_______________
Không biết khởi thủy từ bao
giờ, con người đã chế tạo ra cái cân để dùng trong đời sống. Có thể ban đầu người
ta chỉ dùng cặp mắt để so sánh, định lượng, nên trong ca dao mới có câu: “Con mắt
là mặt đồng cân”.
Vì đời sống có qúa nhiều nhu
cầu, mà nhu cầu lại thay đổi theo không gian và thời gian, cũng là để thỏa mãn đôi
đàng : Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại nên nhu cầu cân, đo, đong, đếm theo thời
gian bám chặt lấy cuộc sống.
Vừa lọt lòng mẹ ra là các bà
mụ ở vùng thôn quê, không có trạm xá hay phòng hộ sinh với kinh nghiệm là có thể
phán đứa bé sinh ra được mấy cân (ký), không xa với thực tế là bao nhiêu. Còn ở
thành thị, nơi sức khỏe được chăm lo kỹ hơn thì đứa bé sau khi cô nữ hộ sinh cắt
cuống rốn, lau chùi sạch sẽ là được đặt lên bàn cân ngay thôi. May mắn cho những
bà mẹ có con sinh ra bình thường thì thở phào nhẹ nhõm, còn chẳng may thiếu tháng,
thiếu ngày, cân chẳng được bao nhiêu, phải cho vào lồng kính nuôi tiếp thì ngày
đêm theo nhịp thở của đứa con mà phập phồng lo lắng. Từ đó lớn lên cái cân cứ bám
sát cuộc đời, đi đâu cũng thấy, thấy hàng ngày, hàng giờ, kể ra thì tràng giang
đại hải. Ở đây người viết chỉ đề cập đến một giai đoạn" cải tạo" của quân cán chính
niềm Nam sau 30-04-1975.
Theo thông cáo mang tiền đi cải
tạo 15 ngày, người viết cũng khăn gói qủa mướp đến trình diện tại nơi cư trú vào
buổi sáng ngày 26-06, đến chiều được chở đến trại Tân Hiệp, Biên Hòa, từ ngày đó
cho đến những tháng năm bóc lịch ở K-3
Long Khánh, rồi ra Ba Sao, Hà nam Ninh, cái trại tù kiểu mẫu của thiên
đường xã hội chủ nghĩa cho tới ngày được thả, cái cân bám chặt như con đỉa đói,
nhất định không rời. Sở dĩ như vậy là do cái cân nó liền với khẩu phần ăn hàng
ngày.
Nghe nói theo qui định của nhà
nước, mỗi tù cải tạo nếu sinh hoạt bình thường, tuân theo nội qui của trại, lao
động tốt, học tập tốt... thì được hưởng 15 cân lương thực (gạo, bắp, bo bo,
khoai mì lát, khoai tây...) một tháng. Đội nhà bếp sau khi lãnh ở kho đem về tùy
theo nhân số của trại, đem số lương thực đó ra cho vào chảo nấu chín, bỏ ra cân
từng nồi cho nhóm 5 người, mỗi đội tùy
theo sĩ số mà lãnh số nồi về . Thời gian đầu ở trong Nam, hàng tháng còn có gia
đình thăm nuôi nên nhóm ăn còn ăn “tự giác”, nhưng càng ngày thăm nuôi cũng thưa
dần nên tự giác không còn được áp dụng, lý do nhóm ăn có cả gìa lẫn trẻ, mà trẻ
thì đánh nhanh, đánh mạnh nên những người có tuổi luôn luôn bị thiệt thòi, để tìm
sự công bằng mọi người đều đồng ý lấy cân làm quan án, khi được chuyển ra miền
Bắc , không ai nói với ai việc cân được áp dụng ngay từ ngày đầu.
Có nhiều kiểu “cân” tùy theo
những người trong nhóm thỏa thuận với nhau. Ban đầu mỗi ngày cử ra một người trực,
người này có nhiệm vụ chia cho những người trong nhóm với con mắt kiểm soát của
các thành viên, tuy nhiên có người cho rằng khi đến phần của mình, người trực
thường có khuynh hướng nặng tay, vậy là người ta đặt thêm ra luật là phải có
hai người trực một ngày, một người múc và một người đổ, tất cả những đồ đựng phải
để sau lưng người múc
(Tức người múc không được nhìn
thấy đồ đựng của mình). Cơm, bo bo, bắp thì có thể áp dụng cách thức vừa kể, những
ngày lãnh phải các thứ khác như khoai tây, khoai lang hay khoai mì lát cách múc,
đong gạt không làm vừa lòng thành ra phải tìm cách chế ra cái cân bằng cách kiếm
một cái điã buộc bốn sợi dây treo vào một khúc que thẳng và kiếm hòn đá làm quả
cân.
Khi đã lãnh được phần ăn rồi,
mỗi người lại “cân” vào miệng một cách khác nhau, người mau mắn chỉ năm, mười
phút là xong, sau đó nằm nghe cái bụng kêu ọc ọc, người khác thì luôn để sẵn môt gô nước đầy, ăn một miếng, hớp
thêm vài ngụm nước, khi xong rờ rờ cái bụng xem có phình ra được khá không, người
khác lại rất thong thả, múc từng thià, hít hít hà hà lấy hương vị rồi mới cho vào
miệng nhai, nhiều người bữa trưa chỉ cân phân nửa, còn lại dồn đến chiều nhập lại
để tìm cảm giác no no.
Cân kiểu nào thì cơ thể mỗi
ngày cũng mất đi ít chục gram, và mỗi năm xương sườn, xương sống càng lộ thêm
ra thôi. Chính sách khoan hồng của đảng thể hiện rất chân thực và rõ nét trong
cái lò cải tạo :
Cái lò "cải tạo" đảng xây,
Cân, đo, đong đếm héo gầy mới
yên.
Cho ăn no mập thêm phiền,
Khoan hồng là để qui tiên kiếp
người.
No comments:
Post a Comment