Sunday, August 5, 2018

Tuổi thơ và cuộc đời kỳ. 28

Tự truyện của Hình Toàn


Songkhla, Thailand

 Sáng hôm sau làm danh sách từng con tàu được cứu hôm qua (tàu tôi 134 người chết một người, sau này tôi mới biết số đi chui theo cũng gần bằng số người dự tính lúc đầu, người vb không biết trước những nguy hiểm trên đường đi, miễn xuống tàu để ra khơi là được, đúng là trốn theo để được chết cùng) trên tàu sắt những người được cứu trước thì họ có chỗ nằm ngồi tương đối tốt ở ven thành tàu có bóng che, nhưng tất cả cũng chen chúc ngồi tránh nắng, bánh mì cơm cháo thì họ phân phát ngày ba bữa, cứ cách ngày thì có tàu cao ủy tiếp tế nước uống thực phẩm và nước sạch tắm giặt (hai ngày một lần) như đã nói tôi chỉ có một bộ đồ dính da, nên tắm và giặt xong tôi vắt thật ráo nước rồi mặc vào đứng phơi nắng cho khô, lúc ấy tuổi trẻ nhiều nghị lực nên không bịnh tật gì cả mọi gian khổ tôi đều bước qua .
        Có những đêm nằm đếm sao trời tôi nhớ về chú, khi nào chú mới đi ..lòng tôi mong nhưng trong tri thức có gì rờn rợn, tôi muốn nhắn gởi những người định ra khơi thôi xin dừng lại, đừng đem sinh mạng ra mà đánh đổi nữa, kinh khủng lắm, tang thương lắm người ơi, 99% phần là chết chỉ có 1% hy vọng, một bài toán mới ra đề đã mơ hồ biết được đáp số.
     
     Thương ai làm kẻ đưa đò
     Đò đưa mấy chuyến trăm người sang sông 
     Nghìn người đã vượt biển đông
     Phong ba bão táp đi tìm tự do
     Tình người không bán mà cho
     Không đồng ngôn ngữ người ta cứu người
     Thương người hôm lúc tiễn đi
     Ngàn câu muốn nói nhưng sau nghẹn lời
     Thương vì vận nước điêu linh
     Tôi đi bỏ lại tơ lòng vấn vương ...

     Ôi những con người không cùng màu da tiếng nói nhưng vẫn vang tay cứu và đón nhận những thuyền nhân, tôi thấy có người mắt màu xanh trong vắt, có những đôi mắt màu xanh da trời, màu xam xám, màu nâu vàng màu hổ phách họ từ những nơi trên thế giới, tuy không đồng ngôn ngữ nhưng chung một tấm lòng vị tha nhân từ và bác ái, họ từ những quốc gia trên lục địa xa xôi vượt ngàn hải lý về đây để mở rộng vòng tay mà đón nhận BOAT PEOPLE, những con người rách nát tả tơi, họ xót thương cho thân phận con người những người con dân xứ VIỆT, cuộc vb vĩ đại đã đánh động lương tâm thế giới nên sau này có những con tàu cứu người vượt biển ra đời 

   ÔI NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG....

     Khi đêm đến chúng tôi lượm những thùng canton trải ra giữa sàn tàu mà ngủ. Không có mền nên cũng dùng thùng mà đắp, cứ nằm đó đếm sao ...và nghe sóng vỗ ...ôi khách sạn ngàn sao bốn bề lộng gió, có đêm trăng sáng cảnh trời thật đẹp thật nên thơ ...chỉ cách nhau có một hai ngày mà cảm nhận về nhân sinh đã khác, dầu vẫn còn ở giữa biển cả mênh mông nhưng trong mắt nhìn có một niềm tin ... sự sống và cái chết chỉ một làn ranh nếu hôm trước tàu chúng tôi buông xuôi đầu hàng số phận ...thì giờ này chắc nằm dưới lòng đại dương, chỉ cần một chút nữa thôi ...thì tất cả không còn và tôi một người con gái trải qua biết bao nghịch cảnh vẫn giữ được mạng sống nên tôi vô cùng trân quí ... xin cám ơn thượng đế... một số mệnh đã được an bài ...

    Một ván bài định mệnh mà tôi đánh cược bằng ba sinh mạng, xém chút nữa thì Ngọc Hoàng giũ sổ rồi, chúng tôi ở trên tàu giữa biển khơi gần 10 ngày, cứu thêm được vài chiếc ghe vb nữa, xong chuyển vào trại Songkhla Thái Lan 
     Ngày đầu tiên đặt chân lên đất liền tôi nghe lòng phơ phới một niềm vui không nói được, mặc dù bước chân vẫn xập xình như sóng nước. Trong trại nghe tin có tàu cập bến tất cả đổ dồn ra bờ biển để tìm kiếm người quen
Ôi ...người ta cũng đông quá đó là những người đã vượt trùng dương và may mắn sống còn, xin chúc phúc cho người và cả cho tôi 

Hình Toàn - 1981

     Chúng tôi những người mới đến đang ngồi trước cổng trại để chờ làm thủ tục nhập trại nhiều người vây quanh hỏi thăm tin tức, thì tôi nghe tiếng reo vui mừng rỡ của chị ở xóm con ông Tám Cảnh (con gái của bà vợ lớn xóm tôi) hỏi thăm rối rít ...ôi tình đồng hương gặp nhau trong hoàn cảnh này thiệt là mừng muốn khóc chị ấy hỏi :
    -- Ăn gì ...ăn gì ? Ăn Xôi nha (tự hỏi và tự trả lời, sau vài ngày tôi mới biết chị ấy bán xôi cho bà già chồng)
chị em tôi gật đầu lia lịa ...tôi còn đưa lon gigo dặn thêm cà phê đá (tôi ghiền cà phê từ nhỏ) xôi thì chị ấy đem tới rất nhanh còn cà phê thì đi nửa buổi
(vì phải đi mượn tiền). Ở đây tôi không nói về gói xôi hay ly cà phê đá mà tôi muốn nói về tình người, tình đồng hương vượt qua muôn ngàn sóng gió, đói khát hiểm nguy được sống còn tình cờ gặp lại nhau trên đất lạ quê người trong đời tỵ nạn ..ôi qúi vô cùng ...



Em trai, chế Ba, Hình Toàn - 1981

    Tôi đến trại Songkhla gần cuối tháng 5/1981 vừa tròn hai mươi lăm tuổi đời 
Trong trại có tất cả ba mươi mấy lô (một lô là dãy nhà dài rất dài bằng cây lá dựng trên bãi biển có đóng sạp ván để làm gường chia mỗi người mấy tấc) nên cập theo trại là bờ biển chạy dài cát trắng ngà nóng cả bàn chân cũng có văn phòng cao ủy, bệnh xá, phòng phân phối lương thực, nhà thờ công giáo, chùa ...tất cả đều đơn sơ nhỏ bé, có vài cây nước bơm lên từ lòng đất để dân trong trại có nước mà tắm giặt.
    Lúc ấy trại rất đông nên không còn chỗ trống, có một gia đình ở lô 29 thấy hoàn cảnh chị em tôi nên cho gởi thằng em ngủ nhờ còn chế ba và tôi thì tự kiếm chổ ngủ, không có nồi niêu nấu nướng thì lãnh đồ phân phối về nấu chung với gđ (ở trại cao ủy chỉ phát thực phẩm gạo thóc cho mình tự nấu vì mấy chục ngàn người nên không thể nấu phát ngày ba buổi được) 

    Cát thì buổi trưa hè rất nóng mà tôi thì chỉ có bộ đồ trên người, không nón khăn và cả đôi dép, từ lô 29 lên tới đầu trại để làm giấy tờ hay đi lãnh supply, tôi cõng em trên vai mà đi dưới cái nắng chang chang của buổi trưa hè hay sáng tinh mơ (em đã cùng tôi vượt qua biết bao gian khổ từ trong tù đến biển cả mênh mông chết đi sống lại giữa cuộc đời, nên em xem tôi như người mẹ thứ hai của em, tôi hơn em 16 tuổi)

     Một hôm dưới bờ biển tôi lượm được đôi dép ai bỏ, tôi mừng lắm nhưng nhìn kỷ thì hai chiếc chỉ có một bên phải, mà hai màu khác nhau nó mòn đến cạo râu còn đứt, thôi có còn hơn không của người ta bỏ mình lượm xài đỡ cho khỏi nóng chân, rồi có một hôm buổi trưa tôi cõng em đến cây bơm nước, bên kia đường lại văn phòng của cha JOE.

Đang bơm nước

    Đang hì hục bơm nước thì cha JOE giơ tay ngoắc, hai chị em nhìn dáo dác không biết ông Mỹ này kêu ai, ổng chỉ chỉ ra dấu kêu mình, cõng em chạy sang thì ổng ra dấu là cho áo quần rồi ông lấy ra cho em hai chiếc áo và cái quần đùi, còn tôi thì một chiếc áo và cái áo lạnh bằng nhung gân màu xanh dương, thằng em tôi ra dấu có ba người, nên ông lại mang ra cho thêm hai chiếc áo (dĩ nhiên là lớn và rộng thùng thình vì size của Mỹ) nhưng hỏng sao vì chế ba tôi là thợ may nên sửa lại được, tôi còn được voi đòi tiên ra dấu xin một bì thư có sẵn giấy viết thư và tem, khi viết xong chỉ cần gấp lại gởi đi, vì hổm nay tụi tui là con bà phước không có liên lạc thân nhân nên hỏng có ai gởi tiền đói meo râu chỉ sống nhờ đồ cao ủy, xài động từ tu quơ mà cha JOE cũng hiểu...chị em tôi cám ơn quá chừng .
    Thằng em tôi mừng quá chạy cà thọt về báo tin với chế ba mà giọng nó run run vì vừa mừng vừa mệt ...Ôi những manh áo khi nghèo khó như một kho tàn quá lớn, như lượm đựơc vàng tôi mừng quá đổi, hôm đó chế ba mượn kim chỉ và dùng tấm canton cứng làm thước đo cắt sửa lại những chiếc áo quá khổ để mặc mai sáng lên văn phong cao ủy chụp hình làm giấy tờ xin tỵ nạn 

    Chị em tôi ban ngày thì ngồi chen chúc và ăn uống cùng gđ ở lô 29 (tôi quên tên vợ chồng sồn sồn và ba đứa con) ban đêm thì gởi thằng em ngủ ở đó, còn tôi và chế ba thì xuống bãi biển ngủ, ở đó người ta ngủ cũng nhiều lắm vì đông quá không còn chỗ trống trên các lô nhà, người ta còn có manh chiếu tấm nylon hay tấm vải để trải trên cát biển, còn chị em tôi chỉ có đít không, ngồi nhìn biển chán đêm về thì nằm lăn ra mà ngủ, thế cũng xong nhưng được một hai tuần thì xảy ra tình trạng tụi Thái Lan cặp tàu vào bắt cóc phụ nữ, nên cao ủy không cho đàn bà con gái ngũ dưới mé biển và biện pháp cuối cùng là làm dãy hàng rảo kẻm gai chạy dài bờ biển (nghĩ tụi cướp cũng gan thật, lên trại rồi mà tụi nó vẫn không tha cho dân tỵ nạn)
    Không có chỗ ngủ chị em tôi hỏi xin ngủ tạm trên băng ghế nhà thờ công giáo nhưng phải đợi hết lễ cuối ngày (9,10 đêm) sáng phải dậy trước khi lễ sáng (5giờ) những chiếc băng ngồi thì đóng trên cát bề ngang chừng ba tấc dài chừng hai thước để các con chiên của chúa ngồi tạm dâng lễ trong trại tỵ nạn nên rất đơn sơ .... ôi trên bước đường lưu lạc tha phương tôi gặp chùa cũng lạy, gặp chúa cũng AMEN... 
   
       Lạy chúa con là người ngoại đạo 
       Nhưng tin có chúa ở trên cao...
                 HAY LÀ
       Nam mô đại từ, đại bi
       Quán Thế Am Bồ Tát...

Xin hẹn lại kỳ sau 29 trên bước đường tỵ nạn ở Thái Lan

10 comments:

trường tôi said...

Tui nhập trại Songkhla ngày 19 tháng 4 năm 79 rời trại tháng 9 năm 79...Mấy mươi năm giờ nhìn lại cảnh cũ thật là ngậm ngùi. Chắc là Anh Quang cũng vậy ?
Người vượt biên

Phieu Tran said...

Vậy là Khoá đàn Chị của Lão Nạp nầy rồi ! Mình lánh nạn lìa Quê đến đảo Buồn Lo Bi Đác vào thập niên 1980.

Nhớ về kỷ niệm năm sưa
Buồn Lo Bi Đác; nắng mưa bao ngày
Trãi qua tháng rộng năm dài
Lưu vong nuốt hận; đọa đài tấm thân !

Toronto, Aug. O4, 2018.

trường tôi said...

Vào thời đó ai cũng tìm đường vượt biên vì chẳng ai muốn sống dưới chế độ cộng sản bạo tàn, cho nên kẻ đi trước người đi sau , hỏng dám mần đàn chị đâu đại ca ui !!!
Người em cùng quê

Katie co5rg said...

Hihihi, cô 5 RG sợ quá nên chèo đò dông trước bạn Trường Tôi vài tháng nè.

Ledinh chontam said...

Anh TP lại sang Canada. Sau không ghé Montreal chơi nè
LDCT

Quang Minh said...

Nhớ lại ngậm ngùi. Làm sao nhìn lại hình bóng củ, thân xơ xac lạc loài.
Cuộc định cư của anh nhiều gây go, khổ sở.
Anh qua Mỹ tháng 11/1979, trạm đừng chân đầu tiên là San Fracisco cùng đứa cháu gái 6 tuổi ( lận đận là đây ) . Cha cháu lúc đó còn ở Paulau Bidong . Văn phòng USCC tiếp đón người tị nạn tai đây (Travel Lodge ) bèn cho anh đi Ảkansas vì sponsor của ba cháu ở đó ( con phải theo cha ) . Anh phải tranh luận với họ là ba cháu chưa qua, nó phải đi với anh về Muskegon, Michigan , nơi mà Lý văn Hanh, bạn anh, người sponsor. Họ không chịu, nhất quyết ra vé máy bay đi Arkansas. Anh dẩn đứa cháu đón xe bus theo người quen ra thành phố San Francisco. May anh gặp bạn học Củ thời tiểu học Hồ Hoán Khâm còn gọi là Hán Kim ( quán Phước Thành ở bờ sông nhìn qua Ong đình Ký ) , Khâm nói hay là ở lại sống chung với nó. Mới chập chưng đến xứ người , lạ nước lạ cái, gặp người quen là mừng rồi. Đêm đó tạm trú nhà ngưởi quen lòng vòng mà cây sào thọc hỏng tới, (nhà xeo xéo đối diện tiệm cà phê Phước Hải )
Sáng hôm sau, Khâm đưa tới văn phòng USCC tại thành phố SF để xin ở lại đây. Cô ở bàn ngoài chịu rồi, nhưng đưa hồ sơ cho bà Xếp Mỹ bên trong, bả hỏng chịu , bảo phải về Michigan. Hoạ vô đơn chí, đành khăn gói trở lại Travel Lodge nơi tiêp nhận người tị nạn ( khi nghỉ qua đêm , hai vợ chồng nầy rất tốt , họ có đứa con gái trạc tuổi cháu , có con búp bê xinh đẹp, cháu anh thích lấy chơi, nhưng bé kia không cho, anh kêu trả lại, cháu khóc quá trời, làm mình thương cảm và tội nghiệp cháu mình. Nơi trại tị nạn mình phải làm nhiệm vụ người mẹ chăm nom săn sóc từ ăn uống tớ tắm rửa . Nếu có ai đó thương mình thấy chắc không dám nhảy vào dù lúc đó còn độc thân hi hi hi ( còn tiếp )

Quang Minh said...

Trở lại Travel Lodge, anh vào phòng USCC xin cho về Michigan , ông ta nói anh đã bỏ chuyến bay , ông ta không có cách nào khác . Anh nói nhưng ông cho tôi về đúng nơi sponsor và lại tranh luận về tình trạng pháp lý của đứa bé. Anh nói là anh đã đem cháu từ VN, nên nó phải theo tôi. Cuối cùng ông ta liên lạc về trụ sở chính và nơi đó chấp thuận cháu bé theo anh và trong khi chờ đợi vé máy bay anh giúp làm việc cho văn phòng hai tuần lễ trong nhiệm vụ tiếp đón người tị nạn , chỉ dẩn cách xử dụng đồ dùng trong phòng ngủ như mở TV, mở đóng nước và phân phát quần áo ấm cho họ
Thời gian thắm thoát , hai tuần lễ qua nhanh, hai cậu cháu đáp chuyến bay về Phi trường Grand Rapids.
Và thêm một lần nữa anh cũng bị trục trặc về con nít . cách đây mấy năm Anh đưa thằng cháu ngoại đi Vancouver , Canada ăn đám cưới
luôn tiện gặp con gái anh bên đó. Tới phi trường Los Angeles , khi vào lấy boarding pass , họ hỏi có giấy phép của mẹ nó không ? Anh nói hỏng có . Họ giữ lại . Lại một phen trình bày , anh là ông ngoại của cháu , họ cũng không chịu , mình đưa nó qua gặp mẹ . Cuối cùng ông ta đồng ý rồi anh nhờ ông ghi vài chữ để khi boarding không bị trục trặc . Thế mà khi nhập cảnh ở Vancouver lại bị quan thuế phi trường hỏi thăm trước khi đóng dấu . Lại một phen trình bày đi ăn đám cưới và gặp mẹ nó. Quan thuế hỏi đám cưới ở đâu, số nhà địa chỉ hoặc số phone để liên lạc. Khi đi mình đâu biết gặp tình trang nầy nên bỏ quên thiệp cưới ở nhà, số phone thì không nhớ. Dùng dằng thật lâu rồi họ cũng cho đi . A Di Đà Phật

Phieu Tran said...

Cám ơn hảo ý của Anh Tâm nhiều.Lâu lâu phải qua Toronto thăm gia đình Ông Anh Vợ cho phải đạo, vì năm nay Anh ta gần 90 tuổi già rồi chân cẳn yếu đuối chẳng đi đâu xa được! Hơn nữa cả đoàn kể cả Con Cháu đến 8 người làn tốn kém lắm ! Hẹn gặp lại Anh Chị trong kỳ Kiên Giang Đại Hội tới.

Quang Minh said...

Cuối cùng cũng đến ngày hai cậu cháu cũng lên máy bay về Michigan. Gần tới phi trường Grand Rapids, nhìn ra ngoài trắng xoá , tuếch rơi lả tả, mù mịt cả khung trời. Lần đầu tiên thấy tuyết , thật đẹp vô cùng, lòng thật háo hức . Rồi phi cánh chạy vào bãi đậu , như Tư Ếch lên SG ngơ ngơ ngác ngác , ngó lia ngó lịa , giữa cảnh đời xa lạ,
Vợ chồng Hạnh Lan và bà Lài làm ở USCC Grand RapidShare ra đón. Bà nầy cũng xẩu mình với tôi vì cứ phải nhận thư complained sao mà chờ đợi lâu quá. Không những gửi thư cho bà mà còn cho văn phòng chính, xếp của bà ( thơ bằng tiếng anh ) . Cho nên khi vừa gặp mặt bà nói " tôi sợ ông luôn " . Tôi bỏ học , đi lính hơn 6 năm , tiếng anh tiếng em đâu biết nhiều, nhờ ở trại Songkhla, thì giờ rảnh đọc sách Anh ngữ, rồi sinh sống bằng nghề viết đơn cho mấy gia đình , ở quá lâu, làm đơn xin đi nước nầy nước kia. Có anh bán tạp hoá tối ngày nhờ viết đơn đến nổi anh ta nuôi hai cậu cháu luôn. Gia đình đi cùng chuyến qua Mỹ, tới SF thì chia tay.

Trở lại chuyện bà Lài, sau nầy tôi gia nhập vào nhóm Hoàng Cơ Minh cũng từ bà. Lúc đó, tôi đang học ở Grand Valley University ( chuyện nầy kể sau ) nên kêu gọi gây quỷ để trợ giúp cho phong trào, tiền gom góp được mang đến nhà giao cho bà. Phong trào lúc đó sôi nổi lắm,
Tổ chức đại hội ở hội trường lớn ở thành phố Grand Rapids, lễ rước cờ vàng ba sọc đỏ thật to do nhiều người cầm tiến vào hội trường, chiếu phim cảnh lực lượng cách mạng ở Thái Lan ....thế rồi toàn là giả tạo , vẩn tuồng , phong trào tan rả

Quang Minh said...

Đi Mỹ vào tháng 11/1979 vậy mà lòng vòng tới nhà Hạnh , Muskegon gần ngày lễ Giáng Sinh. Sáng đưa cháu đi học, rồi tới Adultschool học Anh văn, sau đó đón cháu về nhà . Cuối tuần đi hái trái blue bẻ ry . Đầu óc suy nghĩ lung tung. Không lẻ cuộc đời mình vậy hoài sao, Bao nhiêu hy vọng của gia đình trước khi mình ra đi đè nặng đôi vai. Vài tháng sau mướn nhà ra ở riêng , không thể làm phiền bạn bè mãi được . Rồi ba và chú của qua, đi chuyển về sống chung , mình xong bổn phận ,!giao con lại cho em rể
Hoà, em trai của chị Lan qua, không lâu Hoà nộp đơn thi vào đại học. Keo đầu rớt, Hoà nộp đơn thi lại và rủ tôi đi thi, lúc đó là mùa hè khoảng tháng 7 /1980
. Bỏ học quá lâu, hơn 6 năm làm lính, chữ nghĩa bay mất rồi huống chi là thi tiếng Anh, làm gì có hy vọng. Cuối cùng quyết định
Người đi thi, tớ cũng đi thi
Đầu óc chơ vơ chẳng có gì
Adult School và hái trái
Người rủ thì mình cũng cứ đi

Trong phòng thi lác đác chừng mười người . Cuộc thi gồm
- Thi " vỏ cá bự lại rẻ " ( vocabulary = ngữ vựng hay từ ngữ ) trời ơi! Toàn là chữ lạ xưa giống như cổ ngữ, có chữ lai tiếng Pháp. A,B, C khoanh thì cứ khoanh
- Nghe : máy đọc cho nghe, dù như vịt nghe sấm thì cứ khoanh
- Trả lời câu hỏi :? Cũng máy đọc ta khoang
- Cuối cùng mới găng : viết một bài luận văn " essay ". Họ ra 3 đề mình chọn 1 . Hai đề thì đã quên , chỉ còn nhớ đề mình chọn . Qua Mỹ mới 6 tháng. Hơn Sáu năm lính, hơn 3 năm cải tạo tư tưởng, bởi đỉnh cao trí tuệ, biến người thành khỉ. Nói nghe cho hay chứ thật ra là giết người không cần gươm dao súng đạn. Như Thầy Viên , Chân Diện Mục , phải giả điên, giả khùng, nín thở qua sông. Khi được thả về, giống như bộ xương biết đi, ốm yếu gầy gò , đi giống như ma trơi.
Về nhà phải trình diện hàng tuần, báo cáo ý tưởng và sinh hoạt trong thời gian qua ( luôn tin tưởng vào chế độ ??) . Sợ liên lụy gia đình nên cắt hộ khẩu về quê ngoại, Cái Bần, Thuỷ Liễu, Gò Quau làm ruộng và để tìm đường vượt biển . Hơn 6 tháng ở trại tị nạn khốn khó , như người giữ trẻ chăm sóc cháu gái . Ngày xưa, chữ Việt còn viết chưa xuôi , bố cục lộn xộn mà nay viết luận văn ( essay ) bằng tiếng Anh,
Đề tài tôi chọn là ý như vầy " khi tốt nghiệp anh làm gì giúp cho xã hội và đất nước " trong thời gian có hạn định.
Lúc đó tôi nghĩ, viết ngắn gọn có chủ từ( subject ) , động tự ( verb ) và túc từ ( adjective ) , về văn phạm hiện tại, quá khứ, tương lai . Bài viết phải có 3 phần : nhập đề : tôi nói tôi đang học đại học Sài gòn, vì Việt hoá chiến tranh ( Mỹ rút quân ) tôi phải vào quân đội, bỏ dở chuyện học hành. Nay may mắn được định cư tại Mỹ , tôi muốn tiếp tục con đường học vấn
Thân bài:
Sau 30-4-1975 Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam, tôi bị .....
Kết luận : con cá sống nhờ nước , tôi mong quí vị thương hoàn cảnh của tôi giúp đở cho tôi vào học trường nầy. Sau khi tốt nghiệp tôi sẽ đem kiến thức thâu thập được giúp cho xã hội và đất nước Hoa Kỳ. Kính mong quý vị giúp tôi đạt thành ý nguyện ( nội dung ý như vậy )
Sau một tuần thi thì có cú điện thoại của bà Lo Ra ( Laura ) nói rằng trước khi quyết định, tao cần gặp mầy. Gặp bà thì chung chung ý cũng như vậy và thòng câu cá sống nhờ nước , tôi đặt niềm tin nơi bà
Thế là tôi đến trường học đại