Tuesday, November 23, 2021

Tha Hương Ngay Trên Quê Mình

 ____________________________

Nguồn Thời Báo



Phan

Chừng một năm trở lại đây, Sài Gòn mọc lên những quán cà phê gợi lại ký ức của những năm 1980 – 1990.
Khách đến cửa hàng cà phê 81 (đường Nguyễn Văn Nguyễn, Q.1) dễ bị “choáng” bởi số lượng đồ cũ và vẻ hoài cổ. Nhưng món đồ được chủ quán – anh Nguyễn Hoàng (35 tuổi) – bài trí hợp lý và có “gu”. Trước quán dựng chiếc Vespa cổ, bên trong là nền gạch trắng đen, những mặt bàn thô mộc, chiếc máy may, khung tranh theo áp phích quảng cáo nhạc xưa, những tờ họa báo… Anh Hoàng cho biết: “Tôi thấy mọi người luôn phải làm việc mệt mỏi, nên muốn quán giống như ngôi nhà cho mọi người thả trôi những mỏi mệt đó đi”. Chị Nguyễn Thị Sương (28 tuổi) đã đến quán vài lần, chia sẻ: “Lần nào tôi cũng chọn chỗ ngồi là bộ bàn ghế kê phía sau quán, vừa uống nước vừa ngắm những loại hoa lá trồng trong chiếc gáo dừa, thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn”.


Còn quán cà phê Năm Mười Mười Lăm (đường Ngô Thời Nhiệm, Q.3) gợi tò mò ngay từ cái tên. Anh Nguyễn Tuấn Kiệt (25 tuổi, chủ quán) giải thích: “Tên quán được đặt theo trò chơi trốn tìm, người chơi sẽ đếm năm mười mười lăm… đến một trăm thì đi tìm những người đã trốn. Tôi mong quán sẽ giúp mọi người có cảm giác thư giãn, gợi lại những ký ức tốt đẹp”. Chính vì tiêu chí của quán là trở về tuổi thơ nên đâu đó trên những chiếc bàn, chủ quán đặt mớ đá để khách có thể chơi trò ô ăn quan, thảy đá… Không riêng gì những bạn trẻ, mà cả người lớn tuổi hay cả gia đình lớn nhỏ… cũng tìm đến đây. Anh Thái Văn Minh vừa bày cho cô con gái chơi ô ăn quan vừa nói: “Cháu nó học nhiều rất mệt nên cuối tuần tôi luôn tìm những nơi thoáng đãng cho cháu thư giãn. Ở đây không khí mát mẻ nên cháu thích lắm”.
Có thể tìm thêm một vài quán mang đậm dấu ấn Sài Gòn xưa cũ, như quán Sài Gòn Retro nép mình trong một chung cư trên đường Trần Quốc Toản (Q.3). Chiếc cassette dìu dặt những bài nhạc “sến già nam nữ”, ghế gỗ kê ngoài ban công nhìn ra khoảng không gian xa vắng, quán mới mở hơn hai tháng nhưng cũng có một lượng khách đáng kể. Quán nước Hồi Xưa (Q.1) cũng mang dáng dấp xa xưa đúng như tên gọi, với tông màu đỏ chủ đạo. Quán Lão Hạc bên bờ kênh đường Hoàng Sa (Q.1) cũng tạo cho khách cảm giác “phiêu” bởi cách bài trí không đụng hàng và rất … Sài Gòn.
Một điều thú vị… ngược đời là hầu hết chủ nhân của những quán cà phê này có mong muốn quán đừng quá đông để người đến quán có thể cảm nhận trọn vẹn không khí thân thuộc, đầm ấm.

Anh Nguyễn Hoàng – chủ quán 81 – chọn kinh doanh quán cà phê là nghề gắn bó lâu dài, anh đã tìm hiểu nhiều thông tin, hình ảnh về Sài Gòn xưa. Những món đồ trong quán là công sức gom góp của anh nhiều năm nay. Mỗi khi đi đó đi đây, anh đều chú ý mua về khi thì cái máy phay, khi là ấm trà, bình nước, bật lửa thời chiến tranh… Những thức uống đơn giản như sắn dây, chanh mật ong, cà phê… do anh trực tiếp mua nguyên liệu về pha chế theo nhu cầu từng khách. Anh Hoàng nói: “Tôi luôn dặn nhân viên đối xử với khách như bạn. Vì vậy, dù quán chỉ mới mở sau Tết âm lịch này nhưng đã có một lượng khách quen, nhiều người trở thành bạn bè thân thiết”. Một đôi ngày, anh chủ lãng đãng này lại sắp xếp lại bàn ghế, vật dụng và nghĩ ra điều gì đó mới mẻ, như việc bỏ cây sả vào bình nước tạo chút hương thư giãn, thắp những chiếc đèn dầu cho câu chuyện của khách thêm nồng ấm.

Ai nghe câu chuyện mở quán của anh Tuấn Kiệt (chủ quán Năm Mười Mười Lăm) cũng sẽ bật cười thú vị, bởi anh đã từ quê nhà Tiền Giang lên Đà Lạt học khoa kiến trúc của Đại học Yersin, sau đó xuống Sài Gòn mở quán cà phê. Đa số vật dụng của quán đều do anh mang từ nhà nội ngoại dưới quê lên. Đó là những chiếc dĩa sành sứ hiện giờ khó tìm thấy, là chiếc tủ gạc-măng-rê, tổ chim sâu, cái võng… Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Hiệp (52 tuổi), mỗi tuần đều lên thăm quán và chiên bánh nhúng – một loại quà quê làm từ bột gạo và trứng gà, làm bánh tằm, bánh chuối… cho khách. Món thịt kho nước dừa trong thực đơn buổi trưa của quán cũng do bà dậy sớm kho rồi gửi xe đò lên cho con trai mỗi ngày. Còn cha của anh Kiệt tự tay trồng những chậu lúa, vườn rau mồng tơi trên lầu 2 của quán.

Với cà phê Sài Gòn Út Lành, chủ quán cũng là người mê Sài Gòn và cố công tìm cho kỳ được những món đồ của Sài Gòn những năm 1980 để bài trí cho quán. Chấp nhận bày biện ít bàn ghế để quán trông như một ngôi nhà, chủ quán còn tự tay sên các loại mứt, trái cây để làm cocktail. Làm yaourt, kem chuối… Trên trang Facebook của quán, chủ quán luôn chuyện trò với khách với cái tên Út Lành, lúc thì mời đến uống cà phê, lúc cảm ơn khách đã ghé… bằng ngôn ngữ ngày cũ khiến khách rất thích thú. Quán còn chủ động bớt cho khách 5.000 đồng nếu khách không xài điện thoại, và không mở WiFi để khách dồn tâm trí vào cuộc gặp gỡ ngoài đời thực.

Yến Trinh (blog mientrung 10/4/2015)

Chiều. Ngồi đọc đoản văn cũ của một người không quen… nhưng thật gần qua hai chữ “Sài gòn”. Nhớ đoản văn cũng của một người không quen khác viết về Sài gòn mà tôi mới đọc gần đây…

Tha hương
Ðêm Sài Gòn, đêm của những cán bộ vung tiền như nước với các trận cười thâu đêm.
Ðêm Sài Gòn, đêm của những cô bé miền Tây nai tơ bung nở trong vòng tay du khách.
Ðêm Sài Gòn, đêm của những đứa trẻ lang thang bán vé số, đánh giày.
Ðêm Sài Gòn, đêm những người mẹ tảo tần oằn gánh cuộc đời rảo bước trên từng con hẻm nhỏ.
Ðêm Sài Gòn, đêm những người cha còng lưng cho một cuốc xe đạp thồ mong ngày mai con mình khôn lớn.
Ðêm Sài Gòn, đêm của những sinh viên ra trường đau đớn cầm mảnh bằng tung lên trời cao cho một ngày mai thất nghiệp.
Sài Gòn phóng khoáng, Sài Gòn hào sảng đón vào mình những tứ xứ tha phương.
Sài Gòn tươi khỏe, Sài Gòn năng động đang gồng mình gánh cả đất nước.
Ðêm Sài Gòn, đêm của những mảnh đời tha hương

No comments: