___________________________
Đoàn Xuân Thu
Melbourne.
***
Hương Rừng Cà Mau
Năm 1956, một truyện ngắn gởi báo Tiếng Dội được ông Trần Tấn Quốc, chủ báo, nồng nhiệt đón nhận.
“Xin giới thiệu cùng quý độc giả thân mến : tân truyện Đường về Đồng Tháp của Đoàn Hùng Việt”.
Đoàn Hùng Việt là bút hiệu của ba tôi. Từ đó, ba tôi viết cho nhiều báo khác… kể cả các tuần báo như: Nhân Loại, Bông Lúa.
Lúc ấy, Sơn Nam mỗi tuần một truyện ngắn trên Nhân Loại như: Hương rừng Cà Mau, Tình nghĩa giáo khoa thư, Hát bội giữa rừng, Mùa "len" trâu…. Những truyện ngắn nầy sau được gom lại in thành tuyển tập“Hương rừng Cà Mau’ do nhà Phù Sa của Ngọc Linh phát hành năm 62.
Hình ảnh Cái tình văn nghệ của phụ thân tôi và Sơn Nam từ độ ấy. Bác Sơn Nam hơn ba tôi hai tuổi nhưng hai người gọi nhau là anh. Ba tôi gọi anh Sơn Nam còn bác Sơn Nam gọi ba tôi là anh Việt. Ngoài Sơn Nam ra ba còn có các bạn văn khác như: Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh, Kiên Giang Hà Huy Hà, An Khê, Dương Hà…
Nhà văn Ngọc Linh chuyên viết truyện dài với tựa rất thơ như: “Buổi chiều lá rụng…Mưa trong bình minh” gởi tặng ba hình một người đẹp với dòng chữ: “Thân tặng anh Đoàn Hùng Việt và ký tên. Hình người đẹp đó là Kiều Chinh đang là diễn viên điện ảnh.
Nhà văn Ngọc Linh ăn mặc bảnh bao, chải chuốt, quần áo láng cón, đầu bi- ăng- tin bóng lưỡng, chạy Vespa. Còn Sơn Nam tóc dựng đứng, mặt như lưỡi cày, môi dầy, răng hơi hô, mắt kèm nhèm dưới đôi kính cận. Áo trắng, xắn tay, bỏ vô thùng đàng hoàng nhưng mang dép lè phè… đi bộ.
Nhưng cả hai đều tài hoa và đào hoa…như nhau. Cho nên Sơn Nam đặt tên con gái là: Đào Thúy Hằng và Đào Thuý Nga thì cũng chẳng làm ai ngạc nhiên... Hằng là tên trong giấy tờ, còn tên ở nhà là Mỹ Linh. Nga là Ngọc Ánh. Thúy Hằng là tên Thẫm Thuý Hằng; còn Thúy Nga là tên ca sĩ, vợ Hoàng Thi Thơ. Sau này Sơn Nam có thêm một người con gái nữa là Đào Thúy Liễu, tên ngoài là Trinh.
“Lúc đó, Sơn Nam có người bạn viết báo tên Đoàn Hùng Việt, làm việc ở Bưu điện Mỹ Tho. Sát vách nhà chú Việt có căn nhà bỏ trống nên chú đề nghị Sơn Nam đưa vợ con về thuê ở.” Lời của Mỹ Linh .
Tôi là láng giềng, sát vách với con văn hào được hai năm, thường ra ruộng mò cua, bắt ốc hay chạy qua nhà nghe say mê bác Sơn Nam gái kể chuyện xưa tích cũ.
Năm 1959, ba tôi đổi đi Bưu Điện Cái Bè, tôi xa Mỹ Tho, không còn đi bắt ốc, hái rau với Mỹ Linh và Ngọc Ánh ngoài ruộng nữa. Không còn qua nhà nghe bác Sơn Nam gái kể chuyện xưa tích cũ hay ngồi trước cửa nhà nhìn xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho, súp lê, chạy xịt khói nữa… Bưu Điện Cái bè, làng Đông Hòa Hiệp, là biệt thự rộng minh mông, chánh phủ mướn của ông Hội đồng Đôn. Không điện, không nước. Không điện thì đèn măng sông. Nước thì nước sông, gạo chợ..
Sơn Nam một, hai tháng mới về thăm vợ con một lần ở Mỹ Tho, rồi nhơn tiện ghé Cái Bè ở chơi với ba tôi năm, bảy bữa.. Nói là ghé chơi chứ thực là ông về để viết. Sáng hai ông ăn sáng với hột gà ốp-la, muối tiêu…bánh mì bán dạo, nóng dòn. Uống cà phê phin kiểu Pháp. Bột cà phê bỏ vô phin, rót chút nước lạnh cho cà phê nở ra rồi rót nước thiệt sôi vào. Cà phê đen rất đậm, ít đường. Buổi sáng hương cà phê thơm ngát… Tôi hưởng nước nhì… Cả hai đều ghiền thuốc lá và ghiền nặng. Ba hút ngày một gói Melia vàng, hai chục điếu, Sơn Nam cũng không chịu thua, một gói Bastos.
Tới giờ ba tôi đi làm việc, chỉ cần mở cửa là tới văn phòng, thì Sơn Nam rút vô phòng, lấy sổ đầy chi chít những chữ ra xem… rồi viết… Trưa ăn cơm chung, chiều uống chút đỉnh rượu, rồi ngủ. Má tôi lo nấu ăn, đãi bạn văn của chồng mà không một tiếng than van. Tụi nhỏ được ăn ngon hơn một chút…thường là canh chua cá lóc với cá sặc rằn kho tộ. Sau đó là Rạch Giá và Sài Gòn, những nơi ba tôi đổi đi, ông đều có đến thăm.
Năm bảy lăm, mất Miền Nam , ba tôi bị bắt đi cãi tạo hết sáu tháng, dù suốt đời chỉ làm Bưu Đìện, liếm tem, cò, phát thơ chứ “làm cái chó gì đâu” mà có nợ máu với nhân dân…vậy mà cũng bị ở tù.
Ba tôi tù về lại Sài Gòn, đường Lý Thái Tổ kiếm sống bằng nghề đánh máy mướn. Người ta làm đơn xin thăm nuôi chồng, con ở tù vì đủ mọi lý do..mà lúc đó ai mà hổng ở tù…mới là chuyện lạ.
Bây giờ, quê người, viết bài nầy bằng computer, khỏ nhẹ nhàng lên “keyboard” là chữ hiện lên, tôi lại nhớ và thương ba tôi nhiều hơn nữa. Thương những ngón tay cong vòng vì phải gõ lọc cọc suốt ngày trên cái máy đánh chữ "Olympia" cổ lỗ sỉ để kiếm gạo nuôi một bầy con, thân gà trống… vì má tôi đã mất lâu rồi…
Có lần, khoảng năm 80, từ Cần Thơ đi gạo lậu về Sài Gòn, ghé thăm ba, tôi lại được dịp gặp Sơn Nam. Sáu giờ chiều, dẹp bàn máy, hai ông già, bạn văn, dắt nhau ra Ngã bảy ăn cơm bụi. Bây giờ không còn canh chua cá lóc, cá sặt rằn kho khô hay cá lóc nướng trui, uống rượu “con cọp” nữa rồi! Mà là một khúc hũ qua hầm trong canh toàn quốc, uống rượu bọt đường…
Tôi cứ tưởng Sơn Nam ở tù hồi Việt Nam Cộng Hoà, giờ còn được tiếp tục cầm bút thì chắc ổng phải làm quan…ngon rồi chớ… dè đâu cũng vậy... thì sao nhờ vả được hởi trời! Tôi hỏi ba tôi hay là bác Sơn Nam giấu, vì sợ cha con mình mượn tiền, chứ con đọc báo thấy bài của ổng nghe “mùi cách mạng” lắm mà ba?
“Hổng có đâu con, bác Sơn Nam nói mấy thằng biên tập nó chen vô, hỏng cho, nó hỏng đăng, đói.”
“Người viết phải giao thiệp với chủ báo để biết họ cần gì, đặng mình viết mà không sợ phải “lạc đề”, nếu bài “lạc đề” thì dù có hay mấy họ cũng ném sọt rác. Khi đưa bài báo đến tòa soạn báo, họ muốn biên tập, xử lý ra sao cũng mặc kệ, miễn là họ... trả tiền sòng phẳng. Những gì họ biên tập, cắt xén thì khi in thành sách, ta cứ việc “phục hồi” lại nếu thích”.
(Lời Sơn Nam)
Cái tình văn nghệ giữa ba tôi và Sơn Nam dể chừng hơn bốn chục năm nhưng thời gian có hề gì. Cái tình nghĩa giáo khoa thư giữa thầy phái viên báo Chim Trời và độc giả Tư Có của cái xứ Cà Bây Ngọp, chỉ một đêm …Hai ông ăn cá lóc nướng trui, uống rượu "ông cọp"…rồi sau đó cùng chui vô mùng… nói chuyện: “QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ”
Cái tình văn nghệ giữa các ông với nhau là một chút “Hương Rừng Cà Mau” thoang thoảng nhưng lại thơm tới ngàn sau.
Đoàn Xuân Thu
Melbourne.
See translation
1 comment:
Dọc bài nay tô Nhớ Xưa quá, vì tôi là dân Nam Bộ... Thích thầy Sơn Nam lắm!!!!
Rất cám ơn bạn
Hàn Thiên Lương
Post a Comment