Sunday, August 21, 2022

CUỐI TRỜI THÊNH THANG

*************************************************** 

TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM

C:\Users\Tam Dinh\Pictures\CHiến sĩ trận tiềnt.jpg                                           

Từ ngày về hưu, tôi không còn bị chứng mất ngủ hành hạ như khi còn đi làm. Bởi những lo âu về công việc không còn theo tôi về nhà quấy rầy giấc ngủ. Nhưng đêm nay, đã khuya mà giấc ngủ không đến, tôi đành nằm nghe nhạc!  Tiếng hát của cô ca sĩ nổi danh một thời vẫn nức nở trong đêm với bản “Cho Một Người Vừa Nằm Xuống”:

….Anh nằm xuống, như một lần vào viễn du/Đứa con xưa đã tìm về nhà / Đất hoang vu khép lại hẹn hò / Người thành phố, trong một ngày, đã nhắc tên / Những sớm mai, lửa đạn những máu xương chập chùng / Xin cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang!.....

Tôi chợt hiểu vì sao đêm nay tôi không chợp mắt ? Bởi tôi vẫn còn bị xúc động bởi hình ảnh anh D., sau lần thăm anh trưa nay trong phòng ICU của một bệnh viện gần đường Beach, Westminster. Người bạn thân của chúng tôi nằm bất động, mồm ngậm ống trợ thở, cánh tay bầm tím, sưng vù bởi những dây truyền dịch chằng chịt quấn quanh. Chúng tôi đứng quanh giường người bệnh, xót xa nhìn vóc dáng gầy gò, đôi mắt nhắm nghiền, khuôn mặt trắng bệch, mất cả sinh khí. 

Năm ngoái, chúng tôi đã vào thăm anh trong nhà điều dưỡng ở Westminster, Miền Nam California. Lúc ấy anh được cho biết đã bị chứng ung thư. Trông anh gầy ốm, đầu rụng hết tóc, nét mặt u buồn. Anh  tâm sự với chúng tôi: “ Lúc trẻ tôi từng theo đơn vị Biệt Kích hành quân trong rừng sâu. Giá mà lúc ấy có một viên đạn kết liễu đời tôi, cái chết đến nhanh chóng, có ý nghĩa hơn nằm chết trên giường bệnh lúc già yếu, cô đơn lúc này!” Vậy mà nay anh nằm đó, chống chọi với cơn đau đớn của căn bệnh trầm kha… Cho đến ngày “thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang…”!     

****

Quê anh D. ở Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau năm 1945, Nghệ An thuộc quyền kiểm soát của Việt Minh. Bố anh- nguyên  là một công chức thời Pháp thuộc, có tư tưởng bất phục chế độ Cộng sản. Ông từng bị vợ tố cáo tư tưởng “phản động” nên bị bắt. Sau đó b ị toà án Việt Minh kết án tử hình. Sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, với lằn ranh là Vĩ tuyến 17 (khu vực sông Bến Hải), gần một triệu đồng bào Miền Bắc xuống tàu ở Hải Phòng di cư vào Nam. Gia đình anh D. thuộc vùng Việt Minh kiểm soát, nên người dân bị khống chế không được tự do di cư theo hiệp định Genève quy định. Bị mẹ cấm cản, nhưng anh D- người con trai mới 10 tuổi của bà đã trốn theo những người đi tìm Tự Do, bơi qua sông Bến Hải. Sau đó theo đoàn người di cư vào Sài Gòn để tái tạo cuộc sống mới.  Và vì không bà con thân thích, nên anh đã làm đủ nghề tay chân vất vả - kể cả phụ thợ rèn, rửa chén bát trong nhà h àng, chỉ cốt có tiền mua sách vở để theo học Trung học Đệ nhất cấp. 

Khoảng bảy năm sau, vì chưa tới tuổi nhập ngũ Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, nên anh D. ghi danh vào lính Biệt Kích Mỹ. Anh theo đơn vị hành quân trong những vùng rừng rậm nơi biên giới, với những nhiệm vụ thật cam go, nguy hiểm. Vài năm sau, khi đã dành dụm được một số tiền đủ trang trải việc học hành, anh D. xin giải ngũ, trở lại ghế nhà trường để học tiếp Ban Tú Tài. Sau đó anh theo học trường Luật Sài gòn. Tại đây, anh được giáo sư Nguyễn Văn Bông thương mến, giúp đỡ trên đường học vấn.

Thời Đệ Nhị Cộng Hoà, Giáo sư Nguyễn Văn Bông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh. Lúc bấy giờ, Học viện QGHC mở cuộc thi tuyển ban Cao học. Anh D. - sau khi đậu Cử nhân Luật khoa, đã nộp đơn ứng thí và đậu vào ban Cao học QGHC. Sau đó anh bắt đầu con đường hoạn lộ với chức vụ Phó quận trưởng một quận gần thủ đô Sài gòn.

Đến tháng Tư năm 1975, theo dòng người Việt yêu chuộng Tự Do, anh D, cũng tìm cách trốn chạy Cộng sản, Tuy nhiên Anh chưa biết đi bằng cách nào thì một sự kiện bất ngờ, hy hữu đã xảy đến. Vào một buổi chiều đầu tháng Tư, một người đàn ông đến hỏi họ tên anh và trao cho anh một phong thư dán kín. Xong, người ấy bỏ đi, để lại mối băn khoăn, thắc mắc cho anh. Khi đọc nội dung bức thư, anh vô cùng xúc động…  

Trong thư, người viết tự giới thiệu là Trần Chánh Thành, cùng quê Diễn Châu, tỉnh Nghệ An với bố anh D.  Ông Thành cho biết một bí mật mà đến nay ông mới tiết lộ. Khoảng hai mươi lăm năm trước, khi ông Thành ngồi ghế chánh án trong một phiên toà của Việt Minh, bố của anh D. bị kết án tử hình. Về sau, biết bố anh D. bị hàm oan nên ông Thành mang trong lòng một mối ân hận khôn nguôi. Sau khi từ bỏ Việt Minh, dinh tê về vùng Quốc Gia, được giữ những chức vụ cao, ông Thành vẫn không từ bỏ ý định tìm kiếm anh D. để giúp đỡ. 

Theo ông Thành viết trong thư, với tình hình chiến sự lúc bấy giờ, Miền Nam sẽ sớm bị mất vào tay Cộng sản. Ông cho biết có quen một chủ tàu biển sắp đưa gia đình và người thân đi vượt biên. Ông khuyên anh D nên sớm rời khỏi Việt Nam, bằng cách cầm lá thư giới thiệu đến trao cho người có ghi tên và địa chỉ trong thư. Họ sẽ thay mặt ông Thành, đưa anh D. đến nơi an toàn ở một xứ sở Tự do, thoát khỏi ách Cộng sản mà anh đã từng chịu đựng …

****

Từ ngày được chủ tàu cho tháp tùng cuộc vượt biển thành công, anh D. cố gắng vừa đi làm, vừa đi học. Một thời gian sau đó, anh xin được một công việc làm khá tốt, với lương bổng cao trong Cơ quan Gia Cư Anaheim (Housing Authority of Anaheim). Sau đó anh lập gia đình với con gái một người bạn cùng sở.  Về vật chất, anh đã là một công chức thành phố, có mức sống cao, một căn nhà rộng rãi khang trang. Tuy nhiên, về tinh thần, anh rất cô đơn, buồn bã. Vợ anh, một bác sĩ trẻ, sau bao năm chung sống, đã xin ly dị và đem các con đi khỏi nhà.   Anh sống thui thủi một mình trong căn hộ rộng rãi thênh thang. Quanh nhà, um tùm một khu vườn với nhiều cây cối - những  kỳ hoa dị thảo hiếm có, nhưng héo úa vì thiếu người chăm sóc.

Vào một chiều cuối thu, khoảng ba năm trước ngày anh D. nằm bệnh viện, chúng tôi đến thăm anh. Vị trí căn nhà màu gạch của anh tại một góc đường ở Anaheim thì dễ tìm, nhưng lối vào nhà thì tìm kiếm khó khăn, bởi cây lá phủ kín. Chúng tôi phải gọi điện thoại để gia chủ ra đón. Được bạn đến thăm, anh rất vui. Chủ nhà thết đãi bạn quý bằng một buồng chuối lạ - có vị chua nhưng mùi rất thơm ngon. Trong vườn, những con thỏ tự do nhảy nhót trong đám cây cỏ rậm rạp nhưng khô cằn. 

Chúng tôi theo chủ nhân vào căn nhà có quá nhiều đồ đạc, độc nhất chỉ một người trú ngụ. Khi đi qua nhà bếp, tôi thấy ngổn ngang chén bát nằm chồng chất trong bồn rửa. Tôi nghĩ, có lẽ anh  chờ người làm thuê đến dọn dẹp cuối tuần chăng? Chỗ anh nằm hơi tối,  bởi vô số sách báo đủ loại bao quanh. Anh chỉ cho chúng tôi một tập hồ sơ trên bàn, cạnh chiếc giường nhỏ hẹp của anh và tâm sự  : 

- Sức khoẻ tôi đã yếu lắm, bởi tôi có nhiều thứ bệnh - kể cả lần tai biến mạch máu não vừa qua. Nếu tôi chết bất ngờ, sẽ có người của công ty đến mở tập hồ sơ ra, lo hậu sự cho tôi.   Tôi nghĩ, chuẩn bị cho cái chết như thế cho gọn gàng, không đem phiền toái   đến cho ai…

Lúc ra về, tôi nhìn anh đứng sau vòm cây xơ xác trông theo mà nhớ đến câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài Thăng Long Thành Hoài Cổ: 

Cảnh ấy người đây luống đoạn trường”

Sau lần đến thăm viếng tại nhà, chúng tôi còn đến bệnh viện thăm anh một lần nữa. Điều anh nói với chúng tôi về việc “chuẩn bị cái chết” chưa xảy ra. Bởi với cơn tai biến mạch máu lần thứ hai này,  anh vẫn còn sáng suốt gọi 911 để được cứu cấp. Bây giờ đây anh đang nằm trong phòng ICU của một bệnh viện, kiên nhẫn chờ tử thần đến đón. 

Cuộc đời anh D là một chuỗi ngày đau buồn. Anh đã cố gắng vượt qua và đã thành công. Nhưng đến cuối đời, anh bị bệnh ung thư, nằm chờ chết tại một bệnh viện tân tiến nơi xứ sở văn minh này. Anh nằm đó đã bao năm qua, chống chọi với đau đớn, với tử thần đang đợi chờ đưa anh qua bên kia thế giới.  Anh nằm đó, nhớ đến những ngày chiến đấu chống kẻ thù đã tàn hại đất nước anh, làm tan nát gia đình anh.

Đêm nay, nằm nghe tiếng hát Khánh Ly khiến tôi nhớ đến cái chết anh dũng của Đại tá Lưu Kim Cương vào tháng 2 năm 1968.  Đó là thời gian Ông chỉ huy một đơn vị bảo vệ vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất. Tuy đã đẩy lui được cánh quân VC tại khu nghĩa trang gần ngã tư Bảy Hiền, nhưng bị một quả đạn B40 khiến Ông tử thương…Cái chết của vị Tư lệnh Không đoàn 33 Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thật đáng hãnh diện. Ông đã chiến đấu cho phi trường Tân Sơn Nhất được tồn tại; đã chết để bạn bè và chiến sĩ các cấp trong phi trường được sống còn. Để rồi 


See the source image



              



khi nằm xuống, dẫu vĩnh viễn chia cách bạn bè,  dẫu không còn trông thấy vùng trời cao rộng ông đã  bay qua…nhưng có lẽ ông cũng ngậm cười khi “thấy  bóng thiên đường cuối trời thênh thang”.  Cũng như niềm mơ ước của anh bạn D. của tôi, Đại tá Lưu Kim Cương đã đạt được niềm tự hào của một quân nhân vậy

  Trong đêm thanh vắng, tiếng hát trầm buồn, tha thiết của Khánh Ly vẳng bên tai tôi.   Tiếng hát như nhắc nhớ đến biết bao chiến sĩ can trường đã nằm lại nơi chiến trận trong suốt bao năm chiến đấu chống quân thù xâm lấn Miền Nam:  

    …Bạn bè còn đó anh biết không anh?/ Người tình còn đó anh nhớ không anh? Vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên/ Khi bóng anh như cánh chim chìm xuống./ Vùng trời nào đó anh đã bay qua?/ Chỉ còn lại đây những sáng bao la /Người tình rồi quên, bạn bè rồi xa /Ôi tháng năm, những dấu chân người cũng bụi mờ


                                                                                  Tam Bách Đinh Bá Tâm  

 


 


No comments: