TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM
Mỗi lần lái xe qua nghĩa trang thành phố, tôi chạy chậm lại, nhìn vào nơi an nghỉ của bạn đồng môn P. Anh nằm đó, đã hơn mười mùa thu qua! Buổi sáng hôm nay bầu trời vùng nắng ấm Nam California đột nhiên se lạnh và u buồn. Mùa thu đã đến, cũng bất chợt như ngày Anh ra đi về miền miên viễn. Khu nghĩa trang xào xạt lá úa khi gió thu chuyển mình. Lá vàng từng cánh rơi xuống nền cỏ xanh đến mát mắt của vùng đất nghĩa trang. Những tấm bia nhỏ ẩn mình sát mặt đất, ghi vỏn vẹn tên họ, ngày sinh, ngày mất của người quá vãng… Mặt trời vẫn mọc, hoa vẫn nở, chim vẫn líu lo trên cành. Anh vẫn nằm đó, trong nghĩa trang lạnh lẽo, mãi mãi với giấc ngủ thiên thu.
* * *
Cũng vào buổi sáng mùa thu ảm đạm như hôm nay, các bạn đồng môn, bà con, thân hữu… đã đến khu nghĩa trang này, thật đông, thật lặng lẽ để tiễn Anh ra đi lần cuối. Những vòng hoa phúng điếu đặt san sát trong nhà quàn rộng lớn, kéo dài mãi theo con đường nhỏ trong nghĩa trang, đến tận nơi an nghỉ của Anh. Những vòng hoa tươi đẹp, những đoàn người đến tiễn đưa đông đảo…là biểu hiện niềm thương mến đối với Anh - người đã sống với tất cả nhiệt tình với gia đình, với bà con, bè bạn…Đoàn người nối tiếp, lặng lẽ đến viếng Anh lần cuối. Nhìn khuôn mặt thân quen, dễ mến, bình thản trong chiếc quan tài bọc vải trắng mịn, bao quanh với những đóa hồng bạch, tôi thật sự xúc động.
Trong không khí trầm lắng, giữa những lời phát biểu chân tình đầy xúc cảm của bà con, bạn bè, đồng môn, đồng liêu…bất chợt vang lên tiếng khóc thảng thốt, nức nở của cô gái đầu lòng của Anh. Đó là cô con gái mà thời ấu thơ đã thiếu vắng tình phụ tử, khi người Bố thân yêu nằm trong nhà tù “cải tạo” của CS. Và khi gia đình đã đoàn tụ ở Mỹ, cô bé đã phải vắng nhà trong một thời gian khá dài để theo học ngành Y khoa tại một trường Đại học miền Đông Hoa kỳ. Oái oăm thay, sắp đến ngày cô tốt nghiệp ra trường, người Bố mến yêu đã không còn nữa! Cô Bác sỹ Y khoa trẻ tuổi đã không về kịp để gặp mặt Bố lần cuối. Để nhìn lại nụ cười hiền hòa của Bố. Để được Bố tập hát những bài ca tiếng Việt mới được Bố sáng tác. Để được gợi nhớ những kỷ niệm thuở ấu thơ ở một quê hương xa xăm, mà nay chỉ còn lại trong ký ức mờ nhạt của cô! Tiếng khóc nức nở của người con gái hiếu thảo như xé lòng khách tham dự tang lễ trong nhà quàn. Tựa như tiếng kêu ai oán bay vút lên cao, đến mãi cõi trời xanh, nơi đó chắc hẳn người cha thân yêu của cô đang mỉm cười trong giấc ngủ thiên thu!
Cũng buổi trưa hôm ấy, khi mọi người đã tề tựu quanh nơi an táng Anh, một nhóm thân hữu văn nghệ đã lần lượt hát lên những ca khúc cuối cùng của Anh vừa sáng tác - đã hoàn tất hay còn dang dở - trước khi nhắm mắt từ giã cõi đời. Trong khi tiếng hát thiết tha cất lên, hòa nhịp với tiếng Tây Ban Cầm trầm bổng, quan tài từ từ hạ xuống huyệt sâu, mãi mãi chôn chặt tấm hình hài của Anh. Sinh thời, Anh là một nhạc sĩ tài tử, đã có một thời năng nổ hăng say sáng tác. Với cây đàn guitar thùng, với chiếc áo da phong trần rất nghệ sĩ, anh thường xuất hiện trong những buổi văn nghệ do bạn bè, hội ái hữu đồng môn tổ chức. Anh sáng tác khá nhiều, và thường khuyến khích bạn bè gởi những bài thơ đến để Anh phổ nhạc…
Buổi sáng trước khi cử hành lễ an táng Anh, tôi và các bạn đồng môn đến sớm để phụ việc tang lễ. Khi bước vô nhà quàn, tôi bỗng thấy nhiều người đang chăm chú nhìn lên cánh cửa, nơi được trang trọng gắn một tờ giấy, trên ấy ghi chép bản nhạc của anh sáng tác còn dang dở …
* * *
Anh P. đã ra đi về bên kia thế giới thật bất ngờ. Cũng bất ngờ như mười năm trước Anh đã đón tiếp gia đình tôi tại phi trường John Wayne, Orange County. Buổi trưa hôm ấy, khi xe chở gia đình tôi từ phi trường LAX, Los Angeles đến đây, tôi thấy một người Á châu thấp người, béo tốt, cùng một người bạn đến gần chúng tôi. Anh ta e dè hỏi bằng tiếngViệt:
- Xin lỗi, có phải ông là T. mới từ Việt Nam sang không?
Tôi nhìn kỹ hai người đối diện. Đột nhiên tôi bỗng cảm thấy nhẹ nhõm như trút được gánh nặng lo âu - nỗi lo của người “tứ cố vô thân” vừa bước chân đến xứ sở xa lạ! Thì ra họ là hai bạn đồng môn đã quen thân với tôi từ lâu , và cũng đã lâu chưa gặp nhau. Nhưng hôm ấy tôi vẫn còn nhận ra những nét thân quen trong giọng nói, trên nét mặt của họ…
Tôi vui mừng đáp:
-Vâng, đúng rồi! Tôi là T. và đây là bà xã và các con con của tôi…Các bạn chờ chúng tôi có lâu không?
Người bạn có dáng thấp bé vui vẻ nhanh nhẹn bắt tay tôi, bông đùa:
-Ồ, chờ rất lâu! Mà này, ông là “T. đen” đấy hả? Trông ông khác xưa nhiều quá! Tụi tôi cứ ngờ ngợ mãi, chỉ sợ hỏi lầm “ông cụ già” nào đó thì “quê” quá!...Còn tôi là “P. Guigoz” đây! Ông bạn “tháp tùng” tôi là “H. thuốc”. Ông còn nhớ những tên “cúng cơm” do anh em đặt cho chúng mình không?
Hơn năm mươi năm chúng tôi không gặp kể từ ngày ra trường. Thế nhưng các bạn tôi cũng không thay đổi bao nhiêu. Riêng anh P., trông vẫn giống hình em bé bụ bẫm in trên nhãn hiệu sữa bột Guigoz, mà từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường Hành chánh Sài Gòn,các bạn đã đặt biệt hiệu này cho Anh.
Sau một hồi hàn huyên chuyện cũ, hai bạn chở gia đình chúng tôi về căn nhà mới thuê, chưa kịp trang bị bàn ghế, giường nệm chi cả…
Buổi tối hôm đó, khoảng mười giờ, Anh lái xe đến nhà tôi, gõ cửa và nói to:
- T. ơi! Ra phụ với tôi khiêng tấm nệm vào cho các cháu nằm tạm đêm nay đi…
Tôi mở cửa bước ra, nhìn chiếc xe. Một hình ảnh vừa nực cười vừa cảm động hiện ra trước mắt. Một tấm nệm khổng lồ nằm trên mui xe, với dây nhợ buộc chằng chịt. Trong xe chất đầy đồ gia dụng: quạt máy, radio, chăn mền…Vừa vươn người với tay lên mui xe để tháo tấm nệm xuống, Anh cười cười, hãnh diện nói:
- Cậu thấy đó! Chiếc xe của tôi trông giống tàu lượn không? Tôi lái một mạch từ nhà đến đây, qua hai freeways, rồi mấy đường phố, mà vẫn “bình an vô sự”! Có lúc chạy nhanh quá, tôi có cảm tưởng như bay khỏi mặt lộ. May mà hôm nay trời không có gió, nên xe không lật đó ! Thật nhờ trời!
Dĩ nhiên nhờ “ông trời có mắt” không phụ lòng kẻ có trái tim rộng mở, hết lòng với đồng môn, bạn bè…như bạn P. của tôi.
Bẵng đi một dạo, sau khi cuộc sống gia đình chúng tôi đã bắt đầu ổn định, tôi ít có cơ hội gặp Anh. Tuy nhiên, trong những lần tham dự Họp mặt Tất niên của Hội Cựu Sinh Viên Hành Chánh, tôi thường thấy Anh xuất hiện trong những chương trình văn nghệ. Anh vẫn hăng say trong khi trình diễn những bản hợp ca, đơn ca, độc tấu Tây Ban Cầm. Hăng say đến độ, có lúc đàn bị đứt dây mà Anh vẫn tiếp tục trình diễn. Trước đó khoảng hai năm, trong buổi họp mặt bạn cùng Khóa, tôi đã có dịp tặng Anh một tập thơ sáng tác thuở còn là sinh viên ở Sàigòn - để Anh ngâm nga giải trí …
Một buổi tối, tôi nghe giọng anh trong điện thoại:
- Alô, T đó hả? P. đây! Mình mới phổ nhạc vài bài trong tập thơ của cậu đó! Mình đã thu vào băng cassette, cậu nghe thử vài đoạn xem thế nào nhé!
Sau đó qua đường dây điện thoại, tôi nghe văng vẳng tiếng hát của Anh, hòa với tiếng Tây Ban Cầm phụ họa. Tôi vừa nghe, vừa cảm phục cho lòng nhiệt thành với bạn bè, niềm say mê âm nhạc của anh … Giọng anh thật tha thiết, mạnh mẽ; cách đệm đàn guitar thật sôi nổi; và lối trình diễn như một nghệ sĩ du ca.
Thế rồi, trong một buổi chiều định mệnh tháng 8 năm 2002, Anh đến văn phòng làm việc của tôi để lấy thêm một bài thơ mới tôi vừa sáng tác trong chuyến về thăm gia đình ở Sàigòn. Anh tâm sự:
- Cậu biết không, trước mắt chúng mình cuộc đời còn ngắn ngủi lắm! Phải làm một cái gì để lưu lại về sau. Tôi dự định sẽ sáng tác thêm một số bài ca nữa - phổ theo ý thơ của bạn bè thân hữu - để còn thực hiện CD, tặng anh em nghe chơi!
Ôi! Mộng ước thật bình thường, nhưng cũng thật cao cả. Tất cả vì bạn bè thân hữu! Nhưng mộng ước chưa thành thì anh đã ra người thiên cổ! Và đó là lần cuối tôi gặp Anh. Sau ngày Anh mất, một số thân hữu đã thực hiện mộng ước của Anh. Anh H. bạn cùng Khóa, đã thực hiện một CD, trong đó chứa đựng những bài ca do người đồng môn tài hoa nhưng vắng số đã sáng tác, trình bày...
Anh P. đã về bên kia thế giới, nhưng tiếng hát ca Anh vẫn còn vang vọng. Vang vọng trong lòng tôi như buổi sớm mùa thu hôm nay. Trong dĩa nhạc có tiếng ca tha thiết của anh, tôi như thấy có ẩn chứa một định mệnh nghiệt ngã khi sáng tác bản nhạc Thu Ly Biệt do chính Anh đặt lời ca:
Thôi từ biệt em yêu
Khuất xa triền núi cao
Em, mình đành chia ly
Lối anh đi chiều thu lá vàng
Anh một mình lẻ loi
Với trăng sao gió núi mây ngàn…
NP
Cuộc đời Anh là cả một chuỗi dài tranh đấu để vượt qua định mệnh nghiệt ngã. Trong thời gian ở trong trại tù “cải tạo” CS, Anh đã âm thầm tổ chức vượt trại cùng hai người bạn đồng tù. Trải qua bao đọan đường trốn chạy, hai bạn kia bị bắt lại, bị bắn chết. Riêng Anh đã vượt thoát, sống sót trở về Sàigòn, trốn tránh một thời gian trước khi vượt biên sang ra nước ngoài để đoàn tụ cùng vợ con nơi đất Mỹ…Nhân một buổi họp mặt vui vẻ cùng anh em đồng môn tại Nam Cali, tôi đã hỏi Anh về “bí quyết mưu sinh thoát hiểm” đã khiến Anh vượt trại tù CS một cách an toàn như thế?
Anh chỉ cười đáp:
- Ồ! Có bí quyết gì đâu! Chẳng qua vì mình “nhỏ con thấp người” nên chúng nó bắn không trúng đó thôi!
Anh đã an toàn sau hai lần thoát hiểm: trốn trại, vượt biên. Nhưng giờ đây, định mệnh đã an bài, Anh không thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần!
****
Vào một buổi chiều nhạt nắng, trên đường lái xe đi làm về, tôi mở lại băng nhạc mà anh P đã ngẫu hứng đàn hát, tự ghi âm và sau đó đã gởi đến tặng tôi như món quà tri âm tri kỷ! Tiếng đàn hát của Anh đã khiến tôi xúc động…Bất giác tôi ngậm ngùi nhớ lại thuở thanh xuân tại quê nhà, với những buổi chiều ngồi uống rượu với bạn bè trong một quán nhỏ bên sông, và nghe các bạn cảm hứng ngâm thơ, ca hát. Và có lẽ, bạn cũng như tôi, đã một lần đến ngồi ở những chiếc quán nho nhỏ ven sông như thế…Có thể ở Sàigòn, Tiền Giang, Hậu Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế…hay ở một vùng nông thôn nào đó trên giải đất Miền Nam nước Việt mến yêu, vào những ngày tháng năm xưa.
Anh P. đã vĩnh viễn ra đi, xa vắng bà con, bạn bè, nhưng tiếng hát của Anh mãi mãi còn vang vọng trong tâm tư mọi người. Tiếng hát ấy là nhịp cầu giao cảm, chứa chan tình người, tình quê hương đất nước mà ta đã lìa bỏ ra đi. Tiếng hát ấy gợi lại những hình ảnh xa xưa ở quê nhà mà ta những tưởng đã chìm vào quá khứ lãng quên.
Tam Bách Đinh Bá Tâm
No comments:
Post a Comment