__________________________
Tự truyện của Hình Toàn
Hình Toàn |
Ở Mỹ này phong tục và tập quán cũng khác xứ á châu, sanh xong nằm chừng một ngày hay nửa buổi, là kêu mình phải xuống gường đi tới đi lui, rồi còn kêu đi tắm, sáng cho ăn điểm tâm có nước cam cà phê bánh mì kem dâu, trái cây đủ thứ nghĩa là không kiêng cử gì hết, còn vn chỉ ăn kho quẹt, canh giò heo hầm đu đủ xanh cho có nhiều sữa, trùm khăn kín mít, tai phải nhét bông gòn, trời nóng muốn chết mà còn nằm lửa than, xức dầu khuynh diệp hôi rình, có bà còn đâm nghệ mà thoa mặt vàng khè, tối ngày nằm trong mùng sợ ra gió, đi đứng thì từ từ giống như người bịnh lâu năm, cả tuần lễ mới được đi tắm, trước cửa buồng hoặc đầu gường dán hình mấy con cọp để trừ tà, đúng là xứ nào phong tục nấy... có kiêng có lành... Rất may là tôi đến được xứ tự do này nên hưởng sự văn minh của họ.
Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, lúc má sanh tôi không rảnh để đi đến phòng hộ tịch, mấy tháng sau mới nhờ dì tôi đi làm khai sanh. Còn ở đây mình không cần phải đi đâu cả, sanh bữa trước bữa sau đã có người đến tận phòng làm giấy khai sanh cho em bé.. ôi ..tiện lợi vô cùng, con tôi vừa sanh ra đã là công dân hợp pháp của hợp chủng quốc HOA KỲ một xứ sở tự do mà tôi đã đánh đổi cả sinh mạng để đi tìm.
Nói về chuyện đặt tên cho con gái, vì hay mơ mộng trăng sao và ngắm trời mây non nước nên:
Lúc đặt tên con mình không nghĩ
Thí tỷ đời NHƯ những cơn mơ
Mơ để sống không mơ vẫn sống
.......
Nên tôi mơ mộng, luôn xây mộng
Để thấy đời vui giấc mộng hồng
Thế mới thấy số mạng mỗi con người điều do bàn tay sắp đặt của tạo hoá, có ai ngờ được đời sau của những người tỵ nạn á châu lại được mở mắt chào đời trên đất Mỹ, giống như những hạt giống được đem đến xứ người gieo trồng và được hưởng nền văn minh bậc nhất ....
Tôi xin chân thành chúc phúc cho những thế hệ mai sau của người tỵ nạn mọi nơi trên thế giới, những sự hy sinh của chúng ta đều không vô nghĩa ...
Nên ngày nay trên khắp địa cầu đều có mặt của con dân xứ Việt...
Nằm nhà thương có hai ngày là cho xuất viện ẳm con về (nhưng bắt buộc phải có “carseat” mới được ) ÔI ... con tôi sao nhỏ như con mèo con, chỉ bú rồi ngủ suốt ngày, trong phòng giờ có kê thêm chiếc giường nhỏ cho em bé (lúc mình mới qua Mỹ không sắm được chiếc gường chỉ đi goodwill mua tấm đệm cũ) giờ con mới chào đời mà có chiếc gường nhỏ mới toanh...ôi đời con khác đời mẹ cha nó nhiều, anh Hiếu ở nhà với mẹ con tôi ba ngày rồi trở lại đi làm, cơm nước thì nấu sẵn tôi chỉ hâm nóng mà ăn, đến chiều chế ba đi làm về thì nấu cơm chiều, tôi ở nhà giữ con, sao mà nó khóc hoài cứ ôm trên tay mà ru, có nhiều khi nó khóc quá làm tôi cũng khóc theo, gần một tháng rồi mà sao cô bé cũng còn đỏ ao, tuy nhỏ dzậy mà khóc rất lớn tiếng, em út tôi đi học về thì cũng phụ ẳm cháu (chắc nó không có em nên lần đầu có cháu nó thích lắm)
Hình Toàn đang cho con bú sữa bình |
Lúc còn trong tháng, nên em bé chỉ bú rồi ngủ, tôi cũng thế ban ngày mình tôi với con nên hỏng dám uống rượu thuốc, sợ ngủ quên nhưng buổi cơm chiều thì ba nó rót cho tôi một chung nói cho tiêu cơm và bổ máu... ừa... uống thì uống, vì hồi nhỏ tôi vẫn thường chia lade với ba nên cũng quen với rượu bia, (Tui không hiểu nhà tôi một bầy con vừa trai vừa gái, mà mấy người kia có ai biết hút thuốc, uống rượu hay ghiền cà phê gì đâu... còn tôi thà bỏ ăn điểm tâm chớ không thể bỏ cử, nếu sau 9,10 giờ sáng mà không uống cà phê là tôi muốn bịnh... thiệt là tình... nếu sinh tôi là con trai thì ba đã có truyền nhân rồi)
Mới đầu tôi uống chỉ một cốc nhỏ cho tiêu cơm lâu dần tôi tăng đô cho ấm bụng, nên những lần sau con khóc tôi xỉn quá hỏng nghe, làm hại thằng cha nó phải đi pha sữa rồi ôm con mà ru... thế mới đúng luật giang hồ chớ lỵ... con chung cùng nhau mà dỗ...
Tôi cho cháu bé bú sữa mẹ lúc trong tháng, nhưng vì không đủ sữa nên phải cho bú thêm sữa bình, nhưng cô bé này rất kén, sữa bình ưa bị tước, nên bác sĩ phải đổi hai ba loại... một tháng bồng đi BS hết ba lần... thiệt là tình... tại cháu yếu hay tôi không biết nuôi con...
Cúng đầy tháng |
Rồi đến ngày cúng đầy tháng, cũng cúng mười hai chén chè, mười ba dĩa xôi, cơm chiên mì xào gà luộc vịt quay thịt heo quay bánh hỏi, thời ấy muốn ăn thịt heo quay vịt quay thằng em kế tôi phải lên San Francisco từ sáng sớm để về cho kịp giờ cúng, còn anh Hiếu ở nhà nấu đồ ăn chế tôi thì đảm nhận phần xôi chè.... cũng mời bạn bè và gia đình ông chú bà thiếm tôi.
Cô bé con này thiệt là khó nuôi, cho bú sữa xong rồi phải bồng trên tay mà ru ngủ, nhưng vừa để xuống giường lại khóc, thế là tôi phải bế trên tay miết... có giường em bé mà hỏng chịu nằm, ban ngày tôi bồng, ru mỏi tay và khàn cả giọng, nên ba nó mua thêm chiếc võng vuông giống chiếc giường nhỏ có thể hạ xuống hoặc móc lên thành chiếc võng, có lò xo lên dây thiều đưa tự động được nửa tiếng, rồi tăng cường thêm cái radio nhỏ xíu máng tòn ten trên đầu võng vặn nhạc êm dịu, tôi hỏng cần ca... ôi nàng công chúa nhỏ của tôi sao biết hưởng thụ quá, còn ban đêm thì ba nó bế lên giường cho ngủ chung, nói mùa đông để nó ngủ riêng lạnh tội nghiệp (bởi vậy nên nó quen hơi)
Đúng là vợ chồng hỏng biết nuôi con... theo kiểu Mỹ.
ÔI.. làm cha mẹ cũng đâu phải dễ... nào tả sữa, nào tiền nhà, điện nước tiền xăng nhớt, tiền sinh họat phí gia đình, nếu tôi còn độc thân hoặc có chồng mà chửa có con thì còn bươn chải mưu sinh, nhưng giờ phải ôm con mọn, mới thấy thế nào là bổn phận phải lo, rất may là em út được chị làm trên sở xã hội làm đơn xin chuyển qua chương trình SSI nên tôi cũng đỡ lo về phần em, mình hỏng ngờ xứ sở này họ có đủ chương trình phúc lợi cho người dân.
Còn riêng phần tôi một mình anh Hiếu làm không thể cán đáng nổi gia đình một vợ một con nên chị ấy cũng dẫn tôi đi xin chương trình “share of cost” nghĩa là gia đình có con nhỏ lương thấp, chính phủ giúp thêm một phần cho đủ sống và cho thêm bảo hiểm y tế, nên thời gian đầu tôi cũng an tâm để nuôi con (sở dĩ tôi phải nói rõ ràng rành mạch như thế để các bạn hiểu đời sống mới một gia đình nhỏ của tôi như thế nào, chớ không phải vạch lưng cho người xem thẹo nhé) để không các bạn sẽ thắc mắc, tôi lấy chồng nghèo làm sao nuôi con đến khôn lớn, nhưng tôi vẫn có lòng tự trọng, chỉ giải quyết khó khăn trong lúc ngặt nghèo, chớ không lạm dụng phúc lợi xã hội.
Con bé con của tôi nó cứ bịnh hoài... đi BS thường xuyên, có nhiều khi ba nó đổ thừa tại tôi mỗi tháng đều chụp hình cho con, vì tôi muốn ghi lại những hình ảnh tuổi thơ xem con phát triển như thế nào chớ không như tôi từ nhỏ tới 8,9 tuổi không có một tấm hình làm vốn, nhưng chồng tôi lại tin dị đoan nói làm thế ông bà quở nên con bịnh hoài... ôi hai quan niệm khác nhau ..
Tôi sanh con được vài tháng thì chế ba lấy chồng (người làm chung hãng) nên dọn ra riêng, gia đình nhỏ của tôi chỉ còn lại hai đứa em trai, chồng tôi ở đây không có thân nhân nên xem gia đình ông chú bà thiếm như người thân còn tôi thì không có bên chồng nên cũng không có vấn đề gì phải lo nghĩ.
Khi con qua một tuổi, tôi theo bạn bè quen lúc đi học evergreen, lãnh làm những túi vải thơm để hương liệu gắn trên cửa tủ lạnh (gía vài chục cents một chiếc) người ta đưa vải, mẫu mã và vật liệu mình coi theo đó mà may thành những chiếc túi nhỏ, xong cho hương liệu vào trong rồi cột miệng túi lại, trên miệng túi dùng keo gắn thêm vài đóa hoa vải nhỏ xíu hoặc chuông hoặc hình chú thỏ cho đẹp, mặt sau thì gắn cục hít tròn nhỏ để gắn trên cửa tủ lạnh, sáng ai cũng đi làm tôi ở nhà tranh thủ lúc con ngủ may những túi vải (tôi được chia gia tài là chiếc máy may nhỏ loại để bàn, còn chế ba thì chiếc máy công nghiệp)
Tối... sau khi cơm nước và làm bài xong, thằng em út cũng phụ tôi bỏ hương liệu vào túi vải cột lại, còn anh Hiếu lãnh phần dùng keo dán vào cục hít, tôi thương em tôi quá đổi, khó nghèo khổ cực vẫn bên tôi, vừa giúp việc làm, khi thì ẳm cháu, có nhiều khi tôi thấy nó giống như con trai lớn của tôi.
Ôi cái tình tôi thương em và tình em đối với tôi... em xem tôi như một người mẹ, chuyện vui buồn gì ở trường em thường kể tôi nghe, tôi vừa là chị vừa là bạn... tôi không biết mình chiếm vị trí nào trong lòng em?
Xin hẹn kỳ 44 hành trình cuộc sống mới của tôi sau khi sanh con.
Hình Toàn
1 comment:
Mấy tấm hình của Hình Tròn nhìn đẹp ác liệt, hèn gì anh Hiếu phải trở thành anh khờ vì mấy tấm hình này kkk...thiệt là... tình mà
Người bạn xưa
Post a Comment