Tuesday, August 2, 2022

MANG THEO QUÊ HƯƠNG

  __________________________________________

TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM

http://www.quocgiahanhchanh.com/tinh_mo.jpg


  Hơn hai thập niên trước, hàng đêm tôi thường thao thức lắng nghe chương trình “Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương” của nhạc sỹ Ngô Mạnh Thu trên đài phát thanh Little Sài gòn tại Orange County, miền Nam California. Tôi say mê với những bài dân ca của ba miền đất nước, câu ca dao tục ngữ, câu hát tiếng hò, phụ họa với tiếng đàn tranh, đàn bầu…nghe thật thấm thía nỗi nhung nhớ quê hương. 

Nó còn gợi lại trong tôi niềm tự hào về quê hương đất tổ, nơi mình đã sinh ra và lớn lên; cho đến khi phải ra đi, chọn một nơi xa tít bên kia nửa vòng trái đất làm quê hương thứ hai! Điều đáng mừng là một số lớn người Việt khi rời quê hương đất nước, dẫu đau lòng bỏ lại nhà cửa, mồ mả tổ tiên.., ra đi vẫn mang theo quê hương, mang theo “văn hóa lũy tre làng” với lối sống quần tụ bên nhau, đến miền đất mới định cư... 

Quê hương mà tôi muốn nói ở đây không phải “quê hương là chùm khế ngọt” mà một nhạc sĩ trong nước đã ca tụng. Cũng  không phải “Yêu Quê hương Tổ quốc là yêu XHCN”; và cũng không phải là lối sống bạc nghĩa bạc tình, chỉ biết tiền tài vật chất… của lớp người mới trong xã hội  Việt Nam hiện nay... Quê hương mà chúng tôi ra đi mang theo như một hành trang đáng quý trên đường tỵ nạn, chính là Văn Hoá, một thứ văn hóa thuần túy dân tộc, đã có trước ngày quê hương bị nhuộm đỏ bởi một chủ nghĩa ngoại lai!

Đã nhiều lần tôi muốn trao đổi với những người Mỹ bản xứ về quan điểm văn hóa dân tộc của họ. Thật ra, nguyên thủy họ cũng là những người di dân như chúng tôi, vì đa số đều là những con chim di thê, đã rời tổ ấm quê hương ở châu Âu, bay sang làm tổ nơi miền đất hứa Mỹ châu... Tôi muốn tìm hiểu trong mỗi gia đình của họ ngày nay, còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống mà họ mang theo khi sang lập nghiệp ở quê hương thứ hai này không?... May thay, điều thắc mắc của tôi đã được giải tỏa phần nào, bởi một dịp tình cờ... 

Hôm ấy tôi đang chăm sóc những luống hoa nhiều màu sắc mới trồng ở mảnh vườn trước nhà. Bỗng tôi nghe sau lưng có tiếng giày khua nhẹ trên lề đường và một giọng nói  trong trẻo:

-  Hello!

Tôi quay lại, tự động chào trước khi nhận ra đó là một cô gái Mỹ dong dỏng cao,  da trắng tóc vàng. Cô đang đẩy chiếc xe trẻ em, mái che kín mít, và đi bên cạnh là chú chó mập tròn, lông nâu óng mượt. Cô gái quan sát vườn hoa với vẻ thích thú:

-   Ồ!  hoa đẹp lắm! Ông tự trồng lấy hay thuê thợ trồng cho ông?    

-   Tôi và các con gái tôi trồng, thưa cô…Tôi trả lời với chút hãnh diện.

  Cô gái bước tới chìa tay làm quen với tôi:

-   Tôi tên Christa! Rất vui được gặp ông. Tên ông là gì?

Tháo chiếc bao tay làm vườn, tôi chìa tay nắm nhẹ bàn tay mềm mại của cô gái:

-   Hân hạnh được gặp Christa! Xin gọi tôi là Đinh.

Cô gái lập lại tên Việt nam của tôi, nhưng bằng giọng Mỹ: 

-  Dean? Có giống tên của Dean Martin không? Ông biết Dean Martin, ca sĩ nổi tiếng vào thời của ông chứ? 

Tôi tiếp lời cô gái cho vui câu chuyện, và tự thấy không cần phải đính chính về việc cô đọc sai tên của mình...

- Vâng, tôi còn biết ông ta đóng phim hài hước với Jerry Lewis vào thập niên 60’, Cô Christa à!   

Thấy tôi lùi lại trước con chó cưng to lớn của cô, cô gái kéo mạnh sợi dây da buộc cổ nó, nhẹ nhàng mắng:

  • Baby! Đứng im, chào ông đi nào!

Chú chó nhìn tôi, ánh mắt có vẻ thân thiện. Tôi rụt rè đưa tay vuốt đầu con thú cưng của cô chủ xinh đẹp:

           - Tên nó là Baby à? Tên dễ thương nhỉ ? Thế còn baby của cô nằm trong xe đẩy tên là gì, Christa ? See the source image

Cô gái ngước mắt  nhìn tôi, tỏ vẻ ngạc nhiên. Chợt cô hiểu ra,  chỉ vào xe và phá lên cười :

- Ồ ! Không phải đứa con (child) của tôi nằm trong đó đâu ! Ông xem này ...

           Cô gái cúi xuống chiếc xe đẩy, cẩn thận kéo mui và bế ra một chú mèo, lông đen trắng... Nàng vuốt ve chú mèo và âu yếm hôn lên đầu nó như một người mẹ đang nựng nịu đứa con cưng !                                           

Cô chủ tóc vàng đặt con  mèo cưng  của cô trở lại chiếc xe đẩy, giải thích thêm :   

- Tôi chưa có con vì còn ngại lập gia đình lắm... Đủ mọi thứ chi tiêu, kể cả tiền thuê người săn sóc em bé ; để tôi còn rảnh tay đi làm nữa chứ !...

Tôi im lặng, không dám có ý kiến. Việc lập gia đình, sinh con đẻ cái, vừa đi làm vừa nuôi con… là vấn đề được bàn cãi trong giới phụ nữ trẻ ngày nay. Điều tôi được biết   là người Tây phương thích nuôi thú cưng vì nó trung thành với chủ...

Con cái của họ, đến mười tám tuổi sẽ phải “thoát ly gia đình” để có  một cuộc sống  tự lập, mặc cho bố mẹ già sống cô quạnh với nhau, hay sống âm thầm trong nhà dưỡng lão ! Nếu đứa con nào chí hiếu lắm, thỉnh thoảng đến thăm ; hoặc tới  ngày sinh nhật gởi quà đến, kèm theo thiệp “ Happy Birthday” với câu giải thích lý do : bận công việc quá không thể đến thăm bố mẹ được...

 Những con thú cưng như chó, mèo..., trái lại,  sống với chủ suốt đời. Chúng không bao giờ nặng lời, hỗn láo, hoặc cãi vả với người đã nuôi dạy chúng. Chúng tỏ ra rất trung thành, thương yêu chủ và người chủ cũng yêu thương chúng hết lòng. Tôi đã từng đi qua một nghĩa địa chó mèo ở Huntington Beach, miền Nam California.. Và tôi đã thấy người đàn bà lớn tuổi, u buồn, lặng lẽ cắm những cành hoa trên những nấm mộ nhỏ xíu của một chú thú cưng nào đó đã lìa đời. Trong buổi hoàng hôn, buồn ảm đạm, ảm đạm như nỗi cô đơn và cô độc của người đàn bà đã đến tuổi bóng  xế của cuộc đời...

                                                               o0o                                            

Tôi đang miên man suy nghĩ, bỗng có tiếng khóc trẻ thơ từ cửa sổ trên lầu nhà tôi vọng xuống .   

Cô gái ngước nhìn lên, đôi mắt xanh lam mở to, long lanh trong ánh chiều tà:

  • Baby của ông khóc phải không ? 

Tôi  mỉm cười đáp : 

-  Vâng, đúng là baby khóc, nhưng không phải là con (child)... mà là cháu ngoại (grandchild) của tôi, vừa được hai tháng tuổi ...

Christa tò mò nhìn tôi hỏi :

-   Thế ông có bao nhiêu con và cháu, ông Dean ?

-   Tôi có bốn con, hai rể, một dâu và năm cháu ngoại. Cuối năm nay tôi sẽ có thêm một cháu nội nữa đấy !   

           Cô gái nhìn tôi thắc mắc :

           -   Thế tất cả con cháu của ông đều ở trong căn nhà hai tầng này sao ? Có mấy phòng ngủ tất cả,  ông Dean?  

Tôi suy nghĩa một chút rồi đáp :

- Nhà có 4 phòng ngủ ... Thật ra chỉ có 2 con và một dâu, cùng một cháu của chúng tôi ở chung trong nhà này thôi. Còn hai con gái hiện sống với chồng có nhà riêng nơi khác... 

Cô gái Mỹ nhìn tôi với đôi mắt chăm chú, tò mò lẫn ngạc nhiên. Tôi không hiểu cô gái Tây phương này có cảm thông được lối sống quần tụ của một đại gia đình đông con cháu theo kiểu “văn hóa lũy tre làng” của quê hương Việt Nam trước đây của tôi không ? 

  Tôi hỏi cô gái :

  • Nhà cô ở dãy nào trong khu này, Christa ? Chắc nhà cô cũng giống như nhà của tôi thôi!

 Cô gái quay lại chỉ khu chung cư (Apartment) bên kia bức tường :

-   Không, tôi không ở khu này! Tôi sống với bà ngoại tôi trong khu nhà thuê bên kia, ông Dean à! Mỗi chiều đi làm về, tôi rủ bà tôi cùng đi bộ trên những con đường yên tĩnh và đẹp đẽ bên này. Bà tôi yếu quá không đi được, nên tôi đi một mình với con Baby.

Tôi  tò mò  hỏi :

- Xin lỗi Christa, tôi muốn hỏi về bố mẹ và anh chị em của cô. Họ không cùng sống với cô và bà ngoại của cô sao ?

- Bố mẹ tôi và các anh chị tôi đều thuê nhà ở riêng. Tôi ở với bà ngoại ; chúng tôi thích khu nhà bên này lắm, nhưng không có tiền để mua ...

Tôi ngạc nhiên và  ái ngại nhìn cô gái. Một cô gái Mỹ xinh đẹp, sinh ra và lớn lên ở xứ sở này, lại có công ăn việc làm, có gia đình đông đủ... Thế mà niềm mơ ước được mua căn nhà như căn nhà của một người tỵ nạn mới sang Mỹ gần mười lăm năm ...vẫn chỉ là niềm ước mơ thôi sao ? Tôi thắc mắc trong lòng : vì sao có điều nghịch lý như vậy ?

Cô gái nhìn tôi giây lát như đắn đo điều gì, rồi nhẹ nhàng hỏi :

  • Ông đến đất Mỹ bao lâu rồi, ông Dean ?

  • Mười lăm năm, thưa cô Christa.

  • Chắc ông sang đây làm ăn phải không ?

             -   Không đâu, Christa ! Chúng tôi là những người  tỵ nạn chính trị , không phải là những doanh nhân VN giàu có, mang tiền đến Mỹ để làm ăn đâu !

Cô gái thắc mắc hỏi thêm :  

-  Thế thì bằng cách nào ông và gia đình đến xứ Mỹ nếu không có thân nhân bảo lãnh, ông Dean ?

          Tôi đắn đo một lúc, nhìn cô gái tóc vàng, do dự trước khi trả lời…Cô còn quá trẻ so với cuộc chiến đã xảy ra tại một xứ sở xa xôi như ở Việt Nam. Cuộc chiến ấy cũng đã chấm dứt từ lâu rồi ! Liệu cô có tin những điều tôi sẽ nói, đã xảy ra ở đất nước tôi trước đây, sau khi những người lính Mỹ, thế hệ cha anh của cô, đã rút về nước ? Họ đã để lại một Miền Nam Việt Nam nghèo đói ; để lại những chiến binh đồng minh da vàng bị tù đày, hành hạ ; đã để lại người dân dân bị đàn áp, bị tước đoạt tự do không ?

Nhưng tôi không thể im lặng trước ánh mắt tò mò, thắc mắc của cô gái Mỹ. Cô đang cố tìm hiểu về đời sống của một gia đình tỵ nạn chính trị  như  chúng tôi.

Tôi cố giải thích:

-Như cô đã đọc sách báo, sau khi Saigon thất thủ, phe Miền Nam chúng tôi thua cuộc. Những người Cộng Sản thắng trận đã bắt các sỹ quan chúng tôi nhốt vào các trại tù nơi rừng thiêng nước độc ! Họ muốn tiêu diệt chúng tôi một cách nhẹ nhàng và ít tốn kém bằng cách cho ăn thật ít và bắt làm việc thật nhiều ! Đã có rất nhiều người đã bỏ mạng nơi những trại tù đó ! May mắn thay, chúng tôi được cứu giúp bởi chính phủ và người dân Mỹ  quảng đại. Họ đã mở một chương trình đón nhận những người còn sống sót từ những trại tù CS, cùng với vợ con sang định cư nơi xứ sở Tự do này. Từ đó chúng tôi cố gắng làm việc, con cái học hành ngày đêm để xây dựng lại cuộc sống mới trên quê hương thứ hai này…  


Trời đã về chiều. Ánh nắng nhạt dần trên những hàng cây trỗ hoa Magnolia trước nhà. Tôi im lặng vì không muốn gợi lại quá khứ đau thương của mình  cho cô gái trẻ tóc vàng này ! Cô  mỉm cười chào tạm biệt, ánh mắt như còn vương chút luyến tiếc :

- Bye-bye, ông Dean ! Hy vọng chiều mai gặp ông nơi này, nếu ông thích vừa làm vườn vừa nói chuyện về quá khứ của ông...

                                                                o0o

Gần mười năm trước, tôi làm việc ở Văn phòng một Tổ chức Bất Vụ Lợi (Non-Profit Organizations), trong đó có những dịch vụ như : giúp đỡ người Việt tỵ nạn mới sang định cư tại đất Mỹ, dạy tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại đất Mỹ... Điều thích thú nhất đối với tôi là mỗi buổi chiều, nhìn thấy những em học sinh nhỏ bước vào lớp học, khoanh tay cúi đầu chào cô giáo, cố gắng nói những câu tiếng Việt trọ trẹ, nhưng không pha lẫn tiếng Anh - ngôn ngữ quen thuộc của các em...Các em thật ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành.

Một hôm bà Giám đốc đi họp về, kể lại cuộc đối thoại với một bà người Mỹ, khi họ  cùng tham dự một cuộc họp đông đảo các sắc dân thiểu số...Trong lúc nghỉ giải lao, bà người Mỹ hỏi bà Giám đốc gốc Việt nam:

- Thưa bà, tôi ngạc nhiên và thán phục về những người Việt đang sống trong thành phố chúng ta.  Họ  định cư nơi đây chưa lâu lắm, nhưng con cái họ phần nhiều học hành thành đạt, mua sắm nhà cửa, xe cộ đời mới...Họ có bí quyết gì trong cuộc sống vậy ?

Bà Giám Đốc người Việt mỉm cười đáp :

- Chẳng có bí quyết gì đặc biệt cả, thưa bà. Những người Việt tỵ nạn chúng tôi đã đem văn hóa của quê hương mình đến nước Mỹ và đã  đưa nó vào nếp sống tại xứ sở đa văn hóa này. Đó là văn hóa cổ truyền và thuần túy Việt nam. Theo đó mọi người sống quần tụ với nhau. Người trẻ đi làm nuôi người già, người già lo việc nhà, săn sóc con cái của đám trẻ... Họ cùng sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một mâm, trên đó có một nồi cơm chung, những dĩa thức ăn chung, và cùng giải trí bằng một TV chung trong phòng khách...Khi con họ có baby, chúng không phải tốn tiền thuê  baby- sitter . Cha mẹ già không phải sống âm thầm trong Nursing Home,  nhưng ở với con cái để bồng bế, trông nom cháu...! Cuối tuần, cả gia đình đưa  nhau đi  dạo phố  Bolsa, gặp đồng hương trong khu Phước Lộc Thọ, khoản đãi nhau tô phở, bát mì... 

Người đàn bà Mỹ bản xứ thắc mắc : 

- Nhưng vì sao họ sống tìết kiệm khắc khổ như vậy ? Họ không có lấy ngày nghỉ, không đi du lịch xa với gia đình hay sao ? 

Bà Giám Đốc người Việt giải thích :

- Chắc bà cũng biết : những người tỵ nạn chúng tôi đã trải qua muôn ngàn khó khăn, khổ đau...trước khi đến đất nước này. Cái quá khứ đắng cay, kinh hãi ấy vẫn luôn ám ảnh chúng tôi. Chúng tôi thường khuyên nhủ con cái  phải cố gắng học hành, cố gắng làm việc, cố gắng tiết kiệm để vượt thoát cái quá khứ đáng sợ ấy !  Và kết quả của những cố gắng hy sinh đã đem lại sự vẻ vang cho cộng đồng tỵ nạn chúng tôi, như bà thấy đó !

            oOo

Tôi muốn đem câu chuyện này kể lại cho cô gái tóc vàng da trắng Christa. Tôi chờ có dịp, khi cô dẫn con chó cưng Baby đi bách bộ qua nhà tôi vào chiều mai, như cô đã hứa. Nhưng liệu cô  có thể  và có muốn  đưa văn hóa  của người Việt  - lối sống đoàn kết, nương tựa nhau... vào đại gia đình Mỹ của cô chăng ? 

Tôi nhớ câu nói bất hủ của nhà bác học Albert Einstein : “Đánh vỡ một nguyên tử thì dễ, nhưng đánh đổ một thành kiến thật khó !”  Cô gái Christa này, đã sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa Tây phương.Cô đã quen với lối sống  cá nhân  thích độc lập, tự chủ, không muốn lệ thuộc bất cứ ai, kể cả cha mẹ, con cái.... Liệu cô có dễ dàng cảm thông và chấp nhận nếp sống như chúng tôi được không ?

Ngày hôm sau, vào buổi chiều, tôi vừa làm vườn, vừa chờ cô bạn Mỹ mới quen  để “nói chuyện quá khứ” như đã hứa...nhưng cô gái đã không đến ! 

Hàng ngày, sáng sớm hoặc chiều tối, có những người đi bộ trên con đường nhỏ trước nhà tôi. Họ là những “vận động viên thể dục tài tử” gồm nhiều màu da, màu tóc khác nhau. Họ đi bộ hoặc chạy bộ hàng ngày một cách cần mẫn và nghiêm túc. Thỉnh thoảng họ trông thấy tôi,  mỉm cười, hoặc đưa tay chào với một câu xã giao ngắn gọn “Hi ”. Rồi họ lại hối hả tiếp tục những thao tác thể dục của mình… 

Nhưng đã lâu, thật lâu, tôi không thấy cô gái tóc vàng,  mắt xanh đi qua nhà tôi và dừng lại trao đổi vài câu chuyện phiếm nữa…Tôi nghĩ, có lẽ cô gái đã dọn nhà đi nơi khác, hoặc cô không còn thích “con đường yên tĩnh và đẹp đẽ ” nơi khu tôi đang ở, nên cô thay đổi lộ trình đi bách bộ cùng với hai con thú cưng của cô chăng ? 

        o0o


 Thời gian trôi qua rất nhanh, nhất là tại xứ sở thanh bình này. Đã hai năm rồi, tôi vẫn chưa có dịp gặp lại cô gái Mỹ tóc vàng để kể lại những mẩu chuyện về văn hóa Việt nam mà chúng tôi đã mang đến quê hương thứ hai này. 

Một hôm, có người bạn cũ từ tiểu bang Virginia sang thăm bà con ở đây, nhân tiện ghé thăm tôi và cùng tôi đi ăn trưa. Chúng tôi đến một tiệm ăn do người Việt làm chủ, ở vùng Little Sàigòn. Chủ tiệm là người Bắc di cư vào Sài gòn năm 1954 và lại di cư lần nữa sang vùng Nam Cali đúng 21 năm sau. 

Đặc điểm của quán là cách trang trí cũng như món ăn có nhiều tính chất đặc thù Việt nam. Trên tường, một bức tranh sơn mài in hình cô gái mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, đang ngồi ru con trên chiếc võng dây gai . Một bức tranh khác in hình chùa Một Cột đứng cô đơn trên mặt nước Hồ Tây phẳng lặng…Cạnh đó, những nhạc cụ cổ truyền Việt nam như đàn tranh, đàn bầu…được treo  trên tường một cách rất mỹ thuật. 

Một đặc điểm nữa là thực khách đến đây phần nhiều là cả một gia đình đông đảo ; hoặc một nhóm bạn học ở Việt Nam  năm xưa…Nơi đây, cái không khí “văn hóa lũy tre làng” được những người Việt mang từ miền Bắc vào Nam, rồi mang sang đây. Nó vẫn còn bàng bạc trong ngôn ngữ, trong lối nói chuyện, trong cách gọi những món ăn  đặc biệt địa phương Miền Bắc.

Trong lúc bạn tôi chọn món ăn trên bảng thực đơn, tôi đưa mắt nhìn khắp một lượt trong quán. Bỗng tôi nhận thấy, nổi bật trong đám thực khách của nhà hàng với những mái tóc đen, nâu , muối tiêu, bạc trắng…là một mái tóc vàng. Chủ của nó, một cô gái da trắng đang chuyện với một người đàn ông Á châu trẻ tuổi ngồi đối diện. Cô gái quay mặt về phía tôi đang ngồi . Đột nhiên tôi thoáng thấy một nét quen thuộc trong đôi mắt xanh lam của nàng. Cô gái cũng nhận ra tôi nên đưa tay chào và nở một nụ cười vui mừng lẫn ngạc nhiên.

Tôi kéo ghế đứng dậy nói với bạn :

- Ông ngồi chờ tôi tí nhé. Tôi đến gặp người quen, trao đổi vài câu chuyện rồi sẽ trở lại ngay…

Tôi bước đến cạnh bàn cô gái, dè dặt hỏi :

  • Xin lỗi, trông cô quen quá ! Có phải cô là …Christa ?   

Cô gái tóc vàng mỉm cười trước vẻ ngập ngừng của tôi :

  • Vâng, tôi là Christa…Rất vui được gặp lại ông, ông Dean !

Cô gái quay sang chỉ với người thanh niên Á châu ngồi cùng bàn, giới thiệu :

  • Đây là Son, chồng tôi. 

Rồi cô gái nói tiếp với chồng :

- Cưng ạ ! Ông Dean đây là bạn láng giềng của em hai năm trước. Ông ta có một ngôi nhà mới và một gia đình đông đảo hạnh phúc lắm .

Người thanh niên Á châu cao lớn, mập mạp như một người Đại hàn. Anh ta  chào tôi bằng tiếng Việt:

- Dạ !Chào bác Dean ! Cháu có nghe vợ cháu nói về bác. Chúng cháu lấy nhau cách đây hai năm.  Sau đó cô ấy về ở với gia đình cháu. Vợ cháu đã để lại cả chó lẫn mèo cho bà nội - hình như ở gần nhà bác đó, phải không thưa bác ?

Tôi bắt tay người chồng, rồi quay sang hỏi cô vợ tóc vàng :

  • Sống xa con chó Baby chắc cô nhớ lắm, phải không Christa ?

Cô gái bỗng im lặng cúi đầu, gương mặt buồn thiu. Cô ngẩng lên nhìn tôi với  đôi mắt xanh đẫm lệ, giọng thật buồn :

  • Con Baby đáng thương của tôi chết rồi ông ạ !  

Tôi bỗng thầm nghĩ, với ý nghĩ thật thông thường của một người Việt. Chuyện  ‘‘ chó chết ” có gì quan trọng lắm đâu mà cô bé lại xúc động  đến rơi lệ như thế ?  

Tuy nhiên tôi vẫn hỏi nàng với giọng nghiêm trang:

-  Xin thành thật chia buồn với cô, Christa !  Nhưng vì sao con Baby đáng thương đã  qua đời  như thế ?

Giọng cô gái tóc vàng vẫn còn đẫm nước mắt :

-  Xin cám ơn ông Dean ! Nó chết vì quá già ông ạ ! Tội nghiệp nó quá ! 

Tôi quay sang nhìn chiếc xe đẩy trẻ con, che mui kín, hỏi cô gái :

  • Thế con mèo bé nhỏ dễ thương của cô nằm trong này vẫn khoẻ đấy chứ ?

 Khuôn mặt u buồn của nàng bỗng nhiên vui tươi trở lại.  Đôi mắt xanh của cô mở to, miệng cười  thật tươi, đáp lời tôi : 

- Ồ ! con mèo đó tôi đã để lại cho Bà tôi nuôi trước khi tôi lấy chồng. Nhưng baby của tôi còn đẹp hơn con mèo nữa đấy!  

Vừa nói, cô vừa cúi xuống chiếc xe đẩy. Cô  kéo chiếc mui che, để lộ khuôn mặt một cậu bé lai trắng trẻo, tóc đen nhạt màu, trông thật bụ bẫm. Chú bé say sưa ngủ, đôi môi hồng đang ngậm chiếc vú giả bé tí.  Đôi mắt chú bé nhắm nghiền, nên tôi không thể biết có cùng màu xanh lam như mắt mẹ cháu không ?

Tôi sực nhớ tên người chồng Việt của cô, nói đùa bằng tiếng Anh bằng cách “chơi chữ”:

- Chúc mừng cô, Christa. Thế là Cô có hai con trai đấy !

Giống như trường hợp nói đùa của tôi hai năm trước về con chó Baby của nàng, cô gái Mỹ ngạc nhiên nhìn tôi tỏ ý không hiểu. Người chồng Việt mỉm cười, nói với tôi bằng tiếng Việt :

- Tên cháu là Sơn, mà cô ấy cứ gọi là Son! Cháu cứ tưởng cô ấy đùa, xem cháu như con trai cô ấy !

Người nhà hàng mang đến bàn họ một mâm thức ăn nghi ngút khói, thơm  phức mùi cá nướng, mùi mỡ hành... Đó là Món Chả Cá Thăng Long, đặc sản của Nhà hàng tôi vốn rất thích ! Tôi nhìn thấy trên bàn đã bày sẵn đồ gia phụ : rau sống, bún, đậu phộng rang, bánh tráng mè đã nướng chín, hai dĩa  nhỏ đựng mắm tôm và một dĩa chanh ớt…

Tôi  chào từ giã đôi vợ chồng hạnh phúc này, thầm cảm phục người chồng Việt đã chinh phục cô vợ Mỹ bằng món ăn  thuần túy Việt nam .

Khi tôi trở lại bàn cũ,  người bạn nhìn tôi ánh mắt tò mò :

  • Ông quen cô Mỹ nào xinh đẹp thế ?  

Tôi trả lời lơ lửng :  

- À ! Đó là người chủ nợ cũ của tôi hai năm về trước. Cho đến nay tôi vẫn chưa trả xong món nợ ấy nữa… 

Người bạn nối khố từ hồi còn đi học ở Sài gòn, nhìn tôi nói đùa:

-  Ông mà cũng mắc nợ kia à ? Nợ gì thế, nợ tiền hay nợ tình? 

Tôi bóng bẩy giải thích :

-   Đó là món nợ văn hóa dân tộc. Hai năm trước đây, tôi  định  trình bày với cô ta về “văn hóa lũy tre làng” của người Việt nam... Nhưng tôi chưa có dịp gặp lại, cô ấy đã đi lấy chồng. Bây giờ người chồng Việt  đã trả nợ thay cho tôi!

                   

oOo 

Tôi nhìn sang bàn của đôi vợ chồng Việt Mỹ đang vui vẻ ăn uống. Cạnh đó, đứa con trai của họ đang ngủ li bì trong nôi , mặc cho tiếng cười nói lao xao của những thực khách chung quanh. Tôi muốn gửi đến cô vợ lời Chúc mừng Hạnh phúc! Bởi cô gái Mỹ này đã tìm được niềm sung sướng trong cuộc sống mới, thích ứng với một nền văn hóa xa lạ nhưng hấp dẫn đời cô. Cô đã thực hiện niềm mơ ước giản đơn của mình : có một căn nhà, một gia đình và một đứa con kháu khỉnh. Niềm sung sướng của cô khiến tôi nhớ lại những lời ca ngọt ngào trong bài Ngày Hạnh Phúc của nhạc sĩ Lam Phương :

Từ khi sánh vai nên đôi bạn hiền 

Đêm về nghe con khóc vui triền miên 

Lời ru trong đêm vắng với tình thương chứa chan 

Còn mong ước gì vì ta vẫn bên nhau  

Tam Bách Đinh Bá Tâm


                                           

 

    



No comments: