TAM BÁCH ĐINH BÁ TÂM
Buổi sáng hôm ấy tôi dậy sớm để thưởng thức không khí đặc biệt của những ngày đầu Xuân 2014. Mở hộp thư điện tử trong máy vi tính, tôi bàng hoàng xúc động khi đọc thư của em gái từ Việt Nam báo tin buồn: “Ca sĩ Hà Thanh, Tiếng Hót Họa Mi của Miền Đất Thần Kinh đã vĩnh viễn ra đi”. Tin này do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông - tác giả những bản nhạc nổi tiếng một thời được ca sĩ Hà Thanh trình bày – đã loan báo và nhanh chóng loan truyền cho bằng hữu trong nước cũng như ở hải ngoại. Cùng lúc, tôi cũng được biết tin buồn này do nữ đồng môn Bạch Lan, hiền muội của ca sĩ Hà Thanh thông báo.
Sự ra đi vĩnh viễn của người nữ ca sĩ khả ái, khả kính này được rất nhiều người biết đến. Nhiều bài viết về cuộc đời của chị tới tấp đưa lên trang thư điện tử. Tôi cũng muốn gửi đến chị Bạch Lan- nữ đồng môn QGHC của tôi một lời phân ưu sâu sắc. Nhưng, làm sao gói trọn được nỗi đau buồn trong vài hàng chữ, mà tình cảm của tôi đối với hiền tỷ của chị Lan thì quá dài? Dài như quãng đường từ Huế vào Sài gòn. Rồi từ thành phố đã thay tên đổi chủ ấy, tôi mang theo đến tận miền đất tỵ nạn xa xôi, cách xa một biển Thái Bình mênh mông!
Theo thời gian, tình cảm của tôi đối với người nữ danh ca khả ái này còn nhiều hơn nữa! Tiếng hát của ca sĩ Hà Thanh đã làm rung động trái tim tôi từ khi chị bắt đầu hát cho đài Phát thanh Huế, sau cuộc tuyển lựa ca sĩ năm 1955 do đài tổ chức. Những buổi chiều tan học về, tôi dừng chân bên cầu Trường Tiền, lắng nghe tiếng hát Hà Thanh. Từ chiếc loa của đài phát thanh, trên bờ hữu ngạn, tiếng hát theo làn nước Hương giang vang vọng thật xa, xa mãi đến cầu Bạch Hổ mờ ảo trong sương chiều…
Thuở ấy, tôi chỉ là một thanh niên “hương đồng gió nội” từ Miền Nam Trung bộ cùng gia đình trốn chạy Việt Minh đến Huế vào mùa đông năm 1954. Những ngày nghỉ học, cậu học sinh Trung học Nguyễn Tri Phương thường đến chơi nhà một người bạn ở cạnh nhà ga xe lửa Huế. Người bạn chỉ cho cậu biết nhà của thân phụ cô Lục Hà, một người đẹp trường Đồng Khánh, hát rất hay trong chương trình “Tiếng Nói Học Sinh Quốc Học-Đồng Khánh” trên đài
phát thanh Huế lúc bấy giờ. Đó là một khu nhà vườn cổ kính ở mé bên này nhánh sông Hương, nối liền với sông An Cựu “nắng đục mưa trong”; nhìn sang mé bên kia sông là trường Pellerin. Thỉnh thoảng, tôi thoáng thấy cô Lục Hà trong nhà sách Uyên Bác, tiệm bán sách báo và dụng cụ học sinh bên hữu ngạn sông Hương, do các chị em trong gia đình quản lý. Cậu học sinh “chân quê” mới đến xứ Huế như tôi, tình cảm đầy ắp trong tim, nhưng tiền bạc còn trống vắng trong hầu bao của một hàn sĩ! Cho nên tôi chỉ biết lấy cớ mua vài quyển tập vở học trò… để được ngắm xa xa các chị em nhà sách Uyên Bác; nhất là nhìn cô Lục Hà, tức nữ ca sĩ Hà Thanh lúc ấy đã nổi danh nơi miền đất Thần kinh!…
Về sau, theo Ba Mẹ vào Sài gòn, nơi thủ đô hoa lệ với những ca sĩ nổi danh một thời như Thái Thanh, Thanh Thúy, Bạch Yến, Minh Hiếu, Hoàng Oanh, Trúc Mai… tôi vẫn không làm quên được tiếng hát của ca sĩ Hà Thanh. Đó là giọng ca cao vút nhưng ngọt ngào, tự nhiên và truyền cảm như làn gió nhẹ ; như lời tình tự giữa trăng thanh gió mát vùng sông Hương núi Ngự ; với những luyến láy cuối câu nhẹ nhàng, lả lướt như tiếng đàn Hạ uy cầm. Giọng ca nhẹ nhàng, óng ả tự nhiên ấy đã khiến những bài ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thêm phần khởi sắc.
Ngày tôi ra trường Hành chánh, đi phục vụ ở một quận, sát biên giới Việt Miên, vẫn không quên mang theo chiếc máy cassette và các cuộn băng nhựa chứa tiếng hát của ca sĩ Hà Thanh. Tiếng hát nhẹ nhàng, tha thiết và lắng sâu khiến tôi tạm quên tiếng pháo kích ì ầm về đêm. Tiếng hát như gợi lại trong tôi giấc mơ của cuộc sống thanh bình ở Miền Nam khi chưa ngập tràn trong khói lửa. Những “Chiều Mưa Biên Giới”, “Mấy Dặm Sơn Khê” đã củng cố cho tôi niềm tự hào của một người trai thời loạn, một chiến sĩ hành chánh nơi chốn tiền đồn heo hút xa xôi:
Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng
Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê
Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông
Kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa
(Mấy Dặm Sơn Khê- NVĐông)
Sau ngày Sài gòn sụp đổ, người miền Nam như lạc đàn tan nghé. Hàng triệu dân quân cán chính, những văn nhân nghệ sĩ …vì yêu chuộng tự do đành bỏ nước ra đi. Tại hải ngoại, giới ca sĩ xuất hiện lại trên sân khấu. Những băng nhạc bắt đầu ra mắt đồng hương, đem lại những giây phút thoải mái, khiến niềm thương nhớ cố quốc cũng tạm vơi đi. Những ca sĩ một thời nổi đình nổi đám trong các phòng trà, các nhà phát hành nhạc tại Miền Nam trước năm 1975…lại xuất hiện trên những Show diễn ca nhạc, với lối kinh doanh quy mô hơn xưa. Có một số các ca sĩ mới nổi danh nhanh chóng, không phải vì giọng ca tiếng hát mà do lối trình diễn táo bạo, phô bày nhan sắc “tô lục chuốc hồng”, thân hình gợi cảm với không ít cảnh “trang phục nghèo nàn” trên sân khấu.
Một nhạc sĩ lão thành từ trong nước sang Mỹ thăm chơi, đã có nhận xét rằng, ca sĩ ngày nay không chỉ nổi danh vì tài nghệ ca hát mà còn vì nhan sắc và lối trình diễn gợi cảm. Khán giả chủ ý đi “xem hát” chứ không phải đi “nghe hát”! Một số ca sĩ tỵ nạn ở hải ngoại, giờ đây cúi mặt quay về cố quốc để kiếm thêm bổng lộc - nhiều hơn những ca sĩ trẻ trong nước! Trong khung cảnh bát nháo của một số ca sĩ hải ngoại, không thấy bóng dáng ca sĩ Hà Thanh. Ít khi chị xuất hiện trên sân khấu các Show trình diễn ca nhạc. Chị lặng lẽ hát lại những ca khúc xưa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, những ca khúc bất hủ đã đưa người ca sĩ miền đất Thần kinh lên đài danh vọng như Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Nhớ Một Chiều Xuân, Hải Ngoại Thương Ca; Khúc Tình Ca hàng Hàng Lớp Lớp của Nguyễn Văn Đông ; CD Sầu Mộng gồm mười nhạc phẩm được chọn lọc của Phạm Vũ như Hương Bay, Sầu Mộng, Mây Mùa Thu...
Những năm tháng xa xứ, tôi thường trăn trở cõi lòng khi nhớ về cố quốc xa xôi. Và cũng như bao đồng hương tỵ nạn nơi xứ người, tôi bỗng thấy lòng nhung nhớ hình bóng người ca sĩ miền đất Thần kinh mà đã nửa thế kỷ qua chưa gặp lại- bắt đầu từ ngày nhìn thấy cô nữ sinh Lục Hà ở nhà sách Uyên Bác bên bờ sông Hương. Đã xa rồi những đêm mưa gió nơi quận biên thùy Lộc Ninh, nghe ca sĩ Hà Thanh cất tiếng hát “Chiều Mưa Biên Giới”. Cũng đã xa rồi, những đêm nằm nghe quân thù pháo kích, tấn công vào quận Xuân Lộc - với biết bao chiến sĩ đã hy sinh thân mình cho sự đứng vững thành lũy cuối cùng của mặt trận Long Khánh. Bên tai tôi như còn vẳng nghe tiếng hát của ca sĩ Hà Thanh:
Còn đây đêm cuối cùng
Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha,
ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em
Người đi giúp núi sông
Hàng hàng lớp lớp chưa về
hàng hàng nối tiếp câu thề dành lấy quê hương
(Ca khúc Hàng Hàng Lớp Lớp, tức Khúc tình ca Kinh Kha - Nguyễn Văn Đông)
Và cũng tại nơi chốn hải ngoại này, qua bản nhạc Hải Ngoại Thương Ca của Nguyễn Văn Đông, tiếng hát của ca sĩ Hà Thanh gợi lại trong tôi thân phận của kẻ tỵ nạn ly hương, luôn hướng lòng về quá khứ đau thương nơi cố quốc…
Những năm cuối đời, ca sĩ Hà Thanh chuyển sang hát nhạc Thiền. CD Ngát Hương Đàm gồm 12 ca khúc mang mầu sắc Phật Giáo, ngợi ca đức tin, lòng yêu thương, huyền nhiệm cao cả giữa đạo và đời. Vốn là một Phật Tử, Hà Thanh thường đi trình diễn trong dịp lễ của Phật Giáo như một đóng góp công quả cho các chùa mà chị đến tham gia…Trong bài viết “ Hà Thanh, tiếng hát hoa đào vừa rụng” tác giả Hoàng Lan Chi, bạn thân của ca sĩ Hà Thanh cho biết: “Hà Thanh bịnh đã khá lâu nhưng chị không cho tôi biết. Một lần qua anh Lê Hữu, tôi được tin chị mới vào bệnh viện. Tôi gọi cho chị, lúc đó là cuối năm 2012 thì phải. Lúc đó chị mới cho hay chị bị ung thư máu và bác sĩ không thay tuỷ vì đã ngoài sáu mươi. Hà Thanh vẫn lạc quan. Có vẻ chị sùng đạo Phật, ăn chay trường đã lâu nên sinh tử là chuyện không ảnh hưởng nặng nề với chị. Tôi báo tin cho anh Nguyễn Văn Đông thôi vì Hà Thanh không muốn ai biết. Anh chỉ lặng lẽ cầu nguyện cho chị...”
***
Một danh tướng Hoa kỳ, Đại tướng McArthur đã từng nói “Người lính già không bao giờ chết; họ chỉ tan biến đi thôi” (Old soldiers never die; they just fade away). Ca sĩ Hà Thanh, Tiếng Hát của Miền đất Thần Kinh đã vĩnh viễn ra đi, để lại bao thương tiếc cho thính giả ái mộ. Giờ đây chắc hẳn chị đang an giấc ngàn thu ở một thế giới an bình và hạnh phúc- nơi đó không có hận thù, bất công; nơi đó không có áp bức, bạo tàn… Chị đã vĩnh viễn ra đi, nhưng tiếng hát chị vẫn còn vang vọng trong lòng tôi, trong lòng biết bao thính giả ái mộ chị.
Đêm nay tôi viết những dòng này khi niềm cảm xúc dâng tràn trong tim. Tôi muốn mượn những lời tâm tình chân quê mộc mạc - như thuở còn là một thanh niên “hương đồng gió nội” của những ngày mới đến Huế, để thay nén hương lòng thắp lên trong đêm tối mênh mông của những ngày đông giá rét nơi xứ sở tỵ nạn này.
Tam Bách Đinh Bá Tâm
No comments:
Post a Comment