NGUYỄN NGỌC HOÀNG
Mỗi năm vào đầu
tháng Tư, thành phố tôi ở phủ đầy bụi phấn thông vàng. Cả bãi đậu xe, phủ một
màu lấm tấm vàng. Sân nhà, ngõ dọc theo mọi con đường dẫn tới phố xá như lót tấm
thảm bụi vàng cùng khắp. Mùa của đầu xuân và mùa của dị ứng. Người ít kẻ nhiều,
nhẹ thì ngứa mắt chảy mũi, nặng thì có thể nằm liệt giường hoặc vào cả bệnh
viên.
Tôi thuộc nhóm thứ nhất, ngứa mắt nhảy mũi đến độ không
muốn ló mặt ra đường. Đã thử nhiều loại thuốc chuyện trị dị ứng các loại phấn
hoa, nhưng cũng chẳng có hiệu quả gì. Đâu lại vào đó. Đầu xuân nên mưa càng hiếm
hoi. Đôi lúc những cơn mưa đầu mùa như càng thêm sức cho bao nhiêu lớp bụi phấn
hoa kéo về theo gió. Tôi chợt thèm, chợt thương nhớ những cơn mưa dầm, những
làn hơi nước phả từ những dòng sông lượn uốn quanh quẩn quê tôi. Dòng sông trước
nhà nội, xuôi tuổi thơ tôi tận cuối cửa vàm. Để con sông nhỏ hòa mình vào dòng
sông Cái, mờ mịt bên kia sông chảy về chợ huyện. Để những chiều mưa, ngối nhìn
từng cụm lục-bình hoa tim-tím nhạt, trôi mênh mông về một phía trời thương nhớ
khôn nguôi.
“Tôi
đứng bên này sông
Trời
mưa bên kia sông, hắt hiu tâm hồn
Dòng
sông cũ, êm đềm gợi nỗi bâng khuâng..!”
(Mưa Bên Kia Sông – Thiện Lý)
Tiếng hát Lệ Thu
trước kia và hôm nay là của Hoàng Vân, trầm ấm, thiết tha nỗi nhớ.
Chừng như đến một độ
tuổi nào đó, giai đoạn cuộc đời nào đó con người chợt dừng lại, cúi mặt hay ngoảnh
lại nhìn chính đời mình. Nhìn lại khoảng đường của quá khứ, nhìn lại những bóng
hình của kỷ niệm ẩn hiện, chập chùng. Những thành bại, những được mất và những
khổ đau, hạnh phúc trôi xuôi theo một kiếp người. Có những điều ta muốn nâng
niu, nếu được sẽ làm nhiều hơn, làm đẹp hơn có thể. Có những chuyện ước gì ta
được sống lại, được bắt đầu lại với tất cả đam mê, tất cả nghị lực như ngày mai
không thể. Hay một duyên phận mà ta tự hỏi, nếu được thay đổi ta sẽ ra sao những
mai này? “Gió mưa là bệnh của trời, tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” (Nguyễn
Bính), câu thơ gối đầu giường của tuổi mới lớn. Mà cũng lạ, cứ mỗi lần cơ thể
tôi “sụt sùi” xổ mũi là đầu óc lại lâng lâng nhớ chuyện xa xưa! Bao nhiêu hình ảnh
của quá khứ như những thước phim chiếu chậm, lần lượt hiện về, không lớp lang
không thứ tự. Hình ảnh ngôi trường nhỏ
nhắn nằm im lặng, khiêm nhường với hàng bạch đàn dọc theo con đường vào sân trường.
Những lớp học thấp, bàn ghế thô sơ với những ánh mắt trong sáng, thơ ngây có
chút bâng khuâng của tuổi học trò. Tuổi của mộng mơ, của hoài nghi, của ước vọng
và có cả chút nổi loạn. Thời kỳ của những đổi thay khốc liệt nhất của xã hội,
con người và đất nước. Đời sống pha trộn tất cả bao nghịch lý, mâu thuẩn, mất
mát đến tàn nhẫn... Tất cả cũng trở thành hình ảnh của quá khứ, của kỷ niệm. Kỷ
niệm của ngả ba sông, bến đò chiều qua An Hòa, chợ Giữa:
“...
Đò ghé An Hòa, đò qua chợ Giữa
Em
tan trường, sách vở cũng reo vui
Mặt
nước sông đầy, mặt nước sông trôi
Thương
dòng chảy một đời soi nỗi nhớ...” (NNH)
Kỷ niệm của ngõ rẽ
về kinh Cụt ngày mưa, con đường đất lầy trơn trợt. Kỷ niệm của Tắc Cậu, Tà Niên
bửa cơm trưa đạm bạc chỉ với món khóm xào hành với nước mắm, sao mà nhớ đời đến
như vậy. Với đường vào Mông Thọ, vườn nối vườn cây trái dọc bờ mương. Nồi cơm
chiều đã bắt lên bếp, đứa học trò mới xách “nôm” nhảy xuống con rạch nhỏ tìm
cá. Với Gò Quao, hun hút những xã, thôn làng băng qua bao bờ ruộng dọc ngang.
Đi qua những chiếc cầu tre “lắc lẽo gập ghềnh khó đi”, thầy trò phải kẻ nắm người
nương, nín thở qua sông. Với những ngày tháng tham gia công tác ở huyện Giồng
Riềng, thầy trò cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân chúng xã Hòa Thuận. Đêm gió lộng
khắp cùng, bên ngọn đèn dầu vàng vọt, ngồi kể nhau nghe “chuyện của phần đời”.
Với Vàm Răng, ăn bờ ngủ bụi, những bàn tay lấm đất có một lần mong ngăn nước mặn
không vào bờ đất, ruộng nương.. . Tất cả như chợt thoáng qua, như một phần đời
không thể thiếu. Những khuôn mặt, những cái tên và những chợt nhớ chợt quên!
** ***
“...
Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét
ai cứ bảo rằng ghét
Dù
ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng
không nói yêu thành ghét
Dù
ai cầm dao dọa giết
Cũng
không nói ghét thành yêu...”
Những câu thơ trong
bài” Lời Mẹ Dặn” của Phùng Quán theo tôi suốt cuộc hành trình viễn xứ. Như lời
tâm nguyện, như “khẩu huyết” hằng ngày.
Thuộc lòng nhưng không dễ trở thành “nội lực”. Bao vấp ngả quê người, mỗi lần
tưởng quỵ, tôi lại ngẫng đầu, để những giọt nước mắt chảy ngược vào lòng mình
thấm mặn. Tôi đấu tranh không ngừng với bản thân và người bản xứ. Cộng đồng người
Việt ở đây chỉ là nhóm bạn cuối tuần. Nấu ăn, “gọi nhau” để chia sẻ, để cảm nhận
tình đồng hương còn đó chung quanh. Rồi thì ngày hôm sau, đầu tuần, mọi người lại
hòa nhập vào dòng đời “tha hương”, mặt đối mặt với xã hội, công việc, con người
của một “quê hương thứ hai”. Ngôn ngữ tiếng Việt chừng như là di sản còn lại,
ngôn ngữ “mang theo” đôi lúc ngỡ ngàng, lạc điệu. Phương tiện truyền thông hiện
đại của “mạng”, càng khiến tôi nhận thức sự cách biệt, khó hiểu ngay chính ngôn
ngữ mẹ đẻ của mình. Nhớ lần về Việt Nam năm 2011, trên đường từ phi trường Tân
Sơn Nhất về Rạch Giá, chỉ nói chuyện với anh tài xế trẻ tôi đã ghi chú được cả
trang từ ngữ tiếng Việt, mà tôi thật sự không hiểu hoặc không rõ nghĩa. Nếu anh
tài xế mà biết được tôi đã từng học và dạy môn văn học, chắc anh cười tôi chết!
Hay nhiều lần, trên đường về, sau buổi họp mặt gặp gỡ, ăn uống cuối tuần với
vài gia đình người Việt trong vùng, bà xã cằn nhằn:
- Anh không biết người
ta đang nói mỉa mai đó sao?
- Hưmm….. . thật vậy
à? Anh có thấy gì đâu!
Bà xã đành chịu, lắc
đầu thở dài. Mà tôi thật sự không hiểu, không để ý thật. Biết bao nhiêu điều thẳng
thắp, sáng rực giữa đời sống, tôi còn chưa kịp hiểu và sẽ mãi không hiểu hết
nói gì đến loắn xoắn, quanh co. Cũng có thể do méo mó nghề nghiệp, là người phải
xữ dụng loại “ngôn ngữ” phần mền (programming languages: C, C+, java, SQL...) từng
giờ, từng phút tôi không còn quen với những “bóng gió”, loanh quanh bụi rậm
(around the bush). Thời gian đời người thoáng chốc, thế hệ của tôi đã bước qua
ngưỡng tuổi “tri thiên mệnh”. Bốn cửa
quy luật tạo hóa: sinh, lão, bệnh, tử thì xa xa chỉ cánh cửa hẹp cuối cùng. Nhận
thức quy luật tự nhiên không có nghĩa là tiêu cực, mà tự
tại, quý trọng mỗi giây phút của hiện tại đang lặng lẽ trôi qua.
Tháng Tư, nơi tôi ở là đầu mùa xuân. Mùa của hoa nụ, chồi non. Mùa của bụi phấn thông bay lấm tấm, phủ vàng khắp ngõ. Mùa của dị ứng, xổ mũi ho hen. Đầu óc, cơ thể uể oải không hiểu tại sao. Mùa của đất trời mênh mang nỗi nhớ bâng quơ. Không định hình, không khung ảnh rõ rệt. Những nỗi nhô thương hằn sâu hơn trong bao la của ký ức. Cưỡng chiếm nó chỉ làm quá khứ thêm hoen mờ và kỷ niệm khuất chìm, loang vỡ.
“... Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ
nhà
Từ những phố xưa tôi về
Ngày xuân bước chân người rất
nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ
Nhiều đêm thấy ta là thác đỗ
Tỉnh ra có khi còn
nghe...”
(Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ – Trịnh Công Sơn)
Đầu tháng Tư, 2018
NNH
3 comments:
Tuổi trẻ hướng tới tương lai, người già nhìn lại quá khứ. Bao kỹ niệm thời thơ ấu, bỗng nhiên chợt trở về, thời gian trôi đi mãi, đầu tóc trắng như vôi, sanh lão rồi bệnh tử, quy luật của tự nhiên , thẳng tiến một con đường. Hãy vui với hiện tại. Hiễu biết và yêu thương.
Anh Nguyễn Ngọc Hoàng còn yêu đời lắm
Thầy nói thấm ý quá thầy ơi.
Làm người tị nạn ly hương càng lớn tuổi hình như ta càng nhớ và về tìm về cuội nguồn nhiều hơn , có lẻ vì đã thấm mệt và thấy chuyện cơm áo, con cái không còn là nổi lo hàng đầu nữa.
Qua đây cái gì ta cũng khắc phục và hội nhập dễ dàng, riêng cái chuyện dị ứng sao mà nó làm cho mình và mọi người điêu đứng và tự dưng tốn tiền cho nó à, bảo hiểm đâu trã cho khâu này huhuhu và nó đeo đẳng, trở lại mùa xuân và mùa thu mỗi năm ...
Nói thiệt KT tự dưng cũng bị dị ứng vài thứ khá nặng phải đeo vòng trên tay để lỡ có tai nạn thì vào nhà thương người ta còn biết tránh mà cho thuốc, bởi dị, đã gặp mùa đông khắc nghiệt thêm mùa xuân lại bị dị ứng thế là khào khào có khi hát mà hỏi : ủa phải giọng cô 5 RG không ta ?
Nhưng nhìn lại xung quanh mình còn hàng triệu người khốn khổ nên thấy mình khỏe ru, chuyện dị ứng chỉ là chuyện nhỏ thầy hé.
KTP
Mấy ngày nay tui bị ba cái bông phấn làm nhảy mũi quá chời luôn! ách xì...
Người bị dị ứng
Post a Comment