Thursday, November 26, 2020

Âm Phong Trắng

 



Âm phong trắng

 

Gió. Gió ...

Gió ...

Rồi có lúc gió như một người đàn bà ghen tuông, nổi tam bành thổi tốc váy cô nhân tình trẻ đẹp đang quấn quýt đi bên cạnh chồng mình. Bà phùng mang trợn mắt, chu mỏ thổi liên tu bất tận. Chẳng vậy, như để cho đã nư, bà quay mặt qua bốn phương tám hướng, làm như giận lây cả mấy người khách vô tình đi lẩn quẩn loanh quanh. Thôi thì nào nón nào khăn cứ mặc tình sút sổ, kể cả mấy cái bàn tay đang níu chặt nhau cũng lính quýnh buông nhau ra để kéo sát hai vạt áo khoác ghịt chặt vào mình. Chưa kể đến những hàng cây hai bên đường, thôi thì vật vã đến nỗi như van nài, hết quặt sang đông lại quẹo sang tây, mấy cái nhánh cây gầy như lóng xương khô, vặn vẹo kêu rêu liền miệng. Còn lá khô thì khỏi nói, đám trên hè phố thì bốc lên lao chao như bầy bướm động ổ, cái còn dính trên cành thì run lẫy bẫy, lặt lìa lặt lọi rồi vụt ... buông mình. Cả một góc phố đang lao xao cười nói, một giây, một thoáng bỗng như sựng lại ... ồ, gió mùa tây-bắc ! Cùng lúc, hơi rét liếc qua mặt mủi tay chân bỏ trống, như một lưỡi dao mỏng dánh mà sắc lẻm. Vết cắt không rỉ máu mà lạnh buốt. Người ta rùng mình. Rồi ghịt siết thêm chéo khăn quàng cổ. Rồi chụp sâu thêm chiếc mũ đội đầu. Rồi tình nhân siết chặt thêm vòng tay đã chật. Rồi người bộ hành đơn lẻ, vội cắm đầu rảo bước nhanh thêm ...

 

Mới mấy bữa trước, trời thu đang hồi lộng lẫy, dưng không rồi có gì như sựng lại. Có chút gì đó hao hớt trên cái biển màu mới đây còn lung linh như gấm thêu hoa. Không gian váng vất gì đó mà như có như không. Hỏi người chắc chẳng ai biết. Mà nói không chắc chẳng ai chịu. Trời còn xanh, nắng vẫn vàng hoe. Và trên những bãi trống thành phố, người ta còn tụ năm tụ bảy, chùm nhum từng nhóm nói cười hay lang thang một mình, thơ thẩn. Dẫu vậy, đâu đây, khuất sau những lối vắng, từng nhúm cỏ ... đã vàng lườm như hối hả. Chùm lá đỏ đã hằn sâu mấy vết bầm. Khóm lá vàng đã lấm tấm mấy chấm nâu nâu. Và trên vai những pho tượng trắng thường vẫn nô đùa những cặp chân chim nhỏ xíu, bây giờ chợt hớt hải một tiếng kêu lạc bầy ... Thêm vài hôm nữa, người ta chợt nhận ra ngày như teo tóp lại và đêm, đêm như loảng ra, mỗi lúc một nhoè nhoẹt thêm đến nỗi mới xế trưa, trên mặt người đã mờ mờ nhân ảnh. Mặt trời thì trở mặt như một lão già khó tánh và lười biếng, thập thò thì thụt, uể oải tới lui chẳng sốt sắng chút nào. Mới ló ra đã vội lánh mặt, keo kiệt từng sợi nắng. Cùng lúc, cặp kè với những luồng gió miên man thổi về từ mạn bắc, những cụm mây xám xịt, lắm khi đen đúa, nhăn nhúm như mấy cái bản mặt cau có, lại rủ nhau kéo về nườm nượp.

 

Vậy đó, mùa đông đang lần dò tới. Làm như sợ lỗi hẹn. Mà thật ra, có ai đợi đâu, mùa đông !

 

Vậy mà ... rồi tới lúc mùa thu bỏ đi thiệt sau khi đã lo dọn sạch tới chiếc lá cuối cùng. Gió được gởi tới, từ bốn phương thổi dạt ra tám hướng, xô, đẩy, bứt, giựt tung những chòm lá, những lùm cây, đùn đẩy những tàng cổ thụ, ghịt chằng những dây leo quấn quýt, nói gì tới những chiếc nhánh đen đủi, khẳng khiu, mọi thứ cứ thi nhau mà run rẩy, rơi rụng liên hồi ... Lá vàng lá đỏ bay tứ tung, có chiếc chần chừ như không đành, có chiếc buông xuôi như phó mặc ... Rồi là khắp nơi, mọi đường ngang ngỏ dọc được trải đầy những thảm lá đủ màu khiến mỗi bước chân dẫu có độc hành cũng nghe ra bớt khô khan ... Mùa thu bỏ đi để lại trần gian như một cõi lòng trống trải. Trời càng thấp xuống, đất như càng dãn ra. Phố xá không còn những bóng mát che thân, phơi trần những mái nhà ám bụi, những về tường nứt nẻ, những cửa sổ đóng kín. Ngoài xa, những cánh rừng trở nên trần trụi. Sông suối đầy những xác lá vật vờ. Mọi thứ đều như tìm cách lánh mặt. Kể cả những bầy chim thiên di hợp đoàn như cánh cung, thay nhau ghé lại từng bầy trên những bãi cỏ hoang ... rúc rỉa tìm mồi rồi cũng hè nhau thoắt đi mất dạng ... Có cái gì nằng nặng một niềm nghi ngại ... như chờ chực đâu đây ! Cuối góc vườn nhà, đã có nhiều hơn một người vội vã thu xếp, dọn dẹp những khóm hoa, luống cải ... Cắt bỏ những cụm hoa héo, vun gốc, che chắn những bụi kiểng dị ứng với thời tiết sắp đổi mùa. Và cái chuyện thường hằng như đã là tiền định, quơ, quét, hốt, gom ... từng bựng lá vàng, càng lúc càng rơi ... rơi hoài rơi hủy cho tới khi cành nhánh trơ thân như những cánh tay gầy khô, vói lên xơ xác như một tiếng kêu trời. Dẫu vậy, gió từ cực bắc vẫn thổi về miên man, miên man ... Quả đất quay theo chiều nghiêng của trục, núi rừng ao hồ đồng cỏ phố phường càng lúc càng huốt xa mặt trời. Ngày co rúm lại, đêm quá bước thênh thang. Có hôm, những buổi chiều trốn mất, bỏ mặc cho bóng tối và gió, gió tẩm hơi lạnh buốt xương càng lúc càng suồng sã. Trong nhà, không hẹn mà ai nấy lặng lẽ xếp cất dưới đáy tủ những chiếc áo mỏng tanh, những chiếc quần ngắn củn cởn, những đôi giày gót cao bóng lưởng ... Người ta lôi ra, phủi bụi từng chiếc áo len, áo khoác độn lông chim lông vịt dầy cộm, những chiếc khăn quàng đủ màu sắc, những chiếc mũ nồi, những đôi ủng da cao cổ, những bộ găng tay thô kệch, kể cả những áo lót quần lót ngộ nghĩnh ... đang nằm im trong góc tối dưới hầm nhà hay một ngăn tủ bị bỏ quên ... từ độ xuân rồi. Người ta làm không vội vã cũng chẳng chần chờ. Người ta làm như ... một chuyện phải làm. Năm này qua năm khác. Mỗi năm, khi mùa đông đang lật bật trở lại.

 

Vậy rồi giữa lúc còn đương lơ ngơ với hơi hướm sang mùa ... giựt mình coi lịch ... đã cuối tháng mười. Gió đã thôi bầu bạn. Gió bây giờ làm mặt lạ, cuộn trong

mình thứ khí lạnh đã ủ kín từ ngàn triệu năm cực bắc rồi thổi phà về nam làm cả một dòng sinh hoạt đang hồi nhộn nhịp bỗng chừng như muốn khựng lại ... Mới xế trưa đường phố đã hối hả lên đèn. Từng chùm ánh sáng nhợt nhạt không xuyên nổi thứ hơi lạnh đặc quánh như sương mù. Không đèn thì mờ mịt mà đèn bật lên lại lộ ra cái vẻ hắt hiu. Phố chưa chiều mà như ngái ngủ. Quán xá lộ thiên thì đã xếp cất hết bàn ghế kê nhờ lên lề đường mùa hè năm đó, đôi chỗ còn nấn níu thêm mấy ngày cuối thu ngắn ngủi. Rồi cũng phải dẹp bỏ. Đã thôi những chai bia ướp lạnh ngất ngưởng giữa những bước chân hè rộn rã. Đã hết những tách cà-phê bốc khói xuýt xoa theo mấy lớp lá thu bay. Công viên vắng hoe. Mấy chiếc xích đu thiếu tiếng cười trẻ nhỏ đứng trơ mớ sắt thép vô hồn, buồn như mấy món đồ chơi bỏ quên trong góc khuất. Những lối đi thiếu chân người nằm chết lặng dưới mấy lớp lá khô. Người ta kéo nhau lánh vào những không gian kín, bỏ mặc trời với đất quạnh hiu. Cả đến những cặp tình nhân đã có lúc ríu rít như chim sẻ rồi cũng mất biệt. Lề đường, hè phố chỉ còn những dáng người ... lầm lũi, lùng xùng trong những bộ quần áo chống lạnh, mắt thôi liếc ngang liếc dọc, chân đi như chạy mà rốt lại chỉ để rượt đuổi chính mình. Nhưng rồi mùa màng còn vội vã hơn nữa ... Hơi thu còn chưa tan hẳn trong những mối cảm hoài thì ... mùa đông ụp tới. Có khi sớm vài hôm, có khi trễ vài bữa. Nhưng sớm hay trễ, mùa đông cũng tới. Khi thì dè dặt lắc rắc như một cái khều vai nhắc nhở. Có khi sỗ sàng chẳng chút ngại ngần, mùa đông thổi tới tấp những luồng âm phong trắng và lạnh rát như dao cứa từng sớ thịt.

 

Bữa đó, sáng sớm, giữa trưa, hay chiều tối, vào một lúc nào đó, mùa đông dậm dựt theo mấy đám mây dầy cộm chứa đầy hơi nước trên một độ cao đủ lạnh để kết thành những tinh thể trắng muốt rồi đổ bừa xuống. Líu ríu như muối biển mịn bâng, hay rào rào như từng bụm đường cát trắng ném tới tắp vào mặt người lỡ đường chẳng khác nào những cái tát tay rát buốt đến phũ phàng ... Cách nào thì mùa đông cũng đã tới !

 

Vậy đó rồi từ đèo cao tới lũng thấp, xuyên qua những xóm thôn heo hút hay phố thị sầm uất, những thảo nguyên bạt ngàn, những bãi bờ cô quạnh, không sót một hóc hẻm, chẳng lọt một góc kẹt nào hết ... đâu đâu cũng nhận được những kiểu chào hỏi vồn vã tới ... điếng người đó. Chưa kể đến trên đỉnh cao chót vót của những ngọn núi trẻ vốn đã bạc đầu từ mấy kiếp. Những cơn lốc xoáy từ miền địa cực, vừa quay cuồng vừa thổi dạt xuống phía nam cái hơi lạnh dưới nhiều lần độ âm làm mọi thứ tê cứng lại như để dọn chỗ cho những hột tuyết đầu mùa còn đôi chút rụt rè. Rồi trời đủ lạnh, rồi tuyết rơi mặc tình bám chặt lấy cái chỗ đã dành được, nhấn chìm hết mọi sắc màu dị biệt để còn lại chỉ một màu trắng nguyên sơ. Cây cối trụi lá trơ cành như từng nhúm xương khô mốc thếch. Sông suối ao hồ co rúm lại, trơ trơ dưới mặt nước đóng băng. Mọi bờ bãi, rào chắn ... dần dần bị xóa dấu, tất cả chìm dần vào một cơn đồng thiếp mới. Tất cả rồi còn lại là một sa mạc trắng, lạnh lẽo và lặng lẽ đến mênh mông. Ngó quanh, cảnh vật coi bộ chịu đựng cũng tới lúc buông xuôi, mọi thứ nằm im, bất động dưới mấy tầng tuyết ù lì. Chim chóc trốn đâu mất biệt chẳng rớt lại một tiếng kêu. Lâu lắm, mới thấy một chú thỏ con trắng muốt, nhúc nhích trong một hóc tuyết trắng nhờ nhờ... hẵn là nhắm hướng tìm mồi ... mồi ở đâu giữa một cõi trời đất trắng xóa như nhau !

 

Rồi cuối năm ... Chẳng bao lâu, cả xứ y như một bức tranh sơn dầu với hầu hết là những bệt màu trắng, chỗ dầy chỗ mỏng, có khi trắng tinh, có khi nhem nhúa, sơn phết bất kể, lớp sau nằm đè lên lớp trước của người thợ vẽ vụng tay. Rừng cây, lối mòn, nhà cửa, đường phố, cầu cống ... chỗ nào cũng bê bết những vết cọ trắng, trắng nhách, trắng tươi, trắng phau, trắng ngần, trắng ngà, trắng bệch, trắng nhờ nhờ ... Trắng lênh láng tới độ mới nhìn thôi đã ... lạnh. Thứ lạnh mà từ thế kỷ mười sáu mười bảy, khi những người Âu châu đầu tiên đặt chân xuống vùng đất này đã viết trong nhật ký như sau ... le froid « ne peut être compris que par ceux qui le souffrent ». Dịch tạm : Cái lạnh mà chỉ có những người đã chịu lạnh ở đây mới hiểu thấu được đau khổ thế nào. Cái lạnh đã làm chết cóng 25 thủy thủ trong số 110 người theo Jacques Cartier vượt đại dương tới đây tìm đất mới. Cái lạnh mà năm 1721, một linh mục đã ghi lại « ainsi n'ais-je jamais passé d'hiver dans ce pays, que je n'aie vu apporter à l'hôpital quelqu'un, à qui il fallait couper des bras et des jambes gelés ». Cái lạnh có thể làm cháy da cháy thịt đến nỗi phải cưa bỏ tay chân. Cái lạnh đã khiến người ta xài chữ ngược đời. Phỏng ... lạnh ! Ờ, lạnh lắm ! Lạnh đến nỗi đàn bà con gái xứ này lắm khi không cần son phấn mà gò má vẫn đỏ au. Thêm nữa, mở miệng nói chuyện là y như phà khói thuốc lá, dẫu là người kỵ thuốc tới ghét bỏ kẻ lỡ vàng tay. Vậy đó, cái mùa đông kỳ cục !

Vừa mới qua giêng đã tới độ đông già, hàn thử biểu tụt xuống hoài như xe đổ dốc không phanh. Thử tưởng lắm khi dưới cả chục lần độ đông của nước. Những khi đó thèm nhớ làm sao cái góc nhỏ đã bỏ lại ở bên kia biển lớn với một phần đời nhiệt đới. Nằm cheo leo trên vĩ tuyến 45 độ bắc, thành phố nơi tôi ở sống trọn một mùa đông đúng nghĩa của khí hậu lục địa với độ ẩm cao, bốn mùa rõ rệt. Đã hớn hở khi đón xuân, đã rộn ràng lúc vui hè, đã lơ mơ lãng mạn buổi thu sang thì có rầu rĩ khi mùa đông rúc rỉa thịt xương thì cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Chỉ có điều nói thì nói vậy, chớ mùa đông ... Ôi mùa đông ... Những mùa đông dài bất tận. Những mùa đông lạnh trắng đến bạc lòng. Em có thấy gió đồng hoang nổi giận. Thổi muôn trùng xoáy buốt tận tim không!

 

Đúng y như người hai ba trăm năm trước đã nói. Cái lạnh ở đây hẵn chỉ có người đã sống lạnh ở đây mới biết ... lạnh ra sao. Nhất là những khi tuyết góp

gió làm bão. Những cơn lốc xoáy tròn cuốn, quậy rồi thổi những hột tuyết bay cuống cuồng như sợ trễ hẹn với mùa. Tuyết rơi ... Gió vừa hú vừa bắn những hột tuyết trắng tinh chứa trong nó chút bụi li ti bay khắp cùng trời đất. Khi dầy khi mỏng, tấm màn tuyết phủ chụp lên mọi thứ mọi nơi. Tuyết bay thành luồng thổi quét rào rào lên mặt đường trống. Tuyết quay vù vù như bông vụ vổ bên trái dập bên phải, bất kể. Khách đi đường, đầu cúi gập mà mắt có mở to, cố ngó quanh cũng chỉ thấy mịt mù, không phân biệt được đâu là mình đâu là người dù chỉ cách nhau vài thước, chân thấp chân cao lò dò lội từng bước tìm lối đi đã bị xóa dấu. Xe cộ nhem nhuốc như lọ lem, mở đèn giữa ban ngày ban mặt, chạy, lách, tránh ... trợt, có khi nhích từng chút một như đi đưa đám. Tuyết trắng, đèn vàng, đèn đỏ trộn lộn trong gió làm hoạt cảnh cứ lung linh tưởng như ảnh ảo. Gặp mùa lễ cuối năm, tuyết bay qua những dãy đèn xanh đỏ nhấp nha nhấp nháy làm tuyết lấp la lấp lánh như mấy hột kim tuyến rắc đầy trên những tấm thiệp giáng sinh thuở nhỏ. Ờ những tấm thiệp giáng sinh thuở nhỏ ! Những tấm thiệp như một huyền nhiệm rắc tuyết vô đầu đứa nhỏ sinh ra ở mấp mé bên lề xích đạo. Từ một hai tháng trước, những tiệm sách, những quán bán báo đã treo đầy những tấm thiệp Nô-en, cở bằng bàn tay người lớn, rìa cắt rô-đê, tô vẽ những hình ảnh chưa từng có ở đó. Những cây thông xanh mướt, hình dáng như kim tự tháp, chỉa vút ngọn lên trời. Những ngôi nhà mái đỏ phủ tuyết trắng với ống khói lò sưởi loáng thoáng mấy sợi khói xám xanh. Những lối đi ngoằn ngoèo không một vết chân người trên những bình nguyên trắng lạ lẫm. Và đặc biệt là những hột kim tuyến rắc đầy trên hình vẽ đẩy cho cái trí tưởng thấp chủm của đứa trẻ phóng vút tới tận một cõi thần tiên được kể đầy trong các trang truyện cỗ tích phương tây. Cho tới lúc những đêm giáng sinh thuở mới chập chững nhìn theo những chiếc áo dài giấu gió trong hai tà lất phất. Nhà thờ ở cạnh một bờ sông lớn. Đèn ngôi sao treo suốt từ nền đá tới đỉnh tháp chuông, giăng dài theo những lối đi, lấp lánh trong những ánh mắt có đuôi như níu gọi. Máng cỏ có đứa bé sơ sinh trong hang đá. Và nhạc thánh đeo theo những lượn gió đêm lướt thướt, bay dặt dìu như những đôi cánh thiên thần đáp nhẹ lên vành tai người ngoại đạo. Rồi lễ nửa đêm. Chuông hồi rộn rã. Xứ sở không có tuyết, người ta bày đặt ra tuyết, rải bông gòn trắng lên những lối đi, lên mấy nhánh cây còn đầy lá làm hồn trẻ cứ mơ mộng. Gặp đêm gió lớn, lắm khi bông gòn sút sổ thoắt bay lắt rắt cứ tưởng đâu tuyết trắng hiện nguyên hình. Ờ tuyết trắng, tuyết của một cõi viễn mơ, vậy đó mà nhuộm trắng một linh hồn không biên giới ... Vậy rồi cho tới lúc dang mặt hứng những giọt tuyết cùng với thứ gió địa cực mùa đông đầu tiên trên xứ người ! Vậy rồi tới lúc quần áo giày vớ hai ba lớp dang tay xúc từng bựng tuyết lấp đầy lối đi, xúc bựng này tuyết lấp thêm bựng khác ! Vậy rồi tới lúc tuyết đồng nghĩa với mùa đông, những hạt tuyết nhẹ hửng trong mơ bỗng trở thành nặng ì trên tay ! Và rồi những mơ mộng theo những bước chân Sài-gòn lang thang trên hè phố hai mùa mưa nắng, áo chùng đen phủ dài tới chân, cổ áo kéo cao phủ tới ót, khăn quàng cổ đỏ, nón feutre nghiêng vành, miệng ngậm trệch điếu thuốc lá cháy dở, khi Modigliani đi lang thang qua đường phố Montmartre phất phơ bông tuyết mịn bâng bỗng chốc tan nhanh hơn hột tuyết đọng cuối mùa !

 

... Cho tới một lúc tuyết khắn khít với mùa đông còn hơn một người tình kim chỉ, những trận tuyết cứ giành nhau đến rồi đi ... rồi lại đến. Khi lơ thơ. Khi lồng lộn. Khi mịn như một chấm kim thêu. Khi to như từng nhúm bông gòn. Mọi thứ rồi mập mờ nhòa nhoẹt như hình nhân từ cõi âm lộn về, điêu đứng giữa những vòng quay cuống quýt của những cơn lốc tuyết xoáy tròn. Người và cảnh ai lo thân nấy, dập vùi trong cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Những cơn bão tuyết mùa đông dữ dằn đến nỗi có lúc tưởng đâu giáng xuống từ một lời sấm rủa. Bao nhiêu giận dữ dồn nén tự lúc nào rồi hè nhau đổ trút xuống. Gió rít như tiếng kêu của trăm ngàn cây mã vĩ cọ lên giây đàn cùng lúc. Tuyết rơi không phương hướng, hột to hột nhỏ bay loạn xạ, bạ đâu tắp đó, bất kể. Còn khí lạnh thì như những mũi kim châm nhọn hoắc, luồn lỏi qua mọi ngỏ ngách, từ những khoảng trống bỏ hoang trên hè phố, từ những nứt nẻ của gạch ngói, những kẻ hở li ti của sớ vải .... để châm chích đục khoét thịt da người buốt thấu tới xương. Mọi thứ trộn lộn nhau như một thứ ẩn ức lâu ngày đến lúc nổ tung ra cho hả cơn kềm chế. Như để trừng phạt cái cõi nhân sinh hẵn đã đầy tội lỗi. Nếu không, cũng là dịp để cho con người đã có lần kêu lên thượng đế đã chết, con người đã lắm lần thách thức với thiên nhiên, nhận ra cái căn phần bọt bèo của mình khi thiên nhiên nổi giận. Ít ra cũng để thấy sự nhỏ nhoi đến tội nghiệp của loài người giữa cái bí hiểm đến khôn lường của vũ trụ !

 

Ngày rồi theo tháng lần lượt qua đi. Tuyết ở lại. Những lớp tuyết lớp sau chồng lên lớp trước. Mỗi lúc một dầy hơn, đầy hơn, cùng khắp hơn, mịt mùng hơn đến nỗi lắm khi tự hỏi mùa đông đang trắng hay chính cõi đời tang trắng ! Lòng không vui cảnh không vui, người ta sống chực hờ với căn bệnh trầm cảm như con gấu vật vờ giữa giấc đông miên. Như chỉ để chờ một ngày ...

Dẫu vậy, rồi cũng có bữa tốt trời, dù hiếm hoi, cũng có khi mùa đông làm bộ vỗ về nhá cho vài tia nắng ban mai, phản chiếu lại mặt tuyết trắng ngần như ngàn triệu sợi thủy tinh lóng lánh. Lòng ủ ê bỗng như có chiều hưng phấn. Nhưng rồi lắm khi mùa màng lại nghịch ngợm như con nít. Người chưa kịp ấm lòng thì trời nhả cho chút mưa ... tuyết. Gặp đúng lúc, tuyết không rơi thành tuyết mà thành ... băng. Chút hơi nước được hơ ấm rơi xuống lắc rắc như mưa, chạm mặt tuyết lạnh ngắt đông lại thành băng. Mái nhà, hàng ba, cột đèn, bảng hiệu ... tới những khóm cây cành nhánh đen đủi bám dầy từng lớp băng trong vắt nhìn xa tựa như cảnh tượng được tạc hình trên từng khối pha lê. Gặp mấy sợi nắng vắt ngang, lộng lẫy như cảnh chuyện thần tiên mà vui chân qua đó thì có té ngửa cũng là chuyện thường tình. Mặt đường dẫu đã dọn sạch tuyết mà đóng băng cũng trở nên trong suốt, láng lẩy và trơn lùi như mặt gương soi. Xe cộ qua lại lắm lúc như không uống rượu mà say. Tay lái bỗng nhẹ hửng. Xe dành quyền đòi làm chủ. Sơ sẩy là kể như chung phận Kiều nhi lúc bán mình cho Mã Giám Sinh, chớp mắt cái là ... một xe trong cõi hồng trần như bay !

 

Kể lể vậy nhưng họa hoằn rồi mùa đông cũng có khi để lại chút ít thi vị cho đời. Giữa khi trời và đất lạnh căm căm, trắng ngần và trong vắt, có những đêm rằm êm ả, con trăng tròn vành vạnh trở màu trăng biêng biếc, rải xuống đời thứ ánh

xanh thăm thẳm mang trong nó những trăn trở của đêm Tây Bá Lợi Á, khi Zhivago trở lại nhà xưa làm thơ nhớ Lara, sau khi đã dập vùi trăm nỗi vì những đọa đày của cuộc cách mạng vô sản ... Màu trăng lạ lắm. Đẹp lặng lẽ đến ... hoang mang ! Ngay lúc ấy, nếu đâu đó bất ngờ vẳng lên mấy nốt nhạc dạo đầu của khúc giao hưởng Chanson de Lara do Maurice Jarre biên soạn, hẵn là cái khắc nghiệt của mùa đông cũng sẽ vơi đi mấy độ ... để cho những niềm hy vọng đâm chồi ... mùa xuân rồi sẽ trở lại.

Mùa đông. Ôi mùa đông của những ngọn âm phong trắng dã và nhọn lểu. Của những hàng cây cụt đầu đứng co ro, những ngõ tắt mất dấu, những giao tình ghẻ lạnh, những chim chóc bặt tăm, những cánh đồng lì mặt, trắng đến mỏi mắt. Của những đêm tĩnh mịch, trắng đến liệm hồn người vào cõi tịnh tâm.

Mùa đông. Mùa của năm cùng tháng tận. Mùa của thiên địa mịt mùng. Của sự nhỏ nhoi của con người trước cơn bạo hành của trời đất. Của sự chống chỏi tồn sinh của loài sâu kiến trước những biến thiên bất-khả-tư-nghị của vũ trụ.

Mùa đông của Jack London viết Le silence blanc với người và vật như bị nuốt chửng trong sự im ỉm huyển hoặc của ngút ngàn tuyết trắng và rối nùi mê cung của lòng người.

 

Mùa đông. Mùa của ngọn lửa cháy bập bùng trong lò sưởi giữa nhà. Mặt người xoay quanh tranh tối tranh sáng để lắm khi lẫn lộn với nhân ảnh của một quá khứ đã mù. Ngoài cửa, đêm trắng tuyết. Khuất trong, hơi ấm vỗ về. Khăn cổ áo len, cốc rượu mạnh sóng sánh màu hổ phách, sau một ngày lặn lội tê cóng mình mẫy, hạnh phúc nhỏ nhoi vậy đó chăng ?

 

Mùa đông. Có phải là dịp để ẩn cư, bó thân nhìn lại mình giữa khi đất trời chao đảo, để ngó lui và định vị lại đời ...

 

Mùa đông. Ôi mùa đông xứ người ! Em có sống lưu vong đầu địa cực. Rượu quan san lạnh nứt đáy hồ trường. Ta mù tối như loài dơi đại vực. Ngủ vùi quên cơn bức tử quê hương!

Caovị khanh

No comments: