______________
Nguyễn Thị Thanh Dương
Xong phần rán mỡ chờ cho mỡ nguội chị Bông đổ cả tóp mỡ và mỡ nước vào lon “guigoz”, chị Bông để yên chảo trên bếp để rang thịt. Đây là món thịt ba rọi rang mặn.
Thế là xong hai món sau cùng để mang đi thăm anh Bông đang tù cải tạo.
Món mỡ nước dùng để xào nấu thì ít mà chủ yếu là món để anh Bông ăn dần. Chỉ cần chút mỡ nước với vài miếng tóp mỡ rắc vào chút muối là trở thành món mặn ngon lành dù ăn với cơm độn hay mì sợi luộc, khoai mì luộc.
Thịt ba rọi ướp đủ gia vị tiêu hành muối đường rang mặn thì “cao cấp” hơn lon mỡ nước, trước đó chị Bông đã làm một lọ ruốc to rang rất kỹ để khó bị hư hỏng và một lo muối mè, muối tiêu..
Thằng Bi ngồi xem mẹ làm, nó thèm thuồng đòi ăn thịt, chị Bông đã bảo con:
- Lúc khác nhà mình ăn, thịt này để dành đi thăm bố ngày mai.…
Bí vùng vằng trách mẹ:
- Con mình không cho mà cho người ta.
Chị Bông bật cười trước câu nói của con, bố nó chỉ là “người ta” xa lạ.
Chị đành chịu thua con, lấy cho nó bát cơm với thịt ba rọi rang mặn còn nóng trên bếp dù củi lửa đã tắt.
Chị Bông sinh Bi ngày 13 tháng 8 năm 1975, bố nó không có nhà cho đến ngày hôm nay thì trách gì đứa trẻ lên 5 chẳng thân tình với người cha vắng mặt. mặc dù chị Bông đã nhiều lần kể cho nó nghe về bố, cho nó nhìn những tấm hình cũ của bố nó, nhưng trong đầu óc trẻ thơ thì những hình ảnh ấy cũng xa vời như truyện cố tích.
Ngày 22 tháng 9 năm 1975 cả miền Nam Việt Nam đổi tiền, tiền Việt Nam Cộng Hòa sẽ đổi lấy tiền do ngân hàng Việt Nam phát hành. Thằng Bí mới được một tháng chín ngày tuổi, nó còn bé bỏng qúa chị Bông không thể bế nó theo, phải nhờ một bác hàng xóm trông nó để chị đi đổi tiền.
Chị Bông sống chung với đại gia đình nhà mình, mẹ mất, nhà toàn đàn ông con trai, bố và các cậu em, còn mấy đứa em gái thì nhỏ chẳng biết gì., chẳng ai có thể trông Bí được .
Địa điểm gởi tiền là trụ sở phường gần nhà nên bà hàng xóm đã hai ba lần chạy đến tìm chị Bông và lo lắng:
- Thằng Bi cứ gào khóc tôi dỗ mãi không nín. chỉ sợ nó khóc nhiều qúa…. hết hơi chết mất. Chị về nhà cho nó bú một tí được không? …
Chị Bông vẫn đứng xếp hàng và phải năn nỉ bà hàng xóm một hơi dài :
- Bác ơi, thời gian đổi tiền nhà nước cho có hạn, tiền mình đã ít mà không đổi kịp thì coi như trắng tay lấy gì mà sống. Trẻ con càng khóc càng…nở phổi bác đừng lo, nó lạ người nên khóc chứ không đói sữa đâu, cháu cho nó bú no rồi mới đi mà.
Khi chị Bông đổi tiền xong về đến nhà thằng Bí vẫn còn thỉnh thoàng khóc tức tưởi y như hờn giận bị mẹ bỏ rơi, chị Bông ôm ấp con vào lòng một lát là nó im ngay. Bà hàng xóm phải khen:
- Gớm, thằng con chị Bông mới một tháng tuổi mà khôn lanh qúa. Đúng như chị nói thì ra nó lạ hơi mẹ nên gào khóc phản đối tôi đấy.
Chị Bông vừa nghĩ về con vừa làm tiếp công việc của mình, món thịt rang mặn cũng bỏ vào lon “Guigoz” như món mỡ nước, cái lon “Guigoz” thật tiện lợi, nắp đây kín khó đổ thức ăn ra ngoài. Ấy thế mà có lần chị đã làm. đổ khi một lần đi thăm chồng.
Thời gian đầu sau khi các sĩ quan đi trình diện, nhà nước cho gởi qùa bằng đường bưu điện về một địa chỉ chẳng biết ở nơi đâu ngoài số hòm thư.
Ngày hôm ấy khi ra bưu điện gởi qùa chị Bông đã khóc vì tủi thân, miền Nam thất thủ chồng chị và bao nhiêu người khác thành kẻ tù tội đáng thương, vợ con, cha mẹ, anh em của họ ở cái xã hội chủ nghĩa này bỗng bị mang bản án lý lịch đen tối như đêm ba mươi khó mà ngóc đầu lên nổi.
Sau này chị Bông được biết anh đã ở Long Khánh, rồi đổi về Thành Ông Năm, Hốc Môn thì chị Bông nhận được giấy đi thăm nuôi chồng lần đầu tiên.
Ôi, ngày vui mừng cũng là ngày nước mắt. Khi gặp anh, ngồi cùng anh nơi dãy ghế dài giữa đám đông người cũng thăm nuôi như mình chị Bông đã khóc ngon lành, qúa cảm xúc chị đã luống cuống đánh đổ cả lon “guigoz” mỡ nước, mỡ dây bẩn ra cả quần áo chồng và vợ nhưng chả ai kịp lau chùi kỹ, chỉ lau sơ sơ rồi hối hả nói chuyện tiếp vì sợ hết giờ.
Về đến nhà chị mới tiếc lon mỡ, tự trách mình vụng về làm chồng mất một món ăn
Chị Bông chỉ được thăm chồng một lần ở Thành Ông Năm thì anh lại chuyển trại về Hàm Tân Thuận Hải .
Cứ khỏang chừng một năm chị lại nhận giấy thăm nuôi chồng ở Hàm Tân Thuận Hải. Thế nên dù chưa nhận được giấy phép đi thăm nuôi lần sau chị Bông đã sắm sửa dần dần, chứ mua sắm một lúc thì tiền đâu ra, chị dặn chị Hai Pháo hàng xóm, người chuyên buôn hàng từ Tây Ninh về, khi thì mua ký đường thẻ, đường Thốt Nốt, lúc thì mua cân nếp, cá khô…
Mì sợi, bánh mì thì chị Bông phơi khô ở nhà và để dành sẵn nên khi nhận được giấy thăm nuôi là chị Bông đã có đủ cả chưa kể các món hàng từ bên phía nhà chồng gởi cho nên lần nào đi thăm nuôi anh Bông cũng là hai bao tải.như ngươi đi buôn lậu.thời buổi khó khăn.
Ngày mai chị Bông sẽ đi thăm chồng tại trại cải tạo Z30C, Hàm Tân Thuận Hải
Ngày mai chị Bông sẽ cho hai con đi thăm bố, đây là lần đầu tiên Bi được đi.
Tờ mờ sáng 3 mẹ con đã có mặt ở điểm hẹn tại ngã ba Hàng Xanh, nơi chuyến xe than sẽ đón khách toàn là những vợ tù cải tạo đi thăm chồng tại địa điểm Hàm Tân.
Chiếc xe than chạy đi trong sương mờ gió sớm, thằng con lớn ngồi bên cạnh còn thằng Bi ngồi trong lòng mẹ ngủ tiếp. Gió thốc qua lưng chị Bông cảm giác lạnh lùng, nhất là khi xe chạy qua những cánh rừng cao su thăm thẳm. ..
Chị Bông nhìn cảnh bên đường, thỉnh thoảng có những cục than đỏ hồng từ thùng than của xe rơi xuống lăn trên đường như những đốm mắt đỏ trên nẻo đường đi, những đốm mắt đỏ vì thương nhớ và mòn mỏi chờ mong của những người vợ tù đi thăm chồng, của những đứa con thơ ngơ ngác mong người cha trở về...
Trời sáng dần, đến Long Khánh có những vườn chôm chôm chín đỏ bên đường, xe than dừng bánh tại một vườn chôm chôm cho mọi người xuống nghỉ và mua trái cây.
Hành khách xúm xít vào vườn hái chôm chôm hay mua chôm chôm đã hái sẵn bày ngoài bàn bên lề đường.
Hai đứa con chị Bông lần đầu tiên được thấy cây chôm chôm có trái chúng nó thích qúa, thằng anh bảo thằng em:
- Đi thăm bố vui nhỉ Bi
Bi hí hửng nói với mẹ:
- Con thích đi thăm bố để hái chôm chôm mẹ ơi…
Ba mẹ con ôm ba bịch chôm chôm đầy ắp lên xe để tiếp tục cuộc hành trình.
Khi xe đến Hàm Tân tất cả hành khách xuống xe với hành lý của mình. Xe than đi tiếp đến Phan Thiết và sẽ quay lại đón khách vào buổi chiều, đưa khách trả về thành phố Sài Gòn.
Chị Bông đã đi thăm chồng vài lần tại Z30C nên có nhiều kinh nghiệm, chị đã quen con đường từ đây đi bộ vào trại nhưng sẽ gian nan cho hai đứa con, con đường đầy cát bụi , mỗi bước đi là bàn chân chìm trong cát.. Thương con qúa..
Chị trả gía kỳ kèo từng đồng một với đám xe thồ để thuê họ thồ hai bao tải qùa.
Người thồ xe buộc hai bao tải vào hai bên đòn gánh trên chiếc xe đạp và dắt xe đi theo chị Bông vào trại.
Thằng lớn vừa đi vừa thỉnh thoảng túm áo mẹ vì sợ ngã, chị Bông bế thằng Bi trên tay, mỏi cả tay nhưng chẳng nỡ để thằng bé 5 tuổi phải đi bộ, chỉ thỉnh thoảng cho nó đứng xuống để chị nghỉ tay.. ..
Cổng lán trại hiện ra như cổng thiên đường vì nơi ấy sẽ có niềm vui gặp gỡ cho bao người chờ mong, người trong tù và người đi thăm tù.…
Chị Bông nhìn cây Phượng non nơi cổng trại, cây Phượng cao mới hơn đầu người, lá xòe ra xinh đẹp xanh tươi đu đưa thật hồn nhiên trong gió. .
Sau khi trình giấy tờ nơi cổng trại mẹ con chị Bông lê lết kéo mang hai bao đồ vào lán gần ngay đó. Hai con chị Bông gặp trẻ con nhà khác thế là chúng chơi chung với nhau nhanh chóng cũng như các phụ nữ cũng nhanh chóng làm quen chuyện trò với nhau trong khi chờ đợi gặp gỡ người thân.
Chị Bông đi rảo một vòng quanh lán, lán là dãy nhà hình chữ L làm bằng tre nứa mái lợp lá, nền đất nện chắc, dĩ nhiên là công sức của những người tù cải tạo. Nơi sau lán có mấy hố xí, nơi đầu lán có cái giếng bên cạnh nhà bếp để cho thân nhân tù có thể rửa ráy và nấu nướng.
Những người giàu có hay người cầu kỳ họ mang theo nồi niêu bát đũa và những thức ăn tươi ngon để nấu tại bếp này, chốc nữa người tù của họ sẽ được ăn một món ăn ngon đặc biệt nào đó.
Người ta xầm xì vì phái đoàn thăm nuôi ông giám đốc ngân hàng Việt Nam Thương Tín, họ đi thăm nuôi mang nhiều đồ ăn thực phẩm đắt tiền, ngoài vợ con ông còn có người giúp việc đi theo để khuân đồ và nấu nướng ..
Một tiếng sau mọi người trong lán nhốn nháo mừng rỡ bảo nhau người tù đang ra, họ đổ xô ra ngoài cửa lán chờ vì từ xa đang có đoàn người đi đến, dòng người xám xịt trong buổi trưa trời quang mây tạnh.
Chị Bông gọi hai con và ba mẹ con cũng chen chân lóng ngóng bên thềm lán. Chị dặn dò con:
- Lát nữa gặp bố hai con ôm bố, chào bố nhé.
Thằng anh hứa:
- Vâng ạ.
Còn thằng em thì nghi ngại:
- Nhưng bố có quen con không?
Chị Bông phải dỗ dành:
- Bố quen và thương Bi lắm đó..
Chị Bông căng mắt ra tìm chồng trong đám đông khi họ đã dừng lại trước sân lán, ông nào cũng xơ xác như nhau từ mặt mũi, vóc dáng đến áo quần. Khó mà hình dung ra trước kia họ là ai.
Nhiều người tù nhận ra thân nhân trước khi thân nhân nhận ra họ.
Anh Bông đang đứng trước mặt vợ con, thằng con lớn đã được đi thăm bố vài lần, quen mặt bố, nó ôm chầm lấy bố vui mừng.
Chị Bông bế Bi lên đưa cho anh Bông, nó lạ lẫm mắc cở nhưng không dám phản đối, cả nhà kéo nhau vào lán thăm nuôi cùng với hai bao đồ.
Trong lán thăm nuôi kê một dãy bàn dài, gia đình chị Bông được xếp đặt ngồi ngay đầu bàn mà nơi đầu bàn có công an đứng canh nên vợ chồng trao đổi câu chuyện hết sức cẩn thận, Chị Bông không lãng phí thời gian vào đề ngay, chị nói nhỏ bên tai chồng “Họ đến nhà khuyên em đi kinh tế mới thì chồng sẽ mau về anh ạ”.
Anh Bông vội vàng đáp lại:” Không, em đừng bao giờ đi kinh tế mới mà khổ thân, hai việc chẳng có liên quan đến nhau. Vợ một thằng tù bạn anh đã đi kinh tế mới cả năm nay mà có thấy ai cho nó về đâu. ”
Thằng Bi nãy giờ vẫn ngồi im thin thít trong lòng bố. Chị Bông muốn con tự nhiên và thân thiện hơn với bố nên bảo nó::
- Bí hát cho bố nghe một bài đi.
Bí thích hát và hay hát, nghe thế nó tụt ngay ra khỏi lòng bố, đứng xuống đất và hồn nhiên nói:
- Con hát bài đêm qua em mơ gặp bác Hồ cho bố nghe mẹ nhé..
Ôi, Bi biết gì về bác Hồ mà mơ gặp “bác” ttrong khi nó chưa bao giờ ước ao mơ gặp bố nó. Vì có anh công an đứng gần nên chị Bông chẳng biết nói gì hơn. .
Bi hát xong được bố mẹ khen nó sung sướng lắm. Vợ chồng chị Bông tiếp tục nói chuyện, bao nhiêu điều muốn nói dịp này cứ tuôn ra không kịp…
Bỗng có tiếng khóc thất thanh của thằng Bi ở đâu đó: “Mẹ ơi, mẹ ơi…” thì ra hai anh em Bí đã chạy đi chỗ khác chơi mà vợ chồng chị Bông mải xúm đầu vào nhau nói chuyện không ai để ý.. Thằng anh đã về đúng chỗ cũ với bố mẹ, thằng em đang bị lạc nên khóc ầm lên như thế.
Chị Bông phải vội vàng đứng dậy đi tìm con theo tiếng khóc của nó, thằng bé đã đi sang lán thăm nuôi bên kia và quên đường trở về vì cách bài trí đều giống nhau, cũng cái bàn dài, cũng đầy người ngồi nói chuyện mà không thấy bố mẹ đâu cả..
Nó làm phí mất của bố mẹ mấy phút giây vàng ngọc.
Mười lăm phút thăm nuôi ngắn ngủi, mười lăm phút phù du đã bay vèo. Anh công an dõng dạc tuyên bố đã hết giờ, các thân nhân ra về để cải tạo viên còn thu xếp hành trang về trại.
Mọi người lại nhốn nháo đứng lên, nắm níu tay nhau, nước mắt và nụ cười lẫn lộn. Anh Bông nhân lúc lộn xộn này vội duí vào tay chị Bông một mẩu giấy cuộn tròn và nói nhỏ:” em đứa thư anh Đức về cho người nhà theo địa chỉ trong thư”
Chị Bông cũng vội cất mẩu giấy vào trong giỏ xách và hỏi lại cho chắc ăn “Anh Đức ở Phú Nhuận hả anh?”
Anh Bông chỉ kịp chớp mắt trả lời vì anh công an đã đến gần.
Anh Bông cột dây vào hai miệng bao tải và xỏ vào hai đầu cái đòn tre để chuẩn bị gánh quà về trại. Anh lại đi bộ gần hai cây số đường rừng để về trại.cũng như chị lại đi bộ hai cây số đường cát nóng để rời lán.. Giữa hai vợ chồng là con đường ngược chiều, càng đi càng xa nhau vời.vợi.
Chị Bông dắt tay hai con đứng nhìn đám tù nhân cải tạo trước khi rời lán:
- Hai con nhìn kỹ bố đi. Lâu lắm chúng ta mới được đi thăm lần nữa.
Thằng Bi chê:
- Mẹ ơi, con thấy bố và các bạn của bố ai cũng nghèo và xấu qúa.
- Tại họ đi học tập xa nhà con ạ.
Thằng anh thì hỏi một câu thực tế:
- Bao giờ bố về?
- Bao giờ bố học tập tốt thì sẽ về.
Ra đến cổng trại chị Bông nhìn cây Phượng non vẫn đang rung rinh trong nắng gío, lòng chị bỗng ngậm ngùi, hoa Phượng mai này còn được nở hoa, được tự do khoe nhan sắc với đời, Những người tù cải tạo thì đang lầm lũi bước trở lại trại tù và không biết được ngày mai, không biết được ngày về cho nên chị Bông đã không thể trả lời được câu hỏi của thằng con lớn..
Đi bộ trên con đường đầy cát lần trở về hình như chị Bông bước chậm hơn lần đến, cát níu kéo từng bước chân chị Bông. Hành lý không còn mà lòng chị mang nặng nỗi buồn.
Chuyến xe than đã đợi sẵn, chủ xe kết hợp buôn nước mắm từ Phan Thiết về Sài Gòn vì chuyến về xe rộng, hành khách không còn hành lý cồng kềnh nữa.
Chị Bông nhìn lại con đường đầy cát dẫn vào lán trại, con đường đã đưa chị gặp chồng và cũng đã đưa chị rời xa., con đường đã cho chị niềm vui nao nức và cũng đã cho chị nỗi niềm thất vọng. xót xa.
Tạm biệt anh, tạm biệt Z30C Hàm Tân Thuận Hải. Hẹn anh một ngày tao ngộ nhưng không phải tại nơi này…
Ngồi trên xe hai con chị thấm mệt lim dim ngủ. Trẻ con thật vô tư.
Chị Bông ôn lại từng phút giây gặp gỡ chồng, tất cả đến rồi đi như một giấc mơ.
Chị nhớ đến mẩu giấy nhờ chuyển của người tù tên Đức. Chị đã một lần mang thư đến nhà này rồi, chị đạp xe từ Gò Vấp lò mò tìm đúng địa chỉ, là một căn nhà to đẹp kín cổng cao tường, khi chị bấm chuông cửa một người hé cổng thò đầu ra nghe chị nói, họ cám ơn và nhận thư xong lạnh lùng khép cánh cổng lại.
Lần này anh Đức lại nhờ chuyển thư nữa, chị cũng vì bạn chồng, vì sự tin cậy chờ mong của người trong tù gởi gấm mà đến nhà này lần nữa dù thái độ khi nhận thư người thân của họ chẳng mấy mặn mà..
Không biết người trong ngôi nhà to đẹp ấy là người thân thế nào với anh Đức mà để anh thiếu thốn cứ phải gởi thư xin thêm đồ tiếp tế và dặn dò nhớ đi thăm anh...
Có lần chị Bông cũng chuyển thư cho vợ một bạn tù cùng với anh Bông, nhà này ở cư xá Lữ Gia, chị Thành vợ anh Thân cảm động khi nhận được thư chồng .
Chị Bông quen chị Thành từ đó. Thỉnh thoảng chị Thành đạp xe đến nhà chị Bông chơi., cả hai cùng tuổi, cùng cảnh nên dễ thân nhau. Trong tù hai ông thân nhau thế nào thì chị Bông và chị Thành cũng thân nhau thế đấy.
Nhà chị Thành ở cạnh nhà cha mẹ ruột, cùng làm nghề sản xuất miến. Khi anh Thân đi tù cải tạo chị Thành không làm miến nữa, ba mẹ con chị sống trong sự đùm bọc của gia đình bên ngoại.
Chiếc xe than vẫn chạy đều đều trên đường, càng lúc càng xa Z30C Hàm Tân Thuận Hải.
Chị Bông thẫn thờ nhìn con đường dài đang chạy lùi phía sau, những cục than đỏ hồng trong thùng xe than vẫn thỉnh thoảng rơi trên đường, lần này những cục than cháy đỏ ấy như những ánh mắt lưu luyến thiết tha của những người chồng người cha từ trong trại tù cải tạo Z30C Hàm Tân Thuận Hải đang lưu luyến dõi theo vợ con họ trên đường về nhà.
Nguyễn Thị Thanh Dương
No comments:
Post a Comment