Friday, April 22, 2022

Tháng Tư lại về trên quê người viễn xứ.Tôi đi để lại đường xưa.

 Tháng Tư lại về trên quê người viễn xứ.

***
Tôi đi để lại đường xưa.
“Hỏi rằng quê ở nơi đâu? Là dân lưu lạc, quê đâu mà ‘dìa’?!
Ôi! Quê hương, nơi tui đành đoạn bỏ ra đi rất là lâu, vì thời cuộc biển dâu. Vậy mà cứ đêm đêm, khi tui chăn êm nệm ấm, nằm ngáy khò khò thì nó từ trong một ngõ ngách nào của lòng tui lại hiện ra rõ mồn một như một bức tranh chân dung vẽ thời xưa cũ, về miền quê nào đó xa ngai ngái, đượm buồn trong bão lửa và… nghèo rớt mùng tơi.
Có anh bạn văn, lúc nhậu nhẹt với tui, thường hay hỏi rằng:
“Khi nào tui sẽ ‘dìa’ quê?”
“Muốn ‘dìa’, đâu biết quê đâu mà ‘dìa’.”
“Phần số ông trôi sông lạc chợ, rày đây mai đó, thôi ông tấp về quê tui đi.”
Cứ tưởng quê phải là quê. Phải là nơi khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn muối, ai dè ảnh hiểu quê là chỗ ảnh sanh ra. Ngay tại cái đất Sài Gòn, mà cụ thể là ngay tại cái đất Tân Ðịnh.
Sau khi quất nghe cái ót ly rượu đỏ, rồi chiêu thêm một ngụm nước lạnh, ảnh mới khề khà kể chuyện khi xưa ta bé ta ngu, ta lấy dây thun ta bắn con… ruồi như vầy: “Từ đường Trần Quang Khải mình quẹo vào đường Trần Nhật Duật chạy thẳng tới bờ kinh Nhiêu Lộc, có bốn con đường nhỏ đi ngang qua: đường Ðặng Dung (con), Ðặng Tất là (cha). Rồi đường Trần Quý Khoách và Trần Khánh Dư.
Trần Quý Khoách tức vua Trùng Quang (1409 –1413) thất trận bị quân Minh bắt cầm tù. Tháng Tư, năm Canh Ngọ (1414), trên đường bị giặc giải về Tàu, người đã anh dũng nhảy xuống sông Lam tự trầm, quyết không để sa vào tay giặc.”
Ðó là chuyện ngày xưa, còn thời mình, đường Trần Quý Khoách cũng cho anh bạn văn của tui nhiều kỷ niệm rất bùi ngùi của một thời đi học…
“Trước năm 1975, số trường Trung học Công lập ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Ðịnh không đủ để đáp ứng nhu cầu đi học của tất cả học sinh nên phải tổ chức thi tuyển rất gay go, nhứt là với những trường có tiếng như Petrus Ký, Chu Văn An (dành cho nam sinh) hay Gia Long và Trưng Vương (dành cho nữ sinh). Ảnh là một học sinh (lớp Nhứt) cực kỳ xuất sắc… nên thi không đậu, đành phải đi học trường Tư có uy tín ở Tân Ðịnh! Ðó là trường Văn Lang ở số 51 đường Trần Quý Khoách.
Trước năm 1954, nơi đây chỉ là những ao rau muống, bùn lầy nước đọng và cây cỏ mọc um tùm. Thầy Ngô Duy Cầu di cư vào Nam và xây dựng trường Văn Lang bắt đầu trên nền đống rác này, với những lớp học sơ sài, rồi xây dựng dần dần, để sau đó trở thành một ngôi trường bề thế: Trung học Ðệ Nhất Cấp và Trung học Ðệ Nhị Cấp.
Sau nầy, trường Văn Lang biến mất. Dù chỉ có 21 năm ngắn ngủi nhưng thuở vàng son đó, trường Văn Lang đã kịp đào tạo được những con người có học, có hạnh và có tài… Ý tui muốn nói tới nhà thơ Phạm Thiên Thư (Ðưa em tìm động Hoa Vàng nhớ nhau). Nghe nói lúc người ta đi lính, thì ổng đi tu… Người ta đi tù… thì ổng mở quán cà phê Hoa Vàng.
Thoạt đầu nghe ổng tính đặt tên quán cà phê là ‘Ðộng Hoa Vàng’ nhưng sau nằm đêm nghĩ lại tên quán có chữ ‘Ðộng’… e mấy ông anh mình tưởng lầm chỗ đó không có bán cà phê mà bán ‘cái khác’ thì chết…Nên ổng bỏ quách chữ Ðộng đi, chỉ còn Hoa Vàng… để quý ông anh hảo ngọt của mình đừng có bé cái lầm.
Dẫu vậy, tui vẫn còn cái lòng ái mộ nhà thơ từng làm Ðại đức mà làm thơ tình, mùi hết biết… như ổng. Tui khoái cái bài ‘Ngày Xưa Hoàng Thị’, thơ Phạm Thiên Thư do Phạm Duy phổ nhạc.
Ông nhà thơ thì thích Thanh Thúy hát… Tui cho rằng thích vậy cũng phải. Vì một là Thanh Thúy hát hay, hai là Thanh Thúy cũng đẹp. Nhưng ông nhạc sĩ Phạm Duy thì lại thích Thái Thanh (em vợ của mình) hát thôi…
Tui cho rằng thích vậy cũng phải. Vì một là Thái Thanh hát hay, hai là Thái Thanh cũng đẹp… Hi hi!
“Em tan trường về. Anh theo Ngọ về. Chân anh nặng nề . Lòng anh nức nở
Mai vào lớp học. Anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ…. Em tan trường về. Anh theo Ngọ về. Môi em mỉm cười. Man man sầu đời tình ơi…Tình ơi!”
Thành thử nhà thơ, nhà nhạc, nhà văn khoái ai cũng khó lòng giữ kín như bưng trong lòng, dẫu biết tiết lộ ra là có xác suất rất cao cho cái chuyện ‘guốc bay’. ‘Guốc bay’ bà con độc giả thân thương hiểu nghĩa nào cũng đặng hết. Một là em yêu ghen, cho ‘guốc bay’ vô bản mặt của mình. Hai là em ‘guốc bay’ tức ‘good bye’ (người bỏ ta sao đành?) cũng đặng nhe!
Cái đất Tân Ðịnh, quê cũ mến yêu của anh bạn văn, làm tui cũng mến yêu luôn. Vì thú thiệt với bà con chuyện nầy (xin đừng hé môi cho con Sư Tử Hà Ðông của tui biết, tui xin đội ơn!) Vì ngày đó, cây si anh trồng ngay lối đi, hẻm Bưu Ðiện 230 Hai Bà Trưng, Tân Ðịnh… Em Thanh Xuân, 50 năm, giờ chắc người xưa đã thành đồ cổ như tui rồi…Hu hu!
Nhưng cũng có một người chỉ xẹt qua, xẹt lại bằng xe đạp ngang qua đất Tân Ðịnh thôi mà hơn 40 năm sau ông vẫn còn nhớ tới bây giờ. Ðó là nhà văn Tiểu Tử, tốt nghiệp kỹ sư tại Marseille, Pháp, về dạy Trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (1955-1956). (Năm mà tui chưa có đi học, còn ở truồng, tập tễnh bắn ‘cu li’ để sau nầy phải chịu cái thân làm ‘cu li’ ở cái đất lạ quê người.)
Năm 1979, Thầy vượt biên qua Pháp rồi trở thành nhà văn Tiểu Tử.
“Xe cháo huyết của bà xẩm đó nằm trên vỉa hè phía đối diện với rạp hát Casino Ða Kao, gần trụ đèn xanh đèn đỏ. Chiều đi làm về tôi hay tấp vô đó “làm” một tô cháo huyết.
… Cháo nấu nhừ, huyết cắt vuông thành từng miếng vừa vặn nhỏ để được nằm gọn trong lòng cái muỗng nhôm. Múc một muỗng vừa có cháo vừa có huyết đưa lên môi thổi cho bớt nóng trước khi cho vào miệng, mà nghe thơm phức làm chảy nước miếng…
Rồi sau đó! Có khi cả tháng không dư được một đồng. Lấy gì ăn cháo huyết?
– Vô ăn cháo đi thầy Hai. Lâu quá mà…
– Tôi không có tiền! (Tôi đã nói như vậy – dám nói như vậy – một cách thẳng thừng và không chút ngượng nghịu!)
– Không có sao! Vô ăn đi! Chừng nào trả cũng được. Mình quen mà..
… Miếng cháo tôi đang nuốt bỗng nghe như bị nghẹn ngang ở cổ họng, làm tôi ứa nước mắt…”
***
Thưa Thầy! Cái truyện ngắn Tô Cháo Huyết của Thầy làm em lại bùi ngùi nhớ lại vùng quê, một Trời Tân Ðịnh. Nhớ: Mình đi hết đường Trần Quang Khải sẽ gặp đường Ðinh Tiên Hoàng, nơi có bà xẩm bán tô cháo huyết cho Thầy ăn chịu…
Nhớ bên kia đường Trần Quang Khải là đường Nguyễn Văn Giai, gần Chợ Ða Kao. Quẹo trái là đường Bùi Hữu Nghĩa. Có một cây cầu sắt cũ. Ði về phía chợ Bà Chiểu (Gia Ðịnh), nơi thầy muốn né xe cháo huyết vì Thầy hổng có tiền…
Cái ngã tư đèn xanh đỏ trên đường Ðinh Tiên Hoàng và xe cháo huyết của bà Xẩm già gần rạp hát Casino Ða Kao… làm mắt em ướt… nên em buồn như mây chiều trôi khi nhớ về một trời Tân Ðịnh. Hu hu!
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.

May be an image of 10 people, tree, street and road

No comments: