Thursday, August 18, 2022

CUỐI NẺO ĐƯỜNG ĐỜI- TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM

ảnh tâm trạng buồn bên Biển

Tôi buông tờ báo xuống bàn, lặng người suy ngẫm về cái chết của người bạn họ Đỗ- bạn rất thân từ thuở còn là sinh viên ở Sài gòn hơn năm mươi năm trước. Cái chết đã xảy ra đột ngột, kỳ lạ khiến tôi đau buồn lẫn hoài nghi. Hai vợ chồng anh ta từ Sài gòn ra vùng biển Miền Trung nghỉ mát. Buổi sáng họ ra bờ biển thật sớm. Chồng than đói bụng. Vợ về nhà làm đồ ăn điểm tâm.  Khi trở lại, chị vợ không thấy chồng đâu! Sau đó, người ta phát giác hắn bị chết đuối! Dư luận bàn tán khá nhiều. Theo một giả thuyết, hắn đã bị các đồng chí CS thù địch thanh toán, hòng che dấu những mờ ám trong công việc làm ăn. Giả thuyết khác cho rằng  hắn “ghiền” nước biển, muốn tắm biển một mình để tự do  vẫy vùng. Rồi chẳng may bị sóng ngầm cuốn đi. Có thể hắn đã chết như thế. Bởi đã lâu hắn nằm nhà, nghe bà vợ chì chiết, đành phải im lặng, ngâm câu thơ của Thế Lữ để tự an ủi:

               Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,

                            Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua” 



Nhưng tôi không nghĩ cái chết của hắn đơn giản như thế. Làm sao một kẻ tật nguyền, với nửa người bại xụi đi đứng không vững, một mình dám xuống biển bơi lội, dẫu hắn là tay bơi lội giỏi ở miền quê hương cát trắng  của hắn.  Theo tôi, có lẽ nỗi thất vọng chán chường, cùng niềm cô quạnh của những năm tháng về chiều của kẻ  tật nguyền… đã đưa đến cái chết bi thảm. 

Chúng tôi thân nhau từ lâu lắm! Hồi ấy, khoảng năm 1963, bộ tứ chúng tôi gồm có: hắn , gã họ Trần);  gã họ Nguyễn và tôi . Có lần chúng tôi đến tham dự tiệc trà sinh nhật của  người yêu gã họ Trần. Để làm đẹp lòng giai nhân, chúng tôi thi nhau ca hát , kể chuyện vui…Riêng hắn đã say sưa ngâm bài  “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan: “Nàng có ba người anh đi bộ đội/ Những em nàng còn chưa biết nói/ Khi tóc nàng xanh xanh/ Tôi là người chiến binh xa gia đình/ Yêu nàng như tình yêu em gái …” Hồi ấy những loại thơ sáng tác ở Miền Bắc như thế vẫn còn hạn chế phổ biến trong dân chúng Mền Nam. Nghe hắn ngâm những câu thơ ấy, tôi đã nghi ngờ trong tư tưởng hắn đã có một khúc quanh quan trọng rồi!  Sau này đọc báo tôi mới biết người cậu hắn là tay VC nằm vùng, kêu gọi hắn phải về hoạt động cách mạng với ông ta. 

Khoảng năm 1964 hắn tham gia biểu tình bạo động trước Viện Hoá Đạo, bị bắt và bị đưa vào quân trường Quang Trung. Sau đó hắn trốn thoát và làm quen với một nữ sinh viên Văn Khoa Sài gòn . Theo lời tâm sự của hắn, chính người nữ sinh viên nằm vùng này đã “giác ngộ” hắn, chiêu dụ hắn vào bưng để  kết nghĩa vợ chồng , phục vụ tổ quốc XHCN!  

                                                              ****

    Đầu năm 1968, ba anh em trong bộ tứ chúng tôi trình diện quân trường Quan Trung. Rồi chín tuần sau, vào quân trường Thủ Đức. Sau đó chúng tôi chia tay nhau đi phục vụ tại các Quận, Tỉnh ở Vùng 2 và vùng 3 VNCH. Trong khi đó, hắn theo đám VC ra Miền Bắc. Nghe nói hắn có được Đảng và Nhà Nước ưu ái cho đi du học ở một nước “XHCN anh em” nào đó…

Thế rồi lịch sử sang trang, Sài gòn thay ngôi đổi chủ.  Vợ chồng hắn theo chân VC , cầm cờ Mặt trận GPMN tiến vào chiếm đóng Sài gòn. Ba mươi  năm trước, đoàn “Giải Phóng Quân” của Việt Minh, khoảng một tiểu đội, với gậy tầm vông và súng mút-cờ-tông, đã đi cướp chính quyền Quốc Gia tại Hà Nội do Thủ tướng Trần Trọng Kim lãnh đạo. Nay, đoàn quân “Giải phóng Miền Nam” mà thực chất là Quân Đội Nhân Dân Việt Cộng,  hãnh diện cưỡi xe tăng T54 do Liên Xô viện trợ, mặc quân phục Trung Cộng, từ Miền Bắc vào húc đổ cổng Dinh Độc Lập, tuyên bố “hoàn toàn Giải Phóng Miền Nam”.  

Trong khi hắn đang say sưa ca khúc “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù…,  thì ba người bạn “ngụy” của hắn cũng như hầu hết sĩ quan, công chức “bên thua cuộc”  bị Uỷ Ban Quân Quản VC cho ăn quả lừa vĩ đại. Và cũng như họ, tôi bị đưa vào trại “cải tạo” trong Nam, rồi ra Bắc, chịu cảnh tù đày khổ sai biệt xứ! Mãn tù, tôi trở về với gia đình ở Sài gòn! Vợ chồng nhìn nhau rưng rưng nước mắt, mừng mừng tủi tủi.  Mừng vì còn được trông thấy nhau. Vợ còn thấy được chồng - một” bộ xương cách trí” còn đủ sức lê gót từ miền rừng núi sông Mã về đến thành phố Sài gòn. Chồng còn thấy được người vợ già trước tuổi, lam lũ bán buôn để nuôi đàn con. Cha còn gặp được những đứa con gầy nhom, nhìn người đàn ông ốm nhom bơ phờ … mà phải gọi bằng bố! 

Ngày tôi về, vợ tôi có kể lại một chuyện bất ngờ khi tôi còn ở ngoài trại tù ngoài Bắc. Một hôm, nàng đang bán thịt heo tại  Hợp Tác Xã tiêu thụ Phường, một cán bộ đầu đội nón cối, vai mang xà cột ghé vào chào hỏi:

-Chị nhớ tôi không ? Tôi là bạn thân của anh Đinh đây? Ảnh về chưa chị? Cho tôi gởi lời thăm ảnh nhé!

Vợ tôi bối rối vì không biết người cán bộ ấy là ai, bèn đáp: -Dạ, cám ơn anh. Xin cho biết quý danh để khi nhà tôi trở về, tôi nói lại…

Tên cán bộ trả lời với giọng thân tình:

-Chị cứ nói có cán bộ  Ba Tê  thăm hỏi, ảnh biết ngay…

Kể xong câu chuyện bất ngờ ấy, vợ tôi đưa mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Có lẽ nàng nghĩ:   chồng nàng trước năm 1975 là tay nằm vùng hay sao mà có bạn thân là cán bộ Ba Tê ?

Một buổi chiều, tôi đang đi lang thang ngoài phố, hy vọng gặp một ai đó chỉ dẫn cho một công việc làm. Bỗng tôi thấy một gã trung niên mặc đồ cán bộ VC màu xanh cứt ngựa, đội mũ cối, mang túi xách trên vai, đi xăm xăm về phía tôi. Vốn là một kẻ đã từng “nằm gai nếm mật” trong trại tù, nay gặp một cán bộ cách mạng đang xốc tới như muốn gây sự, tôi liền tránh qua một bên. Tôi tự nhủ, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”! Nhưng hắn chận tôi lại, cười cười , nói nói  như gặp bạn  thân lâu ngày:

-Ông bạn Đinh của tôi đây phải không?

Vốn mang tâm trạng “kinh cung chi điểu”, tôi dè dặt hỏi:

-Xin lỗi, cán bộ là ai mà biết tên  tôi?

Hắn cười hềnh hệch, ra vẻ “đàn anh” của  “bên thắng cuộc”, đáp:

-Không nhớ mặt tôi sao? Ba Tê đây!  

Nhìn kỹ khuôn mặt của hắn, tôi liền nhớ ra. Tôi bớt đi tâm trạng lo lắng, bèn bắt tay hắn, mỉm cười:

-À! Anh là Đỗ Béo phải không?

Hắn cười, gật đầu và mời tôi vào quán cà phê gần đó để mừng buổi tái ngộ!

**** 

Đó là chiếc quán bán cà phê sinh tố, với bàn nghế  tươm tất, có trang hoàng đèn màu   - có lẽ là quán “cà phê đèn mờ” sinh hoạt chính yếu về đêm”! Khách hàng tương đối đông, nhưng không ồn ào như trong một quán bình dân khác.  Người bạn cố tri họ Đỗ của tôi khệnh khạng đi trước vào quán, tôi theo sau. Chiếc nón cối - vốn không hợp chút nào với khuôn mặt mập mạp, trắng trẻo của hắn - vẫn ngự trị trên đầu. Cũng như chiếc xà cột cán bộ vẫn lủng lẳng trên vai khi hắn vào quán. Hắn thong thả ngồi xuống, đưa mắt nhìn quanh,  im lặng . Rồi quay sang hất hàm hỏi tôi :

-Ông uống gì? 

Tôi đáp ngắn gọn:

- Cà phê đen!

Hắn quay ra nhìn cô chủ quán ngồi ở bàn tính tiền, búng tay gọi :

- Cà phê đen, hai ly xây chừng. Một bình trà nóng.

Đoạn hắn quay lại hỏi tôi về cuộc sống hiện tại…Thấy hắn có vẻ không nồng nhiệt khi gặp lại bạn cố tri- nhất là không hỏi gì về những năm đi tù “cải tạo” của tôi -nên tôi chỉ đáp lại vài câu hỏi bâng quơ của hắn. Cuối cùng trước khi chia tay hắn bảo tôi:  

-Tôi đang phục vụ ở phòng Công Thương Nghiệp Quận Nhất. Nếu ông cần gì cứ vào đó tìm tôi.

Khi cô phục vụ viên đem tấm giấy tính tiền đến bàn, hắn cầm lấy chăm chú đọc. Đoạn hắn nhíu mày nhìn cô bé, hỏi lớn:

-Quán này có bán lưỡi lam không ?

Cô bé ngơ ngác, không hiểu người khách cán bộ hỏi gì mà có vẻ bực mình như thế?

Cô chủ quán ngồi xa theo dõi, thấy không khí có vẻ căng thẳng ở bàn người khách cán bộ  kia. Cô ch bèn đi nhanh đến trả lời thay cô bé phục vụ:

-Dạ không, ở đây chỉ bán cà phê sinh tố, chớ có  bán dao lam đâu?

Người bạn cố tri hiền lành của tôi năm xưa, nay bỗng lộ rõ diện mạo một “cán bộ cách mạng” khi hắn nổi nóng dằn tấm giấy tính tiền xuống bàn. Đoạn hắn nhìn cô chủ quán gằn từng tiếng:

-Không bán lưỡi lam mà sao tính giá cắt cổ quá vậy?  Hai ly cà phê đen nhỏ xíu mà tính đắt như thế này à?

Rồi không đợi cô chủ quán giải thích phân trần, hắn rút ví trả tiền. Trước khi rời quán, hắn lừ mắt nhìn cô chủ, giọng đe dọa:

-Coi chừng đó nhé! Bán quá giá tôi ra lệnh đóng cửa đấy!


Tôi ngồi im khi bao nhiêu cặp mắt trong quán quay sang phía bàn chúng  tôi. Cuối cùng tôi đứng dậy, cố thoát ra khỏi bầu không khí ngột ngạt, ngượng ngùng đó. Khi đi qua bàn tính tiền, cô chủ quán nhìn tôi cười gượng gạo: -  Tôi có tính đắt gì đâu mà ông cán bộ bạn của chú đòi đóng cửa quán!Dẹp quán thì lấy gì mà sống? Không lẽ đi kinh tế mới sao?

Tôi chậm bước, đi sau “người cán bộ Ba Tê”.  Đoạn chào cô chủ rồi bước nhanh ra khỏi quán. Tôi không còn muốn nghe thêm những lời than thở của cô. Nó như tiếng thở dài áo não của người dân lao động Sài gòn đang sống dưới sự hà khắc của một chế độ luôn tự hào “ Vì nhân dân quên mình mình, vì nhân dân hy sinh”, như trong bài ca “Vì nhân dân ta quên mình” của một nhạc sĩ Miền Bắc.

****

Mười năm sau, tôi rời Việt Nam đi tỵ nạn ở Mỹ. Một lần tôi có đọc bài viết về cuộc đời của những kẻ “ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản”,  tôi sực nhớ đến hắn, người bạn cố tri thời sinh viên 1963. Hắn đã đón gió trở cờ theo VC với bí danh Ba Tê. Tôi lẩn thẩn tự nghĩ, có lẽ hắn lấy bí danh này vì cho rằng là nghề “mua quan bán chức” cũng ngon như miếng “Patê” chăng? 

Trong một dịp về thăm Mẹ già ở Saì gòn, chú em hỏi tôi:

-Anh có người bạn nào tên Ba Tê không?

        Tôi sực nhớ đến hắn, hỏi lại em tôi:

-Có! Nhưng sao chú biết Ba Tê?        

Chú em tôi mỉm cười đáp:

-Vợ anh ta ngày xưa là sinh viên Văn khoa, từng sinh hoạt văn nghệ với tụi em. Hôm trước cô ta nghe chồng nói về người bạn thân tên Đinh, nên có liên lạc hỏi em và mời anh đến nhà chơi.  

Tôi nghe người em nói thế, chắc hẳn sẽ gặp lại người bạn cố tri mập mạp, khỏe mạnh như đã  gặp anh ta ở quán cà phê “ bán lưỡi lam” khi tôi mới đi tù về.


Chiều hôm sau, người em chở tôi đến thăm vợ chồng Ba Tê. Xe chúng tôi dừng lại trước một căn nhà hai tầng, thoáng mát, khang trang ở ngoại ô thành phố. Em tôi hướng dẫn lên lầu giới thiệu với một người đàn bà mập mạp, đang ngồi trước hiên nhà chăm chú đọc đọc, viết viết…Rồi chú em ra xe đi làm, hẹn chiều tối trở lại đón tôi. Người đàn bà- vợ của  Đỗ Béo - quay vào trong lên tiếng báo có khách đến thăm.

Trong khi chờ Ba Tê sửa soạn ra gặp bạn cũ, tôi nhìn vợ hắn đang chăm chú viết như không để ý gì đến khách của chồng. 

Tôi hỏi một câu xã giao:

-Chị viết gì mà say sưa thế? Làm thơ hay viết hồi ký vậy?

Vợ Đỗ Béo ngẩng mặt lên hãnh diện đáp:

-Tôi đang viết “Lịch sử Việt Nam Dưới Nhãn Quan Cách Mạng”!

Ngừng một chút như để tôi  hiểu được tầm quan trọng trong công tác vĩ đại của mình, chị ta nhìn tôi nói tiếp:

-Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê Nin, lịch sử Việt Nam do tôi viết phải khách quan, có lập trường cách mạng anh à! Các anh nên về giúp chúng tôi, kiến tạo đất nước được phồn vinh, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân…. 

Chưa kịp đáp trả những lời tuyên truyền “địch vận” của người nữ cán bộ VC nằm vùng tại Sài gòn trước năm 1975 , tôi đã thấy một người đàn ông gầy ốm từ trong nhà chậm rãi đi ra. Nửa thân người của hắn bất động; một tay duỗi thẳng cứng đơ; một chân kéo lê theo mỗi bước đi của hắn. Hắn đến gần tôi nở nụ cười gượng gạo:

-Chào anh. Có phải anh Đinh đây không? Xin lỗi tôi thay áo quần hơi chậm, để anh chờ lâu. Mời anh vào trong nhà mình nói chuyện tự nhiên hơn.

Tôi sững sờ nhìn người bạn một thời mập mạp, béo tốt  giờ đây đã tàn tạ như một thân cây sau cơn bão tố. Những năm ở Mỹ, tôi nghe nói đường đời của hắn kể từ những năm 80’ đã lên cao như diều gặp gió. Nhất là khi bà vợ hắn trúng thầu những công trình xây cất lớn của thành phố. Lại nghe nói từ khi có tiền, hắn ăn chơi vung vít như các cán bộ có chức có quyền. Nhưng từ khi bị bán thân bất toại thì đường đời của hắn kể như xe tuột dốc không thắng!  Giờ đây hắn trở thành chiếc bóng thảm hại của chính hắn trước đây!

Tôi nắm lấy bàn tay còn cử động của hắn:

- Nghe anh bị tai nạn, nhân về VN thăm gia đình tôi ghé thăm anh đây.

Tôi quay sang mời vợ hắn, cùng chúng tôi ra quán ăn gần đó. Chị ta từ chối, nên tôi lịch sự hỏi thêm: 

-Chị cho phép tôi đưa ảnh ra quán uống một ly rượu để mừng ngày tái ngộ nhé?

Như có dịp bày tỏ sự bực tức dồn nén trong lòng từ lâu, chị ta hằn học nói: -Lại rượu chè! Ba cái thứ đó biến ảnh thành thân tàn ma dại, thành cục nợ của tôi đó anh à!  Nhưng thôi được, Việt Kiều rủng rẻng tiền bạc như các anh, mời bạn ăn uống một bữa như vậy là có tình có lý lắm ! Nhưng đừng cho ảnh uống nhiều quá, kẻo lại làm khổ tôi nữa đấy!

Tôi nhìn người bạn Đỗ béo đang  cúi mặt làm thinh. Tôi vội nắm bàn tay còn khoẻ mạnh của hắn kéo ra khỏi nhà, lên taxi đến quán ăn do hắn hướng dẫn. Hắn nhìn tôi lộ vẻ vui mừng đến cảm động. Tôi cũng vui vì không còn phải nghe những lời chê trách từ người vợ VC nằm vùng của hắn, khi bạn chồng đến viếng thăm. 

Bây giờ tôi thấy hắn nhũn nhặn hơn lần gặp trước đây khi tôi đi tù về. Tôi để hắn gọi món ăn, thức uống thoải mái. Tôi muốn để hắn thấy bạn bè cũ vẫn mến thương, quan tâm đến hắn, cho dù trước đây hắn đẵ trốn chạy sang bên kia chiến tuyến, chống lại cái xã hội đã nuôi dưỡng hắn với cuộc sống tự do, no ấm… ****

Hắn ăn uống ngon lành. Vừa tợp một hơi rượu bia, hắn vừa cười vui , nhắc lại những kỷ niệm thời chúng tôi còn là bạn thân dưới mái trường ở Sài gòn. Hắn còn nhớ tên nhiều bạn trong lớp, hỏi thăm cuộc sống của những bạn đã định cư ở nước ngoài. Tôi ngồi nghe và nhận thấy hắn nói chuyện có vẻ thân mật hơn lần gặp nhau trước đây.  Tuy nhiên hắn không đả động gì đến những năm tháng “cải tạo” khốn khổ nhục nhằn mà các đồng chí của hắn đã áp đặt lên tôi, cốt trả thù sau khi chúng tôi thua cuộc. Hắn cũng không hề nhắc đến thời gian hắn trốn vào mật khu, theo lời dụ dỗ của người nữ cán bộ VC nằm vùng đội lốt sinh viên Văn khoa, sau này là vợ hắn.   

Theo tiết lộ của chú em tôi, vợ chồng hắn rất giàu có. Vợ hắn có mua thêm ngôi nhà ở bờ biển một tỉnh miền Trung để nghỉ mát. Tôi chợt nghĩ: liệu hắn có được vợ dúi cho một ít tiền để bồi dưỡng tấm thân gầy còm, bệnh tật của hắn không?

Thấy hắn uống hết chai bia Heineken, tôi gọi thêm thức ăn và một chai bia nữa. Tôi thương cảm nhìn hắn, kể chuyện vui để hắn ăn uống thoải mái. Bỗng nhiên hắn đặt chai bia xuống bàn, nhìn tôi , giọng buồn buồn tâm sự:

-Cám ơn anh đã nghĩ đến tôi, ghé thăm tôi. Đã lâu lắm tôi chẳng gặp người bạn thân nào. Từ khi tôi bị thương tật, chẳng có ai đến thăm tôi, kể cả những bạn thời sinh viên trước ngày “giải phóng”. Ngay cả những đồng chí mà tôi từng phục vụ đắc lực, cọng tác làm ăn;   họ đã quay mặt lẫn tránh tôi hết! 

Hắn ngừng nói, nâng ly uống thêm một hơi nữa, đoạn tiếp lời:

-Tôi cô đơn lắm anh Đinh à! Chẳng có ai để tâm sự, chẳng có người bạn nào đến chơi để mình ra quán “lai rai ba sợi” như hôm nay.  Ngồi nhà mãi, buồn chán quá. Đôi khi tôi tự hỏi: mình phấn đấu học hành để làm gì? Mình tranh đấu cho một xã hội công bình, cho hạnh phúc nhân dân để làm chi? Đến khi mình bị bịnh tật nằm một chỗ, chẳng ai liên lạc, chẳng ai đến thăm cả. Mình đã bỏ gia đình bè bạn, trốn vào mật khu để  “nằm gai nếm mật”. Bây giờ các đồng chí đều ngoảnh mặt làm ngơ. Thậm chí bạn cũ thời sinh viên cũng khinh ghét tôi - mặc dù sau ngày “giải phóng” tôi cố tìm cách giúp đỡ vài bạn gặp hoàn cảnh khó khăn, có cuộc sống bế tắc.

Hắn càng uống, càng tâm sự  lòng thòng, với giọng  thiết tha, đau khổ… Cuối cùng hắn nhìn tôi và như chợt nhớ điều gì, hắn rút từ túi áo một mảnh giấy ghi số nh , số điện thoại của hắn và đưa cho tôi. Hắn nói thêm:

-Nhờ anh về bên đó nói lại với các bạn cũ thời sinh viên rằng: thằng Đỗ béo bây giờ cô đơn, buồn bã lắm, nhớ anh em lắm.  Đây là địa chỉ nhà, số điện thoại di động. Nếu anh em có về Việt Nam, xin ghé thăm để uống với nó một ly, để nhớ lại kỷ niệm những ngày xưa thân ái.

Nói xong hắn cúi đầu, ôm mặt khóc rưng rức …

                              ****

See the source image

Tôi nhìn ra đường. Trời bắt đầu tối ! Trong quán ăn, ánh đèn leo lét mờ nhạt, tăng thêm vẻ cô đơn thảm não của hắn. Người bạn thân của tôi năm xưa, đã có một thời trẻ trung đầy nhiệt huyết, mà nay trông gầy ốm thảm hại. Hắn đang uống ly rượu cay đắng pha lẫn nước mắt đau buồn. Hắn có ăn năn thống hối vì đã đi sai đường lạc lối không? Hay chỉ biết tự an ủi một cách tuyệt vọng như nhạc sĩ phản chiến đã thốt lên trong một ca khúc: “Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng…”?

Chốc nữa sau khi chia tay với tôi, hắn về căn nhà chất chứa nỗi u phiền để nghe bà vợ chì chiết hàng ngày bên tai.  Ngày xưa, hắn là “cục cưng” của người nữ cán bộ VC nằm vùng ở Sài Gòn, sau khi đã chiêu dụ được hắn vào bưng biền hoạt động cho VC, cùng với cô ta. Sau ngày “giải phóng”, hắn thăng quan tiến chức, và trở thành “cục vàng”, để vợ hắn cậy thế làm ăn phát đạt. Thế mà giờ đây hắn chỉ là “cục nợ”. Chị ta không còn chỗ dựa để có “đối tác làm ăn”, để tiếp tục làm giàu thêm nữa. Mộng làm đại gia để nổi tiếng không thực hiện được, chị ta chuyển qua lãnh vực khác để được nổi danh. Đó là viết sử để trở  thành một “sử gia cách mạng”!


Còn hắn, đang sống cuộc đời êm đềm với bạn bè, bà con anh em…bỗng dưng từ bỏ tất cả để đi theo người nữ cán bộ nằm vùng kia. Nếu ngày ấy, hắn bị cô ta dụ dỗ trốn vào bưng biền, tham gia cách mạng , thì năm mươi năm sau, khi đã bị bạn bè khinh bỉ, đồng chí quay lưng, thì hắn bị Nàng Tiên Cá nơi đại dương mê hoặc, đành theo “Nàng” để tìm chút an ủi cuối đời. Phải chăng hắn đã nghĩ: tiếng hát Nhân ngư nơi biển khơi có thể đem lại niềm vui cho hắn. Có thể hắn nghĩ: sống giữa bạn bè tôm cá dưới chốn thủy cung còn hơn sống với đám  đồng chí  gian manh trên cõi hồng trần này?

                Tam Bách Đinh Bá Tâm

               

 


 



No comments: