Tuesday, November 2, 2021

Cựu đại sứ Việt Nam Cộng hòa Bùi Diễm qua đời

 _________________________

NGUỒN VOA TIẾNG VIỆT



                       Cựu Đại Sứ Bùi Diễm. (Hình: Jimmy TV)

Ông Bùi Diễm, cựu đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ, qua đời sáng nay, 24/10/2021, tại tư gia ở thành phố Rockville, bang Maryland, Mỹ, hưởng thọ 98 tuổi, theo tin từ gia đình.

Chân dung cựu Đại sứ Bùi Diễm. (Photo by Ngy Thanh)
Chân dung cựu Đại sứ Bùi Diễm. (Photo by Ngy Thanh)

Ông Lã Quy Dũng, con rể của cựu đại sứ, nói với VOA: “Ông nằm ở nhà gần tháng nay. Ba ngày chót thì sức khỏe rất yếu. Trước đó thì cũng tạm tạm được, ăn uống rất ít. Ông đi trong giấc ngủ của ông sáng nay.”

“Ông là một người rất nhẹ nhàng, không có đòi hỏi gì nhiều ở đời cả. Chúng tôi rất tiếc là bố đã đi,” ông Dũng, chồng của trưởng nữ Lưu Bùi của cựu đại sứ nói với VOA.

Ông Bùi Diễm là đại sứ tại Hoa Kỳ đại diện cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ năm 1966 đến năm 1972, và sau đó ông tiếp tục giữ vai trò đại sứ lưu động cho đến khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975.

Ông Bùi Diễm quê ở Hà Nam, sinh năm 1923, thân phụ là cụ Phó Bảng Bùi Kỷ. Cô ruột của ông Bùi Diễm là phu nhân của Thủ tướng Đế Quốc Việt Nam, Trần Trọng Kim.

Lưu giữ lịch sử chiến tranh Việt Nam qua lời nhân chứng sống

No media source currently available

0:000:04:110:00
 Đường dẫn trực tiếp 


Nhiều người bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của cựu đại sứ Bùi Diễm.

Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ bang California, nói với VOA:

“Cuộc đời của ông ấy gắn bó với lịch sử cận đại của nước Việt Nam vì hoàn cảnh khá đặc biệt trong gia đình của ông, có liên hệ đến cụ Bùi Kỷ và ông Trần Trọng Kim, cũng như những biến động của Việt Nam sau năm 1954 cho đến năm 1975.

“Ông ấy là một người tràn đầy tinh thần yêu nước và luôn tìm một giải pháp đỡ tệ hơn cho Việt Nam nhưng cuối cùng nó không thành.

Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Ellsworth Bunker, và Đại sứ Bùi Diễm, tại khuôn viên Nhà Trắng, ngày 1/4/1969.
Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Ellsworth Bunker, và Đại sứ Bùi Diễm, tại khuôn viên Nhà Trắng, ngày 1/4/1969.

“Gia đình tôi và gia đình cụ Bùi Diễm rất thân với nhau. Tôi biết rằng cụ đã ý thức được sự tỉnh giấc của giới trẻ, từ kinh nghiệm của bản thân cho những năm 1942-1945. Và sau này cụ vẫn muốn giúp cho giới trẻ những ý thức, những hiểu biết đó. Và từ đó, cụ kể lại, viết lại một cách khá trung thực, ôn hòa và khách quan từ thời cụ Trần Trọng Kim đến thời cựu hoàng Bảo Đại, cho đến sau này là nền Đệ Nhất và Đệ nhị Cộng hòa.”

Đại sứ VNCH Bùi Diễm tại một cuộc họp báo ở Washington năm 1969. Photo từ Reuters video
Đại sứ VNCH Bùi Diễm tại một cuộc họp báo ở Washington năm 1969. Photo từ Reuters video

Cũng từ California, ký giả Đinh Quang Anh Thái, chia sẻ:

“Cụ Bùi Diễm là một người xuất thân từ đảng phái cách mạng là đảng Đại Việt. Sau đó cụ bắt đầu tham gia chính trường của Việt Nam với nhiều vai trò, từ vai trò Bộ Trưởng Phủ Thủ tướng cho đến vai trò Đại sứ.

“Khi tiếp xúc với cụ Bùi Diễm chúng ta thấy rằng cụ có tấm lòng nhiệt thành của người làm cách mạng, có sự khéo léo cân nhắc, thận trọng của một người làm chính trị và một người làm ngoại giao.

“Năm 1975 khi qua Mỹ, cụ tiếp tục là một tiếng nói đóng góp vào dòng chính để cho dòng chính của nước Mỹ hiểu ý nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa ra sao. Đồng thời, cụ đi đây đó để trao truyền bó đuốc cách mạng cho những thế hệ trẻ về sau.”

Từ bang Virginia, nhà hoạt động nhân quyền, Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt nêu nhận định:

“Trong các vị của Việt Nam Cộng hòa trước 1975, cụ Bùi Diễm là người được rất nhiều người quý mến. Cụ đóng góp rất nhiều, không những cho công việc chung mà còn từ những kiến thức của cụ. Tôi có nhiều dịp nói chuyện với cụ và tôi rất kính trọng cụ.

“Rất tiếc là chúng ta mất một người đã đóng góp rất nhiều trong thời Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.

“Sau 1975, cụ cũng có những đóng góp rất lớn cho cộng đồng hải ngoại. Tiếng nói của cụ trong giai đoạn đầu giúp cho cộng đồng người Việt hải ngoại có những sinh khí và sự kích thích để hoạt động. Sau này, cụ Bùi Diễm vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến, và có những buổi nói chuyện và xuất bản sách – đó là đóng góp rất tốt cho sinh hoạt cộng đồng hải ngoại.”

Ông Hoàng Đức Nhã, cựu Bí Thư và cựu Tham vụ Báo chí của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, nói với VOA:

“Đối với tôi, cụ Bùi Diễm là một trong những là đàn anh, cụ lớn hơn tôi khoảng 20 tuổi, nhưng lúc nào cụ cũng coi tôi như một chiến hữu của chính sách Việt Nam Cộng Hòa. Suốt đời cụ đánh trận giặc ngoại giao trong những lúc khó khăn buộc phải thương thuyết, không những với cộng sản mà còn với đồng minh Hoa Kỳ.

"Cụ dấn thân từ lúc còn làm Đại sứ tại Washington cho đến khi làm Đại sứ lưu động. Đó là công ơn mà người dân Miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ quên cả.

“Sau khi qua Mỹ cụ vẫn tiếp tục nêu cao chính nghĩa của mình và qua bao nhiêu bài viết, bao nhiêu hội thảo, cụ cũng đều nói lên cuộc tranh đấu của nhân dân miền Nam.

“Chúng ta mất đi một chiến hữu chính nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa.”

Cựu Đại Sứ Bùi Diễm từng viết nhiều tác phẩm bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt nói về Cuộc chiến Việt Nam, trong đó có hồi ký chính trị Việt Nam trong Gọng kìm lịch sử, xuất bản hồi năm 2000.

No comments: