
Năm 1960, soạn giả Viễn Châu gặp ca sĩ Văn Hường ca vọng cổ trong Quán Lệ Liễu ở Giải Trí Trường Thị Nghè, anh thấy Văn Hường ca rất chắc nhịp, giọng ca lạ nên mời Văn Hường ký hợp đồng với hãng dĩa Asia của thầy Năm Mạnh. Viễn  Châu sáng tác bài vọng cổ hài đầu tiên cho Văn Hường ca « Đêm tân hôn » Với giọng ca đặc biệt, cách vô chữ Ự…Ự… (thay cho chữ ơ ơ trước khi vô vọng cổ), Văn Hường được thính giả nhiệt liệt hoan nghinh qua bài « Đêm Tân Hôn». Viễn Châu viết thêm các bài vọng cổ hài « Tư Ếch đi Sài gòn », « Văn Hường đại chiến với Tư Ếch », « Ba râu đi Chợ Lớn »…
Xin đơn cử mấy câu vọng cổ « Ba râu đi Chợ Lớn » :
(Nói lới):        Chú Hai ôi! Tôi có đứa con gái út tên là con bảy Cưởng,
             Nó theo thằng chồng lên Chợ Lớn đã ba năm,
                     Ba năm trường tôi mới được lên thăm,
                     Thân già cả giập bầm không chỗ nói.
Câu 1 / -  Nội cái vụ ra đến bến xe gặp một lũ tiểu yêu đứa lôi đứa kéo, làm tôi rách tiêu cái khăn xéo và điếu thuốc rê cũng văng tuốt xuống đáy xe đò… Tôi ngồi cả canh mà anh sớp phơ ảnh vẫn ngáy khò khò… Ai nghĩ coi trong vé xe nó để khởi hành đúng năm giờ rưỡi vậy mà gần tám giờ rồi nó chưa chịu « đề ba »; buồn miệng tính hút thuốc thì sợ khói bay làm ngộp cô em bên cạnh, muốn ăn trầu thì sợ cổ trầu nó trúng bà xã ngồi bên; bực quá tôi hỏi thằng lơ thì nó đổ thừa cho anh sớp phơ, hỏi thằng sớp phơ thì nó đổ thừa cho thằng cha bán vé.
Câu 2 / -  Chừng chiếc xe è ạch lết đến bắc Mỹ Thuận thì bị kẹt cả trăm cái xe hàng, đậu nối đuôi nhau dài gần hai cây số, tôi mới ghé vào một quán cơm làm đỡ một dĩa cơm gà, trời thần ơi! gà chết từ tám đời vương mà nó cũng đem bán đại cho ông già… Rán nuốt cho hết dĩa cơm, hút hết một gói thuốc rê bự xộn, chiếc xe mới lù lù ở bển trôi qua, vừa lên xe thì tôi nghe ôi thôi điếc tai như là một đám giặc chòm: Ởi xá lị đây cô, hủ tiếu bột lọc đây bà, bác đong thử vài lon ốc gạo, ông mua dùm ít chục nem chua…
Câu 3 / -  Tôi  móc túi lấy tiền ra mua mỗi thứ một mớ tính lên Chợ Lớn cho mấy đứa ngoại nó mừng, xe chạy qua khỏi cầu An Hữu một hồi, tôi cầm gói ốc gạo lên coi thì trong 10 phần có 8 phần ốc chết. Vạch gói ổi ra thì ổi làm mặt chỉ có 2, 3 trái tốt, còn mấy trái ở dưới toàn là ổi thúi hoặc sâu. Tôi mở chín muời lớp lá chuối lấy ra một cục nem thì thấy cục thịt nhỏ bằng ngón tay út mà đen đen mốc mốc, tôi nổi dóa liệng cái giỏ xuống đường nghe một cái xạch, ngồi làm thinh mà chán nản sự đời…
Vua vọng cổ Hài Văn Hường ca thu thanh cho hãng dĩa Hồng Hoa các bài vọng cổ do Viễn Châu sáng tác: Tôi đi làm rể, Tôi đi hớt tóc, Tôi làm thầy bói, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Tư Ếch coi cải lương, Tư Ếch coi Hội chợ, Ông Địa núi Tà Lơn, Ông Trượng Tiên Bửu, Năm con vợ, Vợ tui tui sợ… Anh ca cho hãng dĩa Capitol các bài vọng cổ hài của Yên Sơn và Vân Thủy sáng tác như Già đa dạy lái Honda, Chàng rể độc đắc, Ông thần ve chai, Phi thuyền A Bôlô Bala, Saigon Tút, Vợ tôi mê ca tân nhạc… và các bài vọng cổ hài của hai tác giả Quy Sắc và Văn Giai sáng tác cho hãng dĩa Quê Hương...
Để cho các bạn nào sợ vợ có một chút an ủi và tự tin, tôi xin ghi tặng bài vọng cổ Vợ tui tui sợ để các bạn ngâm nga cho vui và tự an ủi khi “Lệnh của Bà” nheo nhéo bên tai:
(Nói lối)  Hởi những bậc nam tử tu mi,
Hởi những đấng trượng phu từ thanh niên râu chí mấy cụ già lão nhược,
Hãy đứng lên chung lưng đâu cật mà cùng nhau sợ vợ cho vui cửa…
Câu1 / -… vui nhà… Bà con lối xóm họ điệu thì họ kêu là mình thương vợ, còn họ ghét thì họ gọi là thờ Bà… nhưng ở đời mà… hơi sức đâu bận tâm miệng lằn lưỡi mối, ăn no cái rồi bươi móc chuyện của người ta hoài vậy hà… Sách có câu trị quốc tề gia, phu phụ thuận hòa thì gia đạo mới yên, tơ hồng nguyệt lão se duyên, kẻ được vợ hiền còn người rinh con vợ dữ…
Câu 2 / -   Nói không phải khoe với anh Ba, chớ tôi dám chắc nội cái xóm Nancy này không có tay nào sợ vợ bằng Văn Hường nầy sợ vợ hết á… nhưng cái sợ của tôi là có sách có vở mà... cái sợ vợ cao cấp, cái sợ vợ có nghệ thuật à, … chứ đâu phải thứ sợ tay mơ của mấy cha lục đục thường tài… vì hồi ban sơ mới lấy nhau, tôi nhè lỡ sợ nên tới ngày nay tôi tiếp tục sợ hoài… vậy mà bà con lối xóm họ đâu có thông cảm, họ xậm xì xậm xịt, họ nói là hiếu phụ nha nha… sợ vợ như là sợ.. sợ... sợ... sợ… ối, nhưng mà anh Ba ôi, tôi gẫm lại thì vợ mình mình sợ, phải hông? Chớ mình đâu có điên dại gì mình lại sợ vợ của người ta.
Câu 5 / -   Nhỏ cũng sợ mà già cũng sợ… Sách có câu: Sợ vợ mới nên. Tại tôi muốn ăn ở cho đúng sách Thánh hiền, chớ thân bảy thước ai sợ gì phụ nữ… Ủa! Lạm gì anh ngó tôi rồi anh cười chúm chím, làm tôi quê quá xá vậy anh Ba… hừ…chắc là anh nghe tôi nói coi bộ hùng hổ quá rồi anh nhớ lại, phải hông? Anh nhớ lại mấy lần đến thăm tôi, anh đều thấy tôi mặt mày sưng húp, mắt bầm đen và lỗ mũi ăn trầu… Ạ, đó là tại con vợ của tôi nó nựng tôi hơi nặng tay nên tôi mới bể đầu… thì đâu có sao… chết chóc gì anh Ba, sách có câu: Đèn nhà ai nấy sáng, thương nhau lắm mới đánh nhau đau, lỗ đầu gẫm chẳng có sao, băng keo dán lại, lấy dầu xức vô, máu ra một lác nó khô, chớ còn cãi lại thì ô hô sanh buồn.
Câu 6 / -   Đó! Anh Ba thấy hông… từ vua chúa tới thứ dân, từ khố rách áo ôm cho tới tai to mặt lớn, từ quê tới tỉnh, từ ruộng rẩy tới thị thiền, ai ai cũng sợ vợ ráo trơn ráo trọi hết, bởi vì cái vụ sợ vợ là cái sự dĩ nhiên mà anh Ba… xấu hổ gì chuyện đó anh? Đàn bà là xếp gia đình, Nam tử tụi mình phải rắc rắc tuân theo. Sợ nào bằng sợ vợ làm reo. Nổi giận nó dám bỏ chèo queo một mình….
Sách Nhị Thiên đường có câu: Phu xướng phụ tùy, dạy một cách khác nữa là chồng phải quỳ (oui) khi vợ gọi, anh Ba ơi, nên hư số hệ nơi trời, vợ mình mình sợ, ai cười mặc ai.
(Vọng cổ Vợ tui tui sợ, nghệ sĩ hề Văn Hường ca
Những bài ca vọng cổ hài viết về những trái khoáy trong xã hội, từ chuyện vợ chồng, những tệ đoan tứ đổ tường, chuyện mê tín dị đoan, những chuyện lường gat mất tín nghĩa, những suy thoái trong cuộc sống vi phạm đến đạo đức cổ truyền của dân tộc đều được đưa vào nội dung bài vọng cổ hài để nhắc nhở nhau qua rất nhiều giọng ca của các danh hài như Văn Hường, Hề Minh, Văn Chung, Hề Sa, hề Qưới, hề Vui, Hề Tư Rọm, hề Giang Tâm, hề Tám Lắm, hề Bảy Xê, hề Châu Hí, hề Kim Quang, hề Lí lắc, hề Vũ Đức… tất cả các danh hề đó mỗi người một sắc thái, một giọng ca dễ thương đem niềm vui đến cho khán, thính giả qua lối ca giọng cổ hài, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng tự tình dân tộc, tình nghĩa làng xóm.

Cần ghi nhận một điều là phải có tự do sáng tác thì mới có những bài vọng cổ hài, cũng như phải có tự do sáng tác thì mới có những tác phẩm hay, những công trình lớn trong văn học nghệ thuật.
Ngoài điều kiện quan trọng là phải được tự do sáng tác, người viết bài vọng cổ hài phải có cái nhìn sự việc độc đáo và biết sử dụng ngôn ngữ hài. Nhìn sự việc độc đáo là nhìn ra được khía cạnh nào để châm biếm, chọc cười người nghe mà có một nội dung phê phán việc xấu, người xấu, những hủ tục cần đả phá và phải dùng lời văn nhẹ nhàng, duyên dáng, gây cười khiến cho người nghe dù là người bị châm biếm, họ cũng cười và thắm thía, tán thành lối châm biếm đó.
Sau năm 1975, các soạn giả chuyên viết vọng cổ hài và các danh ca hài không còn đất dụng võ. 
Bộ Văn Hóa, Sở Văn Hóa Thông Tin, nhà nước từ trung ương đến thôn xã quy định cho người dân, kể cả các văn nghệ sĩ đều phải suy nghĩ và hành động theo một định hướng của đảng CS đề ra. Chỉ cần một cái đầu của Bộ chính trị, của Bí thư đảng suy nghĩ thay thế cho toàn dân. Mọi người đều phải suy nghĩ, nói năng, sáng tác hay hành động theo định hướng của đảng. Bất cứ tác giả, nhà văn nào suy nghĩ khác hơn những điều đã được định hướng của đảng thì đều bị cấm, bị bắt giam, tù đày không biết đến ngày nào mới được trả tự do.
Từ tháng 6, tháng 7 năm 1975, các soạn giả và nghệ sĩ được cải tạo tư tưởng theo quy định của nhà nước: đó là chỉ ca ngợi bác và đảng, không được có bài hài hước cười nông dân, thợ thuyền. Mọi hành động xấu xa, đáng bị chê cười, nguyền rủa đều đổ cho Mỹ, Ngụy, Tư Sản, địa chủ. Tức là trong văn chương và hát xướng phải có lập trường giai cấp theo đảng đã định.
Sáng tác theo Nghệ thuật Hiện Thực Xã Hội chủ nghĩa là mọi hành động tốt, người tốt là của Ta tức là thuộc về dảng và tầng lớp tay chân theo đảng. Tất cả cái nào xấu, dầu là tưởng tượng ra đều gán cho Địch, tức là Mỹ Ngụy, là Tư sản địa chủ, phong kiến.
Đến nay đã 40 năm sau cái ngày 30 tháng tư đen tối, Vua viết vọng cổ Viễn Châu vẫn không viết được một bài vọng cổ hài nào. Các danh ca vọng cổ hài 40 năm qua không có được một bài vọng cổ hài nào để ca.
Những tệ đoan xã hội không phải không có, như chuyện tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng trong vụ Vinashin, mua tàu Hoa Sen rồi không dùng được, những vụ xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng làm mất đi 316,5 tỉ đồng, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân làm thiệt hại hơn 66,5 tỉ đồng, vụ đầu tư tàu Bình Định Star thiệt hại hơn 30,4 tỉ đồng, vụ bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại hơn 27 tỉ đồng, vụ làm cầu đường PMU 18 của Bùi Tiến Dũng và tâp đoàn tham nhũng cũng bị nhận chìm xuồng luôn!
Nếu có tự do sáng tác, soạn giả Viễn Châu và các soạn giả khác chắn chắn viết được hàng trăm bài ca hài để vạch mặt bọn CS tham nhũng, bán nước buôn dân.
Nhiều vụ tham nhũng cấp quốc gia…, lẽ nào không đáng được một bài vọng cổ hài lôi ra tố cáo cho bàn dân thiên hạ được biết? Sự đồi trụy xã hội có quy mô cả nước cũng không được lôi ra phê phán!
Dưới ngọn roi chỉ đường định hướng, con đường đi của Vọng Cổ hài và tất cả các sáng tác phẩm chân chính đều bị giết chết từ trong trứng nước.

Nguyễn Phương.



3 comments:

vđk said...

Hồng hơn chuyên làm mất hết sự sáng tạo, không có sáng tạo thì mất sự phong phú, mất tính cạnh tranh,làm sao mà vươn cao lên được,cứ lẹt đẹt đi sau thiên hạ. Buồn lắm thay !

Anonymous said...

LMH có hát được Vọng cổ hài không?
… Chời ơi, dzọng Mỹ tho vừa cò ke vừa cà lllă ămmm thì giết hết… mọi người.
Ái Đứt Ruột

Anonymous said...

Dư sức qua cầu, Ái Đứt Ruột ơi ! Tui mà hát hài thì Ái Đứt Ruột trở thành Ái Lộn Ruột Tùng Phèo đó nghen ! Ha ha ha ...chờ đi nghen !