Song Thao
Cảnh sát ở Fort Meyers, tiểu
bang Florida, vừa làm một hành động ngoạn mục để cám ơn các nhân viên y tế đang
bù đầu chống dịch cô Vi. Họ xếp 14 chiếc xe tuần tiễu thành hình một trái tim lớn
trên bãi đậu xe của bệnh viện Lee Memorial Hospital. Giữa hình trái tim có 13 cảnh
sát viên, mỗi người cầm một mẫu tự, xếp thành hàng chữ “FMPD Thank You”. “FMPD”
là “Fort Meyers Police Department”. Xếp xong hàng ngũ, họ cho xe chớp đèn xanh
đỏ làm rực rỡ cả khu bệnh viện. Các nhân viên y tế đứng từ cửa sổ các tầng lầu
nhận lời cám ơn. Sau đó họ để lại các mẫu tự trên bãi đậu xe vắng ngắt.
Coi video quay lại cảnh cám ơn hào nhoáng này, tôi thực
sự cảm động. Từ trước tới nay, thấy xe cảnh sát chớp đèn chạy ào ào trên đường
là có chuyện. Nhất là khi cứ nhè đằng sau xe mình mà chớp khiến mình phải dừng
xe lại. Thường là lãnh một ticket. Chuyện không vui. Nhưng lần này đèn cảnh sát
chớp lại thấy vui. Vì đây là một cách cám ơn rất bắt mắt.
Coi xong hoạt cảnh đáng yêu này mới nghĩ ngợi. Thời buổi
mọi người núp trong nhà tránh dịch thì mấy thầy cảnh sát vẫn phải phơi người
ngoài đường. Chẳng may cô Vi thấy mấy thầy dễ thương giở trò trăng gió thì thiệt
phiền phức. Từ khi cô nàng khó thương này xuất hiện, chúng ta nợ nhiều người lắm.
Nợ nhất là các bác sĩ, y tá, y công, lao công trong bệnh viện. Họ là những người
ở tuyến đầu, kề vai sát cánh với những người bệnh. Lúc nào cũng sẵn sàng cho
tình huống xấu nhất xảy ra cho bản thân họ.
Cảnh sát ở tuyến thứ hai. Họ cùng các nhân viên vệ
sinh, phát thư, giao hàng, các công nhân duy trì điện nước và các tiện nghi cho
cuộc sống cấm cung của chúng ta được an lành, dễ chịu. Họ trấn ở tiền tuyến,
chúng ta núp ở hậu phương. Cám ơn là chuyện dĩ nhiên. Có nhiều cách cám ơn. Hậu
phương có thừa sáng tạo trong việc cám ơn này.
Nhân nói tới chuyện cám ơn đầy…kỹ thuật của cảnh sát
Fort Meyers, thiết nghĩ cũng cần nói tới cuộc cám ơn cũng rất…kỹ thuật của đội
bay biểu diễn Thunderbird của không lực Hoa Kỳ. Trung tuần tháng 4 vừa qua, họ
đã bay trên bầu trời Las Vegas để cám ơn các nhân viên y tế. Ngày 28/4 họ bay
trên bầu trời New York. Và họ còn dự định bay ở Philadelphia. Trung Tá John Caldwell,
Chỉ Huy Trưởng đội Thunderbird hào hứng nói: “Đây là vinh dự của chúng tôi khi
được bay ủng hộ người Mỹ tại tuyến đầu chống dịch. Họ là những anh hùng thực sự
và chúng tôi muốn chứng minh sự ủng hộ của 685 ngàn quân nhân thuộc lực lượng
Không Quân tới các nhân viên y tế”.
Hình như lời cảm ơn của đội bay biểu diễn Thunderbird
chưa đủ đô nên Không Quân Hoa Kỳ gửi một lời cám ơn nặng kí hơn. Họ cho một đội
hình gồm hai chiến đấu cơ F-15 và hai chiếc B-52 bay cám ơn thêm từ thành phố
New Orleans qua Baton Rouge của tiểu bang Lousiana vào sáng ngày thứ sáu 1/5 vừa
qua để cám ơn các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch. B-52 là thứ thân
quen với dân Việt ta. Chúng ta đã biết nó to đến thế nào nên lời cám ơn này thật
có chất lượng.
Không chỉ Không Quân mới có máy bay nhào lộn, Hải Quân
cũng có đội bay Blue Angels biểu diễn nhuần nhuyễn. Thứ tư 6/5 vừa qua, đội bay
này nhào lộn trên không phận tiểu bang Texas để cám ơn các nhân viên y tế tuyến
đầu. Cư dân các thành phố Katy, Houston và Dallas đã đổ xô ra đường để coi ké
cuộc biểu diễn ngoạn mục của các thiên thần xanh.
Tượng Chúa ở Rio de Janeiro mặc áo y tá
Nhà thờ chánh tòa Quốc gia Washington tại Mỹ thắp đèn xanh với dòng chữ “Cảm ơn”.
Tại các thành phố lớn trên khắp thế giới, câu nói “cám
ơn” cũng vang vang từ nơi này đến nơi khác. Các tượng đài, công trình nghệ thuật
khắp năm châu bốn biển cũng có chữ “cám ơn” gắn vào. Tượng Chúa trên núi ở Rio
de Janeiro, Brazil, cũng được phủ bộ đồ bệnh viện. Tòa Empire State Building,
tháp Eiffel cũng cúi đầu ôm chữ “Merci”. Các nhà thờ, trên tường, trên các thảm
cỏ, trên mặt đường, cũng cám ơn tưng bừng.
Trên truyền hình, các nghệ sĩ biểu diễn quyên tiền giúp
tuyến đầu. Vì tình trạng giãn cách nên các nghệ sĩ trình diễn của tất cả các buổi
hát gây quỹ đều hát từ nhà của họ, kể cả những màn hợp ca. Bên Mỹ có buổi trình
diễn “One World: Together at Home” với sự tham gia của hầu hết những tên tuổi gạo
cội: Andrea Bocelli, Elton John, Paul McCartney, John Legend, Keith Urban,
Kerry Washington. Chương trình do ba đài truyền hình lớn ABC, CBS và NBC đồng tổ
chức vào ngày 18/4 vừa qua. Tất cả số tiền thu được, khoảng 127 triệu được gửi
cho tổ chức Solidarity Response Fund để hỗ trợ các nhân viên y tế trên khắp thế
giới. Một tuần sau, ngày Chủ Nhật 26/4, đài truyền hình SBTN của Việt Nam cũng
hát cho các anh hùng “Sing for Our Heroes”. Nếu các đài Mỹ thu được 127 triệu
thì cộng đồng Việt Nam bé nhỏ hơn, đặt chỉ tiêu kiêm nhường 127 ngàn. Kết quả số
tiền do dân Việt Nam đóng góp đã lên tới trên 150 ngàn! Cũng ngày Chủ Nhật đó,
bên Canada chúng tôi cũng hát. Chương trình mang tên hai thứ tiếng: “Stronger
Together / Tous Ensemble”. Céline Dion, Michael Bublé, David Foster, Shania Twain,
Bryan Adams, Anne Murray, Justin Bieber có mặt trong số các nghệ sĩ người
Canada tham gia.
Tôi vốn không ưa anh chàng ca sĩ bắng nhắng Justin
Bieber nhưng kỳ này phải công nhận anh đã ghi được chút điểm khi lên Instagram
cám ơn các người ở tuyến đầu chống cô nàng Vi đỏng đảnh gian ác. Anh cùng cô vợ
mới cưới được hai năm Hailey đang giãn cách tại một vùng quê ở Canada đã
livestream những lời sau: “Hailey và tôi cám ơn tất cả những nhân viên tại các
bệnh viện và những người đang làm việc tại các vị trí giúp mọi người. Các vị thật
rất đáng ngưỡng mộ. Chúng tôi đánh giá cao công việc của quý vị và chúng tôi biết
có rất nhiều người cũng đồng ý như vậy. Vậy xin cám ơn. Chúng tôi yêu mến và cầu
nguyện cho quý vị”. Lời cám ơn này rất mạnh mẽ vì Instagram của Bieber có tới
131 triệu người theo dõi.
Người dân chúng ta không có xe chớp đèn xanh đỏ, không
có máy bay xé mây trên bầu trời, không có tượng đài nguy nga, không có show
truyền hình nhưng cũng đã sáng tạo ra nhiều cách cám ơn rất lý thú.
Dòng chữ “Thank you key workers!” được một bé gái viết lên bức tường tại High Wycombe, Anh.
Những hàng người đứng hai bên đường vỗ tay chào đón các
nhân viên y tế, những em bé vẽ những bức hình mộc mạc với những câu cám ơn trên
cửa sổ nhà nhà, những nhà hàng làm những chiếc bánh cám ơn nhiều ý nghĩa. Tất cả
đều chung một tấm lòng.
Nhưng cũng có những cách cám ơn cụ thể hơn như quyên
góp để mua các dụng cụ bảo vệ cá nhân cho các bác sĩ, y tá và y công, những thứ
mà họ đang thiếu trầm trọng. Một bà quen với tôi ở Montreal vốn là một nhân
viên làm việc tại phòng mạch bác sĩ ở Anjou. Phòng mạch đóng cửa trong mùa dịch,
bà không ngại con virus nhỏ bé nhưng nguy hiểm, đã xông pha ra đường đi tới nhà
các mạnh thường quân bà liên lạc được để thu các khẩu trang và găng tay họ có sẵn
mang tới các bệnh viện. Nhiều người không có sẵn những thứ nay trở thành quý
giá này trong nhà, đã đóng góp tiền bạc để bà đi mua tại các cửa hàng bán dụng
cụ làm nail.
Loại khẩu trang thứ thiệt này khan hiếm dần. Có bữa tôi
vào mua thuốc tại một cửa tiệm Walmart thấy có bảng thông báo là không còn những
thứ đang khan hiếm trầm trọng này. Càng khan hiếm thì những người trên tuyến đầu
diệt dịch càng vất vả. Bạn tôi được một người quen, người Hoa, tặng cho mấy cái
khẩu trang loại tốt N95, thứ các nhân viên tại nhà thương thường dùng. Vậy mà
khi ra đường ông không dám mang. Thấy chướng! Dân ngoài đường, không trực tiếp
đối đầu với virus, chỉ cần mang thứ che mặt mũi đại khái là được. Ông đeo thứ vợ
may bằng vải. Mấy cái loại tốt đành để mốc ở nhà, dùng thì không dám dùng, tặng
các bệnh viện thì mắc cở, chỉ có vài cái, bõ bèn chi!
Khi khan hiếm khẩu trang quá trầm trọng thì nhân viên bệnh
viện cũng phải chấp nhận thứ khẩu trang home made. Người ta chỉ nhau cách may
khẩu trang trên Facebook và các phương tiện truyền thông khác để tặng các bệnh
viện. Dân chúng thi nhau biến các máy may tại gia thành các xưởng sản xuất. Người
Việt chúng ta, máy may sẵn có từ những ngày đầu tị nạn làm kế sinh nhai, bỏ mốc
meo nơi xó xỉnh nào đó trong phòng kho, nay lôi ra làm việc thiện. Họ bỏ tiền
túi ra mua vải, bỏ công ra may. Lời cám ơn đọng rất nhiều mồ hôi và công sức.
Nhà văn Nguyễn Minh Nữu là người rất năng nổ trong việc
này. Không những hai vợ chồng ông tự may mà còn kêu gọi nhiều người khác tham
gia. Nhóm ông có 18 thiện nguyện viên gồm 14 người ngồi may và 4 người làm…tiếp
vận. Họ tới nhận vải do các nhà hảo tâm tặng và giao thành phẩm cho các bệnh viện.
Khi thiếu vải, họ làm thêm một việc là móc tiền túi ra mua vải. Mỗi ngày khoảng
500 khẩu trang được hoàn thành. Chỉ tiêu của nhóm là cung cấp cho các bệnh viện
10 ngàn chiếc. Ông thông báo chuyện này trên Facebook từ ngày 3/4 nên tôi chắc
tới nay chỉ tiêu này đã đạt được. Bạn bè khen ngợi, ông đỏ mặt trả lời: “Cám ơn
các bạn khen ngợi. Thực ra, những người làm như mình ở đây nhiều vô số, có người
đi phân phối, có người cặm cụi ngồi may, có người bỏ tiền ra mua nguyên vật liệu,
có người đóng góp vật tư….nhưng họ ẩn mặt, họ đem tới tặng các bệnh viện, các
nhà dưỡng lão, các nơi công ty làm về y tế cần thiết. Lý do mình đưa hình ảnh
phân phối lên facebook là vì vợ chồng mình làm việc cho một công ty chăm sóc
người già. Công ty nhận được sự đóng góp của các nhà hảo tâm ẩn danh, và chính
công ty cũng đóng góp thêm, khi mình đem đi tặng, phải ghi lại hình ảnh như một
báo cáo với những người đóng góp thôi. Xin đừng khen mình (cảm thấy mắc cở)”.
Những người có lòng như nhóm của ông bạn Nguyễn Minh Nữu
không phải là ít trong cộng đồng người Việt chúng ta. Nhiều người được báo chí
nhắc tới. Họ ở khắp nơi.
Cụ bà 92 tuổi may khẩu trang tặng bệnh viện
Tại thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona, có nhóm của
chị Tường Vi, thợ sửa quần áo. Tại Tacoma, tiểu bang Washington có chị Thảo Phạm,
thợ làm nail, đã tự may được hai ngàn chiếc khẩu trang tặng các bệnh viện St.
Joseph, bệnh viện nhi đồng Multicare-Mary Bridge. Đặc biệt chị cũng đã lập được
một nhóm trong đó có bà cụ 92 tuổi cũng hăng hái đạp máy may. Nhóm còn có chị
Kati, có chồng người Mỹ, chĩ đã kể lại: “Ông xã tôi rất tự hào về tôi. Ông ấy
là người Mỹ, ông gọi cho má chồng tôi ở tiểu bang khác và khoe rằng tôi đang
may khẩu trang để tặng cho bệnh viện. Má chồng tôi nghe xong, bà gọi tôi là
‘anh hùng’!”. Các chị Trinh Phí, Kiều Dung và Uyên Trang ở Westminster cũng cặm
cụi may. Kỹ sư nhu liệu điện toán Uyên Trang cho biết:“Xuất phát từ thỉnh nguyện
của một y tá tại bệnh viện San Diego cần khẩu trang, chúng tôi đã cùng nhau mua
vải về cắt và nhờ các gia đình biết may làm theo website hướng dẫn của Cơ Quan
Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC). Đến nay chúng tôi đã làm được khoảng 500 cái và hiện
đang được rất nhiều bạn bè và các Phật tử ủng hộ để tiếp tục may thêm nữa”.
Có một thứ yểm trợ khác nghe thơm hơn là yểm trợ các bữa
ăn cho các người đang phục vụ ở tuyến đầu. Họ đầu tắt mặt tối, không có thời giờ
ăn nói chi tới thời giờ nấu hoặc sửa soạn bữa ăn. Để cứu ứng những chiếc bao tử
không được chủ nhân của chúng để ý tới, hậu phương lại kĩu kịt mang cơm nước tới.
Nghe nói cơm, nhiều người tưởng đây là chuyện trật đường rầy. Phải bánh mì mới
đúng nơi đúng chỗ. Nhưng hình như không nhất thiết như vậy. Các tiệm ăn Việt cứ
mang cơm tới các bệnh viện. Họ có chi mang nấy miễn sao làm đầy được những cái
bao tử của những người đang ngày đêm vất vả chống dịch. Nhưng chuyện này lại quẹo
qua chuyện khác: chuyện văn hóa!
Y bác sĩ bệnh viện Kaiser gửi hình chụp chung với các phần cơm Việt Nam – Ảnh: NVCC
Trên báo The Mercury News ở San Jose,
bắc California, đã có một bài ca ngợi các nhà hàng trong khu vực đã tặng hàng
ngàn phần ăn miễn phí cho các nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch. Họ gọi
đây là “những bữa ăn của lòng biết ơn” (meals of gratitude). Trong
bài báo họ có hài ra tên một tiệm ăn Việt Nam, Phở Hà Nội, đã tặng hàng trăm phần
ăn mặn và chay tới các bệnh viện Kaiser Santa Clara, El Camino, O’Connor và
Valley Health Center and Regional. Cơm Việt Nam gồm nhiều loại, ai thích chi ăn
nấy. Đại khái có các món: cơm tôm rang me, cơm gà hấp muối, cơm gà nướng, mì gà
rô-ti, cơm sườn nướng, bò ra-gu và cơm chay. Mặc dù phở là món chính của
nhà hàng và là món người Mỹ ưa thích nhưng món nước này rất khó chuyên chở và
phân phối. Hơn nữa, khi tới tay họ thì phở đã nguội, mất ngon. Điều bất tiện
này lại là điều hay vì các bác sĩ, y tá và nhân viên Mỹ trong bệnh viện đã có dịp
khám phá các món cơm Việt. Họ không ngờ là món ăn Việt phong phú như vậy. Trên
mỗi đĩa cơm, nhà hàng có đính kèm một tấm thiệp ghi: “Thank you so much
for the difference you make in the lives of your patients. Pho Hanoi San Jose,
on behalf of Vietnamese community”. Tấm thiệp này đã được họ giữ lại để
khi nào hết dịch, họ sẽ tới nhà hàng khám phá các món ăn Việt. Chị Nguyễn thị
Minh Huyền của nhà hàng cho biết món cơm tôm rang me được họ thích nhất. Món
cơm gà gặp một trở ngại…văn hóa. Ngưởi Việt thích gặm xương nhưng người Mỹ thì
không. Vậy nên rút kinh nghiệm, những ngày sau, nhà hàng đã chịu khó lọc hết
xương.
Tại Nam Cali, tiệm “Phở Point Loma & Grill ở San
Diego” cũng đã tặng các hộp đồ ăn cho các bệnh viện UC San Diego Health
Service Hospital, Sharp Memorial Hospital, UC San Diego Hillcrest Hospital,
Kaiser Permanente Hospital, VA Healthcare Hospital và Scripps Mercy Hospital.
Tại hầu hết các nơi có người Việt ngụ cư và mở nhà
hàng, người Việt đã mang những tinh hoa của ẩm thực Việt tới cám ơn các nhân
viên các bệnh viện. Con đường ngắn nhất tới trái tim là con đường đi ngang qua
bao tử, các món ngon của người Việt đã chinh phục được tình cảm của các người
đang ở tuyến đầu chống dịch. Họ rất xúc cảm vì hành động thực tế của người Việt.
Trong “Nhật Ký Chống Dịch” của cô bác sĩ/nhà văn Minh
Ngọc, bệnh viện Winthrop University Hospital tại thành phố New York, cô kể lại
khi nhìn thấy các bức vẽ đầy màu sắc cám ơn các bác sĩ và điều dưỡng của các em
học sinh tiểu học dán đầy tường, cô đã “bất ngờ và cảm động”. Chỉ những bức
tranh đã đủ làm những người ở tuyến đầu cảm động, huống chi đĩa cơm tôm rang
me. Nói chơi cho vui vậy thôi. Miễn có một tấm lòng!
Song Thao
Website: http://www.songthao.com
05/2020
No comments:
Post a Comment