Thursday, December 3, 2020

Riêng Mình Một Tiệc Tạ Ơn

 


**************

HỒ PHI

 Trong dịp Lễ Tạ Ơn đã qua, Tân một mình ghé quán phở đường Bolsa ăn trưa. Vì đông khách, chủ quán dùng một dãy bàn dài đặt ngay cửa ra vào, coi như bàn chung của những thực khách đi riêng rẽ. Cứ ghế nào trống thì một thực khách được xếp vào, bất kể là ai. Tình cờ, Tân được sắp ngồi đối diện với một bà khoảng ngoài sáu mươi đang ngồi ăn cơm. Tân lịch sự chào bà này trước khi ngồi xuống, xong kêu tô phở như thường lệ.

Nhìn sang phía bà này, Tân lấy làm lạ, sao bà này ăn trưa chỉ có một mình mà sao lại gọi lắm món thế, thật không giống ai cả. Vốn quen nghề thẩm vấn và điều tra, Tân vui vẻ gợi chuyện:

- Bà thường hay ăn trưa ở đây không?

Bà đáp:

- Lâu lắm mới sang đây, nay ăn bữa cho vui rồi mai về.

Nghe tiếng Huế, người cùng miền, Tân đã hiểu một phần lý do: Người Huế vẫn còn ảnh hưởng tục vua chúa, tuy không ăn uống gì nhiều hơn ai, nhưng lại thích có nhiều món trong một bữa ăn, dù nhiều ít. Tân hỏi tiếp:

- Vậy bà không phải người ở đây sao?

Được lời như mở tấm lòng bà đáp:

- Hồi trước tôi cũng có ở Cali , thỉnh thoảng cũng đến đây ăn. Kỳ Lễ Tạ Ơn này sang thăm Cali, sẵn đi lang thang, ghé vào đây ăn một bữa rồi mai về lại Texas.

À, thế tôi mới hiểu thêm lý do: Bữa ăn này coi như “Tiệc Lễ Tạ Ơn” của bà. Từ từ, Tân tiếp:

- Bà thấy vùng này bây giờ có vui không?

Nghe giọng Tân cũng là người miền Trung, hay hỏi và chịu nghe, cảm thấy như thể người thân, bà mới vừa ăn, vừa lai rai nói chuyện như để giải tỏa nỗi lòng u uẩn khôn khuây của mình. Tân chú ý nghe và nhớ, thuật lại đại khái như sau:

Từng đã bị kinh hoàng qua trận Mậu Thân, nên khi Việt Cộng sắp tiến chiếm Huế vào mùa xuân 1975, vợ chồng bà bồng dắt bốn đứa con chạy thí mạng xuống thuyền đói khát, may mắn thoát chết vô đến ở Vũng Tàu. Rồi cuối tháng 4, tiếp đến, lại thuê thuyền ra hạm đội Mỹ, sang Guam, rồi định cư tại Nam Cali này từ hồi 1975. Con cái dần lớn khôn, ăn học thành tài và có công ăn việc làm tốt. Vợ chồng bà đều có học thức nên hội nhập vào đời sống Mỹ dễ dàng. Cả hai đều làm cho hãng xưởng kỹ nghệ. Chẳng may bà bị tai nạn thế nào đó và trở thành tàn phế, bà được bồi thường số tiền gần vài trăm ngàn, bà đã chia cho bốn con để chúng làm vốn, đặt cọc mua nhà cửa ở vùng Nam Cali.

Sau đó, chồng bà phải theo công việc làm, dọn sang Texas, bà cũng theo sang đó định cư luôn. Lâu nhớ Cali bà cũng muốn quay sang chơi, thăm con cái và gặp lại người quen cũ, dạo nhìn lại những cảnh bờ biển mà bà ưa thích, để gợi lại những kỷ niệm yên bình đầu tiên, khi gia đình bà mới đặt chân trên quê hương thứ hai này. Cũng đã nhiều năm qua, nay nhân dịp lễ Tạ Ơn, ông nhà phải về thăm Việt Nam lo chuyện gia tiên mồ mả. Ở nhà một mình buồn, bà ra sân bay, đứng chầu chực, đáp được chuyến bay từ Texas về Cali chơi và ghé thăm mấy người con.

Đầu tiên bà đến nhà người con trai út. Cậu này chưa vợ. Nhà cậu thường có bạn gái đến chơi. Nay sợ có bà ở đó làm mất tự do, sợ bạn gái phiền, nên cậu ta không muốn tiếp bà. Cậu khéo léo khuyên bà đến ở với các anh chị tiện hơn, lấy lý do cậu bận việc không tiếp và lo cho bà được.

Bà đến người con trai áp út, nhà ở trên đồi sang trọng, nhưng cách trở Bolsa nơi bà muốn lui tới, vả lại bà không hiểu vợ chồng anh này nghĩ gì và làm gì, cứ lái xe đi cả ngày, về đến nhà thì ngủ, không nói gì đến bà, không màng lo chuyện cơm nước gì cả, cứ để mặc bà thui thủi một mình, không hề hỏi đến. Quán xá thì xa, không ai đưa đi, đường xe buýt bà chưa rõ. Bà thấy nhà sang trọng nên cũng ngán, cái gì bà cũng không dám sờ vào vì sợ hư hỏng hay nhớp nhúa, con dâu sẽ phiền. Nhà cửa trên đồi nhìn xuống thung lũng rất đẹp, cuối thu trời gió lạnh, nhưng không mở sưởi điện, sưởi ga nào hết. Bà hỏi thì được cho biết lò sưởi hư. Bà thấy cảnh này vừa lạnh ngoài thể xác, vừa lạnh trong tâm tư nhiều hơn và nghĩ đi Lễ Tạ Ơn sum họp mà cảnh này quá buồn. Cảm thấy con và dâu không muốn tiếp mình, nhưng chẳng lẽ chờ chúng đuổi đi. Một mình ở nhà, bà gọi taxi đến nhà người con gái lấy chồng Mỹ.

Đến đây, người con rể Mỹ thấy bà mang vali đến, chỉ nhìn bà và “Hi” một tiếng, rồi tỉnh bơ coi như không có bà. Con gái bà biết ý chồng, không muốn khách khứa nhà quê quấy rầy. Nhà chỉ có ba phòng ngủ, cũng chỉ đủ cho vợ chồng cô ấy và hai con mỗi đứa một phòng. Để bà ở chung phòng với cháu, sợ bà già cả sụt sùi lây bệnh nên cô tìm cách thoái thác, bảo bà rằng vợ chồng cô và hai đứa cháu sắp sửa đi nghỉ mát ở Big Bear trượt tuyết và khuyên bà nên tạm sang ở với người anh trưởng. Xong lấy xe chở thả bà trước sân căn nhà lầu của người con trưởng, lớn rộng cả gấp đôi căn nhà trung bình.

Lâu ngày gặp lại mẹ, thay vì vui mừng, mời mọc chở bà đi chơi hay hàn huyên tâm sự, hỏi thăm chuyện người này người khác, hoặc sắp đặt chỗ ăn ở cho bà một cách thân tình, nhưng chỉ sau một tuần trà nước với vài chuyện qua loa, vợ chồng người con trai cả trách bà: “Sao mạ muốn sang chơi không hẹn trước để chuẩn bị. Nhà còn một phòng trống nhưng cô em vợ đã gọi điện thoại đặt chỗ trước rồi, tối nay từ New York cô ấy bay sang. Vợ chồng con đã hứa dành sẵn cho cô ấy ở đây nghỉ ngơi trong dịp lễ Tạ Ơn này một tuần, vậy đâu còn phòng nào cho mạ ở. Vậy phiền mạ sang ở với mấy em con”.

Nghe thế, bà bối rối vài giây. Lấy lại bình tĩnh, bà nói không sao để má chơi đây ít phút rồi má đi. Dạo thăm sơ, sau trước căn nhà, rồi bà nói đỡ gượng: “Ờ con gọi giùm cho mạ chiếc taxi mạ đi”. Thấy bốn người con đều không ai muốn tiếp đón mình, bà bảo taxi đưa đến một motel ở vùng Little Saigon và bà được nơi đây đón nhận nồng ấm.

Rồi từ hôm đó bà đi lông bông dạo chơi mua sắm, ngắm cảnh trí, thăm vài bà bạn cũ rồi về motel nghỉ. Trưa nay đến quán này bà gọi bồi bàn dọn cho bà một “Tiệc Tạ Ơn” giữa những quán khách xa lạ ồn ào. Rồi mai bà sẽ Sayonara California, giữa trời cuối thu tê tái, cũng có thể là lần sau cùng.

Nghe bà vừa ăn vừa kể, với một giọng Huế nhẹ nhẹ buồn buồn, khiến Tân cũng buồn lây, nhớ đến câu thơ của người xưa: “Cùng một lứa bên trời lận đận. Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau” (Tỳ Bà Hành) và tìm lời an ủi bà ta, bằng cách nói:

- Tỵ nạn sang ở xứ này, phần nhiều là vậy, hơi đâu mà buồn, cũng do mình một phần là không lấy hẹn trước mà thôi. Nhiều người còn gặp trường hợp trầm trọng hơn bà nữa, nhưng người ta không nói ra vì sợ xấu hổ mà thôi. Phần đông cũng có ít nhiều gặp hoàn cảnh như vậy, bà nên tỉnh bơ đi chơi cho vui rồi mai về.

Bà than: - Ra đi là kể như chìm biển đông mà.
Tân phụ hoạ: - Sau bao năm chiến tranh, bom đạn, chạy giặc qua biển cả hiểm nguy, bà còn sống sót đến bây giờ tại Mỹ là vui rồi. Hơi nào mà buồn. Miễn sao bà được mạnh giỏi và minh mẫn là tốt, còn mọi thứ khác, sao cũng được thôi.

Nghĩ bà cũng rành chuyện xưa, Tân nhắc lại vài chữ trong câu đối của danh sĩ Ngô Thời Nhậm:

- ...Thời thế thế, thế thời phải thế.

Và tiếp:

- Mỗi nơi đều có phong tục và văn hóa khác nhau, có khi hoàn toàn trái ngược là chuyện bình thường. “Thanks” mà bà đã “giving” rồi thì còn gì mà “thanks” nữa nên là hết “thanks” rồi, bà đừng nghĩ đến nữa. Người da đỏ đã chào mừng và giúp người da trắng, người da trắng đã quay lại đàn áp người da đỏ. Bà cũng như người lái đò, đưa người qua sông rồi thôi, mấy ai ngoảnh lại mà nhớ kẻ lái đò. Người đi nhờ thuyền chùa, vượt sông biển, đến nơi không cảm ơn người lái thuyền, còn lấy ơn làm thù, hăm dọa, chửi thề vung vãi để trả công cũng là chuyện đã có.

Nghe và nói đến đây, tô phở cũng đã ăn xong, Tân vội chào từ giã, lại quày trả tiền và bước ra khỏi quán, rộng chỗ cho những khách đang chờ.

Trên đường lái xe đi, suy nghĩ về chuyện bà này, Tân nhớ đến chuyện mình lúc trước, bỏ quê, tay trắng đến Sàigòn mưu sinh, kiếm một chỗ cư trú thật rất khó khăn. Nhưng sau nhiều năm, Tân đã có một căn nhà, nhỏ hơn garage ở nhà Mỹ này. Nhưng bà con xa gần quen biết ở quê, mỗi lần đến Sàigòn, vì bất cứ công việc gì, họ đều ghé trọ lại năm ba ngày. Có khi một lúc đến mười mấy người, mà vẫn có đủ chỗ ngủ nghê, cơm nước. Tân không lấy đó làm phiền mà còn lấy làm hân hạnh được dịp gặp lại thăm họ và giúp đỡ cho họ khỏi phải tốn kém và thường khi còn chở họ ra quán xá đãi đằng.

Tân còn biết một người đồng hương, chồng làm thợ hồ, vợ gánh nước mướn ở Sàigòn lúc trước, nhà cửa bằng nửa cái garage nhà Mỹ, chật chội nhưng lúc nào khách từ quê đến cũng có thể tạm trú, cơm nước được mời mọc miễn phí.

Còn ở California này, những căn nhà mới thường rộng hơn cái đình làng ở quê ta, nhưng chỉ thêm một, hai người ở tạm vài hôm lại không được, đó cũng là một nét tương phản, nhất là ở giới chuyên nghiệp khá giả. Khiến Tân bâng khuâng suy nghĩ về hai thái cực: Một bên là chỗ nghèo chật, lại rộng lòng. Còn ở xứ này lại trái ngược: chỗ ở giàu rộng, nhưng hẹp lòng. Âu cũng là một khía cạnh khác về nước Mỹ. Lớp trẻ được cha mẹ sống chết khó khẳn đưa sang Mỹ, chưa hề tiếp xúc với hoàn cảnh gian nan, đói khổ, chật vật ở Việt Nam nên không hiểu được tình tương trợ đùm bọc, nên rất khó tính và vị kỷ quá mức.

Nhật Quang Phi Hồ  (Nov 2004)


1 comment:

rachgia said...

comment của Thầy Hồ Phi

Dear Ms. Tố Lan.
Cảm ơn cô đã đọc bài "Riêng Mình Một Tiệc Tạ Ơn" và post trên Tập Chí Điện Tử quá đẹp của Cô. Tôi mới đọc một ít thấy rất hấp dẫn. Cô trình bày với những hình ảnh rất đẹp. Tuyệt với lắm.
Tôi rất khâm phục công phu và tài năng của cô.
Chúc cô và quý quyến được mọi sự an vui và vạn sự như ý.
HP.