Saturday, April 2, 2022

Giọt nước mắt cho người Thầy cũ!

 _______________________________




Đoàn Xuân Thu

Melbourne.
***
Giọt nước mắt cho người Thầy cũ!
Niên khóa 1963-1964, đậu kỳ thi tuyển vào trường P. Trường Vĩnh Ký (mà bà con mình thường gọi tắt là: ‘Petrus Ký’), tôi được xếp vào lớp Đệ thất 5.
Môn Quốc Văn (tên môn học chánh thức thời đó; chớ không phải là Việt Văn) được chia làm hai phần: Cổ Văn và Kim Văn.
(Cổ là cũ; học văn hồi xưa. Kim là hiện thời; học văn bây giờ).
Lớp Đệ thất được 6 giờ một tuần. Từ năm Đệ lục trở lên được 4 giờ. Số giờ nhiều như vậy so với các môn học khác vì là môn học chánh. Nhưng thật ra mình chỉ gặp Thầy Cô dạy Quốc Văn có 9 tháng, 36 tuần, 144 giờ suốt cả năm học. Tính ra không có bao nhiêu nhưng lạ thay (chắc đầu óc con nít lúc đó chỉ biết lo ăn với học) nên có quá nhiều kỷ niệm.
Điểm trùng hợp khá lý thú là các Giáo sư dạy tôi môn Quốc Văn nầy trong ba năm thất, lục, ngũ đều có cùng tên Dung.
1. Năm Đệ thất là Thầy Võ Văn Dung. Tôi cứ nhớ mãi bài ‘Vè cờ bạc’ mà Thầy dạy là:
“Nghe vẻ nghe ve. Nghe vè cờ bạc
Đầu hôm xao xác. Bạc tốt như tiên
Đến khuya hết tiền. Bạc như chim cú.
Cái đầu sù sụ. Con mắt trõm lơ.
Hình đi phất phơ. Như con chó đói.
Chân đi cà khói. Dạo xóm dạo làng
Quần rách lang thang. Lấy tay mà túm…”
Thầy còn phụ để thêm là trò nào lớn lên mà ham mê cờ bạc là mấy thằng ngu!
2. Năm Đệ ngũ là Cô Phạm Thị Ngọc Dung mặc chiếc dài tha thướt màu thiên thanh với mái tóc thề, dài chấm tới ngang lưng.
3. Năm Đệ lục là Cô Trần Thị Ngọc Dung với mái tóc ‘Sylvie Vartan’ làm đám học trò nhỏ chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ! Tài sắc vẹn toàn!
Rời trường đã rất lâu, nhưng tôi cứ nhớ mãi bài Cô đã dạy là: ‘Tôi đi học’ của Thanh Tịnh.
“Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
… Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương Thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.
…Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bở ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ….
…Ông đốc trường Mỹ Lý nhìn chúng tôi nói sẽ: ‘Thế là các em đã vào lớp năm… Thôi, các em đứng đây sắp hàng để vào lớp học”.
…Tôi bất giác…dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo.
…Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm.
…Tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật…Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc: Bài tập viết: Tôi đi học!”
Giờ đọc lại bài ‘Tôi đi học’ thuở thiếu thời, tôi nghĩ đây là một hồi ký, một tự truyện về ngày đầu đi học của nhà văn Thanh Tịnh. Nhưng có những nhà phê bình và ngay cả chính tác giả lại cho đây là một truyện ngắn.
Ôi cái thuở 12, 13 tuổi, học Đệ lục thì Thầy Cô rót vào đầu cái gì thì mình nhận cái đó. Học từ chương, rán nhét vào đầu cho nó đầy, cho dù đôi khi hiểu hổng được bao nhiêu.
Khi đi gần hết cuộc đời, nhìn lại thì té ra có những chuyện mình tưởng vậy mà không phải vậy.
Chẳng hạn, theo thiển ý của tôi, có những điều không hợp lý lắm trong truyện ngắn ‘Tôi đi học’ của nhà văn Thanh Tịnh.
Tôi định nhờ các Thầy Cô dạy tôi môn Quốc Văn ngày cũ cắt nghĩa thêm cho nó rõ ràng; cho nó rõ ngô khoai. Nhưng tiếc thay khi Miền Nam thân yêu của chúng ta sụp đổ vì lọt vào tay CS, thầy trò sẻ đàn tan nghé, tứ tán khắp bốn phương trời thất lạc, nên khó tìm nhau!
Ấm ức hoài về cái bài ‘Tôi đi học’ nầy, hổng lẽ chịu thua sao? Tôi bèn tìm hiểu thêm về tác giả Thanh Tịnh.
Thanh Tịnh sinh năm 1911, tại xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô cố đô Huế. tên thật là Trần Văn Ninh, lên 6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh.
Đến năm 11 tuổi, thì theo học chữ Quốc ngữ tại trường Tiểu học Đông Ba và Trung học trường Đạo ‘Pellerin’ ở Huế.
Đỗ bằng Thành chung, năm 1933, Thanh Tịnh làm nghề dạy học và viết văn, làm thơ cho các báo Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Thanh Nghị, Tinh Hoa…
Tháng Tám, năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, Thanh Tịnh làm Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm 1957, sau khi đất nước bị chia đôi, ông ở lại Miền Bắc, tham gia thành lập Hội Nhà văn. Cấp bậc cuối cùng của ông là Đại tá của Quân đội CS Việt Nam.
Truyện ngắn “Tôi đi học’ được in trong tập truyện Quê Mẹ xuất bản năm 1941 và được đưa vào sách giáo khoa trước và sau 75 của cả hai miền Nam và Bắc.
Vấn đề đặt ra là: Đây không phải là một tự truyện viết về chính cuộc đời của chính tác giả mà là một truyện ngắn, là một hư cấu.
Thời gian của truyện ‘Tôi đị học’ là:“Vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều (?!)”
Tựu trường ở nước ta từ thời Tây tới giờ đều vào đầu tháng Chín, nghĩa là mới chấm dứt mùa Hè, mới vào độ sơ Thu. Sơ Thu mà ông Thanh Tịnh lại tự động dời ngày tựu trường cho nó vào độ cuối Thu để lá rụng nhiều, để văn thêm phần thơ mộng thì tôi e rằng chi tiết về thời gian nầy không hợp lý lắm.
Hai là: “Những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc: Bài tập viết: Tôi đi học!”
Mới 6 tuổi, vào lớp 5, tức lớp Một bây giờ, chưa biết đánh vần a,b, c, (nghĩa là mù chữ Quốc ngữ toàn tập) thì ngay ngày khai trường đâu có Thầy giáo nào cho ngay bài tập viết: ‘Tôi đi học’ bao giờ?
Tôi tính đem mấy cái ‘thắc mắc’ nầy nhờ Cô Trần Thị Ngọc Dung, người Thầy đã dạy tôi môn Quốc Văn ngày cũ, tại trường Petrus Ký, (đã đến Mỹ đoàn tụ với các con vào năm 1989), cắt nghĩa thêm mới được.
Buồn thay ngày thứ Ba, mùng 5, tháng Mười Một, năm 2015, lúc 11 giờ 9 phút 15 giây trên Great Seneca Highway ở góc đường Clopper Road, bi kịch ụp đến. Một chiếc xe Hyundai Elantra chạy ngược chiều đã tông thẳng vào đầu chiếc Toyota Camry trên đường đi Chùa về.
Tai nạn thảm khốc nầy đã làm Cô Trần Thị Ngọc Dung bị nguy kịch, và Thầy Huỳnh Bá Thông, phu quân của Cô, bị thiệt mạng tại Suburban Hospital.
Sau nhiều tháng trời nằm trong bịnh viện chiến đấu với tử thần, người Thầy cũ của tôi, Cô Trần Thị Ngọc Dung chiến thắng, còn sống sót. Nhưng thương tật do tai nạn gây ra rất nặng nề khiến Cô phải chuyển về tịnh dưỡng tại một ‘Nursing Home’ ở tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ.
Năm năm trời đằng đẳng đã trôi qua trong cơn mộng dữ! Rồi đêm nay, nhận được ‘emails’ của mấy người bạn học đồng song trường Petrus Ký năm cũ bên Hoa Kỳ khấp báo là:
“Cô Trần Thị Ngọc Dung, giáo sư Quốc Văn Petrus Ký, đã qua đời vào lúc 11 giờ 30 sáng, ngày 19, tháng Năm, năm 2020 tại Maryland, Hoa Kỳ!”
Vì lệnh cách ly của chánh quyền tiểu bang Maryland Hoa Kỳ, do đại dịch COVID -19 gây ra, khiến thân nhân và học trò cũ không thể đến viếng Cô một lần cuối. Nhà quàn sẽ tự thu xếp tang lễ và đem Cô đi hỏa táng.
Cát bụi lại trở về cát bụi! Người Thầy từng dạy tôi bài ‘Tôi đi học’ hơn 56 năm về trước đã lặng lẽ ra đi, bỏ lại một đời giông bão. Cô ra đi, mang theo cả một mảnh đời thơ ấu của tôi, của bè bạn cùng lóp, cùng trường năm cũ và những câu hỏi chưa có lời giảng giải cho nó tỏ tường thêm về bài ‘Tôi đi học’ của nhà văn Thanh Tịnh ngày xưa.
Lỗi tại tôi cứ lần lữa mãi; vì nặng nợ áo cơm nên tất cả giờ đã trễ tràng.
Xin Vĩnh biệt người Thầy cũ của tôi, Giáo Sư Quốc Văn trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, Cô Trần Thị Ngọc Dung.
Trò cũ.
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.

May be an image of outdoors




1 comment:

trường tôi said...

Ông ĐXT phân tích bài " Tôi đi học " hay quá chời! Bi giờ thì tui cũng đang ngẩn ngơ , thắc mắc như ông 🤔🤔
Người thiệt thà 🙂😎