_______________________
FBĐỖ DUY NGỌC
MỘT MẢNG CỦA SÀI GÒN BÂY GIỜ.
Cho đến hôm nay, thành phố đã bước vào cuộc sống "Bình thường mới" đã hơn một tháng. Đã cho phép nhà hàng, quán ăn, cửa tiệm mở cửa. Thế nhưng không khí của các nơi ấy vẫn chưa được bình thường. Vẫn vắng khách ra vào, không khí như một tờ báo nhà nước đã mô tả là "ảm đạm". Báo chí thông tin các quán nhậu bình dân có vẻ đông khách hơn những nơi khác, chắc là bán bia chui. Tuy nhiên, mấy ngày qua tui bắt đầu lê la hàng quán thì nhận xét của tui là quán xá đang ở trong tình trạng ế ẩm toàn diện. Nhất là ở các nhà hàng, quán ăn dành cho khách trung lưu trở lên. Quán xá vỉa hè còn có năm bảy bàn, còn có người ngồi chứ mấy địa điểm kha khá thì nhân viên phục vụ ngồi ngáp gió. Chiều chiều tui đạp xe đạp cho máu huyết lưu thông quanh bờ kè từ Hoàng Sa qua Trường Sa. Quán vắng thấy thương luôn. Từ những quán bò tái, quán hải sản cho đến quán lẩu, bò nướng chỉ có vài bàn có khách. Bình thường thứ bảy, chủ nhật những quán bờ kè thế này khách nườm nượp, tiếng dzô dzô rầm trời, nhân viên phục vụ chạy quấn đít. Không khí đó giờ đây không còn thấy nữa. Ngay bàn bán hột vịt lộn bên lề đường, chủ ngồi đuổi ruồi dưới ánh đèn đường vàng vọt, chẳng có một khách cho vui. Quán hàng còn đóng cửa cũng nhiều.
Hỏi thì chủ quán nào cũng rầu rĩ, người thì bảo tình hình dịch còn phức tạp nên khách vẫn còn e ngại. Chưa kể quán ăn, quán nhậu mà không cho phép bán bia rượu và đóng cửa lúc 21:00 thì từ chết đến bị thương. Kẻ thì bảo mở cầm chừng vì nhân viên phục vụ thiếu, phần nhiều về quê tránh dịch chưa lên. Cũng có người bảo sau dịch hàng hoá giá còn cao quá, khách cũng so đo tính toán. Mà thật vậy, suốt gần 5 tháng giãn cách, phong toả rồi giới nghiêm, mấy ai có điều kiện kiếm tiền. Đại dịch cũng cho một số người một bài học tiết kiệm, phòng lúc khó khăn. Do vậy họ cũng bớt tiêu hoang, đi hàng quán. Nấu ăn ở nhà cho nó lành, còn có thể uống vài chai, mấy bà vợ càng khoái. Dân nghèo thì qua cơn đại dịch càng nghèo hơn. Không có thu nhập, kinh tế sa sút, hàng quán vắng người là chuyện tất nhiên.
Tuy vậy, cũng có giới nhờ dịch mà giàu thêm. Nhưng tầng lớp ấy lại không vào những quán thế này. Bây giờ giới ấy chỉ tổ chức tại gia, nhà cửa mênh mông, vườn cỏ xanh bát ngát, mời đầu bếp danh tiếng về trổ tài, uống rượu giá vài chục triệu một chai và có lúc còn mời ca sĩ danh tiếng về đàn ca xướng hát. Tổ chức như thế để tránh bị dòm ngó, khỏi bị đám youtuber quay lén.
Ngay các chợ cũng không đông đúc như xưa. Người bán cũng vắng mà người mua cũng thưa thớt. Khách hàng nhiều lúc cũng tội nghiệp, thông cảm với người bán nên cũng bớt trả giá, kèo nài như trước. Chợ Phú Nhuận, Chợ Trương Minh Giảng, Chợ Trần Hữu Trang, Chợ Bến Thành, Chợ Cũ Sài Gòn, Chợ Bà Chiểu, người bán ít, người mua cũng ít. Chủ khách nhìn nhau mừng vì còn gặp nhau sau cơn đại dịch nhưng cũng buồn rầu vì bán buôn ế ẩm.
Những dãy phố dán đầy những tấm giấy, tờ bìa cho thuê nhà, bán nhà, sang nhượng. Tui đi tìm mấy tiệm quen mua mấy đồ dùng và tìm mua máy lạnh thay cho cái cũ đã đến date, nhưng tất cả đã trả nhà đi đâu mất. Rủ bạn bè đi ăn trưa ở nhà hàng Tuấn Tú, tới nơi thấy chẳng còn, không biết dời về đâu. Chiều định đi ăn cơm Hàn Quốc ở nhà hàng Seoul, các con tui bảo dẹp tiệm rồi, chẳng biết về chỗ nào nữa. Rất nhiều hàng quán, cửa hàng đã trả mặt bằng hoặc đang đăng sang nhượng. Những khu phố rộn ràng không thấy nữa.
Dư âm của cơn lốc đại dịch vẫn còn đó. Thành phố vẫn chưa thể bình thường dù chỉ là "bình thường mới". Biết tìm đâu sự nhộn nhịp của tháng cuối năm, chuẩn bị Giáng Sinh, chuẩn bị năm mới.
Không biết bao giờ Sài Gòn mới trở lại như xưa.
7.11.2021
DODUYNGOC
Một số ảnh từ báo.
See translation
No comments:
Post a Comment