_____________________
TƯỞNG NIỆM TRẦM TỬ THIÊNG
VỚI TƯỞNG NIỆM CỦA TRẦM TỬ THIÊNG
-nhạc sĩ TRẦM TỬ THIÊNG mất ngày 20 tháng giêng năm 2000-
C A O V Ị K H A N H
Đã có lần viết về nhạc Trầm Tử Thiêng. Lần đó không biết sao mà bị rúng động quá mạng, tôi đã không dìm được những dư ba trong lòng sau khi bất chợt nghe được bài hát Tưởng Niệm nên đã bất chấp sự dốt nát của mình về âm nhạc, đêm về cắm cúi viết về bài nhạc đó, gần tới rựng sáng, sau một ngày vật vã chạy vạy kiếm ăn. Chẳng nhớ đã nốc bao nhiêu ng̣ụm cà-phê đen, đốt cháy bao nhiêu điếu thuốc lá thành khói ... độc. Đại khái như vầy...
“ ... Tôi nghe bài hát Tường Niệm của Trầm Tử Thiêng lần đầu tiên khi đang lái xe một mình trên xa lộ ở phía tây thành phố. Con đường len qua một khoảng rừng thưa, chùi xuống một thung lũng xanh mù rồi chồ̀m lên một dốc cao đúng lúc mặt trời đang lặn xuống ngay trước mặt, rải xuống trần thứ nắng quái làm hực lên giữa lòng ta cái lộng lẫy của sự thế tàn phai. Đường vắng, ngấm men rượu bạn bè, hứng chí phóng gần trăm hai trăm ba cây số một giờ. Xe hạ kiếng, gió thổi ngược thốc tháo vô mặt mũi, thổi bay tóc tai hối hả, thổi luồn vô áo thả nút ngực bung căng buồng phổi. Mắt chú mục con đường thẳng băng trước mặt, tay lái run run dù đã ghìm chặt, tim đập giựt ngược, hơi rượu bốc lên, chân ga trì xuống, trăm ba ... trăm tư ... sàn xe run run ... tay lái run run ... chiếc xe như ngựa sút chuồng ... một-xe-trong-cõi-hồng-trần-như-bay...
... thoáng chốc tôi như bay...
... thoáng chốc, miệng hư vô hả toác hoác...
đầu óc thả lỏng như ngựa sút cương. Và một thoáng nghĩ như tia chớp, giả sử bây giờ buông tay... cái miệng hư vô táp táp... rồi phụp một cái. Hết. Ngon ơ !
... ngay lúc đó, tôi nghe từ cái máy CD mở lớn hết cở vọng ra tiếng hát ... ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới .. giọng nam đục, khàn ... ta nghiêng vai soi lại tình người thì bóng chiều chìm xuống đôi môi ... Bài hát đến với tôi đúng nơi, đúng lúc khi chiều vừa chạng vạng, cái thời khắc đặc biệt nhùn nhằng giữa sống và chết, giữa ngày và đêm, giữa ánh sáng và bóng tối, mặt trời với thứ ánh nắng huyển hoặc, không vàng không cam không đỏ không tím mà lại có vàng có cam có đỏ có tím, ở phía chân trời ... y như thứ màu vàng cam nóng hổi mà làm lạnh ngắt lòng người trong tranh của Van Gogh ”
Bài hát có cả thảy 12 câu, kể cả điệp khúc, được viết đâu từ năm 1972, theo điệu Boston, nhịp ¾, “ ton” thứ, đã được hát đi hát lại không biết bao nhiêu lần, từ sân khấu đến ngoài đường phố, từ những mấp máy môi miệng cho vui - dù đúng ra bài hát không vui chút nào - cho đến những ca sĩ chuyên nghiệp mà thật ra không chuyên nghiệp chút nào khi vô tình hay cố ý đổi một chữ tuyệt vời của tác giả, trờ tới thành chợt tới trong câu thứ nhất ! Ô hô ! Ai tai ! (*)
Bài viết đã trên dưới mười mười lăm năm. Từ đó tôi đã nghe đi nghe lại Tưởng Niệm không biết bao nhiêu lần. Có khi ngay sau hớp cà-phê và ngụm khói đầu ngày. Có khi giữa đêm khuya lơ khuya lắc khi phố người đã ngủ yên. Có khi sau một bữa tiệc cưới. Có khi sau một đám tang ma ... Gì thì gì, cứ sau mỗi bận nghe Tưởng Niệm là tôi lại thấy xốn xang. Y như có điều gì vừa vuột khỏi hồn tôi. Y như tôi vừa mất thêm lần nữa một phần đời tôi đã mất. Quê hương. Gia đình. Tuổi trẻ. Tình yêu. Hạnh phúc. Đau khổ ... Mọi thứ mọi điều, dù đã xa biền biệt lại lộn ngược về, trong tôi, để lại mất thêm lần nữa. Từ đó, nỗi buồn -không tên- không tăng thêm cấp số cộng, mà tăng thêm cấp số nhân. Từ đó ... mà lại cứ nghe hoài Tưởng Niệm của Trầm Tử Thiêng. Nghe có lạ không. Cũng là lạ. Nhưng mà ... ta-cũng-nòi-tình-thương-người-đồng-điệu !
Tôi không là nhạc sĩ, càng không phải là người phê bình âm nhạc, nhưng có cần không để nghe và nói về -nói thêm nữa- một bài hát ... mà thiên hạ cũng đã nhắc nhở nhiều hơn một lần.
Đã có ai trong khi lặn lội suốt dọc đời mình, một lần nào đó nghiêng tai nghe lại cuộc đời, ẩn dụ quá sức là độc đáo. Đời người nói chung hay đời ta nói riêng có phải là một bản trường ca hay một đoản khúc, có khi nhịp sống hối hả có khi lặng lờ, có khi dồn dập như điệu nhảy samba hay lướt thướt như bước slow dịu hoặc ... gì thì gì, đã có ai, một lần nào đó, buổi sáng buổi trưa buổi chiều buổi tối, chịu ngồi lại, nơi một góc khuất, để hồi tưởng lại chuyện mới hôm qua hay hôm kìa, chuyện tháng trước hay năm ngoái ... để suy ngẫm, để tiếc nuối hay để vui để buồn ... hay... chẳng để làm gì hết ! Cuộc sống, dòng đời, kiếp người ... đi, trôi, chảy, tuột ... dù nhanh dù chậm ... vẫn chỉ có một chiều như một con nước đổ dốc. Chỉ có xuôi theo mà chẳng quày ngược lại bao giờ. Người ta bị cuốn theo như chiếc lá bị cuốn theo chiều gió, một buổi cuối thu. Vậy rồi, đến lúc giựt mình, ngoảnh lại ...
Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời thì hãi hùng hoàng hôn trờ tớiTa nghiêng vai soi lại tình người thì bóng chiều chìm xuống đôi môi
Ông Trầm Tử Thiêng có lúc đã làm chuyện đó. Ông nghiêng tai nghe lại cuộc đời. Giả sử nếu mượn được hình ảnh một bầy đàn đang đun đẩy nhau một cách vô thức để lũ lượt kéo đi theo một sức hút vô hình nào đó, bỗng có lúc bất chợt khựng lại – cũng vô thức như khi lũ lượt đùn đẩy nhau đi – khựng lại để vểnh tai nghe ngóng mà chẳng biết nghe ngóng cái gì !... Hình ảnh đó có bi thiết quá không khi đem so sánh với dòng nhạc mở đầu của bài Tưởng Niệm. Thiệt ra là không. Không, nên nghe lời mở đầu mà giựt mình như khải ngộ ! Nhất là khi tiếng hát dứt, tiếng nhạc ngưng, tiếng vọng âm trầm trầm quấn quíu nhau như sợi khói tàn hương khi nhang đèn chợt tắt, bỏ lại cõi trống mù mù càng làm lộ ra cái vẻ tàn tạ của sự thế oái ăm mỗi khi đời trở chứng. - Sol sol sol sol rề sol rề rê mi rề rề la sol sí - ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới. Đô đô đô đô sì đô si si lá rề rê si la la - ta nghiêng vai soi lại tình người thì bóng chiều chìm xuống đôi môi -
Một cách nói khác, người nhạc sĩ ở độ tuổi mới vừa chín tới, trên dưới 30, dẫu đang đi xuôi theo dòng đời một cách thuận thảo,-hay hục hặc !?- có một lúc nào đó, chợt nhiên khựng lại, quày ngó lại ngày tháng mình đã sống, đã vui, đã buồn, đã cười, đã khóc, đã yêu thương, đã hờn giận, đã ... và đã ... Và ông thấy gì, ông thấy hình ảnh một bóng hoàng hôn đang trờ .. tới. Rồi lại một bóng chiều đang chìm xuống. Hoàng hôn, bóng chiều là những ẩn dụ mà trong thơ văn người ta vẫn thường dùng để biểu hiện cho đoạn cuối của một sự thế đang tới hồi kết cuộc. Kiểu như cho bóng chiều rụng xuống tàng cây hay rơi trên mái nhà tranh có hiu hiu vài sợi khói. Cũng chẳng có gì là lạ. Lắm khi lại tạo cảm gíác êm đềm nữa là khác. Đằng này, ở đây, lại gây ấn tượng mạnh vì bởi hai chữ “hãi hùng”, như thứ phản ứng hốt hoảng trước một phát giác đột ngột, cực tả tâm trạng rối loạn của người trong cuộc. Hoàng hôn ở đây không còn biểu thị cho khoảng thời gian vật lý mà là biểu hiện cho cảnh tàn tạ của đời người do sự tự hủy của chính mình. Từ đó làm liên tưởng đến bức tranh Le Cri của Edvard Munch vẽ mặt người bịt tai, hai con mắt mở trao tráo như hai lỗ hủng không đáy và miệng thì há hốc mà tiếng thét vô thanh, đằng sau lưng đỏ hực lên một mặt trời chiều sắp tắt. Bức tranh được coi là biểu tượng cho cơn khủng hoảng ý thức về cuộc hiện sinh vô nghĩa của con người, những năm đầu thế kỷ 20. Sự liên tưởng làm tiếng nhạc lời ca không còn trừu tượng nữa. Bỗng dưng, mọi chuyện như có thật !
Rồi chắc để cho hồn người dịu xuống, bớt bi kịch mà thêm đôi phần lãng mạn, tác giả lại xếp cho cái đoạn cuối ngày đó, lần này, chìm-xuống trên một đôi môi vốn dĩ là cửa ngỏ của mọi sự giao tiếp. Vui buồn giận hờn yêu ghét ... gì cũng thoát ra từ hai vành môi đó. Chính trên đôi môi nào đó đã một lần thì thầm hai tiếng yêu đương. Chính trên đôi môi nào đó đã có lần làm môi giới cho sự phối hợp âm dương. Phải không ? Vậy mà lần này cũng chính từ đôi môi đó, người ta đón nhận sự tan vở. Thử tưởng đến một nụ cười nở gượng khi mọi sự đang tới hồi kết thúc. Sự tương phản của hai biểu tượng làm câu hát nghe ra như một lời thú nhận đau đớn về sự buông xuôi tức tưởi của người trong cuộc trước sự thế chẳng đặng đừng. Câu nhạc cao thấp chỉ quá một bát độ chút xíu mà vặn vẹo hồn người, ép người nghe tới chỗ đối diện với chính phận mình -nghe và nhận cho ra sự thật lấp liếm đằng sau những ma mị của tuồng ảo hóa. Để ... thấy mình quả tình bèo bọt. Nhạc và lời như ngón tay ngắt véo mấy tầng ý thức, gọi dậy hồn mê muội. Hai mươi tám nốt nhạc cộng với hai mươi tám chữ tròng tréo nhau để lại âm vang rền rĩ suốt cả hiện thân.
Thói thường, người ta sống như một cái gì tự nhiên nhất. Như hạt giống gieo xuống đất thì nẩy mầm, như hoa búp rồi thì hoa nở. Dẫu người ta vẫn biết hoa nở rồi hoa sẽ tàn. Nhưng có mấy ai ngay khi hoa mãn khai lại đem lòng nghĩ đến lúc hoa tàn phai. Người ta còn mãi bận bịu với thứ hạnh phúc chụp bắt được. Người ta còn bận sống, thở, ăn, ngủ, làm tình ... như là sẽ thở, ăn, ngủ, làm tình ... mãi mãi. Điều ông phát giác ở đây không có gì tầm thường hơn nhưng chính cái tầm thường đó là một khải ngộ cực kỳ hiếm hoi. Hiếm hoi và nghịch thường với phát giác của nhà sư Mãn Giác đời Lý – mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai – là một phác giác của hy vọng, của niềm tin, của hạnh phúc ... Còn phát gíác, mà thật sự có phải là một phát giác, của người nhạc sĩ ở đây chính thị chỉ là sự xác nhận một sự thật nhãn tiền mà ai cũng cố tình quên lãng, cái kết cuộc y khuôn mà con người ai cũng sẽ gánh chịu như nhau kể từ khi mang-tiếng-khóc-bưng-đầu-mà-ra.
Mấy nốt nhạc chuyển âm lắt léo dù không cách nhau quá nhiều âm vực, nghe như tiếng thở đứt hơi của một kỳ trăn trối, nếu không là vọng âm từ một cõi đời đã quá hạn. Những chữ những lời rồi ra chỉ là sự thú nhận bất lực của phần số con người trước cơn bạo hành của số phận. Mỗi câu là sự kết hợp của những nghịch đảo, khéo tới độ làm đau đớn người nghe.
Đang mân mê cho đời nở hoa /chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối
Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy / bỗng ngỡ ngàng hụt mất trên tay
Đang-Thì-Chợt-Bỗng ! Cả bốn chữ đều biểu hiện cho thời-điểm-hiện-tại ( temps présent ) để ám chỉ sự trùng hợp của hai sự việc đối nghịch xảy ra cùng một lúc. Đúng lúc. Ngay bon. Cùng thời. Hình dung cuộc đời như một cái cân, bên tám lượng thì bên kia phải nửa cân. Cho bằng. Cho đều. Vui một, buồn một. Vui hai, buồn hai. Làm như cuộc đời lúc nào cũng rình rập, so đo ... để bù đắp hay trả đủa cho xứng với những vọng động của con người. Buồn. Vui. Khổ đau. Hạnh phúc. Rồi có phải chỉ là hai mặt phải-trái thiệt-giả của cùng một thực thể. Hay chỉ là những giả tưởng mà thế nhân đã quay theo mòng mòng suốt một đời, phù thế.
Cái lắt léo của những phận người ... thấu thị là ở chỗ biết vậy mà không tránh khỏi, biết vậy mà cứ vướng mắc như bầy dơi mù lòa. Rồi người ta buồn một họ buồn hai. Người ta khổ hai họ khổ bốn. Tính như vậy mà lũy thừa lên theo cấp số nhân. Ôi cũng một giống nòi tình, biết vậy mà cứ đâm đầu vô. Ờ mà không đâm đầu vô làm sao đời còn có những câu chữ sắc mắc làm thương tích những trái tim sầu muộn. Không đâm đầu vô làm sao đời còn nghe được những uẩn khúc đoạn trường.
Từ câu hát đầu tiên, rõ ra, chúng ta chỉ là những kẻ nhẹ dạ chơi trò cút-bắt với định mệnh. Tất cả, rồi ra chỉ là những trễ tràng, những hụt hẫng, những trúc trắc, những ngộ nhận ... Tất cả, rồi ra chỉ là những bất khả, kể cả tưởng đã nắm chặt trong tay rồi ra cũng chỉ phù du. Con người có khác gì một loài thiêu thân lao đầu vào vũng sáng để châm lửa vào mình làm cuộc tự thiêu bất tận. Cái còn lại lả gì nếu không phải là tro than của cuộc đuổi bắt trường kỳ và vô vọng của con người. Hạnh phúc mà người ta tưởng vừa níu bắt được rồi ra chỉ là ảo giác của những ước muốn vô vọng của chính mình.
Y như đứa bé chơi trò bong bóng nước. Vừa thấy đó, vói tay chụp bắt thì chiếc bóng đã vỡ tan. Nghịch thường hơn nữa là khi chiếc bóng nước tan ngay trên mấy đầu ngón tay vừa vói tới. Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy, bỗng ngỡ ngàng hụt mất trên tay. Thử tưởng đến tình cảnh những tình nhân trễ tràng. Có phải càng muộn màng thì cuộc tình càng lộng lẫy ? Ờ mà có cuộc tình nào không lộng lẫy. Nhất là khi đời đã trễ muộn. Đó có phải biểu tượng đúng nhất cho sự tréo nghoe thường hằng của kiếp làm người. Trong thiếu hụt càng làm tăng ham muốn. Càng ham muốn càng sinh ảo giác. Cuộc tình trễ muộn nào rồi cũng lộng lẫy như bong bóng nước. Càng cay đắng càng vọng tưởng-vọng tưởng như để bù lại chỗ thiếu hụt. Rốt lại, cái ảo giác lộng lẫy vừa là phần thưởng vừa là bản án cực hình của kẻ yêu đương trái mùa trễ chuyến.
Chẳng vậy mà người xưa cứ hay dùng hai chữ “con tạo” như một đứa bé nghịch ngợm để ám chỉ những khúc khuỷu của đường đời. Cuộc đuổi bắt hạnh phúc của đám nhân loại nghĩ ra ngây thơ đến tội tình. Hay đúng ra, con người được tạo ra chỉ để làm đồ chơi cho ... cho một trò chơi tung hứng !
Điệp khúc có bốn câu, cắt ra tám vế ngắn ngủn, gọn bâng như một bài thơ năm chữ mà nói ra trăm điều, bổ xung cho cái khám phá hãi hùng về ý nghĩa của cuộc nhân sinh.
Ta khổ đau một đời,
để chết trong tình cờTa tìm nhau một thời,
để mất nhau vài giờBàn tay làm sao níu,
một đời vừa đi quaBàn tay làm sao giữ,
một thời yêu thiết tha
... như thêm lời giải thích cho đoạn rao giảng mở đầu. Không thấy sao ? Không hãi hùng sao được khi ngày chưa đi mà hoàng hôn đã trờ tới, rõ ràng là cái bất khả đã nằm trong khả thể, y như Nguyễn Đình Toàn có lần cũng đã hô hoán lên ngày thần tiên em bước lên ngôi đã nghe son vàng tả tơi. Lần nữa, Trầm Tử Thiêng liệt kê ra những dấu hiệu của một cuộc chạy đuổi trong vô vọng.
Này, có chạy tìm nhau cũng chỉ để mất nhau, có nấn níu dằng co trì kéo thì rồi cũng sẽ vuột nhau vì một khi đã ngược chiều với vòng quay của định mệnh thì dẫu có thiết tha cách mấy cũng chỉ để ... ngậm ngùi. Mỗi câu hỏi được đặt ra đã chứa sẵn trong đó câu trả lời phủ định. Nhất ông !
Đời người có phải là một cuộc trường chinh bắt đầu từ số không để về tận đến ... số không. Có thực hay không, cái kinh nghiệm sống khủng khiếp đó.
Bốn câu đầu như là một cáo thị chung chung cho cái đám nhân quần còn đang lăng xăng với trò chơi đuổi bắt đó. Đến bốn câu cuối mới thiệt là lời tự sự với chính mình.
Mang ơn em trao tình một lần là kỷ niệm dù không đầm ấmMang ơn em đau khổ thật đầy là nắng vàng dù nhốt trong mâyMang ơn trên cho cuộc đời ta vài vạn ngày gió cuồng mưa lũTrong cơn đau một vừng nhang khói kéo ta về, về cõi hư vô .
Nhìn ngó quanh quanh rồi nhìn lại đời mình. Sau hết, cái còn lại ? Tiền tài ? Công danh ? Sự nghiệp ? Tất cả rồi từa tựa áng mây trôi. Có ! Không ! Không ! Có ! Cái có thật còn lại, sau cùng, phải chăng chính là sự kết hợp với tha nhân. Cái còn lại, sau hết, là mối giao tình giữa người với người. Bốn câu cuối của bài hát nghe ra như một lời tạ tình vô cùng hào sảng.
Hồn sắc sảo bao nhiêu thì lòng đôn hậu bấy nhiêu. Chuyện yêu đương hẵn vui ít buồn nhiều, vậy mà ở cuối con đường suy niệm về lẽ vô thường, ông còn quày trở lại để được một lần nói hai tiếng tạ ơn.
Quả là một người thủy chung rất mực, tình dẫu ba đào nhưng còn đó, những dư ba. Bởi vậy, làm sao mà quên phứt cho đành. Sau rốt, ông tìm quay lại với cái một-nửa của mình, cái thiết-thân-một-thời, cái đã có lần để hồn chìm trong đáy mắt, cái đã có lần níu chặt trong tay, kề sát bên vai ... đã cho ông nếm vị đắng của những lời tình ngọt, lẫn lẫn với vị ngọt của một đời tình lỡ. Hạnh phúc có thật hay không, phải chăng chính là chút vui vầy khi còn đôi lứa. Dẫu rồi có dở dang hẵn cũng đã có lần đưa nhau tới mấp mé cửa thiên đàng. Làm sao mà không biết ơn nhau cho đành. Ôi diệu kỳ cho dù chỉ còn là kỷ niệm, dẫu chỉ một lần trao tình cũng đã đủ giúp nhau chạm mặt hạnh phúc ! Mấy tiếng mang-ơn nghe ra sao mà chân tình quá đỗi ! Vừa tha thiết vừa trân trọng. Ân cần đến độ ai đó chắc mũi lòng. Đã có lời nhạc tình nào mà nhân nghĩa tới vậy đâu !
Ôi ông Trầm, nghe ông là người ít tiếng kín lời mà sao lời nào ông nói nếu không xoáy đau tới tâm phủ thì lại nghe ra mát rượi như nước mưa tắm gội giữa trưa hè quê mẹ ! Xin cúi đầu tâm phục.
Nhạc tây nhạc tàu gì không biết, nghe nhạc ông tôi chỉ nghe ra tiếng thì thầm u uẩn của một tấm lòng nhân hậu. Quãng đại. Sắc sảo mà chân thành. Chân thành đến nỗi làm muối mặn đọng lòng, ngay cả người nghe là người dưng nước lã. Đã vậy, nói chuyện tư riêng cũng chỉ là để bắt quàng sang chuyện lớn, chuyện trời cao bí hiểm, chuyện đất sâu huyển hoặc, chuyện thiên địa mang mang, chuyện nằm tuốt trong sâu thẳm mấy tầng vô thức ... Gì thì gì, một khi đã ló mặt ra với cuộc đời này - dù không được hỏi ý kiến ! - bổn phận đầu tiên và sau cùng của con người là sống đời mình cho đúng nghĩa ... làm người. Còn ngoài ra thì phó mặc cho ... định mệnh !
Cuối lời, như còn cố thêm một dặn dò :
Mang ơn trên cho cuộc đời ta vài vạn ngày gió cuồng mưa lũTrong cơn đau một vừng nhang khói kéo ta về, về cõi hư vô .
quả là minh triết ! Dẫu biết thiên-địa-bất-nhân-dĩ-vạn-vật-như-sô-cẩu mà vẫn tâm đại lượng, không oán trách cũng chẳng kêu than, chấp nhận mọi việc mọi sự như vậy là vậy. Như thị. Hơn nữa, bài hát nghe thì như kêu rêu mà nghĩ lại thì còn như một lời tạ ơn nữa. Tạ ơn đời mặc mưa-cuồng-gió-lũ. Tạ ơn người mặc kỷ-niệm-không-đầm-ấm. Thắm thiết biết bao lời dặn dò, gởi lại. Nghĩ lại coi, không phải vậy sao. Dẫu mưa nắng giá băng lắm khi trái ý nhưng nghĩ cho cùng, ơn nghĩa trời đất và cuộc đời dẫy đầy ra đó. Cốt yếu là mình có nhận ra được không. Một buổi mai, sau trọn đêm tuyết lạnh, hừng sáng, mặt trời hiện ra, chói lọi một vừng hào quang, xuyên qua hết mọi tầng mây, len qua hết mọi lớp không khí vẩn đục, chiếu thẳng vào góc bàn viết có chậu cúc vàng vừa nở trái mùa, có khác gì mấy lời phủ dụ của thiên nhiên. Lần khác nữa, tình cờ đọc được đâu đó một câu thơ, chữ nghĩa vần điệu mơn man nhau mướt rượt nghe như ai đó vỗ về làm nỗi sầu riêng bỗng dưng rồi nhẹ hửng. Góc núi, lưng đồi ... một buổi chớm thu, tiếng chào, câu hỏi ... mỗi lượt đi về ... mỗi mỗi đều chứa trong đó thứ ân sủng của trời đất và lòng người, mãi mãi có đó, ràn rụa như sương mai. Vậy mà không mang ơn thì còn biết mang gì cho khỏi cồng kềnh cái phận người đã quá đỗi đa đoan.
Sau hết, bài hát kết lại một cách gọn bâng :
Cuối cùng, mọi thứ mọi điều, giàu nghèo sang hèn đẹp xấu tài hoa hay thô kệch... mọi kiểu mọi cách, thành công thất bại, hạnh phúc hay khổ đau ... rốt lại chỉ là ...
chỉ là :
Một vừng nhang khói
Kéo ta về
Về cõi hư vô.
Nói gì cho đúng hơn nữa. Đoạn kết hẵn là đoạn đành. Nhưng có nói ngược lại được đâu. Chắc vậy cho yên, lòng thôi vọng đọng.
Câu cuối, nhạc xuống “ton”, người hát hạ giọng, luyến láy làn hơi lên bổng xuống trầm, ngân dài mặc tình theo hơi thở rồi bỏ trôi theo nốt cuối lưng lửng, không cao không thấp, lưng chừng ... làm cõi quạnh quanh quanh tưởng như tấm màn the có hơi gió thổi nhè nhẹ lắt lay theo, người nghe nín thở để hồn lặn truồi theo dòng cảm xúc, lung lay theo cung nhạc rồi nhè nhẹ, nhè nhẹ buông xuôi, buông xuôi tới tận ... cõi hư vô !
Ông Trầm, ông làm nhạc mà như giảng kinh. Nghe mà rã mềm phế phủ, cảm như có vết mực loang ra trên tờ giấy thấm, càng lúc càng đậm đặc ...
Mà thiệt tình, tui có muốn tu đâu !!!
No comments:
Post a Comment