___________
Theo Người Việt online
“Chú đi thật rồi cháu ơi. Đi chiều nay. Chỉ biết ra đi trong bệnh viện, nhưng không biết bệnh viện nào. Bây giờ cô cũng lớn tuổi rồi, không muốn nói gì cả. Các con cô đang rất xúc động. Bây giờ người nhà của chú Lam Phương đang lo liệu mọi việc,” phụ nữ này chỉ nói như thế, và không nói gì hơn.
Người phụ nữ này yêu cầu nhật báo Người Việt không nêu danh tính “vì cả Little Saigon này ai cũng biết cô là ai rồi.”
Nhiều nguồn trên mạng xã hội cho biết nhạc sĩ tài ba và đào hoa này ra đi lúc 6 giờ 7 phút chiều tại Fountain Valley, ngay trong vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại.
Theo Wikipedia, nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 Tháng Ba, 1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).
Nội tổ của ông vốn là người Hoa, bỏ nước sang Việt Nam lập nghiệp trong đợt di dân ồ ạt của người Hoa chống đối với nhà Mãn Thanh. Đời ông nội của ông đã bắt đầu lai Việt Nam và đến đời cha của nhạc sĩ thì chẳng còn dấu vết gì là người Hoa nữa.
Nhạc sĩ Lam Phương là con đầu lòng, lớn lên với mẹ và năm người em trong cảnh nghèo nàn xơ xác. Cha ông bỏ đi theo người đàn bà khác từ lúc ông còn nhỏ.
Năm 10 tuổi, mẹ gửi ông lên Sài Gòn học, sống ở nhà người bác ruột. Ông bắt đầu tự mày mò học nhạc, rồi may mắn được nhạc sĩ Hoàng Lang và nhạc sĩ Lê Thương chỉ dẫn.
Bút danh Lam Phương do ông lấy từ hai chữ trong tên thật của mình là Lâm và Phùng với ý nghĩa “hướng về phương trời màu xanh hy vọng.”
Ca khúc đầu tay của ông là bài “Chiều Thu Ấy,” viết vào năm 15 tuổi. Ông vay tiền của bạn bè để mướn nhà in in nhạc bướm, sau đó thuê xe chở nhạc đi bán lẻ khắp Sài Gòn. Thời gian đầu sáng tác, ông gặp rất nhiều khó khăn về tài chính khi thường xuyên phải vay tiền những người bạn của mình để tự phát hành các tác phẩm âm nhạc. Thành công với tác phẩm đầu tay, nhạc sĩ Lam Phương càng miệt mài sáng tác.
Ba năm sau, ông tung ra hàng loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là “Khúc Ca Ngày Mùa,” được hầu hết các trường học ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học trò ca múa.
Năm 1958, ông nhập ngũ QLVNCH. Trở về dân sự một thời gian thì được lệnh tái ngũ, gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An. Sau khi đoàn này giải tán, ông tham gia ban văn nghệ Hoa Tình Thương và sau cùng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương cho đến ngày Sài Gòn thất thủ.
Sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông và gia đình lên tàu Trường Xuân để tị nạn mà không kịp mang theo tài sản gì. Sau đó, ông được chuyển đến định cư tại Virginia, Hoa Kỳ, nhưng ông lại chuyển về Texas, rồi California. Để có tiền nuôi vợ con, ông phải làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện,…
Sau khi cuộc sống nơi xứ người dần ổn định, cứ mỗi cuối tuần ông cố gắng thu xếp thuê một quán ăn làm sân khấu ca nhạc kịch để bạn văn nghệ gặp nhau.
Sau đó, ông sang Paris, Pháp, làm công cho một tiệm tạp hóa, quét dọn, đóng gói, khuân vác,… Cho đến một ngày, ông gặp được một tình yêu mới và ông đã kết hôn với người phụ nữ tên Hường, thế nhưng người này rồi cũng bỏ ông theo người khác.
Năm 1995, nhạc sĩ Lam Phương trở về Mỹ và kết hôn với một phụ nữ khác. Đầu năm 1999, ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người. Thời gian này, ông gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng nhận được vô vàn tình cảm.
Lần xuất hiện gần đây nhất vào Tháng Tám, 2016, ông cùng đoàn nghệ sĩ của trung tâm Thúy Nga sang Singapore thực hiện chương trình Tình Ca Lam Phương in Singapore.
Ngoài những ca khúc kể trên, ông còn sáng tác nhiều bài khác, được nhiều ca sĩ hát, mà đáng kể là “Kiếp Nghèo,” “Duyên Kiếp,” “Tình Bơ Vơ,” “Đèn Khuya,” “Nắng Đẹp Miền Nam,” “Tình Anh Lính Chiến,” “Đoàn Người Lữ Thứ,” “Biển Tình,” “Lầm,” “Say,” “Bài Tango Cho Em,” “Mùa Thu Yêu Đương,” “Tình Vẫn Chưa Yên,”… (Đ.D.)
No comments:
Post a Comment