Sunday, November 29, 2020

Cuộc Tình Lênh Đênh

____________

 TRẦN BANG THẠCH




 

Nhà thầy giáo Ba đối diện nhà tôi, hai nhà cách nhau con đường tráng xi măng nhỏ, chỉ rộng vừa đủ cho hai người đi song đôi. Ngay khi thấy mặt và tình cờ biết được tên của người con trai mới đến trọ học tại nhà thầy giáo Ba, thì tôi đã linh cảm được cuộc đời tình ái của tôi sau nầy rồi.

Không hiểu sao lúc đó mới mười mí mà tôi nhạy ba cái  chuyện người lớn dữ như vậy. Tôi mường tượng thấy nó sẽ ba chìm bảy nổi và chín cái lênh đênh. Nguyên do là như thế này. Cái tên Ly của tôi, Trần Phương Ly, mà ghép vào với cái tên Từ của người con trai đó thì nghe sao bi đát quá chừng. Hai cái tên này mà đụng vào nhau thì không u đầu sứt trán thì cũng ruột tím gan bầm tim thổn thức. Thuở ấy tôi còn ngây thơ lắm vậy mà đã nằm lòng câu thơ: “Đưa người ta không đưa sang sông sao có tiếng sóng ở trong lòng”...  Cho nên Từ Ly hay Ly Từ thì cũng đều âm u, buồn bã, đớn đau, chua xót hết cả... Hình ảnh chàng tại Tương giang đầu thiếp tại Tương giang vĩ tuy hết sức thơ mộng trong thi ca, nhưng nếu cái đầu sông cuối sông ấy mà va vào phận số của mình thì chắc là buồn lắm. Yêu nhau thấu trời mà phải Từ với Ly thì chỉ có nước đi ... tu cho nhẹ lòng nhẹ dạ. Tên Ly của tôi thì vô phương sửa đổi rồi. Đó chắc phải là cái tên ba má tôi thích lắm; có lẽ ông bà đã nhiều đêm trong phòng vắng vừa tâm sự rả rít với nhau vừa tìm tên cho đứa con đầu lòng sắp ra đời, và lúc tôi gặp anh chàng thì cái tên Ly đó đã đi theo tôi mười ba mùa mưa nắng trên cuộc đời nầy rồi, dễ gì mà thay với đổi. Còn cái tên Từ được làm khai sanh cho thằng con út chắc ông bà ngầm thông tin với nhau rằng: Kể từ đây mình nên treo miễng chiến bài và giả từ vũ khí để còn có sức lực lo cho 8 đứa con nheo nhóc. Chớ cái điệu đầu năm sanh con trai, cuối năm đẽ con gái theo lời thiên hạ chúc ngày đám cưới thì chỉ có cách cả nhà uống nước sông cho no bụng. Cho nên cái chuyện đổi hay thay gì thì là ở cái nơi tạm cư của anh chàng đó. Thế giới này rộng thênh thang, tỉnh lỵ này cũng đâu có nhỏ, Thủ Đô Miền tây mà, tự dưng rồi Lê Văn Từ từ một làng quê nào đó chui vào con hẻm cụt nầy mà ở trọ; rồi chẳng biết ma đưa lối quĩ dẫn đường thế nào mà lại ở chường ngay trước mặt người ta. Phải chi anh chàng đến ở tại những nơi khác thì tôi đâu có quen biết gì anh chàng để mà thắc mắc và sầu đời. Phải, tôi đã sầu gần suốt cuộc đời này rồi đó quí vị ạ. Sầu quá kỹ cho nên mới trên năm mươi mà tóc bạc gần hết. Thì ai biểu quen biết với người ta làm chi để bây giờ dài dòng văn tự ?  Xin lỗi quí vị đừng phán như vậy. Quí vị đừng có binh vực người ta mà quá bất công với tui à nghen. Từ khởi thủy tui có muốn nhìn cái bản mặt cô hồn của anh ta đâu mà cho rằng tui muốn làm quen hay làm bạn; tui muốn làm lạ thì có. Nói trắng ra là những tháng đầu tôi thấy cái con người gì mà thật dễ ghét, quê một cục. Tình cờ chạm mặt người ta trên đường đến trường, cái cục quê này nào có thấy người ta đang tập mang đôi guốc cao gót Đa-kao hay cài con bướm bằng ny lông trên tóc, hay khi người ta ráng chịu đau cắn môi trên môi dưới cho môi thêm hồng thêm mọng, cái cục quê ngó lơ như bận tâm nhìn phố xá, hay cứ gầm mặt xuống mà đi, giống như người đi lượm bạc cắc ngoài đường; tui rủa anh chàng bữa nào đó đụng cây cột đèn u đầu gảy gọng để bọn con gái tụi tui cười cho đỡ buồn. Anh chàng ăn mặc còn bắt cười hơn nữa: cái áo sơ-mi trắng rộng thùng thình chồng vô thân hình ốm như cò ma, cái quần tây xanh gọi là quần dài mà cụt ngủn để lòi đôi ống chân cao lỏng nhõng, còn đóng phèn, mốc cời; bước đi thì kéo lê đôi giày săn-đan, làm như từ nhỏ đến giờ chưa từng biết mang guốc mang giày, mà chỉ biết quét đường bằng săn-đan không bằng; bước ra đường là có cái nón rơm che cái đầu hớt cua trông như trọc, nói năng chẳng biết thưa gởi là gì, phát âm thì cứ con-cá-gô-nhảy-chong-gỗ-kêu-gọt-gẹt-gọt-gẹt, tui nghe mà phát “gung” phát “ghét” phát “gầu” thúi “guột” thúi gan . Gần hết năm đầu thì tình hình có khá hơn một chút. Cái đầu hớt ca-rê phật được thay bằng cái đầu chải bảy ba tươm tất, nhiều khi có thêm chút bri-ăng-tin ba con năm và thêm cái ổ gà phía trước. Đầu năm chắc đã đếm cột đường nhiều quá rồi nên chán, giờ đây chịu ngước mặt nhìn lên tí chút. Cũng hỏng chừng chàng ta sợ cứ cuối đầu xuống hoài e rằng hột gà từ trên đầu rơi xuống lả tả thì hứng đâu kịp !!!

 

Năm thứ hai, thứ ba thì mọi chuyện cũng bình thường thôi: ăn mặc như người thành phố, nói năng đàng hoàng, nhân cách hơn. Không biết từ hồi nào anh chàng đã quên khuấy mấy đồng bạc cắc trên mặt đường mà để mắt ngó nghiêng nhìn dọc mấy cái áo dài. Thấy đẹp mà không nhìn thì có là mù! Chắc cũng từ đó mà răng phe ta cắn cặp môi phe nhà thường hơn, trên tóc có thêm vài con bướm màu mè sặc sỡ hơn. Đặc biệt là mỗi sáng đứng lấp ló trong cửa nhà trọ, anh chàng đã biết nhìn vào khung cửa của nhà đối diện, và chờ để lẽo đẽo đi sau lưng người ta. Biết có người tình nguyện hộ tống phía sau, con nhỏ bèn tương kế tựu kế: khi thì làm rớt cây viết, lúc thì cuốn tập hay cái khăn mù-soa, khiến cây tre miễu cuối xuống đường lượm rồi ân cần, lễ phép trao cho nhỏ, ra điều rất lấy làm hân hạnh. Làm vậy vừa bỏ ghét vừa tập cho anh chàng quen khom lưng để vợ dễ dạy sau này! Nhiều bữa con nhỏ nhà đối diện này bèn chơi độc. Nó canh còn đúng 17 phút để nó từ nhà vừa kịp bước vào lớp. Những hôm đó anh chàng bị trễ học là cái chắc, vì từ trường nữ của bà Đoàn phải đi thêm đúng 2 phút rưỡi nữa mới tới trường nam của Cụ Phan! Mà giờ vào lớp của hai trường thì cùng một lúc. Vậy mới chết cửa tứ cho chàng ta. Trễ học là cái chắc. Chém chết cũng bị cồng-xin ngày chủ nhựt, và phải chép đi chép lại cả ngàn lần câu: “Từ đây tôi không dám đi trễ”.  Cho bỏ tật ham làm cái đuôi ! Sau năm bảy lần như vậy thì cái đuôi khôn hơn: chờ đến khi còn vài chục thước đến trường nữ, cái đuôi tiến lên ngang hàng, nheo mắt một cái ra điều bái-bai, rồi phóng nước đại, ngựa phi ngựa phi đường xa, vừa kịp lách vào thì cánh cổng trường khép lại.

 

Nhưng thú thật với quí vị sang đến đầu năm lớp Đệ Nhị  thì cái đuôi này thành cái đuôi sam, chặt không đứt, bứt không rời, phơi không khô, đốt không cháy. Ngay tình mà nói cả hai đương sự đâu có ai muốn bứt hay muốn chặt nó đâu. Dại gì mà làm chuyện đau khổ ấy. Trong Hồn Bướm Mơ Tiên, cô nàng Lan của Điệp sau khi làm hai chuyện ruồi bu là cắt tóc và cắt đứt dây chuông chắc tiếc hùi hụi, ước gì  nối tóc và nối dây chuông lại được thì vui thấu trời xanh, Tiên lại về với Bướm. Nói gần nói xa không qua nói thiệt: Tình yêu hổng biết do đâu mà có mặt giữa hai người, lại đến đúng vào năm cả hai chuẩn bị kỳ thi Tú tài một. Lúc tâm trạng người ta giao động, âu lo là lúc người ta dễ nương tựa vào nhau nhứt. Giữa chốn rừng núi âm u dẫy đầy đạo tặc, một thân một mình với tì nữ Kim Liên, dù cho anh chàng Vân Tiên họ Lục vừa khoát tay vừa nói khoan khoan ngồi đó chớ ra nàng là phận gái ta là phận trai thì nàng Nguyệt Nga họ Kiều cũng chỉ muốn sa ngay vào đôi tay rắn chắc của chàng Lục cho yên bề .. ..  an ninh nội địa. Tình yêu của tôi và chàng có lẽ bắt nguồn từ chỗ đó. Từ đầu năm học đệ tứ chúng tôi đã đi học các lớp toán, lý hóa và sinh ngữ ban đêm ở tư thục Thủ Khoa Huân, đi về có nhau cho đỡ lạnh cẳng. Năm này chúng tôi đã biết gọi tên nhau và đã biết chờ nhau đi học. Mộng mơ thì chúng tôi chưa thượng thừa nhưng chắc đã lên hàng bảy, tám túi. Vừa vẽ tim gan phèo phỗi cho môn vạn vật của Thầy Đại Bằngvừa chép thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Prévers .. .. Vừa học tìm sin lấy đối chia huyền, cos thì hai cạnh kề huyền chia nhau vừa đọc Mười Đêm Ngà Ngọc, Để Tưởng Nhớ Một Mùi Hương.. ..Đêm đêm hai đứa, trên hai cái gác đối diện, thi nhau thức khuya học bài và học ... yêu. Không nói ra nhưng hai đứa nhứt quyết phải giành cho được cái bằng Trung học Đệ nhứt cấp. Ê mặt lắm nếu bảng hổ không đề tên. Năm đó thì tâm trạng chúng tôi cũng giao động và âu lo lắm. Và hai con tim thì đã thấy có gì khan khác, nó lửng lửng lơ lơ, ảo ảo mờ mờ như sương như khói. Con chữ con nghĩa, con toán con hóa sao nó cứ nhùn nhằn ẩn ẩn hiện hiện gương mặt người từ căn gác đối diện; đầu trang sách là một nét cười, cuối trang là chút âu sầu trên môi trên mắt. Học Nguyễn Du: mai cốt cách, tuyết tinh thần mà sao cứ thấy có nàng ở trong! Học Benzen, Acêtylene, thấy nơi gác trọ chàng nghiêng nghiêng nhìn! Thấy chàng ngồi đó làm thinh. Thấy nàng trong cửa lén nhìn người dưng. Năm đó chắc có thần ái tình phù hộ dẫn lối đưa đường nên hai đứa đều đậu. Hú hồn! Tưởng là sẽ tởn tới già đừng đi nước măn mà hà ăn chưn; nói cho rõ là sẽ không dám lần khân với ái tình. Tưởng là sẽ chẳng nên tương tàu tương hột tương tư làm chi cho ốm o gầy mòn long thể. Nhưng ông thần tình ái dường như đã cho chúng tôi vay lần trước quá nhiều nên bây giờ muốn lấy lại cả vốn lẫn lời. Hắn cho chúng tôi xang bang xấc bất ngay đúng cái năm Đệ Nhị gai góc. Bài vở học thi thì cao bằng núi mà sự thương nhớ thì cao bằng trời. Không nhìn thấy ánh điện bên kia cửa sổ thì nhớ. Không đi chung lối đến trường thì buồn. Những khi chàng phải về quê đôi ngày thì chắc chắn sau đó chúng tôi đọc thư của nhau mệt nghỉ. Tui viết rằng: những đêm học bài khuya, nhỏ đạp xe một mình ra bến Ninh Kiều mua xôi vò, không có chàng, nhỏ ăn cả phần xôi nhỏ mua cho chàng, để nhớ chàng thêm, nhớ gấp đôi lận đó. Còn chàng của nhỏ thì viết rằng: anh leo lên cây quít đầy kiến lửa và chơm chỡm gai , bẻ một trái quít vàng mọng rồi lột vỏ, đớp nhẹ vài múi, và chợt nhớ đến nhỏ, nhớ vô cùng là nhớ, nhớ bất tận. Câu văn tuy có hơi hướm thơ Tô Thùy Yên nhưng nghe vẫn phát thương. Ước chi chàng ăn nguyên trái bưởi to kềnh thì niềm thương nhớ chắc phải bự hơn! Có lẽ chàng của tui bắt đầu làm thơ từ những ngày này. Cái kiểu lục bát như vầy: Ngoài kia có lạnh không em? anh nơi này đứng bên thềm ướt mưa. Nhớ em biết mấy cho vừa. Nhớ em biết mấy cho vừa, nhỏ ơi! Cái câu nhớ em biết mấy cho vừa nhỏ ơi này chàng viết đi viết lại đầy nửa trang giấy còn lại của năm tờ giấy pelure xanh da trời, giống như ngày nào chàng chép bài phạt ngày chủ nhựt. Nhân ngày sinh nhựt của tôi, chàng mua tặng quyển truyện Thương Hoài Ngàn Năm của Võ Phiến, còn viết thêm lời nhạc của Phạm Mạnh Cương: Ngàn năm yêu hoài một mối tình thôi. Ảnh hình mỗi người không còn thập thò nơi cuối sách hay đầu sách, mà hiển hiện kín cả trang, che cả chữ. Ghét thương, hờn giận, nhung nhớ, âu sầu ... như những chùm nho treo lủng lẳng trên cả hai căn gác, muốn hái vài trái liệng đi mà sao lòng không nỡ, chúng nó hình như đã là máu thịt rồi. Lắm khi tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn. Người ta thường nói khi bị tình phụ mới gọi là thất tình. Không phải vậy đâu, kính thưa chư liệt vị, kinh nghiệm tình yêu của tui và chàng là càng yêu nhau càng thất tình đậm nếu hiểu thất tình là nhung là nhớ, dù là đau là khổ, là vàng võ tương tư bầm gan tím ruột, có khi là khóc như trẻ thơ, giận hờn như con nít, mè nheo như giữa con với mẹ...Những cái lẻ tẻ này thì chúng- mình- hai- đứa đều có hết. Phải chăng như thế mới tình?!

 

Trên đây chỉ là màn giáo đầu của tôi về cuộc tình lênh đênh này. Cuộc tình lênh đênh! Nghe sao có vẻ tình không biên giới quá. Tình muốn đi đâu thì đi , trôi đâu cũng mặc, vô bờ vô bến. Có lúc tình cứ thẳng băng một dòng mà chảy. Có khi tình như con sóng, dâng cao như cái nhà lầu, xuống thấp như rơi vào đáy vực, có lúc xoáy trôn ốc chừng như muốn gãy làm đôi. Nghe thì ghê quá, nhưng ngẫm lại mà coi, tình ai mà chẳng vậy. Nếu không vậy thì hỗng phải là tình. Phải không thưa chư liệt vị?

 

Năm đó thần ái tình vẫn phù trợ chúng tôi, có lẽ không muốn cho đứa đậu đứa rớt mà sẽ xảy ra chuyện xa mặt cách lòng, hay cái lênh đênh của phận Kiều trong bài nghị luận văn chương năm đó đã nhập vào trang viết của chúng tôi, làm cho chúng tôi đều đậu, dù là đậu passable.

 

Một lần đã tởn tới già. Đừng vội nghĩ chúng tôi đã sợ tình yêu. Chuyện này chắc còn khuya. Tởn đây là tởn cái ban A mà chúng tôi đã chọn hai niên học vừa qua. Sang năm đệ Nhứt chúng tôi ngoéo tay nhau vào học ban C. Năm nay thì tất cả hơn hai mươi con-người-văn-chương-lớp-C của chúng tôi ra vẻ rất ư là văn chương, rất ư là văn nhơn thi sỡi. Chúng tôi mơ mộng gấp mười lần hơn trước; chúng tôi làm như trên đời này làm gì có chữ vui mà chỉ có một chữ buồn to hơn cái sông Bá-Sắc. Chúng tôi uống cà phê đen nơi quán cóc, nghe Sylvie Vartan,Thanh Thúy, mấy anh chàng tập hút thuốc Bastos xanh. Chúng tôi cầm trên tay những Bùi Giáng Mưa Nguồn, Phạm Công Thiện Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, J.P.Sartre La Nausée, H.Miller Tropic of Cancer , Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi...Có chị cháu ông nguyên quốc trưởng còn cất công đi xe đò lên nhà sách Albert Portaille đường Tự Do Sài-gòn đặt mua báo dài hạn Les Temps Modernes của Sartre tận bên Tây, chúng tôi chia nhau vừa tra tự điển vừa đọc. Năm 1964 khi Sartre của chúng tôi từ chối nhận giải Nobel văn chương, chúng tôi thức trọn đêm, nấu một nồi cháo cá ăn mừng, cũng để hổ trợ cho cái chịu chơi của thần tượng. Cái Nobel chỉ lớn bằng cọng lông chưn của thần tượng Buồn Nôn của chúng tôi! Nhận làm gì cho mất tiếng! Có anh để tóc dài quá ót, còn mang vào đôi kính trắng không độ, gọng mủ đen kịch cợm, cho ra vẻ trí thức. Có chị cắt tóc kiểu demi garçon để đêm nằm mộng thấy mình thành Audrey Hephur. Chúng tôi lập nhóm thơ văn, gởi thơ truyện đăng báo, thật xôm trò. Có lẽ cũng từ đó mà việc viết lách thêm nhuần nhuyễn và tinh thần triết học thấm vào da, nên bài thi triết năm đó đa số chúng tôi được cao điểm để vượt qua bậc trung học. Mấy nhà văn nhà thơ tự phong tỉnh lẻ chúng tôi bây giờ mới thấy được chữ vui, tuy rất nhỏ.

 

Màn kế của chuyện tình này thì nó dài thườn thượt, vui ít buồn nhiều. Đúng là: Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu. Cái vui cái buồn tiếp tục con đường thiên lý quanh co thác ghềnh của nó bằng chuyến xe Đại Đồng từ tỉnh nhà lên Sài-Gòn.

 

Chân ướt chân ráo, chúng tôi nhập vào cái quái trận đồ của đô thành. Chàng định cư ở cái đại học xá đường Minh Mạng, gần Nhà thờ Ngả sáu, kế trường Chu Văn An, còn tôi thì gởi thân cho các dì phước cai quản cư xá nữ sinh viên Sao Mai, trên đường Trần Hoàng Quân, cũng gần ngả sáu Chợ Lớn. Nhiều đêm chàng xúi tôi leo tường vượt ngục, tránh mấy cái áo chùng trắng tinh để nhập vào thế tục. Hai đứa ở khá gần nên gặp gỡ cũng thường và giận hờn cũng lắm. Người xưa bảo yêu nhau lắm cắn nhau đau, thật là chí lý. Tôi giận chàng thường là vì ghen. Cũng phải thôi, ai đời cứ đem chuyện cô học-trò-kèm-tư-gia ra mà nói, hết cô này rồi tới cô kia, hết cô kia rồi tới cô nọ, làm như đọc tiểu thuyết phơi-ơ-tông Quỳnh Dao không bằng! Có lần chờ chàng đến chở đi tiệm sách Khai Trí, rồi tiện đường ăn bò viên và uống nước mía Viễn Đông, chờ hoài không thấy bèn đến kiếm chàng tại đại học xá, thấy chàng đã ngồi nơi phòng tiếp khách nói chuyện rất ư là thân mật với một bom-bê thuộc tuổi-thích-ô-mai từ hồi nào. Thế có giận không chớ. Giận thì giận nhưng chiều tối đó cùng chàng ra ngồi lề đường Nguyễn Tri Phương, góc đường Bà Hạt, cho mấy thau nghêu vào thì hờn giận cũng xách gói đi ra. Cùng học Văn Khoa nên chàng tình nguyện lái cái mô-bi-lét xanh cũ mèm đưa người tình đi học. Thuở đó trường Văn Khoa còn ở đường Nguyễn Trung Trực, gần nhà chợ Bến Thành nên sáng nào cũng ráng tấp vào chợ, ngồi chồm hỗm ăn tô bún bì, húp nước mắm rồn rột. Nhiều lần xe chàng trở chứng, chàng phải ngồi sau cái vê-lô-sô-léc của tôi, trông thật buồn cười. Chân dài thượt không biết gác ở đâu, tay cũng dài ngoằn không biết ôm cái chỗ nào cho khỏi mang tội công xúc tu sĩ và cho khỏi té. Nhờ dạy mấy trường tư và kèm trẻ, chàng tiện tặn sắm được cái Lambretta tuy cũ nhưng tình hình lưu thông khá hơn, chàng đỡ vất vã trong cái nắng Sài-gòn anh đi mà chợt nóng; chàng khỏi phải đẩy cái vê-lô hay đạp cái mô-bi-lét hàng cây số. Bù lại, những ngày đi học, được đến giảng đường sớm hơn để không bị mất chỗ ngồi, những ngày nghỉ thì đèo nhau ra Bãi Sau, Bãi Trước vừa tắm biển vừa tránh cái ngột ngạt của Sài-gòn. Chỉ tránh được vài lần, sau đó chính chàng góp phần tạo ra những cái ngột ngạt ấy. Quả tình Sài-gòn thời đó thật là xáo động. Biểu tình, lựu đạn cay như cơm bữa. Bãi khóa, tuyệt thực, xuống đường. Đại Học Xá Minh Mạng thường bị lựu đạn cay suốt đêm, trong túi người nào cũng thủ sẵn vài trái chanh và cái khăn ướt. Phong trào Cha Trần HữuThanh, phong trào Bà Ngô Bá Thành, Ni sư Huỳnh Liên, các cha thuộc nhà dòng Chúa Cứu Thế như Cha Nguyễn Ngọc Lan với Cho Cây Rừng Còn Xanh Lá, cha Phan Khắc Từ trong bộ quần áo của người lao công hốt rác, cha Chân Tín với báo cấm Đối Diện. Tiếp nối các lãnh tụ sinh viên thời 63 Lê Hữu Bôi, Nguyễn Trọng Nho, Tôn Thất Tuệ, thời hậu 63 có các lãnh tụ sinh viên Tô Lai Chánh, Hồ Hữu Nhựt, Nguyễn Thành Công, rồi Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy, rồi Nguyễn Đăng Trừng, Trần Văn Chi, Đoàn Kĩnh, Phạm Hào Quang, Hạ Đình Nguyên, học sinh Lê Văn Nuôi...tổ chức thường xuyên những cuộc hội thảo, xuống đường chống đủ thứ. Nhạc Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh... “ tôi có ngưới yêu chết trận Pleime” hay “Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng. Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”...được nghe và được hát khắp các khuôn viên đại học. Nữ Hoàng Chân Đất KL bắt đầu nỗi danh tại Quán Văn, phía sau Văn Khoa đường Nguyễn Trung Trực. Các giáo sư Trần Anh, Nguyễn Văn Bông, Lê Minh Trí bị ám sát ngay trên đường phố Sài-gòn. Súng nổ ở Đêm Tất Niên Văn Khoa làm bị thương sinh viên Ngô Vương Toại và hàng chục người khác trong một đêm hát nhạc sinh viên. Ứng cử viên chức chủ tịch Ban Đại Diện Luật Khoa Lê Khắc Sinh Nhựt bị bắn chết trong sân trường. Tại trường Y, anh sinh viên con thẩm phán nổi tiếng họ Trần rơi xuống đất từ từng sân thượng; người thì cho là tự tử, người thì bảo bị thanh toán vì lý do chánh trị. Chiến trường thì đã sát nách Sài-gòn. Đến Tết 68 thì súng đã thay tiếng pháo mà nổ khắp Sài-gòn, Chợ Lớn, Gia Định; nổ khắp nơi, khắp các tỉnh, các quận toàn quốc. Một số sinh viên quen biết đã vào tù hay ra mật khu. Ác hại thay: tranh đấu, biểu tình, tuyệt thực là chàng, làm báo chui là chàng, ngồi tù cũng chàng mà ra bưng cũng chàng! Ôi, chàng của tôi. Không nói, quí vị cũng biết lúc đó tôi khổ biết chừng nào. Thời gian này tôi rất ít khi gặp chàng. Nhớ chàng lắm mà chẳng biết tìm chàng nơi mô. Cha tôi một công chức cấp cao của Nha cảnh sát vùng 4 biết rất rõ tình trạng gia đình và cá nhân của chàng, bắt tôi phải xa chàng. Tôi thì đâu có nỡ. Chàng bận tranh đấu, xuống đường, họp báo, hội thảo.. .. tôi ghi và lấy giảng khóa cho chàng. Chàng bị dùi cui chảy máu, bong gân, u đầu, sứt trán .. ..tôi thoa dầu gió, xức thuốc đỏ, băng bó cho chàng. Sau những ngày tuyệt thực ở trụ sở Tổng Hội số 4 Duy Tân, chàng xanh xao vàng võ, tôi phải cơm cháo bồi bổ cho chàng. Những tháng ngày chàng ngồi tù Tân Hiệp tôi đều đặn cơm nách xách mang thăm nuôi. Ngay sau Tết Mậu Thân chàng đi mất mà không một tiếng giả từ. Tôi buồn biết bao nhiêu. Trên những chuyến xe đò về miền Tây thăm nhà, nhìn qua ngó lại thấy người ngồi bên cạnh không phải là chàng, tôi khóc như người vợ vừa tiễn đưa xác chồng ra phần mộ.

 

Cái tên Từ, Ly chắc bắt đầu nghiệm ứng từ đó.

 

Tôi mang cái buồn đi theo khi tôi rời khỏi nước, trước lúc chàng mang K54 trở về trong một miền Nam hoàn toàn sụp đổ. Người ta nói chàng theo đoàn cán bộ cao cấp vào tiếp thu trường Phan Thanh Giản của chúng tôi. Người ta còn kể ngày người ta đập tượng Cụ Phan tại sân trường, có người thấy chàng đứng sau khung cửa sổ của từng hai, dãy đầu, nơi có phòng Sư Đạo Tôn, tay chặm nước mắt.

 

Chuyện của tôi kể đến đây quí vị có thể coi như là hết. Nhưng đối với tôi và chàng, chuyện chưa kết thúc. Ở bên này và ở bên kia biển Thái Bình Dương  chúng tôi là Ngưu Lang và Chức Nữ, coi như kẻ đầu sông người cuối sông Ngân. Người xưa suốt đời nhớ nhau, mong đàn chim về bắt cầu Ô Thước mỗi năm để có phút giây gặp gỡ. Còn tôi và chàng là Từ với Ly thì coi như dây cũng chùn mà cầu cũng đứt để đúng với hai cái tên tiền định Từ, Ly. Biết là tiền định, nhưng tình thì không định. Tình cứ lênh đênh như sóng, mãi mãi dào dạt trong lòng.

 

 

Trần Bang Thạch

No comments: