Lê Thị Hàn
Viết cho các bà mẹ già.
Viết cho các bạn tôi trong “tuổi kẹp” giữa cha mẹ già và các con.
Viết cho các bạn tôi trong “tuổi kẹp” giữa cha mẹ già và các con.
Mẹ con
minh họa đinh cường
minh họa đinh cường
Vậy mà mẹ đã trên 90.
Đối với tôi, Mẹ không có tuổi.
Dù da mẹ có nhăn, răng có sún, tóc có bạc, mẹ luôn luôn
là mẹ. Tiếng nói của mẹ vẫn trong, giọng cười của mẹ vẫn giòn, vang
cả phòng như lời mời gọi một bữa cơm ngon. Mẹ rất hay cười. Ít ai có giọng cười
giống mẹ. Giọng cười để mình sẵn sàng theo một nhà thơ nào đó mà “Đổi cả thiên
thu tiếng mẹ cười”. May thay mình còn diễm phúc được nghe tiếng mẹ cười mỗi lần
gặp mẹ, mỗi lần nói với mẹ. Tiếng cười của mẹ có mãnh lực kỳ diệu. Tiếng cười của
mẹ xóa được ưu phiền, xoa dịu nỗi đau. Tiếng cười của mẹ vang đến chân tơ kẽ
tóc, lấp được những lo lắng hiện tại, bứt rứt tương lai…
Đối với tôi Mẹ lúc nào cũng có lý.
Thật ra không phải lúc nào Mẹ cũng có lý. Nghĩ cho cùng
lúc nào mẹ cũng có những lý do ở bên sau những lý luận của mẹ. Những lý do đó đối
với mình có thể không đủ để bào chữa cho lối suy nghĩ của mẹ. Dù có giải thích
cách nào đi nữa mẹ cũng lại trở về với lý lẽ ban đầu… Khó mà thay đổi, khó
mà lay chuyển được mẹ. Mẹ hay nói: “Con chưa biết đó, đường đời còn dài lắm. Trời
Đất đổi dời. Rồi con sẽ thấy, không phải chuyện gì mình cũng giải thích bằng lý
trí được. Không phải lúc nào con cũng có hai với hai là bốn. Đời mà đơn giản
như vậy thì đâu có chuyện kẻ khóc người cười. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn.
Con cái có đứa này đứa kia. Chuyện đời có lúc này lúc khác. Con phải biết nhường
khi đối tượng của con cương. Con phải biết nhịn khi thấy người khác đi quá trớn.
Nhớ là nhường nhịn không phải là chịu thua. Cố gắng làm theo ý chí của mình, thế
nào rồi con cũng tới đích”. Cãi làm sao cho lại Mẹ.
Đối với tôi Mẹ quá đảm đang.
Mẹ không hề học kinh tế, thương mãi; cũng không biết luật
cung cầu. Nửa thế kỷ trước đây, có ít bà mẹ bước chân đến ngân hàng hoặc ký tên
vào chi phiếu; vậy mà ai cũng tần tảo, ai cũng tính toán rất giỏi. Cầm tháng
lương của chồng, xoay sao cho trang trải đựơc mọi chi phí trong nhà, lo sao cho
chồng con đủ cơm no áo ấm, vén khéo mọi chuyện mà không một lời than vãn.
Mẹ không có máy diện toán, không biết làm thống kê. Mẹ chỉ biết tính rợ
mà mua được nhà đẹp, dạy đươc con ngoan. Có nên đem tất cả các bằng cấp của
đám con về tặng mẹ? Bác sĩ, thạc sĩ, kỹ sư… ai cũng thua Mẹ hết.
Đối với tôi Mẹ rất thông minh.
Bà mẹ nào trên 60, đã sống qua được 60 năm, đã góp nhặt
được bao nhiêu là kinh nghiệm, trải qua bao nhiêu đắng cay, hưởng được bao
nhiêu năm hạnh phúc. Giải quyết bao nhiêu vấn đề khó khăn, qua bao nhiêu thử
thách. Đương đầu với chuyện của gia đình mình, của gia đình chồng, của con
cháu, của bạn bè, của xã hội bên ngoài, thế giới bên trong. Thoát qua được một đời
chiến tranh khốc liệt của xứ mình, bảo tồn được giá trị gia đình mình mà
ít hư hao, đó mới thật là thông minh.
Đối với tôi Mẹ có một trí nhớ tuyệt vời.
Mẹ có thể kể rành mạch những chuyện vui có, buồn
có từ cả hơn 80 năm về trước. Mẹ có một óc tưởng tượng phong phú. Mẹ nhớ chuyện
của từng đứa con. Đứa hay khóc, đứa ham đánh lộn. Đứa nằm vùi đọc sách, đứa chạy
chơi suốt ngày. Mẹ nhớ quê mẹ không thiếu một chi tiết nào. Từ cây đa đầu làng
đến Văn thánh, từ đình làng đến lăng Cụ lớn, băng qua những cánh đồng màu lá mạ
xanh thơm. Huế của mẹ đẹp và nên thơ hơn bất cứ chỗ nào trên thế giới.
Không con sông nào đẹp bằng sông Hương. Hờ hững chảy hoài, giữ kín trong lòng
bao nhiêu chuyện đời của người con xứ Huế. Mẹ nhất quyết không quýt nào ngọt bằng
quýt Hương Cần. Không chùa nào nên thơ như chùa Thiên Mụ. Không cầu nào mộng
mơ như cầu Trường Tiền, “sáu vài mười hai nhịp, em qua không kịp tội lắm
anh ơi”. Mẹ kể chuyện thời đi học nội trú ở trường Đồng Khánh, mỗi tuần một
ngày mặc áo tím khăn vành. Những buổi đi “promenade” với mấy bà đầm, các
chàng trai Khải Định nhờ ông cai trường đưa thư, hoặc đạp xe dừng hai bên đường
chờ đám con gái đi qua. Mẹ là cô gái Huế nghiêng nghiêng che nón bài thơ, e ấp
ngàn tâm tình. Mẹ là cô dâu trong gia đình vừa quan lại, vừa đông anh em. Chuyện
bên nội, bên ngoại đâu đâu từ cả thế kỷ trước Mẹ kể rành rành như mới hôm
qua.
Mẹ mơ mộng, văn chương thi phú.
Cứ hỏi mẹ một điển tích, mẹ sẽ trích ra một ngàn câu
chuyện dông dài. Cứ hỏi mẹ thích đoạn nào trong truyện Kiều nhất mẹ sẽ ngâm nga
cho mà nghe.
“Này em, em hãy nghe lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Xe loan chắp nối tơ thừa mặc em…”
Ngơ ngác không hiểu, mẹ sẽ giải thích: Đó là lúc Kim Trọng
về quê. Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha nên “giữa đường đứt gánh tương
tư”. Nàng phải năn nỉ với Thúy Vân kết duyên cùng Kim Trọng “chắp nối tơ
thừa…” Cứ hỏi mẹ khi nào Thúy Kiều gặp Từ Hải, khi nào Thúy Kiều gặp mặt Hoạn
Thư mẹ sẽ đọc cho nghe. Mẹ xem tuồng Phạm Công Cúc Hoa cả chục lần mà lần
nào cũng khóc. Mẹ thích Đường Minh Hoàng với Dương Quý Phi, mẹ say sưa
chuyện Đổng Trác hí Điêu Thuyền.
Mẹ có một tình thương bao la.
Mẹ không những chỉ yêu thương gia đình nhỏ của mình
thôi mà còn rất thương người đồng hương, giúp đỡ kẻ hoạn nạn. Mẹ đi chùa, mẹ
làm việc xã hội, mẹ làm cơm cho cả trăm người ăn mà không biết mệt. Mẹ hay nói
cho người thì còn, cho con thì hết. Các con đầy đủ hơn rất nhiều người, lúc nào
cũng nên nhìn xuống để biết chia sẻ với người thiếu thốn hơn mình. Đừng nhìn
lên tập thói đua đòi ganh tị chỉ chuốc khổ vào thân. (Ở xã hội này mà các
con lúc nào cũng nhìn xuống thì mấy đời mới ngóc lên được? Nghĩ vậy thôi chứ đừng
hòng mà cãi với mẹ).
Mẹ bảo thủ mà cấp tiến.
Mẹ muốn giữ truyền thống nhưng biết được giới hạn của
mình. Thay vì chống đối kịch liệt để biết rồi cuối cùng cũng thua thế, mẹ tìm
lý do để an ủi. “Ừ thì trong nhà có đứa lấy vợ, lấy chồng ngoại quốc cũng vui.
Con lai đẹp lắm.” Lạ quá, mẹ không hề đọc sách luật, không biết phương pháp tam
đoạn luận, chả bao giờ phải đứng ra che chở cho ai bằng ngôn từ, vậy mà có nhiều
khi mẹ hùng biện vô cùng. Phải để cho các cháu thử thách rồi học bằng kinh nghiệm
của mình. Có vấp mới biết chừa. Có đi đêm mới có ngày gặp ma. Cứ cho các cháu
đi đây đó. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Nói vậy nhưng cũng có khi mẹ bướng
bỉnh không chịu thay đổi những lề lối cũ, muốn con cháu phải làm theo mình, dù
là những chuyện rất nhỏ:
-Để yên mẹ nói cho mà nghe. Làm bánh trôi nước thì phải
có nhụy đậu xanh ở trong.
-Mấy đứa nhỏ không muốn ăn nhụy, chỉ thích ăn viên bột
không thôi.
-Không thích đậu xanh thì làm nhân đậu phụng…
-Mẹ ơi, mấy cháu dễ lắm, không nhân không nhụy chi hết,
chỉ muốn ăn mấy viên bột không thôi.
Nản quá không còn muốn nghe nữa, mẹ nói:
-Hay là con làm nhụy đường thẻ cũng thơm ngon lắm…
Mẹ không chịu thay đổi. Bánh trôi nước thì phải có nhân
đậu xanh. Tại sao lại đi ăn mấy cục bột không. Mẹ đã làm chè kiểu đó bao nhiêu
năm nay rồi. Đã cúng giỗ tổ tiên bao nhiêu lần rồi… Làm sao Mẹ hiểu được mấy đứa
cháu kỳ cục này? Ăn bánh trôi nước không nhân. Ăn phở không thịt. Ăn bún bò
không có giò heo. Nói như vậy nhưng khi các cháu đến chơi Mẹ cũng dọn cho
các cháu những tô bún bò không có giò heo, phở không có thịt và cũng nấu chè
trôi nước lềnh bềnh những viên bột trắng nho nhỏ, không nhân.
Vậy mà Mẹ đã trên 90 tuổi lúc nào không hay.
Sẽ viết nhiều, nói nhiều với mẹ.
Sẽ kể mẹ nghe những mẩu chuyện của các em, các con, các
cháu, của các bạn của mình, của mẹ.
Sẽ kể mẹ nghe những mẩu chuyện của thế giới bên ngoài,
của đời sống ở đây và ở xa vì dạo này mẹ không có dịp tiếp xúc nhiều. Ngồi lâu
hay mỏi. Đọc sách bị nhức đầu…
May thay còn nghe được tiếng nói thật trong và tiếng cười
giòn của Mẹ.
Lê thị Hàn
(trong tập “Nói với Mẹ” sắp xuất bản)
No comments:
Post a Comment