TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM
Một buổi sáng đầu tháng mười hai năm 1954, trời âm u lạnh lẽo. Mưa phùn nhè nhẹ bay, giăng giăng khắp bầu trời miền đất Thần Kinh. Chiếc tàu hỏa từ Đà nẵng vào đến thành phố Huế, chạy chậm lại. Thành phố như ẩn hiện trong làn mưa bụi. Trời đất, sông nước, cảnh vật hoà lẫn vào nhau, trông như một bức màn trắng đục, như một tấm lụa đào mong manh sương khói…
Từ cửa sổ toa tàu, bà Khang cố nhìn qua làn mưa mờ mịt, để tìm lại những nét quen thuộc của thành phố Huế ngày xưa, mà nay chỉ còn nằm trong ký ức của bà…Đã hai mươi năm rồi, kể từ ngày cô gái Miền Nam Trung Việt ấy, tóc còn kẹp sau lưng, đã từ giã gia đình, lên ô tô đi Đà Nẵng; và từ đó lên tàu hoả ra Huế học trường Collège Đồng Khánh. Ngày ra đi, cha mẹ tiễn cô đến tận nhà ga, với hành lý là một chiếc rương gỗ, chứa một ít áo quần gương lược và đầy ắp tình thương nhớ gia đình. Và năm năm sau, cô nữ sinh ấy đã tốt nghiệp với mảnh bằng Trung Học. Ra trường, cô trở về quê cũ với khối óc mới mẻ, chứa đầy kiến thức và ý chí tự lập. Rồi sau đó, cô đi dạy học ở khắp nơi, từ Kontum đến Sông Cầu…Cuối cùng, về lại quê nhà ở An Lương, sống chín năm trong cảnh chiến tranh cùng khổ…
Cô nữ sinh Đồng Khánh ấy, những năm còn lưu trú tại Nội trú của nhà trường, cuộc sống như bị cấm cung trong bốn bức tường của học đường. Mỗi tuần một lần, được ra phố, cô đã không để ý gì đến cảnh phố phường xa hoa, đến sinh hoạt nhộn nhịp, sang trọng…. Cô chỉ thèm một tô bún bò Huế cay nồng, dậy mùi chanh ớt; một chén cơm hến bốc khói thơm tho; một dĩa bánh bèo rắc tôm chấy với mỡ hành thơm lừng…Đó là những món ăn đặc biệt của miền sông Hương núi Ngự, nơi cô đang theo học suốt năm năm, nhưng chưa từng được tự do thưởng thức!
Rồi hai mươi năm sau, cô nữ sinh Đồng Khánh năm xưa ấy đã trở thành một thiếu phụ, với một nách năm con, thân hình gầy ốm, mệt mỏi chán chường…Cô nữ sinh ấy là bà Khang bây giờ. Bà đến đây, trở lại xứ Huế năm xưa, sau Cơn Bão Tố Mùa Thu năm 1945 và cuộc Kháng Chiến chín năm sau đó. Tất cả đã tàn phá nơi Bà từng sinh ra, lớn lên. Tất cả đã làm Bà lãng phí tuổi xuân trong những năm khói lửa ấy. Và cũng như cuộc đời thăng trầm của Bà, xứ Huế ngày hôm nay cũng có nhiều biến đổi khác xưa.
Khi con tàu dừng lại, Tân thấy trên sân ga tấp nập người đưa đón. Cậu thiến niên sắp bước vào tuổi mười sáu bỗng có cảm giác tự tin của một người con lớn, đang cùng mẹ và các em bước vào một vùng đất mới lạ, thanh bình và văn minh…Cậu dắt các em, theo mẹ và Chú Mười bước xuống sân ga. Người dân ở đây thật văn minh, lịch sự. Đàn ông mặc áo len hay khoác áo blouson; chân mang dày hay dép da. Đàn bà mặc áo dài, mang guốc hay giày cao gót… Tân thấy lòng sung sướng như một kẻ mới được hồi sinh, sau những đêm dài u tối của cuộc đời.
Khi gia đình ra khỏi nhà ga, Chú Mười đề nghị tìm xe xích lô để chị dâu và các cháu đi cho đỡ lạnh. Bà Khang ngăn lại, bảo:
- Thôi chú ạ! Từ quê ra đây, mình đã quen đi bộ rồi…Trong thư, anh Khang đã chỉ cho tôi biết nhà; mình ráng đi bộ một lúc thì tới ngay. Đi xe chỉ tốn tiền vô ích thôi.
Khi gia đình hồi cư ấy đi trên hè phố, người dân ở đây tò mò nhìn theo họ. Đi đầu là một thanh niên cao và gầy, mặc bộ quần áo của kẻ đi buôn đường dài. Theo sau là ba cậu thiếu niên, mặc áo trắng ngắn tay, quần short xanh, chân mang dép cao su “bộ đội”. Đầu tóc các cậu đều húi ngắn, để trần, lấm tấm những hạt mưa…Đi bên cạnh là một thiếu phụ gầy ốm, khuôn mặt sáng sủa, thông minh. Bà mặc một chiếc áo bà ba lụa trắng, choàng bên ngoài với chiếc áo len bạc màu; đầu trùm một chiếc khăn dài, đuôi khăn quấn quanh chiếc cổ cao và gầy. Đứa bé gái trong vòng tay ôm của bà, choàng hai tay quanh cổ mẹ. Các cậu con trai đang vui vẻ đi bên cạnh, mắt tò mò nhìn quang cảnh phố phường. Cậu trai lớn vừa xốc em gái đang cõng trên lưng, vừa quay lại trông chừng em trai.
Khi gia đình bà dừng lại ở một tiệm bán bánh mì, Chú Mười mua cho mỗi người một ổ nóng hổi, thơm phức và dòn tan như bánh tráng nướng ở quê nhà. Đó là lần đầu tiên Tân và các em nếm mùi thơm ngon của chiếc bánh mì mà từ lâu lắm, đã không xuất hiện ở vùng kháng chiến Việt Minh. Họ vừa đi vừa ăn ngon lành chiếc bánh không nhân ấy!
Trong khi đó, ông Khang đang buồn bã đứng hút thuốc lá trong văn phòng làm việc ở Tòa Đại Biểu…Ông nhìn qua khung cửa kính, thấy một gia đình đang thếch thếch đi bộ bên kia đường. Ông tặc lưỡi than thầm:
- Trời mưa gió lạnh lẽo mà gia đình ai đi lang thang, khổ sở thế kia? Chắc họ mới hồi cư đến đây!...Còn vợ con mình sao mãi vẫn bằn bặt tin tức?
Khi gia đình bà Khang đến vùng An Cựu, bà trông thấy gác chuông sừng sững của ngôi nhà thờ. Bà vui vẻ nói với Chú Mười:
- Này chú! Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế kìa kìa! Mình đã đến nơi rồi đó!
Họ đi vào con đường nhỏ trước ngôi nhà thờ, rồi rẽ sang trái. Chiếc cổng với hai cột xi măng sơn trắng hiện ra trước mắt họ. Trên chiếc cột bên phải, có tấm bảng bằng đá cẩm thạch, được khắc ba chữ “Villa Bạch Như” . Bà Khang dẫn các con bước vào. Đi qua bồn hoa trước sân, họ đến gõ cửa căn nhà đồ sộ, cửa kính mờ mờ, đóng im ỉm…Một cô gái, với khuôn mặt mập tròn, trắng trẻo, hé cửa đứng nhìn gia đình bà. Đoạn, cô cất tiếng nói, với giọng Huế nhẹ nhàng, nhưng kém lễ độ:
- Bà hỏi ai?
Bà Khang từ tốn đáp:
- Tôi muốn hỏi ông Khang… Ông Khang có ở nhà không cô?
Cô gái lắc đầu đáp:
- Ông chủ tôi đi làm chưa về. Chắc bà muốn gặp ông chủ để xin việc làm, hay nhờ giúp đỡ phải không?
Chú Mười mất bình tĩnh vì câu nói của cô gái, bước tới định lên tiếng đính chính. Bà Khang kéo người em chồng lại, nói nhỏ:
- Theo địa chỉ ngoài cổng, đúng là nhà mình rồi! Con nhỏ chắc là người làm nên không biết gia đình mình…Thôi chú chịu khó đến Toà Đại Biểu ở gần nhà ga, báo cho anh biết, để về sớm gặp gia đình. Đừng rầy la bây giờ, làm con nhỏ xấu hổ tội nghiệp!
Khi ông Khang về đến nhà, Tân và các em reo mừng:
- A! Ba về kìa !
Cô người làm từ bếp bước ra, nét mặt ngơ ngác, hết nhìn ông chủ nhà đến những người trong gia đình mới hồi cư. Ông Khang chỉ bà vợ và các con, nói với cô gái giúp việc:
- Uyên! Đây là Bà và các cậu mới hồi cư về…
Ông chỉ tiếp Chú Mười, nói thêm:
- Ông Mười đây là em của tôi, đã đưa gia đình tôi từ Bình Định ra đây!
Khuôn mặt cô Uyên từ từ đỏ lên như miếng xôi gấc. Cô cúi đầu bẽn lẽn đi đến trước mặt bà Khang, nhỏ nhẹ nói:
- Thưa bà, khi hồi con không biết…Xin bà bỏ lỗi cho con!
Thấy cô người làm thay đổi thái độ, bà Khang tỏ ra vui vẻ…Tuy nhiên trong lòng bà cảm thấy đắng cay! Bà muốn có một tấm gương lớn, ngay lúc này, để soi bóng bà và các con, để thấy rõ nét tiều tụy và quê mùa, lạc lõng của những người từ vùng Kháng Chiến mới hồi cư về đây.
****
Tin tức gia đình ông Khang vừa hồi cư về Huế, đã đến với bạn bè cũ của ông. Ngay buổi tối, họ lần lượt đến thăm. Ông Tham Châu vẫn mập mạp, cười nói bô bô như năm xưa còn ở Sông Cầu. Bà vợ vẫn mập tròn, trắng trẻo, tuy nét xuân sắc đã kém xưa ít nhiều. Hai người đàn bà cảm động nắm tay nhau, hỏi thăm những đổi thay trong gia đình, từ những năm xa nhau, sau cuộc sơ tán năm 1946. Bà Châu thân mật hỏi bà Khang:
- Nghe tin chị và các cháu đã hồi cư về đến Huế yên ổn, em mừng lắm! Chị và các cháu có khỏe không? Các cháu đi mô cả rồi?
Tân đứng nhìn cảnh gia đình họp mặt đông đảo, chợt nhớ lại không khí ấm cúng, thân mật ở nhà ông bà Tham Châu chín năm về trước, mỗi cuối tuần theo cha mẹ đến đó xem đánh bài …Đứng sau bà Châu, cậu thấy một cô gái mặc chiếc áo dài trắng, tóc xõa ngang vai, cặp mắt sáng, lộ vẻ thông minh. Cô gái cũng tròn trịa, trắng trẻo như mẹ, xinh đẹp như nụ hoa lan, dáng vẻ của một thiếu nữ đang bước vào tuổi dậy thì.
Bà Khang lên tiếng, lịch sự đáp lời bà Châu:
- Cám ơn chị, đi đường vất vả lắm. Nhưng về đến đây, tôi thấy khỏe ra rồi! Tôi đã có ba trai và hai gái…Các cháu nhỏ còn mệt nên đi ngủ cả rồi chị ạ!
Bà quay về phía sau, gọi con:
- Tân ơi! Ra chào hai bác đi con. ..
Bà Khang trông thấy cô gái cô gái đứng khép nép sau lưng bà bạn, liền thân mật hỏi:
- Cháu Nga đó phải không chị? Cháu mau lớn quá! Mà lại xinh đẹp như mẹ vậy…
Bà hỏi tiếp cô gái:
- Năm nay cháu học lớp mấy rồi?
Nga bước tới cúi chào bà Khang, giọng cô trong trẻo, pha lẫn giọng Huế với giọng miền Nam Trung Việt :
- Thưa bác, cháu học lớp Đệ Tứ trường Nữ Trung học Đồng Khánh!
Tân bước ra chào ông bà Châu và mỉm cười với Nga, cô bạn gái từ thuở còn bé ở Sông Cầu.
Cô gái nhìn Tân, ngập ngừng giây lát; đoạn mỉm cười nói:
- Anh Tân đó hỉ? Trông anh lớn hẳn, khác xưa. Gặp nhau ngoài đường, chắc Nga không nhận ra anh mô!…
Cô gái trở lại vẻ dạn dĩ, thân mật như ngày còn nhỏ, nói với Tân giọng đùa nghịch:
- Nghe Me nói bác gái và gia đình mới hồi cư về đây, Nga tưởng sẽ gặp lại cậu bé trắng trẻo, nhỏ xíu ngày xưa ở Sông Cầu. Còn bây giờ anh khác xưa nhiều lắm!
Cô gái nhìn Tân, giọng thương cảm:
- Những năm sau đó, anh và gia đình ở mô? Chắc cực lắm anh hỉ?
Tân nhìn cô bạn gái ngày xưa, thuở đôi bạn cuối tuần thường dắt nhau đi bắt cua, bắt còng, xem những con cá ngựa đua nhau nhảy tanh tách dưới bờ sông trước nhà…Gần chín năm rồi, dòng đời thay đổi, Nga bây giờ cũng đã đổi thay. Trông cô e lệ, kín đáo; khác hẳn cô bé Nga tinh nghịch ngày xưa. Trên chuyến tàu sơ tán, vội vã rời thị trấn Sông Cầu đêm cuối năm 1946, Tân đã mang theo hình ảnh cô bạn nhỏ ấy…Và nay, hình ảnh ấy đã hiện ra, rõ nét, trước mắt cậu! Nhưng đôi môi hồng nho nhỏ, liếng thoắng cười nói, cặp mắt đen láy tinh nghịch ngày xưa, nay còn đâu nữa?
Tân nhìn Nga hỏi:
- Những năm Kháng Chiến, Nga ở đâu? Gia đình Nga hồi cư về Huế bao giờ vậy?
Cô gái đăm chiêu suy nghĩ:
- Nga cũng không nhớ nữa. Chắc là về Huế từ lâu lắm. Gia đình Nga không ở lại vùng Việt Minh như anh mô!
Tân nghe những câu nói vô tình của người bạn gái thuở ấu thơ, như chiếc kim đâm vào lòng tự ái của anh. Anh nghĩ thầm: Đúng thôi! Bây giờ anh thuộc một giai tầng khác - thiếu học, thiếu văn minh, thiếu bạn bè thân mật như thuở bé ở Sông Cầu. Tất cả cũng chỉ vì chín năm kháng chiến!
Những ngày sau đó, sinh hoạt bình thường đã trở lại với gia đình mới hồi cư ấy. Bà Khang đưa hai con trai nhỏ đến trường Lý Thường Kiệt để xin vào học: An vào lớp Nhì và Nghi vào lớp Tư. Hai cậu bé nhanh chóng hội nhập vào cuộc sống mới, bắt kịp các bạn bè cùng lớp trong việc học hành. Tuy nhiên, có những món quà vặt đối với các cậu thật mới lạ, chưa bao giờ được nếm qua. Đó là khúc kẹo kéo thật dẻo, bên trong có hạt đậu phộng rang thơm ngon. Vào giờ ra chơi, người bán thường mang kẹo đến, rao hàng với hai câu thơ hài hước như sau:
Có tiền mà để làm chi
Không mua kẹo Bắc Kỳ mà ăn!
Ngoài ra, cà rem cây cũng là món quà mới mẻ đối với hai cậu bé mới hồi cư. Đó là thỏi nước đá được cắm vào một cái que nhỏ, trong đó có pha trộn đậu xanh, sữa, nước cam…với nhiều màu sắc đẹp mắt, mùi vị ngọt ngào thơm tho…Người bán hàng ủ những cây cà rem vào một chiếc bình thủy lớn, đậy kín, để chúng không bị tan ra thành nước…
Một hôm, cậu bé Nghi đi học về, hí hửng khoe với mẹ:
- Mẹ ơi! Con mới được thằng bạn trong lớp mua cho một cây cà rem. Con cất vào túi để đem về cho Mẹ xem đây! Lạnh lắm Mẹ à!
Cậu bé cho tay vào túi quần tìm cây cà rem để đưa Mẹ xem. Nhưng cây cà rem nước đá đã biến mất, chỉ còn lại trong túi miếng giấy bọc ướt đẫm, khiến cậu tiếc rẻ ngẩn ngơ …
****
Việc chọn trường lớp cho Tân, bà Khang thấy không dễ dàng như hai em của cậu. Hai năm trước, Tân đã học qua năm thứ hai ở trường Cấp II Phù Mỹ. Giờ đây, nếu xin cho cậu vào học năm đầu tiên của một trường Trung Học ở Huế này, sẽ không đủ điều kiện. Lý do đơn giản là cậu đã không có bằng Tiểu Học, và chưa qua kỳ thi vào lớp Đệ Thất, năm đầu tiên của bậc Trung Học. Những khó khăn ấy đã khiến bà Khang phân vân suy tính. Người con trai trưởng của bà sắp bước vào tuổi mười sáu, đã quá muộn để vào học lớp Nhất bậc Tiểu Học…Bà đã đem những điều khó nghĩ của mình đến hỏi ý kiến bà Tham Châu. Người bạn cũ đã từng hiểu tâm sự, hoàn cảnh gia đình của bà, liền giải đáp ngay những khó khăn ấy:
- Cháu đã lớn và chăm học, chị cứ xin cho cháu vào lớp Đệ Thất đi! Chần chừ chỉ lãng phí thời gian thôi chị ạ!
Bà Tham Châu ngẫm nghỉ một lúc, rồi nói tiếp:
- Ở Huế ni có rất nhiều trường Trung Học, trường Công lẫn trường Tư. Em nghe nói bà vợ ông Hiệu Trưởng trường Nguyễn Tri Phương, ngày xưa là nữ sinh Đồng Khánh, cùng lớp tuổi với chị…Chắc là hai chị đã biết nhau. Nếu chị cần, em sẽ đưa chị đến gặp chị nớ. Em chắc ông Hiệu Trưởng sẽ thông cảm hoàn cảnh của chị, cho cháu vào trường ông ấy.
Quả nhiên, lời đề nghị của bà Châu đã có kết quả…Khi bà Khang đưa cậu con trai vào trường Trung Học Nguyễn Tri Phương gặp ông Hiệu Trưởng để xin vào lớp Đệ Thất, bà cam kết con bà đã học hết năm thứ hai ở một trường Cấp II trong vùng Kháng Chiến. Vị Hiệu Trưởng, với nét mặt hiền từ, nhìn cậu trai “cao như cây sậy” ấy, im lặng suy nghĩ. Rồi ông đưa tay sửa lại cặp kính cận dày cộm, quay sang bà Khang nói :
- Tôi chấp nhận cháu vào học lớp Đệ Thất của Trường. Tuy nhiên cháu phải cố gắng học cho kịp chương trình, kịp bạn bè trong lớp. Trường đã khai giảng hơn ba tháng rồi, nên chị phải nhờ người kèm thêm Anh văn cho cháu…
Bà Khang cám ơn ông Hiệu Trưởng đã nhiệt tâm giúp đỡ con bà. Tân cũng cúi chào thầy Hiệu Trưởng, theo mẹ đến Văn Phòng nhà trường làm thủ tục nhập học…
Những ngày đầu tiên vào lớp, đối với Tân là những ngày thật gay go để cậu theo kịp bạn bè . Tân về đến nhà, trình bày với Mẹ nỗi lo lắng, khổ tâm của mình trong giờ học tiếng Anh. Mẹ cậu im lặng suy nghĩ. Một hôm, bà Tham Châu đến thăm bà Khang. Sau khi nghe người bạn gái hỏi thăm việc gia đình và học hành của các con, bà Khang tâm sự:
- Tôi đã làm đơn xin đi dạy học, nhưng bên Công An chưa điều tra xong. Chắc là phải chờ đến niên khóa tới, tôi mới có thể đi làm…Còn việc học hành của hai cháu nhỏ thì đã xong. Tôi đã xin các cháu vào học trường Lý Thường Kiệt. Riêng cháu Tân, cháu đang lo lắng vì môn tiếng Anh quá mới mẻ, không biết nhờ ai chỉ vẽ thêm…
Bà Tham Châu cười nói:
- Ồ! tưởng chi khó khăn, chớ việc nớ cũng dễ! Để em bảo con Nga đến đây mỗi chiều Thứ Bảy chỉ vẽ thêm cho cháu Tân học tiếng Anh. Chị đừng lo…
Chiều thứ Bảy hôm ấy, nghe lời mẹ, Nga đạp xe đến nhà ông bà Khang. Cô gái vẫn mặc bộ đồng phục màu trắng của nữ sinh Đồng Khánh. Hôm nay, gương mặt cô có vẻ nghiêm trang hơn, có dáng vẻ của một cô giáo. Tân đón cô gia sư trẻ vào nhà, đem bài vở tiếng Anh vừa chép ở lớp, nhờ cô giảng giải thêm. Nga vẫn vui vẻ, tận tình chỉ vẽ cho Tân từng chữ, từng câu…. Nhưng hôm nay, cậu bỗng thấy một khoảng cách vô hình giữa hai người bạn, vốn thân thiết từ thuở nhỏ …
****
Sau lần chạy loạn cuối năm 1946, cô bé Nga theo gia đình lên tàu hỏa rời Sông Cầu, rời bỏ vùng Việt Minh, dinh tê về thành phố Huế. Cuộc đời cô từ đó trôi đi êm ả nhẹ nhàng,với cuộc sống an vui, với việc học hành thông suốt. Thỉnh thoảng, cô nghe người lớn bàn đến chiến tranh, đến những người rời bỏ vùng kháng chiến, hồi cư về thành phố. Những hình ảnh điêu tàn, đau thương, cùng khổ trong vùng Kháng Chiến, đối với cô thật xa lạ. Cô chỉ thấy những hình ảnh ấy nơi phim ảnh, khi theo Ba Mẹ đi xem Ciné vào mỗi cuối tuần…
Còn Tân, sau chuyến tàu hỏa cuối cùng rời Sông Cầu năm ấy, cậu đã cùng Mẹ và các em trở về quê cũ ở An Lương, rồi Hưng Lạc, Xuân Cảnh… thuộc vùng Kháng Chiến của Việt Minh. Từ đó, gia đình cậu bị lôi cuốn theo cơn lốc chiến tranh, chịu đựng bao gian khổ, đắng cay. Rồi cậu phải sớm từ giã học đường, trở về đồng ruộng cầm cày cầm cuốc, sống cuộc đời dốt nát, cơ cực…Và giờ đây, trở về với thế giới văn minh tân tiến, cậu mới thấy mình trở nên quê mùa lạc hậu…Cậu có cảm tưởng mình là chú Mán, sau bao năm sống cuộc đời hoang sơ trên miền rừng núi, nay về chốn thành thị, ngẩn ngơ với ánh sáng văn minh của phố phường!
Bà Khang, từ ngày hồi cư về Huế, sức khỏe không được tốt đẹp như bà mong ước. Không khí lạnh lẽo, ẩm thấp của vùng đất nhiều mưa gió này đã khiến bà bị ho liên miên. Những đêm mất ngủ, nằm nghe mưa rơi tí tách ngoài hiên, bà cảm thấy buồn rầu, chán nãn…
Vào đêm Giáng Sinh năm ấy, ông Khang rủ bà cùng đi dự tiệc ở nhà hàng. Đó là tiệc Réveillon hàng năm các bạn cùng Sở với ông thường tổ chức. Bà Khang nở nụ cười buồn, nói với ông:
- Mình cứ đi với các bạn cho vui! Tôi cảm thấy trong người không được khoẻ. Tôi cũng ngại đi đến những nơi sang trọng như thế, lỡ tay chân vụng về, đánh vỡ ly tách, chỉ gây xấu hổ cho mình thôi!
Đối với Tân, đêm ấy là đêm Giáng Sinh đầu tiên trong đời cậu. Trời se lạnh…Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế được trang hoàng đèn đuốc, sáng rực từ đỉnh tháp chuông đến mái Nhà Thờ. Chuông đổ từng hồi vang vang...
Tân bước ra hiên nhà, nhìn quang cảnh rực rỡ như đêm hoa đăng ấy. Cậu thấy Mẹ đang ngồi im lặng,lưng tựa vào ghế, mắt nhìn về phía Nhà Thờ. Ánh đèn rực rỡ chiếu vào khuôn mặt gầy ốm của Mẹ cậu. Bà ngồi đó, yên lặng thật lâu, đôi giòng nước mắt lấp lánh chảy dài xuống má…Tân bước lại gần Mẹ, nhẹ nhàng thưa:
- Mẹ nhớ quê nhà hay sao mẹ khóc vậy?
Bà Khang lau nước mắt, quay lại gượng cười với con trai:
- Mẹ nhớ ông bà các con lắm! Nhưng không phải vì thế mà mẹ khóc! Mẹ chỉ uất hận, đau buồn vì đã ở lại để sống những năm Kháng Chiến cùng khổ, đau thương…Mẹ hối tiếc đã để cho tuổi xuân của Cha Mẹ, tuổi thơ của các con trôi qua một cách uổng phí…Bây giờ về đây, Ba Mẹ vẫn trắng tay, các con học hành chậm trễ...
Tân ngồi xuống bên Mẹ. Cậu hiểu nỗi đau buồn của Mẹ. Cậu hiểu những giọt nước mắt của Mẹ, những giọt nước mắt đắng cay, tiếc nuối cho những tháng năm dài đã trôi đi… Xuân bất tái lai! Có bao giờ tuổi xuân quay trở lại?
Ngoài kia, chuông Nhà Thờ đổ dồn, vang vang trong không khí vắng lặng của đêm khuya Giáng Sinh.
Tam Bách Đinh Bá Tâm
No comments:
Post a Comment