_________________
Trần thị Kim Lan
Hình như không ai nói khi về hưu sẽ làm phi hành gia, bác sĩ giảỉ phẩu, hay luật sư, kỹ sư. Nhưng rất thường nghe người ta hứa với chính mình hay với mọi người là sẽ viết văn. Có lẽ thế nên chúng tôi một nhóm cao niên đến dự lớp viết văn dành riêng cho người có tuổi trong một trường đại học ở Boston. Trường thoáng gió biển, rộng thênh thang, rực rỡ bích chương và hình ảnh chớp chớp lập loè theo điệu nhạc vui nhộn phát ra từ máy truyền hình gắn trên tường. Bên ngoài bầu trời quang đảng, cây cỏ xanh tươi. Từng đoàn sinh viên nhiều sắc dân lũ lượt ra vào, rộn rã nói cười, chân đi thoăn thoắt. Trà trộn trong giới trẻ những người già lặng lẽ, thận trọng từng bước, thong dong trở lại học đường sau mấy mươi năm vắng bóng.
Lớp chúng tôi có tất cả hơn hai mươi học viên. Không đủ ghế ngồi nên những người đến trễ phải đứng dựa vào tường hoặc ngồi xuống sàn, tay cầm bút, tập mở ra, sẵn sàng ghi xuống lời phê phán hay đề nghị sửa đổi cách viết do một nhà văn kiêm giáo sư nhiều thành tích, cộng thêm tuổi đời cao ngất. Mỗi lần đứng lên ông phải tựa vào bàn và kềm đôi chân thật vững mới bắt đầu xê dịch. Lời giảng dạy của ông xen lẫn nhiều câu xin lỗi. Ông quên chỗ này, lập lại đôi ba lần chỗ kia. Học viên cười thông càm, buông lời châm biếm nhẹ. Thầy trò đồng hội đồng thuyền, quên câu trước và ngập ngừng rán nhớ câu sau. Đôi lúc có người mất kiên nhẩn lên tiếng gọi đích danh ông thầy: “Này Clyde, tôi tuy kém cõi nhưng ít nhất cũng bíết điều sơ đẳng đó.” Lại vang lên tiếng cười hòa giải đôi bên.
Không khí bỗng trở nên căng thẳng khi nhà văn tập sự cựu luật sư tra vấn ông thầy, đòi hỏi nói gì phải có sách mách có chứng, có quy luật hẳn hòi. Ông thầy phản đối cho rằng ngôn ngữ không nhất thiết phải luôn luôn theo luật. Bà nhà văn chân ướt chân ráo cựu thẩm phán dáng oai phong, tóc xoắn sát da đầu, đảo tròn hai con mắt thật to, ném cái nhìn nghiêm khắc về phía ông thầy tội nhân. Hình như bà muốn ra lịnh gì đó nhưng cố nén. Bà là học viên mới, thiếu tự tin trong lãnh vực văn chương, còn đang quan sát tình hình để quyết định một vị trí vững vàng như chỗ ngồi của bà ở phòng xử án trước đây không lâu. Bà mới về hưu vài tháng chưa quen chỗ đứng khiêm nhường.
Để cứu vãn tình thế nhà văn ưu ái cựu bác sĩ tâm thần đưa ra nhận xét khách quan. Ô nâng cao phần ưu, bỏ qua phần khuyết, đề nghị cuộc bàn cãi dời lại sau giờ học.
Giữa lúc đó một bà lưng khòm, áo hoa sặc sỡ, tóc nhuộm màu nắng chiều pha sắc đỏ, môi son tím, kéo cái túi du lịch lạch cạch hai bánh xe lỏng lẻo, lủng lẳng vật kỹ niệm qua những chuyến du hành, thập thò bước vào ngưỡng cửa. Tôi xê ra chừa chỗ cho bà dựng cái túi và chỉ cái ghế trống kế bên của một người mới bỏ về. Bà kề tai tôi nói nhỏ lời cám ơn và khen tôi tử tế. Tôi lộ vẻ ngạc nhiên nói không có gì. Bà giải thích: “Tôi tới đây lần đầu, chưa ghi danh. Mình lạ mặt sợ người ta khó chịu.” Bà cho biết đã nhiều lần học lớp viết văn nhưng lần nào cũng bỏ dở vì nhiều lý do: Té gảy chân, con gái nhờ trông nom cháu ngoại, bạn rủ đi du thuyền miền nắng ấm, vân vân.
Bà nhà văn tương lai cựu giáo viên xuỵt xuỵt báo hiệu mọi người im lặng lắng nghe ông nhà văn thử thời vận cựu nha sĩ má lúm đồng tiền nụ cười muôn thuở đọc truyện. Ông kể lại những mất mát lớn trong những lần ly dị, vạch rõ lòng nham hiểm của đàn bà, những thiệt thòi về phía nam và sự đòi hỏi quá đáng về phía nữ.
Có lần ông nói riêng với vẻ tự hào ông có ba vợ, chín con, ba đứa là con riêng của bà hai. Ông chủ động chu toàn mọi việc, lo hết cho mọi người, vậy mà bà vợ thứ ba cứ đeo sát bên ông, xem ông như con nít. Ông bực mình vì bà ấy cứ đòi theo ông vào bịnh viện. Ông sắp đi giải phẩu. Bác sĩ nói ông có “một lỗ hổng trong đầu.” Tôi đề nghị ông nên cho bà ấy đi để bà yên lòng. Tôi còn nói thêm: “Nhiều người muốn được như ông, có thân nhân chăm lo trong lúc ốm đau.” Ông ra chìu suy nghĩ rồi gật gật đầu nói: “Đúng vậy! Đúng vậy!” “Cái lổ hổng” chắc có nhiều điều giải thích nhưng tôi không hỏi tới. Thôi để dành cho ông viết văn. Mong ông bình an trở lại lớp.
Ông cựu nha sĩ đọc xong nhoẽn miệng cười, nhìn quanh chờ ý kiến. Theo lời chỉ dẩn của ông thầy là nên khen trước khi phê bình xây dựng. Tôi chuẩn bị nghe đi nghe lại những lời khuyến khích như: “Tuyệt vời!” “Chuyện buồn nhưng hay.” “Cách diễn đạt dễ hiểu.” “Bài có đủ chi tiết, có mô tả, có đối thoại.” Những mỹ từ tô điểm cho bài văn được tận dụng. Người đọc truyện nói: “Cám ơn. Cám ơn.”
Tiếp theo là những câu hỏi tò mò. Chẳng hạn như những gì xảy ra sau cuộc ly dị hoặc đời sống của mỗi nhân vật thay đổi ra sao. Có người không dằn được sự tức giận lên án kẻ phản bội, trù ẻo cho trời đày họ. Ông thầy can thiệp bảo trong phạm vi truyện ngắn không thể trả lời hết những thắc mắc của người đọc. Ông khuyên phải sáng suốt nhận định lời khen, chê, không khéo việc viết lách của mình bị mai một. Ông bảo tuyệt đối không nên đánh bóng cái tôi giả tạo làm nãn lòng độc giả. Những xúc cảm chân thành là chất liệu sinh động cho bài viết.
Kế đó là phần cấu trúc và sửa sai văn phạm, chính tả. Các cựu nhà giáo đổi thế ngồi bắt đầu tấn công. Chấm, phẩy, xuống hàng, qua đoạn mới, cần rút gọn, cần giải thích thêm, đều được lưu ý. Người đọc truyện khiêm nhường, nhũn nhặn nhận lỗi, hứa sẽ điều chĩnh và “Cám ơn. Cám ơn.”
“Tới phiên ai đọc?” Bà nhà văn cựu khoa học gia quơ tay gằn giọng nhanh nhẩu hỏi lớn. Sau tai nạn xe kinh hoàng bà khó chế ngự được cử động và ý nghĩ. Bà từng cho biết thần kinh bà không vững.
Vài cánh tay rụt rè đưa lên kèm theo lời nói: “Nếu không có ai thì tôi xin đọc.” Lại có người lên tiếng: “Kate, đọc đi, lâu rồi bà chưa đọc.”
Bà nhà văn tương lai cựu y tá da xanh mét, mắt lờ đờ, đầu ngóc lên không nỗi cất tiếng đọc qua hơi thở đứt đoạn. Phòng học im phăng phắc, mọi người gần như nín thờ lắng tai nghe. Bà kể chuyện bị điên loạn sau khi ly dị người chồng theo tình nhân trẻ, tả cảnh bà đập phá, la hét, bỏ ăn, mất ngủ, không còn thiết một điều gì. Thuốc an thần làm cho bà thờ thẩn ngây dại. Bà thất thểu như bóng ma trong căn nhà trống vắng. Sau một thời gian dài thuốc men và tâm 1ý trị lịệu, dần dần bà tìm lại được chút quân bình. Bà rất cần sự viếng thăm và lời an ủi của chồng bà vì bà đã là người tàn phế, nhưng bà chưa trút bỏ được cảm giác hận thù dấy lên mổi lần ông xuất hiện. Bà đang sống triền miên trong nổi cô đơn với tâm trạng phân hai như thế.
Nhìn cái cổ ngoặc ngoẹo của bà gục xuống sâu hơn trong thoáng giây thiêm thiếp ngủ tôi thầm kêu trời, quá xúc động vì nỗi đau của bà, vì khó tưởng tượng được cái tình gắn bó giữa con người có thể biến thành chất độc làm hư hoại thân xác và tinh thần bà, một nữ điều dưởng tận tình săn sóc bịnh nhân nhưng không giúp được mình.
Im lặng bao trùm lớp học một lúc lâu. Không có lời khen ngợi hay phê phán, chỉ có tiếng thở dài và tiếng sột soạt rút khăn giấy trao nhau lau nước mắt.
Chúng tôi, những người tập viết văn cuối đời, viết để chia sẻ nỗi nìềm cùng nhau. Cám ơn, cám ơn, tuần tự, từng người cám ơn và tỏ lòng cảm thông người đọc truyện. Văn chương không chĩnh, lỗi chính tả bỏ qua, đôi lúc chỉ có tâm tình là đáng kể.
Lớp học cần tiếp tục. Hơn hai mươi học viên chỉ có hai tiếng đồng hồ, một tuần một lần, không thể dừng lại nổi đau của một người.
Bà nhà văn đầy hứa hẹn nội trợ chuyên nghiệp tóc bạc trắng, mang cặp mắt kiếng thật dày loại đặc biệt vì có máu mù lòa di truyền. Bà thường nói bà chấp nhận mọi sự việc đã và sẽ đến với bà. Hiện bà chỉ cần sống một vài năm để viết thôi. Bà viết từ nhỏ vì quá cô đơn. Không ai hiểu được nổi gian truân của đời bà. Viết để sống còn, viết cho nguôi ngoai, không có cao vọng gì cả. Trước khi đọc bà nói: “Chuyện này đã qua. Tôi bây giờ có cuộc sống an bình. Đêm ngủ yên vì bụng không đói cồn cào như trước. Các bạn đừng lo.”
Bà kể chuyện bị người anh ruột hãm hiếp lúc bốn tuổi. Mẹ tát tai bảo bà nói láo. Người anh tiếp tục hiếp nhiều năm và sau đó đến người tình của mẹ khi bà còn trong tuổi vị thành niên. Nhà quá nghèo, cha ghiền ma túy bỏ bê, mẹ bịnh tâm thần, bà buộc lòng phải cho đứa con không cha nhìn nhận từ lúc sơ sinh. Bà làm đủ nghề lặt vặt, sống lây lất và tìm vui những khi đọc và viết. Cuối cùng bà may mắn gặp người chồng tử tế. Ông rất hà tiện nhưng không sao, bà đã quen cảnh túng thiếu. Được cái ông để bà tùy ý làm theo sở thích miễn sao nhà cửa và bữa ăn chu toàn. Điều may mắn hơn nữa là bà đã tìm lại được đứa con gái và con bà tha thứ cho bà. Niềm vui lớn của bà bây giờ là thỉnh thoảng mẹ con hẹn gặp nhau.
Chúng tôi thở phào. Một đoạn kết có hậu.
Ông thầy xem đồng hồ, bảo còn thì giờ cho một bài nữa. Bà đứng sau lưng tôi vỗ vai tôi nói: “Đọc đi! Đọc cho chúng tôi học hỏi văn hóa Á Đông. Em là ngưòi Hoa phải không? Con gái tôi mới xin được một đứa con nuôi bên Trung Quốc.”
So với phần đông học viên khác tôi ít tuổi và nhỏ người hơn, phần thì tôi thu người lại cho nhỏ thêm. Người ta tiếng Anh tiếng Mỹ có từ trong bụng mẹ, còn tôi người Việt, học trễ, dù miệt mài đèn sách nhiều năm vẫn không dám so bì, nhưng đã có gan tới lớp học viết văn thì phải liều vậy. Trong đời tôi làm vài chuyện trái ngược. Vì mưu sinh tôi dạy học trước khi học dạy. Vì hoàn cảnh và nhiều mơ ước khác tôi viết văn trước khi học viết.
Có vài tiếng khuyến khích gần như ra lệnh và ông thầy hướng mắt về phiá tôi biểu đồng tình.
Trong cái thế chẵng đặng đừng tôi nói tôi xin đọc bài “Among Strangers.” (“Giữa Những Người Xa Lạ”).
Bài này tôi kể chuyện một phụ nữ nhập viện bất thình lình vì có cơ nguy tai biến mạch máu não. Bà ta bị mỗ banh ngực phơi trần sáu tiếng để bác sỉ cắt bỏ mạch máu dẩn vào tim bị nghẽn và nối lại bằng mạch máu lấy nơi chân. Bà đau đớn oằn oại một mình vì chưa kịp báo cho ai biết. Chung quanh bà toàn những người khác chủng tộc. Do một sự ngẫu nhiên họ đến nước Mỹ và làm việc trong cùng một bệnh viện. Bà Kiên là một bịnh nhân không thiết sống vì cảm thấy không còn sức chịu đựng thêm những thử thách của cuộc đời. Nhưng nhờ những người chuyên nghiệp tận tâm chăm sóc bà được hồi sinh. Lòng tốt và lời lẽ ân cần của họ như chất đốt làm bừng dậy niềm tin và hy vọng cho cuộc đời còn lại của bà tốt đẹp hơn. Bà quyết định cố quên những ấn tượng hãi hùng và nổi bất hạnh của đời mình để sống còn trong tình tương ái.
Tất nhiên tôi gửi gấm ít nhiều nổi niềm riêng, lồng vào câu chuyện vài đoạn cảm động và buồn cười, thêm chi tiết dẫn đường cho đọc giả đến nơi.
Khi tôi chấm dứt có vài người lên tiếng: “Một sự đổi mới!” “Chuyện thật lôi cuốn.” “Được lắm, viết thêm nhé.” “Cho xin một bản, tôi chưa có bài đó. Tôi lảng tai không nghe rõ.”
Như một diễn viên đáp lại lòng hâm mộ cuả khán giả, tôi, nhà văn chập chững, cựu giáo viên chương trình song ngữ, mĩm cười quay qua quay lại theo hướng có tiếng nói, gật, gật và cám ơn, cám ơn.
Ra khỏi lớp, tôi nghe lâng lâng cảm giác nhẹ, bớt co rút, bớt hoài nghi về khả năng viết của mình. Ông lão đi bên cạnh nói ông thich mấy bài viết trước cuả tôi. Ông xin phép cho ông dùng làm đề tài đàm luận với bạn hữu vì mấy chuyện “đơn giản” của tôi làm ông xúc động và suy nghĩ. Tôi gật đầu lia lịa vừa tỏ vẻ vui mừng vừa lúng búng ngượng ngùng vì niềm vinh hạnh quá to. Ông này là học viên kỳ cựu, đôi khi dạy thế ông thầy, ông có tiếng sâu, viết bền, và thêm tài điêu khắc. Với tánh tình hoà nhã và khiêm nhường ông gây đuợc nhiều thiện cảm. Trước khi bước vào thang máy ông giơ tay chào tạm biệt và nói vói: “Đừng ngưng viết nhé!”
Có một lần ông thầy bảo trong 10 phút hãy viết vì sao muốn thành người cầm bút. Đại khái tôi nói tôi viết vì thích kể chuyện đời mình và đời người hầu tạo được sự cảm thông hoặc đã phá những bất công, vì muốn đền đáp công ơn những bậc thầy và bạn đồng hành đã mở lối và khai thông trí tuệ tôi. Còn thêm một chút cao vọng là đem lại phút giây tiêu khiển cho ngườì đọc. Các học viên khác cũng có ý tương tự, nhưng diễn đạt cách khác. Đa số cho rằng họ viết vì muốn con cháu hiểu được những gì họ đã trãi qua, vì muốn nói lên quan điểm, lập trường riêng, vì cần giết thì giờ trước khi thời gian tiêu diệt họ, và nhất là để giải toả những oán hận hay uẩn khúc của lòng mình. Một vài người cho biết do bản chất khép kín khó hòa hợp nên viết để giao tiếp, truyền thông cho vơi nỗi đơn côi.
Ông thầy nhắc đi nhắc lại rằng bất cứ lý do gì, điều quan trọng là phải viết thường xuyên, đừng đợi hứng vì chuyện đó rất hiếm và hứng, có khi hứng không bao giờ đến. Ngưng viết cũng giống như cơ bắp thiếu vận động sẽ mất dần chức năng của nó. Như mọi ngành nghề khác, muốn thành công phải luôn luôn chuyên cần học hỏi. Hãy tập làm nhà văn trong thực tại, trong tư tưởng, trong tiềm thức. Trước khi đi ngủ và mỗi sáng thức dậy, lúc nhìn vào gương, hãy lập đi lập lại câu này như một lời tụng niệm: “I’m a brilliant writer! I’m a brilliant writer!” (“Tôi là nhà văn sáng chói!. Tôi là nhà văn sáng chói.!”)
Boston, 07-12-11
Trần thị Kim Lan
No comments:
Post a Comment